Thứ Ba, 9 tháng 7, 2024

Bút ký Trần Bảo Định: Nắng Tây Hòa

Bút ký Trần Bảo Định:
Nắng Tây Hòa

“Tu Phật Phú Yên, tu tiên Bảy Núi”
1. Nắng!
Tôi theo anh Phan Long Côn – bạn đồng lớp, từ hồi học trường Đại học Văn khoa, Viện Đại học Đà Lạt, cách nay hơn nửa thế kỷ – và cùng bốn người bạn của anh tới thăm Hòa thượng Thích Thiện Đạo, sư trụ trì chùa Phi Lai tại xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa. Nơi đây, năm quý Mùi (1943), chùa Phi Lai khai sơn và cũng là năm, Hòa thượng Thích Thiện Đạo chào đời trên nền chùa Phi Lai.
Gió duyên hải rải nắng đi khắp thôn cùng ngõ vắng và thôn cùng ngõ vắng, hứng chịu hằng hà sa số cơn nóng rát da, rách lòng người. Có lẽ, nắng chưa bao giờ được nóng như cái nóng khô khốc cánh đồng Tây Hòa tháng năm, năm Kỷ Hợi (2019).
Tây Hòa thuộc vùng đất phía Tây của huyện Tuy Hòa, và là vùng đất phía Nam tỉnh Phú Yên(1). Ngắm núi nhìn sông, tôi ngẫm điều cần nói: “Núi che chắn, giữ hào khi cho đồng bằng quật khởi, và sông đưa phù sa về bồi đắp ruộng đồng qua ngã hạ lưu sông Ba, sông Bánh Lái; thì sá chi những khó khăn tạm thời hôm nay, ngày mai vùng đất nầy sẽ là vùng đất trù phú và xán lạn”.
Một anh bạn chen lời:
– Lão huynh nói hệch y như rằng “nhà ta tuyên truyền!”
Tôi cười, các bạn cười theo.
– Tụi mình, những thằng già “Thất thập cổ lai hy” đang đứng trên mảnh đất mà năm mươi chín năm về trước, đã nổ ra cuộc Đồng Khởi (2).
Lòng trần tối tăm vọng động và nó, đeo theo tôi bước vào chân Tổ!
Nhìn Tổ, tôi chợt nhớ lời Sư cụ nói lúc uống trà ở Hậu đường (3), rằng: “Quán chiếu nội tâm là phương pháp cốt lõi để nhận diện tâm, hướng dẫn tâm và cuối cùng là an trụ tâm”. Hình như, sư cụ còn nói: “Trong kinh ‘Phóng Ngưu’, Đức Phật có đưa ra một pháp dụ, diễn tả giữa người chăn trâu và hành giả luyện tâm, vừa thực tế vừa thâm ảo…”(4). Tôi bất khả!
Dẫu sao, tâm tôi cũng lờ mờ hiểu: “Không có gì hiện hữu mà không có Nhân Duyên hợp trợ và sinh thành”(5). Bởi, quãng đời qua, tôi luôn vui nhận những gì đã đến và sẵn lòng đón nhận những gì sẽ đến. Với tôi, cuộc đời là sân chơi giới hạn trong hữu hạn của con người.
“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” (Ngàn dặm duyên may tình vẫn gặp) ứng vào anh Hoàng và cô Thùy. Nhưng, sự hữu duyên này, khác hẳn với cảnh ngộ hữu duyên điển tích xưa:
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên diện kiến bất tương phùng
Ẩm thị ngã trà hoàn ngã trản
Tràng An chi cổ dĩ bồng bồng
Tạm dịch:
Ngàn dặm duyên may tình vẫn gặp
Vô duyên đối mặt sự không thành
Chàng uống trà xong, xin trả chén
Tràng An đã giục trống liên thanh
Bởi, trường hợp anh Hoàng, thì hữu duyên hiện tại là sự kết nối của hữu duyên từ quá khứ và quá khứ, kết tụ nỗi buồn thành di sản cũng như, ký ức kết tụ nỗi đau mà sinh ra nuối tiếc.
Nhắc chuyện tình đã qua, thì có khác nào tôi khêu ngọn bấc lúc dầu đã cạn dưới tim đèn. Khẽ khàng, anh Hoàng chậm rãi nói:
“Tới giờ, dù đầu hai thứ tóc, tôi vẫn yêu Thùy như yêu ngày nào nàng từng băn khoăn, hỏi:
Sông sâu nhiều lạch(6)
Chợ Bàn Thạch nhiều lươn(7)
Nhắm bề thương đặng thời thương
Đừng trao gánh nặng giữa đường khổ em”
(Ca dao)
Ánh mắt buồn xa xăm, anh Hoàng nói tiếp:
“Trong câu chuyện viên ngoại ở thủ phủ tỉnh Triết Giang, chọn rễ cho cô con gái tài sắc toàn vẹn và vừa tới tuổi lấy chồng; thà tôi như chàng thi sĩ tưởng rằng: Dấu yêu nhẹ mỉm môi cười/Ta nghe đồng vọng một lời phu thê; và trước giây phút đó thôi, cô con gái của viên ngoại cũng nghĩ chàng thi sĩ sẽ là phu quân của nàng!”.
Anh nói, nhắc tôi nhớ lại “Kiếp nhân sinh bởi một chữ duyên”: Ba chàng trai cùng thi triển tài năng riêng, cuối cùng chàng trai thứ nhất có đôi chân thiên lý mã đã thắng cuộc, khi mượn trống Trường An mang về trước nhất cho viên ngoại. Trong lúc, chàng trai thứ hai có tài cung nỏ bắn bách bách trúng thì không thể bắn rụng hết những chiếc lá ngô đồng trước ngõ nhà viên ngoại, và chàng thi sĩ có tài múa bút đề thơ trong một thời gian cực ngắn cả ngàn bài thơ đành thúc thủ.
Giọng buồn buồn, anh Hoàng kể:
“Thùy là em gái của một người bạn thân của anh và người bạn thân đó, đồng lớp đồng môn trung học với anh ở thành phố Nha Trang. Anh vốn học trò nghèo, mọi việc đều túng thiếu nên được người bạn chia sẻ. Nhất là lúc anh phải nhập viện, người bạn ấy đã hết lòng giúp đỡ. Duyên tình giữa Thùy và anh, mỗi ngày một ngấm, thấm sâu…”.
Dù xa xứ, anh không thể quên đặc sản quê nhà:
Dừa sông Cầu
Sắn Phường Lụa
Lúa Tuy Hòa
Bông Hòa Đa
(Ca dao)
Và, những đêm khuya khoắt, “giọng nẫu” chập chờn từ người mẹ ngái ngủ ru con ở cạnh nhà bên phòng học trọ của anh:
Phú Yên có đỉnh Cù Mông
Có hòn Nhạn Tháp, có dòng sông Ba
Có cô con gái Tuy Hòa
Con trai Phường Lụa, ông già La Hai
(Ca dao)
Tình quê đầm đầm thương trải qua những lễ hội bài chòi, lễ hội Đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả… Tự dưng, tôi cảm thấy gần anh hơn dù rằng tôi và anh chỉ là buổi ban sơ.
Gió đồng xa heo hút đến chân núi Tây Hòa nối dãy Trường Sơn. Tôi nấn ná chưa muốn rời anh, vì câu chuyện hữu duyên của anh nó gợi nhớ trong tôi người bạn học thời Đại học Văn khoa, Đà Lạt năm sáu bảy (1967): anh Ngô Thế Lý!
Anh Lý là người có tấm lòng, sẵn sàng cho mà không cầu nhận. Anh thuộc típ người “căng quan điểm, thẳng lập trường” và anh, không chịu nổi những điều trái với điều anh đã khẳng định. Anh sở hữu khuôn mặt “khắc khổ”, tôi thường đùa: khuôn mặt nghèo ba năm – ba năm giới hạn trong hữu hạn đời người – . Thường thì, anh Lý cười trừ thay đổ quạu! Thật hữu duyên và cũng hết sức bất ngờ, anh Hoàng từng là bạn anh Lý và là người yêu cô Thùy, em gái của anh Lý.
Giọng đều đều, anh Hoàng tâm tư:
“Trong lòng tôi không thể thiếu vắng Thùy và Thùy, đinh ninh một ngày không xa sẽ cùng tôi kết nghĩa tào khang. Song, tình yêu và ước mơ như công dã tràng trước sóng biển”.
Thấy tôi ngạc nhiên, anh khẽ khàng:
“Anh Lý ngăn cản quyết liệt việc tác hợp tôi và Thùy thành vợ thành chồng; đồng thời, anh trách mắng tôi rất thậm tệ dù khi trước, anh thương và cưu mang tôi”.
Nghe lạ, tôi dợm hỏi vì sao nên nỗi thì anh Hoàng nói:
” Lỗi tại tôi!”.
Rồi, anh tự sự:
“Tôi nhảy núi (8) rồi nhảy về – nhảy về – , khiến anh tức giận và khinh bỉ, dù rằng tôi không làm hại núi”.
Thở dài, anh Hoàng nói tiếp:
“Sự tức giận của anh Lý, tôi không oán ghét; sự khinh bỉ của anh đối với tôi đã làm tôi xấu hổ vô cùng. Nếu anh là dòng chính lưu, thì sao anh không chút lòng thương cảm phụ lưu!?”.
Tôi hiểu cái nết của anh Lý, một người bạn rất cá tính – cá tính quá tả – và với anh, đã chọn đường đi thì dứt khoát không thể lầm đường. Năm tháng tù Côn Đảo, chẳng làm lòng anh sờn dạ anh mòn mà trái lại, Côn Đảo đã tôi luyện anh thành “Thép đã tôi thế đấy” (9). Nghĩ thầm, tôi nhận ra cách xử sự của anh Lý đối với người bạn mà anh từng cưu mang tuy thô bạo, nhưng nó phản ánh đầy đủ sự chân thật đúng bản chất của con người anh: đã “nhảy núi thì không thể nhảy về”. Và, với cá tính cố hữu, sau ngày hòa bình, lắm phen anh gian nan “lên bờ xuống ruộng” trầy xướt cả tâm hồn! Rồi, di chứng những trận đòn thù lúc tù tội đã hành hạ anh đến chết trong bịnh tật nơi Ninh Sơn (Phan Rang), không là nơi anh chôn nhau cắt rún.
Giữa trưa buồn hắt nắng, anh Hoàng bùi ngùi:
“Việc đời trong đục khó lường! Duyên phận tôi và Thùy, có lẽ là một phần sinh mệnh của hai đứa; duyên như khói sóng và phận như áng mây trôi, tôi luôn nhận như nhận sự an bài thuận ý hay nghịch ý. Về sau, tôi lấy vợ và lấy vợ, thì cũng chỉ vô tình thôi!”.
Bỗng dưng, bạn nào đó trong nhóm thốt lời:
Có lòng trồng hoa, hoa chẳng nở
Vô tình cắm liễu, liễu lại xanh
Dựa câu nói của người xưa, tôi an ủi anh Hoàng:
Mệnh lý hữu thì chung tu hữu
Mệnh lý vô thì mạc cưỡng cầu.
Ngồi cạnh bên, anh Hè giải thích:
“Ở đời, việc gì có sắp đặt sẵn sẽ đến đúng thời điểm, việc gì không được sắp đặt sẵn thì không ai buộc nó xảy ra; đã vậy, cần chi phải cố sức đổi thay”.
“Nghĩa là, …”.
Anh Hoàng dợm hỏi.
Sư cụ kết lời:
“Việc đến, hãy quý trọng; việc phải đi, nên buông tay. Sống thuận theo lẽ tự nhiên, tâm không oán thù lòng không uất hận!”
2. Bữa cơm chay, tạm dừng câu chuyện tình buồn hơn nửa thế kỷ của anh Hoàng.
Anh Hè và anh Hoàng là bạn của nhau, cùng sống ở thành phố Tuy Hòa và cùng uống cà phê sáng thứ tư hằng tuần với nhóm lão gia “đất Phú trời Yên”. Anh Hè nói:
“Anh có biết có anh Lý, khi anh ghi danh học thêm Văn Khoa, Viện Đại học Đà Lạt”.
Giựt mình, tôi ngớ người: “Quả là, trái đất tròn!”. Ngẫu nhiên, tôi gặp lại người cũ chưa quen. Chợt nghĩ, chắc gì ngẫu nhiên và biết đâu, chẳng là hữu duyên?
Nắng rất hung, cái hung của mùa hè rực trời hoa phượng đỏ. Bâng quơ, tôi tủm tỉm cười; anh Hè hỏi tôi sao mà cười tủm tỉm? Tôi nói:
“Nếu nắng không hung, chắc gì hoa phượng đỏ thắm!”.
Anh đăm ra thắc mắc, tôi kiến giải:
“Anh tên Hè – hè chính là mùa hạ – mùa của vạn vật phát triển trọn vẹn và đồng thời, nó ứng với Lão – Trụ”.
Anh Hè thắc mắc, tôi nói luôn:
“Trời đất một năm có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông và bốn mùa, vận hành theo quy luật: Thành, Trụ, Hoại, Diệt. Đời người, trải qua bốn quá trình: Sinh, Lão, Bịnh, Tử. Và, mùa Hạ (tức mùa hè) ứng với Lão – Trụ, là vậy!”.
Anh Hoàng hớt lời:
“Mùa hè thuộc về Hỏa, mà Hỏa trong ngủ hành xung khắc với Thủy; cho nên Hỏa thịnh thì Thủy suy và ngược lại”.
Như nhớ ra điều gì đó, anh Hè à lên:
“Quy luật của bốn mùa nó thể hiện qua cuộc sống”.
Tôi nối lời anh:
“Và, cả vũ trụ nữa chớ, anh!”.
Trầm ngâm, anh Hè im lặng. Tôi nói tiếp:
“Có nắng tươi đẹp, tất có mưa sùi sụt!
Nhâm nhi trà, anh Côn giới thiệu đôi nét về anh Hè với tôi:
“Anh Hè xuất thân “dân võ bị Đà Lạt”, ra trường và ở lại trường dạy các khóa sinh; đồng thời, anh ghi danh học thêm Văn khoa, Viện Đại học Đà Lạt”.
Anh Hè nhìn tôi. Tôi cười, nụ cười biểu thị như là nhận nhau đồng môn Văn khoa; dù lúc anh ghi danh học Đại học Văn khoa thì tôi chẳng khác nào cánh chim rời tổ, bay bốn phương.
Đột nhiên, anh tặc lưỡi – cái tặc lưỡi, không là tiếc nuối một thời vang bóng – mà nó mang nội hàm cô đơn giữa trùng vây cảm giác lạc lõng. Tôi nhớ là tôi có nhắc lời má tôi dạy: “Giả ngã thì cô đơn, chân ngã thì không”. E dè, anh hỏi tôi là sao? “Là liệng cái bản ngã đáng ghét kia đi! Càng tôn sùng cái tôi, càng cô đơn”.
Sư cụ nói:
“Phật – Tâm – Chúng sanh, đồng nhất thể”.
Suy nghiệm, tôi nhận ra: thể là tánh. Tánh giống nhau, còn mọi sự khác biệt khác chỉ là tướng, giả tướng. Đã vậy, thì chẳng thể chấp tướng, bỏ tánh được. Nếu bỏ tánh, chấp tướng thì có khác gì chấp nhận xung đột và tột cùng của xung đột, là chiến tranh!
Có lẽ, anh Hè cũng đã suy nghĩ từ lâu và rất sâu về điều Sư cụ nói. Anh nhắc chuyện Đà Lạt, chuyện tai nạn giao thông lúc anh ở bực cao nhứt của cấp úy và anh, giải ngũ trước nhiều năm ngày đất nước hòa bình. Trong cái rủi, anh gặp cái may và trong cái may, anh lại gặp cái rủi. Chuyện đời, cũng giống chuyện “Tái Ông mất ngựa” (Sách Hoài nam tử).
Tôi nói:
“Nào ai, có thể ngờ… Đà Lạt xứ ngàn hoa; vậy mà, cũng có lúc chịu cái kết ‘thà mang tiếng thị phi, tìm đường sống’. Và, đường sống đó, chắc gì chẳng là bia miệng ngàn năm!?
Nhựt ký “Thành phố sương mù”, tôi ghi: “Tàn hoa, sương cao nguyên màu trắng sữa tựa dải khăn sô viền quanh rừng thông. Tôi, người học trò ngày cũ quay về chốn xưa; lần giở trang đời, đọc những gì còn lưu lại rây nỗi đau và rắc đau lên bao thân phận của mỗi kiếp người!”.
Ngậm ngùi, hình như lòng anh đang thổn thức: “Hạt sương rơi ướt bao hoài vọng” của người đã một thời chọn nghiệp kiếm cung. Và, như Tướng Lâm Quang Thơ, Chỉ huy trưởng trường Võ bị Quốc gia; Đại tá Nguyễn Quốc Quỳnh, Chỉ huy trưởng trường Đại học Chiến tranh Chính trị; Đại tá Nguyễn Hợp Đoàn, Tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức kiêm Thị trưởng thành phố Đà Lạt đã họp “Kín” thuận theo ý Trời,  hợp quy luật bốn mùa trong cuộc sống và vũ trụ.
Tướng Thơ, Đại tá Đoàn, Đại tá Quỳnh quyết định bỏ Đà Lạt lúc 19 giờ đêm ngày 19 tháng 2, Ất Mão (31.3.1975) với ám hiệu: “Nổ mìn phá kho xăng, phòng thí nghiệm nặng (heavy lab)” của trường Bõ bị Quốc gia.
Phá cách, tôi “Múa rìu qua mắt thợ”:
“Tướng Lâm Quang Thơ, người miền Tây sông Hậu trong gia đình điền chủ, sinh tại Vĩnh Trạch (Bạc Liêu). Tướng Thơ, sinh nhằm ngày chủ nhật, 21 tháng Chạp, Canh Ngọ (8.2.1931); thuộc mạng Thổ – đất bên đường – ; tiết khí lập Xuân, nghĩa là đầu mùa Xuân. Tướng Thơ (người có cấp bậc cao nhất vào thời điểm 1975 tại Đà Lạt) di tản quân bỏ Đà Lạt, đêm 19 tháng 2, Ất Mão. Đó là ngày sinh mạng Nước dưới lạch, tiết khí Xuân phân (giữa Xuân), là thanh minh (trời trong sáng). Nghiệt nỗi, trời trong sáng hoàn toàn thuộc về phía đối phương và giữa Xuân, tiết trời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lịch sử sang trang”.
Ngẫm lại, người sinh lúc tiết khí lập Xuân, thời điểm quyết định bỏ đất rời dân nhằm tiết Xuân phân và cả hai, đều đầu – giữa xuân trong mùa Xuân; mà người mạng Thổ, chỉ là Đất bên đường bồi đắp cho cây cỏ đâm chồi nẩy lộc, vạn sự vạn vật tràn sức sống. Trong đó, Sinh đời người trải qua quá trình ứng với Thành do vũ trụ vận hành tạo nên Sinh – Thành!
Trước lúc yên giấc ngàn thu nơi đất khách quê người, Đại tá Nguyễn Quốc Quỳnh viết:
“Không liên lạc được với các thẩm quyền Bộ Tổng Tham Mưu (TTM), Tổng Tham Mưu trưởng, Tham Mưu trưởng Liên quân, và QĐ II, V2CT, Tư Lệnh vùng, Tham Mưu trưởng, mất liên lạc với Quảng Đức, Lâm Đồng đã di tản.
Quyết định: Đà Lạt, Tuyên Đức, và các đơn vị quân trường trú đóng, trường VBQG, trường ĐH/CTCT di chuyển về V3CT. Trường VBQG chuyển Sinh viên Sĩ quan (SVSQ), lực lượng cơ hữu tới các vị trí cao độ chung quanh quận Đơn Dương trong ngày 31 tháng 3 bảo vệ các đơn vị Địa phương quân, Nghĩa quân, Chính quyền Đà Lạt, Tuyên Đức; trường ĐH/CTCT và các thành phần trường VBQG còn lại chuyển quân. Giờ G: chạng vạng tối 31. Mật lệnh: VC tấn công thị xã Đà Lạt”.
Nơi chốn một thời anh Hè đã sống và từng mộng danh tướng, giờ là khói mây!
Thình lình, anh Hè hỏi tôi:
“Anh từng công tác ở Mộc Hóa nhiều năm. Vậy, anh có nghe câu chuyện ‘Bữa cơm hòa giải’ tại dinh Tỉnh trưởng, trưa ngày một, tháng năm, năm một chín bảy lăm, không?”.
Tôi chưa kịp trả lời, anh vội nói:
“Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng tỉnh Kiến Tường Đại tá Nguyễn Văn Huy – tức Sáu Huy – , là bạn của anh”.
Thì ra, dẫu trời đất bao la nhưng nếu hữu duyên thì sẽ gặp – người tôi muốn gặp là anh Sáu Huy – , để hỏi xem vì sao anh tổ chức bữa cơm dân dã: canh chua cá bông lau, cá Đồng Tháp Mười kho tộ… đãi Cách Mạng; mà trước đó cả hai phía còn tìm diệt nhau (?). Điều đáng nói, là người Cách Mạng có dám ăn bữa cơm ba mươi phần ăn do anh Sáu Huy thiết đãi hay không? Nhiều lần qua lại uống trà với anh Sáu Xích Điểu, tôi gạn hỏi. Anh cười, nụ cười hồn hậu của người chiến binh đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp đến ngày hòa bình. Có lần anh Sáu Xích Điểu nói: “Vấn đề không phải ở chỗ có dám hay không dám ăn, mà ở chỗ: người anh em có lòng thì sao ta bỏ bụng!”.
Ngày đó, anh Sáu Xích Điểu là Chính trị viên Tỉnh đội tỉnh Kiến Tường, người nói chuyện trực tiếp với Đại tá Huy qua tần số Tiểu khu, tối ngày 30. 4.1975 và hẹn Đại tá Huy, lúc 9 giờ sáng ngáy 1.5.1975, đưa tàu lên Cái Rưng đón quân Cách Mạng về tỉnh lỵ Kiến Tường nhận bàn giao chính quyền.
Rất đỗi ngạc nhiên, anh Hè im lặng – cái im lặng của sự hồi tưởng – về người bạn thời chinh chiến với cái kết mà theo anh, trong quân sử thế giới có lẽ chưa từng xảy ra!
Tôi nói thêm:
“Thật ra, trước đó, qua tần số máy Tiểu khu Kiến Tường, anh Sáu Xích Điển đã theo dõi cuộc điện đàm giữa Đại tá Huy và Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lịnh Quân đoàn IV – Vùng 4 chiến thuật”.
Theo lời anh Sáu Xích Điểu, kể:
“Đại tá Huy hỏi Thiếu tướng Nam:
– Thiếu tướng lệnh tụi em như thế nào?
Thiếu tướng Nam bảo:
– Bàn giao cho người ta, tránh đổ máu!
Đại tá Huy chần chờ chốc lát, rồi hỏi:
– Thiếu tướng đi hay ở lại?
– Tôi là người Việt Nam, tôi ở lại và tôi, không đi đâu cả!”.
Có lẽ, lời xác quyết của Tướng Nam gây chấn động tinh thần Đại tá Huy và sáng hôm sau, Đại tá Huy đã tự chọn giải pháp hợp tinh hợp lý nhất, là đón Cách Mạng, đãi cơm và bàn giao chính quyền. Nếu như, Đại tá Huy nghe theo lời đề xuất của một thuộc cấp, rằng: “Không bàn giao chính quyền cho Cách Mạng, mà tập họp Bộ chỉ huy Tiểu khu với lực lượng cơ giới của Đại úy K. hộ tống di tản xuống Kiến Bình và tại đây, lịnh Thiếu tá Đ. dùng Tiểu đoàn ở đồn Cà Nhíp mở đường rút ra Cai Lậy…”, thì “chắc chắn Đại tá Huy và lực lượng Tiểu khu Kiến Tường sẽ bị quân Cách Mạng tiêu diệt ngay trên đường rút chạy tại đầu cầu Kinh 12, cửa ngõ Cai Lậy ra QL 4 (nay là QL 1A)”. Anh Sáu Xích Điểu nói dứt khoát như vậy!.
Máu sẽ tiếp tục đổ ngay những giờ đầu tiên của hòa bình và nỗi đau, sẽ đau cả hai phía!
Nắng táp bậc thềm chùa.
Buổi trưa, Tây Hòa không gian im ắng, mọi người lắng nghe tiếng thời gian gõ đều trong tâm thức của mình. Tôi tếu táo:
“Anh Sáu Xích Điểu và anh Sáu Huy từng đối đầu sống chết trên chiến trường lại có cùng thứ Sáu trong mỗi gia đình. Đãi người từng là thù, như đãi bạn đi xa lâu ngày gặp lại và ngược lại, điềm nhiên uống rượu kẻ từng là thù mà không sợ độc dược, như uống rượu đoàn viên trong cuộc tao phùng!”.
Nơi hốc miếu dưới tán lá cây si già, tắc kè đột nhiên cất tiếng buồn trưa nắng!
Một anh bạn nói đùa:
“Từ vô lượng kiếp, hai Anh Sáu đã là có duyên nhau!”.
Việc xảy ra tưởng ngẫu nhiên, song chẳng ngẫu nhiên chút nào mà có lẽ, “hai anh Sáu đã là có duyên nhau!” như anh bạn vừa nói. Rồi, thế sự man man, dòng đời dâu bể… Anh Sáu Xích Điểu đã hóa ra người thiên cổ, còn anh Sáu Huy thì đang sống những ngày cuối đời nơi quê người đất khách: “Gom mây, quét nắng gới về cố hương”! (thơ TBĐ).
Cảm khái, anh Hè tâm tư:
Trời đất định vậy, thì phải vậy!
3. Trên chánh điện thời kinh Ngọ ngân nga…
Những tưởng chuyện anh Hoàng, anh Lý cùng với các nhân vật, như cô Thùy, anh Lý hoặc Tướng Thơ, Đại tá Quỳnh, Đại tá Đoàn, Đại tá Huy hay Chính trị viên Xích Điểu… chẳng ăn nhập gì nhau. Song, nếu xâu chuỗi và đan xen thì nó hiện hữu của hiện hữu kiếp nhân sinh bi tráng lẫn bi hài trong vòng hữu duyên thiên mệnh.
Dưới chân Tổ Đạt Ma, tôi thành kính nghe điều Sư cụ nói:
“Tổ Đạt Ma, người đứng trên đỉnh vô tâm, đi trên sông vô trước, đạp lên sóng thời gian vô trụ nhi trụ”(10).
Tay lần tràng hạt, Sư cụ nói tiếp:
“Bồ Đề Đạt Ma xuất hiện giữa bầu trời tâm linh phương Đông, như là một kiếm khách khai quang cánh rừng nhân sinh bằng thanh gươm trí tuệ vô sở đắc” (11).
Từ lời Sư cụ, tôi nghiệm ra điều chưa nghĩ tới:
“Nắng cho tôi sống tốt nhất nếu có thể và cuộc đời, ngắn hay dài không quan trọng; vì ngắn hay dài rồi thì tôi cũng phải chết. Trong cõi trần ai, đã trần rồi lại phải ai; cái ai, đôi khi lại là cuộc đời đã trải qua, cơ hội đã bỏ lỡ. Chuyện anh Hoàng, anh Hè hoặc anh Lý và ngay cả tôi, cũng chỉ là ‘Vạn sự giai không’. Tất cả là trò chơi của tạo hóa!”.
Tây Hòa ngập nắng!
Những tên gọi dân Tây Hòa không thể nào quên và người Phú Yên, không thể nào không nhớ: Bến Trâu (Hòa Mỹ), Bến Củi (Hòa Thịnh, Hòa Mỹ), Bến Sách (Hòa Tân), cầu Bàn Thạch… Hóc Cây Găng, gò mả vôi Mỹ Phú… Và, tôi liên tưởng tới cái đêm Hòa Thịnh hừng hực ngọn lửa đấu tranh.
Trong lòng ngọn lửa đấu tranh hừng hực ấy, là khát vọng tự do, no cơm ấm áo; là quyền được sở hữu mảnh đất thấm đẫm mồ hôi, đầm đìa nước mắt và máu xương của bao lớp người gìn giữ đất ra đi chẳng thấy quay về!.
Chú thích:
1. Huyện Tây Hòa, thành lập ngày 16.5. 2005 theo Nghị định số 62/2005/NĐ-CP của Chính phủ,
2. Đồng Khởi Hòa Thịnh, đêm 22.12.1960.
3. Trong Thiền lâm, chia Tăng đường thành Tiền đường, Hậu đường.
4. “Pháp dụ luyện tâm”, Đường trở về, Hòa thượng Thích Thiện Đạo, Nxb Hồng Đức, 2016, tr.71.
5. “Thuyết Nhân Duyên”, Tuệ Thiện Nguyễn Tối Thiện.
6. Lạch là dòng nước nhỏ hơn sông.
7. Chợ Bàn Thạch, thuộc thôn Bàn Thạch, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Những cánh đồng hai bên sông Bàn Thạch là nơi sản sinh nhiều lươn và chợ Bàn Thạch là chợ đầu mối thu mua lươn đem bán nơi khác.
8. Nhảy núi, tiếng lóng chỉ người đi theo Cách mạng.
9. “Thép đã tôi thế đấy”, Nikolai Ostrovski, Thép Mới – Huy Vân dịch, Nxb Văn Học, tái bản 2016.
10. “Đạt Ma Tông Yếu”, Đường trở về, Hòa thượng Thích Thiện Đạo, Nxb Hồng Đức, 2016, tr.127.
11. Sđd.
27/9/2020
TRẦN BẢO ĐỊNH
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀNG KỴ SĨ Chương 1 TRƯỚC cổng dinh Tổng-Trấn Gia-định, buổi sáng mùa xuân ấy, giữa lúc Tả quân Thống-chế Lê-Văn-Duyệt, kiêm Tổng-tr...