Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

Nhà thơ Tế Hanh: Lạt mềm buộc chặt

Nhà thơ Tế Hanh:
Lạt mềm buộc chặt

Có một thời, nếu chọn 5 gương mặt tiêu biểu của nền thơ đương đại Việt Nam, các nhà phê bình thường nhắc tới: Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên và Tế Hanh. 5 nhà thơ ứng với 5 ngón tay trên một bàn tay – một bàn tay được coi là “nắm đấm thép” của nền thi ca cách mạng. Trong 5 ngón tay ấy, vị trí có thể được sắp xếp lại giữa các ngón từ thứ 2 tới thứ tư, nhưng vị trí ngón cái (thuộc về Tố Hữu) và ngón út (ứng với Tế Hanh) thì dường như không thay đổi.
Nhà thơ Tế Hanh (1921-2009)
Vẫn biết, mọi sự so sánh đều khập khiễng, và những ai đã yêu thơ Tế Hanh thì tình yêu ấy hẳn sẽ rất bền bỉ, thủy chung, song quả là xét trên một số bình diện (như sự phong phú về đề tài, sự đa dạng trong bút pháp, hay sức khái quát hiện thực), tầm vóc của Tế Hanh có phần khiêm nhường hơn so với các nhà thơ nói trên. Là tác giả của 15 tập thơ, song Tế Hanh chưa có tập nào thật nổi trội và gây tác động mạnh tới cả nền thơ kiểu như “Việt Bắc” của Tố Hữu, “Ánh sáng và phù sa” của Chế Lan Viên, “Trời mỗi ngày lại sáng” của Huy Cận, “Riêng chung” của Xuân Diệu. Không thật nổi trội song hầu như ở tập thơ nào của Tế Hanh, bạn đọc cũng bắt gặp một đôi bài thơ hay. Có vẻ như trong cuộc chạy đua đường trường, Tế Hanh đã biết cách dưỡng sức để bảo toàn năng lượng cho mình? Bởi vậy mà cùng với độ lùi của thời gian, bỏ qua hàng loạt những bài thơ xốp xoáp, hời hợt của Tế Hanh, ta sẽ thấy những gì ông để lại cho đời không hề ít ỏi.
Năng khiếu thi ca của Tế Hanh phát lộ sớm (Tế Hanh từng kể: Khi đọc hai câu thơ của Lưu Trọng Lư: “Đêm ấy, xuân vừa sang/ Em vừa hai mươi tuổi”, ông bĩu môi: “Những hai mươi tuổi”, ý chê như vậy là… già). Ở tuổi 17, 18, Tế Hanh đã viết nên những thi phẩm từng được nhiều người nắc nỏm: Đó là các bài “Lời con đường quê”, “Những ngày nghỉ học”, “Quê hương” – 3 trong số 4 bài mang nhãn mác Tế Hanh được Hoài Thanh, Hoài Chân chọn đưa vào cuốn hợp tuyển “Thi nhân Việt Nam”. Năm 1939, nhà văn Nhất Linh đã viết trên Báo Ngày nay: “Có thể gọi hai bài thơ “Quê hương” và “Những ngày nghỉ học” là hai bài thơ hay của thi ca Việt Nam và hai bài đó xác định giá trị về nhà thơ Tế Hanh”.
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…
Bạn đọc ngày nay chắc không mấy ai còn thấy được sự mặn mòi, hấp dẫn của những câu thơ mang đậm yếu tố tả thực được tác giả viết ra cách đây trên bảy chục năm. Sóng gió thời gian đã bào mòn, đã làm hư hại rất nhiều con – thuyền – thơ được cấu tạo bởi những chất liệu không bền vững, không đủ sức đương đầu với những chuyến “đi xa” như vậy. Vả chăng, cũng vẫn chủ đề ấy, lối viết ấy sau này đã bị chính Tế Hanh vượt qua bởi những bài thơ có giai điệu quặn siết hơn, hình ảnh lấp lánh hơn, khơi gợi hơn (đơn cử như bài “Nhớ con sông quê hương”). Riêng hai bài “Lời con đường quê” và “Những ngày nghỉ học” là còn giữ nguyên được sức hút ban đầu. Đó là những bài có ý tưởng, cấu tứ lạ, thuộc loại hiếm gặp trong thơ ca cổ kim.
Hãy xem, trước Tế Hanh, đã có ai chứng kiến nỗi đau tê tái chia ly trên một sân ga mà “nghe ra” được từ cái khối sắt thép đồ sộ của một đoàn tàu nỗi u ẩn của con người: “Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề/ Khói phì như nghẹn nỗi đau tê/ Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ/ Lòng của người đi réo kẻ về” (bài “Những ngày nghỉ học”)? Thơ ca Việt Nam không hiếm những câu viết về cảnh chia ly hay đến mức ám ảnh lòng người, song nghe tiếng còi tàu rúc lên thống thiết mà liên tưởng tới “Lòng của người đi réo kẻ về” thì cảm xúc thật là mãnh liệt. Khó có thể tưởng tượng nó được cất lên từ tâm hồn một cậu bé mới 17 tuổi.
Trước Tế Hanh, chưa ai “nghe ra” như vậy và sau Tế Hanh cũng không ai dám trùng lắp, vì đó là những câu mang dấu ấn riêng độc đáo. Cũng vậy, đến nay, thơ Việt đã đi vào nhiều chủ đề ngóc ngách, các thi sĩ sẵn sàng bóc tách mình ra để sắm nhiều vai, song hóa thân làm “Lời con đường quê” để ca ngợi cảnh đẹp bình dị, dân dã của quê hương gần như vẫn là “độc quyền” của Tế Hanh. Đọc những câu: “Tôi, con đường nhỏ chạy lang thang/ Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng/ Đến cuối thôn kia hơi cỏ vướng/ Hương đồng quyến rũ hát lên vang”, ta thấy thiên nhiên dù chỉ hiện lên với đôi nét đơn sơ song vẫn có sức mê hoặc… Hơi thơ tạo cảm giác rất thân gần, dù rằng cái việc để hương đồng cất lên tiếng hát ít nhiều mang dấu ấn của thơ tượng trưng Pháp (thuyết tương giao của Baudelaire: “Hương thơm, màu sắc và âm thanh tương giao cùng nhau”).
Với sự góp mặt của “Những ngày nghỉ học”, của “Lời con đường quê”, của “Quê hương”, năm 1940, tập “Nghẹn ngào” – tập thơ đầu tay của Tế Hanh (sau được tác giả bổ sung thêm một số bài và đổi tên thành “Hoa niên”, xuất bản lần đầu năm 1945) đã được nhận giải khuyến khích của nhóm Tự Lực văn đoàn. Việc một tập thơ có những bài từng được vị chủ soái của Tự Lực văn đoàn viết bài ngợi khen, nay lại chỉ được trao một giải ở thứ hạng thấp như vậy ắt có lý do? Thật ra, mọi sự cũng đơn giản thôi: Ngoài những bài hay như đã nói, ở phần còn lại của “Hoa niên”, tác giả trẻ đã để “lộ thiên” tất cả những gì mà người đời vẫn coi là… dở: Đề tài vụn vặt, tình cảm tầm thường, chữ nghĩa gượng ép, ý tưởng rối rắm, giai điệu rời rạc…(nhiều chỗ có cách bắt vần, ngắt câu, độn chữ rất dễ dãi, kiểu như: “Em trông đám đậu/ Cao hơn đám lúa/ Như anh cao hơn/ Em nửa cái đầu” – bài “Cánh đồng bao la”; “Bạn ơi, đây của, đây lòng/ Xin đem tặng bạn tặng không đủ rồi” – bài “Trao đổi”). Cũng “may”, tập thơ ra đời vào lúc phong trào Thơ Mới đang tuột dốc, người đọc quay lưng với thơ, tiếp đó ít tháng là sự kiện Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất. Vậy nên gần như không còn mấy ai để tâm đến sự xuất hiện của “Hoa niên”, kể cả cái được lẫn cái rất… chưa được của nó. Bản thân Tế Hanh, là tác giả song cũng phải 9 năm sau, từ cuộc kháng chiến chống Pháp trở về, lần đầu tiên ông mới nhìn thấy đứa con tinh thần của mình. Sau này, Tế Hanh cũng chỉ chọn mươi bài (trong số 40 bài) ở “Hoa niên” để đưa vào tập thơ tuyển của mình (NXB Văn học ấn hành năm 1987). Tỉ lệ ít vậy mà vẫn còn… “sạn”.
Nếu như đến với Cách mạng, Chế Lan Viên nhận thấy mình “Đi xa về hóa chậm/ Biết bao là nhiêu khê” thì với Tế Hanh, ông có vẻ thảnh thơi hơn. Dễ hiểu là sau thời “Hoa niên”, hành trang của Tế Hanh khá gọn nhẹ. Tế Hanh cũng thuộc típ nhà thơ có lối sống, lối nghĩ thuần hậu, dễ thích ứng với môi trường cuộc sống mới. Trước đây, cảm hứng thơ của ông chủ yếu thoát thai từ đời thực (hơn là từ sách vở). Sau này, mọi sự vẫn vậy. Tế Hanh là một trong những nhà thơ tiền chiến hiếm hoi khi đến với Cách mạng đã không phải thay đổi nhiều về lối viết. Hãy cứ hình dung: Nếu các bài “Quê hương”, “Lời con đường quê”, “Chiếc rổ may” của Tế Hanh không được in ra vào các năm 1938, 1939 (là năm ông sáng tác chúng) thì những bài ấy vẫn hoàn toàn có thể in được trên các ấn phẩm báo chí cách mạng sau Tháng Tám 1945 mà không hề sợ mang tiếng là “trà trộn tiêu tiền cũ trong chế độ mới”. Sự thực thì về nội dung, bài “Quê hương” có gì là không khỏe khoắn, lành mạnh so với “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận? Và “Lời con đường quê” có gì thiếu trách nhiệm với làng xã, thôn dân so với “Anh chủ nhiệm” của Hoàng Trung Thông? Phải thấy rõ điều này thì mới cắt nghĩa được tại sao Tế Hanh có thể dễ dàng hòa nhập với Cách mạng và có được những gặt hái như vậy, trong khi có bậc kiện tướng của phong trào Thơ Mới, sau Cách mạng năng lực sáng tác trồi sụt nghiêm trọng. Tất cả là do sự thích ứng nội tại của từng nhà thơ. Vậy nên đừng gán ghép “công ơn của Cách mạng” trong trường hợp Tế Hanh, cũng như đừng qui kết các tác giả không làm được những điều như ông là “thiếu mặn mà” với chế độ mới.
Trong “Thi nhân Việt Nam”, nhà phê bình Hoài Thanh đã mở đầu bài viết về Tế Hanh bằng một câu: “Tôi thấy Tế Hanh là một người tinh lắm”. Chắc không phải nói về cái “tinh” của đôi mắt, của sự quan sát cảnh trí, sự vật thông thường, bởi nói thế thì sau này biết giải thích thế nào về việc nhà thơ của chúng ta lâm vào tình trạng mù dở, rồi mù hẳn, trong khi thơ ông vẫn tiếp tục ra đời và chinh phục bạn đọc. Cái “tinh” ở đây là sự tinh tế, nhạy cảm của một hồn thơ trước vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp của con người, của tình đời; cái “tinh” của “Nơi mắt nhìn không tới/ Thì lòng ta đến thay” (thơ Chế Lan Viên viết tặng Tế Hanh). Chính cái nhìn của tấm lòng đã giúp Tế Hanh “thấy” được: “Mùa thu đã đi qua còn gửi lại/ Một ít vàng trong nắng trong cây/ Một ít buồn trong gió trong mây/ Một ít vui trên môi người thiếu nữ”, “thấy” được: “Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa/ Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa/ Làn nước qua ánh mắt ai đưa/ Cơn gió đến bàn tay em vẫy” (bài “Bài thơ tình ở Hàng Châu”). Cũng chính cái nhìn của tấm lòng khắc khoải không yên trước nỗi đau đất nước bị cắt chia đã giúp nhà thơ viết nên những câu thơ âm điệu nhẹ nhàng mà giàu sức lay động: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu” (bài “Nói chuyện với sông Hiền Lương”), giúp ông “nhìn” ra được từ bước chân của những người phụ nữ bán rau tươi: “Xuân từ ngoại thành vào nội thành/ Từng bước, từng bước, từng bước xanh…” (bài “Gặp xuân ngoại thành”).
Đối với những người làm thơ, không gì cũ bằng viết về mây bay, gió thổi, nước chảy, hoa trôi, trăng lên, trăng lặn, cây xanh, lá vàng… Thơ Tế Hanh đầy rẫy những hình ảnh trên. Điều lạ là ông đã “phù phép” thế nào mà có lúc chúng hiện lên quyến rũ và ám ảnh lạ thường. Đó là:
Trời màu xanh nước cũng xanh màu
Sợi gió đến se cùng sợi liễu
Sao ta vẫn một mình lẻ thiếu
Em ở đâu rồi em ở đâu?
(bài “Em ở đâu?”)
là:
Nông trường ta rộng mênh mông:
Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài
(bài “Nông trường cà phê”)
là:
Cuối thu trăng vẫn sáng trưng
Hoàng lan hoa sữa thơm lừng không gian
Hồ Tây, Hoàn Kiếm, Thuyền Quang
Nước thu sóng sánh soi hàng mây bay
Nhớ về Hà Nội hôm nay
Cây me cây sấu có thay lá vàng?
Con chim én đã về Nam
Giục anh trở lại cầm bàn tay em
(bài “Nhớ về Hà Nội hôm nay”)
Nguyễn Du đã viết rồi “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Thì ra, sức hấp dẫn của thơ Tế Hanh còn là ở sự quấn quyện giữa thiên nhiên và tình người. Thiên nhiên trong thơ ông không bao giờ trơ trọi một mình!
Tế Hanh được xem là người có nhiều câu thơ thoạt nghe tưởng như vu vơ, nhưng ngẫm kỹ lại sâu sắc, thấm thía, đụng tới chốn sâu xa của hồn người:
Không em anh chẳng biết mình
Không ngày hôm ấy đời thành ra sao?
(bài “Không ngày hôm ấy”)
Phố này anh đến tìm em
Người qua lại tưởng anh tìm bóng cây
(bài “Hà Nội vắng em”).
Ông cũng được tiếng là người giỏi tạo dựng tứ thơ. Ngoài bài “Vườn xưa” tương đối dài một chút, đa phần những bài có tứ đặc sắc đều rất ngắn:
Cơn bão nghiêng đêm
Cây gãy cành bay lá
Ta nắm tay em
Qua đường cho khỏi ngã
Cơn bão tạnh lâu rồi
Hàng cây xanh thắm lại
Nhưng em đã xa xôi
Và cơn bão lòng ta thổi mãi
(bài “Bão”).
Nhiều bài trong đó là thơ tứ tuyệt. Có bài nêu nỗi tủi phận trong sinh hoạt tuổi già:
Nhớ bạn ngày xuân tìm đến bạn
Về hưu nhà chật, cảm thêm tình
Thuở xưa đá bóng hai hai đứa
Cờ tướng nay anh đánh một mình
(bài “Đánh cờ một mình”)
Quyển sách đầu giường lạc đã lâu
Đến khi tìm lại mất trang đầu
Bụi nhòa dán gặm thương cho sách
Quên cả thương mình đọc được đâu.
(bài “Thương sách”)
Có bài nêu cảm giác ngất ngây, hoặc chống chếnh từ một cuộc tình:
Biển một bên em một bên
Ta đi trên bãi cát êm đềm
Thân buông theo gió, hồn theo mộng
Sóng biển vào anh với sóng em
(bài “Sóng”)
Em gần gũi, em xa xôi
Sao em như thể chân trời trước anh?
Đưa tay tưởng với được tình
Bước đi tới mãi mà mình vẫn xa
(bài “Em gần gũi, em xa xôi”).
Tứ thơ là gì? Đã có nhiều định nghĩa thế nào là tứ thơ. Theo tôi, một bài có tứ thường gây bất ngờ ở câu kết. Câu kết có sức nâng dậy toàn bài; từ câu kết, người đọc hiểu ra ý nghĩa toàn bài. Những bài không hay ở tứ mà chỉ hay ở chữ, chỉ cần thay chữ ấy bằng chữ khác là… hỏng. Với những bài hay ở tứ, người ta có thể diễn đạt lại cái tứ ấy bằng những chữ khác dài hơn, nôm na hơn, song vẫn khiến độc giả có thể lĩnh hội được cái hay của nó (nói những bài thơ có tứ dễ dịch sang ngôn ngữ khác là vì thế). Những bài thơ có tứ hay của Tế Hanh đều thể hiện được điều này.
Viết lời bạt cho “Tuyển tập Tế Hanh” (NXB Văn học, 1987), Chế Lan Viên đã khéo léo nhắc tới hạn chế của người bạn thơ: “Tế Hanh không chỉ là nhà thơ, anh là công dân, chiến sĩ như nhân dân mình. Cố nhiên các việc ấy không ngăn chúng tôi trong đó có Tế Hanh viết bao nhiêu bài thơ dở”. Đúng là, có một thời gian dài, như các bậc cây đa cây đề khác, Tế Hanh cũng đã xem thơ ca như một thứ công cụ để ông thể hiện trách nhiệm công dân của mình. Ông làm thơ chống giặc càn; tuyên truyền về cải cách ruộng đất; kêu gọi tổng tuyển cử; phản đối Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc vv và vv…Tế Hanh viết kịp thời nhưng có phần dễ dãi. Ông kém Chế Lan Viên ở khả năng phân tích, bình luận sự việc và thua xa Tố Hữu ở tầm khái quát hiện thực. Vũ Quần Phương đã rất hóm khi nhận xét về mảng thơ chính luận và đả kích của Tế Hanh: “Anh đánh địch nhiều khi cũng tới tấp nhưng không có đòn hiểm”. Kể ra, nói vui thì vậy chứ gọi loại thơ này là thơ “đánh địch” e chưa phải. Thơ “đánh địch” đúng nghĩa là phải đưa ra được những sự việc cụ thể, với những chi tiết “đắt giá”, để rồi từ sự việc mà tố cáo bản chất. Thơ Tế Hanh phần lớn là những lời lẽ mang tính miệt thị đối tượng, kiểu như: “Lũ giặc ác kia ơi”; “Vài thằng ngu đi theo lũ giặc”, “Bọn chó mặt người chúng giết em”, “Bọn tay sai giặc Mỹ/ Lũ cú vọ ăn đêm”, “Thằng Thiệu tên tay sai tồi tệ nhất/ Tên Việt gian dòi bọ rúc chuồng xia”. Với cách viết này, nên gọi đó là thơ… chửi địch thì đúng hơn?
Tạng thơ của Tế Hanh khiến ông trở nên rất “núng thế” khi rời xa biên giới tâm hồn mình. Ông khó viết được hay những đề tài không liên quan tới những vui buồn riêng tư của cá nhân ông. Những bài hay nhất viết về chủ đề đấu tranh thống nhất của Tế Hanh như “Nhớ con sông quê hương”, “Chiêm bao”, “Em ở đâu?” đều ít nhiều được chưng cất từ những kỷ niệm riêng và mất mát riêng của chính bản thân tác giả.
Các cụ ta thường nói “sểnh nhà ra thất nghiệp”. Đọc thơ Tế Hanh, tôi có cảm tưởng “sểnh thơ hay ra… thơ dở”, nghĩa là ở ông ít có loại thơ nằm giữa hai loại này. Thì tôi chẳng đã đặt vấn đề ở phần đầu bài viết này rồi: “Có vẻ như trong cuộc chạy đua đường trường, Tế Hanh đã biết cách dưỡng sức để bảo toàn năng lượng cho mình?”. Thơ Tế Hanh một khi đã hay thì gần như cả bài đạt tới độ hoàn mỹ, mà đã không hay thì hiếm khi ông chịu để sót trong đó những câu đặc sắc (không như trường hợp Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…, ngay trong những bài trung bình của họ, bạn đọc cũng có thể bắt gặp những câu hay). Có vẻ như Tế Hanh là người sẻn so. Ông không dám phung phí tài năng. Thơ Nguyễn Trác có câu: “Chúng ta trẻ như những người trẻ nhất/ Chúng ta già hơn các bậc tiền nhân”. Nếu như ở những bài thơ hay của Tế Hanh (kể cả những bài ông viết từ lúc còn rất ít tuổi), ta luôn thấy một tay nghề vững vàng, già dặn thì ở những bài thơ dở của ông, ta lại thấy một sự chuệch choạc như thể của người mới võ vẽ bước vào nghề thơ.
Nhà phê bình văn học Hồng Diệu, trong một bài viết về thơ Xuân Diệu từng phải thốt lên là anh rất ngạc nhiên khi thấy một nhà thơ lớn mà lại có lúc sơ ý như thế …Với cách đặt vấn đề như của Hồng Diệu, hẳn anh sẽ còn nhiều lần ngạc nhiên hơn khi đọc thơ Tế Hanh (đọc những bài thơ dở của Tế Hanh, có thể sẽ có người nghi ngờ vị trí nhà thơ lớn của ông, song ở đời, suy cho cùng, tầm vóc một nhà thơ được tính trên cơ sở những bài hay chứ đâu phải ở những bài dở). Những bài thơ hay của Tế Hanh có đặc điểm chung là không cao giọng. Nó thủ thỉ đi vào lòng người; nhẹ nhàng mà lắng đọng, một thứ “lạt mềm buộc chặt”.
Dẫu không mạnh về khả năng thuyết lý song Tế Hanh cũng đã nhiều lần giãi bày quan niệm của mình về nghệ thuật nói chung và về thơ ca nói riêng. Ông viết trong bài “Trả lời thay Tề Bạch Thạch” (danh họa Trung Quốc): “Vẽ cá thật hơn cá/ Vẽ hoa thật hơn hoa/ Cụ học trường nào thế?/ – Ta học trường lòng ta”. Vẫn biết, làm thơ và vẽ tranh là hai nghề khác nhau, và cách trả lời kiểu trên nghe cũng hơi… mông lung, trừu tượng, nhưng quả là với những bài thơ hay của Tế Hanh, không thể có chuyện “học” mà làm được. Nó là sự chưng cất của tâm hồn, như dòng suối trong tự thanh lọc mình qua mấy tầng sỏi cát; như con trai dưới đáy biển ngậm nỗi đau để hóa ngọc. Nó không nương tựa vào bất cứ thứ gì ngoài một tâm hồn đa cảm, dễ xúc động của một thi sĩ. Hãy nghe Tế Hanh tâm tình cùng Xuân Diệu (bài “Nhớ Xuân Diệu”):
Mọi khi đến nhà anh
Tôi gọi to:
– Diệu ơi!
Nghe anh trả lời:
– Hanh đó hả?
Hôm nay đến nhà anh
Tôi gọi thầm:
– Diệu ơi!
Và chỉ nghe tiếng tôi:
– Diệu ơi!
Thơ là gì, ở đâu, nếu không phải là tiếng vọng từ chốn thẳm sâu nhất của trái tim con người?.
16/12/2019
Phạm Khải
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...