Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2024

Chúng ta không thể sống như những ngày tháng cũ

Chúng ta không thể sống
như những ngày tháng cũ

Như nhiều người nói, đại dịch rồi sẽ qua, chúng ta rồi sẽ trở lại cuộc sống bình thường. Như cũ. Trở lại cuộc sống bình thường, đó là mong ước của toàn nhân loại. Nhưng, chúng ta không thể sống như những ngày tháng cũ. Chúng ta phải thay đổi. Đừng cho mình có toàn quyền với sự sống còn của thiên nhiên. Cũng đừng có mà ỷ mạnh hiếp yếu…
1. Trước cửa cơ quan chúng tôi có một cây bồ đề cổ thụ cao lớn và đẹp đẽ. Từ mấy chục năm trước, khi tôi còn là một cậu sinh viên, có dịp đi ngang đây đã thấy cây bồ đề ấy rồi. Cho nên, khi tôi về làm việc ở đây, gặp cây bồ đề như gặp lại một người quen, một người bạn vong niên mà tôi ước chừng ngót nghét trăm tuổi.
Mỗi buổi sáng, khi bước vào cơ quan, tôi lại ngước chào cây bồ đề, như chào ngày mới cao xanh.
Thế nhưng, cây bồ đề này là một “rắc rối” cho cơ quan chúng tôi. Nghe mọi người kể lại, người hàng xóm của chúng tôi có “hiềm khích” với cây bồ đề này, lý do là cây rụng lá qua sân nhà bà ấy, thêm nữa là vào mùa cây ra trái thì những trái chín rụng xuống làm dơ cả đường phố. Người hàng xóm nhiều lần đòi chặt cây bồ đề đi, nhưng người sếp cũ của cơ quan dứt khoát không chịu. Ông như một hero – vị thần hộ mệnh của cây bồ đề trước người hàng xóm quá quắt.
Rồi thì tới lượt tôi chạm trán với người hàng xóm kia. Vẫn với luận điệu cũ và sự hung hăng vô lý. Tôi đứng lắng nghe, rồi thì dường như không kiềm được cơn giận, tôi làm một tăng: “Chị nghĩ sao khi mà đòi chặt một cái cây bồ đề đẹp đẽ như thế này? Chặt một cái cây chỉ vì nó rụng lá rụng trái làm dơ sân nhà chị ư? Chị không thể quét mảnh sân của mình hay sao? Nếu ai cũng nghĩ như chị thì chúng ta trồng cây xanh lấy bóng mát trong thành phố này làm gì? Sao chị không kiến nghị chặt hết các cây xanh trong thành phố vì chúng cũng rụng lá, rớt cành, mắc công phải quét dọn? Chị có giỏi thì chặt cái cây này rồi nhân tiện đi chặt hết các cây trong thành phố này luôn”…
Kể từ sau lần chạm trán đó, người hàng xóm không còn đả động gì tới việc đòi chặt cây nữa. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nhận được chiến thắng từ một cơn giận dữ.
Nhưng khi kể lại câu chuyện này thì tôi không còn giận người hàng xóm nữa. Tôi nhận thấy những chấp ngã như thế là bất tận trong cõi người ta này. Thông thường thì ai cũng có xu hướng tự đề cao mình, cho mình là đúng và muốn người khác phải tuân phục theo mình. Khi cái tôi trương phình thì họ không còn thấy gì chung quanh nữa. Cho dù có đặt họ ở cạnh một nơi đẹp đẽ thì mắt họ cũng không nhìn thấy. Cứ như thế, nhiều người đã sống chỉ như là duy trì tồn tại thân xác vật chất đơn thuần.
2. Khi tôi ngồi viết những dòng này thì nhân loại đã trải qua hơn ba tháng chống chọi với đại dịch Covid 19.
Tình thế của loài người lúc này thật bi thảm. Số ca mắc virus Corona vẫn chưa dừng lại. Những quốc gia mạnh mẽ và giàu có nhất đang ngập chìm trong khủng hoảng nhiều mặt. Những bộ óc vĩ đại nhất trên toàn thế giới vẫn chưa tìm ra vắc xin. Học sinh ăn một cái Tết dài nhất trong lịch sử, và giờ vẫn chưa được cắp sách tới trường. Chúng ta vẫn đang sống trong những ngày giãn cách xã hội. Thế giới đảo lộn hết mọi thứ. Nhưng có một thứ khiến chúng ta nhận thấy rõ rệt nhất, đó là sự nhỏ bé và yếu đuối của con người. Và, thế giới này không chỉ của riêng con người.
Con người không phải muốn làm gì thì làm. Tôi nghĩ, cho dù nguồn gốc virus có từ đâu thì nó cũng giúp con người chúng ta thức tỉnh.
Như trong chiến tranh, khi bom đạn đổ xuống những thành phố lớn thì từng đoàn người di tản về các làng mạc. Ở đó thiên nhiên sẽ che chở cho con người. Ở đó, con người bắt đầu học lại những bài học từ thiên nhiên. Buổi sáng thức dậy theo tiếng gà gáy. Ban đêm nhìn bầu trời sao đoán thời tiết ngày hôm sau. Tìm trong đồng ruộng những thảo dược giúp con người tăng kháng thể. Có lẽ, chưa bao giờ con người nhận ra vẻ đẹp và giá trị của thiên nhiên như trong lúc này.
Nhưng tôi không về nông thôn mà vẫn ở trong thành phố. Những ngày thực hiện giãn cách xã hội, thỉnh thoảng vào cơ quan, tôi lại lấy ghế ra ban công ngồi dưới bóng mát của cây bồ đề cổ thụ. Không âm nhạc. Không khách khứa. Không inh ỏi tiếng ồn khoan cắt như mọi khi. Tôi ngồi nghe tiếng chim hót trên những tàng cây. Và, tôi nhận ra rằng, đại dịch này chỉ xảy ra với con người, chứ không hề hấn gì với thiên nhiên. Cây xanh hơn và tiếng chim thánh thót hơn. Con người sợ hãi vì con người vô minh. Còn thiên nhiên vẫn an nhiên minh triết.
Thực ra, những ngày qua, tôi cũng sống trong sợ hãi và stress nặng, khi mỗi sáng mở điện thoại ra là thấy con số người chết vì dịch Covid nhảy múa. Nhưng chính sự an nhiên của thiên nhiên đã giúp mình không phát cơn điên. Thử nghĩ, nếu trong lúc này mà thiên nhiên cũng nhiễm bệnh điêu tàn, thì đâu là chốn nương náu cho con người?
3. Trong các loại cảm giác của con người ta, thì theo tôi trực giác là quan trọng nhất. Trực giác có thể hiểu như là sự nhận biết thuần khiết đáng tin nhất mà không qua bất kỳ một phân tích hay lý luận nào. Dĩ nhiên, trực giác chỉ là cơ sở ban đầu cho tất cả mọi kết luận về sau.
Vậy thì trực giác của tôi đối với đại dịch Covid 19 là gì?
Lần giở lại những ghi chép đầu tiên, trực giác mách bảo tôi rằng đây chính là phép thử của vũ trụ đối với con người. Giờ thì tôi vẫn tin vào trực giác đó. Vũ trụ thử thách sức chịu đựng của con người. Nhưng không chỉ thế. Đó là còn là những phép thử về đức tin. Những ai đã từng nhân danh thánh thần, Chúa, Phật…; cho rằng mình nắm bắt hết mọi thứ để cứu nhân loại thì hãy chứng minh đi?
Nếu như không chứng minh được thì nên im lặng. Trong đại nạn, con người ta cần nhất là tấm lòng chân thật. Trong đại nạn, con người ta sợ nhất là sự giả dối. Trong lúc này, mọi sự dối trá đều đáng kinh tởm hơn cả con virus. Nhưng tôi vẫn có cảm giác là nhân loại chưa thực sự thức tỉnh và quá ồn ào.
Lúc này, tôi muốn được trở lại câu chuyện cây bồ đề cổ thụ ở trên. Tại sao con người ta có thể ra một quyết định dễ dàng là chặt cây bồ đề vì nó đã làm phiền tới họ? Là vì họ tự tách mình ra khỏi bối cảnh mà họ sống. Họ không biết đặt mình vào đâu trên cái bản đồ sinh thể này. Hoặc là họ tự đặt mình lên trên tất cả. Giờ thì tới lượt vũ trụ thấy con người làm phiền nó quá, nên nó quyết định “đốn hạ” bớt con người chăng? Cũng có thể nghĩ như vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng thiên nhiên luôn bao dung hơn con người. Thiên nhiên không ăn thua đủ với con người. Bài học của thiên nhiên là bài học im lặng, chứ không phải ra rả suốt ngày trên các kênh Youtube. Không phải suốt ngày nghe giảng đạo từ máy thu sẵn mà thành người tốt. Nếu như vào chùa mà mắt không thấy được cảnh đẹp của chùa. Chân đi dưới những vòm kiến trúc mà lồng ngực không mở ra hân hoan. Không có thời gian để ra giếng xách gàu nước tưới cho mấy luống rau luống cà. Không biết tự làm tương đậu để ăn. Nhìn lên bầu trời không biết sao gì với sao gì. Thấy bụi hoa dại không nhận ra vẻ đẹp của nó, mà chỉ thấy như cỏ vô tri, muốn nhổ bỏ đi, đổ bê tông lên cho đỡ dơ chân. Thì, dẫu tai có nghe đầy kinh giảng về nhân quả, về buông bỏ, cũng nguyên vẹn sân si và không thể thành người.
Như nhiều người nói, đại dịch rồi sẽ qua, chúng ta rồi sẽ trở lại cuộc sống bình thường. Như cũ. Trở lại cuộc sống bình thường, đó là mong ước của toàn nhân loại. Nhưng, chúng ta không thể sống như những ngày tháng cũ. Chúng ta phải thay đổi. Đừng cho mình có toàn quyền với sự sống còn của thiên nhiên. Cũng đừng có mà ỷ mạnh hiếp yếu. Hãy nhận thức rằng, con người cũng chỉ là hạt bụi trong vũ trụ này. Hãy biết lấy thân phận hạt bụi của mình.
Sài Gòn, 23/4/2020
Trần Nhã Thụy
Nguồn: Bài đăng trên Viết và Đọc số Mùa Hạ 2020
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khó đi mẹ dẫn con đi Lúc tôi vào phòng khám, chiếc kim giờ của cái đồng hồ tròn treo trên tường chỉ hơi quá số một một chút. Vậy cũng ...