Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2024

Kinh nước đen 3

Kinh nước đen 3

Mười ba
Ba Choát đi lang thang, khắp cả các ngả đường đều có Cảnh sát chiến đấu gác. Những cuộn dây thép gai đặt bên đường sẵn sàng bung ra chặn lối đi nếu có một đoàn biểu tình xuất hiện.
Khách bộ hành đều có vẻ vội vàng, họ đi qua những chỗ có lính gác mà không dám ngó nhìn ai. Không khí trong thành phố trở nên căng thẳng đến tột độ trong mấy ngày nay, kể từ sau đêm quân đội của bà Ngô Đình Nhu tấn công sấm sét chùa Xá Lọi. Những đám biểu tình gồm tăng ni và đồng bào có thể xuất hiện bất ngờ bất cứ ở chỗ nào. Gạch đá ném tứ tung như mưa bấc. Những chiếc xe cam nhông chở đầy nhóc người bị bắt chạy vội vàng qua đường phố.
Ba Choát nghĩ, mình chẳng dại gì nhập bọn, mình cứ ở ngoài kiếm chác được nhiều hơn, hắn đã vồ được mấy cái xe gắn máy của người biểu tình bỏ lại. Hôm nay hắn lại đi với mục đích đó.
Ba Choát đi dọc theo đường Phan Đình Phùng để lên mạn Vườn Chuối. Buổi sáng thật đẹp trời, Ba Choát thấy người mình khoẻ khoắn lạ lùng, hắn mong có một đoàn biểu tình xuất hiện như mọi lần.
Buổi sáng hôm nay hắn đã ăn uống no nê và hắn có thể đi đến trưa cũng không biết mệt mỏi. Sau những chuyến làm ăn chung đều thất bại, bây giờ hắn nhất định làm một mình. Hắn mong tình trạng rối ren này kéo dài hơn nữa.
Đi đến ngã tư Phan Đình Phùng - Lê văn Duyệt, Ba Choát bỗng thấy một chiếc xe hơi từ hướng Saigon chạy lại. Chiếc xe hơi dừng ngay giữa ngã tư, cửa xe mở, một vị sư mặc áo cà sa vàng bước vội xuống xe, ông ta xách theo một cái thùng rồi ngồi xệp xuống giữa đường. Các tăng ni không biết từ đâu túa ra vây kín khắp bốn mặt đường.
Bất ngờ vị sư tưới bình xang lên người, châm lửa đốt. Lửa cháy phừng phừng, vị sư vẫn ngồi bất động, tay chắp trước ngực. Những tăng ni quì xung quanh rạp người xuống lạy, khóc vang rân. Sự kiện xảy ra nhanh quá. Ba Choát tròn xoe mắt nhìn. Người hàng phố cũng túa ra, cảnh sát chiến đấu, xe vòi rồng từ các ngả chạy đến hú còi vang rân. Ba Choát nhìn thấy những vị tăng ni nằm lăn ra đường chặn ngang đầu xe.
Ba Choát ù té chạy, hắn không dám ngoái cổ lại nhìn. Chạy khá xa, Ba Choát dừng lại thở hổn hển, hắn đứng tựa lưng vào gốc cây, mồ hôi ướt đầm mặt. Ba Choát ngửa mặt nhìn lên tàng lá cây trên đầu, hắn vẫn còn bàng hoàng về cảnh vừa xẩy ra.
Ba Chót tự hỏi, họ tự đốt mình để làm gì? Tại sao những người kia không cứu? Nghĩ vậy nhưng Ba Choát cũng thấy mình xúc động. Hắn nhìn xuống tay thấy lố nhố chân lông của mình nổi lên như da gà. Trong khối óc ngu muội của Ba Choát lần đầu tiền biết xúc động. Hắn cũng không hiểu nguyên nhân đó từ đâu.
Cổ họng Ba Choát khô, Ba Choát đi lang thang tới đầu đường uống nột ly nước mía. Cảnh chết chóc vừa qua vẫn còn ảnh hưởng trong đầu Ba Choát, hắn thấy người đàn ông bán nước mía có vẻ thản nhiên. Ba Choát bất mãn hỏi:
- Anh có biết chuyện gì vừa xảy ra không?
- Biểu tình chứ gì?
- Có một ông sư vừa tự đốt.
Người đàn ông trợn mắt lên, mặt gã thẫn thờ:
- Vậy hả, tội nghiệp quá. Mô Phật chắc một vị hòa thượng nào đó hy sinh vì đạo pháp. Cha bố độc tài!
Gã đàn ông thẫn thờ:
- Mình là người Phật giáo thấy cảnh đó không mủi lòng sao được. Bọn nhà Ngô tàn ác quá rồi..
Sự phẫn uất hằn trên gương mặt gã. Nhưng gã bỗng dịu lại khi thấy Ba Choát nhìn mình chăm chú:
- Chú cũng là người Phật giáo?
Ba Choát chưa bao giờ nghĩ mình là một người của tôn giáo nào. Hắn nghĩ nhà mình có cúng kiếng thì chắc là người Phật giáo rồi, Ba Choát gật đầu đại. Người bán nước mía nở nụ cười hài lòng. Gã bán nước mía tiếp:
- Chúng ta đang sống trong mùa pháp nạn, bọn độc tài nhà Ngô đang giết hại Phật giáo, nếu chúng ta không chống lại, chúng nó sẽ giết chúng ta.
Ba Choát chỉ biết đứng nghe, hắn không có ý kiến gì để góp với gã đàn ông này. Gã đàn ông tiếp:
- Bây giờ chú định đi đâu?
- Tôi trở lại chỗ ông sư đốt.
- Ừ có gì thì về cho tôi biết với nhé!
Ba Choát trả tiền nước mía, gã đàn ông gạt đi:
- Tôi đãi chú, thôi đi đi. Coi chừng mật vụ nó tóm đấy.
Ba Choát cũng hơi ngài ngại, rất có thể mật vụ tóm ẩu mình. Ba Choát cũng biết thời này mật vụ bắt thanh niên rất nhiều. Hắn cũng đã từng nhìn thấy những cam nhông chở đầy nhóc thanh niên. Những thanh niên này vẫn ca hát trên xe: “Việt Nam minh châu trời đông.. Việt Nam giống dân Lạc Hồng... “. Ba Choát không hiểu tại sao họ lại có thể hát được trong cảnh đó. Ba Choát từng thấy những người vừa hát vừa khóc, nước mắt chảy ròng ròng: “Việt Nam, Việt Nam nghe từ vào đời... Việt Nam bao câu nói trên vành môi... Việt Nam nước tôi..”.
Tiếng hát vang dội suốt hai bên phố dài, những người đi đường ngơ ngác, có người cúi đầu đi nhanh. Bất ngờ biểu ngữ ” Đả đảo độc tài Ngô Đình Diệm ” căng ra bên thành xe. Đám người trên xe bị cảnh sát chiến đấu cầm dùi cui đập tán loạn. Lẫn trong tiếng la bét, tiếng hát vẫn cất lên. Những thanh niên tay vuốt mặt máu vẫn cất tiếng hát: ” Việt Nam, Việt Nam nghe từ vào đời... ”
Tự nhiên Ba Choát cũng thấy lòng mình xúc động, và hắn không hiểu sự xúc động đó từ đâu đến.
Ba Choát đi trở lại chỗ ông sư tự thiêu hồi sáng. Con đường vắng hoe, lính võ trang đứng gác khắp ngả đường. Thỉnh thoảng mới thấy người qua lại. ở phía đầu đường Phan Đình Phùng một số đồng bào đứng tụm năm tụm ba nói chuyện.
Ba Choát băng qua đường, hắn dừng lại đúng chỗ ông sư tự thiêu. Nhựa đường bị lửa nóng mềm nhũn đã được xe vòi rồng rửa sạch. Ba Choát sang đường tới chỗ đám đông ở bên cạnh một lỗ cống. Mọi người đang nhìn một chiếc dép cao su vứt lăn lóc. Một người nói:
- Chiếc dép này của ông sư tự thiêu đó!
- Vậy hả, tội nghiệp!
- Có ai biết tên ông sư là gì không?
- Thích quảng Đức. Ngài đã tự thiêu để phản đối Ngô Đình Diệm và để cúng đường Tam Bảo. Mô Phật đất nước này đội ơn Ngài...
Người đàn ông phát ra câu đó hơi đứng tuổi. Ông ta nhìn xuống chiếc dép:
- Máu còn đổ nhiều, không còn cách nào khác nữa.
Những người hiếu kỳ thấy gã đàn ông này có vẻ biết chuyện nên xúm đông lại hỏi han. Đám lính đứng bên kia đường vội sang giải tán:
- Các người đi chứ, đứng đây làm gì vậy?
Trái với dự đoán của người lính cảnh sát, đám đông đứng im lặng, giương mắt nhìn. Ngưrời cảnh sát phẫn nộ:
- Các người nhìn gì vậy!
Đám đông không chịu nhúc nhích. Người cảnh sát rảo qua rảo lại. Bỗng một thanh niên trông mặt bướng bỉnh nhổ một bãi nước bọt xuống đất lấy chân dí lên. Người cảnh sát quay ngay lại túm áo anh ta:
- Mầy khinh tao hả?
Người thanh niên vùng ra, nhưng những chiếc dùi cui của cảnh sát chiến đấu đã tưới lên người anh ta như mưa bấc. Anh ta la lên:
- Đả đảo độc tài Ngô Đình Diệm. Việt Nam muôn năm.
Bỗng người đàn ông hồi nãy nói về Thích quảng Đức nhảy xổ ra ôm chầm lấy gã thanh niên lôi đi, đám đông ùa theo gây thành một cảnh hỗn loạn. Tiếng còi ré lên, tiếng la hét, gạch đá ném tới tấp. Ba Choát hăng máu nhặt liền một viên gạch ném bừa. Những bước chân chạy dồn dập:
- Đả đảo độc tài Ngô Đình Diệm!
Đám đông yếu thế kéo nhau chạy tản mác vào trong hẻm, một số người bị bắt và bị đánh gục ngay.
Ba Choát trúng một cái dùi cui vào vai, vai gã bỗng rát, bỗng một gã thanh niên chặt bằng tay vào ngay cổ người cảnh sát chiến đấu làm cho anh ta ngã chúi mặt xuống đất. Gã thanh niên lôi tay Ba Choát:
- Chạy cho mau!
Những cuộn dây thép gai bên đường được mở bung ra. Ba Choát và gã thanh niên chạy bừa khiến kẽm gai móc rách cả quần áo, người xây xát rướm máu.
Gã thanh niên vẫn nắm chặt tay Ba Choát kéo đi, gã rẽ vào một ngõ hẻm. Ba Choát mệt muốn bứt hơi:
- Thôi... thôi... dừng lại!
Gã thanh niên buông tay Ba Choát ra, nhìn trước nhìn sau.
- Mình thoát rồi hả?
Gã nở một nụ cười, vừa thở vừa hỏi:
- Mệt không?
Ba Choát muốn bứt hơi:
- Mệt quá trời l
Ba Choát nhìn về phía sau:
-Thú vị thiệt, lần đầu tiên tao được thoi lại cảnh sát.
- Khoái thoi cảnh sát lắm hả?
- Nhất định rồi!
Gã thanh niên thân mật khoác vai Ba Choát:
- Lần nào đánh lộn với cảnh sát xong tao cũng khát nước, mình đi kiếm cái gì uống rồi đi ăn cơm, tao bao.
Ba Choát toan trở lại đầu ngõ hẻm, gã thanh niên kéo giật lại:
- Mầy muốn vào rọ sao lại đi về hướng đó, mình băng qua lối này sang Nguyễn Thiện Thuật.
Ba Choát và gã thanh niên vừa dòm chừng các đầu ngõ hẻm, 15 phút sau chúng đã ra đến đường Nguyễn Thiện Thuật. Hai đứa vào một quán cà phê Ba Tàu. Gã thanh niên vui vẻ:
- Mầy là học sinh hả?
Ba Choát lắc đầu, nó nói dối:.
- Không, tao đi làm công cho người ta, nhưng không trở về chỗ làm được nữa.
- Sao vậy?
- Hồi nãy tao đánh mất cái xe gắn máy của chủ.
- Vậy hả?
- Tao mất vì phải bỏ chạy lúc ông sư tự thiêu, taovề bây giờ tao chết đòn.
Gã thanh niên thân mật:
- Mầy đi lang thang với tao, mầy dám biểu tình hoài không?
- Tao đâu có ngán!
- Tao là Hùng, tao học trường Trần Hưng Đạo. Nhưng một tháng trời nay tao chả học hành gì được hết, sách vở tao mất mẹ hết cả rồi, biểu tình hoài...
Hùng móc trong bụng ra một cái súng cao su để lên bàn và những viên sỏi:
- Tao bắn nghề lắm, khí giới của tao đó, tao bắn được vô khối lính của bà cố Nhu. Mầy cũng nên, làm một cái cho đẹp mắt, mình vừa phòng thân vừa bắn chơi...
Câu chuyện giữa Ba Choát và Hùng trở nên thân mật. Hùng tỏ ra một con người cởi mở:
- Sáng hôm nay đi tao xin được bà bô một bò, tao bao mầy ăn hết, mình là bạn tranh đấu mà, phải đập tan độc tài Ngô Đình Diệm. Lát nữa ăn xong hai đứa mình chui vào hát bóng ngủ, chiều ra xem có đám biểu tình nào khác mình nhập bọn.
Ba Choát ăn ngon lành bữa cơm thố. Hắn bị lối nói chuyện say sưa của Hùng lôi cuốn. Mặc dầu Ba Choát đã 23 tuổi, nhưng tâm hồn hắn vẫn như trẻ con. Hùng mới 17 tuôi, nhưng nó hiểu biết hơn Ba Choát vì nó có học. Nó nói về ý nghĩa cuộc tranh đấu của toàn đân, vụ nhà Ngô giết Phật tử ngoài Huế.
Ba Choát nghe và thấy lạ, hắn chưa hề được nghe nhữag chuyện lộn xộn giữa chính phủ và Phật giáo, hắn không hiểu rõ nguyên nhân và cũng chẳng cần biết làm gì.
Hùng nói một cách hăng hái:
- Bây giờ đã đến lúc toàn dân vùng lên để lật đồ gia đình trị nhà Ngô. Đồng bào ta ở ngoài Huế đang chống đối tới thời kỳ quyết liệt, mình phải nhân cơ hội đó làm luôn. Chắc chắn nhà Ngô không thể đứng vững mãi được, chúng đã thua, nhưng vẫn còn lớn lối. Mà ta có thể ví như một ngọn lửa trước khi tàn phải bùng lên một lần chót. Trong thời gian này sẽ là thời gian gay cấn nhất, nhưng tất cả mọi người đều không có quyền chán nản bỏ cuộc.
Ba Choát hăng hái:
- Cái vụ đi biểu tình ném đá là tao khoái nhất rồi.
Hùng đưa một ngón tay lên miệng suỵt khẽ:
- Vậy chưa đủ đâu!
Ba Choát nheo mắt:
- Còn có gì nữa?
Hùng móc trong túi ra một tờ giấy quay ronéo:
- Mình phải sách động tất cả mọi từng lớp dân chúng tham gia vào đại sự.
- Nghĩa là gì?
- Bọn tao có lập một ban chỉ đạo cách mạng, tụi tao in truyền đơn kể tội anh em nhà Ngô, mình phải phổ biến truyền đơn...
Ba Choát đâm hoảng, hắn nghĩ đến sự tù tội, đến lính:
- Thôi mầy ơi, từ hồi nào đến giờ tao đâu có nghĩ đến vụ đó, không có ăn cái giải gì lại bị tù oan uổng.
- Dễ gì bắt được mình, thế hệ thanh niên chúng ta không hành động thì còn chờ đợi ai, chúng ta đang bắt được cơ hội bằng vàng đừng để vuột mất.
Ba Choát không mấy tin tưởng, Hùng cố thuyết phục:
- Mầy coi tao nhỏ hơn mầy nhiều mà còn dám tham gia, mầy chì vậy mà chịu thua sao?
Ba Choát đã ăn đầy một bụng của Hùng, hắn dò đường thử xem tham gia cách mạng có ăn giải gì không:
- Tham gia thì ăn cái giải gì?
- Cứu nguy dân tộc!
Ba Choát lắc đầu:
-Tao mất sở làm đói thấy mẹ mà cứu nguy cái gì.
Hùng hiểu ý Ba Choát:
- À cái vụ này lại khác, dĩ nhiên tụi tao phải lo cho mầy ăn uống chớ, nếu mầy bằng lòng.
Buổi trưa trôi qua, Ba Choát theo Hùng đi coi hát bóng. Suốt buổi chiều không có một cuộc biểu tình nào. Ba Choát từ giã Hùng về qua nhà, Hùng bắt tay người bạn mới thật chặt:
- Mình sẽ gặp lại nhau sau!
Ba Choát về nhà thấy con Út đang ngồi khóc thút thít. Bà Sáu Họ cằn nhằn:
- Mầy đi đâu mà đi hoài, thằng Thâu tới đây năm lần bảy lượt kiếm mầy, nó nói với tao, mầy lại đi mèo mỡ vơi thằng nào đó mà nó khuyên nhủ mầy không được, thì tao sợ mầy dại dột nên khuyên nhủ mầy vậy thôi, mắc mớ gì mầy phải khóc lóc...
Con Út chùi nước mắt:
- Tôi không muốn ai nói tới tôi hết, tôi không muốn nó cấm cản tôi...
Bà Sáu Họ khổ sở:
- Thôi, thì tao thấy mầy dại dột nên khuyên nhủ còn mầy nghe hay không thì tùy mầy. Tao muốn mầy lấy được tấm chồng đàng hoàng, mà thằng Thâu tao thấy nó là đứa...
- Thôi má ơi!
Con Út gắt lên, ngắt ngang câu nói của mẹ. Nàng quày quả đứng đậy đi ra cửa. Bà Sáu Họ gọi với:
- Này, mầy đi đâu vậy?
Út không trả lời, Ba Choát bước vào nhà hỏi mẹ:
- Vụ gì đó má?
Bà Sáu Họ kể lể sự tình một thôi một hồi. Ba Choát nhún vai:
- Mặc xác nó, đứa nào có thân đứa nấy lo.
Út vừa ra khỏi ngõ hẻm đã thấy Thâu đứng chờ ở đó. Nàng cau mặt khó chịu, toan lánh đi, nhưng Thâu đã chạy lại:
- Em đi đâu vậy?
Út giận dỗi:
- Tôi đi đâu mặc tôi, mắc mớ chi đến anh.
Thâu sấn đến nắm đại lấy tay Út:
- Em, hồi này em thay đổi nhiều quá rồi...
Út vùng ra:
- Đừng đụng đến người tôi!
Thâu đau khổ:
- Em hết thương anh rồi sao?
Út im lặng, nàng nhìn xuống chân. Thâu tiếp:
- Em đi đâu, đêm nay giới nghiêm từ chín giờ.
Út nhìn ra đường, Hội Thọt chờ nàng ngoài đó. Một tháng trời nay nàng mê mệt với tình yêu mới. Lời đường mật của Hội Thọt làm nàng quên tất cả, nàng phản bội người yêu. Thâu không có cái vỏ ngoài hào nhoáng như Hội Thọt, không bảnh như Hội Thọt. Út đã sống khổ, nàng muốn có một cuộc đời mới, giàu sang phú quý hơn. Nàng đã một lần lầm lỗi và nàng nghĩ mình ném lao phải theo lao. Bây giờ nàng phải bíu lấy Hội Thọt. Càng ngày nàng càng lơ là tình yêu cũ, nàng trở nên khó chịu vì sự săn đón của Thâu. Hội Thọt đã cho nàng nhiều thứ, tiền bạc, quần áo, tình yêu. Nàng không mong mỏi gì hơn là lấy được một người chồng quyền cao chức trọng như vậy.
Nhìn dáng điệu của Thâu, Út cũng thấy tội nghiệp. Những kỷ niệm cũ đến với nàng, nàng nghĩ mình cũng nên giải quyết dứt dạt vấn đề tình cảm.
Út dịu lại:
- Muộn rồi anh ơi! Chúng ta không thể lấy nhau được nữa.
- Sao vậy em, em có lỗi lầm gì, anh bỏ hết!
Út lắc đầu:
- Không được, em trót thương người ta rồi.
Tình yêu của Thâu nồng nhiệt và mù quáng:
- Không sao, mình hàn gắn lại còn kịp mà.
Út quyết liệt:
- Em không còn gì cho anh hết, em sẽ là vợ người ta.
Môi Thâu run lên:
- Em... em!
Nhung Út đã quay đi, nàng hối hả ra chỗ đậu xe của Hội Thọt. Hội Thọt mở sẵn cửa xe:
- Mời người đẹp!
Thâu chạy theo, nhưng chiếc xe hơi con cóc đã vọt đi. Thâu đứng lặng nhìn theo, mắt chàng tự nhiên mờ đi, chàng than khẽ:
- Trời ơi!
Thâu đá tung một cục đá bên đường, nắm tay lại đấm vào cột đèn. Và Thâu bật khóc. Chàng đưa nắm tay rớm máu lên nhìn những giọt nước mắt bi thương của chàng nhỏ giọt lên đó, nhưng sự xót xa thể xác không làm giảm đi sự đau khổ tinh thần.
Xe chạy trong thành phố bắt đầu vắng vẻ, Hội Thọt nhìn con đường vắng nói:
- Đêm nay giới nghiêm chín giờ, anh bắt lính canh phòng cẩn mật, bọn sư sãi hồi nầy bắt đầu hung rồi.
Út nhìn thấy những người lính võ trang đứng nấp sau gốc cây, tình hình hồi này lộn xộn quá rồi. Nhưng nàng vững bụng vì có Hội Thọt, nàng tin tưởng ở Hội Thọt, hắn từng vẽ ra chương trình sẽ trốn đi ngoại quốc với nàng.
Hội Thọt đưa Út về một căn nhà vùng ngoại ô. Suốt từ khi Út đi theo người yêu mới, nàng chưa lần nào thấy hắn có một căn nhà của riêng hắn. Út hỏi thì Hội Thọt trả lời:
- Nghề nghiệp của anh mà ở nguyên một chỗ để bọn sư sãi ám sát chết à, phải thay đổi địa chỉ luôn luôn.
Út tin, vì hắn nói có lý quá. Nàng như một con côn trùng bay trong đêm, khi nhìn thấy ánh sáng là quáng mắt. Con côn trùng nhào vào ánh sáng không đắn do...
Hội Thọt mở cửa, căn nhà tối om. Hắn bật đèn, ánh sáng chan hòa. Út nhìn thấy một cái giường nệm mút, một cái bàn đêm, căn nhà khá xinh xắn.
Hội Thọt nằm lăn ra giường, hắn vươn vai, uốn lưng:
- Mệt quá, suốt một ngày hôm nay chạy đôn chạy đáo khắp nơi.
Sau những lần chung chạ với Hội Thọt, Út đã trở nên bạo dạn. Nàng ngồi xuống giường mặc tình cho Hội Thọt vuốt ve. Nàng nhìn cái cẳng chân nhỏ tong teo của Hội Thọt hỏi:
- Bao giờ thì anh đi Huê Kỳ lắp chân mới?
- Sắp rồi, anh muốn mang em đi theo luôn.
Út tròn xoe mắt, chỉ vào ngực mình:
- Cả em nữa sao?
- Ừ!
- Anh nói thiệt hay giỡn chơi đó?
Hội Thọt vòng tay quanh eo Út cho nàng nằm xuống cạnh mình:
- Anh nói giỡn em làm gì, anh muốn em được sống một cuộc đời hạnh phúc bên anh. Vả lại anh sang Huê Kỳ một mình anh buồn, trong thời gian anh nằm nhà thương anh muốn có người thân ở cạnh anh săn sóc.
Út ngụp lặn trong hạnh phúc. Nàng nói:
- Thiệt hén anh?
Hội Thọt hôn vào chiếc má bầu bĩnh của Út:
- Anh yêu em, anh tìm kiếm hoài mới gặp được người yêu lý tưởng.
Bỗng nhiên Hội Thọt nhìn thẳng vào mặt nàng, hỏi:
- Út giải quyết xong vấn đề tình cảm lôi thôi chưa?
Út cười, hàm răng nàng trắng sát óng ánh dưới ánh đèn:
- Xong rồi anh ạ, em nói thẳng cho hắn ta biết.
- Dẫu sao anh cũng thấy làm sao ấy!
- Gì anh?
Hội Thọt chỉ vào mắt vào môi nàng:
- Cứ mỗi lần ăn nằm với em, anh lại nghĩ đôi môi nầy đã có người hôn, đôi mắt đẹp nầy từng nhìn hắn.
Út cười nhẹ:
- Anh ghen!
Hội Thọt vẫn giữ vẻ đau khổ:
- Anh là kẻ tới sau, anh luôn luôn thiệt thòi, anh nghĩ không tủi thân sao được.
Út luồn tay vào mớ tóc uốn loăn xoăn của người yêu:
- Anh ghen bậy ghen bạ hoài, em thề có ngọn đèn suốt thời gian hai đứa có tình ý với nhau hai đứa không đụng chạm gì hết trơn. Hắn ngó thấy em là run lên rồi.
- Sao vậy?
Út cười:
- Chả cảm động, em nói gì chả cũng nghe hết trơn.
- Vậy mà em lại phụ hắn?
Út dí ngón tay vào trán Hội Thọt:
- Tại anh đó!
- Bộ em oán anh lắm sao?
Út nhõng nhẽo:
- Ừa đó!
- Tại sao vậy?
- Tại anh phá hại đời em!
Út cười khinh khích, rúc mặt vào cổ người yêu. Hội Thọt vuốt ve trên tấm lưng mịn màng của nàng:
- Sao em không đi thưa lính bắt bỏ tù anh cho rồi.
Út không trả lời, nàng chỉ cười. Hội Thọt với tay tắt dèn, căn phòng chìm trong bóng tối. Út nghe đâu đó có tiếng thạch sùng lắc lưỡi trên trần nhà. Út buông thả, nàng khép mắt lại mặc cho tâm hồn mình bồng bềnh trôi trong cảm giác đam mê. Nàng ngửi thấy mùi thơm của gối chăn, mùi dầu brillantine trên tóc người yêu, mùi đàn ông quen thuộc...
Hội Thọt đánh thức Út dậy sóm. Út còn có nằm nán lại, giấc ngủ nàng thật mệt nhọc. Hội Thọt làm cử chỉ âu yếm vuốt ve nàng:
- Dậy em, sáng rồi đó, anh còn bao nhiêu công chuyện phải làm ngay hôm nay.
Út nhõng nhẽo:
- Em ngủ chút xíu nữa thôi, mệt quá à....
Hội Thọt ra rửa mặt, mặc quần áo. Khi hắn trở vào Út vẫn ngủ say sưa. Hội Thọt phải đánh thức năm lần bảy lượt nàng mới trở dậy:
- Tại anh đó, anh phá em suốt đêm...
Ra khỏi nhà, Hội Thọt nói:
- Bây giờ mình đi ăn sáng rồi anh đưa em tới nhà một người bà con. Anh phải đi có công chuyện tối anh trở lại đón em...
Vào quán, Út đề nghị:
- Hay anh để cho em về nhà?
- Không được, em cần phải nghỉ ngơi dưỡng sức. Nhà người bà con anh mát mẻ, yên tĩnh em có thể nằm ngủ đến chiều.
- Về nhà rồi tối em lại ra đón anh!
- Anh không thích vậy, anh không muốn nhìn thấy mặt thằng nhân tình cũ của em.
Út đành chiều lòng người yêu, Hội Thọt kêu hai ly soda hột gà. Hắn dặn người hầu bàn:
- Mỗi ly hai hột gà nghe!
Út uống soda hột gà, chất nước trôi vào cổ, vào dạ dày tới đâu nàng thấy thoải mái đến đó. Hội Thọt nhìn nàng tủm tỉm cười:
- Khỏe không?
Út hồng đôi má, gật đầu. Hội Thọt săn sóc nàng:
- Ráng uống đi để lấy lại sức.
Nàng ranh mãnh hỏi người yêu:
- Chi vậy?
- Có trời biết!
Út đang sống trong hạnh phúc, nàng tin tưởng rằng cuộc đời đang đãi ngộ nàng. Từ nay nàng sẽ vĩnh viễn xa lánh hẳn đời sống tối tăm. Nàng chưa biết cuộc đời sẽ đưa nàng về đâu... Nhưng hiện tại nàng đang sống sung sướng. Nàng cho người yêu tất cả, nàng không tiếc rẻ gì hết
Hội Thọt lái xe đưa Út đến nhà người bà con. Căn nhà khá lịch sự, hai từng lầu ở sâu trong ngõ hẻm. Hắn giới thiệu với người đàn bà trạc bốn mươi tuổi, mà hắn kêu là chị Ba:
- Vợ em đó chị, chị cho em gởi đây một ngày, thiệt khổ quá, em mắc công chuyện hoài, mà để vợ ở nhà em không yên tâm.
Chị Ba cười, để lộ mấy cái răng vàng:
- Chú kỳ quá vậy, thôi được chú cứ để thím ở đây, tôi coi cho.
Hội Thọt nhìn trước nhìn sau hỏi:
- Anh Ba đâu chị?
- Ảnh mắc bận dưới nhà, lên bây giờ đó.
Út để ý thấy giữa nhà để một bàn thờ Phật, ở nhà trong có vài bà cô con gái lấp ló, họ bằng trạc tuổi Út, nhưng cô nào cô nấy đều ăn mặc diêm dúa. Út nghĩ là con gái chị Ba. Chị Ba trừng mắt, mấy người con gái thụt vào.
Sau khi gởi gấm Út, Hội Thọt ra đi, hắn hứa hẹn:
- Tối anh sẽ về đón em, yên trí anh chị đây tốt lắm.
Chị Ba cười giả lả, chị đưa Út lên lầu:
- Em yên trí, chồng em bận nhiều công tác, nhà chị như nhà em mà.
Chị Ba xuống lầu.
Út nằm trong một căn phòng nhỏ tận lầu ba. Nàng hơi phân vân vì thái độ của những người trong nhà này. Khi chị Ba đưa nàng lên phòng, nàng thấy những cô con gái con chị Ba nhìn bằng cái nhìn khác lạ. Nàng thoáng nghe thấy tiếng cười nhỏ, tiếng một người con gái nào đó nói:
- Thêm một mạng nữa.
Chị Ba cũng nghe thấy, chị đứng dừng lại, mắt quắc lên:
- Đứa nào vừa nói gì?
Những người con gái đứng nép người không đám hó hé. Chị Ba sấn đến tát một người con gái đứng đầu ngã chúi đầu vào tường:
- Mầy ăn nói bậy bạ tao đánh mầy chết mẹ!
- Con có nói gì đâu má?
Người con gái vừa đưa tay sờ má vừa thút thít khóc.
Chị Ba quát lên:
- Chúng bây bước xuống nhà hết, đứa nào mà héo lánh lên đây tao đánh thấy mẹ.
Út không khỏi ngạc nhiên chỉ vì một câu nói tầm thường đó mà chị Ba lại có thể nổi nóng đùng đùng. Nhưng sau đó chị Ba lại dịu ngay, chị cười với Út:
- Tụi nó hỗn lắm, không đánh dằn mặt không xong.
Chị Ba đưa Út vào một chiếc phòng nhỏ, kê vừa một cái giường nệm nhỏ, một bàn đêm và một chiếc quạt máy ở trên:
- Em nằm nghỉ tạm đây, chắc em mệt, thôi cứ ngủ một giấc đi, lát dậy ăn cơm.
Út mệt mỏi, nàng buồn ngủ nhưng vẫn không ngủ được. Thỉnh thoảng nàng lại nghe tiếng xe gắn máy, xe hơi ngừng lại dưới nhà. Tiếng đàn ông con gái nói cười. Tiếng giày tiếng guốc đi lên lầu. Út chột dạ, nhưng nàng nghĩ lại chắc nhà chị Ba là nhà chuyên áp phe nên người ra vào thường xuyên đâu có gì lạ.
Út mệt mỏi quá, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Khi nàng tỉnh đậy nàng thấy một mâm cơm để sẵn trên mặt bàn, chiếc quạt được để xuống đất. Mâm cơm còn nóng, có lẽ người nào đó vừa mới mang lên. Út thầm khen gia đình nầy lịch sự. Nàng ăn uống tự nhiên. Út ăn xong vừa vặn nghe tiếng guốc của chị Ba đi lên lầu, chị cười khi vừa trông thấy Út:
- Khỏe chớ em, chị mang lên cho em mượn cái ladô nghe chơi.
Út thật khó nói vì lòng tử tế của chị Ba. Nàng muốn ra khỏi phòng để xuống nhà chơi thì chị Ba cản lại:
- Em cứ nghỉ ngơi ở trên này, xuống nhà không tiện, nhà chị công an mật vụ và các ông lớn ra vào hoài, không lẽ chị đang mắc ngồi nói chuyện với em lại bỏ sang tiếp chuyện họ. Ở cuối phòng này buồng tắm cầu tiều có đủ em khỏi phải đi đâu hết.
Như chợt nhận thấy Út còn mặc bộ bà ba. Chị Ba nói:
- Để chị lấy bộ quần áo ngủ để em thay.
- Thôi chị!
- Thôi sao được, mình có đi đâu mới mặc quần áo đẹp chớ ở nhà thì phải mặc quần áo ngủ.
Út không dám cãi lời chị Ba. Nàng nghĩ nhà người ta là nhà giầu có chắc lề lối như vậy. Còn mình con nhà nghèo.
Chị Ba ra ngoài một chút rồi mang một bộ quần áo ngủ bằng lụa mỏng màu hồng vào cho nàng:
- Em thay đi!
Út ngại ngùng vì thấy có mặt chị Ba. Chị Ba hình như đoán được ý nghĩ của Út:
- Mình là đàn bà với nhau mà ngần ngại gì em.
Chị Ba đứng dậy giúp Út một tay cởi nút áo bà ba.
Út thấy chị Ba là người cởi mở, nàng không ngần ngại gì. Chị Ba tấm tắc khen:
- Thân hình em đẹp quá! Hồi chị còn con gái đâu có được như em.
Chị Ba còn lấy nước hoa trong ngăn bàn đem ra xịt vào người Út. Mùi thơm nồng nàn tỏa ra căn nhà nhỏ.
Út thấy mình dễ chịu trong bộ quần áo lụa hơi rộng. Nhưng nàng cũng thấy ngường ngượng khi trên người mình chỉ mặc có bộ quần áo lụa phong phanh nhẹ nhàng như lớp sương mỏng bao vây lấy thân thể căng đầy nhựa sống của mình. Nàng không mấy quen với thứ quần áo đó.
Chị Ba nói:
- Em nằm chơi trên này nghe la dô nhé! Chị xuống nhà có chút việc cần.
Chị Ba xuống nhà, chị ta thấy chồng ngồi ở ghế salon:
- Không đi ngủ sao anh!
Anh Ba bận bộ pi-da-ma trắng, viền đỏ và ủi thẳng nếp:
- Buổi sáng uống cà-phê quá nên ngủ không được. Thế nào, con nhỏ được không em?
Chị Ba ngồi xuống cạnh chồng:
- Tuyệt diệu, tôi dám nói nó ăn bứt mấy con của mình. Cho nó đi khứa tôi phải chém ít ra là năm bò. Coi mòi cũng dễ dạy.
- Em ngỏ ý gì ra chưa?
- Đâu đã ngỏ gì, mình phải để từ từ...
Anh Ba thân mật khoác tay qua vai vợ:
- Em cho phép anh trị nó!
Chị Ba quắc mắt lên:
- Anh nói gì vậy?
Anh Ba cười:
- Anh giữ nhiệm vụ dạy bảo nó!
Chị Ba xô chồng ra một cách giận dữ:
- Ăn nói gì mà kỳ cục quá vậy?
Anh Ba vẫn nhẫn nại mơn trớn vợ:
- Trời ơi em lại ghen tuông rồi, mình làm ăn mà chớ có phải mèo mỡ chi đâu?
- Tôi không cần nhờ đến cái bản mặt anh, anh mặc tôi.
Anh Ba đã biết trước phản ứng của vợ nên vẫn bình tĩnh:
- Em không tin lòng trung thành của anh đối với em sao? Mình tình nghĩa vợ chồng với nhau bỏ nhau sao được. Anh đề nghị với em như vậy chẳng qua là một công đôi việc. Anh vừa thuyết phục nó vừa giải quyết vấn đề sinh lý. Anh nói thiệt với em, người em yếu nên lâu nay anh đâu có gần gũi gì em. Giữa cảnh sớm mận tối đào này nhiều khi anh cũng thấy xốn xang lắm, anh ngán em, kính trọng em nên đâu có dám nham nhở...
Anh Ba cười hì hì:
- Anh đề nghị em cho anh được thưởng thức một món ăn chơi như vậy là anh biết điều lắm. Con nhỏ nầy mới đâu có bệnh hoạn gì mà sợ.
Chị Ba hơi xuôi xuôi, chị ngồi im nghe chồng tán tỉnh. Chị thấy chồng mình cũng có lý phần nào. Thà rằng để hắn dùng cây nhà lá vườn còn hơn để hắn đi bậy bạ đâu đó, hoặc vợ lẽ vợ non còn thiệt hại cho chị hơn nữa.
Nhưng chị Ba vẫn làm bộ, không lẽ chị xuôi theo liền thì chồng mình sẽ được dịp làm tới. Chị lườm xéo chồng:
- Thấy gái là sáng mắt lên!
- Trời ơi em, em không thông cảm nỗi lòng của anh. Anh xin thề trên có trời dưới có đất nếu anh mà phụ rẫy em Chí Hòa kêu anh đi, anh chỉ mần công chuyện...Từ trước đến giờ em có thấy anh bê bối không, nay anh xin em một ân huệ.
Chị Ba nhéo chồng một cái đau điếng:
- Chỉ một lần nầy thôi đấy nhé! Bận sau mà còn tòm tèm nữa anh chết với tôi...
Anh Ba hít hà, cuời cầu tài:
- Anh biết em là người đại lượng, lòng vợ như trời biển em đãi ngộ anh như vậy anh đâu có thể phụ rẫy được em. Dễ gì trên đời này có một thằng đàn ông may phước như anh; thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn.
Chị Ba đạp chồng một cái.
- Thôi đừng hót nữa!
Anh Ba sướng như mở cờ trong bụng:
- Anh hứa với em chỉ một đêm nay là thuyết phục được con bé, mai là nó chịu đi khứa liền.
Chị Ba trợn mắt lên:
- Đi gì mà kỹ quá vậy, những một đêm lận?
- Môt đêm là anh giỏi lắm đó, trước em thấy chứ, em muốn dạy bảo một con nào em mất cả tuần lễ, còn anh chỉ xin em có một đêm,.. anh phải gấp rút lấy lại vốn.
Chị Ba lạnh lùng:
- Bây giờ thì tôi cấm anh xớ rớ tới. 8 giờ tối bắt đầu...
Anh Ba choàng ôm lấy vợ hôn chụt một cái, chị Ba đẩy ra:
- Thôi đi đồ sở khanh!
Anh Ba cười hềnh hệch, anh ta ra tủ kiếng lấy chai whisky rót uống tì tì.
Út ngủ một giấc dài đến tận sâm sẩm tối mới trở dậy. Nàng ra buồng lắm, tắm rửa sạch sẽ, nàng thấy người mình khoẻ khoắn hẳn lại. Nàng trở lại phòng, nàng nghĩ đến lọ nước hoa, nang mở ngăn kéo lén lấy ra xịt vào người. Mùi thơm sao mà dịu dàng hấp dẫn đến thế.
Nàng nằm xuống giường mỉm cười một mình. Chắc hẳn Hội Thọt sẽ bằng lòng lắm khi thấy nàng sạch sẽ thơm tho thế này. Nàng nhìn căn phòng. Nàng nghĩ chị Ba tế nhị dành riêng cho Hội Thọt và nàng đêm nay.
Út trở dậy, nàng trải lại tấm “ra” cho thật phẳng phiu, nàng ngắm nghía bộ quần áo nàng đang bận trên người. Nàng mở quạt máy. Nàng lơ mơ nghĩ đến tương lai tươi sáng của mình. Nếu nàng cứ yên phận ở mãi khu Cầu Muối nghèo nàn thì biết bao giờ nàng mới ngóc đầu lên nổi. Nếu có lấy Thâu chắc ngày nay nàng vẫn phải cầm xấp vé số đi hết tiệm nọ sang tiệm kia, mời chào, xin xỏ từng đồng bạc.
Một tháng nay Út đã theo Hội Thọt rong chơi khắp nơi, đời sống của nàng thay đổi hẳn. Trong túi nàng lúc nào cũng rủng rỉnh có tiền. Hội Thọt lại rất yêu thương nàng, Út không còn ao ước gì hơn.
Trời tối dần Út bồn chồn vì vẫn chưa thấy Hội Thọt về. Hay có chuyện gì đã xảy ra cho chàng. Nghĩ đến điều đó Út không được yên tâm, nàng hết đứng lại ngồi, nàng ra cửa sổ song sắt nhìn xuống những mái nhà như bát úp ở phía dưới. Bỗng một bàn tay đặt lên vai nàng:
- Đứng đây làm gì vậy em?
Út quay lại, nàng mỉm cười với chị Ba. Chị Ba thân mật khoác tay lên vai nàng:
- Em chờ chú hả?
Út không trả lời, nàng chỉ mỉm cười.
- Chắc chú ấy chưa về đâu, em ra ngoài này đi ăn mì với chị, bọn mình nói chuyện nhiều.
Út nhìn bộ quần áo mình mặc hờ hững trên người:
- Em ăn mặc vầy mà đi sao chị?
- Mình ra đầu hẻm thôi, có đi đâu xa mà ngại.
Út đi theo chị Ba, nàng thấy nhiều người ngó nàng quá nên nàng không yên tâm. Nàng ăn uống vội vàng rồi đi về:
- Sao lâu quá mà anh Hội của em không về hả chị?
- Chắc chú ấy mắc công chuyện, nếu không về thì em cứ đi ngủ có gì mà ngại. Lát anh Ba về để chị hỏi thử coi, ảnh cũng đi tới chỗ chú Hội. Không chừng hai người về cùng một lượt. Hồi này công tác mật nhiều lắm, làm việc không có giờ giấc gì hết trơn.
Út lại trở lên phòng, lần này nàng thấy mình nóng ruột một cách lạ lùng. Từng bước chân di chuyển ngoài hành lang cũng gợi sự chú ý của nàng. Út mở máy radio, hy vọng sẽ làm nàng quên được thời gian đối với nàng lúc này quá dài. Nhưng rồi nàng lại tắt máy đi, nàng không thể nào chịu được những lời kêu gọi dân chúng của Tổng thống Ngô Đình Diệm trong máy. Có lẽ tình hình ở bên ngoài gay cấn lắm. Suy đoán như vậy Út lại thấy yên tâm hơn khi Hội Thọt về muộn.
Út nghĩ bụng, lát nữa hắn về mình phải làm tình làm tội hắn một phen cho biết tay. Út bỗng lắng nghe, có tiếng bước chân đi ngoài hành lang. Nàng nằm quay mặt vào tường, không dại gì mình vồ vập hắn. Mình sẽ lờ đi như không thèm biết đến.
Tiếng chân bước gần đến cửa phòng nàng, rõ ràng tiếng bước chân của đàn ông. Nhưng nàng nghi ngờ, tiếng bước chân của Hội Thọt bên nặng bên nhẹ kia.
Nhưng Út vẫn nằm yên. Có tiếng đẩy cửa. Út không quay lại, nàng hồi hộp.
Bỗng Út nghe thấy tiếng cửa khép, tiếng cài then. Út ngồi bật dậy:
- Anh Ba!
Anh Ba toét miệng cười:
- Qua đây em!
- Anh mở cửa ra!
- Hề, hề, mình đóng cửa nói chuyện cho được kín đáo.
Bộ quần áo Út mặc trên mình thật mỏng manh, nàng run sợ trước thái độ khoan thai của anh Ba, tự nhiên nàng không còn giữ nổi bình tĩnh:
- Anh ra đi, muốn nói chuyện gì ra ngoài, sao lại đóng cửa.
Anh Ba khoan thai ngồi xuống giường:
- Làm gì mà rộn quá vậy?
Út lê dần vào cuối giường:
- Anh Hội của tôi đâu?
Anh Ba ngó nàng chầm chầm rồi nhếch miệng cười:
- Thằng Hội hả, nó không trở lại nữa đâu!
Út hỏi thất thanh:
- Sao vậy, sao không lại, ảnh làm sao rồi!
- Không sao hết, nhưng không bao giờ hắn còn trở lại nữa...
Út òa lên khóc. Anh Ba thò tay nắm lấy cổ tay Út, lôi nàng lại gần mình:
- Nó bán em rồi em biết không?
Út cố vùng vẫy:
- Sao kỳ cục vậy, bán tôi?
- Đúng, bán mười ngàn đồng, bán cho anh. Hãy ngoan ngoãn mình nói chuyện tử tế.
Út đẩy anh Ba ra:
- Đồ khốn nạn!
Anh Ba đứng dậy, mặt anh ta lầm lì dễ sợ, bất ngờ anh ta vung tay tát bốp vào mặt Út:
- Hỗn!
Út ngã chúi vào góc tường, nàng vừa lồm cồm bò dậy nhận luôn một cái tát nữa nảy đom đóm mắt. Anh Ba gầm lên:
- Tao đánh dằn mặt mầy, đã bước chân vào đây thì không có ngày ra, biết điều thì sống mà không biết điều thì chết mất xác.
Nói xong anh Ba còn rút trong cạp quần ra chiếc thắt lưng da to bản, anh ta quất liền một phát nữa vào người Út. Mới đầu Út còn chửi bới, sau rát đòn quá nàng lạy van:
- Lạy anh, em đâu có tội tình gì?
Anh Ba ném chiếc thắt lưng da xuống sàn, cười nhạt:
- Không tội gì hả, mầy có tội nặng lắm!
Út van lạy:
- Em không có tội gì hết!
Anh Ba cười nhạt:
- Để tao nói cho mầy hay, mầy có tội làm con gái đẹp khiến tao phải bỏ nười ngàn ra mua mầy!
Út chống chế qua loa:
- Tôi không tin vậy, không tin anh Hội lại đem bán tôi.
Anh Ba cười sằng sặc:
- Mầy ngây thơ quả, mầy đi tin thằng điếm Hội Thọt. Tao nói cho mầy biết nó là một thằng điếm từ đầu đến chân. Tao mua mầy để làm gì mầy biết không?
Anh Ba nhìn thẳng vào mặt Út. Út tóc tai rũ rượi, nước mắt chan hòa. Anh ta nói huỵch toẹt:
- Vợ chồng tao mua mầy để bắt mầy làm nhà thổ.
Út khóc rú lên. Anh Ba lại nhặt cái thắt lung da lên:
- Câm!
Anh Ba quất đến vút xuống nệm:
- Tao sẽ đánh mầy đến khi nào này chịu ruớc khách.
Út cay đắng, nàng không ngờ cuộc đời lại tàn nhẫn với nàng đến vậy. Khi nàng hiểu ra thì đã muộn quá rồi. Nàng muốn chết, nhưng không thể chết được. Chiếc thắt lưng da vẫn ở trên tay anh Ba, đôi mắt nhìn nàng nẩy lửa.
- Lạy anh, anh tha cho tôi làm phước!
Anh Ba khoanh tay trước ngực:
- Mầy có mười ngàn không đưa đây!
- Cho tôi về, tôi hứa sẽ xoay tiền!
Anh Ba dang thẳng cánh tay quất Út luôn cái nữa:
- Tao con nít sao mầy?
Út ngồi ở xó giường tấm tức khóc:
- Trời ơi, sao tôi lại khổ thế này!
Anh Ba để cho Út khóc đã đời, anh ta thủng thẳng nói:
- Mầy rõ bộ mặt thằng Hội Thọt rồi chứ, bây giờ có hối hận cũng không kịp. Tao dám bỏ tiền ra mua mầy tao không phải thằng vừa đâu. Tao bất chấp luật pháp cò bót... Mầy kêu trời không thấu đâu, những con mầy thấy ở đây cũng vậy, chúng nó biết điều cả rồi. Còn mầy cứng đầu không xong đâu, mà đã nếm mùi rồi đó... Nếu biết điều thì cái thân sẽ sướng hơn. Mầy sẽ có tiền... tao hứa danh dự. Mầy sẽ có tiền bạc, một thời gian nào đó mầy sẽ được tự do, lúc đó tao sợ mầy lạy tao xin làm...
Út vẫn thút thít khóc, nàng kinh hoàng vì trận đòn phủ đầu. Út lạy van, mỗi khi mở miệng là nàng lại bị ăn thêm vài ba cái bạt tai. Cuối cùng nàng im lặng.
Lúc đó Anh Ba mới chậm rãi nói:
- Mầy nhận lời đi khách chứ? Mất mát gì mà sợ, sẽ quen đi!
Út vẫn im lặng. Anh Ba khủng bố tinh thần:
- Mầy phải trả lời có hay không, tao cho ba phút.
Anh Ba vén tay áo lên xem đồng hồ:
- Bây giờ là tám giờ ba mươi phút tao đợi mày đến tám giờ ba mươi ba phút.
Anh Ba móc túi lấy thuốc lá hút. Út để ý đến chiếc bật lửa của anh ta, chiếc bật lửa giống như của Hội Thọt mà hắn nói là bật lửa nguyên tử, chỉ mình hắn có ở đất nước này.
Tự nhiên Út bật khóc, nàng đã hiểu rõ bộ mặt thật của Hội Thọt, bộ mặt điếm đàng. Vậy mà từ bao lâu nay nàng mắc lừa hắn. Cuộc đời nàng không còn gì hết. Út khóc mùi mẫn...
Tiếng anh Ba cay nghiệt:
- Hai phút rồi.
Út vẫn khóc, nàng không thể nín được.
- Ba phút!
Tiếng nói của anh Ba như một gáo nước lạnh dội lên người nàng. Út cuống lên:
- Em van anh.
Vừa dứt lời Út bị luôn những bạt tai túi bụi. Anh Ba gầm lên:
- Mầy lì hả, mầy chết con ơi!
Út bị đè xuống giường, hai tay của anh Ba chặn lên cổ nàng:
- Tao bóp cổ mầy chết luôn!
- Ối trời, em lạy anh, em nhận!
Anh Ba nới lỏng tay ra:
- Mầy nhận lời?
Út vừa khóc vừa nói:
- Dạ, em nhận!
- Thiệt không?
- Dạ thiệt, anh đừng đánh em nữa.
Anh Ba buông Út ngồi dậy, nhìn nàng chăm chăm:
- Tao làm sao tin được lời mầy?
Út quệt nước mắt:
- Em hứa!
Anh Ba mỉm cười:
- Mầy chứng tỏ thử coi!
Út thấy cuộc đời nàng không nghĩa lý gì. Nàng đã lạc vào đây, nàng kể như hết.
Út ngẩng lên:
- Anh muốn gì?
- Người khách đầu tiên mầy tiếp mầy biết là ai không?
- Ai?
- Tao! tao phải thử xem mầy đã thuần thục chưa?
Út nhìn vào mặt anh ta, khinh bỉ:
- Tôi không ngờ các nguời khốn nạn như vậy!
- Đời mà em ơi, em sẽ còn gặp hằng trăm thằng bẩn hơn anh nữa kia. Biết điều đi!
Út nhìn anh Ba bằng đôi mắt đầy hận thù. Nàng không còn khóc nữa:
- Anh muốn làm gì thì làm.
Anh Ba quăng chiếc thắt lưng da xuống sàn:
- Xong rồi!
Hắn cười khì khì:
- Chắc thằng Hội Thọt đã huấn luyện mầy thuần thục, mầy biết nhiệm vụ mầy phải làm gì chứ!
Út đứng dậy xé toang áo quần mình, nàng lẳng lặng làm nhiệm vụ của giống cái. Nhìn những lằn roi trên người mình, nàng tủi thân khóc tức tưởi.
- Ối cha mẹ ơi!
Tiếng khóc của nàng đứt quãng... Nàng đành cam phận, nàng buông xuôi... Hình ảnh hiền lành của Thâu thoáng hiện ra, nàng tủi thân, khóc to hơn:
- Anh ơi!
Anh Ba tưởng lầm... Anh ta vỗ về nàng:
- Ngoan nào anh thương!
Út co chân đạp tung...
Mười bốn
Những vết tím bầm trên người Út lặn dần sau ba ngày xoa bóp tận tình của chị Ba. Nàng còn được y tá đến chích thuốc khỏe đều đặn hàng ngày, ăn uống tẩm bổ cho lại sức.
Sau đêm kinh hoàng, Út như kẻ mất hồn. Nàng phó mặc cho số phận đẩy đưa. Út biết mình đã lỡ rồi, mà bây giờ có hối cũng không kịp. Nàng tính đến một đường khác, đường thoát thân. Nhưng nàng phải chờ cơ hội thuận tiện. Cơ hội đó thế nào cũng đến...
Buổi sáng hôm nay chị Ba đưa vào phòng Út một chị chuyên nghề sửa móng tay móng chân.
Chị ta lấy đồ nghề từ trong giỏ bày ra giường, những cái kéo, cái dũa, con dao nhỏ xíu bóng loáng. Những lọ thuốc bôi móng tay các mầu.
Chị ta nâng bàn tay Út lên ngắm nghía, vuốt ve:
- Bàn tay em đẹp quá, để chị sửa móng tay, móng chân cho, sẽ đẹp can không nổi... Ừa, ngón tay này mà đeo cái cà rá hột xoàn vô thì số dách.
Út chán nản, nàng đâu còn thiết gì:
- Đẹp mà làm gì hả chị, em muốn chết phứt đi cho rồi!
Út đang cần có một người để giải tỏa nỗi ấm ức trong lòng. Thấy chị sửa móng tay có vẻ hiểu chuyện, nàng không ngần ngại kể kết cho chị ta hoàn cảnh thảm thương của mình. Chị sửa móng tay an ủi:
- Số mạng cả em ạ, ông trời cho mình được sướng thì hưởng, ông trời bắt mình khổ thì phải chịu...
Út mủi lòng, nàng lại khóc tức tửi:
- Chị có cách gì giúp em không?
- Chịu em ạ, chị chỉ đi gọt sửa móng tay như vầy để lấy tiền độ nhật, chị làm gì được. Người ta thế lực mạnh như trời mình chống đối để tù rục xương sao em. Mong em thông cảm cho chị, thôi em rán nhịn nhục một thời gian, chờ có cơ hội rồi thoát. Chị đã gặp nhiều trường hợp còn thảm hơn em nhiều mà chị cũng chỉ biết an ủi mà thôi.
Út tuyệt vọng hoàn toàn, nàng cô đơn, xung quanh nàng không còn ai. Toàn những kẻ đồng lõa với tội ác.
Chị cắt móng tay bắt đầu ca tụng vợ chồng anh Ba:
- Tại nghề nghiệp người ta đành phải làm vậy chớ người ta đâu có muốn hành hạ em làm gì, xem vậy chớ anh chị Ba là người tốt, còn hơn chán vạn mụ Tú Bà khác. Nếu mình ngoan ngoãn họ cũng biết đến công ơn khó nhọc của mình. Chị đã thấy nhiều con ở nhà này khá ra phết có chồng có con đàng hoàng. Chồng bảnh chớ không phải hạng xích lô xe kéo đâu. Như con Lài lấy chồng giám đốc, lâu lâu lại đi xe Huê Kỳ đến mang quà biếu anh chị Ba để đền ơn, đó em coi, con người ta có số mạng cả, em chẳng qua gặp cái hạn, biết đâu cái hạn này lại không phải là dịp may cho mình sau này...
Út lau nước mắt, ngán ngẫm, nàng cũng cho là mình đang gặp vận xui. Chị sửa móng tay ngừng dũa, lật ngửa bàn tay Út lên, xem những đường chỉ:
- Số em không đến nỗi mạt hạng đâu, hồng nhan đa truân là chuyện thường. Nhưng rồi em sẽ có một thời gian vẻ vang, vua biết mặt chúa biết tên...
Đang đau khổ lại được người an ủi mình, Út dịu bớt nỗi buồn. Nàng tò mò hỏi:
- Chị biết xem tướng tay sao?
Chị sửa móng tay cười nhũn nhặn:
- Chị làm nghề này nên cũng học qua về bói toán để xem chơi. Rồi em nghiệm coi có đúng không.
Chị ta sờ tai Út:
- Cái tai em dầy, sống mũi cao, em đâu có phải người khổ, nếu chị không muốn nói em giàu sang phú quí.
Út trở lại hoàn cảnh của mình, nàng thở dài:
- Thôi chị ơi, nói ra thêm buồn...
- Ủa, cái gì là buồn, chị khuyên em nên nhẫn nhịn một thời gian, không lâu đâu.... Em sẽ gặp được một người chồng vừa giàu vừa sang.
Chị sửa móng tay đã gọt dũa vong, chị ta lấy Acétone ra lau chùi cẩn thận, chị tấm tắc khen:
- Bàn tay đẹp quá em thấy không, em muốn sơn mầu nào?
Út không còn tâm trí nào để làm đẹp, nàng nói:
- Tùy chị!
Chị ta ngắm nghía bàn tay Út:
- Thôi được, em cho chị được hân hạnh săn sóc bàn tay ngọc ngà của em nhé!
Chị ta ngắm từng lọ mầu:
- Móng tay em phải sơn mầu bạc, nhưng chỉ sơn một nửa thôi, một nửa bạc nửa hồng, “téch ních cô lo”, chu choa là đẹp! Sơn kiểu “ốp a”?
Út mặc kệ chị ta muốn làm gì thì làm, chị ta nói luôn miệng:
- Chị chưa từng ưng ý một bàn tay nào, chỉ riêng tay em chị mê luôn.
Mùi sơn móng tay thơm ngọt, Út nhìn vào những móng tay nàng, cũng hơi thấy kỳ cục, nó có vẻ diêm dúa làm sao.
Chị sửa móng tay dặn dò:
- Đừng sờ vào nhé, để cho khô đã.
Chị ta thu dọn đồ nghề:
- Chị về, mấy ngày chị sẽ lại tới sửa móng tay cho em. Nhớ giữ gìn đừng để gẫy móng nhé, chân tay phải luôn luôn sạch sẽ.
Chị sửa móng tay ra khỏi, chỉ còn lại mình Út trong phòng. Nhìn bàn tay mình Út thấy chán nản đến tột độ, nàng tự hỏi người ta sẽ còn lôi mình ra làm gì nữa đây. Càng suy nghĩ Út càng đau xót cho thân phận mình. Trời xanh thật ác nghiệt.
Út nghĩ đến lời nói của con mẹ sửa móng tay. Phải chăng mụ ta muốn an ủi nàng trong cơn hoạn nạn, giúp nàng một tia sáng tin tưởng để nàng sống qua ngày, sống làm thân tôi mọi cho họ. Dù sao ý tưởng thoát thân vẫn bừng sáng trong tâm hồn Út. Mình sẽ đi khỏi nơi này bằng bất cứ cách nào. Và Út ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Út choàng tỉnh dậy khi có người đẩy cửa vào phòng, chị Ba hiện ra tươi cười:
- Ngủ đã chưa em?
Út ngồi dậy, nhìn chị ta không trả lời. Chị ta dùng tất cả lời lẽ ngon ngọt dỗ dành Út. Nhưng sau những lời ngon ngọt đó, như ẩn chứa một sự đe dọa: đòn của anh Ba.
Chị ta ngắm nghía Út, xoa bóp vào những vết thương của Út:
- Tội nghiệp em, nếu em ngoan ngoãn, em biết điều thì anh Ba đâu có nổi nóng như vậy. Thằng chả tốt nhưng cũng nghiêm khắc lắm, chả biểu em chửi chả!
Út cãi:
- Em chửi hồi nào, em chỉ lạy van...
- Nào chị đâu có biết, chị nghe chả nói vậy, chị... còn ngán chả nữa kia. Em tưởng chị làm nghề này sung sướng lắm sao?
Út ngạc nhiên khi nghe chị Ba nói được câu đó mà không ngượng mồm. Chị Ba tiếp:
- Cũng bần cùng bất đắc dĩ cả, thời buổi nầy của khôn người khó, chị em mình dựa dẫm vào nhau để sống vậy thôi. Hằng đêm em thấy đó, chị vẫn tụng kinh gõ mõ, rằm mồng một chị vẫn lên chùa cúng quẩy đèn nhang. Mới hôm qua đây chị cúng vào chùa một chục ngàn để đúc chuông.
Chị ta ngừng lời, nhìn Út dò xét, mặt Út thản nhiên như không. Chị ta thấy mình đã có thể nói thẳng được rồi:
- Nói gần nói xa chẳng qua nói thiệt. Chị là người đàng hoàng, thẳng thắn, em đừng sợ chị bóc lột em, em làm với chị thì em được chia tiền, chị chia ba, em một phần và chị hai phần. Chị lấy hai phần chị sẽ bao em ăn ở may mặc quần áo. Nói tóm lại không ai bóc lột ai hết. Em nghĩ sao?
Út thở dài:
- Bây giờ chị muốn tính sao cũng được, không chi tiền em cũng phải chịu kia mà.
- Ậy, sao em lại nói vậy, mình làm ăn với nhau thì phải vui vẻ với nhau chớ... Em cứ nói dỗi vậy chị không chịu đâu. Nếu em biết điều thì chúng ta có thể nói chuyện với nhau đàng hoàng.
Câu nói chót của chị Ba như một tới đe dọa ngầm.
Út im thin thít, chị Ba tiếp:
- Làm nghề này dễ kiếm ra tiền lắm, nếu em biết chắt bóp thì chỉ một năm thôi, là em có một số vốn lớn, lúc đó em muốn thôi, chị đâu có giữ...
Chị ta móc túi lấy ra một xấp giấy trăm:
- Chị có thể đưa cho em một số tiền trước để em tiêu xài may mặc, nợ nần gì mình tính sau.
Chưa bao giờ Út nhìn thấy một món tiền lớn như vậy. Những tờ giấy trăm được chị Ba trải ra giường
- Mười ngàn đồng đó em ạ!
Chị ta thu nhặt lại tiền, dúi vào tay Út:
- Em cứ cầm lấy đi!
Không biết nghĩ sao, Út cầm lấy số tiền. Chị Ba nhoẻn miệng cười:
- Thôi thế là xong, chúng ta đã thỏa thuận với nhau.
Trước khi ra khỏi cửa, chị ta nói huỵch toẹt:
- Chiều nay em sẽ tiếp người khách đầu tiền, ngoan ngoãn nhé, người này không phải là người tầm thưrờng dâu.
Út cúi đầu. Nàng nhìn xuống nắm tiền nàng đang cầm trong tay. Nàng thở dài. Thì cũng đành.
Trời sẩm tối, Út lại nghe tiếng dép lẹp xẹp của chị Ba lên lầu, lần này xen lẫn tiếng giầy đàn ông. Cửa phòng bật mở, chị Ba và một người đàn ông to lớn hiện ra. Chị Ba tươi cười giới thiệu:
- Đây cô em mà tôi đã giới thiệu với ông anh “o ri din” đó.
Người đàn ông ngắm Út từ đầu đến chân, hắn mỉm cười:
- Lan đấy phải không?
- Dạ Lan đó, một bông hoa mới!
Gã đàn ông lại hỏi:
- Tôi ở đây một đêm chứ?
- Dạ!
- Có thể mang đi nơi khác được không?
- Xin ông anh thông cảm cho, em nó mới, sợ để ông anh mang đi, nó có điều chi sơ xuất, ông anh không vừa lòng thì chết cho nhà em.
Gã đàn ông cởi nút áo, phanh ngực, Út nhìn thấy một khẩu súng lục giắt trong cạp quần. Gã đàn ông nhìn ngắm căn phòng, giọng hách dịch:
- Thôi được, tôi dành căn phòng này, lần sau gắn máy điều hòa không khí nhé, chị xuống mang Uýt-ki lên cho tôi.
Chị Ba luôn miệng dạ dạ vâng vâng. Người đàn ông gọi giật lại:
- Này, nhưng chờ dứt hiệp đầu đã nhé!
Người đàn ông cười, nụ cười đĩ thõa. Hắn đóng ập cửa lại, cởi áo, rút khẩu súng lục để lên bàn.
Út ngó khẩu súng, ngó người đàn ông. Nàng ngồi thản nhiên, không cười, không nói một câu.
Người đàn ông ngồi xuống cạnh Út, khoác tay qua vai Út, nâng cằm nàng lên, nhìn vào mặt nàng:
- Sao em buồn vậy?
Út không nói gì, nàng gỡ tay hắn ra, cởi nút áo mình. Gã đàn ông giữ tay Út lại:
- Làm gì mà gấp vậy?
Út thản nhiên nói:
- Ông mất đồng tiền vào đây chơi bời, tôi sẽ làm vừa lòng ông.
Gã đàn ông hôn vào má nàng:
- Vậy sao em không cười cho anh vừa lòng, chắc em cười đẹp lắm.
- Hoàn cảnh này mà cười sao được ông.
- Đừng gọi anh là ông!
- Dạ!
Gã đàn ông đặt những cái hôn tới tấp lên mặt lên cổ nàng. Hắn đỡ nàng ngã xuống giường. Đôi mắt hắn bỗng nhíu lại khi nhìn thấy những vết bầm tím trên da thịt mịn màng của nàng:
- Sao vậy em?
Út lắc đầu:
- Anh đừng hỏi, anh bỏ tiền ra chơi bời thì anh cứ việc...
Út nằm gọn trong tay gã, nàng dấu mặt vào gối. Nàng không muốn kể lể, nàng mất tin tưởng với tất cả mọi người. Gã đàn ông làm xong nhiệm vụ, gã ngồi dậy, kéo tấm “ra” phủ lên thân thể nàng:
- Em có thể nói cho anh rõ về những vết tím bầm trên người em?
Út vẫn lắc đầu:
- Anh biết không ích gì?
- Sao vậy?
Út quay mặt vào trong tường:
- Thôi đừng hỏi đến chuyện đó nữa.
Bỗng có tiếng gõ cửa cạch cạch. Gã đàn ông nói:
- Cứ vào!
Chị Ba xoay chốt cửa:
- Anh khóa cửa rồi.
Gã đàn ông đứng dậy ra mở he hé cửa, đón khay rượu mang vào, đặt trên bàn đêm. Gã rót rượu ra ly uống. Út nghe thấy tiếng những viên đá chạm lanh canh trong thành ly. Út nghe thấy tiếng bật lửa tách tách, khói thuốc thơm phảng phất.
Út nằm im, nàng không buồn đụng đậy, thân thể nàng rã rời, mệt mỏi. Gã đàn ông đặt tay lên vai nàng lay nhẹ:
- Nói cho anh nghe đi!
Út nghĩ đến những lằn roi của anh Ba, nàng lắc đầu:
- Không được đâu anh!
Gã đàn ông xốc nàng ngồi dậy, để nàng ngồi dựa đầu vào ngực hắn:
- Anh thấy em có điều gì uất ức không nói ra được.
Út im 1ặng. Gã đàn ông tiếp:
- Nếu anh giúp em được gì anh sẽ giúp, nói đi.
Út thở dài:
- Không ích gì hết!
Gã đàn ông hơi xẳng giọng:
- Em không tin anh sao?
Út buồn bã lắc đầu:
- Thiệt tình bây giờ em không tin ai hết. Cũng chỉ vì tin người nên bây giờ em lạc bước vào đây!
Gã đàn ông nhìn thẳng vào mặt nàng:
- Vậy sao, tội nghiệp em, em mất tin tưởng hết trơn rồi?
Gã đàn ông gật gù:
- Anh hiểu hoàn cảnh của em rồi, hoàn cảnh em thảm thuơng như bao nhiêu người con gái khác lạc chân vào chốn hồng lâu.
Tự nhiên Út tủi thân, nước mắt nàng ứa ra. Tiếng nói của gã đàn ông như rót vào tai nàng. Út càng khóc mùi... Gã đàn ông nâng mặt nàng lên, hôn vào những giọt nước mắt, hôn lên môi nàng. Hắn thì thầm:
- Anh sẽ cứu em!
Út tấmtức
- Anh làm gì được?
- Anh sẽ đưa em ra khỏi chốn bẩn thỉu này, “bào láng” cơ sở làm ăn bất lương của vợ chồng thằng Ba.
Tự nhiên Út thấy gã đàn ông có súng này là nơi nương tựa, nàng lại lo lắng cho gã:
- Thôi anh ơi, anh đừng dính vào việc này, nguy hiểm lắm.
- Tại sao lại nguy hiểm?
- Không ích lợi gì anh ạ!
Gã đàn ông đứng dậy mặc quần áo, giắt súng vào bụng. Út sợ quá vội níu lại:
- Anh làm gì đó?
- Rủ em đi!
- Đi đâu?
- Đi ăn!
- Đâu có ra khỏi được đây?
- Anh sẽ đưa em ra, cho em thấy rằng vợ chồng thằng Ba sợ anh đến bậc nào?
Út níu gã đàn ông lại:
- Em sợ lắm anh ơi!
- Không có việc gì phải sợ, em cứ tin ở anh, ngồi đây chờ anh đi lấy quần áo cho em, ra đường mặc như vầy đâu được.
Gã đàn ông gỡ tay Út ra, hắn ra ngoài. Út lo lắng; việc gì nữa sẽ xảy ra cho nàng. Một vụ lường gạt nữa chăng?
Nhưng chỉ một lát sau gã đàn ông lên. Theo sau là chị Ba mang một bộ quần áo cho Út.
Gã đàn ông hất hàm:
- Tôi mang con nhỏ này đi ăn, chị tin không?
Chị Ba cười:
- Anh mà, vợ chồng tôi không tin thì còn tin ai.
Gã đàn ông chỉ Út:
- Từ nay con nhỏ nầy là người yêu tôi, vợ chồng chị coi chừng.
- Dạ!
Chị Ba lùi ra cửa. Gã đàn ông mỉm cười với Út:
- Em thấy chứ, anh cho chúng nó sống là được sống, mà bắt chết là phải chết.
Út đi từ ngạc nhiên nầy sang ngạc nhiên khác. Út lắp bắp:
- Cám ơn anh!
Gã đàn ông chỉ bộ quần áo:
- Bận vào đi, chúng ta sẽ đi nói chuyện nhiều.
Út hy vọng rất nhiều, nàng không còn nghi ngờ gì nữa. Nàng mặc quần áo lẹ làng:
- Đi luôn hả anh!
- Khoan, em đàn bà nông nổi, mình làm gì cũng phải có kế hoạch.
Út đi với gã đàn ông xuống thang lầu, nàng thấy những cô gái ở nhà nầy len lét nhìn nang. Chị Ba đon đả:
- Về sớm nhé ông anh!
Gã đàn ông hiên ngang đưa Út ra khỏi cửa. Út không thể đoán được gã này là thành phần nào trong xã hội lại bảnh đến thế, gã có súng sáu, nói một lời là vợ chồng anh Ba rúm lại. Út đoán chừng hắn là một ông bự thứ thiệt, không phải loại ông bự ma-cô như Hội Thọt. Nghĩ đến Hội Thọt, Út lại uất người lên. Nàng không ngờ con người mà mình đã hy sinh cho tất cả lại lòng lang dạ thú như vậy.
Ngồi trong quán an, Út bỗng nghĩ đến cách thoát thân. Gã đàn ông ngồi truớc mặt nàng cắm cúi ăn, không nói với nàng lời nao. Út rụt rè khều tay hắn:
- Anh!
- Hử?
- Em van anh, anh cứu em!
Gã đàn ông nhồm nhoàm nhai mì:
- Xong rồi!
- Em xin đền ơn anh!
- Bằng cách nào?
Út ngượng ngùng:
- Em không có gì... Anh tha hồ, thà anh còn...hơn.
Gã đàn ông uống một hớp bia:
- Cũng xong rồi!
Út cười, nàng đề nghị:
- Mình đi luôn bây giờ?
Gã đàn ông đặt ly bia xuống bàn:
- Em tính cũng phải.
Nhưng gã lại nói ngay:
- Em không thể sống ích kỷ được.
Út ngạc nhiên:
- Tại sao lại ích kỷ?
- Em chỉ biết có một thân em, tại sao em không nghĩ đến những cô gái khác cũng đang ở trong hoàn cảnh thảm thuơng còn có thể nói... hơn em. Họ cũng đang chờ được giải thoát khỏi nanh vuốt Tú Bà. Anh thương những nguòi con gái đó, nhiệm vụ của anh là giải thoát họ...
Út ngồi im lặng nghe, nàng thấy lời đề nghị của gã đàn ông hữu lý. Hắn tiếp:
- Đêm nay em với anh cứ về nhà mụ Ba như thường để mụ không nghi ngờ gì hết. Sáng ngày mai anh mới ra tay, một khi ra tay là anh phải bào láng, anh sẽ cho lính đến hốt ráo trọi. Anh giải thoát cho tất cả.
Gã đàn ông thì thào bàn kế hoạch với Út, sắc mặt nàng tuơi lên:
- Anh làm được việc đó biết bao nhiêu gia đình mang ơn anh.
Gã đàn ông vênh mặt:
- Em không tin anh làm được sao?
- Tin chớ!
- Anh sẽ bắt vợ chồng thằng Ba bỏ tù rục rương, anh chỉ vì lòng nhân đạo.
- Dạ!
- Em thấy chớ, anh đâu ăn cái giải gì?
- Dạ, anh làm việc đó để lại phúc đức cho con cháu là đủ. Riêng em, em xin hứa một điều, em không bao giờ quên ơn anh, sau nầy, dù em có chồng có con, nếu anh gặp em, anh chỉ cần ngoắc tay một cái là em đi theo anh liền....
Gã đàn ông tủm tỉm cười:
- Để làm chi vậy?
Út đỏ mặt, vì nàng biết mình nói hơi hố. Gã đàn ông đặt tay lên tay Út:
- Bộ em không muốn sống chung hoà bình với anh sao?
Út nhìn gã đàn ông tha thiết:
- Sợ anh có gia đình rồi!
- Anh có gia đình em không thèm lấy anh nữa sao?
Út bối rối, nàng không biết phải trả lời ra sao. Gã đàn ông tiếp:
- Anh thú thật anh đã có vợ, có con, nhưng anh không có hạnh phúc.
- Anh bỏ vợ để lấy em?
Gã đàn ông lắc đầu:
- Anh là kẻ có nhân có nghĩa, nhất là anh thương con, anh bỏ sao được.
Út rụt rè hỏi:
- Vậy anh... vậy anh biểu em phải làm sao?
Gã đàn ông nắm lấy cổ tay Út:
- Em có chịu làm bé anh không? Anh sẽ thuê nhà riêng cho em ở, chu cấp em đàng hoàng.
Tự nhiên Út thấy nhói lên trong tim. Nàng không ngờ nàng lại mắc kẹt vào hoàn cảnh khó nghĩ này. Một bên là ân nhân, một bên là đời sống của mình. Út không bao giờ nghĩ mình sẽ làm vợ bé một người nào. Nhưng nàng đã trót hứa với ân nhân, nàng gật đầu, nước mắt đoanh tròng.
Gã đàn ông mỉm cười, đỡ nàng đứng dậy:
- Thôi mình về, mai anh cứ hành động như vậy.
Trở về phòng, Út đã thấy giường nệm mình trải “ra” mới trắng bong. Hai phin cà-phê và rượu Whisky để trên mặt bàn đêm.
Tiếng gã đàn ông vang trong căn phòng ấm cúng:
- Trong khi chờ đợi mình hãy hưởng thụ, dịp may hiếm có cho chúng mình.
Khẩu súng lục của hắn lại được rút từ trong thắt lưng ra, dấu xuống dưới nệm. Ánh đèn đêm hồng nhạt trong phòng. Gà đàn ông khuấy ly cà-phê đưa cho Út:
- Em uống cho tỉnh ngủ!
Uống hết ly cà-phê, Út ngã người nằm xuống giường.
Nàng nồng nhiệt đón nhận ái ân không mặc cảm....
Trời sáng hẳn, gã đàn ông ngồi dậy vươn vai:
- Anh phải tới sở, đúng mười giờ anh sẽ tới giải thoát em.
Út gật dầu, nàng âu yếm vít cổ gã xuống, thì thầm vào tai:
- Em mang ơn anh, ơn trời biển đó em không bao giờ quên.
Gã đàn ông mỉm cười đi ra khỏi phòng, Út nhìn theo với tất cả âu yếm. Nàng nằm xuống, nàng muốn ngủ một giấc thoải mái, nhưng nàng không thể ngủ được. Nàng sung sướng vì chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa nàng sẽ được tự do.
Một lát sau chị Ba trở lên tươi cười chị ta ngồi xuống giường:
- Em ngoan lắm, ông cò khen em hết điều.
Út mỉm cười nhũn nhặn, nàng thầm đe “chỉ lát nữa thôi chúng mầy sẽ chết vì tay bà”.
Chị Ba vẫn không hề hay biết về ý nghĩ trả thù trong đầu Út. Chị tính toán:
- Đêm qua em làm được ba ngàn, chia ba chị lấy hai phần tức là em có một ngàn bỏ túi. Chị đã đưa cho em mười ngàn trước, vậy bây giờ chị khỏi đưa, em đi khứa mười tối là em trả hết nợ chị, ấy là chưa kể những vụ ban ngày. Nói tóm lại một tháng em có thể kiếm được dăm chục ngàn dễ ợt.
Chị ta nhìn Út:
- Nếu em chịu chơi ra mỗi ngày em có thể đi vài ba chục “dù”, trừ tiền nọ tiền kia đi em có hàng trăm ngàn một tháng. Em làm chừng hai ba năm em có bạc triệu...
Chị Ba tính toán mức kiếm tiền của Út theo ” hệ thống dọc “, xuôi rót, Út nghe cũng bắt mê luôn. Nhưng nàng chợt nghĩ lại, nghĩ đến giờ phút nàng thoát khỏi chốn này do lòng hào hiệp của một gã dàn ông xa lạ. Ý tưởng thoát ly đối với Út lúc này hấp dẫn hơn.
Chị Ba lấy một cuốn sổ nhỏ trong túi ra:
- Đây chị ghi “dù” của em vào trang này, mỗi “dù” nếu cẩn thận em có thể ký tên. Tên em bây giờ là Lan, Lê thị Xuân Lan.
Chị Ba tán dương cái tên mới của nàng:
- Em có nhan sắc, cái tên này thiệt hạp với em. Khứa chúng nó kỳ lắm, chúng nó khoái cái tên đẹp, vì như bông hoa đẹp, có hương thơm ngào ngạt hấp dẫn loài bướm loài ong...
Chị Ba có vẻ đắc ý về lý luận của mình, lời nói của chị ngon ngọt và chị tỏ ra biết điều với cộng sự viên của mình. Út chỉ ngồi nghe, nàng không có ý kiến gì. Nàng nghĩ đến phút thoát ly sắp tới.
Chị Ba đẩy cuốn sổ đến trước mặt Út:
- Em coi kỹ rồi ký tên.
Chữ của chị Ba viết lem nhem. Út phải đọc mãi mới ra: Đêm mồng 7 tháng 9 Xuân Lan tiếp khứa, trừ huê hồng “đương sự” còn lại một xín. Trừ vào mười xín chi trước, đương sự còn thiếu lại chín xín.
Út gập cuốn sổ lại, đưa trả cho chị Ba:
- Thôi khỏi cần ký tên.
Chị Ba tươi cười, chị ta nhét cuốn sổ vào túi bà ba:
- Em biết điều lắm, em tin chị lẽ nào chị không cưng chiều em.
Chị Ba vuốt những sợi tóc xổ tung của Út ra lưng:
- Ngày mai chị sẽ đưa em lên Saigon làm đầu, chị sẽ biểu thợ uốn tóc uốn cho em kiểu “nữ sinh thơ dại “, may quần áo mới cho em. Em khoái mặc “ríp” không?
Út ngơ ngác
- “Ríp” là gì hả chị?
Chị Ba cười ngặt nghẽo
- Trời ơi, “ríp” mà em cũng không biết sao. Thật ngây thơ, “ríp se rê” ấy!
Út lắc đầu:
- Em đâu hiểu gì đồ yêu đồ quỷ đó!
- Sao lại đồ yêu đồ quỷ, nói nôm na theo người mình là mặc váy đầm. Nói theo tiếng Tây là “ríp se rê..”
Út lắc đầu:
- Thôi chị ơi, coi vậy kỳ quá!
- Kỳ sao được, mình ăn mặc cho người ta trông vào, em đã ví em như loài hoa muôn sắc hương, mình biết o bế mình thì lo gì không bướm ong dập dìu.
Chị Ba tán tụng về cách ăn mặc một cách hăng hái:
- Chị sẽ mua tặng em một ve nước bông hiệu “Sè nên nuy rô xe” nữa. Mùi thơm quí phái.
Út ngồi yên, mặc chị Ba nói trời nói đất gì thì nói nàng nóng ruột. Nàng đang nghĩ đến con đường thoát ly sắp tới.
Chị Ba thôi không nói về cách ăn mặc và cách xịt nước bông nữa. Chị ta quay sang vấn đề “ăn ở với nhau ở đời”. Tình nghĩa giữa nhà thổ và Tú Bà. Cuối cùng chị ta kết luận:
- Chị là người biết điều lắm, nhiều đứa ra khỏi nhà chị lên bà mà chúng nó đâu có quên công ơn của chị. Tánh chị thẳng lắm, đối với những con biết điều thì chị thương hết lòng hết dạ, đối với đứa phản bị chị trừng trị thẳng tay.
Chị Ba nhìn thẳng vào mặt Út:
- Những hạng ăn cháo đái bát đó không dễ gì qua mặt nổi chị đâu.
Út đâm ngán, nàng lo lắng dò xét chị Ba, không lẽ chị ta lại rõ âm mưu của nàng. Nhưng Út yên tâm ngay vì thấy chị Ba nhoẻn miệng cười
- Em ngủ đi cho lại sức!
Chị Ba đứng dậy xuống nhà. Út nằm một mình, nàng hồi hộp, bồn chồn. Có lẽ cũng đến 9 giờ rồi. Chỉ còn một tiếng đồng hồ nữa ân nhân của nàng sẽ đến giải thoát, Út tin tưởng, nhưng nàng không khỏi lo lắng. Nàng sẽ ra sao? Út chỉ biết khấn vái Trời Phật phò hộ cho nàng. Dưới nhà yên lặng như tờ... không khí ngột ngạt đó càng làm cho Út trở nên lo lắng. Nàng nghĩ mình cần phải sửa soạn cho cuộc ra đi.
Út thay lại quần áo bà ba của mình. Nàng lật gối lên, nàng nhìn mười ngàn đồng, nàng có ý định lấy luôn. Nhưng bỗng dưng tay Út run lên, nàng nhìn sững đống bạc. Cuối cùng Út chắc lưỡi, nàng run run cầm bó tiền, nàng dấu vào trong người.
Út bỗng nghe tiếng chân người đi lên cầu thang, tiếng chân dõng dạc. Út vội nằm xuống giường giả vờ như say ngủ. Tiếng chân dừng lại ở trước cửa phòng nàng. Ba tiếng gõ cửa nhẹ. Út không lên tiếng.
Bỗng Út giật thót người vì tiếng đạp cửa cái rầm.
Cánh cửa bật mở. Anh Ba hiện ra ở trước khung cửa. Anh ta cầm chiếc roi da, mặt hầm hầm. Út ngồi bật dậy, anh Ba cất tiếng cười ngạo nghễ:
- Mầy giỏi lắm!
Út chưa kịp hoàn hồn, chiếc roi da trên tay anh Ba quất túi bụi. Út la thất thanh, anh Ba vừa quất vừa chửi:
- Đm. toàn phản bội, tao đối với mầy như bát nước đầy.
Út quằn quại dưới làn roi ác nghiệt. Những tờ giấy bạc nàng dấu trong người rơi vung vãi khắp giường.
Anh Ba ngừng tay đứng thở:
- Chưa gì mầy đã giở thói lưu manh rồi, qua mặt tao sao được.
Anh Ba nhảy xổ tới, túm tóc Út, Út la chói lói:
- Ối em lạy anh, em trót dại...
Anh Ba vả như điên vào mặt Út:
- Mầy toan phản bội tao, nhờ lính bắt vợ chồng tao, còn lâu con ạ! Mầy xuống đây, mầy sẽ rõ...
Anh Ba túm tóc Út lôi đi xềnh xệch ra hàng hiên, ấn cổ nàng ngó xuống cầu thang:
- Mầy ngó xuống, ngó xuống để hiểu rõ tình đời hơn!
Út khóc nhếch nhải, nàng lặng người khi nhìn thấy gã đàn ông đêm qua đang ngồi uống rượu ở ghế salon. Chị Ba đếm tiền đưa cho hắn.
Anh Ba giật một cùi chỏ, Út ngã bật trở lên, nàng ngất đi... Anh Ba ném cái roi da. xuống sàn gạch, phủi tay. Anh ta đứng ngó nàng rồi kêu lớn:
- Con Huệ con Hường đâu, lôi con nhỏ này đi.
Hai người con gái chạy vội từ dưới cầu thang lên. Họ tránh không nhìn vào mặt anh Ba
Họ cúi xuống đỡ Út. Trước khi quay đi anh Ba còn dặn:
- Tụi bây phải săn sóc nó, đêm nay nó phải tiếp khách. Đm. quân phản bội, có đánh chết cũng không thương.
Anh Ba xuống nhà, ngồi đối diện gã đàn ông:
- Cảm ơn đại ca!
Gã đàn ông uống hớp rượu:
- Tôi phục anh lắm, anh thử “tét” các em khá lắm. Lần sau tôi sẽ giúp anh một tay nữa.
- Anh đã đưa được mấy em vào “nẻo chánh” rồi nhỉ?
Gã đàn ông lắc cục nước đá trong ly rượu:
- Không nhớ nữa!
Cả hai cười ha hả.
Mười năm
Chiều hôm qua Hùng nhét vào tay Ba Choát một mớ truyền đơn:
- Bẩy giờ sáng mai gặp nhau ở trước rạp Vĩnh Lợi sẽ có một cuộc biểu tình lớn của toàn thể sinh viên, học sinh và sư sãi. Lợi dụng lúc lộn xộn mầy tung truyền đơn ra.
Hùng chỉ kịp nói có thế rồi biến ngay. Sáng hôm nay Ba Choát ra chợ Bến Thành sớm.
Ba Choát cảm thấy không khí bữa nay khác lạ mọi ngày. Sáu giờ sáng đường phố còn vắng, những toán lính cảnh sát chiến đấu từ các ngả đường lẻ tẻ tiến đến trung tâm thành phố. Họ đứng lầm lì tại những góc đường. Cảnh sát tập họp trong bót Lê văn Ken.
Bây giờ Ba Choát thấy đường phố đông hơn, hai ba thanh niên dắt tay nhau đi trên vỉa hè Lê Lợi, những đám thanh niên nam nữ đi ngược chiều nhau, chạm mặt nhau họ khẽ gật đầu.
Ba Choát sờ tay vào bụng mình, xấp truyền đơn vẫn còn nguyên trong áo.
Ba Choát thơ thẩn đi đến rạp Vĩnh Lợi. Hùng đã có mặt ở đó, hai người đưa mắt cho nhau. Hùng đi trước, Ba Choát theo sau. Ba Choát hồi hộp đi gần lại bạn:
- Cớm nhiều quá có lẽ lộ rồi?
- Lộ từ hôm qua, nhưng nhất định phải có biểu tình.
- Họ sẽ đàn áp?
- Dĩ nhiên!
Ba Choát lo lắng:
- Tao đi về đây, trả mầy truyền đơn nầy.
Hùng quắc mắt lên:
- Kỳ vậy? Tranh đấu mà gà chết như mầy còn làm ăn gì được.
Hùng vỗ vào bụng mình:
- Tao cũng cả núi truyền đơn đây nầy, tao có thèm than thở như mầy đâu.
Ba Choát lèo nhèo nói:
- Đm....ăn giải gì để ở tù oan mạng.
Hùng bĩu môi:
- Nhát như thỏ đế. Đm. vậy mà khoe bảnh những là đã từng vào tù ra khám...
- Ừa, vào tù ra khám đó, nhưng thà vậy...
- Mầy muốn nói gì tao không hiểu?
- Có ăn có chịu. Thà là vồ một cái xế có bị tù cũng không đến nỗi ân hận!
Hùng kéo tuột Ba Choát vào quán Thanh Bạch:
- Tao có tiền đây, đớp cho no đi. Bây giờ mầy có muốn “phản bội” Cách mạng cũng không kịp nữa.
Ba Choát năn nỉ:
- Tao đâu có phản bội, tao chỉ trả lại truyền đơn thôi, tao không muốn bị “nhúm”.
Bỗng ở ngoài đường có tiếng ồn ào, hai thanh niên đang đi bỗng bị cảnh sát chận lại, còng tay, khám khắp người không hề có một tờ truyền đơn nào. Hùng nói:
- Mầy thấy chưa, đâu cần phải có truyền đơn mới bị bắt.
Hùng cười đắc chí:
- Thôi đớp đi, đớp xong có bị bắt cũng đỡ ân hận.
Hùng chỉ tay ra ngoài đường:
- Mầy thấy chứ, bây giờ có muốn về cũng không được, các góc đường lính chận hết trơn rồi.
Ba Choát ăn hết ngon, hắn bấn lên:
- Đm. mầy hại tao vô đây để bị bắt.
Hùng vẫn cười, hắn cười to hơn:
- Bây giờ chỉ còn một lối thoát là mầy đi theo tao, tao làm gì mầy làm theo. Tao cũng muốn thoát thân vậy, đâu có phải một mình mầy.
Ba Choát ngồi chửi um lên một hồi rồi cũng cười:
- Đm., tao ở tù hoài, nhưng đâu có ở tù lảng nhách như cái mửng nầy. Thôi được, tao sẽ đi theo mầy, nhưng nếu mầy thoát thân một mình thì mầy thấy mẹ với tao. Nhưng này, tao hỏi thiệt, ở tù ra rồi có ăn cái giải gì
- Sao lại không, tổ quốc ghi ơn!
Ba Choát cười hăng hắc:
- Đm. tổ quốc là cái cóc khô gì, nhưng thôi được, tao cũng hết mình với mầy.
Giữa lúc đó, bỗng có tiếng ồn ào phía bùng binh, rồi biểu ngữ giăng lên, người ùa ra như chợ vỡ, cảnh sát chiến đấu la hét, tiếng súng nổ.
Mắt Hùng sáng lên, nắm chặt lấy tay Ba Choát:
- Đến giờ hành động rồi!
Hai người chạy vụt ra đường, chạy thẳng đến bùng bình. Hùng vừa chạy vừa tung truyền đơn. Ba Choát làm theo như cái máy. Hắn thấy phấn khởi, hắn không biết tại sao mình lại phấn khởi. Hắn la hét, chửi thề, đấm đá văng mạng với cảnh sát chiến đấu.
Những chiếc dùi cui đập tới tấp lên đầu lên cổ đám đông. Nhưng những nắm tay vẫn cố vươn lên, mặt Hùng bết máu, hắn gào lên:
- Chúng mầy giết tao đi, giết hết đi!
Hùng gục xuống. Ba Choát cũng không tránh khỏi trận mưa dùi cui. Bọn cảnh sát lôi xềnh xệch Hùng, Ba Choát và một số thanh niên khác ấn lên xe.
Hùng gắng gượng đứng dậy tung một số truyền đơn còn lại xuống đường.
Chiếc xe chuyển bánh. Dưới đường náo loạn. Đám thanh niên bị giam trong xe la hét om sòm:
- Đả đảo độc tài...
Những chiếc dùi cui đập tới tấp lên đầu lên cổ đám thanh niên yêu nước, nhưng không làm câm họng họ được.
Trong trận mưa dùi cui và máu lệ đó, tiếng hát đã cất lên hùng tráng, đắng cay, phẫn nộ: “Việt Nam minh châu trời đông... Việt Nam giống dân Lạc Hồng..”
Chiếc xe vòng một nửa bùng binh chợ Bến Thành chạy về hướng ngoại ô, tiếng hát vang lên, âm hưởng còn mãi trong lòng những người còn lại. Những giọt nước mắt xót thương vẫn âm thầm nhỏ xuống.
Ánh nắng hanh vàng của một buổi sáng đẹp trời bình thản trải trên thành phố Việt Nam. Một buổi sáng lại thức dậy oai hùng...
Mười sáu
Trung sĩ Tuyển rút khăn lau mồ hôi trên cổ trên mặt, ngả cái mũ sắt xuống bờ ruộng. Anh nói với Hạ sĩ Thuận:
- Chú đi một vòng coi anh em ăn uống ra sao?
Hạ sĩ Thuận đi khỏi, Tuyển yên trí ngồi ngả lưng xuống bờ ruộng, đặt khẩu súng Carbine xuống cạnh mình, tháo bi-đông nước ra uống ừng ực.
Đã bốn giờ chiều, nắng vẫn còn gay gắt trên cánh đồng ruộng mênh mông. Trên trời chiếc máy bay quan sát lượn vòng nhòm ngó vào khu rừng cao-su Dầu Tiếng, nơi địch quân vừa rút vào.
Vị Đại úy Tiểu Đoàn trưởng ra lệnh cho đoàn quân dừng chân ngay bìa rừng nghỉ ngơi.
Cánh quân của Tuyển truy kích địch suốt từ đêm hôm qua. Một ngày mệt lả vì những trận xáp chiến kinh hồn. Mải bây giờ anh em mới được dịp nghỉ ngơi. Họ mang cơm nắm ra ăn, nhưng mắt vẫn nhìn về phía rừng cao-su Dầu Tiếng.
Muốn tiến vào đó, tiểu đoàn phải băng qua một cánh đồng trống trải. Địch rút vào một địa điểm lợi thế. Đại Úy Tiểu Đoàn truởng bực dọc chửi thề tùm lum:
- Đm. không có dân ở trỏng thì mình cho máy bay quần nát khu rừng.
Trung sĩ Tuyển nằm gối đầu lên bờ ruộng, ngửa mặt nhìn lên bầu trời xanh ngát. Nếu không có tiếng súng của địch từ phía rừng cao-su lẻ tẻ bắn ra, không có chiếc máy bay L19 lượn vòng trên bầu trời, thì cảnh vật thật thanh bình.
Bỗng Tuyển nghe thấy tiếng bước chân đi lại phía mình. Đại úy Tiểu Đoàn trưởng đứng chống nạnh nhìn xuống Tuyển:
- Dậy, bằng mọi cách chúng ta phải tiến chiếm mục tiêu trước khi trời sụp tối. Anh cho lệnh anh em!

Tuyển đã đỡ mệt mỏi, chàng đứng dậy đi một vòng kiểm soát trung đội của mình. Những chiếc thiết vận xa M113 dàn hàng ngang sẵn sàng. Năm phút sau, năm chiếc Skyraider từ hướng Tây nhào tới nhả đạn như mưa bấc xuống bìa rừng. Súng lớn súng nhỏ của địch từ trong khu rừng cao-su cũng bắt đầu nhả đạn. Tiếng hò xung phong vang động chiến trường. Bom lửa từ trong máy bay bắt đầu thả xuống khoảng đồng trống, khói bốc mù mịt. Đoàn thiết vận xa chuyển bánh thận trọng. Cánh quân dàn hàng ngang tiến bước sau xe.
Những quả đạn bích kích pháo từ trong khu rừng câu ra, mong chặn đứng đoàn thiết vận xa nhưng vô hiệu. Trái khói được thả ra mù mịt. Tuyển không nhìn rõ mục tiêu, nhưng vẫn điều động anh em tiến sau xe... Thỉnh thoảng Tuyển lại nghe tiếng la thất thanh của một chiến sĩ bị trúng đạn. Tiếng Đại úy Tiểu Đoàn trưởng la trong máy:
- Anh em cố gắng, chúng ta đã tiến được nửa đường.
Hỏa lục của địch mỗi lúc một dữ dội hơn. Một chíếc thiết vận xa dẫn đầu đã bị bốc cháy. Trên trời những chiếc Skyraider vẫn nhào lộn không ngưng. Cánh quân hơi chùn bước vì hỏa lực địch.
Bỗng Tuyển nghe thấy một tiếng nổ đinh tai ngay trước mặt mình. Tuyển ngã dội người về phía sau. Tuyển thấy mình lọt xuống một cái hố, ngực đau tức. Phản ứng đầu tiên của Tuyển khi chàng ngồi được dậy là xem xét khắp người, may quá, chàng không bị thương. Cái hố Tuyển lọt xuống là một hố do đạn bích kich pháo của địch.
Những bước chân rầm rập qua đầu Tuyển. Tiếng la hét vang động chiến tường, đạn bay trên đầu và khói mù mịt.
Tuyển leo lên mặt hố, chiếc thiết vận xa cháy rừng rực ngay truớc mặt chàng. Tuyển lao nình chạy thẳng về phía trước, trong đám khói mù mịt.
Những ụ súng đại liên trên thiết vận xa bắn che cho cánh quân dàn hàng ngang rút ngắn dần khoảng đường tiến tới mục tiêu. Tuyển nghe thấy tiếng máy bay gầm thét trên đầu mình. Tiếng la hét của địch quân ngay trước mặt.
Chợt Tuyển thấy cánh quân phía bên phải mình ngã rạp xuống vì họng đại liên của địch phía bìa rừng quạt ra xối xả. Tuyển nằm sấp xuống một mô đất quan sát, lờ mờ trong khói Tuyển nhìn thấy những tên lính Việt Cộng đang điều khiển khẩu đại liên cầm chân bước tiến của đồng đội chàng.
Tuyển nghe thấy tiếng bò sột soạt phía sau lưng mình, Tuyển ngó lại, hạ sĩ Tình bò tới:
- Trung sĩ, khẩu đại liên kia!
Tuyển suyt khẽ:
- Khẽ chứ, mày bắn che cho tao, tao phải khóa họng khẩu súng nầy.
- Có một thằng...
- Mày tìm cách hạ đi!
Hạ sĩ Tình rút chiếc lưỡi lê ngắn ra, cắn ngang miệng:
- Trung sĩ để em!
Tuyển kẹp khẩu đại liên vào nách trái, ngón tay hờm sẵn trên cò súng, tay kia móc trái lựu đạn cầm sẵn ở tay.Tuyển ra hiệu cho hạ sĩ Tình:
- Tao sẽ tiến phía trước mặt nó, mày hạ nó khi tao lộ mục tiêu.
Hạ sĩ Tình gật đầu, hắn bò vòng sang cánh trái, tên lính VC bắn tầm phơ một băng dạn. Còn cách khoảng hai chục thước Tuyển đứng dậy quạt một băng đạn về phía khẩu đại liên. Tuyển nghe thấy một tiếng rú, tên lính yểm trợ nhổm hẳn người lên, vừa vặn hạ sĩ Tình chồm lên như một con thú, chiếc luỡi lê trong bàn tay thiện nghệ của hắn phóng ra nhanh như chớp. Tiếp theo một băng “tom sông”, tên lính VC ngã bật người về phía trước.
Tuyển chồm lên quăng liền trái lựu đạn về phía khẩu đại liên, tiếp theo trái của hạ sĩ Tình. Tuyển hô lớn:
- Biệt động quân! Sát!
Tiếng hô vang động chiến lrường, tuyến đầu của địch hoàn toàn bị phá vỡ. Chiếc thiết vận xa chồm lên, đè nghiến lên công sự phòng thủ chiến đấu, nơi địch đặt khẩu đại liên. Xác địch ngổn ngang.
Tuyển và các bạn đồng ngũ không kịp tước khí giới địch, cánh quân thọc sâu vào trong rừng cao-su. Khắp nơi vang lừng tiếng hô “Biệt động quân, Sát!” Tàn quân địch vừa tháo lui vừa bắn lại. Những xác địch quân ngã ra từ các gốc cao-su.
Trời sụp tối, Tiểu Đoàn của Tuyển hoàn toàn làm chủ tình hình. Đại úy chỉ huy trưởng phái một cánh quân nhỏ đi truy kích địch.
Khoảng 1 giờ sau cánh quân trở về địa điểm tập trung. Chiến trường đã im tiếng súng. Tuyển đôn đốc binh sĩ đi canh gác khắp các địa điểm trọng yếu. Quân số còn lại được nghỉ ngơi ăn uống.
Không khí nặng nề trong rừng cao-su. Tuyển thấy dân chúng cư ngụ trong đó gọi nhau ơi ới. Một vai nhà đã lên đèn.

Tuyển đứng dậy, khoác súng lên vai đi một vòng. Đây đó còn phảng phất mùi khói súng, những thân cây gẫy, những xác địch ngổn ngang chưa kịp thu dọn, những hố đạn, những căn nhà cháy còn trơ cột. Tất cả hình ảnh đau thương đó càng thê thảm hơn khi tiếng khóc thảm thiết cất lên.
Tuyển rẽ vào một căn nhà nhiều người bu đông. Tuyển thấy Đại úy Tiểu Đoàn trưởng của mình đứng ở đó, một xác người đắp chiếu nằm trên tấm phản gỗ, bên cạnh một người đàn bà và ba đứa trẻ khóc lăn lộn.
Tuyển rẽ đám đông đi vào, chàng giơ tay chào xác chết. Đại úy Tiểu Đoàn trưởng ra nắm vai người đàn bà an ủi:
- Thôi bác, chuyện đã qua rồi, điều thứ nhất là chúng tôi xin gởi lời chia buồn cùng bác và gia quyến. Điều thứ hai chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ bác... Thời buổi chiến tranh làm sao tránh được khỏi cảnh tang tóc...
Người đàn bà nức nở, giọng đặc miền Bắc:
- Ối thầy nó ơi, tưởng rằng sống với nhau được suốt đời, rau cháo có nhau... ai ngờ hòn tên mũi đạn nó cướp mất thầy nó... Ối trời cao đất dầy...sao thân tôi khốn khổ thế này.
Người đàn bà gào thét, ôm lấy xác chồng, những đứa con ôm lấy mẹ. Nỗi bi thương ấy làm mủi lòng tất cả những người đứng xung quanh.
Tuyển nghe thấy những cái tặc lưỡi tội nghiệp, những cái lắc đầu:
- Tội nghiệp bác cọp, con người thiệt hiền lành thực thà.
Mặt đại úy Tiểu Đoàn trưởng sắt lại dưới ánh đèn dầu vàng vọt. Đại úy buông người đàn bà, tới cạnh Tuyển:
- Chú cùng tôi về nói với anh em, xem mình có thể giúp đỡ họ được gì không!
Hai người rẽ đám đông đi ra. Đêm về khuya lạnh lẽo, không khí trong khu rừng âm u nặng nề. Hồi chiều Tuyển để ý thấy sắc mặt những người phu cạo mủ ở đây đều xám xịt. Có lẽ vì không khí nặng nề nầy.
Về đến đơn vị, Đại úy Tiểu Đoàn trưởng tập họp anh em binh sĩ kêu gọi sự giúp đỡ gia đình nạn nhân.
Một binh nhất giơ tay xin nói. Đại úy Tiểu Đoàn trưởng cho phép. Anh ta đứng dậy:
- Thưa Đại úy em dám hỏi mỗi cuộc hành quân như vầy chẳng may dân bị chết mình đều phải đền cả sao? Chiến tranh mà Đại úy, chết chóc là chuyện thường. Xin nói để đại úy rõ thằng em ruột của em mới chết trong trận đánh vừa rồi, còn một điều này nữa, người ta chết chưa chắc đã do đạn của mình, mà có thể là đạn Việt cộng.
Đại úy Tiểu Đoàn trưởng từ tốn:
- Anh ngồi xuống đi, tôi hiểu anh cũng như hiểu tất cả mấy trăm con người ở đây. Mình có uy dũng của một chiến sĩ, mình cũng còn phải có cả lòng từ tâm mới là một chiến sĩ hoàn toàn. Tôi chỉ kêu gọi anh em, ai có lòng thi giúp đỡ người ta, đất nước chúng ta đau thương, nếu chúng ta xoa dịu được phần nào thì tôi thiết tưởng chẳng nên ngần ngại...
Tiếng nói của Đại úy trầm xuống buồn bã:
- Tôi là người đầu tiên giúp gia đình đó một ngàn đồng, anh em tùy kẻ ít người nhiều, ai không có thì thôi....
Đại úy Tiểu Đoàn trưởng ngồi xuống một thân cây gẫy. Trong đoàn quân có tiếng xầm xì bàn tán, một lát sau Trung úy Tiểu Đoàn phó bưng chiếc mũ sắt đến:
- Thưa Đại úy đây là tiền anh em phúng điếu.
Đại úy Tiểu Đoàn trưởng mỉm cười, nụ cười của ông buồn bã:
- Trong trận nầy mình cũng rụng mất bẩy “con”, tôi hiểu nỗi buồn của anh em. Tôi cũng buồn....
Đại úy Tiểu Đoàn trưởng thay mặt tang quyến cám ơn tất cả binh sĩ. Ông cùng Tiểu Đoàn phó cùng một số binh sĩ đại diện đến chia buồn cùng tang quyến.
Người đàn bà khóc ngất khi cầm món tiền trong tay. Tuyển khẽ thở dài, Tuyển ra ngoài cửa đứng. Một ông già mon men tới cạnh:
- Các ông tốt quá!
Tuyển quay lại, ông già nhìn chàng cười ngượng ngập:
- Chết mà được như vậy là phước lắm!
Tuyển cúi đầu chào ông già:
- Bác ở đây?
- Dạ tôi ở đây cả mấy chục năm trời nay rồi, nếu xếp rảnh rang lại nhà tôi uống ly cà-phê chơi!
Tuyển theo ông già về nhà. Căn nhà của lão không khác với những căn nhà của phu cạo mủ ở đây. Bất giác Tuyển buồn buồn. Ngay xưa cha Tuyển cũng từng sinh sống ở đây. Có lẽ ông già này cũng là một trong những người cùng rời bỏ quê hương xứ sở với cha chàng.
Tiếng nói miền Bắc pha lẫn giọng Nam, cha Tuyển ngày xưa cũng đã nói như vậy.
Ông già xô tấm cửa liếp vào nhà, vặn to ngọn đèn dầu khua vợ con dậy:
- Dậy, dậy đi bu nó, có xếp tới chơi!
Tuyển can lại nhưng không kịp. Ông già mời Tuyển ngồi ở phản giữa. Vợ con ông già lục đục ra chào Tuyển.
Tuyển nhìn sững người con gái mặc áo trắng, tay áo có ren, nhưng nhầu nát. Tuyển thấy nàng quen quen nhưng không nhớ mình đã gặp ở đâu. Ông già giới thiệu:
- Đây là con gái tôi. Cách đây ít lâu nó có lên Saign làm ăn, của không người khó, chẳng ăn thua gì nó lại về cạo mủ...
Ông già chép miệng xua vợ con vào nhà:
- Bu mầy vô pha ly cà-phê mời xếp.
Ông ta tán tụng:
- Thiệt tôi chưa thấy đơn vị nào lại có lòng như đơn vị này, chiến tranh mà được các ông tận tình giúp đỡ như vầy là khá lắm. Đồng bào chúng tôi không dám quên ơn các ông.. Ấy tôi cũng có hai thằng con lớn đi lính đã lâu rồi tôi không nhận được tin tức gì, không biết sống chết ra sao?
Ông già thở dài thườn thượt rồi lại hỏi:
- Xếp hả, bao giờ thì hết chiến tranh? Liệu có yên được không? Chết chóc hoài tội quá.
Tuyển lắc đầu chán nản:
- Không biết được bác ơi!
Tuyển đang mải suy nghĩ về người con gái, chàng đào xới dĩ vãng mình, không biết mình là gặp nàng ở đâu?
Người con gái bưng hai tách cà-phê ra đặt lên phản:
- Thưa, hơi ít đường, xếp và thầy uống đỡ.
Tuyển nói:
- Được mà, không sao!
Ông già lôi cái điếu cày ra, tra thuốc lào vào nỏ, châm đóm vào ngọn đèn dầu. Tiếng điếu cầy rít lên dòn dã. Ông già nhả khói lơ mơ nhìn ra ngoài trời:
- Thuốc lào ở đây không được ngon như ngoài Bắc, nhưng hút cũng được. Xếp làm một điếu không?
- Dạ thưa bác cháu không biết hút.
Ông già mời Tuyển uống cà-phê, ông lơ mơ nhìn ra ngoài trời:
- Tôi là người kỳ cựu nhứt ở đây, từ khi Tây mới lập đồn điền này, tính ra cũng tới ba chục năm...
Vừa uống cà-phê ông vừa than thở:
- Anh em vào đây có ngót một trăm người, khi đi chỉ mình tôi có vợ có con. Anh em sau này lớp chết lớp bỏ đồn điền xuống Saigon làm ăn, chắc họ khá cả rồi.... Tôi suốt một đời làm cu-li khổ vẫn hoàn khổ, chưa bao giờ tôi ngóc đầu lên nổi.
Đêm khuya dần, câu chuvện của ông già càng say sưa:
- Tôi nói thiệt đó xếp, một lần tôi về Saigon đi qua một dẫy nhà bán đồ ngà voi tôi thấy toàn là người Bắc mình, mấy mặt đó tôi biết quá mà... Nó cũng chẳng thèm nhận mình. Thằng Ti ở quê tôi bây giờ làm hàng giò chả cũng xe hơi nhà lầu... Lần đó tôi gặp nó, tôi hỏi, nó nhìn tôi bằng nửa con mắt, hỏi lại tôi: “Anh là ai, tôi không quen!”
Ông già cười nhạt, giọng ông ta hậm hực:
- Đời mà, mình cũng chẳng trách móc làm chi, số phận mình hẩm hiu thì đành chịu vậy.
Tuyển tò mò hỏi:
- Hẳn bác quen mặt với tất cả những người Bắc ở đây?
- Tôi biết hết, ừ.... không thiếu mặt nào, chúng nó những thằng còn sống đều khá cả.
Ông già kể ra một dọc tên, ông ta kể cả tên làng tên xã ở ngoài Bắc. Khi nhắc đến tên Sáu Họ, cha Tuyển, ông ta nói lại:
- Chúng nó khá cả, thằng Sáu Họ còn kém tuổi tôi. Tôi nghe người ta nói bây giờ nó giầu có lắm ở Sài gòn con cái đều ăn nên làm ra. Có lẽ thằng Sáu Họ là thằng giầu nhất đám, nhà lầu hàng rẫy ở Sài gòn, xe Huê Kỳ cả chục chiếc...
Tuyển cay đắng khi nghe bạn của cha mình nhắc nhở đến tên Sáu Họ. Ông ta hiểu lầm và Tuyển cũng không muốn cải chính làm chi:
- Giàu nghèo có số cả bác ạ!
- Tôi cũng nghĩ vậy, tôi đâu có than thở gì, thấy bạn mình giàu có, mình mừng cho nó.
Tuyển tò mò hỏi:
- Với cái ông Sáu Họ bác thấy sao?
- Thằng đó khá, hồi nó vào đây, tôi tưởng nó chết. Nó lấy vợ người trong nầy, nghe đâu về quê vợ làm ăn một thời gian rồi mới lên Sài gòn. Đối với tôi nó tử tế lắm...
Ông già tiếp tục nói:
- Nếu Sáu Họ biết tôi còn ở đây, thế nào nó cũng tới thăm, giúp đỡ...
- Sao bác không lên Sài gòn tìm ông ta?
- Biết đâu mà tìm, mà tôi cũng không muốn tìm đến làm chi, nếu họ có lòng, tự khắc họ sẽ đến. Tôi vẫn tin tưởng nó là người tốt...
Tuyển cay đắng, nhưng chàng không thể nói gì hơn, tốt hơn cứ để ông già tin tưởng, dù niềm tin đó không tưởng.
Đêm đã khuya, Tuyển từ giã ông già ra về. Tuyển chợt thấy người con gái đứng ở cổng. Tuyển thắc mắc không hỏi. Nàng vẫn còn đứng đó, nàng nhìn theo. Đêm lạnh sương xuống nhiều, bóng người con gái mờ đi...
Rừng cao-su rì rào tiếng lá khua động. Thỉnh thoảng một tràng súng máy bắn vu vơ khua động đêm trường.
Tuyển trở về đơn vị mình, mắc cái võng lên ngang hai thân cây, leo lên nằm.
Tuyển buông cái mùng chụp lên trên võng, gác khẩu Carbine bên cạnh. Tuyển hy vọng ngủ được một giấc thoải mái sau một ngày một đêm thần kinh căng thẳng. Nhưng Tuyển không tài nào ngủ nổi, không phải vì những tiếng hô ban đêm của lính gác, không phải vì những tràng đạn bắn vu vơ. Những tiếng động đó đối với Tuyển quá quen thuộc.
Tuyển đang nghĩ đến nét quen thuộc của người con gái mà chàng gặp ở nhà ông già. Không biết Tuyển đã gặp nàng ở đâu, chiếc áo lụa trắng nhầu nát có thêu ren. Khuôn mặt buồn bã, đôi mắt không được tinh nhanh.
Tuyển kiểm điểm lại những kỷ niệm của mình, những nơi chàng đã đi qua. Ở một nơi tối tăm nào đó, trong một cơn phẫn nộ, những vũng nước đọng trong con đường hẻm sâu. Tuyển bỗng nhớ ra, đúng rồi, người con gái này đã ở nơi đó. Nàng run rẩy khi bàn tay Tuyển giơ lên, đôi mắt hãi hùng trong bóng tối nhá nhem ở trong phòng một nhà chứa miệt bến xe An Đông.
Đêm hôm đó Tuyển uống rượu say, chàng đau khổ phẫn nộ và muốn phá phách để giải tỏa nỗi ấm ức của mình, sự tuyệt vọng vì một mối tình..Và sau đó Tuyển hạ tay xuống, chàng thấy rằng mình không thể đánh một người con gái vô tội, yếu ớt...
Tuyển thở phào khoan khoái khi thấy mình đã nhớ được người con gái nầy. Và có lẽ nàng cũng nhận ra Tuyển. Tuyển sờ tay lên khuôn mặt đầy sẹo của mình. Khuôn mặt ác quỷ nầy ai mà không nhớ được, chỉ cần một lần gặp gỡ.
Tuyển lại thắc nắc, không hiểu tại sao nàng lại lần mò lên Saigon làm ăn ở chốn đó, rồi nàng lại về đây?
Khuôn mặt xanh lướt, với đôi mắt buồn rười rượi của nàng phóng lớn trong tâm tưởng Tuyển. Giấc ngủ đến với Tuyển nặng nề.
Khi Tuyển mở bừng mắt ra, trời đã sáng rõ. Anh em trong đơn vị trở dậy nấu nướng. Một số tản vào nhà dân chúng... Một số khác ngồi nhậu đế với khô nướng. Họ nói đùa nói bỡn nhau.
Tuyển trở dậy gấp đồ đạc gọn ghẽ cho vào trong ba-lô, dốc nước trong bi-đông ra rửa nặt, súc miệng.
Mặt trời đã lên, nhưng sương mù trong khu rừng cao-su vẫn chưa tan hết. Tuyển đi qua đám nhậu, bọn lính mời rối rít:
- Trung sĩ, ngồi nhậu chơi!
Tuyển giơ tay chào:
- Cám ơn, để khi khác.
Tuyển đi thẳng đến căn lều của ông già, bọn lính reo vang:
- Tụi bây ơi, ổng chịu chơi rồi. Ở trỏng có một em thơm lắm!
Tuyển mỉm cười, mặc cho các bạn đồng ngũ chế diễu. Khi Tuyển bước chân vào nhà đã thấy ông già ngồi xếp chân bằng tròn trên tấm phản gỗ, bên cạnh điếu thuốc lào.
Ông ta vui vẻ:
- Mời xếp vào chơi, tôi biết xếp thế nào cũng tới chơi.
Ông già hướng vào trong nhà kêu:
- Thuận ơi, pha trà, pha cà-phê con.
- Thôi bác, khỏi vẽ vời!
Người con gái đi ra, nàng vẫn nhìn Tuyển bằng đôi mắt ngại ngùng như đêm qua. Mái tóc uốn lâu ngày không được chải gỡ rối bù, sắc mặt nàng sáng nay có vẻ mệt mỏi, đôi nắt thâm quầng.
Khi nàng bưng khay cà-phê và trà ra, Tuyển để ý đến bàn tay của nàng, những ngón tay có móng nhọn loang lổ sơn đỏ.
Tuyển biết mình không thể nhầm lẫn được. Dấu vết cuộc đời chơi bời của nàng vẫn còn đó. Nàng e dè lùi bước.
Ông già chợt nhìn Tuyển rồi nhìn con gái. Ông ta rít một hơi thuốc lào xòng xọc nhả khói mù mịt:
- Ấy em nó hồi trước cũng làm ở Sài gòn một thời gian, nó nói làm ở nhà sang lắm nên phải chải chuốt không hiểu sao sau mấy tháng nó lại bỏ về không có một đồng xu dính túi, lại bệnh lên bệnh xuống...
Tuyển biết người con gái đã nói dối cha mẹ mình. Tuyển nghe tiếng nàng ho trong nhà. Tuyển hỏi:
- Cô nhà tại sao không làm nữa?
- Tôi cũng không được rõ, nó cũng không nói gì với tôi. Mấy tháng đầu nó còn gửi được ít tiền về, sau rồi bặt luôn. Tôi lo quá toan lên Sài gòn tìm nó thì nó mò về, thân tàn ma dại. Hồi này là khá lắm rồi đó.
Ông già thở dài:
- Cái số gia đình tôi không may mới gặp vận đen như vạy, nhiều đứa lên Sài gòn làm ăn một hồi mang được cả cha mẹ lên, con nhỏ nhà tôi nó đần quá!
Tuyển thấy xót xa cho gia đình ông già. Nếu cha Tuyển còn đến ngày nay chắc cũng già như vậy. Ông già nói tiếp:
- Chắc đời tôi cũng đến chết dấm chết dúi ở đây mất, tôi không còn hy vọng gì...
Ông già nói bằng giọng buồn buồn, Tuyển chỉ còn biết an ủi qua loa. Bỗng ông già hỏi, giọng đặc miền Bắc:
- Cậu ở đâu cơ?
Từ đêm hôm qua, Tuyển không muốn nói, nhưng lại không nỡ nói dối. Chàng hạ thấp giọng:
- Thưa bác cháu là con ông Sáu Họ đây!
Ông già trợn mắt, lắp bắp hỏi:
- Cậu nói sao, Sáu Họ nào?
Tuyển bình tĩnh giải thích:
- Vâng, thưa Sáu Họ cùng bỏ quê hương với bác về đồn điền Dầu Tiếng nầy cạo mủ cao-su.
Tuyển thấy ông già run lên, hai tay đưa ra trước:
- Trời ơi! Mầy!... Mầy là... con thằng Sáu Họ thiệt sao?
Ông già mừng quá gọi thất thanh:
- Bu nó ơi, Thuận ơi, ra mà coi con trai thằng Sáu Họ này!
Tự nhiên Tuyển thấy mủi lòng, nước mắt chàng lâu lắm mới có dịp chảy ra. Tuyển thấy cổ họng mình nghẹn ngào:
- Cháu là thằng Tư Tuyển, con của Sáu Họ.
Bà vợ của ông già chạy ra, nhìn hai người ngồi khóc:
- Sao, ông nói sao? Sáu Họ, Sáu Họ nào?
Ông già mừng quá gắt lên:
- Thằng Sáu Họ chớ thằng nào bà quên rồi à?
Bà già chợt nhớ ra reo lên:
- Tôi nhớ rồi! Trời ơi con trai chú ấy đây à? Ba má con hồi này ra sao con?
Tuyển nhìn hai ông bà bằng con mắt đẫm lệ:
- Ba con chết rồi, chỉ còn má con!
Tuyển kể lại chuỗi ngày bi thảm của gia đình mình. Ông già chép miệng:
- Tội nghiệp, vậy mà tao tưởng bố mày khá lắm, nếu cứ chịu khó làm ăn ở đây đâu đến nỗi nào.
Cả hai ông bà đều chép miệng thở đài. Bà già thẫn thờ nói:
- Chú Sáu Họ là người hiền lành, cùng gia đình tôi bỏ xứ ra đi... Ờ, hồi đó ông tây Ba Danh (Bazin) mộ phu... Tôi tưởng sẽ bị đưa ra Tân Thế Giới, lại được ở lại quê hương xứ sở là may rồi,
Vợ chồng ông già nhắc lại kỷ niệm khốn cùng của họ với Sáu Họ:
- Thấm thoát ba chục năm qua, đời người ta như bèo bọt.
Ông già nói:
- Tao tưởng như mới ngày hôm qua còn trông thấy thằng Sáu Họ.
Ông hút thuốc lào, nhả khói, uống ly chè tươi.
Cô con gái tên Thuận ngồi tư lự. Thấy trời đã muộn bà già mời Tuyển:
- Cháu ở lại ăn bữa cơm rau với hai bác nhé!

Tuyển nhận lời trong ngần ngại. Tuyển hiểu hơn ai hết gia đình này quá nghèo. Hai mẹ con đưa nhau vào bếp thì thào bàn tán. Tuyển đứng dậy:
- Xin phép bác cho cháu về qua đơn vị một lát.
Tuyển ra ngoài đứng đón đầu, chàng biết chắc thế nào Thuận cũng phải đi chợ qua. Quả nhiên một lát sau nàng cắp rổ ra. Thấy Tuyển, nàng đi chậm lại gật đầu chào.
Tuyển tiến tới, hỏi nhỏ:
- Cô nhận ra tôi không?
Nàng gật đầu, mặt nàng hơi biến sắc:
- Anh nói gì với thầy em?’
Tuyển lắc đầu:
- Tôi không nói gì hết!
Thuận tẩn mẩn bẻ một cái nan rổ:
- Em vẫn giấu thày bu em chuyện đó.
- Tôi biết!
Tuyển móc túi đưa cho Thuận một trăm bạc:
- Em cầm thêm tiền chợ!
Nàng cầm tiền không ngần ngại. Tuyển nói nhỏ:
- Tối nay mình gặp nhau nói chuyện nhiều.
Thuận quay đi.
- Em không bao giờ muốn nhắc đến chuyện đó nữa, đau thương lắm. Nhưng em không giấu anh, vì anh đã biết em. Anh đã đến gia đình nhà em, bố mẹ em nghèo quá, và em nghĩ rằng em phải có bổn phận giúp đỡ... Em theo chúng bạn lên Saigon, em hy vọng mỗi tháng sẽ gửi được dăm bẩy trăm. Anh biết đó, em đã làm nghề gì...
Thuận cúi gầm mặt xuống, giọng nàng xót xa. Đêm yên lặng, Thuận nhìn ra xa, trời tối, nhũng lùm cây mờ nhạt trong bóng đêm.
Hình như sương mù đang xuống nhiều. Tuyển thấy lạnh, chàng nói nhỏ:
- Em bỏ nơi đó về là phải, không mấy chốc đời em sẽ tàn tạ...
Thuận lắc đầu:
- Em không thiết gì hết, em chỉ mong bố mẹ sẽ có một cuộc sống khá hơn, nhất là thoát khỏi nơi này.
Thuận cười cay đắng:
- Em làm đĩ cũng không xong!
Đột nhiên Tuyển cầm lấy bàn tay Thuận:
- Đừng nhắc đến chuyện ấy nữa.
Thuận kể lể:
- Em dành dụm được năm ngàn đồng, nhờ một người quen cầm về cho bố mẹ em, họ đi luôn. Sau ba tháng bán thân rốt cuộc không được gì, mất cả chì lẫn chài. ·
Giọng Thuận cay đắng, Tuyển vẫn giữ nguyên tay nàng trong tay mình:
- Anh phải xin lỗi em, hôm đó anh quá say.
- Chuyện đó thường lắm, khứa đánh gái chơi bời xảy ra hàng ngày trong xóm. Chỉ có những đứa có chồng làm ma cô mới được bảo vệ...
- Sau khi anh đi khỏi họ có làm gì em không?
- Em bị một trận đòn nên thân.
Thuận nói bằng giọng thản nhiên. Tuyển nắm chặt tay nàng hơn:
- Anh ân hận vô cùng, anh không biết làm cách nào cho hết ân hận...
Thuận buồn cười:
- Anh đừng nghĩ đến chuyện ấy nữa, cái gì qua cho qua luôn.
Đêm hình như đã khuya lắm, sương xuống nhiều, khu rừng cao-su càng trở nên thâm u. Phía xa xa le lói vài ngọn đèn ở những túp lều vải của tiểu đoàn Tuyển. Tuyển không biết tiểu đoàn mình sẽ đóng ở đây đến bao giờ mới đi nơi khác. Hàng ngày Đại úy Tiểu Đoàn trưởng phái từng cánh quân nhỏ đi truy lùng địch.
Thuận ngồi bên cạnh Tuyển, nàng quên cả thời gian, hình như nàng có cảm tình rất nhiều với người chiến binh nầy. Lần đầu tiên nàng gặp Tuyển, nàng đã ghê khiếp khuôn mặt rách nát này. Chàng hiện ra sặc sụa mùi rượu đế, đôi mắt đỏ ngầu... Bây giờ trái lại, Thuận thấy chàng thật dễ thương. Tiếng nói của chàng nhỏ nhẹ và đàng hoàng.
Tuyển nhìn vào mắt Thuận, nhìn vào đôi mắt nàng. Hình ảnh người yêu cũ của Tuyển thoáng hiện ra, rồi chìm ngay trong dĩ vãng tối đen.
Thuận ngả người xuống, nàng thấy lưng mình chạm vào thềm đất. Khuôn mặt Tuyển gần hơn, Thuận lắp bắp:
- Anh...
- Gì em?
- Em van anh, van anh đừng làm thế... tội em lắm.
Đôi mắt Tuyển phủ đầy bóng tối:
- Anh không bỏ em, anh sẽ lấy em!
Thuận lại bật khóc:
- Trời ơi, em không còn xứng đáng, em van anh đó.
Nụ hôn của Tuyển lấp kín tiếng nức nở của nàng. Bàn tay của nàng sờ soạng trên khuôn mặt sứt sẹo của Tuyển, vò rối những sợi tóc người tình. Nàng khóc nức nở:
- Em không còn xứng đáng...
Thuận buông xuôi. Đêm yên lặng trôi, Thuận nghe đâu đó tiếng chim gõ mõ trong khu rừng, như nàng đã ngle từ thuở thơ ấu...
Tuyển đỡ thân thể rã rời của người yêu dậy, nàng lại ngồi nép đầu vào vai Tuyển. Nàng nói nhỏ:
- Anh cứ coi như không có chuyện gì xảy ra, anh có thể ra đi, không thắc mắc. Đằng nào em cũng là đứa con gái hư hỏng rồi, thêm một lần nữa chẳng sao.
- Anh cấm em nói điều đó! Anh thương em, anh không ngần ngại điều gì hết, sáng mai anh sẽ đi hỏi em làm vợ. Trước sau gì em cũng phải rời khỏi nơi này, em về Saigon ở với má anh. Anh nói thiệt đó.
Tuyển đã nói với người yêu thật nhiều, trời dần dần rựng sáng. Tuyển nhìn thấy ráng hồng phía trời Đông. Tuyển đỡ người yêu dậy:
- Thôi em vào nhà đi, ngay bây giờ anh phải đi lo việc cưới xin. Tiểu Đoàn sẽ lo cho anh, chiều hôm nay một chuyến trực thăng đáp xuống thì vô khối đồ.
Tuyển quay lưng đi, Thuận trở vào nhà, cha nàng đã trở dậy. Ông ngồi ở phản hút thnốc lào vặt. Me nàng cũng ngồi ở đó. Thấy Thuận vào, bà ngẩng lên hỏi:
- Mầy đi đâu suốt đêm qua con kia?
Thuận tủm tỉm cười, nàng nhìn mẹ, nhìn cha:
- Con vô ngủ hén bu.
- Trời ơi, mầy không làm không ăn gì sao?
Nàng quay vào phòng trong:
- Làm làm chi, hôm nay thầy bu ở nhà, người ta đến hỏi lấy con làm vợ đó.
Bà già dựng người lên:
- Trời ơi, mầy nói sao? Thằng nào vậy?
- Lính má à!
Thuận đi thẳng vào trong phòng, bà già tụt xuống khỏi phản chạy theo:
- Dân vệ hay Bảo an?
- Biệt động quân! Sát.
Ông già bỗng nở một nụ cười, ông tra thuốc lào vào nỏ điếu, rít một hơi ròn rã. Lâu lắm ông mới thấy mình hút một điếu thuốc lào ngon như vậy. Ông lẩm bẩm nói:
- Mẹ, mấy thằng Dân vệ trên đồn từ nay thì hết tòm tèm con nhỏ.
Một lát sau bà già chạy ra:
- Thầy nó ơi, thằng Tuyển. Trung sĩ Tuyển!
- Làm sao cơ?
- Còn làm sao gì nữa, nó hỏi con Thuận làm vợ!
- Vậy hả?
Bà già đâm bực mình vì không thấy ông già tỏ ra đon đả:
- Chuyện trăm năm của con mà tôi thấy ông cà bơ cà bơ đến là bực mình.
- Thế bà bảo tôi phải làm sao?
- Thì ông cũng phải lo lắng chút...
- Thương nhau thì lấy nhau, có gì mà phải lo lắng.
Để mặc cho vợ trách một thôi một hồi, ông già mới từ tốn nói:
- Tôi biết rồi bà ơi, tôi đâu cần phải bà nói.
- Ai nói cho ông biết vậy?
- Chả ai nói hết, có mắt để làm gì?
- Ông thấy?
- Chứ sao!
- Ông thấy gì?
Ông già thủng thẳng nói:
- Thấy đêm hôm qua, khi tôi ra sau nhà đi đái...
Ông già cười tít mắt:
- Tôi lại đi vòng ra chỗ khác!
Bà già rít lên:
- Ông thấy thế nào, sao không nói cho tôi biết?
- Nói làm quái gì, bà biết chuyện đó quá nhiều rồi, nói để bà ra dòm ấy à?
- Ông này thiệt quỷ, làm như vậy còn ra cái thể thống gì nữa. Để tôi vào hỏi con ranh này coi, ai con gái lại dễ dàng quá vậy?
Ông già níu tay bà già lại:
- Thôi, tôi xin bà, đời nay đâu có phải như ngày xưa, đợt sống mới mà! Mà có vậy mới nên chuyện.
Bà già rít lên:
- Cái trò tiền dâm hậu thú đó tôi không ưng, làm xấu hổ gia phong.
- Mình có gia phong mẹ đâu mà xấu hổ với chả xấu mình. Tôi nói cho bà biết, trọn đời làm thằng phu cạo mủ cao-su, Tây đánh như đánh chó bà tưởng bảnh lắm sao lại còn làm bộ làm tịch. Nó nhận lời lấy cho là may phúc rồi. Bà thử hỏi coi con gái ở miệt Dầu Tiếng này có đứa nào lấy nổi một thằng chồng làm tới chức ông Đội chưa, người ta sẽ gọi con gái mình là bà Đội Tuyển. Trời ơi, nó quyền sinh quyền sát trong tay, bao nhiêu lính dưới quyền, trông thấy xếp là chào cụp cụp.
Ông già nói một cách hăng hái:
- Thời buổi này là bình dân lắm đó, như ngày xưa ở làng mình, mỗi lần ông Đội về làng là linh đình chiêng trống. Làng phải giết lợn giết trâu khoản đãi, ông Đội ăn là ngồi mâm trên với cụ tiên chỉ... Vậy bà đòi gì nữa?
Bà già ngồi thẫn thờ:
- Tôi cũng bàn với ông vậy thôi, ông làm gì mà nói dữ quá vậy?
Ông già vẫn làm bảnh:
- Bà đi quét dọn nhà cửa đi, nhà trai sắp đến bây giờ đó.
Bà già cười ngỏn ngoẻn. Lần đầu tiên trong đời bà biết vui.
Ông già chợt nói:
- Này bu nó!
- Cái gì?
- Đừng có bép xép cái miệng nhé!
- Biết rồi!
Đám cưới của Tuyển vội vàng nhưng không kém phần chu đáo. Khi bọn lính được Đại úy Tiểu Đoàn trưởng chính thức loan tin Tuyển lấy vợ, chúng reo hò ầm ĩ, công kênh Tuyển đi một vòng.
Công việc chạm ngõ ăn hỏi xong ngay trong buổi sáng, buổi chiều đám cưới. Đám cưới linh đinh với năm trăm binh sĩ họ nhà trai, ngực đeo đầy huy chương. Chú rể rạng rỡ trong bộ quân phục tác chiến mới nhất, vai đeo dây biểu chương, ngực hàng dẫy huy chương. Tiểu Đoàn Trưởng chọn ba chú lính cấp bậc từ Trung sĩ trở xuống, sạch nước cản làm phù rể.
Chiếc thiết vận xa M113 đi đón dâu kết hoa rừng sặc sỡ. Trong xe chú rể ngồi với ba gã phù rể, hai bên xe một dãy lính đi hộ tống, súng chỉ thiên. Khi tới cửa nhà gái, khẩu đại liên gắn chỉ thiên trên xe bắt đầu khai hỏa hiệu lệnh cho hàng trăm khẩu súng cùng bắn một lượt.
Đạn bay đỏ trời trong tiếng reo hò vang dội. Tiếng thiết vận xa gầm thét như mãnh hổ.
Họ nhà gái bưng tai. Khi khói súng còn mờ mịt, chú rể và ba chàng phù rể nhảy ào xuống xe. Bọn Biệt Động quân hô:
- Biệt Động Quân! Sát!
Tiếng hô vang dội khu rừng. Đại úy Tiểu Đoàn Trưởng cũng xuống xe, đầu đội mũ sắt, trên cổ áo ba bông boa mai vàng chóe, ngang hông đeo khẩu súng Colt 12 xệ xuống đùi. Họ nhà gái vừa đinh tai nhức óc vì hồi đạn nổ thay pháo đã phải bước ra cửa đón đàng trai.
Ông Phó Dư, cha của cô dâu, khăn đóng áo dài, tay khoanh trước ngực cúi đầu xá đại úy đại diện đàng trai. Bỗng có tiếng “moọc chê” 61 thục ùng ùng. Đại úy quên cả lễ nghĩa, quay lại quắc mắt hét như sấm:
- Thằng nào đó? Ai cho thụt moọc?
Một người lính vội nói:
- Chắc anh em nào đó ăn mừng!
- Nhốt nó ba củ!
Đại úy chợt nhớ nhiệm vụ mình, quay trở lại chìa tay bắt tay ông Phó Dư:
- Chúng tôi đến đón đâu!
Ông Phó Dư hai tay xoa tít:
- Dạ mời đại úy và các vị vào nhà xơi chén nước trà.
- Khỏi khách sáo, cô dâu đâu, lẹ lẹ còn ăn nhậu rồi về.
Cô dâu ra trình diện, nàng mặc chiếc áo dài đỏ chót, phấn sáp thơm tho, những thứ đó nàng mang từ Saigon về, và bây giờ mới có dịp chưng diện, nàng e lệ, khép nép. Đại úy đứng ngắm nghía một hồi, gật gù:
- Đẹp lắm, cô dâu không ngờ lại văn minh như vậy?
Ông quay lại:
- Chú rể đâu?
- Dạ!
Tuyển buớc lên một bước tới trước mặt đại úy chủ hôn. Ông ưỡn ngực ra hô:
- Nghiêm!
Tuyển đứng nghiêm cái rụp. Đại úy hô tiếp:
- Trình diện!
Tuyển dõng dạc nói:

- Trung sĩ Nguyễn văn Tuyển, số quân 58A 600215, Trung đội trưởng Trung đội 3, Tiểu Đoàn... Biệt Động quân xin trình diện Đại úy Tiểu Đoàn trưởng.
Đại úy quay lại Thuận:
- Tên cô là gì?
- Dạ thưa Đại úy tên con là... Lê thị Thuận!
- Bằng lòng lấy Trung sĩ Nguyễn văn Tuyển không?
Cô dâu thẹn chín người, nàng cúi gầm mặt. Đại úy nạt lớn:
- Bằng lòng lấy y không?
Thuận giật thót người, nàng lắp bắp gật đầu:
- Dạ bằng lòng!
Ông lại quay sang Tuyển:
- Chú có thương yêu người con gái này thật tình không?
Tuyển đứng cứng người như cây gỗ, vắn tắt:
- Thương yêu!
Ông ngẩng nhìn ông bà già:
- Hai ông bà có chịu gả con gái cho Trung sĩ Tuyển không?
Ông Phó Dư khoanh tay trước ngực, khúm núm:
- Dạ thật hân hạnh cho gia đình tôi...
Đại úy quen với nếp sống quân đội nhắc nhở:
- Vắn tắt, có hay không?
- Dạ có!
- Trung sĩ Tuyển có dùng áp lực đòi ông bà gả con gái cho không?
Ông Phó Dự lại xua tít hai tay:
- Dạ đâu có chuyện đó, tôi xin thề trước ngọn đèn...
- Vắn tắt, có hay không?
- Dạ không có!.
- Xong rồi!
Đại úy Tiểu Đoàn trưởng kéo cô dâu chú rể lại gần mình:
- Nhân danh Tiểu Đoàn trưởng Tiểu Đoàn... Biệt Động Quân, tôi tuyên bố tên Nguyễn văn Tuyển lính của Tiểu Đoàn, và cô Lê thị Thuận thành vợ chồng bắt đầu từ giờ phút này, hồi 20 giờ ngày 31-10-1963. Xin thánh thần của trời cao đất dầy phù hộ cho đôi uyên ương trăm năm đầu bạc.
Đại úy hướng ra phía binh sĩ phù rể:
- Thế bắn đứng thủ thế.
- Một viên đạn lên nòng!
Tiếng cơ bẩm loạch xoạch, Đại úy lại hô:
- Chỉ thiên, sửa soạn!
- Bắn!
Không phải chỉ có mấy tiếng súng trường, mà hàng băng đạn đủ loại súng nổ ran. Trái sáng phóng lên trời sáng rực... Bọn lính khuân từ trên xe xuống nào là thịt chó thui, ếch, rau cỏ, rượu đế hàng trăm bi-đông. Họ la hét om sòm, mời nhà gái ra bãi cỏ nhậu nhẹt tưng bừng:
- Hoan hô Trung sĩ phu nhân!
- Biệt Động Quân! Sát!
- Sát! Sát!
Chỉ một loáng, ba con chó thui hết tiêu. Đại úy Tiểu Đoàn Trưởng chìa tay ra bắt tay ông nhạc của Trung sĩ Tuyển:
- Thôi xong rồi, đám cưới rất đẹp, đám cưới con cụ là nhất đó, hồi tôi lấy vợ không được đông đảo như vầy đâu...
- Dạ thật hân hạnh cho gia đình tôi, không ngờ con nhỏ xấu xí vậy mà lại tốt phúc.
Đại úy ra lệnh cho Tuyển phải bồng cô dâu lên xe:
- Đi về hết tui bây!
Chiếc thiết vận xa xoay tròn, quay bánh, những người được cử đi ăn cưới bíu đầy trên xe ca hát vang trời.
Khi Thuận được đưa về đằng nhà trai, nàng thấy một chiếc lều vải, dựng cách xa hẳn các lều khác, xung quanh kết hoa kết lá có chữ “Tân Hôn” kết bằng hoa đỏ.
Tuyển đưa vợ đến:
- Nhà của chúng ta đây!
Bọn lính la hét om sòm. Một gã binh nhì khật khưỡng đi lại:
- Trung sĩ nhớ Biệt Động Quân sát cho hăng nhé!
- Được rồi, chú mày về ngủ đi!
Gã binh nhì cười ngất.
Đại úy Tiểu Đoàn Trưởng hét như sấm:
- Ai về chỗ nấy, cấm xì xào bàn tán.
Đại úy ngoắc ông Thượng sĩ lại:
- Anh cho một thằng gác phòng cô dâu chủ rể hai giờ đổi phiên một lần. Đứng cách xa phòng hoa chúc mười thước, thằng nào láng cháng đến gần bắn què giò.
Thấy Đại úy Tiểu Đoàn trưởng còn cắt đặt công việc cho đơn vị, Tuyển chui ra:
- Vợ chồng em xin cảm ơn đại uý!
Đại úy quắc mắt:
- Nghiêm. Đằng sau quay, bước đều bước, một hai, một hai chui vào lều. Nghỉ!
Tuyển gieo mình đến phịch xuống ổ rơm dày, bên trên trải toan-đờ-tăng, chàng nói với vợ:
- Lệnh, lúc nào ổng cũng lệnh, mình hết đường cám ơn.
Thuận sung sướng nép đầu vào ngực chồng.
Bọn lính lảng vảng quanh căn lều vải Tuyển tỉnh khô.
Thuận thì có vẻ lo sợ, nàng không yên tâm khi được Tuyển đòi hỏi.
Bỗng có tiếng la ở ngoài:
- Ê ngó gì vậy?
Tiếng chân chạy huỳnh huych rồi lại tiếng la:
- Tao bắt được mày rồi, tổ cha thằng Đậu lé.
- Thôi mà xếp em thèm quá nên ngó chơi chút xíu mà...
- Mầy phá chúng nó tao nhốt thấy mẹ.
Đêm trở lại yên lặng, Thuận thở phào:
- Mấy ông lính kỳ cục!
- Kệ chúng nó.
Bỗng Thuận hỏi:
- Bao giờ anh lại đi?
- Không biết!
Nàng thở dài:
- Chắc em không đi theo được.
- Em cứ ở nhà một thời gian, anh sẽ thu xếp để em về Saigon với má anh.
- Bao giờ?
- Tháng sau anh xin phép thường niên, anh sẽ về kiếm em.
Thuận sung sướng, nàng ngủ thiếp trong vòng tay ấm áp của chồng.
Gần sáng bỗng Tuyển. nghe tiếng gọi:
- Dậy trung sĩ ơi!
Thuận cũng thức giấc, nàng lo lắng hỏi chồng:
- Gì đó anh?
- Không biết để anh ra coi.
Tuyển chui ra ngoài, gã hạ sĩ nói nhỏ gì đó. Tuyển đi theo. Một lát sau Tuyển trở về hốt hoảng nói với vợ:
- Có lệnh, anh phải đi ngay với tiểu đoàn bây giờ.
Thuận sững sờ:
- Ngay bây giờ?
Tuyển gật đầu, Thuận ôm chầm lấy chồng. Nàng khóc mùi. Tuyển vỗ về:
- Anh sẽ về, anh hứa sẽ về với em.
Tuyển gỡ tạy vợ ra xếp đồ đạc, quần áo vào trong ba-lô. Thuận nằm gục mặt xuống nệm cỏ khóc nức nở. Nhưng chỉ một lát sau nàng ngồi dậy lau nước mắt giúp chồng thu xếp đồ đạc. Mười phút sau Tuyển gọn ghẽ trong bộ đồ tác chiến, ba-lô trên vai, súng cầm tay:
- Em ở nhà ngoan, thế nào anh cũng về.
Thuận gạt nước mắt ngồi im lặng. Tuyển móc túi lấy nốt mấy trăm đưa cho vợ:
- Em cầm lấy, đầu tháng anh sẽ gởi lương về.
Khi Thuận nhìn thấy những đồng tiền của chồng, nàng lại bật khóc. Nàng không quên được những lần cầm tiền sau cuộc giao hoan.
Tuyển cúi xuống ôm lấy vợ:
- Nín đi em, em cứ khóc lóc như vầy anh đi không yên tâm chút nào hết.
Nước mắt của Thuận thấm ướt ngực áo chồng. Niềm vui chưa tàn, biệt ly đã đến. Thuận lo lắng cho chồng, chàng sẽ ra sao khi xông pha nơi hòn tên mũi đạn. Bên ngoài lều tiếng hô quân vang trong đêm, Tuyển nhắc nhở:
- Đến giờ anh đi rồi đó!
Thuận ôm cứng lấy Tuyển:
- Em không muốn anh đi chút nào hết?
- Công vụ, em phải thông cảm cho quen.
Tuyển hôn vội lên má người vợ mới cưới. Chàng thấy lòng mình ngùi ngùi, thương cảm. Tuyển gỡ tay vợ vén tầm bạt chui ra ngoài lều:
- Anh đi!
Thuận bỗng khóc nấc lên, nàng nằm bò trên mặt đất. Hình ảnh Tuyển lẩn trong sương mù cùng với đoàn quân. Mắt Thuận nhòa lệ, nàng úp mặt xuống cỏ, hơi đất ẩm mốc xông lên. Thuận nghe thấy những bước chân di chuyển. Trong hàng ngàn bước chân đó, có bước chân của chồng nàng.
Khu rừng cao-su trở lại yên tĩnh.
Mờ sáng hôm sau, dân vùng đồn điền Dầu Tiếng ra chỗ đóng quân, những chiếc lều vải dựng san sát đêm qua ở bãi đất trồng đã biến đi đâu hết.
Riêng căn lều kết hoa có chữ Tân Hôn còn nguyên. Họ thấy Thuận ngồi đó, ngay trước căn lều nhìn về hướng mặt trời mọc. Hướng đó đoàn quân và chàng đã ra đi.
Ông Phó Dư hốt hoảng chạy lại hỏi con gái:
- Đoàn quân đâu? Chồng mầy đâu?
Thuận ngẩng lên, mắt nàng ráo hoảnh:
- Đi hết rồi!
Ông Phó Dư thẫn thờ:
- Đi hết rồi à?
Ông nhìn về hướng con gái đang nhìn:
- Nó có nói bao giờ về không?
Thuận lắc đầu. Ông già thở dài, khuôn mặt ông đăm chiêu, những vết nhăn như sâu hơn, rõ hơn trên mặt ông, dưới ánh mặt trời buổi sáng mai.
Có tiếng chim hót đâu đó, tiếng súng từ xa vọng lại...
 
 
Mười bảy
Hàng đoàn xe nhà binh chở đầy lính kéo vào đô thành giữa buổi trưa. Lính trên xe ào ào nhảy xuống đường. Phút chốc các địa điểm trọng yếu của chính phủ Ngô Đình Diệm bị bao vây.
Lúc đó giữa giờ tan sở, trời nắng chang chang. Dân chúng đô thành ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Những người lính cầm súng nấp ở các gốc cây la hét, xua đuổi đám người hiếu kỳ:
- Đi về nhà hết, bỏ mạng hết trơn bây giờ.
Dân chúng trở về nhà trong thái độ ngơ ngác, họ hỏi nhau:
- Cái gì vậy?
- Không biết, hình như một mẻ lưới chót!
Những cánh quân tiến dần về phía trung tâm đô thành. Khoảng hai ba giờ chiều, một số dân chúng phong phanh biết là cuộc đảo chánh của quân đội để lật đổ độc tài Ngô Đình Diệm.
Miệng truyền miệng, người người túa ra đường theo dõi tin tức. Trên trời hai chiếc Skyraider lượn vòng. Đài phát thanh bị chiếm đóng. Quân đội chính thức loan tin đảo chánh.
Vẫn chưa có một tiếng súng nổ. Tất cả những máy thâu thanh ở các nhà tư gia mở oang oang, họ không còn ngán công an mật vụ. Đường phố mỗi lúc một đông người hơn.
Có tin quân đội đã chiếm được Nha Tổng Giám đốc C.S.C.A. Các sinh viên học sinh đã được phóng thích. Tiếng hoan hô vang dội khắp nơi. Một vài nhóm người toan tổ chức biểu tình ủng hộ lực lượng quân đội, bị cản lại.
Một vị đại úy khuyên nhủ:
- Hãy khoan biểu tình, chúng ta phải hạ xong độc tài Ngô Đình Diệm đã.
Trời sẫm tối.. Lữ đoàn phòng vệ Tổng Thống phủ rút lần về cố thủ quanh dinh Gia Long. Thông cáo chính thức của lực lượng Cách mạng được phổ biến qua đài phát thanh hẹn giờ cho anh em Diệm Nhu đầu hàng.
Trời sụp tối đường phố vẫn có một số thường dân đi lại, mặc dầu lực lượng cách mạng đã lên tiếng khuyên nhủ đồng bào trở về nhà. Cái háo hức dậy lên trong tất cả mọi người dân.
Tiếng súng bắt đầu nổ lác đác ở một vài nơi. Đầu tiên súng nổ ở mạn Tân Sơn Nhất, kế đến máy bay oanh kích một tàu Hải quân ngoài bến Bạch Đằng. Binh sĩ thuộc Lữ đoàn liên binh phòng vệ Tổng Thống câu bích kích pháo vào trường Pétrus Ký, nơi lực lượng cách mạng đóng quân.
Bảy giờ tối, súng nổ ran vào Dinh Gia Long. Những quả đạn câu đỏ trời bay qua những nóc nhà trong đô thành. Vẫn có những bóng người hiếu kỳ đi men dưới những hàng hiên.
Đồng bào không ai ngủ nổi, họ châu đầu vào máy phóng thanh, leo lên nóc nhà, trên cửa sổ lầu ngó xuống. Những tiếng reo hò từ các cửa sổ vang lên trong đêm:
- Đồng bào ơi, các tướng lãnh đã cùng nhau lật độc tài.
Người ta túa ra đường khi tiếng súng ngớt dần. Tin chiến thắng loan truyền nhanh chóng. Lực lượng cách mạng đã chiếm được dinh Gia Long.
Người ta hỏi nhau:
- Anh em Nhu Diệm bị bắt chưa?
Họ chạy đi dò tin tức nghe ngóng tin phát thanh. Cuối cùng đài phát thanh loan tin: Diệm Nhu đã trốn thoát khỏi dinh Gia Long. Một nguồn tin vịt tung ra: Diệm Nhu trốn bằng một trong bảy đường hầm đào thông suốt từ dinh Độc Lập sang dinh Gia Long và ra ngoại ô.
Trời sáng rõ, dân chúng lũ lượt kéo lên dinh Gia Long.
Quân đội tràn ngập trong dinh, dấu vết cuộc ác chiến đêm qua là cảnh tượng đổ nát, tường bị đạn bắn nát bấy. Một số dân chúng leo qua rào sắt vào trong dinh. Nắng lên, tiếng reo hò vang dội.
Những biểu ngữ đả đảo độc tài Nhu Diệm, xử tử Nhu Diệm vang lên. Những lá cờ vàng ba sọc đỏ tự động được kéo lên.
Bánh trái, cà-phê thuốc lá của đồng bào từ các nơi ùn ùn mang đến khao thưởng binh sĩ.
Trung sĩ Tuyển đứng gác ở đầu đường Lê Thánh Tôn, phía tòa Đô Chính, bên cạnh một bức tường đổ nát. Một bà già ôm chầm lấy chàng:
- Con ơi! Mẹ cám ơn con, con đánh nhau suốt đêm chắc mệt lắm. Con ăn đi, uống đi...
Tuyển nổi gai ốc khắp người, tự nhiên Tuyển không giữ nổi nước mắt mình. Nước mắt chan hòa trên khuôn mặt nát sẹo. Tuyển khóc sung sướng, lần đầu tiên trong đời chàng được khóc sung sướng.
Xung quanh chàng tất cả mọi người đều biểu lộ lòng vui sướng bằng những giọt nước mắt. Quà cáp ê hề trước mặt Tuyển.
Một thiếu nữ mặc áo dài trắng đến trước mặt Tuyển đưa chai nước cam:
- Anh uống với em một miếng.
Vòng tay nàng đánh đu trên cổ Tuyển. Nàng cũng nước mắt chan hòa, bàn tay nuột nà của nàng sờ soạng lên những vết sẹo trên mặt Tuyển:
- Tội nghiệp anh, chắc anh bị thương phải không?
Tuyển vừa tủi nhục vừa sung sướng. Chàng không biết phải trả lời sao. Vết sẹo trên mặt chàng là dấu tích của một sự nhục nhã trong đời binh nghiệp. Tuyển không thể quên, không bao giờ quên.
Thấy Tuyển không trả lời, người con gái nói:
- Anh hiền quá, vậy mà đánh giặc một cây!
Bọn con nít bao quanh Tuyển hau háu nghe chuyện:
- Anh, anh kể lại trận đánh đêm qua cho tụi em nghe đi, tấn công vào dinh Gia Long ra sao?
Một thanh niên mời Tuyển điếu thuốc lá. Trong đời Tuyển chưa bao giờ được hưởng những giây phút hãnh diện như hôm nay.
Tuyển nhớ đến những vòng hoa sau mỗi lần thắng trận trở về, những thiếu nữ gượng gạo choàng lên cổ chàng.
Hôm nay không cần phải có những vòng hoa, hôm nay chỉ có nắng vàng, những ánh mắt nhìn, vòng tay thân ái, những giọt lệ.
Tuyển thấy sung sướng, gấp trăm ngàn lần người ta tặng hoa, gắn huy chương vào ngực chàng. Nhĩng đôi mắt thơ ngây ngước nhìn Tuyển. Chúng cười nói, hỏi han đủ chuyện. Chúng sờ vào khẩu súng.
- Anh bắn một băng đi!
- Đâu được!
- Bắn lên trời đâu có chết chóc ai!
Tuyển chiều đám trẻ, chàng lên qui-lát súng, chĩa súng lên trời bấm cò. Đạn nổ vang trời trong tiếng reo hò của trẻ nhỏ. Súng bắn chỉ thiên khắp nơi. Khẩu đại liên trên nóc xe tăng cũng cao hứng khạc đạn lên trời làm lá cây rụng rào rào. Tiếng reo hò tràn ngập thành phố.
Ánh nắng bừng lên, rạng rỡ trên thành phố. Mặc dầu đã có lệnh khuyên nhủ đồng bào không nên biểu tình, nhưng những tốp thanh niên vẫn tự động gây những cuộc biểu tình để hoan hô cách mạng.
Từng tốp thanh niên tay cầm cờ, biểu ngữ chạy khắp thành phố. Bỗng một thanh niên leo lên một bực thềm cao hò hét:
- Đồng bào thân mến. Cách Mạng lật đổ chế độ độc tài Nhu Diệm đã thành công, đó là công lao của toàn dân. Anh em Nhu Diệm đã bị Cách Mạng giết chết sáng nay, nhưng tay chân của họ vẫn còn, chúng ta là thanh niên trưởng thành trong chiến tranh, trong Cách Mạng. Chúng ta phải có nhiệm vụ thanh toán hết vây cánh của Nhu Diệm, những tên cần lao, những tên kinh tài của chúng. Chúng vẫn sống nhan nhản trên đất nước này và chúng đang ký kiến nghị ủng hộ Cách Mạng.
Đám đông bị thu hút vì lời lẽ hùng hồn của chàng thanh niên. Mồ hôi bóng loáng trên khuôn mặt chàng. Chàng giơ tay lên:
- Đả đảo bọn cần lao! Đả đảo!
Người mỗi lúc kéo đến một đông. Vẫn bằng giọng hùng hồn, chàng thanh niên thuyết phục đám đông:
- Những tên cần lao, sâu dân mọt nước chưa thể trốn khỏi đất nước này, chúng sẽ tung tiền ra để chuộc mạng sống, không chừng chúng sẽ lại ăn trên ngồi trốc chúng ta, tiếp tục hút máu hút mủ chúng ta. Ôi mẹ Việt Nam đau thương...
Ngưrời thanh niên vỗ ngực mình:
- Tôi là một sinh viên Phật Tử bị bè lũ Nhu Diệm bắt và mới được Cách Mạng giải phóng sáng nay, biết mặt những tên khuyển mã của Nhu Diệm, tên mật vụ đội lốt người lương thiện bắt bớ sinh viên học sinh. Đồng bào hãy chặn tất cả những xe taxi có sơn đỏ đốt, chính chúng là những tên chó săn chỉ điểm.
Đám đông nhất loạt nhìn ra đường, rồi ào ào chặn những chiếc taxi.
Ba Choát tay cầm cờ chạy khắp các đường phố. Sau lưng hắn hàng đoàn thanh niên chạy theo hoan hô và đả đảo rầm rĩ. Ở một vài nơi lửa đã bốc lên.
Ba Choát bỗng hô:
- Chặn chiếc xe xích lô kia lại, mật vụ!
Sau tiếng hô của Ba Choát, đám thanh niên ào ào quanh chiếc xe. Gã tài xế xích lô vội bỏ xe chạy, số người chạy theo thoi đạp tưng bừng. Gã tài xế ôm đầu lạy van:
- Lạy các ông, tôi không phải mật vụ.
- Không phải mật vụ sao vành bánh xe mầy sơn đỏ
Gãi tài xế khóc hưng hức. Ba Choát co chân đạp một cái:
- Tao tha cho mầy, anh em đốt chiếc xe.
Chiếc xe bị đám đông lật đổ lăn kềnh ra đường. Một que diêm bật lên, ném vào vũng xăng. Lửa bốc lên, cháy hừng hực. Đám đông hò reo, người tài xế khóc ngất:
- Trời ơi, cả nhà tôi có chiếc xe để sống, các người tàn ác quá l
Ba Choát cầm cán cờ thọc vào ngực hắn:
- Mầy không câm miệng chết mẹ bây giờ.
Mặt Ba Choát bỗng sắt lại, hắn nhìn đám đông, sức mạnh như nước vỡ hờ. Chỉ cần một tiếng hô, đám đông bị thu hút như sắt đá nam châm. Ba Choát chợt nghĩ đến mối thù của mình, con mẹ chủ tiệm Kim Hoàn đã ăn không chiếc cà rá hột xoàn của mình hồi trước, và đút Ba Choát vào tù ngót hai năm trời. Lòng căm hờn càng lúc càng lớn trong đầu hắn.
Sau khi đám đông đốt cháy tiêu chiếc xe, họ không biết làm gì nữa. Máu nóng vẫn còn ứ trong đầu, trong ngực họ.
Ba Choát phất cao ngọn cờ hô:
- Việt Nam độc lập muôn năm!
- Muôn năm!
Tiếng hô vang rền. Ba Choát leo lên chiếc ghế đá ở bùng binh chợ Bến Thành, nói lớn:
- Đồng bào ai muốn theo tôi đốt nhà tay sai kinh tài của mụ Nhu?
Hàng trăm cánh tay giơ cao:
- Giết nó!
Tiếng hô vang dội. Ba Choát bèn dẫn đầu bọn lâu la đi về phía Chợ Cũ. Ba Choát không thể nào quên được sự nhục nhã của mình, hắn lầm bầm trong miệng, mầy sẽ chết về tay tao. Ba Choát phất cao ngọn cờ, hò hét, lôi kéo đám đông.
Hắn vừa đi vừa kể tội khổ chủ:
- Mụ ta là đứa kinh tài đắc lực nhất của mụ Nhu. Mụ đã từng bóc lột đồng bào ở khu này, chính tôi là nạn nhân, mụ kêu lính bắt bỏ tù tôi...
Ba Choát dừng lại trước cử tiệm Kim hoàn. Cửa sắt đóng kín. Ba Choát dọng cán cờ rầm rầm vào cửa:
- Mở cửa!
Bỗng đám đông la rầm vì thấy có người đứng trên bao lơn nhìn xuống:
- Nó kia, nó kia!
Bóng người vội thụt vào trong. Bọn lỏi tì lượm gạch đá ném rào rào lên lầu. Ba Choát ra hiệu cho mọi người, gạch đá ngừng ném. Ba Choát ngửa cổ nhìn lên ban-công dõng dạc:
- Chú nhà đâu, xuống đây biểu!
Ba Choát không chờ chủ nhà ra, và hắn biết chủ cũng không dám ra, hắn hò hét, chửi bới, kết tội cần lao kinh tài cho chủ nhà. Cuối cùng hắn hô hào phá cửa để xông vào nhà.
Cánh cửa sắt bị làn sóng người xô dồn đập bật tung. Đám đông ùa vào như nước vỡ bờ.
Trong nháy mắt căn nhà trở nên tan hoang, các tủ kính bị đập vỡ tan nát. Chủ nhà phải leo qua tường chạy tháo thân.
Lửa bắt đầu nổi lên.
Đám đông kéo ra ngoài, trên tay mỗi người đều mang theo một món đồ đáng giá. Kẻ chậm chân đành bê chiếc ghế. Riêng Ba Choát vác theo cái quạt máy đứng hiệu Marelli. Họ vác đồ chạy ngờ ngờ ngoài đường. Lá quốc kỳ không ai buồn cầm lên.
Cái nắng mỗi lúc một gay gắt hơn, ngoài đường phố vẫn vang rầm tiếng hoan bô đả đảo.
Tòa báo Tiếng Chuông bị đốt phá, kế đến tòa báo Saigon Mới.
Buổi chiều Ba Choát mệt phờ người, hắn kéo theo một lũ lâu la vào quán cà-phê Ba Tầu đường Bùi Viện. Ba Choát ngồi dựa lưng vào tường phanh ngực áo:
-Đ.m. mệt quá! Mệt mà vui!
Bọn lỏi tì ngồi kín mấy bàn vừa ăn vừa đấu láo.
Một thằng lên tiếng:
- Anh Ba giỏi thiệt, vừa ra khỏi tù đã đớp bạc liền!
Ba Choát câng câng:
- Tao mà mầy, đm. ở tù khổ đ... chịu được, mình không lợi dụng thời cơ lúc này thì còn chờ lúc nào.
Hắn cười khà khà, dốc ngược chai 33 uống ừng ực. Rượu tràn ra mép hắn, chảy xuống ngực. Bỗng Ba Choát, trợn mắt nhìn lên tường, đặt chai bia 33 xuống bàn:
- Chủ quán đâu?
Gã Tầu bụng phệ đứng ở sau quầy vội lên tiếng:
- Dạ!
Ba Choát hất hàm:
- Chú là mật vụ của độc tài Nhu Diệm phải không?
Gã Ba Tầu tái_mặt:
- Dạ đâu có!
Ba Choát hất hàm chỉ chiếc hình Ngô Tổng Thống lộng kiếng còn treo trên tường:
- Chú còn treo hình tên độc tài chi vậy?
Gã Ba Tầu hốt hoảng:
- Ngộ quên, ngộ ủng hộ Cách Mạng mà!
- Đả đảo Ba Tầu mật vụ!
Bọn lâu la được thể làm dữ. Một thằng đứng lên ghế giật chiếc hình xuống, ném trên mặt đất. Chúng nó dày xéo lên trên tấm hình xé tan nát.
Gã Ba Tầu chủ quán mặt cắt không còn giọt máu, luôn miệng van xin:
- Ngộ không phải mật vụ.
Ba Choát ngồi phanh ngực áo uống rượu, cười khà khà, hù:
- Thiệt chú không phải là mật vụ chớ?
- Dạ thiệt!
- Ai bảo đảm cho chú?
- Pà con lối xóm, piết tui là người làm ăn.
Ba Choát nheo mắt:
- Biết điều thì đối đãi với anh em cách mạng đàng hoàng, nếu không chú hết buôn bán
Gã Ba Tầu toét miệng ra cười
- Dạ...
Ba Choát ra hiệu cho đàn em:
- Chúng mầy có thể ăn uống thả ga, kêu đồ nhậu đi!
- Một két la-de.
- Thịt bò bít-tết!
Gã ba Tầu vào bếp còn ngoái cổ lại
- Có ngay!
Gã đặt cái chảo lớn lên bếp lửa:
- Tỉu nà ma cái nị!
Gã đằng hắng ho một tiếng, khạc một một bãi đàm vào chảo rồi cho thịt bò vào xào. Năm phút sau gã bưng một đĩa thịt bò xào cải to tổ bó ra đặt lên bàn hai tay xoa tít vào nhau, cười khà khà:
- Ngộ ủng hộ cái cách mạng đĩa thịt bò xào cải ngon nhất.
Ba Choát gắp một miếng đút vô miệng nhai ngon lành. Bọn lâu la ăn uống như điên, xong xuôi chúng hỏi nhau:
- Bây giờ mình đi đâu?
- Lên chùa thăm các thầy.
Nguyễn Thụy Long
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Còn tiếng mưa đêm 2

Còn tiếng mưa đêm 2 Chương 7 Sáng sớm, màng sương mù vẫn còn dày đặc trên nền trời. Ông Lâm tay đã cầm chiếc kéo bấm tỉa cành cây lum kh...