Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Truyện ngắn của Bùi Thị Sơn: Môi bợt

Truyện ngắn của
Bùi Thị Sơn: Môi bợt

1. Ngọc đứng tê đầu gối dưới giàn hoa ti gôn màu hồng phơn phớt trước khi quyết định mở cửa bước vào nhà. Cách đây ba tháng, Ngọc cũng từng đứng lặng lẽ trước cửa nhà một mình như thế nhưng với tâm trạng hoàn toàn khác. 
Hôm ấy, nhớ cha mẹ, Ngọc đã theo chiếc xe ca đêm từ Hà Nội lên đến bến xe Lai Châu từ lúc năm giờ sáng. Cô muốn tạo một niềm vui bất ngờ nên không báo trước cho bố ra đón mà thuê xe ôm về tận nhà. Cô lách chìa khoá nhè nhẹ trước khi bước vào phòng khách. Bất chợt cô sững người khi thấy mẹ nằm co quắp trên đi văng, trên mình đắp hờ một tấm chăn chiên mỏng dính, trên tay còn cầm một cuốn sách. Ngọc khe khẽ bước lại gần mẹ. Nước mắt mẹ râm rấp bờ mi. Đôi môi cắn chặt, tưởng như muốn đứt, trông bợt bạt như cánh hoa hồng bạch ngâm nước…
“Cái con mẹ mày từ nhỏ đã là một đứa con gái ngoan ngoãn, hiếu thảo. Nó chỉ có một thói quen xấu là chuyên trị mút móng tay. Có lẽ, bởi lúc sinh mẹ mày, bà ốm quặt ốm quẹo, không có sữa cho nó bú. Nó chỉ được húp cháo loãng, thi thoảng mới được húp cái vú da lép kẹp nên nó thèm vú quá! Bà phải rèn luyện mãi, thậm chí phải dùng khăn quấn tay nó lại treo dây qua nách, nó mới bỏ được… Lớn lên một chút, lại mắc cái tật liếm môi suốt ngày, nói mãi cũng không sao bỏ được…”. Đã có lần bà ngoại ca cẩm với Ngọc về mẹ như thế!
Khi Ngọc hỏi mẹ về chuyện này, mẹ đỏ bừng mặt, bối rối rồi chống chế:
– Hồi đế quốc Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, mẹ mới lên tám tuổi đã phải theo bà đi sơ tán trong hang đá mấy năm trời, sốt rét triền miên làm cho nước da mẹ luôn tím tái và đôi môi thâm sì. Đến tuổi dậy thì, nước da có thay đổi chút ít nhưng môi không bao giờ hồng lên được. Khi đứng ở chỗ đông người mẹ thường tự cắn môi thì môi hồng lên chút xíu. Lâu rồi, thành quen, không sửa được. Mà lúc không cắn, môi lại bệch ra, nhợt nhạt, khó coi quá…
Rồi mẹ lảng sang chuyện khác. Ngọc cũng vô tư quên khuấy chuyện đó.
Đắp lại chăn cho mẹ, lấy khăn mùi soa chấm những giọt nước mắt ngưng đọng trên mắt mẹ, Ngọc thấy cay cay nơi sống mũi. Cô nhẹ nhàng bước vào phòng ngủ của bố mẹ. Bố há mồm thở phì phì như tiếng rắn hổ mang, người cuộn lên đầu gối cao quá cằm y như cái thai nhi còn nằm trong bụng mẹ. Mẹ thường chậc lưỡi:
– Khổ! Bao nhiêu năm cuộc sống đổi thay mà bố con không sao thay đổi được cái dáng nằm, nhìn khổ chưa kìa…
Thấy cô con gái yêu về, cả bố và mẹ đều vui mừng khôn xiết. Nghe kể: Bố mẹ lấy nhau lúc bố hai mươi sáu tuổi, còn mẹ mới vừa tròn mười tám. Thế mà mãi mười năm sau mới sinh hạ được Ngọc – đứa con gái xinh tươi, ngoan ngoãn. Rồi thôi… cũng chẳng có thêm đứa em nào nữa.
Bố mẹ cùng làm giáo viên dạy văn cấp ba, được tiếng là mẫu mực, hạnh phúc. Sau bố chuyển ngành sang làm lãnh đạo ở ngành văn hóa tỉnh song vẫn yêu thương mẹ lắm, đi đâu cũng có đôi như đôi chim cu. Bố mẹ là niềm tự hào, hãnh diện của Ngọc.
Nhà văn Bùi Thị Sơn ở Lai Châu
2. “Cách đây ba mươi hai năm, có một đôi  vợ chồng trẻ cùng dạy học ở trường Dân tộc Nội trú tỉnh. Xuân đến, học sinh lục tục trở về gia đình ăn tết. Chỉ còn một đứa trai chừng mười tuổi gầy đét, đen sì như que củi vẫn quanh quẩn ở trường, lúc bổ củi cho nhà cô Mai cấp dưỡng, lúc gánh nước, tưới rau cho nhà thầy Toản, lúc lại băm chuối thái khoai cho nhà chú Kế,bảo vệ trường. Làm cho nhà ai, nó ăn cơm  và ngủ luôn ở nhà đó. Hỏi ra, mới biết nó mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Đôi vợ chồng trẻ thương cậu bé mồ côi ngoan ngoãn chăm chỉ bèn đón cậu về nhà trông  nom đứa con gái đâù lòng mới lên hai tuổi. Khi cậu bé học hết phổ thông, hai vợ chồng làm hồ sơ cho cậu đi học sư phạm. Cô bé con lớn trên lưng cậu sau này chẳng những trở thành bạn đồng nghiệp  mà còn là người bạn đời của cậu…”
Lúc bà ngoại kể cho  Ngọc nghe câu chuyện này, cô mới vừa tròn sáu tuổi mà rất tinh ý:
– Bà kể chuyện bố mẹ cháu phải không?
Đã nhiều lần, Ngọc hỏi bố mẹ vì sao lấy nhau đến mười năm mới sinh hạ được Ngọc và vì sao cô không có thêm đứa em nào nữa, cả bố và mẹ đều buồn thiu và đánh trống lảng.
Bố vẫn thăng tiến đều đều. Mẹ vẫn là một cô giáo dịu dàng, người vợ đảm đang. Hai người vẫn cặp đôi bên nhau như đôi chim cu. Ngọc đi học Đại học Báo chí tận Hà Nội. Bố mẹ chu cấp cho cô đầy đủ, nếu không muốn nói là sung túc. Cuộc sống của Ngọc đong đầy niềm vui.
Hai tháng trước, nhận được tin mẹ ốm nặng, Ngọc đã theo xe Khánh Thủy đi trọn đêm để kịp gặp mẹ trong  bệnh viện. Mẹ nằm nhỏ thó, mắt nhắm nghiền, thở thoi thóp. Như có linh cảm, mẹ mở choàng mắt nhìn Ngọc trân trối rồi với tay ra hiệu cho Ngọc cúi xuống bên mẹ. Lấy hết sức bình sinh, mẹ hôn khắp mặt Ngọc, đôi môi vốn bợt bạt càng  bợt bạt như không còn một giọt máu. Mẹ  nhìn bố – cái nhìn âu yếm, khát khao, khắc khoải, rồi thì thào, van vỉ:
– Anh… hôn … em… đi… chỉ một… lần thôi. Em… sắp… đi rồi.
Bố cúi xuống bên mẹ, rồi lại ngẩng phắt đầu, nước mắt lã chã rơi.
Ngọc  ý tứ đi ra ngoài thì thấy bố chạy theo sau như chạy trốn:
– Con vào với mẹ đi, Bố không thể.
Ngọc vừa bước vào, mẹ giơ tay chới với định ôm con lần cuối nhưng không kịp nữa rồi.
3. Quái lạ! Bố làm gì trong phòng văn của mẹ mà ngủ  quên luôn ở  đi văng, muỗi vo ve đầy mình thế kia? Nhẹ nhàng nâng cánh tay thõng trên đi văng của bố, Ngọc chợt nhận ra tờ giấy trắng trên tay bố vẽ gương mặt đẹp dịu dàng của mẹ: Vầng trán cao thông tuệ, đôi mắt to tròn thăm thẳm, sống mũi thanh tú, còn đôi môi… Ôi đôi môi mẹ đẹp thế đã bị thủng rách nom thật thảm thương. Ngọc chợt nhận ra  rất nhiều tờ giấy trắng ôly  xé từ  một cuốn vở  vứt ngổn ngang trên bàn đọc, dưới sàn nhà bố  vẽ mẹ  rất xinh đẹp nhưng đều bị rách môi hoặc nhoè nhoẹt màu phai như có ai cọ miết nước bọt vào.
– Em… em… Anh ân hận lắm! Cả đời em chưa được anh hôn… anh rất muốn… mà không thể… Bây giờ… anh đền em…
Trong mơ, bố vừa khóc vừa lảm nhảm như nói với vong linh mẹ. Trên bàn thờ mẹ vẫn thoang thoảng mùi hương lan toả. Chắc đêm nào bố cũng lên tầng hai thắp hương và vẽ những bức tranh về mẹ, rồi hôn lên đôi môi bợt  bạt của mẹ đến thủng rách – đôi môi người đàn bà yêu kiều ngoài đời cho đến chết vẫn trinh nguyên khao khát được hôn, khao khát dâng tặng… nhưng vì sao? Vì sao?
Ngọc nhẹ nhàng xuống tầng một lấy gối lên kê lại đầu cho bố thì chợt nhận ra bố đang gối đầu lên một cuốn  sổ nhỏ. Trống ngực đập loạn xạ, Ngọc kê lại gối, đáp lại chăn cho bố, rồi từ từ mở cuốn sổ ra đọc –  đây là bức thư mẹ mới viết trong bệnh viện hai tháng trước khi qua đời:
“Lai Châu, ngày… tháng… năm…
Anh muôn vàn yêu thương của em!
Em vô cùng hạnh phúc được làm vợ của anh – người con trai  đầu tiên – cuối cùng và duy nhất của em! Mặc dù mọi người cố giấu, em biết mình không còn sống được bao lâu nữa vì căn bệnh ung thư ác tính… Ba mươi năm sống bên anh, anh đã yêu thương chăm sóc em hết mực, và em cũng đã cố gắng bù đắp những thiếu thốn tình cảm tuổi ấu thơ anh chịu thiệt thòi.
Em đã được nghe thím Sì Mẩy kể về cái chết tức tưởi của bố mẹ. Em  biết cái chết đó ám ảnh đeo đuổi anh suốt cả cuộc  đời đến nỗi anh khó có thể thực hiện được tình cảm và nghĩa vụ làm chồng. Biết vậy, em càng thương yêu anh vô hạn.”
4. Mùa xuân năm 1953.
Tẩn Cù Páo vừa địu con cho bà chủ nhà giàu vừa nghển cổ xem bọn trẻ trong bản đánh pao. Rõ khổ! Bố mẹ nó nghèo xác nghèo xơ, chỉ có túp lều tranh trống hơ trống hoác. Thế mà mẹ nó lại đẻ sinh ba. Ba đứa em gái ra đời đỏ hỏn như ba con chuột con, da nhăn nheo như da bà già tám mươi tuổi vì thiếu tháng và suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ… Ba ngày sau khi cất tiếng khóc chào đời, ba đứa trẻ lần lượt trút hơi thở cuối cùng trên tay mẹ. Mẹ nó vốn mảnh mai gầy yếu giờ càng thêm tàn tạ. Mặt người xanh xao vàng võ mà đôi mắt cứ sáng rực lên như có lửa. Cô bé mồ côi  lấy chồng cũng mồ côi, nghèo khổ truyền kiếp mà lại có vẻ đẹp man rợ. Hai lần sinh hạ bốn đứa trẻ cả sống cả chết. Đói rách, khổ đau mà vẫn cứ đẹp như trời bắt phải đẹp.
.Tẩn Cù Páo nghe tiếng xì là xì lồ phía sau lưng, ngoảnh mặt lại đã thấy  hai ông Tây cao lớn, da đỏ trơn như da lợn bạch  bóc túi kẹo xanh xanh đỏ đỏ chia cho  bọn trẻ đang tụ tập đánh pao, đánh cù. “Ông Tây này tốt thật!”. Bọn trẻ vừa nhồm nhoàm nhai kẹo vừa  kháo nhau. Páo giấu ba chiếc kẹo vào cạp quần đùi, đợi chiều bố đi đào củ mài về, cả nhà chia nhau mỗi người một chiếc. Nhìn bọn trẻ ăn, nó thèm rỏ rãi, nuốt nước miếng ừng ực, tay đang sờ nắn cạp quần chợt  nóng ran, mắt giần giật liên tiếp. Nó chạy bổ về nhà thì một cảnh tượng hãi hùng đập vào mắt: Người mẹ ốm yếu của nó không một mảnh vải che thân, trắng bệch như một con nhái bén trong ổ rơm, bị hai thằng Tây giày vò tã tượi. Nó đang  định xông vào cứu mẹ thì một bàn tay bịt  kín mồm nó lại và một tiêng thì thào bên tai:
– Không được. Nó sẽ giết con!
Thím Sì Mẩy lôi tuột  nó ra bụi chuối  rừng. Một bóng người vụt chạy vào lều. Một tiếng rú kinh hoàng như tiếng con lợn bị chọc tiết. Tiếng thở hồng hộc. Một loạt súng vang lên. Tất cả im ắng đến ghê rợn.Thằng Tây trắng nhễu nhão lừ đừ thõng thượi đi ra, mặt không nhìn một ai. Thím Mẩy kéo Pao vào lều. Bố Pao chết gục trên vũng máu, sau khi đã dùng thuổng đào củ mài đâm trúng ngực con quỷ dâm dục. Thằng Tây còn lại kịp xả một băng vào đầu bố. Mẹ nằm chết ở ổ rơm, mắt vẫn mở trừng trừng. Không biết bố hay thằng Tây còn lại đã kịp thời tung một nắm rơm che chỗ kín trên thân thể mẹ. Môi và hai đầu vú mẹ bị cắn rách bươm, máu vẫn nhểu xuống từng giọt, từng giọt… Mãi đến khi trưởng thành, Pao vẫn bị cái chết thương tâm của bố mẹ ám ảnh. trong từng giấc mơ hãi hùng.
5. Xâu chuỗi  bức thư của mẹ, dòng nhật ký của bố, Ngọc đã hiểu ra nỗi bất hạnh đeo đuổi dằng dai suốt cuộc đời của bố và đem đến cho mẹ một hạnh phúc không trọn vẹn. Cô bỗng nhớ Antoane da diết. Nhớ những nụ hôn nồng nàn nóng bỏng mà thiêng liêng, trong vắt, không gợn chút dục tình của anh. Đã hai tháng nay, Antoane không hôn Ngọc. Cô hiểu và biết ơn anh về sự tế nhị này. Anh  biết nỗi đau đớn vô hạn của Ngọc chưa nguôi ngoai. Hai lần tiễn  cô lên xe ngược Tây Bắc, đôi mắt anh đã nói lên tất cả niềm cảm thông sâu sắc với Ngọc…
Khác với các bạn nữ sinh viên cùng học, mãi đến năm thứ tư, Ngọc mới bắt đầu yêu. Ban đầu là việc Antoane yêu cầu Ngọc giúp đỡ anh ta thực hành tiếng Việt bằng cách vừa đi bộ vừa nói chuyện mỗi sáng, đề tài là đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Thế rồi Antoane tập viết nhật ký bằng tiếng Việt nhờ cô đọc và sửa giùm. Đọc văn của Antone, Ngọc thấy anh quả là một chàng trai thông minh, lịch lãm và giàu lòng nhân ái. Vẻ đẹp tinh thần ấy ẩn giấu sau cái vẻ ngoài có vẻ lạnh nhạt khó gần  của anh nếu tiếp xúc lần đầu.
Lũ bạn gái cùng tuổi Ngọc nhưng đã có thâm niên yêu ba năm với vài ba mối tình nhạt phèo chóng vánh thường nhắc nhủ Ngọc:
– Khi  yêu, chỉ nên cho đàn ông hôn vào má. Bao giờ quyết định lấy mới cho hôn vào môi.
Ngọc ngây thơ hỏi:
– Vì sao?
Chúng nó ré lên cười:
– Đồ ngố tầu! Hôn vào môi dễ bị kích thích, gợi dục… Nhất là với người ngoại quốc.
Ngọc không tin. Thực sự, mỗi nụ hôn nồng nàn cháy bỏng của Antoane đều đem đến cho Ngọc một cảm xúc thăng hoa, thấy yêu đời, yêu người hơn bao giờ hết. Hai mươi hai tuổi, Ngọc nghĩ nụ hôn là đã quá đủ để trọn đời tin tưởng, yêu thương nhau. Cô không thể tưởng tượng nổi các cụ xưa kia và cả mẹ cô có thể lấy chồng, sinh con đẻ cái mà không hề được hưởng một nụ hôn sẽ thiệt thòi cho phận má hồng nhường nào. Nếu để sinh tồn và duy trì nòi giống, con người có khác động vật là bao? Nụ hôn – ấy là biểu hiện của tình yêu thăng hoa – Người nhất…
Đêm nay, Ngọc thức trắng không sao chợp mắt nổi. Cô thương bố, thương mẹ vô hạn. Mẹ cả đời thiệt thòi đã đi một nhẽ. Nỗi ám ảnh về cái chết thảm thương của ông bà nội sẽ còn đeo đẳng bố đến bao giờ? Liệu sau này, đưa Antoane về thăm bố trong hình hài một người Tây da trắng, thái độ của bố như thế nào? Như từ vô thức, Ngọc cắn chặt môi suýt bật máu. Hình dung ra làn môi suốt đời bợt bạt của mẹ, bất giác cô bật dậy, ra đứng trước gương soi. Cô giống mẹ lắm: Đôi mắt đen huyền, sống mũi thẳng cao, thân hình uyển chuyển. Trên gương mặt cô chỉ có một điểm khác mẹ: Đôi môi đỏ thắm nồng nàn quyến rũ, ướt rượt báo hiệu một đời sống lứa đôi đằm thắm, viên mãn…
1/8/2021
Bùi Thị Sơn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Rót lòng mình vào chập chùng sương khói Nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều vừa được bầu chọn làm hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị si...