Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

Nhà thơ Chế Lan Viên: Cái nhát thiên tài lóe ở cuối câu

Nhà thơ Chế Lan Viên: Cái nhát
thiên tài lóe ở cuối câu

Với tôi, Chế Lan Viên là nhà thơ toàn năng, quyền biến, trường sức và giàu nội lực. Thơ ông là thơ của một người có một bề dày văn hoá, có chiều sâu của sự trải nghiệm và có tư tưởng. Thơ ông là thứ thơ “cảm xúc trí tuệ”…
Nhà thơ Chế Lan Viên
1. Hồi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tôi đặc biệt thích 2 bài thơ: “Xuân” và “Người đi tìm hình của nước” mà Chế Lan Viên là tác giả. Hai bài thơ mang hai phong cách thật khác nhau. Bài “Xuân” (trích từ tập “Điêu tàn”) có những câu thật tâm trạng và ám ảnh: “Tôi có chờ đâu có đợi đâu/ Đem chi xuân đến gợi thêm sầu/ Với tôi tất cả đều vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau/ Ai đâu trở lại mùa thu trước/ Nhặt lấy cho tôi những lá vàng“.
Còn bài thơ “Người đi tìm hình của nước” (trích từ tập “Ánh sáng và phù sa”) có một cái tứ rất lạ, thể hiện rõ nét trong 4 câu: “Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất/ Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai/ Thế đứng đi của toàn dân tộc/ Một cách vin hoa cho hai lăm triệu con người“.
Những câu “Trăm cơn mơ không chống nổi một đêm dày/ Ta lại mặc cho mưa tuôn và gió thổi/ Lòng ta thành con rối/ Cho cuộc đời giật dây/ Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê/ Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ”; “Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá”; “Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc…” luôn gây ấn tượng cho tôi. Tôi dám chắc vào những năm 30, 40, 50, 60 của thế kỷ trước, không mấy nhà thơ có những câu thơ viết có nghề, lại có hiệu quả nghệ thuật cao như vậy.
Lớn lên, càng đọc thơ Chế Lan Viên tôi càng khâm phục và kính trọng ông.
Với tôi, Chế Lan Viên là nhà thơ toàn năng, quyền biến, trường sức và giàu nội lực. Thơ ông là thơ của một người có một bề dày văn hoá, có chiều sâu của sự trải nghiệm và có tư tưởng. Thơ ông là thứ thơ “cảm xúc trí tuệ”. Trải qua nhiều năm, từ khi còn ở tuổi hoa niên cho đến lúc đã đến tuổi xế chiều, ở bất cứ thời kỳ nào, ông cũng có những bài thơ hay và những câu thơ hay. Đôi lúc, tôi có cảm giác: Dường như động đến bất cứ đề tài nào, Chế Lan Viên đều có thể làm được thơ và có thơ hay. Ông thường là người “đào sâu, xoáy mạnh” trong thơ như ông thường xuyên khuyên những nhà thơ trẻ.
Riêng về số lượng, ông có cả nghìn bài thơ in thành hai tập thơ dày quãng 1.400 – 1.500 trang sách khổ 14,5 x  20,5cm. Điều đó chứng tỏ năng lực sáng tạo thi ca của ông rất tiềm tàng.
Sinh thời, nhà thơ Nguyễn Đình Thi coi hai câu thơ: “Em đi như chiều đi/ Gọi chim vườn bay hết” là hai câu thơ tài tình nhất của Chế Lan Viên.
Sinh thời, nhà thơ Phạm Tiến Duật coi câu thơ: “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét” là câu thơ độc đáo, giản dị mà sâu sắc của Chế Lan Viên.
Còn nhà thơ Hữu Thỉnh thì coi hai câu thơ: “Khi vui lấy núi làm vui/ Khi buồn nhặt trái sim rơi đỡ buồn” là một cặp lục bát rất giàu tâm sự và là hai câu thơ vừa quý vừa hiếm trong bối cảnh thơ kháng chiến chống Pháp của Chế Lan Viên.
Không gian thơ của Chế Lan Viên rất rộng và đa chiều. Thơ ông không chỉ đề cập đến cuộc sống, đến thời cuộc… mà còn đề cập đến số phận của thơ, đến số phận của các nhà thơ. Có lúc, ông tiếc cho những nhà thơ sống và làm thơ không xứng với tầm cỡ của mình:
Những nhà thơ bỏ các đề tài khoáng đạt
Về trong phòng con ngột ngạt
Như con hổ đại ngàn
Hoá chú mèo con
Xưa đến thác rừng uống những vầng trăng
Nay liếm miếng thịt con trong bát
Và thiên hạ thấy chú lấy tiếng meo meo làm tiếng hát
Thay cho những tiếng gầm náo động không gian.
Vốn sinh ra là hổ, nay lại bị đội lốt mèo. Từng “uống những vầng trăng”, nay lại phải “liếm miếng thịt con trong bát”, vậy mà còn “lấy tiếng meo meo làm tiếng hát” thì thật là bi kịch.
Cũng có lúc, ông lại thương cho những nhà thơ diễn trò vì bất tài:
Những nhà thơ mất giá
Lại thường hay đổi tiền
Mong dùng nhiều chữ lạ
Lừa người tiêu quá quen.
Lấy hiện tượng đổi tiền vì mất giá và hy vọng định qua mặt “người tiêu quá quen” bằng cách “mong dùng nhiều chữ lạ” như mong dùng những đồng tiền vừa buộc phải đổi lại thì cũng là một bi kịch không hơn không kém.
Lúc trẻ, ông tự ví mình là “Một cánh chim thu lạc cuối ngàn”. Khi về già, ông tự nhận ra mình là “Tháp Bay-on bốn mặt” mà suốt đời phải “giấu đi ba” trong bài thơ “Tháp Bay-on bốn mặt”:
Anh là tháp Bay-on bốn mặt
Giấu đi ba, còn lại đấy là anh
Chỉ mặt đó thôi mà nghìn trò cười khóc
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình.
Và trên hết, ông là một nhân vật lớn với chiều kích lớn:
Dẫu mai này trái đất chẳng còn anh
Anh vẫn còn nguyên trái đất
Tặng cho mình.
2. Ngay từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Chế Lan Viên đã có một bài thơ mang tên “Sổ tay thơ” đáng lưu ý. Bài thơ dài khoảng 150 câu có hàm lượng tổng kết, khái quát, đúc rút về thơ và về người làm thơ rất đáng kể. Bên cạnh “Sổ tay thơ”, ông còn có nhiều bài thơ khác mang giá trị tương tự. Đó là “Nội dung và hình thức”, “Thơ bình phương – đời lập phương”, “Làm thơ”, “Thơ cầm tay”, “Thơ về thơ”, “Thơ cao cả”, “Thơ”, “Thơ hiện đại”, “Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ…”, “Chống lại với thơ Đường”, “Siêu thực”, “Thơ thế kỷ 20”, “Mở và khép”, “Thơ cao cả”, “Thơ thế kỷ 21”, “Săn thơ”, “Phong cách”, “Thi pháp trẻ”, “Văn xuôi và thơ”…
Và nhiều nữa. Có thể dẫn ra hàng loạt dẫn chứng chí lý từ những bài thơ này: “Thơ đong từng ngao như tát bể/ Là cái cân nhỏ xíu lại cân đời”; “Thơ dở không dịch được/ Thơ hay như người đẹp/ Ở đâu đi đâu cũng lấy được chồng”; “Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi?/ Còn một nửa, cho mùa thu làm lấy”; “Nào máu có cấu trúc gì đâu, mà lòng ta chấn động/ Chẳng cấu trúc nào trên trang giấy của anh thay được máu người…”.
Tôi nghĩ những câu thơ ấy đủ trở thành những gợi ý, những xuất phát cho những bài viết dài dài trong địa hạt phê bình, lý luận, nghiên cứu từ sau khi chúng ra đời. Riêng tôi, tôi gọi đấy là thứ thơ-phê bình, thơ-lý luận, thơ-nghiên cứu hoặc phê bình, lý luận, nghiên cứu thơ bằng thơ hết sức đặc hữu của Chế Lan Viên.
Là nhà thơ thiên về trí tuệ nên thơ tình của Chế Lan Viên cũng thiên về trí tuệ và thuyết phục người đọc từ trí tuệ. Bài “Tình ca ban mai” là một ví dụ tiêu biểu:
Em đi, như chiều đi
Gọi chim vườn bay hết
Em về tựa mai về
Rừng non xanh lộc biếc
Em ở, trời trưa ở
Nắng sáng màu xanh tre
Tình em như sao khuya
Rải hạt vàng chi chít
Sợ gì chim bay đi
Mang bóng chiều đi hết
Tình ta như lộc biếc
Gọi ban mai lại về
Dù nắng trưa không ở
Ta vẫn còn sao khuya
Hạnh phúc trên đầu ta
Mọc sao vàng chi chít
Mai, hoa em lại về…
Khi bình bài thơ này, tôi đã viết: “Tình ca ban mai” có thể còn có một tên gọi khác: “Tình ca ánh sáng”. Bởi vì em (tình em) như ánh sáng và như sự sống của anh vậy, nên em đi hoặc em ở đều có tác động, ảnh hưởng lớn đến anh. Em đi làm cho chiều đi, chim vườn đi; em về làm cho mai về, lộc biếc về; em ở thì trời trưa ở, nắng sáng ở… Nhưng tình ta còn mạnh hơn và cũng là một thứ ánh s áng, có thể gọi được cả ban mai về… Thế mới biết cái sức mạnh từ em, từ tình yêu của em, từ tình yêu của hai ta… có lắm khi cũng phi thường thật!
3. Cả đời làm thơ, không ai nghĩ về việc làm thơ, về nghề thơ có thể khốc liệt, lạ lẫm và khác người như Chế Lan Viên:
Đánh giáp lá cà trong trận chữ
Đừng lùi vào thế thủ
Bước đường cùng thì cũng phải đà đao
Cái nhát thiên tài lóe ở cuối câu.
(“Đà đao”)
Trong trường hợp này, ông coi công việc người làm thơ, của nhà thơ là “năm ăn năm thua”, là “một mất một còn” với ngôn từ: “Đánh giáp lá cà trong trận chữ” và người làm thơ phải cố gắng “Đừng lùi vào thế thủ”. Một khi rơi vào “Bước đường cùng thì cũng phải đà đao”.
Theo tôi được biết qua “Tam quốc diễn nghĩa”: Đà đao là một thế võ sử dụng binh khí. Một khi không hạ gục được đối thủ trong cuộc đấu tay đôi, bậc cao thủ thường giở ngón võ cuối cùng là giả vờ quay đầu chạy trong thế giống như bị ngã ngựa, làm như mình bị thất thế, khiến đối phương chủ quan, khinh địch. Rồi chỉ chờ có thế, bậc cao thủ quật đao lại, hạ thủ đối phương một cách hết sức bất ngờ. Nếu tôi không nhầm thì trong “Tam quốc diễn nghĩa”, khi xung trận, chỉ có hai danh tướng có sở trường về đà đao, hiểu biết về đà đao là Quan Vũ (nước Thục) và Bàng Đức (nước Ngụy).
Từ tên một thế võ trở thành tên một bài thơ và một tứ thơ, từ một cuộc tỷ thí võ trong một trận đánh đi vào một cuộc tỷ thí với “trận chữ” – đó là biệt tài khai thác vốn hiểu biết sâu rộng có phần biến hóa từ kiến thức lịch sử của Chế Lan Viên.
Cuối cùng thì người làm thơ chiến thắng vì “Cái nhát thiên tài lóe ở cuối câu”. Câu kết của “Đà đao” là một câu thơ xuất thần, được dồn nén từ ba câu thơ đầu.Không có câu thơ này thì tứ thơ rất khó đứng vững.
“Cờ bạc ăn nhau về cuối”, cũng như thơ ăn nhau ở kết cục, là như vậy!.
14/12/2019
Đặng Huy Giang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...