Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Trái tim người mẹ

Trái tim người mẹ

Reng! reng! reng! nghe tiếng chuông đồng hồ báo thức, Hạ tỉnh giấc. Cô nhẹ nhàng vào nhà tắm làm vệ sinh cá nhân, rồi xỏ chân vào đôi giày thể thao để đi tập thể dục. Dậy từ lúc 5 giờ chạy và đi bộ là một thói quen sinh hoạt không thể thiếu được của Hạ trong nhiều năm nay.
Nhưng sáng nay, khi vừa mới bước chân xuống đường, Hạ thấy cảnh vật chìm trong một màn sương mờ mờ như một tấm khăn voan mỏng bàng bạc, nhẹ nhàng giăng mắc nơi đầu thôn cuối phố. Thỉnh thoảng, có những cơn gió thổi nhè nhẹ, mát mẻ, luồn qua mái tóc dài được buộc rất gọn gàng của Hạ làm cô cảm thấy khoan khoái dễ chịu, bước chân như nhanh nhẹn hơn. Những ánh đèn đường dần tắt, để lộ ra phía đằng đông ửng một màu hồng. Vì hôm nay là sáng chủ nhật nên Hạ chạy một vòng 5km rồi cô cùng bạn tản bộ thong thả trên đê, ngắm nhìn dòng sông nước chảy hiền hòa trong màn sương sớm. Hít thở hương thơm thoang thoảng của hương ổi chín, quyện với mùi hoa sữa dìu dịu lan tỏa trong không gian khiến Hạ giật mình thảng thốt: trời đã sang thu!
Nhà giáo Trịnh Thị Hường của Trường THCS Lê Thánh Tông, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa
Hè qua – thu tới! Đó là quy luật vận động bất biến của thiên nhiên nhưng với Hạ thì mùa thu còn gắn liền với cô biết bao kỉ niệm khó quên trong cuộc đời. Nhìn chiếc lá vàng sau một hồi chao đảo theo chiều gió rồi rơi xuống nơi bàn chân cô đang bước Hạ thầm nghĩ: cuộc đời con người cũng như vòng đời của chiếc lá. Ban đầu, lá tươi non tràn đầy sức sống. Trải qua sự trôi chảy của thời gian, lá chuyển sang màu xanh đậm cứng cáp trước bão tố, mưa sa và sau mọi sự gắng gượng giờ đây lá ngả màu vàng úa, lìa cành bay chênh chếch theo chiều gió. Rồi Hạ chợt rùng mình khi nghĩ lại những sóng gió cuộc đời dồn dập ập đến với gia đình bé nhỏ của cô vào mùa thu năm ấy để rồi sau bao nhiêu năm trôi qua cô vẫn nhớ như in từng chi tiết.
Hai mươi năm về trước Hạ có một gia đình hạnh phúc. Chồng cô là một cán bộ kiểm lâm luôn phải sống xa nhà. Hạ là một giáo viên tiểu học. Khi con trai đầu lòng của Hạ mới tròn 14 tháng tuổi, cô phát hiện mình có mang được 5 tuần tuổi nên buộc phải cai sữa cho con. Nhận được tin vui của vợ dù hôm ấy trời mưa rất to nhưng Thanh vẫn về thăm gia đình. Ngày chủ nhật, cả gia đình đoàn tụ bên nhau thật đầm ấm. Thanh tranh thủ thời gian dọn dẹp nhà cửa, sửa cho vợ chiếc xe đạp, thay chiếc bóng đèn hỏng, cho dầu vào chiếc quạt trần,… Chiều chủ nhật, anh vội lên cơ quan vì thời gian gần đây bọn lâm tặc khai thác gỗ rất bừa bãi mà hạt kiểm lâm của anh thì quá neo người. Sau một hồi phóng chiếc xe simson vượt qua 40km, Thanh đã đến cơ quan vào lúc 7giờ. Tắm rửa xong anh ngồi xuống mâm cơm, vừa bưng bát cơm lên chưa kịp ăn miếng nào thì nhận được tin của đồng nghiệp đang trực báo là có chiếc xe chở gỗ của bọn lâm tặc đang sắp sửa chạy qua hạt. Nơi cửa rừng cách đấy khoảng 5km anh em yêu cầu dừng xe lại nhưng chúng vẫn bất chấp yêu cầu của kiểm lâm để tăng ga hòng tẩu thoát.
Thanh và đồng nghiệp vội mặc quần áo dài vào và cầm khẩu súng chạy ra chốt. Lúc này, đồng chí trực ban đã hạ chiếc barie xuống chắn ngang đường, chừng 10 phút sau một chiếc xe tải chở đầy gỗ nặng nề lao tới. Bất chấp yêu cầu của anh, xe tăng ga húc qua barie khiến Thanh phải nhảy vội sang bên đường. Một tên đứng ở cửa xe còn nổ súng bắn trượt qua vai anh. Nhanh như cắt, Thanh né mình tránh và bắn trúng lốp sau. Chiếc xe loạng choạng rồi dừng hẳn. Thanh cùng đồng đội chạy lên không cho chúng tẩu thoát. Bốn tên lâm tặc hùng hổ nhảy xuống dùng dao phay chém túi bụi vào hai anh. Lúc này 3 đồng chí rượt đuổi theo xe cũng đến nơi vội nhảy xuống hỗ trợ. Trong lúc Thanh đang khóa tay một tên thì “đoàng!”- một dòng máu phun ra từ trên đầu chảy tràn xuống mặt anh. Ba tên lâm tặc chạy thoát thân, một tên bị bắt nhưng Thanh cũng từ từ gục xuống. Anh được đưa ngay đến bệnh viện tỉnh để mổ cấp cứu.
Nhận được tin báo, hai chân Hạ run rẩy, cô khuỵu xuống không nói nên lời, hai tay buông thõng để mặc chiếc điện thoại bàn kêu tút tút liên hồi. Nghe tiếng điện thoại kêu, cậu em trai vừa đến chơi vội cầm ống nghe lên và hiểu rõ sự việc. Ngay trong đêm hôm ấy, hai chị em Hạ đã vội vã đến bệnh viện.
Đã hơn hai chục năm trôi qua nhưng Hạ không thể nào quên nổi cảm giác lo âu, sợ hãi, nóng lòng chờ đợi của cô ở ngoài phòng mổ đêm hôm ấy. Một tiếng…hai tiếng…trôi qua mà sao đối với Hạ như  là cả một thế kỉ dài đằng đẵng. Cô hết đứng lại ngồi, lòng nặng trĩu lo âu không nói nên lời, mắt đăm đăm không rời cánh cửa phòng mổ. Rồi cửa phòng cũng được mở ra sau bốn tiếng căng thẳng chờ đợi. Hạ lao tới hỏi bác sĩ :
– Chồng tôi có sao không bác sĩ ?
Người bác sĩ với khuôn mặt hiền từ nhìn cô bằng ánh mắt đầy thương cảm trả lời:
– Viên đạn đã được lấy ra nhưng do nó cắm sâu vào sọ não và bị mất nhiều máu quá nên rất tiếc anh ấy sẽ rơi vào tình trạng hôn mê sâu phải điều trị ở phòng chăm sóc đặc biệt.
Nghe đến đấy, tai Hạ ù đi, hai chân mềm nhũn, cô từ từ lịm đi không còn biết gì nữa. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy Hạ thấy mình đang nằm trên giường bệnh. Thấy Hạ tỉnh lại cô y tá ân cần nói:
– Chị tỉnh rồi à? Bây giờ chị thấy trong người thế nào?
Hạ vội vàng hỏi cô y tá:
– Tôi bị làm sao thế này? Chồng tôi đâu?
– Đêm qua chị bị ngất nên phải nằm ở đây. Chồng chị được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt rồi.
Hạ vội ngồi dậy rồi theo lời hướng dẫn của cô y tá, cô chạy một mạch lên tầng 3 nơi Thanh đang nằm quên hẳn là mình đang có em bé. Đến nơi, Hạ thấy em trai đang ngồi chờ trên chiếc ghế dài ở bên ngoài phòng bệnh. Tay run run, Hạ vịn cửa nhìn qua ô kính. Thanh nằm bất động trên giường, đầu và cánh tay phải bị thương quấn băng trắng xóa. Cô y tá đang chăm chú theo dõi các máy hỗ trợ tim, hô hấp và truyền dịch cho anh. Nước mắt giàn giụa, cô nghẹn ngào đứng dựa vào tường, đầu óc quay cuồng, mặt tái nhợt. Cậu em trai vội đỡ cô ngồi xuống ghế, hai tay đặt lên vai chị an ủi:
– Cố lên chị, anh ấy sẽ tỉnh lại thôi!
Hạ im lặng, bên tai cô văng vẳng lời nói của bác sĩ đêm qua: “Viên đạn đã được lấy ra nhưng do nó cắm sâu vào sọ não và bị mất nhiều máu quá nên rất tiếc anh ấy sẽ rơi vào tình trạng hôn mê sâu…”. Hạ không dám nghĩ nữa, cô ngửa mặt lên trời xanh cầu xin một phép màu sẽ đến với anh, cho anh được bình yên qua cơn nguy kịch.
Rồi một ngày… hai ngày… và ba tuần trôi qua Thanh vẫn nằm im bất động, mặt nhợt nhạt. Ngày hai lần người nhà được vào thăm một tiếng nhưng phải mặc quần áo sát khuẩn để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Dù đang trong thời kì thai nghén, sức khỏe không tốt nhưng Hạ không chịu rời khỏi bệnh viện mặc cho người thân và bạn bè động viên cô nên về nhà nghỉ ngơi để mọi người ở lại chăm sóc Thanh. Hạ sợ khi Thanh tỉnh lại không thấy cô anh sẽ rất buồn nên dù mệt mỏi cô vẫn gắng gượng. Mỗi khi được vào thăm chồng, Hạ nắm lấy bàn tay của anh thì thầm trò chuyện. Cô nói rằng anh cố lên để mau tỉnh lại; mẹ con cô và cả đứa con chưa chào đời rất cần có anh. Có những lúc, cô thấy nơi khóe mắt anh ngân ngấn nước mắt làm cho cô lóe lên một hi vọng mong manh.
Nhưng rồi tình trạng sức khỏe của Thanh ngày một xấu đi do vết thương quá nặng. Thế rồi điều cô lo sợ nhất đã đến – vào một ngày thu nắng vàng tươi rực rỡ, Thanh đã ra đi mãi mãi khi thời gian điều trị của anh vừa tròn một tháng. Vậy là điều kì diệu của phép màu đã không đến với gia đình cô, niềm hi vọng mong manh giờ đây cũng kết thúc! Chứng kiến người chồng thương yêu trút hơi thở cuối cùng trên tay mình, Hạ chết lặng không thể khóc được nữa, bởi thời gian qua lúc nào cô cũng sống trong lo âu và nước mắt. Cô ôm ghì lấy anh, cố gắng lay gọi anh nhưng toàn thân thể Thanh cứng đờ và lạnh ngắt. Mọi người phải vội vàng xúm lại đưa cô ra ngoài để khâm liệm cho Thanh. Rồi như một cái xác không hồn, Hạ cố lê những bước chân lên chiếc xe của bệnh viện chở thi hài của Thanh về an táng.
Ngoài kia, trời xanh, mây trắng, nắng thu vàng,… Phố phường vẫn đông vui, tấp nập người qua lại nhưng có ai biết rằng trái tim cô như muốn vỡ vụn ra thành trăm mảnh trước nỗi đau đớn của biệt ly. Ngửa mặt lên trời thu trong xanh vời vợi Hạ muốn gào khóc thảm thiết: “Ông trời ơi! Sao người không thương chồng con với? Sao người không cho anh ấy một cơ hội sống dù anh không còn khỏe mạnh như xưa nhưng còn sống là con cũng toại nguyện lắm rồi!”. Nếu có thể làm được như vậy chắc phần nào nỗi đau sẽ nguôi ngoai trong cô nhưng Hạ đành phải kìm nén tất cả bởi trước mắt cô còn bao nhiêu việc phải làm. Cô tự nhủ trong lòng: phải cố gắng tỉnh táo, phải nuốt nước mắt ngược vào trong để lo tang lễ cho Thanh chu toàn.
Lo mai táng cho chồng xong xuôi, Hạ mới nặng nhọc buông mình nằm xuống chiếc giường thân quen. Kể từ khi Thanh nhập viện, Hạ hầu như thức trắng đêm nhưng giờ đây cô không tài nào chợp mắt được. Những dòng nước mắt cứ thế lặng lẽ tuôn rơi, ướt đầm cả gối. Vậy là 26 tuổi – cô trở thành góa phụ! Rồi từ đây bao gánh nặng của gia đình sẽ đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của Hạ. Nhìn đứa con nhỏ ngây thơ đang tập nói gọi mẹ, gọi bố, ríu rít vui cười, chập chững đi ra, đi vào vì thấy nhà đông người, lòng người mẹ đau đớn như cắt từng khúc ruột. Thương con trai non nớt và thương cái sinh linh bé nhỏ tội nghiệp chưa thành hình hài mà cô đang mang trong mình, Hạ đã nhắm mắt, cố gắng nuốt từng thìa cháo, uống từng cốc sữa, nước mắt nhạt nhòa… Cô tự nhủ mình phải cố lên làm chỗ dựa cho các con và để cho linh hồn Thanh ra đi nhẹ nhàng, thanh thản. Dù thế nào đi nữa cô cũng phải sống để thay anh gánh vác gia đình.
Đêm đêm, vỗ về con ngủ, nhìn khuôn mặt ngây thơ và tiếng gọi mẹ ú ớ trong giấc mơ của con, nước mắt cô lại tuôn rơi, nghẹn ngào: Tội nghiệp con yêu! mới 15 tháng tuổi và chưa kịp chào đời các con đã trở thành trẻ mồ côi bố! Rồi đây trên hành trình dài và rộng của cuộc đời con sẽ không có bàn tay nâng niu, chở che của bố! Hạ không biết tương lai của ba mẹ con cô sẽ ra sao giữa muôn ngàn khó khăn của cuộc đời. Nhưng trái tim của người mẹ đã thôi thúc cô phải mạnh mẽ để vượt qua nỗi đau này và làm trụ cột vững chắc cho các con. Vòng tay ôm con vào lòng và lắng nghe nhịp đập của hình hài bé bỏng trong bụng, cô thì thầm khe khẽ: dù phải trải qua bao thăng trầm của cuộc sống mẹ sẽ cố gắng nuôi dạy các con khôn lớn trưởng thành, làm điểm tựa vững vàng cho hai anh em con! Vì mệt mỏi, Hạ thiếp đi lúc nào không hay biết, cô nghe văng vẳng bên tai mình lời nói yêu thương của Thanh: “Cố lên em, mọi việc gia đình từ nay đều trông cậy vào em!”. Hạ bất giác giật mình thảng thốt gọi: “Anh Thanh! Anh đâu rồi?”. Nhưng bốn bề xung quanh cô chỉ toàn là màn đêm đen kịt, sau vài giây trấn tĩnh lại cô mới biết là mình đang mơ.
Một tháng sau ngày Thanh ra đi, mấy tên lâm tặc gây án cũng phải đền tội. Tên bắn anh bị tử hình còn 3 tên kia thì bị lĩnh án tù mười năm vì đây không phải lần đầu chúng phạm tội. Anh em, đồng nghiệp luôn bên Hạ động viên, an ủi giúp đỡ cô vượt qua nỗi đau. Sau khi Thanh mất được một tuần, Hạ đã cố gắng đi làm dù đồng nghiệp luôn tạo điều kiện cho cô nghỉ thêm một thời gian nữa. Nhưng Hạ không muốn nghỉ vì công việc bận rộn sẽ làm nguôi ngoai nỗi đau trong cô.
Bảy tháng sau cô sinh con, đó là một bé gái nặng 2,8kg. Nhớ lời chồng dặn khi còn sống, cô đặt tên con là Hướng Dương. Ôm đứa con non nớt trong lòng bao cảm xúc chợt ùa về khiến nước mắt cô rưng rưng. Phải chăng anh còn sống, được nhìn thấy con, được ôm con vào lòng chắc anh hạnh phúc lắm! Gạt đi giọt nước mắt nhớ thương, Hạ thầm nhủ: phải cố lên, các con của cô rất cần có mẹ và cô tin ở nơi xa xôi nào đó Thanh cũng luôn dõi theo ba mẹ con cô.
Nhưng rồi những ngày tháng yên bình của mẹ con Hạ không được bao lâu khi bé Hướng Dương mới được 18 ngày tuổi đã bị viêm phổi cấp nên phải cấp cứu tại bệnh viện. Vì mới sinh, sức khỏe lại yếu nên chị gái luôn bế cháu và động viên cô cố ngủ đi nhưng vừa đặt mình xuống giường nghe tiếng con thơ khóc cô lại ngồi bật dậy, ôm con vào lòng. Nhìn con quằn quại trong cơn sốt và phải thở oxy lòng người mẹ đau như xát muối. Cố gắng giữ cánh tay nhỏ bé của con cho y tá lấy ven, Hạ cắn chặt môi nhưng nước mắt người mẹ trẻ vẫn hòa lẫn trong nước mắt của con thơ. Sau mười ngày điều trị ở bệnh viện, Hướng Dương cũng được ra viện nhưng kể từ lần ốm ấy con bé rất khó tính. Đêm đêm, bé hay khóc ngặt nghẽo đến tím tái cả người. Bé đòi mẹ bế đi quanh nhà đúng ba tháng mười ngày mới ngoan. Trong gần bốn tháng ấy, đôi chân Hạ mỏi rã rời nhiều lúc không muốn bước, nhưng dường như tình mẫu tử thiêng liêng đã trỗi dậy, tiếp thêm sức mạnh cho cô để những bước chân của Hạ vẫn đều đều bước đi đêm đêm. Trên tay mẹ, Hướng Dương say nồng trong giấc ngủ. Đôi môi hồng nhỏ xinh lúc mếu máo, lúc  chúm chím cười trông thật dễ thương!
Thời gian thấm thoát thoi đưa, khi vừa tròn một tuổi bé Hướng Dương đã chập chững bước đi và bập bẹ gọi mẹ. Hạ vui mừng khôn tả xiết. Nhưng niềm vui ấy chỉ ngắn tựa tày gang khi cô phát hiện ra bé Dũng, con trai cô dạo này rất ít nói cười, không thích giao tiếp với mọi người. Ở lớp hay ở nhà cậu bé chỉ thu mình trong một góc nhỏ tự chơi, đôi mắt luôn ẩn chứa một nỗi buồn u uất. Nhận ra đó là những dấu hiệu chẳng lành, Hạ vội đưa con đến bệnh viện kiểm tra và được bác sĩ thông báo Dũng mắc bệnh tự kỉ vì từ nhỏ cháu đã có những chấn động không nhỏ về tâm lí. Đúng là từ khi bố qua đời, mỗi lần thấy mẹ khóc, Dũng cũng sợ hãi, buồn bã ôm mẹ khóc theo. Rồi khi cô sinh bé Hướng Dương, con bé thường xuyên ốm đau nên thời gian hầu như cô phải dành hết cho con gái. Vì vậy, Dũng luôn thui thủi tự chơi; ăn ngủ do bà ngoại và bà nội thay nhau đảm đương mà các bà còn phải lo việc nhà, sức khỏe lại yếu nên thời gian gần gũi với cậu bé không nhiều.
Thương con, một lần nữa người mẹ ấy, cố kìm nén để khỏi bật ra tiếng nức nở, lặng lẽ hít một hơi thật sâu, ngăn những dòng nước mắt đang sắp tuôn rơi. Cô lấy số tiền dành dụm ít ỏi và bán đi chiếc lắc tay, đôi bông tai, sợi dây chuyền vàng (quà tặng của bố mẹ hai bên trong ngày cưới), đưa con đi khắp các bệnh viện lớn để chữa trị. Cô cố gắng sắp xếp thời gian công việc ở trường và ở nhà cho hợp lí để chăm sóc, trò chuyện gần gũi với con. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho con cô luôn mua cho con tất cả mọi thứ con thích. Đêm nào cô cũng để hai con nằm cạnh bên mình thì thầm kể chuyện vỗ về con. Nâng niu cho con từng miếng ăn, giấc ngủ. Tuy kinh tế eo hẹp nhưng cô vẫn gửi con vào lớp chăm sóc đặc biệt. Biết được gia cảnh của mẹ con Hạ nên cô giáo cũng rất thương và tận tình giúp đỡ bé Dũng. Không phụ lòng mẹ, khi bước sang tuổi thứ 5, Dũng dần dần vui vẻ trở lại tuy vẫn còn nói ngọng líu ngọng lịu, ánh mắt vẫn đượm buồn xa xăm.
Khi Dũng vào lớp 1, bé Hướng Dương cũng đi mẫu giáo nên gia đình Hạ cần nhiều tiền chi tiêu trong sinh hoạt cho các con. Một suất lương của cô cùng số tiền tuất ít ỏi của Thanh không đủ trang trải các khoản chi tiêu trong gia đình. Hơn nữa bố mẹ chồng Hạ lại thường xuyên ốm đau mà nhà Thanh chỉ có mỗi anh là con trai, chị và em gái đều ở trong miền Nam xa xôi. Vì vậy, sau nhiều đêm suy nghĩ, Hạ quyết định quay lại nghề nấu kẹo của mẹ đẻ cô. Khi còn khỏe, mẹ cô có xưởng nấu kẹo lạc nổi tiếng, do sức khỏe yếu bà đã nghỉ mấy năm nay.
Thế rồi đêm đêm, khi các con đã ngủ, người mẹ trẻ ấy nhẹ nhàng xuống bếp và làm việc không ngơi nghỉ đến một, hai giờ sáng. Được mẹ giúp đỡ tận tình, kết hợp với sự sáng tạo khéo léo của bản thân, Hạ đã thành công ở nghề tay trái này. Kẹo lạc do cô nấu được mọi người yêu thích. Nhờ sự giới thiệu của bạn bè, cô ngày càng có nhiều khách và có những đơn hàng lớn nên Hạ phải thuê cả người phụ giúp. Kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn. Hạ đã sửa lại nhà có chỗ ở gọn gàng, tươm tất cho các con.
Do bị bệnh nên dù là anh nhưng Dũng không chịu nhường em. Vì hai anh em cách nhau chưa được hai tuổi nên rất hay cãi cọ, tranh giành nhau. Hạ vừa phải làm mẹ, vừa làm bố để ân cần uốn nắn, dạy bảo hai con. Có những lúc công việc bận rộn, trong người mệt mỏi nghe hai anh em cãi nhau rồi khóc lóc đòi mẹ phải phân xử khiến Hạ buồn bã nẫu cả ruột gan. Một nỗi xót xa tủi cực trào dâng trong cô khiến Hạ nghẹn lòng không nói lên lời, rồi những giọt nước mắt nóng hổi thi nhau lăn dài trên đôi má cô. Thấy mẹ khóc, hai anh em sợ hãi, vội im lặng chạy tới ôm lấy mẹ. Hạ lặng lẽ gạt nước mắt dang hai tay ôm con vào lòng. Thương con côi cút, thương phận mình phải chịu bao nỗi truân chuyên!
Một lần tan trường từ lâu rồi nhưng Hạ chờ mãi không thấy Dũng về. Cô hốt hoảng đến trường tìm con nhưng sân trường vắng tanh. Gọi điện hỏi cô giáo thì cô nói tan học Dũng cũng ra khỏi cổng trường rồi. Thấy Hạ ngược xuôi tìm con, các bác hàng xóm cũng chia nhau đi tìm giúp. Trời đã nhá nhem tối mà vẫn không thấy bóng con đâu. Hạ run lên vì sợ hãi, bỗng cô chợt nghĩ ra Dũng rất thích bãi cỏ ven đê nơi chiều chiều cô vẫn hay cho các con ra đấy thả diều, đá bóng. Cô chạy một mạch ra tới nơi cất tiếng gọi tên con: “Dũng ơi! Con ở đâu?”.
Cô nhìn khắp một lượt và nhận ra ở cuối bãi, Dũng đang lặng lẽ ngồi nhìn dòng nước, mắt đỏ hoe. Hạ chạy tới ôm chầm lấy con vỗ về:
– Dũng ơi! Mẹ đây! Về nhà với mẹ đi con!
Cậu bé chạy tới ôm lấy mẹ và òa khóc tức tưởi:
– Mẹ ơi! Con sợ! Con buồn quá mẹ ơi!
Về sau khi con đã bình tĩnh lại Hạ mới biết được nguyên nhân Dũng bỏ đi là do trong giờ ra chơi, cậu bé đã vẽ bậy vào vở của bạn ngồi cùng bàn khiến con bé ấy tức giận chửi Dũng là đồ mất dạy không có bố. Dũng giận quá cầm ngay lấy quyển vở của bạn xé làm đôi. Cô bạn dọa sẽ mách anh trai nó đánh cho Dũng một trận. Đã thế Dũng lại bị các bạn trong lớp xúm vào trêu: “Lêu lêu! Đồ không có bố!” khiến cậu bé vừa tủi thân vừa sợ. Nghe con kể, Hạ thương con vô cùng vì cô biết Dũng tuy lầm lì ít nói nhưng sống rất tình cảm và nhút nhát. Sau lần ấy, Dũng không muốn đi học nữa nên Hạ phải nhờ cô giáo động viên, giải thích, cậu bé mới chịu đi học trở lại và ngày càng tiến bộ.
Cuộc sống tưởng như sẽ yên ổn hơn với ba mẹ con Hạ nhưng thật éo le một tai họa lại bất ngờ ập đến với gia đình cô khi Dũng chuẩn bị vào lớp 9.Vào một chiều thu mát mẻ, Dũng đi đá bóng với các bạn ở một bãi cỏ ven đường.  Khi bóng lăn ra đường, Dũng đã chạy theo. Vì quá mải mê với quả bóng, cậu bé không để ý đến một chiếc ô tô đang lao tới. Chiếc xe vội phanh gấp nhưng người Dũng cũng theo đà đang chạy húc mạnh vào đầu xe. Cậu bé ngã vật xuống, đầu và miệng máu chảy ướt đầm áo, ngất lịm. Người lái xe vội vã đưa Dũng đi bệnh viện cấp cứu.
Lúc ấy, Hạ đang chuẩn bị bát đĩa để dọn cơm, bỗng ngoài cổng, lũ trẻ vừa chạy vào nhà cô vừa kêu thất thanh: “Cô Hạ ơi! Cô Hạ ơi! Dũng…Dũng bị tai nạn rồi!”. Choang! chồng bát đĩa trên tay cô rơi xuống. Hạ đứng im như trời trồng, không tin ở đôi tai mình nữa cô túm lấy áo một đứa trẻ lắp bắp: “Dũng…con cô! Nó…nó…làm sao hả cháu?”. Mấy bác hàng xóm thấy vậy cũng xúm vào hỏi thăm và vội vã lấy xe đưa cô đến bệnh viện. Nhìn thấy áo con đầm đìa máu, người cô run lên bần bật, không nói lên lời. Bao kí ức đau thương về Thanh năm xưa lại hiện hình trước mắt cô làm Hạ nghẹn ngào tức tưởi. Cố gắng trấn tĩnh, Hạ chạy tới níu tay áo bác sỹ vừa khám cho Dũng xong, run rẩy nói trong tiếng nấc:
– Bác sỹ ơi! Con tôi…cháu…cháu nó…có làm sao không ạ?
Bác sỹ vội trả lời:
– Cháu bị thương phần mềm ở vai và đầu nhưng lách bị giập phải mổ gấp. Người nhà mau vào kí giấy cam kết và làm thủ tục.
Cầm chiếc bút trên tay, cố gắng lắm Hạ mới viết được vài chữ nguệch ngoạc. Mấy bác hàng xóm đỡ cô ngồi xuống chiếc ghế đợi ở ngoài phòng mổ. Mặt Hạ trắng bệch ra, nước mắt ròng ròng trên má, đầm đìa ở cổ, con tim đau đớn, tái tê. Một tiếng chờ đợi trôi qua, bỗng cửa phòng mổ bật mở, cô y tá nói rằng Dũng bị mất máu quá nhiều phải truyền máu mà nhóm máu O trong bệnh viện lại không may bị hết nên người nhà bệnh nhân vào làm xét nghiệm để cho máu. Mọi người đi cùng ai cũng xung phong giúp mẹ con Hạ nhưng chỉ có Hạ là cùng hệ nhóm máu với con nên ca phẫu thuật đã thành công. May mà, Dũng được phẫu thuật kịp thời nên em đã qua cơn nguy kịch.
Mặc dù bị choáng do cho con nhiều máu nhưng Hạ vẫn túc trực chăm sóc con suốt hơn một tháng nằm viện. Dũng ra viện đúng vào ngày khai giảng năm học. Nhìn các bạn vui vẻ đến trường, mắt cậu bé rưng rưng khiến Hạ thương con vô hạn. Cô vội ôm lấy vai con vỗ về, an ủi: “Con đừng buồn, bác sỹ bảo sức khỏe của con đang hồi phục nhanh. Con sẽ sớm được đi học thôi”.
Vì không muốn Dũng bị gián đoạn kiến thức, Hạ nhờ các bạn trong lớp ghi bài cho con. Đêm đêm, cô tranh thủ thời gian hướng dẫn con học. Một thời gian sau, sức khỏe của Dũng ổn định hơn, Hạ vất vả ngày hai lần đưa đón con đến trường. Toàn thân cô mệt mỏi rã rời nhưng nhìn thấy sức khỏe của con ngày một hồi phục bao mệt nhọc dường như tan biến.
Về phần Dũng sau lần bị tai nạn này, cậu bé rất ân hận vì đã làm khổ mẹ. Thương mẹ, Dũng chịu khó ăn uống và chăm chỉ học tập. Trong kì thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm ấy, Dũng đã đạt giải Ba môn Toán lớp 9 và đạt số điểm cao ở kì thi vào lớp 10.
Theo thời gian, các con của Hạ đã dần khôn lớn. Ở độ tuổi trăng tròn tính cách của hai anh em có nhiều thay đổi. Chúng chợt vui, chợt buồn và ít gần gũi tâm sự với mẹ hơn. Nhận ra sự đổi thay về tâm lí của con Hạ vừa vui, vừa buồn: vui vì con đang tập làm người lớn; buồn vì một ngày nào đó không xa các con cô sẽ xa rời vòng tay mẹ bay tới những phương trời xa.
Tuy vất vả như vậy nhưng càng ngày Hạ càng đẹp, một vẻ đẹp mặn mà, rắn rỏi của một người phụ nữ đã từng trải qua bao sóng gió cuộc đời. Ở độ tuổi gần bốn mươi mà trông cô như chỉ mới ngoài ba mươi. Với nước da mịn màng rám nắng, dáng người cân đối chắc nịch, mái tóc đen dày chấm gấu áo và đôi mắt to đen đượm buồn ẩn sâu dưới hàng mi dài cong cong đã tạo một sự hấp dẫn, một sức hút đến kì lạ ở người thiếu phụ này. Chứng kiến Hạ phải chịu bao nhọc nhằn để lo toan, gánh vác gia đình, nhiều người đàn ông ngưỡng mộ, đem lòng thầm thương trộm nhớ, ngỏ lời cùng cô kết duyên xây tổ ấm. Nhưng vì thương con, muốn dành hết tình cảm cho các con Hạ quyết định ở vậy thờ chồng nuôi con.
Ngày qua tháng lại, thấm thoát đã hai mươi năm trôi qua, khi mái tóc đen mượt mà ngày nào của Hạ giờ đây đã điểm nhiều sợi bạc thì cũng là lúc hai con cô đều vững vàng bước vào đời: Dũng học năm cuối của trường đại học Quốc gia Hà Nội, Hướng Dương học năm thứ 3 của Học viện tài chính Hà Nội. Trong một buổi sáng mùa thu nắng vàng rực rỡ, Dũng đã bảo vệ xuất sắc luận án tốt nghiệp. Nhìn Hướng Dương ôm bó hoa chúc mừng anh trai, Hạ vui sướng không cầm được nước mắt. Đó là giọt nước mắt của niềm vui, hạnh phúc mà cô hằng dày công vun trồng và ấp ủ hi vọng trong suốt hai mươi năm qua. Trái tim người mẹ như vỡ òa trong hạnh phúc. Cô khao khát muốn được ôm con vào lòng nhưng do đại dịch Covid-19 đang bùng phát nên Hạ không thể ra Hà Nội để chúc mừng con.
Nhìn lên bầu trời thu xanh thẳm, Hạ dường như cảm thấy ở một nơi xa xôi nào đấy Thanh cũng đang mỉm cười hạnh phúc với cô.
31/7/2021
Trịnh Thị Hường
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...