Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2024

Tiếng rền của núi 2

Tiếng rền của núi 2

CHƯƠNG XI
Công Viên Thủ Đô
1. -Bố kỳ quặc thế đấy, phải không mẹ? - Fusaco vừa hỏi ầm ĩ vừa dọn bàn ăn. - E ngại con gái ruột của mình, trong khi đó với con dâu thì không!
- Fusaco, đừng có bắt đầu đi! - Bà Yasuco bảo.
- Vậy chứ không phải thế hay sao? Nếu bố thấy canh rau nhừ quá, thì sao bố không bảo thẳng con là "Con nấu nhừ quá!", hay là con phải nấu canh ở suối nước nóng đây?
- Suối nào?
- Thì suối nước nóng sôi sùng sục. Có phải là người ta vẫn luộc trứng và hấp bánh ở các suối nước nóng như vậy không? Con nhớ đã có lần mẹ cho con ăn một quả trứng luộc như vậy - lòng trắng thì cứng ngắc, lòng đỏ lại mềm tơi. Mẹ còn bảo món đó là đặc sản của một nhà hàng ở Kyoto...
Bà Yasuco mỉm cười, nhưng Fusaco nói tiếp mà không hề cười:
- Nếu được ăn món canh rau nấu ở suối nước nóng, ở một nhiệt độ nhất định trong một thời gian nhất định thì bố sẽ khỏe mạnh như Popai 1 cho mà xem. Và chẳng cần đến sự chăm sóc của Kikuco.
Nói đoạn chị ta nhấc mâm chén đĩa lên và bỗng tuyên bố gay gắt:
- Còn con thì chán tất cả lắm rồi! Khi bên bàn ăn thiếu mất cậu con trai đẹp mã và cô con dâu nhìn không biết chán của bố thì bố ăn không biết ngon, có phải không?
Singo ngẩng lên và bắt gặp cái nhìn của Yasuco.
- Không sao mà khóa cái miệng nó lại được. - ông nói.
- Thì bởi nó vẫn chưa được nói cho đã miệng và khóc cho chán chê đấy mà.
- Phải, mà cũng chẳng thể cấm con cái nó khóc được. - Singo làu bàu nhưng Fusaco ngắt lời ông:
- Con cái gì, đang nói về con đây này, ba có hiểu không? Còn đối với con cái thì việc của chúng là khóc. Fusaco lảo đảo bước đi với cái mâm trong tay và một thoáng sau có tiếng chén đĩa trút đánh xoảng xuống bồn rửa. Từ phía bếp vẳng lại tiếng thổn thức của chị ta.
Bà Yasuco lo ngại nhổm dậy rồi đặt đứa cháu bé đang bế trong tay vào lòng Singo và đi vào trong bếp.
Ngồi ôm cháu trong tay mà Singo nhớ lại hình ảnh hồi nhỏ của Fusaco. Từ bé cô đã xấu xí. Năm tháng trôi đi, niềm hy vọng là đường nét của cô sẽ thay đổi đã tan thành mây khói. Satoco dường như có xinh hơn mẹ một chút, còn đứa út này có hy vọng là sẽ khá hơn.
Cứ nghĩ đến chuyện đó là trước mắt Singo lại hiện lên hình ảnh đẹp đẽ của người chị gái Yasuco. Chẳng lẽ ông đi tìm hình ảnh của người đàn bà quá cố ở trong các cháu ngoại của mình? Ý nghĩ ấy làm Singo thấy ghê tởm. Nhưng ông không thể ngăn mình tưởng tượng ra là biết đâu người chị của Yasuco lại chẳng đầu thai vào đứa con của Kikuco - đứa cháu đã bị bỏ mất của ông? Biết đâu nó chẳng là một mỹ nhân mà người ta đã tước mất quyến sống?
Singo càng ghê tởm hơn với bản thân mình. Ông đã thả lỏng đứa cháu lúc nào không hay. Nó tuột ra khỏi đầu gối ông và chập chững chạy về phía bếp. Singo chỉ còn kịp kêu "Đi chậm thôi!" trước khi con bé ngã sấp mặt xuống sàn.
Những người phụ nữ từ trong bếp chạy ra. Bà Yasuco nhấc cháu dậy, còn con bé Satoco thì túm chặt lấy váy mẹ.
- Ba con có vẻ bị chấn động quá mẹ ạ. - Fusaco vừa làu bàu vừa nói. - Lúc đi làm về ba đã choàng vạt kimono ngược sang bên trái thay vì sang bên phải, sau đó ba thắt đai vào như không.
- Ờ thì tôi cũng lẫn một lần, nhưng Kikuco nó bảo là, ở Okinaca người ta không để ý đến việc tròng vạt áo kimono sang bên nào. - Singo chống chế.
- Cái gì kia? Ở Okinaca à? - Fusaco lại sưng sỉa lên. - Ai mà biết ở đấy thế nào, nhưng cô nàng Kikuco có vẻ biết cách lấy lòng ba lắm. Trong chuyện đó thì nó được lắm đây.
Bà Yasuco can thiệp:
- Thôi, đấy là còn chưa nói đến việc ông bố của chúng ta vẫn thường mặc áo trái luôn.
- Mặc trái là một chuyện, còn choàng vạt áo ngược chiều như một anh dở hơi là chuyện khác.
- Thì cứ thử để cho con bé Kikuco nó tự mặc áo lấy xem nó choàng sang phía nào. - Singo cãi lại.
- Có điều là đối với ba thì còn quá sớm để hóa trẻ con ra như vậy. - Fusaco không chịu thua. - Mẹ không thấy là ba quá đáng hay sao? Con dâu ba vừa về thăm nhà vài bữa mà ba đã bắt đầu mặc áo ngược rồi. Thật là một người kỳ quặc! Mới có hai ba ngày thôi đấy, trong khi đó con đẻ của ba thì đã nửa năm nay ở nhà cha mẹ rồi.
Từ buổi chiều nưa cuối năm đến nay quả đã ngoài sáu tháng.
Chồng của Fusaco không thấy tăm hơi đâu và Singo cũng chẳng cất công đi gặp anh ta.
- Sáu tháng. - Yasuco thốt lên và gật đầu. - Mặc dù là chuyện đó chẳng có gì liên quan đến Kikuco cả.
- Liên quan chứ sao không. Cả vấn đề của con lẫn vấn đề của nó đều phụ thuộc rất nhiều ở ba.
- Thì đúng rồi, bởi vì tụi bây là con của ba cả. Nếu ba có giải pháp nào đó thì hay biết chừng nào!
Fusaco cúi đầu im lặng.
- Nghe đây, Fusaco! - Singo nói. - Hiện chỉ có cha mẹ với con ở đây, con hãy nói những gì mà con muốn nói ra đi! Như thế sẽ nhẹ nhõm hơn.
- Có thể con không đúng và con cũng không định thanh minh, song con muốn khi ngồi vào bàn ăn là ba phải ăn và đừng nói gì cả. Nếu đó không phải là do Kikuco nấu thì cũng không sao, ba có hiểu không? - Fusaco nói và lại òa khóc. - Còn như bây giờ ấy hả, nhìn ba ăn, người ta sẽ tưởng là ba đang phải nuốt thuốc độc vậy! Thế đấy! Vậy mà ba còn hỏi con làm sao!
- Tôi thì lại thấy rằng cần phải nói đến chuyện khác. - Bà Yasuco xen vào. - Tại sao hôm trước con lại đi đến bưu điện hả Fusaco? Để gửi thư cho Aikhara ư?
Fusaco giật mình, song vẫn gật đầu xác nhận.
- Ta cũng đã biết là như vậy, bởi vì mày còn viết thư cho ai được nữa. - Yasuco nói rất gay gắt. - Song chắc mày còn gửi cả tiền cho nó nữa chứ?
"Vậy là bà ấy cho Fusaco tiền!", Singo thầm nghĩ, rồi ông hỏi:
- Thế Aikhara bây giờ ở đâu?
Fusaco không trả lời ngay và Singo quay sang bảo vệ mình:
- Thằng đó không ở chỗ mẹ nó đâu. Hàng tháng tôi vẫn cử một người của hãng đi đến đó để nắm tình hình và cũng để gửi một số tiền cho bà ấy nữa. Lẽ ra nếu Fusaco ở đó thì nó phải chăm sóc bà cụ đúng không?
- Vậy là ông cử người của hãng đi à! - Yasuco ngạc nhiên nói.
- Nhưng không có gì đáng ngại đâu và cái cậu làm việc đó rất đứng đắn và kín đáo. Nếu tôi biết là Aikhara ở đó, tôi sẽ đến gặp nó nói chuyện, song tôi đâu có thể làm gì được với một bà cụ đã gần như liệt giường?
- Thôi được, thế Aikhara làm gì bây giờ?
- Có vẻ là nó đang chạy buôn ma túy hay một thứ gì đó đại loại như vậy. Tôi thì nghĩ là bọn khác dùng nó làm kẻ đứng tên thôi. Thằng đó đã rượu chè nghiện ngập rồi, bây giờ nghiền thêm ma túy nữa cũng chả có gì là lạ.
Trong mắt bà Yasuco toát lên vẻ sợ hãi. Hẳn là bà sửng sốt vì cái tin đó không nhiều bằng vì chuyện Singo đã giữ kín công việc điều tra lâu như vậy.

- Nhưng vấn đề là ở chỗ ngoài Aikhara ra, cả bà cụ cũng biến mất luôn. - Singo nói tiếp. - Nhà nó bây giờ người khác ở. Nói vắt tắt là Fusaco không còn nhà nữa.
- Thế còn đồ đạc? - Yasuco kêu lên.
- Mẹ ơi, cả tủ lẫn kệ đều rỗng tuếch từ lâu rồi. - Fusaco trả lời.
- Ôi chao! Nó để cho cái thằng ăn hại ấy phá tan hết cửa nhà mà bỏ về đây với một dúm quần áo đượcà? Hay quá đấy, không còn biết nói thế nào nữa. - Yasuco thốt ra và thở dài.
Singo ngờ rằng Fusaco có biết chồng mình ở đâu và chị chàng đang đợi thư trả lời của anh ta.
Màn đêm từ từ buông xuống khu vườn. Singo nhìn ra phía xa và tự hỏi ai là người có lỗi trong sự sa ngã của Aikhara - Fusaco, ông, chính bản thân Aikhara, hay là số phận?
2. Khi Singo đến hãng, ông thấy trên bàn có mẩu giấy của Ayco Tanizaki để lại. "Tôi đến để nói với ngài một việc có liên quan đến phu nhân trẻ. Tôi sẽ ghé lại sau" - nội dung trong đó nói như vậy. "Phu nhân trẻ" ở đây chỉ có thể là Kikuco.
- Tanizaki đến lúc mấy giờ? - Singo hỏi Natsuco Imamaura, người thay thế Ayco.
- Khoảng tám giờ hơn một chút ạ.
- Cô ta có đợi tôi không?
- Có, đợi vài phút ạ.
- Sau đó cô ta có ghé vào chỗ Suychi không?
- Hình như không ạ.
Singo đoán là Ayco tạt qua trên đường cô đi làm và "ghé lại sau" có nghĩa là vào giờ nghỉ trưa. Hôm đó là một ngày đẹp trời, thậm chí quá đẹp đối với tiết tháng năm. Lúc Singo còn ở trên tàu, tất cả các hành khách đều hạ cửa sổ xuống và nhìn ra ngoài. Những con chim bay lượn trên cái dải óng ánh của con sông đã được phản quang ngời lên như bạc. Trong buổi sáng tháng năm này, mọi cái đều có vẻ kỳ diệu.
"Bão tố ở trên trời, bão tố ở trên trời...", Singo bất giác lẩm bẩm cái tiêu đề của bức Rocan giả của mình, nhưng lúc đó, ở phía xa vừa hiện lên cánh rừng Ikegami và ông nhoài hẳn người ra cửa, tưởng như sẽ nhảy khỏi tàu, để nhìn hai cây thông.
Trước đó mấy ngày, cũng ngắm nhìn cánh rừng như thế, ông đã dồn Suychi ra trò và moi được từ miệng anh ta lời thú nhận về việc Kikuco nạo thai. Khoảnh khắc này hai cây thông cao không còn là những cái cây bình thường nữa. Trong tiềm thức của Singo chúng đã gắn liền với chuyện phá thai và hẳn là mãi mãi về sau chúng sẽ còn gợi nhớ đến chuyện đó. Chẳng hiểu vì những cây thông có liên quan đến việc nạo thai, hay là vì không khí quá ư trong sạch mà hôm nay Singo thấy chúng có vẻ bẩn bẩn. "Cũng có khi trong một tiết trời đẹp lại xảy ra mưa nắng thất thường". Ông lẩm bẩm không có chủ đích và rời mắt khỏi bầu trời phía sau khung cửa để quay vào với công việc.
Khoảng mười hai giờ hơn, Ayco gọi điện lại bảo rằng vì bận việc cô không thể ghé lại gặp ông.
- Vậy là cô đã thành thợ giỏi nên có nhiều việc, phải không? - Singo hỏi vui.
- Vâng, - Ayco đáp rồi im lặng.
- Cô gọi điện từ tiệm may đấy à?
- Vâng, nhưng Kinu không có ở đây đâu. - Ayco nhắc đến tên tình nhân của Suychi tỉnh như không.
- Cô đợi chị ta đi rồi mới gọi chứ gì?
- Dạ thì... thôi để sáng mai tôi đến chỗ ngài vậy.
- Sáng mai hả? Khoảng tám giờ nhé?
- Chắc vậy, nhưng nhất định tôi sẽ đợi ngài.
- Việc cô định nói với tôi ấy, gấp lắm hay sao?
- Vâng. Mà tôi cũng không biết nữa... Đối với tôi thì nó rất gấp và tôi cần trao đổi với ngài ngay. Tôi đang rất hoang mang.
- Hoang mang ư? Có chuyện gì về Suychi hẳn?
- Để mai gặp tôi sẽ nói ạ.
Việc Ayco "hoang mang" không làm Singo lo ngại. Song việc cô muốn gặp ông bằng được khiến ông hơi bứt rứt. Cái chuyện "rất gấp" mà cô ta định nói ấy có thể là chuyện gì được?
Nỗi lo ngại của Singo cứ tăng dần và đến ba giờ chiều ông gọi điện đến nhà ông bà thông gia. Người ở gái nhấc máy và trong khi cô ta đi gọi Kikuco, ở trong ống nghe vẳng đến một bản nhạc rất hay nào đấy.
Cái nền âm nhạc bị cắt đứt bởi giọng nói hào hển vì mừng rỡ của Kikuco:
- Ba, con xin lỗi vì đã bắt ba phải đợi.
Singo cảm thấy nhẹ nhõm một cách kỳ lạ.
- Con thấy trong người thế nào? - ông hỏi.
- À con đã khỏe rồi ạ. Chỉ tại con... quen nhõng nhẽo thôi đấy mà. Ba tha lỗi cho con.
- Ồ kìa... - Singo thốt lên và giọng ông nghẹn lại.
- Ba ơi! - Kikuco phấn chấn kêu lên. - Con muốn gặp ba quá đi mất! Hay con đến chỗ ba nhé!
- Bây giờ ấy ư? Mà con có thể ra khỏi nhà được chưa đã?
- Được ạ, được ạ. Càng gặp ba sớm chừng nào, con càng thấy dễ trở về Kamukara chừng nấy.
- Vậy ư? Thế thì ta chờ con đến nhé.
Trong ống nghe âm nhạc lại vang lên.
- Alô? - Singo gọi to. Ông sợ là Kikuco dập máy. - Bản nhạc gì mà mê ly quá!
- Ôi sao mà con đoảng quá thế không biết... quên cả tắt máy. Đó là vở balê "Vũ điệu các thiên thần" của Chopin đấy ạ.
- Con tính đến chỗ ba liền bây giờ hả?
- Vâng, có điều là đến hãng thì hơi bất tiện, để con nghĩ xem...
Cô đã đề nghị gặp gỡ ở công viên Sinjuku. Điều này làm Singo hơi bối rối và ông đành phải cười mà chấp nhận. Riêng Kikuco thì có vẻ đang phấn khích vì ý tưởng của mình.
- Cỏ cây sẽ làm cho ba tỉnh người ra đấy, con tin chắc như thế.
- Ba biết chỗ đó mà. Ba đã đến dự cuộc triển lãm chó ở đấy.
- Ồ thế thì tuyệt. Chỉ có điều là giờ đây ba cứ nghĩ rằng, thay vì chó ba lại thấy con. - Kikuco cười nói và trong ống nghe lại vang lên bản nhạc "Vũ điệu các thiên thần".
3. Singo vào công viên qua lối cổng chính Okidomon. Một gia đình người Mỹ đi phía trước ông. Người đàn ông bế cô con gái nhỏ, còn người vợ cẩm dây đai dắt một con chó giống Poitr. Trong công viên còn có nhiều người khác - đa số là các cặp nam nữ thanh niên - nhưng dường như chỉ có những người Mỹ kia là thực sự tận hưởng cuộc dạo chơi. Singo bất giác đi theo họ.
Những cây lớn trồng ven đường lúc đầu ông đã tưởng là thông, nhưng sau mới vỡ lẽ ra là giống tùng trên núi Hymalaya. Hồi đến dự cuộc triển lãm chó được Hội bảo vệ động vật tổ chức nhằm mục đích từ thiện ở đây, ông đã hết sức thán phục con đường hai bên có trồng giống cây đó.
Singo tưởng mình đến sớm, nhưng khi ông thong thả đến bên bờ chiếc hố nhỏ thì đã thấy Kikuco đang ngồi trên một chiếc ghế dài dưới bóng cây gbinco. Nhìn thấy ông, cô đứng lên và cúi đầu.
- Con đến sớm thật đấy! - Singo nhìn đồng hồ nói. - Còn mười lăm phút nữa mới tới giờ hẹn.
- Thấy ba gọi lại con mừng quá nên chạy ra khỏi nhà luôn. - Kikuco nói láu táu và hào hển. - Con không thể tả được là con mừng đến thế nào!
Cô xin lỗi về việc tự ý bỏ về nhà cha mẹ. Singo bối rối và khẽ khàng hỏi:
- Con đã có thể trở về Kamakura được chưa?
- Được rồi ạ! - Kikuco đáp với vẻ sẵn sàng. - Con đang trông giờ trở về đây.
- Suychi có đến thăm con chứ?
- Có ạ Nhưng nếu ba không gọi điện lại...
"Thì nó sẽ không trở về ư", Singo thầm nghĩ.
Kikuco bỏ lửng câu nói và lững thững ra khỏi bóng cây.
Singo đi theo cô. Hai người thả bước dưới những hàng cây bên bờ phải của hồ nước. Bất chợt Singo kêu lên vẻ thán phục:
- Rộng quá nhỉ?
- Có đúng là ba thấy như sống lại không ạ? - Kikuco nói, không giấu giếm vẻ hài lòng của mình.
Singo dừng bước dưới một cây locva 2 cao lớn mọc hơi chệch bên lề con đường nhỏ. Ông thấy không vội ra khỏi cái vùng xanh mênh mông này.
- Lúc gọi điện thoại ba có nói là ba từng đến nơi đây trong một cuộc triển lãm chó. - Kikuco nói.
- Hồi ấy người ta cũng chả trưng bày được mấy con chó. Đó chỉ là một cuộc triển lãm từ thiện. Có ít người Nhật đến xem lắm. Đa số khách mời là những người ngoại quốc: ngoại giao đoàn, quân nhân Mỹ trong đội quân chiếm đóng... Hồi đó, những chuyện như vậy còn chưa diễn ra hàng ngày như bây giờ đâu.
Trong khi nói chuyện với Kikuco, Singo đã rời bước khỏi bóng cây locva tự lúc nào.
- Nhất định ba sẽ dọn sạch bụi tầm gửi dưới gốc cây anh đào nhà mình. Khi nào về con nhớ nhắc ba nhé?
- Vâng ạ.
- Con biết không, chưa bao giờ ba đốn bớt cành anh đào đi cả. Ba thích nó thế nào thì cứ như thế.
- Cây đó có những cành nở đầy hoa. Tháng trước, ba con mình đã ngồi nghe tiếng chuông chùa vào dịp hoa đào nở, ba còn nhớ không?
- Con lại còn nhớ được cả những chuyện như vậy... Thật là quý hóa!
- Xin ba đừng nói thế! Con sẽ không bao giờ quên được đâu, cả chuyện nghe chim Ó kêu nữa.
Khoảng xanh mênh mông của vườn cây đã làm tâm hồn Singo tràn ngập một thứ cảm giác được tự do hoàn toàn.
- Một nơi thoáng đãng làm sao! Dường như chúng ta không phải đang ở Nhật ấy... Ba không hề nghĩ rằng ở giữa Tokyo mà lại có một vườn cây như thế này. - Singo thán phục nói, mắt vẫn không rời khoảng xanh bất tận kéo dài mãi về phía xa.
- Ở đây việc phối cảnh được đầu tư rất nhiều, vì thế nhìn nó có vẻ rộng lớn hơn trên thực tế. - Kikuco giải thích.
Khi còn là học sinh cô thường đến công viên này và giáo viên đã giảng cho cô biết rằng khoảng trống lớn có trồng cây rải rác đây đó ở đây được kiến trúc theo kiểu của Anh.
Công viên hôm nay có ít người mà đa phần là những cặp thanh niên nam nữ. Singo ngạc nhiên nhận thấy nơi này thực sự là một thiên đường cho những người đang yêu và ông cảm thấy mình đến không đúng chỗ. Có lẽ là ở đây tuổi trẻ cảm thấy thực sự được giải phóng.
Singo cố tránh xa những cặp uyên ương, mặc dù chẳng có ai để ý đến ông. Thực sự Kikuco đang nghĩ gì? Ông chỉ là một ông già đang dẫn con dâu mình đi dạo. Tuy vậy, ông vẫn không tìm được sự yên tĩnh trong tâm hồn mình.
Khi nghe Kikuco đề nghị gặp nhau ở công viên, ông chẳng nghĩ ngợi nhiều. Song giờ đây, đối với ông, ý tưởng ấy có vẻ bất bình thường. Một cây cao đã thu hút sự chú ý của Singo. Nhìn lên ngọn của nó, ông có một cảm giác là sức mạnh bất tận của thiên nhiên cũng truyền cả sang ông và khoảnh xanh mênh mông kia bao bọc lấy ông, hòa tan sự nhỏ nhoi buồn tẻ của ông và cả của Kikuco. "Con bé đã rất có lý khi bảo rằng ở đây ta sẽ được hồi sinh". Ông thầm nghĩ.
Khi lại gần cái cây, Singo mới thấy đó là ba cây nhập làm một. Trên tấm bảng chỉ dẫn ở đây viết rằng hoa của loại này nở giống như hoa tuylip, và vì thế người ta còn gọi nó là "cây tuylip".
- Ở công viên này, đã có thời người ta tổ chức lễ đón các tướng lĩnh thắng trận trong chiến tranh Nga - Nhật trở về! Lúc ấy ta chưa đến hai mươi tuổi và đang còn ở dưới quê kia. - Singo nói.
Ông chọn một chiếc ghế dài ở giữa những cây cao mọc quanh một luống hoa. Trước khi ngồi xuống đó Kikuco bảo:
- Mai con sẽ trở về, xin ba nói với mẹ đừng mắng con!
- Con có cần thổ lộ với ta chuyện gì không?
- Chỉ với ba thôi nhé? Có nhiều cái lắm, nhưng...
4. Sáng hôm sau, Singo thức giấc với một niềm hy vọng mừng vui, nhưng ông vẫn đi làm mà không đợi Kikuco trở về.
- Con bé nhờ tôi xin bà đừng mắng nó đấy. - ông bảo bà Yasuco.
- Tôi mắng nó ấy ư? - Yasuco rạng rỡ lên vì vui sướng. - Sao tôi lại mắng nó khi chính chúng ta có lỗi với nó nhỉ?
Với cả nhà, Singo đã chỉ nói là ông có điện đàm với Kikuco thôi, còn việc gặp gỡ trong công viên không được ông nhắc tới.
Bà Yasuco tiễn ông ra cổng và bảo:
- Ông có ảnh hưởng lớn đối với con dâu và điều đó thật đáng quý.
Ayco đến tìm Singo ở chỗ làm việc sau khi ông tới được một lát.
- Chà, cô đẹp ra nhiều quát - Singo mềm nở chào đón. - Cô lại còn đem hoa tặng tôi nữa chứ!

Ayco lại bên bàn ông và dùng ngón tay viết lên mặt bàn: "Ngài hãy bảo cô thư ký ra ngoài".
- Sao kia? - Singo hơi ngạc nhiên, song ông vẫn yêu cầu Natsuco ra ngoài để ông nói chuyện riêng với khách.
- Tôi rất tiếc vì hôm qua không đến được. - Ayco nói khi còn lại hai người. Giọng nói căng thẳng của cô khiến Singo lo ngại. - Mong ngài bỏ lỗi cho!
- Được rồi, được rồi. Nhưng cô ngồi xuống đã.
- Cám ơn. - Ayco ngồi xuống, đầu cúi gằm.
- Vì tôi mà cô đi làm trễ mất.
- Không sao đâu ạ! - Cô ta khẽ đáp và nhìn vào mắt Singo. Sau đó cô thở dài nặng nề như thể sắp bật khóc. - Tôi vào chuyện luôn chứ ạ? Tôi thấy hình như mình sắp nổ tung ra ấy... Có lẽ tại thần kinh tôi không chịu đựng nổi.
- Nhưng có chuyện gì thế?
- Chuyện về con dâu ngài, - Ayco nghẹn ngào nói, - cô ấy mới phá thai...đúng không?
Singo không đáp. Ông không biết do đâu mà cô ta biết việc này, và ông cảm thấy hết sức khó chịu.
- Việc cô ấy nạo thai mới chỉ là một phần của vấn đề... - Ayco do dự nói tiếp.
- Nhưng ai đã báo cho cô biết?
- Suychi đã lấy tiền ở chỗ Kinu để trả viện phí cho Kikuco.
Ngực Singo thắt lại đau đớn.
- Theo tôi thì việc đó thật đáng kinh tởm. - Ayco tiếp tục. - Thật là nhục nhã thay cho vợ của anh ta! Tôi thấy tội nghiệp cho cô ấy quá đến nỗi không chịu đựng nổi nữa. Suychi vẫn đưa tiền cho Kinu nên hẳn anh ta cho rằng số tiền đó là của mình, nhưng tôi thì tôi ghê tởm hành vi ấy. Suychi không như đám chúng tôi, và lúc nào anh ta cũng có thể kiếm được tiền, nhất là những món nho nhỏ. Nhưng việc anh ta thuộc một tầng lớp xã hội khác với những người phụ nữ như tôi, liệu có nghĩa là anh ta được quyền làm những trò đê tiện như vậy hay không?
Ayco cố gắng giữ cho vai mình khỏi run lên và nói tiếp:
- Mà nhà chị Kinu ấy, sao lại có thể đưa tiền cho anh ta để làm cái việc như thế được nhỉ? Tôi không thể hiểu nổi chị ta nữa. Gần như là tôi ức lộn ruột lên và vì thế mới quyết định nói chuyện với ngài, cho dù điều đó có làm tôi mất việc ở hiệu may đi nữa. Tôi ý thức được rằng đi kể hết với ngài như vậy là xấu, nhưng...
- Ngược lại, tôi biết ơn cô.
- Ngài đã tốt với tôi như thế! Tôi chỉ gặp con dâu ngài có một lần nhưng tôi cảm mến cô ta và... - Trong đôi mắt Ayco lóng lánh nước mắt. - Ngài cần phải tách họ ra thôi!
Hẳn là cô ta định nói đến Suychi và Kinu. Hay có thể là Suychi và Kikuco? Ai mà biết được. Liệu đã cần phải đi đến sự đổ vỡ như vậy hay chưa. Singo nghĩ ngợi.
Ông bị chấn động dữ dội bởi sự nhẫn tâm và sự di giống về mặt đạo đức của con trai mình, song đồng thời ông cũng cảm thấy chính mình cũng bị chìm ngập vào trong câu chuyện bẩn thỉu ấy. Người ông gai gai một nỗi kinh sợ u ám.
Ayco đã nói xong điều cần nói và đứng dậy định đi.
- Cô đi đâu mà vội? - Singo làm ra vẻ tươi tỉnh giữ cô ta lại.
- Rồi tôi sẽ lại đến nữa ạ. Còn hôm nay thì tôi không muốn khua môi múa mỏ trước mặt ngài như một con ngốc tệ hại nữa đâu...
Bằng cả con người mình, Singo cảm nhận được sự cao thượng và lòng tốt của cô gái ấy. Hành vi của cô không phải là hoàn toàn đúng đắn vì chính Kinu đã xin cho cô vào làm ở hiệu may. Nhưng cha con nhà ông còn không đúng đắn hơn tới mức nào!
Singo nhìn như bị thôi miên vào những bông hồng mà Ayco vừa tặng. Suychi đã từng tuyên bố với ông là Kikuco từ chối sinh con trong "tình trạng như vậy" vì "chấp nhặt quá đáng". Song chẳng phải là tính chấp nhặt ấy của cô đã bị chà đạp xuống bùn đen sao?
Giờ này Kikuco hẳn đã trở về nhà chồng mà không hề biết chuyện kia. Nghĩ đến đó Singo nhắm nghiền mắt lại.
Chú thích:
1 Popai: nhân vật trong một bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Mỹ.
2 Locva (Tiếng Nhật gốc Hán): Một loại cây cận nhiệt đới có quả ăn được.
CHƯƠNG XII
Vết Sẹo Chiến Thương
1
Ngày chủ nhật, ở nhà, Singo dùng cưa cắt bụi dây leo quấn chặt lấy gốc cây anh đào ngoài vườn. Ông đã tính là để triệt hẳn bụi cây đáng ghét ấy đi thì phải đào bật gốc nó lên, song rốt cuộc ông cũng đành vừa lòng với việc cắt cụt các nhánh của nó, và thầm nhủ là sẽ theo dõi để cắt tiếp những nhánh mới đâm ra.
Trước đây Singo cũng đã làm như vậy, nhưng kết quả là bụi dây leo lại mọc um lên khiến cây anh đào gần như chết ngạt. Giờ đây, Singo thấy không muốn đánh vật với việc đào rễ. Ông không tin sức mình có thể làm nổi việc đó.
- Con giúp ba một tay nhé? - Có tiếng Suychi hỏi.
Singo không để ý anh con trai đã đến sau lưng ông từ lúc nào.
- Không cần đâu. - ông cấm cẳn đáp.
- Kikuco bảo con ra giúp ba.
- Thế hả, có điều cũng chẳng còn mấy việc nữa.
Nói đoạn, Singo ngồi xuống đống cành lá gần đó. Suychi chộp lấy cái cưa và hỏi:
- Ba tính cắt hết hay sao?
- Ừ - Singo đáp và ngắm nhìn những động tác nhanh nhẹn của con trai. - Còn những cái này cũng cắt luôn chứ ạ? - Suychi chỉ vào mấy chồi anh đào non mới nhú dưới gốc.
- Khoan đã, khoan đã! - Singo nói và nhổm dậy.
Kikuco từ trong nhà đến nhập bọn. Suychi giơ cái cưa chỉ mấy chồi non và cười lớn.
- Ba đang còn nghĩ xem nên để hay nên cắt đấy! - Anh ta nói.
- Nên cắt đi thì hơn ba ạ! - Kikuco lập tức trả lời.
- Ừ cũng phải, nhưng nếu đấy là cành non thì tôi không muốn cắt - Singo cố giãi bày những khúc mắc của mình.
- Cành không mọc thẳng từ dưới đất lên đâu ạ. Đó là chồi đấy. - Kikuco đáp.
Suychi lẳng lặng cắt các chồi cây.
- Tôi những muốn để cho tất cả các cành và nhánh được mọc tự do và mặc sức vươn ra theo ý chúng. - Singo nói. - Bụi dây leo cản trở đến việc đó, vì thế mà ta cắt nó đi...Những cành nhỏ ở dưới cùng ấy đừng có cắt nhé, Suychi! Để chúng lại đi.
- Chúng mảnh mai như cái đũa ấy, thậm chí chỉ hơn một cái tăm một chút. - Kikuco nói và không rời mắt khỏi Singo. - Vậy mà lúc ra hoa trông chúng cũng lộng lẫy ra trò!
- Ồ, những cành ấy mà cũng có hoa kia à? Thế mà ta không phát hiện ra đấy! - Singo thốt lên.
- Ở cái nhánh nhỏ như que tăm kia cũng có một bông duy nhất đấy ạ. Hay chưa!
- Song chắc gì chúng đã lớn nổi. - Kikuco khéo léo đưa đẩy. - Chắc hẳn khi chúng lớn được bằng những cành nhỏ nhất của cây locva trong vườn Sinjuku thì con đã thành một bà già lụ khụ rồi.
- Chưa chắc, bởi vì anh đào lớn rất nhanh. - Singo đáp lại và ông bắt gặp cái nhìn của Kikuco.
Ông không kể với ai trong nhà về cuộc gặp gỡ ở công viên Sinjuku. Chẳng lẽ vừa quay trở về mà Kikuco đã kịp đem kể với chồng? Đó chẳng phải là một điều bí mật và hẳn là cô đã nói đến nó như một chuyện bình thường.
Singo bắt gặp cái nhìn của Kikuco, nhưng cô không hề mảy may bối rối.
Sau đó, ông chuyển tia mắt về phía những cành anh đào non đâm ra từ cái gốc cây, ông tưởng tượng ra cảnh những cành đào non nớt mảnh mai ấy sẽ lớn lên và vươn ra hùng vĩ như thế nào.
- Làm gì với đám cành lá này hả ba? - Suychi hỏi.
- Đem quẳng nó vào một xó nào đấy. - Singo đáp.
Bắt chước Suychi, Kikuco cũng ôm lên một đống cành định khuân đi.
- Đừng, em bỏ xuống đi. - Suychi nói đầy vẻ quan tâm. - Em vẫn đang còn phải giữ gìn đấy.
Kikuco gật đầu, ngoan ngoãn bỏ mớ cành xuống và đứng nguyên ở đó. Singo bỏ vào nhà.
- Kikuco làm gì ở ngoài đó vậy? - Bà Yasuco ngẩng đầu lên hỏi.
Bà đang mạng lại cái mùng cho đứa cháu nhỏ. - Hai vợ chồng ở bên nhau trong một ngày chủ nhật, thật là một sự lạ phải không? Có vẻ là chúng nó hiểu nhau hơn từ khi Kikuco trở về đấy... Này ông, trong cuộc đời kể cũng lắm sự lạ thật?
- Nhưng Kikuco không được hạnh phúc. - Singo làu bàu.
- Tôi thì tôi không nói như vậy đâu. - Yasuco đáp lại. - Lâu nay tôi không thấy nó vui vẻ như bây giờ. Ừ thì nó có sút đi mất một ít, nhưng nhìn nét mặt rạng rỡ của nó, tôi...
- Hừm.
- Mà Suychi dạo này đi làm về đúng giờ, còn chủ nhật thì ở nhà. Người ta vẫn có câu: "Mỗi cái rủi thường dọn đường cho một cái may" và chuyện nhà mình thì cũng như vậy thôi.
Singo lặng thinh không đáp.
Suychi và Kikuco từ ngoài vườn vào.
- Ba xem này, Satoco nó bẻ mấy cành quý của ba đây! - Suychi nói và chìa ra mấy cành anh đào non.
- Ái chà! Nhưng mà thôi, vì những cành như vậy đứa trẻ nào mà chả muốn ngắt.
Kikuco đứng nép ở đằng sau lưng chồng.
2

Khi từ Tokyo trở về, Kikuco mua tặng Singo một dao cạo râu điện. Bà Yasuco nhận được một tấm lụa để may đai kimono, còn Fusaco - mấy chiếc váy nhỏ cho hai đứa con của chị ta.
- Thế nó có tặng cho Suychi cái gì không? - Singo hỏi vợ.
- Một chiếc dù gấp và chiếc lược Mỹ có gương soi gắn ở bao. - Bà Yasuco đáp. - Tôi nghe nói là người ta không bao giờ tặng lược vì đó là điềm tan vỡ, song hình như Kikuco không biết chuyện đó.
- Đây là lược Mỹ cơ mà? Ở Mỹ người ta đâu có dị đoan như vậy.
- Kikuco cũng mua cho mình một chiếc lược y như vậy, chỉ khác màu thôi. Nhưng mà Fusaco thích quá nên Kikuco đã tặng cho nó. Chắc là con bé muốn vợ chồng nó có lược giống nhau và ai mà biết được cái lược đó có ý nghĩa thế nào đối với nó! Dở một cái là Fusaco không chịu buông ra nữa. Thật kém tế nhị đến thế là cùng!
Giọng nói của bà Yasuco đượm vẻ trách móc đối với con gái mình.
- Hai đứa bé được mấy cái váy rõ đẹp. - Bà nói tiếp. - Bản thân Fusaco không có quà, nhưng con nó được. Vậy nó còn muốn gì nữa?
Kikuco có vẻ áy náy vì không có quà riêng cho chị chồng, song tôi hỏi ông, trong nhà này ai có quyền đòi hỏi quà tặng sau tất cả những gì đã xảy ra?
- Bà nói đúng! - Singo ủng hộ.
Song có điều Yasuco không biết, đó là việc Kikuco đã xin tiền của cha mẹ cô để mua quà cho gia đình chồng, còn Suychi thì đã moi tiền của tình nhân để phá thai cho vợ. Nói ngắn gọn, cả hai đều không có tiền để tặng gì cho nhau. Kikuco hẳn đã nghĩ rằng Suychi phải tốn kém cho cuộc nạo thai của cô và cô đã xin tiền cha mẹ để mua quà cáp cho cuộc trở về.
Singo cay đắng thấy rằng lâu nay ông không cho con dâu tiền tiêu vặt. Trước đấy đã có thời ông cho cô tiền với tất cả sự hảo tâm, song từ khi quan hệ vợ chồng cô lục đục và cô ngả về phía ông thì ông thấy không tiện làm như vậy nữa. Có thể là khi ông không cố đi sâu vào cuộc để hiểu Kikuco hơn, thì ông lại thành ra giống như Fusaco, người đã tước mất cái lược của Kikuco một cách vô lối như vậy.
Suychi thì sống theo một lối sống mà kết quả là Kikuco không bao giờ có tiền cả. Tất nhiên là Kikuco không kêu ca với bố chồng. Như vậy, nếu Singo quan tâm nhiều hơn đến con dâu thì hẳn là cô đã không rơi vào trong cái tình cảnh nhục nhã là đi phá thai bằng tiền của tình nhân của chồng mình.
- Giá như nó đừng mua quà thì mình lại đỡ băn khoăn hơn. - Bà Yasuco trầm ngâm nói. - Liệu tất cả những thứ đó trị giá bao nhiêu nhỉ? Theo ông thì nhiều không?
- Tôi không biết! - Singo vừa đáp vừa nhẩm tính. - Không hiểu cái máy cạo râu giá bao nhiêu? Về món đó tôi chẳng biết tí gì cả.
- Thế thì ông để ý đến cái gì? Nếu coi tất cả số quà cáp là những giải thưởng xổ số, thì ông đã trúng giải lớn nhất rồi. Tôi dám chắc là Kikuco nó cũng hình dung ra cái hình ảnh như vậy lắm...
Hôm Kikuco mới trở về, Singo và Suychi đi làm về cùng với nhau. Buổi tối hôm đó cả nhà xúm quanh chiếc dao cạo râu máy.
Cũng có thể nói là nó đã tránh cho họ những lời phân trần khó khăn - một đằng là Kikuco, vì đã tự ý bỏ về nhà cha mẹ, đằng khác là Suychi, kẻ đã là nguyên nhân khiến cô phải nạo thai.
Tất cả đều nhìn đồ vật đó với một vẻ tò mò háo hức. Singo một tay cầm tờ chỉ dẫn, tay kia mở máy và cho nó rà trên mặt mình.
- Các bà xem này, ở đây viết là máy này có thể dùng cho phụ nữ để làm sạch lông tơ trên cổ và ở cả những chỗ khác nữa. - ông nói và nhìn Kikuco.
Đôi má trắng trẻo của cô lúc này hơi đỏ lên, còn mắt cô ánh lên vẻ vui sướng.
- Nó không làm trầy da, mà lại không cần nước xà bông để cạo. - Kikuco giải thích.
- Tuyệt thật! - Singo tán thưởng. - Trong khi đó dao cạo thường hay vấp vào những nếp nhăn sâu ở người già.
Tiếp theo ông xem xét phần lưỡi dao. Để nhìn cho rõ, ông đeo kính vào.
- Nhưng lưỡi dao không hề động đậy này? - Singo ngạc nhiên nhận xét. - Vậy thì làm thế nào mà nó cạo được nhỉ? Động cơ thì chạy mà lưỡi dao không hề động đậy?
- Ồ thật thế! - Bà Yasuco chia sẻ nỗi ngạc nhiên với ông. - Hay là nó hút râu giống như là máy hút bụi ấy nhỉ?
- Nếu vậy thì râu kia đứt ra được đựng vào đâu? - Singo vặc lại.
Kikuco cúi mặt xuống cười.
- Để đáp lại món quà rất hay này của con dâu, ông nên tặng lại nó một cái máy hút bụi, - Yasuco nói. - ông có biết là như vậy công việc của nó sẽ nhẹ nhàng hơn biết bao nhiêu không?
- Bà nói đúng. - Singo biểu đồng tình.
Trong nhà chả có lấy một thành quả nào của văn minh cả. - Yasuco nói tiếp. - Thậm chí đến cái tủ lạnh cũng không. Năm nào ông cũng hứa mua, nhưng kết quả thì ra sao nào? Còn cái lò nướng bánh nữa? Hiện đang có loại lò điện tự động, nướng chín bánh là tự ngắt mạch.
- Hừm? Ý của bà theo tôi hiểu là điện khí hóa toàn bộ nhà cửa có phải không?
- Ồ thì ông vẫn quý hóa Kikuco lắm, song hiện nó có được lợi gì từ cái tình cảm ấy của ông chứ?
Kèm theo chiếc máy cạo râu có hai bàn chải nhỏ, Singo nhặt một chiếc có hình dài tròn như cái rửa chai lên và tò mò ngoáy vào một cái lỗ ở phía sau bộ phận lưỡi dao của máy. Những sợi râu vụn từ trong đó bỗng rớt đầy xuống đầu gối ông. Nhìn kỹ vào đám râu, ông thấy chúng toàn là sợi bạc.
Bằng một động tác đột ngột, Singo phủi sạch đám râu khỏi quần mình.
3
Singo đã mua ngay chiếc máy hút bụi.
Sáng sáng, trước giờ điểm tâm, chiếc máy hút bụi của Kikuco và máy cạo râu của Singo thi nhau kêu vo vo và việc đó làm ông rất thú vị. Có thể là ông đã nghe thấy tiếng nói của cải mới ở trong nhà mình.
Singo cho rằng cái máy cạo râu là nguyên nhân gây ra giấc mơ đêm qua của ông về bộ râu quai nón. Trong giấc mơ ấy ông không phải là nhân vật chính mà chỉ là một khán giả, tuy rằng trong mơ các nhân vật chính và khán giả thường lẫn lộn với nhau. Sự việc diễn ra không phải ở đâu khác, mà lại chính ở nước Mỹ, nơi ông chưa hề đặt chân đến. Điều đó được ông giải thích rằng do tại những chiếc lược Mỹ của Kikuco.
Singo đã mơ thấy ở đó có những bang gồm toàn người Anh và những bang người Tây Ban Nha. Ở những bang đó người ta để râu theo những kiểu nhất định. Khi thức dậy rồi, Singo không còn nhớ được cụ thể các kiểu râu ấy ra sao, nhưng ông chắc chắn rằng chúng không giống nhau tùy theo đặc điểm của mỗi bang. Ở một bang nọ bộ râu quai nón mang trong mình tất cả các đặc điểm của mọi bang gồm đủ mọi chủng tộc. Không phải theo kiểu là các loại râu trộn lẫn vào trong đó mà đúng hơn là mỗi loại râu, dù là của người Pháp hay người Ấn Độ, đều mọc riêng rẽ ở một chỗ nhất định, làm cho bộ mặt của nhân vật kỳ lạ ấy tua tủa những đám râu nhiều kiểu, tượng trưng cho tất cả các vùng dân cư khác nhau.
Chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố xem bộ râu phi thường ấy là tài sản quốc gia và các điều khoản của sắc luật đó đã tước mất của người đàn ông kia cái quyền được tự tiện sửa râu. Chẳng hiểu sao Singo lại thấy bộ râu đó là của mình, và ông cũng cảm nhận được cả lòng kiêu hãnh cùng sự bối rối dễ hiểu của người đàn ông nọ.
Giấc mơ chẳng có chủ đề gì đặc biệt. Chỉ đơn giản là Singo thấy một người có râu, vậy thôi. Bộ râu khó hiểu kia đương nhiên là dài, rậm. Singo tự giải thích chuyện đó bằng việc sáng sáng ông vẫn cạo râu bằng chiếc dao cạo điện mới của mình.
Sau giấc mơ ấy Singo còn mơ một giấc mơ khó chịu khác. Trong giấc mơ thứ hai này, ông thấy mình sờ vào ngực một người đàn bà nào đó. Chỉ đơn thuần là tay ông chạm vào thôi và không hề có một chút mảy may thích thú. Người đàn bà ấy không có mặt, không có cả thân người mà chỉ có mỗi bộ ngực. Sau khi Singo cố gắng giải đáp cho mình câu hỏi người đàn bà ấy là ai, thì cô ta bỗng biến thành cô em gái của một người bạn của Suychi.
"Mọi cái đều ngớ ngẩn biết chừng nào!" Ông bỗng chợt nhớ đến câu nói của Ogai Mori 1trước khi ông ta chết. Trước đây, Singo đọc được câu này ở trong một tờ báo. Hẳn là giờ đây ông muốn tự thanh minh, bởi vì nếu không thì tại sao khi vừa tỉnh dậy ông lại nhớ ngay đến mấy lời của Ogai?
Trong đầu Singo bỗng lóe lên một ý nghĩ! Phải chăng cô gái trong mơ chính là hiện thân của Kikuco? Phải chăng những ức chế về mặt đạo đức đã tác động lên ông ngay cả trong giấc ngủ?
Có thể là nếu ông có tự do hoàn toàn trong những mơ mộng của mình, nếu ông được làm lại mọi cái từ đầu và sống như ý thích, thì hẳn là ông sẽ muốn được yêu Kikuco, một Kikuco trinh bạch thuở vẫn còn con gái.
Cái ý muốn nằm ngoài ý thức bị dồn nén mãi và méo mó đi ấy đã biến thành một dạng khó tiếp thu như vậy ở trong mơ. "Ngay cả trong giấc mơ ta cũng cố giấu giếm nó để đánh lừa bản thân mình", Singo thầm nghĩ.
Chỉ có điều là tại sao ông lại biến người đàn bà trong mơ thành em gái người bạn của Suychi mà trước đây anh ta suýt cầu hôn, tại sao ông lại làm cô ta thành ra hư ảo như vậy? Có thể vì ông đã quá sợ rằng hóa ra đấy lại là Kikuco chăng?
"Đó chỉ là một giấc mơ thôi và chẳng là cái gì hết! Cả bộ râu được coi là tài sản quốc gia kia cũng vậy. Vả lại ta không tin chuyện mộng mị", Singo tự nhủ và đưa tay lên vuốt mặt. Người ông đẫm mồ hôi tuy giấc mơ thật lạnh lẽo. Ngoài trời mưa xối xả và gió quất ào ào vào tường nhà. Hơi ẩm dường như thấm qua nền nhà vào bên trong.

Singo nhớ đến một bức tranh mực tàu của Catzan mà ông được xem cách đó mấy hôm ở nhà một người bạn. Cảnh trong tranh là một con quạ đậu trên ngọn một cây trơ trụi và bên cạnh có hàng chữ đề:
Con quạ đơn độc
Trong buổi bình minh
Cơn mưa đầu tiên của mùa hè
Khổ thơ đề đã giúp Singo hiểu được ý nghĩa của bức tranh cũng như tình cảm của họa sĩ. Đậu trên ngọn cây trơ trụi, nhoi mình trong mưa gió, con quạ đợi bình minh đến.
Về tác giả của bức tranh Singo chỉ biết được rằng ông ta đã sa sút đến cùng cực và đã tự vẫn, còn bức tranh thì thể hiện tâm trạng của ông ta trong một thời điểm nào đó.
- Một con chim thật gợi cảm và hết sức kiên nhẫn, song cũng hơi khó ưa một chút. - Singo đã bình phẩm như vậy với người bạn, chủ nhân của bức tranh.
- Anh nghĩ như vậy à? - Bạn ông đáp lại. - Tôi đã ngắm nó suốt thời kỳ chiến tranh. Quả là con chim khó ưa thật, nhưng trong phong thái của nó có cái gì đấy thật bình thản. Nếu như người ta cần tự vấn vì những nguyên nhân đã khiến Catzan tự vẫn, thì tôi với anh đã chấm dứt cuộc đời không biết mấy lần rồi... Phải, tất cả là ở chỗ thời buổi mà người ta đang sống.
- Và chúng ta cũng đã đợi bình minh đến, phải không?
"Hẳn là trong cái đêm mưa gió này, con quạ vẫn được treo trong phòng khách của ông ta", Singo thầm nghĩ. Ông băn khoăn tự hỏi liệu lũ quạ và chim Ó "của nhà ông" giờ này đang ẩn náu ở đâu?
4
Sau giấc mơ thứ hai, Singo không ngủ lại được nữa. Ông nằm thao thức đợi trời sáng. Nhưng không phải với sự kiên nhẫn bền bỉ của con quạ trong tranh của Catzan.
Dù người đàn bà trong mơ là ai thì trái tim ông cũng không hề rung động. Mà điều đó mới thật là đáng buồn biết bao nhiêu.
Đàn bà đã bước ra khỏi đời ông kể từ lúc có chiến tranh và không bao giờ quay lại nữa. Lúc ấy ông vẫn chưa già, nhưng đã quen với cách sống như vậy. Điều mà chiến tranh đã giết chết, không bao giờ hồi sinh lại nữa. Ngay cả cách suy nghĩ của Singo cũng giữ theo nếp nghĩ mà chiến tranh đã tạo ra, nghĩa là gò bó trong khuôn khổ của sự khôn ngoan thận trọng.
Singo không hiểu tại sao mình không thể yêu Kikuco trong mơ. Việc gì mà ông phải sợ hãi và xấu hổ bởi những giấc mơ của riêng mình? Mà việc ông yêu cô ngay cả những lúc không ngủ mơ cũng có phải là tội lỗi không đã chứ? Ông muốn nhìn sự việc từ khía cạnh đó.
Thế rồi ông nhớ đến một khổ thơ ba câu của Buxoon:
Ông già ấy
Muốn quên mối tình đi.
Mưa mùa thu lất phất.
Và ông lại càng buồn hơn nữa.
Kể từ khi con trai ông có nhân tình, quan hệ vợ chồng của anh ta trở nên chín muồi hơn. Còn khi Kikuco đi phá thai, thì nó lại trở nên nồng nàn và âu yếm. Trong cái đêm có bão lớn, Kikuco đã tỏ ra dịu dàng mơn trớn hơn bao giờ hết; còn trong đêm mà Suychi say khướt bò về thì cô lại cao thượng hơn bất cứ lúc nào.
Kikuco có đau khổ thực không, hay chỉ tại cô ngốc nghếch? Cô có tính đến tất cả những chuyện ấy không. Hay cô chẳng nhận thấy gì và để mặc cho sóng gió của cuộc đời đưa đẩy mà vẫn hiến dâng bản thân mình với tất cả sự ngây thơ, cho những phép lạ của tự nhiên?
Cô đã phản kháng thông qua việc từ chối sinh con và bỏ trốn về nhà cha mẹ, song cùng với điều đó cô đã để lộ ra mình cô đơn biết chừng nào. Vài ngày sau cô đã trở lại và lại càng gắn bó hơn với Suychi. Dường như cô cầu xin sự tha thứ cho một tội lỗi nào đó, dường như cô đang ra sức chữa lành một vết thương.
Singo chẳng thích thú gì những chuyện đó, nhưng ông nghĩ biết đâu nó lại chẳng là tốt? Thậm chí ông còn cho rằng chuyện ngoại tình của Suychi tự nó sẽ tắt đi mà chẳng cần đến sự can thiệp của ông.
Sáng ra, Singo trở dậy mệt mỏi bơ phờ. Ông đi làm sớm cùng với Suychi, vì ông không có đủ can đảm để nhìn Kikuco.
Khi đang ở trên tàu ông bỗng hỏi Suychi:
- Anh có giết người trong chiến tranh không?
- Biết thế nào được? - Suychi đáp. - Nếu đạn từ khẩu súng của con bắn ra mà trúng ai thì người đó hẳn phải chết. Nhưng có thể nói rằng không phải là con đã bắn khẩu súng đó.
Singo thấy ghê tởm và ông ngoảnh mặt đi.
Chiều hôm đó, sau cuộc chiêu đãi công vũ trọng thể, ông phải đưa các cô kỹ nữ đã phục vụ bữa tiệc về bằng xe của hãng. Ở băng ghế sau, ông cùng hai cô kỹ nữ được ngồi, còn ba cô khác trẻ hơn thì phải ngồi ghé lên đầu gối họ.
- Cứ yên tâm, cô không nặng lắm đâu. - Singo bảo cô gái trẻ cứ ngồi trên đùi ông và ông vòng tay ôm ngang sườn cô ta.
- Xin ngài lượng thứ cho. - Cô ta đáp lễ và ngồi lại cho thoải mái.
Cô gái trẻ hơn Kikuco đến bốn, năm tuổi, Singo định bụng sẽ ghi lại tên cô ta khi ông đến xe lửa, tuy có nhiều khả năng là lúc đó ông sẽ quên mất.
Chú thích
1 Ogai Mori (1862 - 1922): Văn hào Nhật.
CHƯƠNG XIII
Trong Mưa
1
Sáng nay Kikuco là người đầu tiên đọc báo trong nhà.
Thùng báo đọng đầy nước mưa nên cô phải hong khô báo trong khi nấu bữa ăn sáng.
Thường thì Singo vẫn dậy sớm lấy báo vào giường đọc, Kikuco chỉ đọc báo sau khi chồng và cha chồng đã đi làm.
- Ba ơi, ba? - Tiếng Kikuco gọi khẽ từ phía hành lang.
- Có chuyện gì vậy? - Singo hỏi.
- Ba ra đây một chút được không ạ?
Giọng điệu của Kikuco làm Singo lo ngại và ông nhảy dậy ngay.
Kikuco đợi ông ở cửa phòng với tờ báo trong tay.
- Có chuyện gì thế? - Singo hỏi lại.
- Ở đây có viết về Aikhara.
- Bị bắt à?
- Không ạ! - Kikuco đáp và đưa tờ báo cho Singo.
Singo chìa tay ra cầm một cách không hề thích thú và tờ báo tuột rơi xuống đất. Kikuco nhặt nó lên đưa lại cho ông.
- Ta chẳng nhìn thấy gì cả. Chuyện gì xảy ra với Aikhara thế?
- Ông ta tự sát cùng với một người đàn bà.
- Chết rồi ư?
- Chưa ạ. Còn có hy vọng cứu chữa được.
- Khoan đã! - Singo ngăn lại và cầm tờ báo đi dọc hành lang. - Fusaco đang ngủ phải không? Hiện nó đang ở trong nhà đấy chứ?
- Tất nhiên rồi ạ.
Quả là rất ít có khả năng để Fusaco, đêm qua còn ở nhà và nằm khá muộn, lại có thể tự sát ở đâu đó cùng với Aikhara.
Singo nhìn mưa rơi xối xả qua ô cửa sổ phòng tắm và cố trấn tĩnh. Sau đó ông quay lại phòng ăn, ngồi xuống ghế và giở mạnh tờ báo ra. Trong khi ông đọc mẩu tin ngắn ngủi ấy, kính của ông tuột xuống mũi hai lần.
Sự cố xảy ra tại một khách sạn thuộc khu tắm nước khoáng ở Izu. Người đàn bà đã chết ngay. Người ta đồn rằng chị ta trạc hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, làm nghề phục vụ khách sạn hoặc chạy bàn gì đó, danh tính chưa xác định được. Còn người đàn ông có những dấu hiệu là người nghiền ma túy. Việc đó, cũng như việc anh ta không để lại thư tuyệt mệnh, là một lý do để người ta ngờ rằng, hành động tự sát của anh ta chỉ là giả tạo, nhưng người đàn bà đã dại dột làm theo.
Singo những muốn quẳng cặp kính đáng ghét của mình đi và ông không hiểu là chúng hay câu chuyện về Aikhara đã làm ông nổi khùng lên như vậy. Ông đứng lên và vừa xoa xoa mặt một cách giận dữ, vừa đi vào phòng tắm để đánh răng rửa mặt.
Tờ báo cũng cho hay rằng Aikhara đã đăng ký tại khách sạn dưới một lai lịch giả. Tên của Fusaco không được nhắc đến. Nói vắn tắt, bài báo không động chạm gì đến gia đình Ogata.
Tất nhiên là địa chỉ ở thành phố Iocohama mà Aikhara đã khai là địa chỉ giả. Hẳn là anh ta không có chỗ ở cố định và trong trường hợp như vậy thì có thể Fusaco đã không cò là vợ của anh ta nữa rồi.
Cái ý nghĩ rằng con gái mình vẫn còn coi hạng người đó là chồng khiến Singo lo ngại. "Vậy là sự việc tự nó đã được định đoạt!" Ông lẩm bẩm. Trong khi ông còn chưa biết xử trí chuyện vợ chồng Fusaco thế nào thì thời gian đã giải quyết mọi việc.
Nhưng tại sao ông không làm được gì cho Aikhara khi còn chưa quá muộn? Ông cũng không hiểu Fusaco đã đẩy chồng mình đến bờ vực thẳm, hay chính Aikhara là kẻ đã gây ra tai họa cho đời Fusaco? Có một điều Singo biết chắc chắn là một khi có những kẻ mang những tính khí vốn có thể đưa người bạn đời của mình đến chỗ sụp đổ hoàn toàn, thì cũng có những kẻ để cho bản thân mình bị ném xuống vực thẳm.
- Kikuco? - Singo quay lại bảo con dâu trong khi ông ngồi nhấp từng ngụm trà nóng. - Chắc con có biết rằng mấy ngày trước đây Aikhara đã gửi giấy yêu cầu ly dị đến tòa chứ?
- Vâng, con biết. Lúc ấy ba đã tức giận quá và...
- Không tức giận làm sao được. Fusaco thì bảo rằng có những giới hạn mà con người ta có thể chịu đựng sự nhục mạ...Ta cho rằng Aikhara có ý định tự vẫn thật đấy. Nó muốn chết thực. Còn người đàn bà kia, theo ta, cũng chỉ bị nó lừa ở mức độ là chịu làm bầu bạn với nó cho đỡ cô đơn thôi.
Kikuco không đáp mà chỉ nhíu đôi mày đẹp.
- Con đi gọi Suychi ra đây! - Singo bảo.
Ông đưa mắt nhìn theo Kikuco và cảm thấy cô có vẻ cao lên, song ông cho rằng đó là do chiếc kimono.
- Tôi nghe thấy chuyện gì thế này? Aikhara tự sát rồi ư? - Suychi kêu lên khi vừa hiện ra trên ngưỡng cửa. - Fusaco đã gửi giấy yêu cầu ly dị đi chưa nhỉ?
- Chưa! - Singo đáp.
- Vẫn chưa à? - Suychi ngạc nhiên hỏi lại. - Tại sao thế? Nếu vậy thì phải gửi đi ngay trong ngày hôm nay bằng thư khẩn. Bởi vì nếu không thì sẽ hóa ra là chị ấy bị một cái thây ma đòi ly dị, mà chuyện đó thì cũng chẳng đẹp đẽ gì đâu.
- Thế còn lũ trẻ? Aikhara có đề cập gì đến việc đó đâu? Có thể nào hai đứa bé con lại có thể quyết định sẽ sống với ai sau khi cha mẹ chúng ly dị không hả?
Tờ yêu cầu ly dị do Fusaco viết từ mấy ngày qua đã nằm vạ vật trong cặp Singo và ông cứ xách nó đến sở rồi lại xách về. Ông đã định nhờ người đem hộ đến Hội đồng thị chính quận, nhưng rồi ông cứ lần lữa mãi.
- Lũ trẻ làm sao kia ạ? - Suychi thờ ơ đáp lại. - Đằng nào thì chúng nó cũng sẽ ở đây với nhà ta kia mà, đúng không? Liệu cảnh sát có tìm đến nhà mình bây giờ không hả ba?
- Vì cái lẽ ma quỷ gì kia chứ?
- Để hỏi xem phải giao xác cho ai và nói chung là để hỏi những chi tiết đại loại như vậy.
- Chắc không đâu... Ta nghĩ là chính vì thế mà Aikhara đã đưa ra lời tuyên bố ly dị trước đấy.
Cánh cửa phòng ăn mở tung ra và Fusaco còn mặc váy ngủ xộc vào. Chị ta liếc nhanh tờ báo rồi xé tan nó ra thành từng mảnh và ném xuống nền nhà. Sau đó chị ta quỳ phục xuống.
- Kikuco, đóng cái cửa kia lăn - Singo ra lệnh.
Qua cửa phòng Fusaco để mở, thấy rõ hai đứa trẻ đang ngủ yên lành.
Bằng đôi tay run rẩy, Fusaco lại xé thêm những mảnh báo cho vụn nữa ra.
Suychi và Kikuco im lặng.
- Con gái ạ, con có thể đi để giải quyết chuyện Aikhara được không? - Singo ân cần hỏi.

- Không, dù bất cứ là gì! - Fusaco chống tay ngẩng mặt lên nhìn cha đáp. Mắt chị ta toàn lòng trắng.
Yasuko giận dữ:
- Thật cũng lạ, không hiểu ông coi con gái mình là cái giống gì kia chứ, hả đồ hèn nhát kia? Ông không thấy tức giận vì nó phải chịu đựng những sự khốn nạn như vậy, vì nó phải rơi vào cái tình cảnh ghê tởm như vậy hay sao?...
- Bố đi đi, nếu bố muốn thì cứ mang cái thằng khốn nạn ấy về đây! Hãy nhổ toẹt vào lòng kiêu hãnh và đi đi! Ai đã gả tôi cho một thằng chồng như vậy chứ, hỡi âm ty địa ngục?!
Vừa rồi Singo buột mồm nói ra cái ý nghĩ của mình, nhưng ông đã nghĩ kỹ thêm và thấy giờ đây, trong cái giờ phút bi thảm này, nếu Fusaco chịu đi đến chỗ Aikhara thì họ lại có thể đoàn tụ và làm lại cuộc sống từ đầu. Bởi vì con người ta vốn có khả năng làm những chuyện như vậy.
3
Sau cái thông báo ngắn ngủi ấy, báo chí không viết gì thêm về vụ tự tử của Aikhara nữa, kể cả việc anh ta có được cứu sống hay không.
Song ở Hội đồng thị chính quận, người ta vẫn nhận tờ yêu cầu ly dị của Fusaco, chứng tỏ Aikhara chưa bị liệt vào danh sách những người chết.
Khi gửi tờ giấy ấy đi Singo cứ nghĩ ngợi mãi về người đàn bà đã cùng tự sát với Aikhara. Liệu cuộc sống của chị ta ra sao nhỉ, và cả cái chết của chị ta nữa? "Cầu xin vong hồn cô phù hộ chúng tôi." - Ông lẩm bẩm và thở dài. - Cuộc đời cô đã vô ích biết chừng nào. Nếu Fusaco và Aikhara có một gia đình hạnh phúc, hẳn là người đàn bà kia đã không kết thúc như vậy. Singo cảm thấy mình có lỗi, như là đã góp phần giết chết chị ta, tuy rằng không trực tiếp. Hình ảnh người đàn bà ấy không chịu hiện lên trong tiềm thức của Singo. Thay vào đó ông lại hình dung ra đứa con của Kikuco.
Ông không biết mặt nó, dĩ nhiên, vì có thể nào thấy được mặt đứa trẻ bị hủy diệt ngay từ trong phôi thai? Song trong đầu óc ông cứ quay cuồng chẳng còn thiếu hình ảnh trẻ thơ xinh xắn nào nữa. Đứa trẻ đã không có may mắn được ra đời. Phải chăng Singo cũng là người giết nó gián tiếp?...
Những ngày này kéo dài, ẩm ướt và khó chịu, khiến Singo có cảm giác rằng đôi mắt kính của ông chảy nước ra. Có cái gì đó đè nặng trong ngực ông.
- Mấy nhà năm ngoái trồng hướng dương năm nay lại trồng loại hoa khác rồi. - Singo nói một sớm lúc ông đang chuẩn bị đi làm. - Tôi không nhớ tên loại hoa đó là gì... trông nó giống như cúc đại đóa châu Âu vậy. Hình như mấy nhà hàng xóm họ hẹn nhau trồng hoa thì phải! Năm ngoái thì đồng loạt hướng dương, năm nay thì cái loại hoa trắng ấy.
Kikuco đứng nghe Singo nói, tay cô cầm chiếc áo vét cho ông.
- Có thể là vì trận bão năm ngoái làm gãy hết hướng dương của họ đấy ạ! - Cô giải thích.
- Chắc vậy. Mà Kikuco này, hình như dạo này con cao lên thì phải?
- Vâng ạ. Từ hồi con về đây, chiều cao của con vẫn tiếp tục tăng lên chút ít, song gần đây nó bỗng tăng vọt lên. Anh Suychi con rất lấy làm ngạc nhiên đấy ạ.
- Khi...- Singo định nói gì đó nhưng bỗng ngưng bặt.
Kikuco đỏ mặt lên và đi vòng ra sau lưng ông để giúp ông mặc áo vét - Ta vẫn tưởng đó là tại chiếc kimono kia? - Singo nói tiếp. - Con đi lấy chồng rồi mà vẫn còn tiếp tục lớn, điều đó thật là kỳ diệu?
- Có nghĩa là hồi đó con còn nhỏ quá. Chậm phát triển. - Kikuco đáp lại.
- Đâu phải thế... Điều này quả thực là kỳ diệu đấy.
Singo cảm thấy một cái gì đó thật tươi mát và tốt đẹp ở trong sự phát triển khó giải thích của con dâu mình. Không có lẽ cô đã cao lên đáng kể đến mức Suychi nhận ra được trong những lúc ôm cô trong tay?
Singo ra khỏi nhà với cái ý nghĩ rằng đứa trẻ bị bỏ đi đã tiếp tục tự lớn lên trong cơ thể của Kikuco.
Con bé Satoco đang ngồi chồm hổm bên đường xem lũ trẻ hàng xóm chơi. Chúng dùng vỏ sò để làm đĩa đựng các món ăn chế bằng cánh hoa cúc trắng thái nhỏ.
"A, phải, đó là giống cúc Margrit", Singo sực nhớ ra tên của loài hoa trắng được trồng ở sân các nhà lân cận.
Satoco còn quá nhỏ nên không được lũ trẻ cho tham dự trò chơi.
Thấy Singo đi qua, con bé gọi ông và chạy theo. Singo nắm tay nó và hai ông cháu đi với nhau đến góc phố. Sau đó Satoco vì té phải chạy trở lại. Nhìn theo cái bóng nho nhỏ của nó in trên hè phố, Singo chợt nhận thấy rằng mùa hè đã đến.
Tới nơi làm việc, ông thấy cô thư ký đang lau cửa sổ.
- Cô đã đọc báo sáng nay chưa? - ông vui vẻ hỏi.
- Đã ạ! Cô ta trả lời.
- Trong tờ báo... gì mà tôi quên mất tên rồi, có viết là các nhà xã hội học đã phỏng vấn gần một ngàn nữ thư ký. Câu hỏi đặt ra là: "Điều gì làm chị hài lòng nhất trong khi làm việc?" Tất cả đã trả lời như một rằng họ thích được khen trước mặt mọi người. Tôi không hiểu là phụ nữ ở phương Đông có khác ở phương Tây không nữa? Cô sẽ bảo sao nào?
- Được khen như vậy có lẽ hơi bất tiện một chút đấy ạ.
- Ngượng ngùng và thích thú vốn là hai chị em sinh đôi mà. Giống như khi có một người đàn ông đi qua bên cạnh cô ấy.
Cô thư ký cúi mặt xuống không đáp. Cái nhà cô Natsuco này thật lạ. Singo thầm nghĩ và ông nói:
- Tanizaki trước đây là người như vậy thì phải... Lẽ ra tôi phải khen cô ấy nhiều hơn trước mặt mọi người.
- Chị ấy mới đến đây đấy ạ. Hình như lúc tám rưỡi thì phải...
- Vậy ư? Và rồi thế nào?
- Chị ấy bảo là sẽ quay lại.
Singo linh cảm thấy những việc chẳng lành đang vây bọc lấy ông. Giờ nghỉ trưa ông không ra khỏi phòng, để đợi Ayco.
Cô ta xuất hiện trên ngưỡng cửa và đứng chôn chân tại đó. Cô thở nặng nhọc như thể sắp òa khóc bất cứ lúc nào.
- Vậy là hôm nay không có hoa hả? - Singo nói đùa để che giấu nỗi lo lắng của mình.
Song Tanizaki bước lại với vẻ mặt trang nghiêm như muốn phê phán ông vì sự thiếu nghiêm chỉnh. Lần này cô đem lại cho ông một tin choáng váng là tình nhân của Suychi đã có thai.
- Tôi đã bảo thẳng vào mặt chị ta là chị ta không có quyền để đẻ đứa con ấy! - Ayco nói với cặp môi run run. - Tôi mới nói điều đó hôm qua.
- Vâng, tôi hiểu.
- Chẳng lẽ điều tôi nói không đúng hay sao? Nếu thế thì thật quá ư tàn nhẫn.
Singo không biết trả lời thế nào. Mặt ông cứ ngây ra.
Ayco hẳn đã nghĩ đến Kikuco nên cô hành động như vậy.
Kikuco, vợ của Suychi và Kinu, tình nhân của anh ta, đã nối tiếp nhau có thai. Không phải là Singo thấy lạ gì chuyện đó, nhưng có thể nào ông lại ngờ được rằng đó là do chính con đẻ của ông làm?
Mà nhất lại là Kikuco vừa mới phá thai.
3
Singo gọi điện thoại ngay cho Suychi, vì ông không muốn gặp mặt anh ta trong lúc này, nhất là khi trong phòng còn có những người khác nữa. Nhưng Suychi đã đi ra ngoài.
Singo mời Ayco đi ăn trưa ở một tiệm ăn gần đó.
- Ngài còn nhớ lần ngài mời tôi đi nhảy khi tôi còn làm việc với ngài chứ ạ? - Ayco hỏi ông.
- Nhớ chứ, tất nhiên. Lúc ấy cô thắt một chiếc nơ trắng. - Singo đáp.
- Không phải rồi. Chiếc nơ trắng là trong một dịp khác kia... lần có bão ấy. Tôi nhớ chuyện đó rất rõ mà, vì chính hôm đó ngài đã hỏi tôi về Kinu.
- Vậy ư? Hình như đó là vào tháng chín phải không? Quả là tôi đã làm khổ cô nhiều về chuyện Suychi.
- Tôi đâu có giúp gì được ngài nhiều.
- Bởi vì chính bản thân chúng tôi không chịu tự giúp mình. Nói ngắn gọn, gia đình tôi đáng bị khinh rẻ.

- Tôi kính trọng ngài. Thậm chí giờ đây còn kính trọng hơn là khi tôi không còn làm việc với ngài nữa. - Ayco nói bằng một giọng căng thẳng. Cô lưỡng lự một thoáng rồi nói tiếp. - Khi tôi bảo Kinu rằng chị ta không có quyền đẻ đứa con ấy, chị ta đập lại rằng tôi còn chưa đủ lớn để hiểu những chuyện như vậy, vì thế đừng nên xía vào việc của chị ta.
- Chà, chà! Đâu có ai yêu cầu tôi, chị ta nói, đi khuyên bảo những lời ngu ngốc ấy. Nếu cần phải chia tay với Suychi, chị ta sẵn sàng, khi không cách nào khác. Nhưng đứa con trong bụng là của chị ta và không ai có quyền can thiệp vào đó... Có thể Kinu định sinh con thật. Mãi lúc đó tôi mới nhớ ra là chị ta không có con với người chồng trước đây. Chồng chị ta đã chết ngoài mặt trận.
- Hừm...
- Có thể vì tôi làm chị ta bực nên chị ta mới nói như vậy. Nhưng chẳng ai biết được câu chuyện đứa con ấy rồi sẽ ra sao.
- Chuyện xảy ra bao lâu rồi nhỉ?
- Tháng thứ tư rồi ạ. Tôi chẳng nhận thấy gì cả, song ở hiệu may người ta biết liền. Nghe nói là ông chủ đã khuyên Kinu đi phá thai đi. Chị ấy là thợ giỏi nhất nên ông ta sẽ thua thiệt nếu chị ấy nghỉ.
Nói đoạn Ayco đưa tay ôm mặt, một lúc sau cô nói tiếp:
- Tôi chẳng còn biết làm thế nào nữa, thưa ngài. Song tôi nghĩ là nếu nói cho ngài biết, ngài sẽ nói chuyện với Suychi và...
- Tất nhiên rồi.
- Ngài cũng nên gặp Kinu, càng sớm càng tết.
Điều đó Singo cũng đã nghĩ đến và Ayco đã nói ra hộ ông.
- Người đàn bà ở chung với chị ta vẫn còn ở đó đấy chứ? - ông hỏi.
- Chị Ikeda ấy ạ?
- Phải. Trong hai người đó ai lớn tuổi hơn?
- Ikeda ạ. Tôi nghĩ là chị ta hơn Kinu hai, ba tuổi.
Sau bữa ăn, Ayco tiễn chân Singo về hãng. Cô mỉm cười, nhưng giống như là cười ra nước mắt vậy.
- Tôi rất cám ơn ngài! - Cô nói.
- Tôi phải cám ơn cô chứ? Bây giờ cô về hiệu may ư?
- Vâng. Dạo này Kinu về sớm, còn tôi làm đến sáu rưỡi tối. Có điều tôi chẳng muốn vác mặt đến chỗ làm việc của chị ta tí nào...
Dường như Ayco muốn thúc Singo đến gặp Kinu ngay hôm đó, song Singo đang ở trong một tâm trạng hết sức tồi tệ. Hẳn là tối đến ông sẽ không đủ sức nhìn vào mắt Kikuco.
Cô đã phải bỏ đi đứa con, vì bất bình về chuyện Suychi có nhân tình và cũng vì bản thân cô quá chấp nhặt. Chắc chắn cô không ngờ tới việc giờ đây kẻ tình địch của mình lại có thai.
Kể từ ngày trở về Kamakura, Kikuco có vẻ gắn bó với Suychi hơn trước. Mà anh chồng cũng đi về đúng giờ và đặc biệt quan tâm đến vợ. Liệu tất cả những cái đó có thể nói lên được điều gì?
Phải chăng nó không nói lên rằng vì quá mệt mỏi với ý định một mực đòi sinh con của tình nhân mà Suychi đã lạnh nhạt với ả ta và đi tìm sự chuộc tội ở Kikuco?
Tuy vậy Singo cũng không thể lẩn tránh được cái mùi vị ghê tởm của sự dị giống và mục nát. Nó đã đeo đẳng ông suốt bằng ấy thời gian.
Dù là mầm mống của nó khởi thủy từ đâu, ông cũng vẫn thấy đó là hiện thân của một sức mạnh hắc ám.
"Nếu cô ả kia đẻ, ta sẽ có một đứa cháu". - Singo lẩm bẩm.
CHƯƠNG XIV
Đàn Muỗi
1
Singo lên đường đến khu Honggo theo lối đại lộ lớn ở một bên trường Đại học Tổng hợp.
Ông xuống khỏi taxi ở phía bên kia con đường dẫn tới nhà Kinu, nhưng ông chưa đến đó ngay mà đi bộ một lúc dọc theo bờ tường của trường đại học.
Ông thả bước và con người ông bị giằng co bởi những ý tưởng mâu thuẫn xung quanh chuyện đến nhà người tình của con mình.
Liệu ông có thể yêu cầu một người đàn bà chửa mà lần đầu tiên trong đời ông gặp để chị ta đừng đẻ đứa con của mình hay không?
"Lại một việc giết người!", Singo lẩm bẩm. Lão già này lại một phen phải nhuộm chàm đôi tay chăng? Lối thoát ra khỏi sự rắc rối luôn luôn là tàn bạo.
Đúng ra con trai ông phải giải quyết việc này. Người cha không có gì phải dính vào đây cả. Song dù sao Singo cũng vẫn đến gặp Kinu mà không nói gì với Suychi, và với việc đó, ông muốn tỏ cho thấy là ông đã hoàn toàn mất lòng tin vào đứa con đẻ của mình.
"Từ bao giờ, - ông tự vấn, - trong nhà ta đã xuất hiện cái vực thẳm như vậy? Có thể ta đến gặp Kinu không phải để giải quyết vấn đề hộ Suychi, mà là vì tình thương đối với Kikuco và vì lòng căm phẫn đối với tất cả những gì mà nó đã phải chịu đựng?"
Mặt trời buổi chiều rọi sáng những ngọn cây trong vườn trường tổng hợp, nhưng đường phố thì chìm trong bóng râm. Trên bãi cỏ phía sau hàng rào, những sinh viên mặc sơmi trắng ngồi trò chuyện với các bạn gái. Cảnh đó đối với Singo giống như phút trời hửng lên trong tiết mưa vậy.
Ông đưa tay áp vào má. Cảm giác choáng váng đã biến mất.
Còn nhiều thời gian cho đến lúc Kinu đi làm về nên Singo ghé vào chỗ người bạn ở một hãng gần đó rủ ông ta đi ăn chiều. Đã lâu hai người không gặp nhau và Singo quên rằng bạn ông uống rất dữ. Trước khi ăn họ uống một chầu, lúc ăn xong lại làm một chầu nữa.
Người bạn ngạc nhiên khi Singo cáo từ. Ông ta tưởng họ sẽ được ngồi với nhau cả tối nên đã gọi điện hẹn sẵn một chỗ giải trí ở Shukitji. Singo phải hứa xong việc sẽ quay lại với bạn và ông rời khỏi nhà hàng, tuy không hề có ý định sẽ đến Shukitji sau cuộc gặp gỡ với Kinu.
Singo quay lại dọc theo bờ tường của trường đại học và vừa đi vừa tìm chỗ mà lúc nãy ông đã đến. Trí nhớ của ông rất kém, nhưng may mắn là nó đã không đánh lừa ông.
Từ trong nhà, một người đàn bà mặc áo choàng làm việc chạy ra.
- Ôi! - Chị ta kêu lên khi thấy Singo và nét mặt chị ta trở nên cứng như đá.
- Chị Ikeda phải không ạ? - Singo lên tiếng. - Đã có lần tôi được hân hạnh tiếp chị tại hãng.
- Vâng, đúng là tôi chẳng ra làm sao cả, chỉ tại Ayco cứ ép quá nên...
Chị ta cởi vội cái áo choàng ra cầm ở tay và nhìn Singo vẻ dò hỏi.
- Tôi muốn được gặp cô ta. - Singo nói lí nhí như để xin lỗi.
- Vậy ư? Kinu vẫn chưa về, nhưng chắc cũng sắp về rồi đấy. Xin mời ngài vào!
Từ phía bếp đưa lại mùi cá rán. Singo đã định bỏ đi cho Ikeda ăn tối, nhưng chị ta nài nên ông vào nhà.
Trong phòng khách có hàng chồng tạp chí mẫu thời trang. Bên cạnh đó là những con búp bê Pháp. Những chiếc váy đẹp của chúng tương phản đến khó chịu với bốn bức tường cũ bẩn. Bên cạnh chiếc máy may là một bàn học sinh nhỏ đầy sách, trên đó có ảnh của một chú bé.
Ikeda bưng lại cho Singo một ly nước cam.
- Đó là con trai tôi. - Chị ta nói khi thấy ông nhìn bức ảnh.
- Thế ư, hẳn là cháu đi học chưa về?
- Không, cháu không ở với tôi. Tôi để cháu ở chỗ ông bà nội. Còn đám sách này... tôi dùng để dạy học thêm, vì tôi không có chỗ làm ổn định như Kinu.
- A, tôi hiểu rồi. Chỗ sách kia quả là quá nhiều cho một chú bé.
- Vâng, tôi dạy học trò ở nhiều lớp khác nhau. Hệ thống giáo dục ngày nay không còn như hồi trước chiến tranh nữa và có phần xa lạ đối với tôi, song khi kèm thêm trẻ tôi như thấy đang được ở bên con mình...
Singo im lặng gật đầu. Ông có thể nói gì được với một người quả phụ của chiến tranh? Kinu cũng là một người quả phụ như thế.
- Sao ngài biết được chỗ chúng tôi ở? - Ikeda hỏi. - Suychi bảo cho ngài à?
- Không. Tôi đã đến đây một lần rồi, nhưng không vào nhà đấy thôi. Đó là vào mùa thu năm ngoái.
- Mùa thu năm ngoái? - Ikeda ngạc nhiên hỏi lại, nhưng rồi chị ta cúi đầu và do dự nói: - Gần đây, Suychi không đến nữa.
Singo quyết định cho chị ta biết vì sao ông đến.
- Tôi biết Kinu sắp có con.
Ikeda nhún vai và quay đi.
- Có đúng là cô ta định giữ cái thai ấy không? - Singo hỏi.
- Ngài hãy hỏi thẳng cô ấy? - Ikeda đáp, mắt nhìn vào bức ảnh.
- Phải, chị nói đúng, nhưng theo tôi, cả người mẹ lẫn đứa con rồi sẽ bất hạnh đấy.
- Dù có con hay không thì Kinu cũng đã bất hạnh rồi.
- Nhưng có phải chị cũng thiên về ý kiến là cô ta cần chia tay với Suychi không?
- Vâng, tôi quả có nghĩ vậy... Song Kinu có một bản tính mạnh hơn tôi và mọi lời khuyên đều là thừa đối với cô ấy. Hai chúng tôi hoàn toàn khác nhau nhưng vẫn hiểu được nhau. Trước đây chúng tôi quen nhau ở Câu lạc bộ quả phụ do chiến tranh, rồi từ đó chúng tôi sống chung nhà, Kinu là chỗ dựa của tôi. Cả hai chúng tôi đều rời bỏ gia đình chồng, mà cũng không trở về nhà cha mẹ. Nói ngắn gọn là những con chim tự do. Chúng tôi muốn được giải phóng hoàn toàn kể cả khỏi ý thức của mình, nên đã giấu ảnh chồng đi. Cả hai đứa tôi đều muốn lấy chồng lại nếu có cơ hội. Chính vì vậy mà tôi không hiểu tại sao Kinu lại đeo Suychi đến thế.
Có tiếng cửa ngoài mở. Ikeda vọt đi, sau đó Singo nghe thấy chị ta nói:
- Ngài Ogata, cha của Suychi đang ở đây.
- Tôi có cần phải gặp ông ta không? - Một giọng nói khàn khàn đáp lại.
2
Kinu vào trong bếp trước. Hẳn là để uống nước vì có tiếng nước chảy từ đó vọng lại. Sau đấy chị ta vào phòng khách và quay đầu bảo Ikeda:
- Tôi muốn chị cũng có mặt. Xin chị đấy!
Kinu mặc chiếc váy dài màu rực rỡ và vì khổ người cao lớn nên nhìn bên ngoài không nhận thấy chị ta có chửa. Thật khó mà tin được rằng cái giọng nói khàn khàn của chị ta lại phát ra từ cái miệng nhỏ hơi chúm kia. Ấn tượng đầu tiên của Singo về người đàn bà này cũng không đến nỗi xấu lắm. Nhưng dù sao cái khuôn mặt tròn hơi bẹt kia cũng không nói lên cái sức mạnh bên trong mà Ikeda đã nhắc đến.
- Tôi là Ogata. - Singo tự giới thiệu.
Kinu không đáp.
Ikeda ngồi xuống bên chiếc bàn học và đưa đẩy:
- Chúng tôi chờ cậu mãi đấy!
Kinu vẫn không trả lời.
Sự ngạc nhiên và vẻ thù địch không thích hợp mấy với khuôn mặt niềm nở của chị ta, và có lẽ vì thế mà chị ta có vẻ sẵn sàng bật khóc. Singo bỗng nhớ đến chuyện bê tha khi say rượu của con trai mình ở đây. Suychi đã từng bắt Ikeda hát và làm Kinu phải khóc vì sự rắn lòng càn rỡ của anh ta.
- Có thể chị thấy lạ vì tôi đến thế này. - Singo vừa nói vừa nghĩ cách đi vào việc chính. - Nhưng nếu tôi không đến gặp chị thì...Chắc chị cũng hiểu vì sao tôi đến chứ?
Kinu tiếp tục im lặng.
- Về chuyện Suychi đấy! - Singo tuyên bố.
- Trong trường hợp này thì tôi không có gì để nói với ngài cả. - Hay là ngài muốn tôi xin lỗi? - Kinu bỗng trào ra.
- Đâu có chuyện đó. Tôi mới là người cần phải xin lỗi.
- Tôi và Suychi đã cắt đứt với nhau rồi và sẽ không làm ngài phiền lòng nữa đâu. - Chị ta chặn ngang ý ông và quay lại hỏi bạn:
- Thế nào, chị đã vừa lòng chưa?
Singo không còn biết trả lời ra sao, mãi rồi ông mới tìm được lời:
- Tuy vậy vẫn còn vấn đề đứa bé.
Kinu tái mặt:
- Tôi không hiểu ngài nói về việc gì. - Chị ta đáp lại với tất cả vẻ cứng rắn mà chị ta có. Giọng nói chị ta trở nên khàn hơn.
- Xin lỗi, tôi hỏi khí đường đột, có đúng là chị sắp có con không?
- Tôi có buộc phải trả lời một câu hỏi như vậy không nhỉ? Nếu một người đàn bà định đẻ con thì những người hoàn toàn xa lạ có quyền can thiệp vào đấy hay không? - Kinu nói nhanh và nuốt vội những giọt nước mắt bị kìm lại.
- Người hoàn toàn xa lạ ấy ư? Nhưng tôi là cha của Suychi kia mà! Con của chị, theo tôi nghĩ, cũng có bố chứ phải không?
- Nó sẽ không có bố. Một người đàn bà góa chồng do chiến tranh vừa quyết định sinh con. Đó. Tôi không có gì phải xin ngài, ngoài việc để cho tôi sinh nở yên ổn. Ngài hãy quên đứa bé đi! Và hãy tỏ ra cao thượng nếu ngài thấy được. Đứa bé ở trong bụng tôi là con của tôi.
- Đã hẳn là như vậy rồi, nhưng nếu chị lấy chồng, chị sẽ lại có con và... Tôi không hiểu chị cần đứa trẻ không bình thường này để làm gì?
- "Không bình thường" là nghĩa thế nào?
- Tôi diễn đạt chưa đúng, nhưng...
- Chẳng có gì đảm bảo là tôi sẽ lấy chồng và có con. Hay là ngài coi mình là thần thánh và định nói lời tiên tri ở đây? Tôi đã chẳng được có con với chồng mình...
- Cái chính theo tôi là vấn đề liên hệ giữa đám trẻ với cha nó. Chị đang tự khép bản thân mình và con của mình vào vòng khốn khổ.
- Có vô khối trẻ con không cha sau chiến tranh và vô vàn người mẹ đau khổ. Ngài hãy thử nghĩ như là con ngài đã để lại một đứa con ở một xứ đảo miền Nam nào đó! Có nhiều phụ nữ nuôi những đứa con bị cha chúng lãng quên.
- Nhưng ta đang nói về đứa con của Suychi!
- Tôi thấy không có gì khác, một khi tôi không có ý gây ra bất cứ điểm gì phiền phức cho ngài. Xin thề rằng tôi sẽ không bao giờ đến kêu xin gì ở ngài cả. Ngoài ra tôi và Suychi đã thôi nhau rồi.
- Nhưng đứa trẻ còn sống lâu dài và quan hệ giữa nó với cha của nó vẫn còn tiếp tục.
- Đứa bé này không phải của Suychi.
- Chắc chị biết là vợ của Suychi vừa phải phá thai?
- Cô ta có thể đẻ bao nhiêu con tùy ý và nếu không có thì cũng mặc cô ta. Một cô vợ được chiều chuộng không thể hiểu nổi tình cảm của tôi.
- Và chị cũng không thể hiểu nổi tình cảm của Kikuco. - Singo buột miệng ra cái tên của con dâu.
- Suychi bảo ngài đến đây à? - Kinu hỏi như một vị quan tòa. - Anh ta tuyên bố bắt tôi phải bỏ cái thai đi và đánh đập tôi. Thậm chí anh ta còn lôi tôi xuống cầu thang để đưa đến bác sĩ. Màn kịch thật đáng ghê sợ, bởi vậy coi như chúng tôi đã trả nợ xong cho vợ anh ta rồi.
Singo nhếch mép cười cay đắng.
- Có đúng là đáng sợ không? - Kinu quay lại hỏi Ikeda.
Ikeda gật đầu và nói:
- Kinu đã nhặt nhạnh vải vụn để may tã lót rồi đấy.
- Anh ta đã đá tôi khiến tôi rất sợ cho cái thai và đã phải đi khám bệnh ngay sau đó. - Kinu nói tiếp. - Tôi đã bảo Suychi rằng đó không phải là con của anh ta. Anh cần phải biết, tôi tuyên bố lúc đó là đứa bé này không phải con anh và chấm hết. Chúng tôi đã chia tay nhau như vậy. Từ đó đến nay anh ta không tới nữa.
- Vậy là con người khác ư?...
- Ngài cứ việc nghĩ như vậy, nếu ngài thích.
Kinu ngẩng đầu lên. Những giọt nước mắt to lăn xuống gò má chị ta.
Singo cảm thấy như bị vắt kiệt lực, tuy vậy ông còn nhận thấy Kinu có vẻ cũng đẹp, song bất chấp cái vỏ ngoài mềm mại ấy, người đàn bà này không thể hấp dẫn được ông.
3
Ông rời khỏi nhà chị ta, đầu cúi gằm.
Kinu đã nhận tấm séc mà ông cho.
- Nếu cậu chắc chắn thôi hẳn với Suychi thì cậu không nên từ chối. - Ikeda đã khuyên chị ta một cách chân thành.
- À há, trợ cấp thôi việc của tôi đây? Tôi đã đến nước ngài phải cho tiền để cuốn xéo rồi đấy... Ngài có cần biên lai không ạ?
Ngồi trong xe taxi Singo cứ nghĩ mãi xem có nên bảo Suychi đến giảng hòa với Kinu và khuyên chị ta từ bỏ ý định sinh con đi không, hay là chấp nhận việc gián đoạn đến đây là dứt điểm?
Kinu đã căm ghét Suychi và tức giận vì cuộc đến thăm của Singo. Song nguyện vọng đẻ con với bất cứ giá nào ở chị ta thì không có gì lay chuyển nổi.
Sẽ nguy hiểm nếu ông đẩy con trai mình lại gần chị ta. Nhưng nếu không thế thì đứa trẻ kia sẽ ra đời.
Chính Kinu đã quả quyết rằng chị ta có chửa với người khác.
Nếu đúng như vậy thì tốt quá, nhưng thật khó tin nổi vào lời chị ta. Đứa trẻ ra đời sẽ là một sự kiện không thể chối cãi và Singo sẽ có một đứa cháu mà có thể ông sẽ chẳng bao giờ biết mặt.
- Chúng ta đã ra nông nỗi nào rồi! - Ông rên lên.
Chuyện ly dị của con gái ông coi như đã xong xuôi sau khi xảy ra vụ tự tử của Aikhara, tuy vậy ông vẫn chưa thu xếp xong cho cô ta cùng hai đứa cháu nhỏ.
Cả hai trường hợp đều chưa phải là đã có lối thoát hoàn toàn, mà mới chỉ là một sự yên ổn tạm thời.
Singo đã không đem lại được cho ai hạnh phúc.

Dù thế nào thì ông cũng vô cùng khó chịu khi nhớ lại câu chuyện lố bịch với Kinu.
Ông đã định ra ga để về Kamakura nhưng chợt nhận thấy tấm danh thiếp mà người bạn đã để lại nên ông bảo taxi đưa đến Shukitji.
Singo định bụng nhờ bạn góp ý kiến về chuyện nhà ông, nhưng thấy ông ta say mềm với hai cô kỹ nữ nên ông đành chịu. Ông chợt nhớ đến người kỹ nữ trẻ tuổi mà một lần sau cuộc chiêu đãi của hãng ông đã đưa tiễn về nhà. Người ta gọi cô kỹ nữ ấy đến cho ông và bạn ông bắt đầu tán rằng, ông đâu có phải loại tầm thường, ông tinh đời và còn nhiều thứ khác đại loại như vậy.
Đối với Singo, việc nhớ được tên cô gái là cả một chiến công, thậm chí ông đã quên cả mặt cô ta. Cô kỹ nữ ấy quả là rất duyên dáng và tinh tế.
Hai người ngồi riêng trong một căn phòng nhỏ, nhưng Singo không hề động đến cô ta dù chỉ bằng một ngón tay.
Bất chợt cô gái ngả đầu lên ngực ông. Cô nũng nịu, ông thầm nghĩ, nhưng sự thực là cô ngủ gật.
Singo mỉm cười. Có cái gì đó ấm áp và thanh thản trong việc đỡ trong tay một cô gái trẻ đang chìm vào trong giấc ngủ ngon lành.
Người kỹ nữ ấy trẻ hơn con dâu ông đến bốn, năm tuổi. Có lẽ cô ta chưa đến hai mươi.
Trong tình cảm của ông cũng thoáng một nỗi tiếc rẻ cho cái khía cạnh sa đọa ở cô ta. Nhưng dù thế này hay thế khác, tâm hồn ông cũng rung động bởi một niềm hạnh phúc ngọt ngào được ở bên một người đàn bà trẻ đẹp.
Niềm hạnh phúc ấy thật ngắn ngủi và mỏng manh, Singo thầm bảo.
Thế rồi ông chợt nghĩ rằng trong dục tình cũng có những kẻ giàu và những người nghèo, vận may và vận rủi. Sau đấy ông nhẹ nhàng rút lui và kịp lên chuyến xe lửa cuối cùng về Kamakura.
Kikuco và bà Yasuco còn thức đợi ông trong phòng ăn. Lúc đó đã quá một giờ sáng.
- Suychi đâu? - Singo hỏi, cố lảng tránh cái nhìn của con dâu.
- Nhà con đi nằm rồi ạ.
- Thế còn Fusaco?
- Chị ấy cũng đi ngủ rồi ạ. - Kikuco đáp và chải lại bộ âu phục của ông để đem đi cất.
Singo phát hiện có sự thay đổi trong kiểu tóc của Kikuco. Ông thấy nó có vẻ ngắn hơn. Chắc hẳn trong ngày cô đi làm lại tóc.
Bà Yasuco ngáy bên tai Singo khi ông lên giường làm ông ngủ không yên giấc. Vì thế chỉ một lát sau ông bắt đầu mộng mị.
Ông mơ thấy mình là một sĩ quan bộ binh. Bên sườn ông đeo một thanh kiếm Nhật và ba khẩu súng ngắn. Thanh gươm là của gia bảo mà Suychi đã từng đeo ra trận.
Singo đang đi theo một con đường mòn trên núi. Một người tiều phu nào đó dẫn đường cho ông.
- Ban đêm đường rất nguy hiểm. - Người tiều phu nói. - Ngài hãy đi sang bên phải, như thế an toàn hơn.
Singo tạt sang bên phải, nhưng ông vẫn cảm thấy bất an và ông bật đèn pin. Trong bóng đêm hiện lên một khối lù lù: đó là mấy cây tuyết tùng lớn mọc sát cạnh nhau. Singo nhìn thật kỹ và ngạc nhiên nhận thấy cái khối đó hóa ra không phải là những cây tuyết tùng mà là một đàn muỗi đông hằng hà sa số, đến mức tạo thành khối như hình cái cây. Ông đã hoang mang đến không còn biết phải làm gì trước hoàn cảnh đó. Mãi rồi ông mới nghĩ ra việc mở đường qua đàn muỗi bằng thanh gươm Nhật. Ông rút gươm ra và giận dữ chém ngang chém dọc tứ phía.
Lúc quay nhìn lại, Singo thấy gã tiều phu chạy cắm đầu cắm cổ.
Cùng lúc ấy nhiều đốm lửa lóe lên trên bộ quân phục của ông. Song kỳ lạ nhất là ông lại hóa thành hai người. Một Singo đứng nhìn Singo kia với bộ quân phục đang bốc lửa. Ngọn lửa liếm tay áo, quân hàm rồi chạy xuống dưới và biến mất. Nó nổ bem bép và bắn ra tàn lửa, tắt đi rồi lại hiện ra thành những lưỡi lửa lập lòe.
Rốt cuộc Singo cũng bò về được đến nhà. Đó là ngôi nhà của cha mẹ ông để lại. Cả người chị gái xinh đẹp của Yasuco cũng có ở đó.
Singo thấy mệt lả, nhưng không hề bị muỗi cắn.
Sau đó một lát người tiều phu cũng về đến nhà ông. Vừa bước qua ngưỡng cửa, gã liền gục xuống bất tỉnh. Từ thân thể gã, Singo và người chị vợ đã bắt được cơ man nào là muỗi đem bỏ đầy một cái thùng. Singo không rõ đã bắt muỗi như thế nào, nhưng ông thấy cái thùng đầy muỗi và tỉnh giấc.
Phải chăng muỗi đã lọt vào trong mùng, ông thầm nghĩ ngay lúc vừa thức dậy và căng tai để lắng nghe. Nhưng ông chỉ cảm thấy đầu mình nặng như chì.
Ngoài trời mưa đang rơi.
CHƯƠNG XV
Cái Trứng Rắn
1
Cái nóng của mùa hè đã làm Singo kiệt quệ và giờ đây, khi mùa thu đến, ông thường ngủ gà ngủ gật trên con tàu đi về hàng ngày.
Vào những giờ cao điểm cứ mười lăm phút lại có một chuyến tàu từ Tokyo đi Kamakura. Ngay các toa bình dân cũng không đến nỗi đông nghẹt hành khách.
Singo ngồi mơ màng và nhìn thấy những cây keo nở đầy hoa.
Trước đây ít lâu ông có dịp đi dưới những hàng keo mới ra hoa ở Tokyo và rất lấy làm ngạc nhiên. Đó là một ngày tháng tám lất phất mưa. Singo ngồi trên xe taxi đi qua đại lộ dẫn tới Hoàng cung và ông hết sức kinh ngạc nhận thấy, chỉ dưới một gốc cây duy nhất mặt đường được phủ đầy những bông hoa rụng màu trắng. Khi xe đi qua ông còn ngoái đầu lại nhìn mãi những cánh hoa keo thật dịu dàng, màu trắng hơi vàng có pha chút sắc xanh. Nhưng dù không có hoa keo rụng đi nữa, đối với Singo, hình ảnh hàng cây hài hòa cân đối trên hè đại lộ hẳn là vẫn mãi mãi đọng lại trong ký ức. Bởi vì lúc đó ông vừa từ chỗ một người bạn mới chết vì ung thư gan ở bệnh viện ra về.
Họ là chỗ bạn đồng liêu, song rất ít khi gặp nhau. Người bạn đau rất nhiều, nhưng bên giường ông ta chỉ có một nữ hộ lý. Singo không hiểu vợ ông ta có còn sống hay không nữa.
- Anh có hay gặp Miamoto không? - Người bạn hỏi. - Nhưng dù anh có không hay gặp anh ấy đi nữa, thì tôi vẫn muốn nhờ anh gọi điện thoại yêu cầu anh ấy giúp tôi cái việc đó.
- "Việc đó" là việc gì vậy? Singo hỏi lại.
- Việc mà chúng ta đã nói vào dịp họp mặt năm mới ấy.
"Thuốc độc" - Singo sực nhớ. Bạn ông hẳn đã biết mình bị ung thư.
Cứ kể những người trên sáu mươi tuổi gặp nhau là y như câu chuyện lại xoay quanh vấn đề tuổi già và bệnh tật và lối thoát duy nhất ra khỏi những cái đó là chết. Bạn bè của Singo đều biết nhà máy của Miamoto có sử dụng xianua kali, và một người nào đó trong bọn họ đã buông một câu rằng, nếu ông ta có bị ung thư chẳng hạn, thì cũng có thể yên chí là sẽ có một phần chất ấy. Bởi nếu tiếp tục sống những ngày tàn với sự nhận thức rất rõ ràng căn bệnh ấy không chữa được, thì chỉ có nghĩa là tự mình chịu đựng những đau khổ vô ích. Một khi hiểu được rằng không còn con đường nào khác thì con người ta có quyền ấn định cho mình giờ kết thúc tất yếu.
- Nhưng đó chỉ là những chuyện phiếm bên chai rượu! Chuyện đùa ấy mà? - Singo chỉ còn biết trả lời bạn như vậy.

- Tôi chưa dùng đến nó đâu. Anh tưởng tôi sẽ uống liền à? Tôi chỉ muốn được có quyền tự do lựa chọn thôi, anh hiểu không? Khi thấy rằng mình có thể chấm dứt nỗi đau đớn bất cứ lúc nào mình muốn, ta sẽ dễ chịu đựng hơn... Đó là cái duy nhất mà tôi còn có được. Nếu anh muốn, anh hãy gọi nó là chút tự do cuối cùng của tôi vậy. Chút phương tiện cuối cùng dùng để trụ lại trên cái địa ngục này... Nhưng tôi hứa với anh là tôi sẽ không uống nó đâu.
Trong khi nói, mắt người bệnh ánh lên một vẻ kỳ lạ. Ở cuối giường, người hộ lý vẫn im lặng đan một chiếc áo len dày.
Singo không có đủ nghị lực để gọi điện cho Miamoto và cũng chẳng làm bất cứ điều gì khác. Ông đau khổ với ý nghĩ rằng một con người sắp chết đang trông cậy vào ông.
Khi từ bệnh viện ấy ra về, ông đã nhìn thấy những cây keo trổ hoa và cảm thấy nhẹ nhõm, còn giờ đây, khi đang ngủ gà ngủ gật trên xe lửa, ông bỗng nhớ đến chúng. Hình như ý nghĩ về người bạn bị ung thư không phút nào cho đầu óc ông được thảnh thơi.
Singo đã ngủ thiếp đi và ông choàng tỉnh khi con tàu đỗ lại ở đâu đó giữa đường. Trên đường ray bên cạnh, một con tàu khác lao ngược về phía Tokyo. Hẳn là tiếng còi của nó đã đánh thức Singo.
Trên lối mòn dẫn đến đường sắt có nhiều trẻ con chạy lại. Một số hành khách thò đầu ra ngoài cửa để xem chuyện gì xảy ra ở phía đầu tàu - Đoàn tàu chạy trước chúng ta bị trục trặc và phải dừng lại. - Người nhân viên trên tàu giải thích. - Xin quý vị hành khách châm chước cho chúng tôi về sự chậm trễ này!
Một người ngoại quốc ngồi đối diện Singo lay chàng trai ở bên cạnh ông ta dậy và hỏi bằng tiếng Anh xem người nhân viên vừa nói gì. Gã trai nãy giờ ngồi ngủ gục trên vai người ngoại quốc kia.
Gã mở mắt nhưng vẫn ngồi nguyên như cũ. Mắt gã vằn đỏ, có quầng thâm. Tóc gã nhuộm đỏ, nhưng lại ra cái màu đen trông bẩn bẩn. Singo hiểu ra rằng đó là một kẻ đồng tính luyến ái đeo theo đám ngoại quốc.
Gã trai lật bàn tay của người ngoại quốc lên và úp lòng bàn tay mình vào đó. Mặt gã rạng lên hiền hậu như một người đàn bà được thỏa mãn. Khó mà xác định được tuổi của những người ngoại quốc, nhưng căn cứ vào cái đầu lớn, cái cổ bự đã có nếp nhăn và những vết nám trên cánh tay của người đàn ông ngồi đối điện, Singo cho rằng ông ta cũng trạc tuổi ông. Bất giác ông có cảm nghĩ là mình đang ngồi trước một con quái vật, cái con người kia, lần mò tới một đất nước xa lạ và vồ lấy một gã trai của cái đất nước ấy.
Chiếc sơmi màu nâu của gã đồng tính luyến ái để hở cổ và bộ ngực gầy gò của gã lộ ra.
"Nó sẽ không sống được bao lăm", Singo nghĩ bụng và nhìn đi chỗ khác.
Dọc bên bờ cái rãnh nước hôi thối ở bên trái đường sắt mọc đầy những bụi cây xanh thắm.
Con tàu vẫn chưa chịu chuyển bánh.
2
Đã lâu rồi Singo không nằm ngủ trong màn. Ông có cảm giác là nó đè nặng lên ông và ức chế ông.
Yasuco cố tình đập muỗi một cách tức giận và làu bàu.
- Vợ chồng Suychi vẫn ngủ trong màn đấy.
- Thì bà đi mà ngủ với chúng nó. - Singo đớp lại và nhìn lên khoảng trần nhà không bị cái màn vây bọc.
- Ngủ với chúng nó thì tất nhiên là không, nhưng từ mai tôi sẽ đến ngủ với Fusaco.
- Tùy bà. Nếu bà thích, bà có thể nằm ôm cháu mà ngủ.
- Ôi mà cái con bé Satoco không chịu rời mẹ nó ra lấy một phút, dù nó có em bé. Hay là nó không được bình thường hả ông? Thỉnh thoảng mắt nó nhìn lạ lắm.
Singo không đáp.
- Phải chăng tất cả những đứa trẻ không có cha đều như vậy? - Yasuco hỏi tiếp.
- Có thể bà cần phải âu yếm nó nhiều hơn.
- Cả ông cũng thế đấy. Tôi thì tôi thích con bé Kinuco hơn.
- Còn Aikhara thì chẳng có tin tức gì cả...Mình cũng không biết nó còn sống hay đã chết nữa.
- Nó đã gửi giấy ly dị rồi thôi. Như vậy chưa đủ hay sao?
- Vậy là chấm hết phải không?
- Tôi hiểu ông muốn nói gì, nhưng ông phải đồng ý với tôi rằng dù nó còn sống hay không thì cũng thế cả, đằng nào mình cũng không tìm được nó... Ta chỉ còn biết quen dần với cái ý nghĩ rằng cuộc hôn nhân ấy đã chấm dứt. Nhưng chẳng lẽ sự việc lại phải như thế hay sao? Nó sinh ra hai đứa con, rồi đột nhiên cắt đứt và biến mất! Quả thực việc kết hôn chưa đủ để tạo được sự tin cậy.
- Có điều là một khi cuộc tình duyên đã bị định đoạt như vậy, chẳng lẽ những chuyện tiếp theo lại không thể dễ chịu hơn một chút được sao? Aikhara tất nhiên là một kẻ không may, nhưng Fusaco hình như cũng chẳng cố gắng để hiểu nó và giúp nó. Thằng đó hẳn là đã đau khổ.
- Có những điều mà người đàn bà bất lực khi đối mặt với nó, một khi người đàn ông đã rơi vào sự tuyệt vọng không lối thoát.
Trong trạng thái như vậy anh ta không cho vợ lại gần mình. Nếu trong hoàn cảnh này, Fusaco và hai đứa trẻ mà rơi vào cảnh phải ra ngoài đường thì chúng chỉ có nước là tự sát. Còn người đàn ông thì vì thế mà luôn luôn tìm một người đàn bà khác để có đôi khi quyết định chết. Người đàn ông không bao giờ bị ở vào thế bị xua đuổi bị bỏ rơi.
Yasuco ngừng một lát rồi nói tiếp:
- Còn Suychi, bây giờ nó xử sự tốt, nhưng ai biết khi nào nó lại giở trò gì? Chỉ có Kikuco biết bản thân mình đã trải qua những gì thôi.
- Bà định nói đến cái thai ấy hả?
Câu hỏi của Singo có nghĩa đôi. Ông vừa nghĩ về Kikuco, người đã bỏ đi một đứa bé, lại vừa nghĩ đến Kinu, người đã cương quyết đẻ con. Song bà Yasuco không biết đến việc thứ hai này.
Kinu quả quyết rằng đứa con trong bụng chị ta không phải là của Suychi, và chị ta không cho phép bất cứ sự can thiệp nào từ phía Singo. Sự thật rối bời. Dù sao thì Singo cũng cho rằng Kinu nói dối.
- Có thể sẽ không phải là dở nếu tôi sang ngủ ở chỗ vợ chồng Suychi, - bà Yasuco nói, - bởi chẳng ai biết được chúng nó sẽ làm những trò dại dột gì. Có phần nguy hiểm đấy...
- Bà muốn nói gì?
Yasuco không quay mặt lại phía chồng, bà nằm nguyên như cũ và đưa tay nắm tay ông. Sau đó, bằng một vẻ hết sức bí mật, bà thì thầm:
- Kikuco hình như lại có thai.
- Cái gì-ì?
- Tôi nghĩ là còn hơi sớm, song Fusaco đã nhận thấy một vài dấu hiệu.
- Không hề còn một chút dấu vết gì của cái cách mà Yasuco thông báo với chồng việc bà có thai hồi trẻ.
- Fusaco bảo thế à? - Singo hỏi lại.
- Tôi nghĩ là còn hơi sớm. - Yasuco nhắc lại. - Song tôi nghe nói là sau khi nạo thai dễ dính bầu liền lắm...
- Liệu có phải vợ chồng Suychi nói cho Fusaco biết không nhỉ?
- Làm gì có chuyện?... Quan sát riêng của nó thôi.
Singo thấy buồn cười về "quan sát". Từ khi sống thiếu chồng, Fusaco tỏ vẻ tò mò quá đáng đối với tất cả những gì liên quan đến cô em dâu.
- Theo tôi, ông cần nói chuyện với Kikuco, khuyên nó lần này nên để sinh... - Yasuco nói.
Singo cảm thấy có cái gì đó làm ông nghẹn thở. Tin về việc có thai mới của Kikuco càng làm cái ý nghĩ về chuyện có thai của Kinu thêm nhức nhối, đến độ không chịu đựng nổi.
Có thể là việc hai người đàn bà cùng có chửa với một người đàn ông là chuyện bình thường, nhưng khi người đàn ông đó lại là con của ta, ta sẽ bất giác thấy sợ hãi, một cách kỳ lạ. Trong sự trùng hợp đó có một cái gì ma quái, đó là một lời nguyền rủa, một sự trả giá.
Quan trọng hơn hết thảy, nếu lời nhận xét của Fusaco là đúng, đối với Kikuco đây là lần mang thai thứ hai. Khi cô đi phá thai lần trước, ả tình nhân cũng bắt đầu có thai, và trước khi ả ta đẻ, thì cô lại có thai lần nữa. Đương nhiên là cô không ngờ rằng ả kia sắp sửa có con.
- Nếu Kikuco hiểu rằng chúng ta đã biết là nó có thai, nó sẽ không dám phá thai đi lần nữa đâu. - Bà Yasuco nói.
- Đúng vậy! - Singo đáp. - Có điều bà phải nói chuyện với nó với tư cách là phụ nữ với nhau.
Sau đó ông không sao ngủ được nữa. Đầu ông đầy rẫy những ý nghĩ đen tối. Thậm chí ông tức giận nghĩ cả đến việc dùng áp lực nào đó bắt ả Kinu kia phải bỏ đứa con ấy đi...

Đã quá hai giờ sáng. Từ ngoài vườn vẳng lại bản đồng ca hùng tráng của các loại côn trùng. Âm thanh ấy nghe hơi lạ và Singo tự hỏi, phải chăng những con vật ấy đang kêu thét?
Gần đây ông rất hay nằm mơ. Và sáng nay, lúc trời gần hửng, ông cũng đã nằm mơ một giấc mơ dài.
Ông không hiểu mình đi bằng cách nào đến chỗ đó, nhưng ông nhìn xuống là thấy ngay hai quả trứng. Đó là ở giữa sa mạc. Xung quanh bốn phía toàn là cát. Hai quả trứng nằm cạnh nhau trên cát. Một quả lớn hơn - đó là trứng đà điểu, còn quả nhỏ hơn, là trứng rắn. Cái trứng rắn nứt ra và một con rắn con tinh nghịch, thò cái đầu bé xíu ra khỏi vỏ. Trông nó rất nghịch ngợm và dễ thương. Tất nhiên là giấc mơ ấy có liên quan đến suy nghĩ của Singo về Kikuco và Kinu. Có điều ông không hiểu được đứa con của người nào ở trong trứng đà điểu và con người nào ở trong cái trứng rắn. Singo nghi hoặc tự hỏi, chẳng hiểu rắn đẻ trứng hay đẻ con nữa?
3
Hôm đó là chủ nhật. Singo thấy mệt mỏi bơ phờ và ông nằm rốn đến chín giờ. Ông rất khó chịu khi nhớ đến giấc mơ về những quả trứng và cả về cái đầu nhỏ xíu của con rắn con nữa. Sau đó ông trở dậy đánh răng, rửa mặt rồi đi vào phòng ăn.
Kikuco đang buộc báo cũ lại thành từng bó, có lẽ cô định đem bán cho hàng phế liệu. Thấy Singo vào, cô đứng lên để rót trà cho ông ngay.
- Ba đã đọc chuyện hoa sen chưa ạ? - Kikuco hỏi và đặt hai tờ báo lên chiếc bàn con. - Có thêm hai bài viết nữa. Con đã để riêng ra đây này.
- Ta cũng có đọc về chuyện đó rồi. - Singo đáp nhưng vẫn cầm lấy báo. Ông còn nhớ chuyện người ta tìm được những hạt giống hoa sen hai nghìn năm tuổi khi khai quật một di chỉ khảo cổ và một nhà bác học, vị "tiến sĩ hoa sen" đã làm cho chúng nảy mầm, rồi sau đó những cây sen ấy đã ra hoa. Lúc ông đọc bài báo viết về chuyện ấy, Kikuco vừa mới nạo thai xong và đang còn nằm bệnh.
Sau này còn có thêm hai bài báo nữa viết về chuyện hoa sen.
Một bài kể chuyện nhà bác học nói trên đã phân chia các mầm sen như thế nào và đem trồng chúng trong hồ của vườn trường Đại học Tổng hợp Tokyo, nơi ông ta từng theo học ra sao. Bài thứ hai viết về chuyện hoa sen ở Mỹ. Một giáo sư của trường Đại học Tổng hợp Tokyo đã tìm thấy ở Mãn Châu Lý những hạt giống hoa sen đã hóa thạch và gửi chúng sang Mỹ. Tại vườn thực vật quốc gia Washington, người ta đã tách lớp vỏ hóa đá của hạt ra, bọc nhân hạt vào bông ẩm và nuôi chúng trong ống nghiệm. Năm ngoái đây, các hạt ấy đã nảy mầm và năm nay, sau khi họ thả các mầm đó xuống hồ, thì chúng đã nở được hai bông sen màu hồng. Các chuyên gia của vườn thực vật đã nêu ra giả định, rằng các hạt giống nói trên là từ một ngàn năm đến năm mươi ngàn năm về trước.
- Ta đã nghĩ ngay mà, - Singo cười bảo, - tính toán của họ có vẻ xê xích quá thì phải... "Từ một nghìn năm đến năm chục nghìn năm" là nghĩa thế nào?
Ông tiếp tục đọc nốt bài báo. Hóa ra là nhà bác học Nhật Bản, xuất phát từ cấu trúc chất đất ở Mãn Châu Lý, đã kết luận rằng các hạt giống ấy hai nghìn năm tuổi. Song người Mỹ đã đưa lớp vỏ hóa đá của hạt sen đi phân tích bằng phương pháp phóng xạ, mà kết quả của nó chỉ ra là chúng một ngàn tuổi. Hiện vấn đề này còn đang được tranh cãi.
- Dù năm mươi ngàn năm tuổi hay chỉ một ngàn, cuộc sống của hoa sen cũng đã dài kinh khủng, đúng không? - Singo nói. - Cả một thiên thu so với cuộc đời con người rồi còn gì? Thật thú vị biết bao được nằm một đến hai ngàn năm trong lòng đất...
- Trong lòng đất ấy ạ? - Kikuco thì thầm hỏi.
- Không phải trong mồ, mà cũng không chết, chỉ nằm thế thôi và yên nghỉ. Thế rồi sau năm mươi ngàn năm thức dậy và nhận thấy rằng cả những vấn đề riêng lẫn vấn đề của thế giới đã được giải quyết, trái đất này đã là một thiên đường.
- Kikuco! - Tiếng Fusaco gọi từ phía bếp. - Cô dọn bữa sáng cho bố tôi nhé.
- Vâng! - Kikuco đáp và đi xuống bếp.
- Ba phải ăn một mình thôi. - Cô nói khi mang bữa điểm tâm lại cho Singo. - Cả nhà đã ăn hết rồi ạ.
- Vậy ư? Suychi đâu rồi? - Singo hỏi.
- Anh ấy đi câu cá ạ.
- Còn mẹ con?
- Ở ngoài vườn ạ.
- Sáng nay ta sẽ không dùng đến món trứng. - Singo nói và trả lại cho Kikuco cái đĩa đựng quả trứng sống. Ông vừa nhớ đến cái trứng rắn và thấy ghê tởm.
- Ba đọc xong báo chưa? - Kikuco hỏi và vồ lấy mấy tờ báo. Hẳn là cô muốn nói đến việc có thể đem chúng đi bán phế liệu được chưa.
Fusaco bưng lên cho Singo một con cá khô nướng cháy rồi lại quay xuống bếp với lũ trẻ con.
Singo đón lấy chén cơm từ tay Kikuco và nhìn thẳng vào mắt cô một cách đầy thử thách. Sau đó ông hỏi khẽ:
- Con có thai phải không?

- Không ạ! - Kikuco trả lời lập tức và sau đó cô mới có vẻ ngạc nhiên vì câu hỏi. Cô lắc đầu phủ định và nói thêm. - Không, làm gì có chuyện đó ạ?
- Vậy là điều đó không đúng hả!
- Dạ.
Kikuco kinh ngạc nhìn Singo và đỏ mặt lên.
- Nhưng nếu chuyện đó xảy ra, con sẽ cẩn trọng hơn chứ, phải không? - Singo nói tiếp. - Ta đã mắng cho Suychi một trận ra trò. Ta bảo nó phải coi chừng sau lần phá thai ấy có thể con không có con được nữa. Tất nhiên là lúc đầu nó nói năng bậy bạ và ta đã tuyên bố thẳng là nó cần phải biết sợ Trời Phật. Con người ta đâu có thể nói chắc là ngày mai mình còn sống, còn nó thì... Nhưng ta tin rằng con sẽ có một đứa con tuyệt vời.
- Con rất tiếc là đã gây cho ba nhiều lo lắng. - Kikuco lí nhí và cúi đầu xuống.
Singo tin rằng cô đã nói thật với ông. Nhưng nếu vậy thì tại sao Fusaco lại nói rằng cô mới có thai? Khó mà có thể xảy ra việc Fusaco nhận biết điều đó trong khi chính Kikuco lại không nhận thấy gì. Hẳn là những "quan sát" của Fusaco đã không đúng.
Singo lo là Fusaco nghe được câu chuyện vừa rồi giữa ông với Kikuco và ông cảnh giác nhìn về phía bếp. Song ở đó chẳng thấy tiếng động nào cả. Có thể chị chàng đã dẫn con đi ra ngoài rồi.
- Theo như ba thấy thì lâu nay Suychi có bao giờ đi câu cá đâu? - Singo nhận xét.
- Đúng vậy, song hôm nay chắc có ông bạn nào rủ rê nên anh ấy hăng lên. - Kikuco đáp lại.
- Có thể là anh chàng đã cắt đứt với Kinu rồi, Singo thầm nghĩ.
Trước đây hắn đã đến với nhân tình kể cả ngày chủ nhật.
- Con có muốn ta đi đến chỗ hồ không? - ông hỏi con dâu.
- Có ạ.
Singo ra vườn. Bà Yasuco đang ngẩng cổ xem xét gì đó trên tán cây anh đào.
- Có chuyện gì vậy? - ông hỏi.
- Chẳng có gì cả. - Yasuco đáp. - Nhưng ông xem này, lá của nó đã rụng gần hết. Hay là sâu bọ cắn đấy nhỉ? Tôi cứ nghe thấy ve kêu ở cây này, thế mà lúc ra xem thì đã trụi sạch lá.
Trong khi hai người nói chuyện, những chiếc lá chớm vàng từ trên cây không ngừng rụng xuống.
- Suychi đi câu cá rồi. Tôi với Kikuco sẽ đến xem nó câu thế nào - Singo nói.
- Nó đi câu à? - Bà Yasuco quay lại hỏi ông.
- Tôi đã hỏi Kikuco về chuyện kia rồi, nhưng nó bảo là không có đâu,"Quan sát" của Fusaco hóa ra là sai bét.
- Vậy à? Ra là ông đã hỏi nó rồi đấy? - Yasuco trầm ngâm nói bằng một giọng kéo dài. - Thật xấu hổ biết chừng nào?
- Tôi không thể hiểu nổi tại sao Fusaco cứ nhúng mũi vào khắp mọi chỗ và ra sức đánh hơi thế!
- Thật vậy, tại sao nhỉ?
- Tôi hỏi bà đấy, chứ không phải bà lại đi hỏi tôi đâu.
Khi hai ông bà vào nhà, Kikuco đã đợi sẵn trong phòng ăn để đi chơi. Cô mặc chiếc áo len cao cổ trắng và đi tất trông đầy sức sống.
4
Một hôm, ở bên lề đường xe lửa đột nhiên nở rộ những bông hoa màu đỏ. Đó là loài cam thảo mọc gần sát đường sắt đến nỗi tàu chạy qua làm chúng rung rinh. Cả ở trên con đê ở Totsuca cũng thấy hoa cam thảo. Những bông hoa cam thảo mới nở trông thật rực rỡ và tươi tắn.
Buổi sáng hôm đó, những bông hoa đỏ ấy gợi lên một cảm giác bình yên trên những cánh đồng cỏ mùa thu. Cỏ tóc tiên cũng bắt đầu uốn cong lá.
Singo cởi giày bên phải ra, gác chân lên và xoa nắm bàn chân.
- Ba làm sao vậy? - Suychi hỏi.
Thấy nó bằng nặng thế nào ấy... Thỉnh thoảng khi trèo lên bậc thềm nhà ga, hai chân tôi nặng trĩu như đổ chì vậy. Sang năm nay tôi xuống sức rồi. Tôi đang ra đi từ từ đấy, anh biết không?
- Kikuco cũng lo lắng. Cô ấy bảo trông ba có vẻ mệt mỏi.
- Thế à? Chắc tại ba nói với nó những chuyện vớ vẩn đấy... chuyện muốn được chôn năm mươi nghìn năm để nghỉ ngơi trong lòng đất.
Suychi không hiểu nhìn ông.
- Tại ở trên báo có viết về những hạt giống hoa sen từ cổ xưa mà. Anh có đọc chuyện đó không? Singo châm thuốc lá và nói thêm, - ba còn hỏi Kikuco có thai hay không... Cô ấy hoang mang ra trò đấy. Chuyện đó thế nào rồi?
- Vẫn còn quá sớm ạ.
- Thế còn chuyện đứa con của Kinu thì sao? Theo tôi thì hiện tại chuyện đó quan trọng hơn đấy.
Suychi nép hẳn người vào tường, nhưng không đầu hàng:
- Con biết ba đã đến gặp cô ấy! - Anh ta nói. - Để đưa cô ta tiền như kiểu cho nghỉ việc ấy. Nhưng lẽ ra ba không cần phải làm như thế.
- Anh biết được vào lúc nào vậy?
- Thì con biết, nhưng không phải từ cô ta đâu. Như ba đã rõ, con và Kinu đã cắt đứt với nhau hoàn toàn rồi.
- Còn đứa con là của anh phải không?
- Cô ấy bảo là không phải.
- Nó nói gì, điều đó không quan trọng, đây là nói đến lương tâm của anh ấy? - Singo quát lên bằng một giọng run run giận dữ. - Thế nào?
- Trong tình trạng như vậy, lương tâm không phải là vị quan tòa sáng suốt nhất.
- Cái gì-ì?
- Thôi được rồi, cứ cho là con sẽ tự dằn vặt đi. Nhưng phỏng có ích lợi gì? Đằng nào thì con cũng không thể lao đầu vào cái ý muốn ương ngạnh điên rồ đòi giữ lại cái thai của cô ấy được.
- Nhưng anh cần biết là cô ta đau khổ nhiều hơn anh! Cũng như Kikuco vậy.
- Có thể. Nhưng sau khi đã cắt đứt với nhau, con thấy cô ấy vẫn sống yên ổn như trước đấy thôi.
- Và đối với anh thế là đủ chứ gì? Quả thực là anh không muốn biết đứa trẻ đó là của anh hay của ai à? Hay là lương tâm của anh đã biết điều đó rồi?
Suychi im lặng và nhấp nháy đôi mắt to quá đẹp đối với một người đàn ông của mình.
Đến nơi làm việc, Singo thấy trên bàn giấy có một tấm thiếp báo tin buồn. Người bạn bị ung thư của ông đã chết sớm hơn là người ta dự định.
Phải chăng có ai đã đem cho ông ta thuốc độc? Hay ông ta đã tìm cách khác để tự vẫn?
Ngoài tấm thiếp ra còn có một bức thư của Ayco. Cô ta viết rằng đã chuyển sang làm ở một hiệu may khác. Sau đó Kinu cũng đã bỏ việc và lánh đến ở Numatzu. Với Ayco, chị ta chỉ cho biết rằng chị ta muốn mở tiệm may riêng và ở Tokyo thì điều đó khó thực hiện được.
Mặc dù trong thư Ayco không viết, nhưng Singo vẫn đoán rằng Kinu lánh về Numatzu chỉ để sinh con. Có thể Suychi có lý khi nói rằng cô ta đã có cuộc sống riêng của mình mà nó không hề động chạm đến cả anh ta lẫn Singo.
Singo cứ ngồi như thế một lúc lâu, lơ đãng nhìn vào trong làn ánh nắng chói chang. Sau đó ông sực nhớ đến Ikeda, người bạn cũ của Kinu và quyết định đến gặp chị ta hoặc Ayco để hỏi thăm về Kinu.
Nghỉ trưa xong ông đi viếng bạn. Mãi đến lúc ấy ông mới nhớ ra là vợ của bạn ông đã chết từ lâu. Hẳn ông ta đã sống với người con trai cả.
Singo không dám hỏi xem có phải bạn ông đã tự vẫn hay không, nhưng ông rất ngờ là như vậy. Trong số hoa viếng để bên linh cữu thì những bông cúc đại đóa lớn là đẹp nhất.
Sau lễ viếng Singo trở về hãng và cùng với Natsuco xem xét giấy tờ mới gửi đến. Bỗng có điện thoại của Kikuco gọi lại, Singo giật mình khi nghe thấy tiếng cô, ông đã tưởng là có chuyện gì xay ra.
- Kikuco đấy à? Con đang ở đâu vậy? - Singo hồi hộp hỏi.
- Con đang ở chỗ cha mẹ con đây ạ! - Kikuco cười vui vẻ đáp. - Mẹ con gởi điện bảo muốn nới chuyện với con nên con đã vội về ngay nhà. Nhưng hóa ra là chẳng có gì cần thiết, chả là vì mẹ con nhớ con thôi.
- À...thì ra đầu đuôi là thế đấy! - Singo thở ra nhẹ nhõm. Trong lòng ông cảm thấy ấm áp, không chỉ vì được nghe thấy tiếng nói của Kikuco mà thôi.
- Ba ơi, ba sắp về chưa ạ?
- Sắp rồi. Cha mẹ con có được khỏe cả không?
- Cám ơn ba, khỏe ạ. Tự nhiên con thấy muốn về cùng với ba quá nên con gọi lại...
- Vậy hả? Nếu con muốn ở lại chơi bên nhà thì cũng được. Ba sẽ nói lại với Suychi cho, đừng có ngại.
- Không đâu, con đang chuẩn bị ra về đây.
- Nếu vậy thì ghé qua hãng nhé?
- Đến đó được không ạ? Con đã tính đợi ba ở nhà ga kia.
- Đừng, lại đây đi! Con có muốn nói chuyện với Suychi không? Chúng ta có thể đi ăn chiều ở đâu đó rồi cả ba cùng về luôn.
- Thôi để con lên đường luôn bây giờ. Con đã sẵn sàng rồi.
Singo cảm thấy sự ấm áp trong lòng ông lan cả lên mặt. Thành phố bên ngoài bỗng trở nên sáng sủa hơn.
CHƯƠNG XVI
Cá Mùa Thu
1
Một sáng tháng mười, Singo định thắt cravát nhưng tay ông cứ ríu lại.
- Thắt thế nào ấy nhỉ? Thắt thế nào ấy nhỉ? - ông thất vọng lẩm bẩm và buông thõng tay xuống. - Chuyện gì xảy ra với mình thế không biết?
Sau đó ông làm lại nhưng chẳng ăn thua. Ông căng cái cravát ra và nhìn nó ngạc nhiên.
Kikuco cầm cái áo vét từ phía sau bước lên và hỏi:
- Cái gì thế ba?
- Ta không thắt được cái cravát nữa. Quên mất cách làm rồi. Thật nực cười phải không?
Nói đoạn Singo lại làm lại chậm rãi, song kết quả của những cố gắng ấy chỉ là một cái búi kỳ quặc. "Thật kỳ lạ" là từ thích hợp hơn cả để nói trong trường hợp này, nhưng trong đôi mắt Singo hiện lên một nỗi sợ hãi chết lặng và Kikuco cũng có vẻ lo ngại.
- Kìa ba? - Cô kêu lên.
- Ta biết làm thế nào bây giờ? - Singo đứng sững, đầu óc mất hết khả năng phân tích.
Kikuco không chịu được nữa, cô khoác cái áo vét lên cánh tay rồi tiến đến trước mặt Singo và cầm lấy cái cravát.
- Ba hãy nói cho con xem cần phải làm thế nào! - Cô hỏi khẽ và bắt đầu loay hoay thắt.
- Chính điều đó ba quên mất mà lại. - Singo đáp.
- Nhưng ngày nào ba cũng làm cơ mà?
- Thì đúng rồi, nhưng...
Singo không thể giải thích nổi vì sao sáng nay ông lại quên mất điều mà trong bốn mươi năm làm viên chức ông vẫn thực hiện hàng ngày. Thậm chí ông không hề phải nghĩ mà tay ông tự động thao tác theo thói quen. Ông có cảm giác là mình sắp sửa bất tỉnh nhân sự và ngã gục xuống bàn.
Kikuco vẫn loay hoay với cái cravát trên cổ Singo. Ông đứng yên trong tay cô như một đứa trẻ bất lực đang cần sự an ủi.
- Không được! - Kikuco buông tay xuống nói và đỏ mặt lên.
- Con không bao giờ thắt cravát cho Suychi ư?
- Không ạ.
- Con chỉ biết tháo ra cho nó mỗi khi nó say rượu trở về thôi chứ gì?
Đôi vai của Kikuco trơ ra. Cô lùi lại một bước và nhìn chằm chằm vào cái cravát.
- Có thể mẹ con biết đấy. - Cô thở dài và gọi: - Mẹ ơi, mẹ, ba con nói là không thắt được cravát đây này. Mẹ có thể lại đây một lát không ạ?
- Trời đất ơi, sao vậy?
Bà Yasuco bước vào với vẻ mặt của người vừa được nghe thấy điều ngớ ngẩn nhất trên đời.
- Có chuyện gì xảy ra với tôi ấy, và tôi quên sạch cả. Chuyện lạ quá! - Singo phân trần.
- Lạ thật đấy! - Yasuco bổ sung.
Bà bước đến thay thế Kikuco vừa mới lùi ra. Rốt cuộc rồi bà cũng thắt được một cái nút tạm gọi cravát được.
Singo cảm thấy sắp ngất xỉu. Máu ông dồn lên gáy, bởi ông phải đứng ngửa đầu lâu quá. Dưới đôi mí mắt nặng nề của ông loáng hiện lên một lớp bụi tuyết vàng. Đó là đám mây tuyết bốc ra từ cơn băng lở mà ông đã thấy khi còn nhỏ ở vùng núi quê mình.
"Phải chăng là xuất huyết não?", ông hoảng sợ thoáng nghĩ.
- Nào, thế đã được chưa? - Bà Yasuco hoan hỉ hỏi.
Singo đưa tay lên nắn cái nút cravát và tay ông chạm vào tay vợ ông bỗng chợt nhớ đến thời vừa tốt nghiệp trung học, khi lần đầu tiên thay bộ đồng phục học sinh bằng bộ âu phục, người chị gái xinh đẹp của Yasuco đã thắt cravát cho ông.
- Cũng không đến nỗi nào. - Singo soi mình vào gương và nói. - Trời ơi, bỗng nhiên tôi mất cả khái niệm thắt cravát thế nào! Thật chẳng lấy gì làm dễ chịu cả.
Hẳn là khi mới lấy nhau, Yasuco vẫn thường thắt cravát cho ông. Có điều ông chẳng nhớ được chuyện đó. Mà cũng có thể bà đã từng thắt cravát cho người anh rể đẹp trai của mình nữa, khi bà sống ở nhà anh rể để thay thế cho người chị đã chết.
Kikuco tiễn chân Singo ra tận cửa.
- Ba ráng về sớm nhé! - Cô nói.
Khi tàu đi ngang Ophuma, Singo ngắm nhìn núi Phú Sĩ trên cái nền bầu trời thu trong vắt và bất giác sờ lên cravát của mình. Chắc vì Yasuco đứng quay mặt vào ông nên bà đã làm hai đầu múi thắt không được đều nhau.
"Chà, cái bà vợ này", Singo làu bàu rồi tháo cravát ra và thắt lại đâu vào đấy, ông thấy thật khó tin nổi là chỉ trước đây có một ít phút, ông đã không thể nhớ ra cách làm việc đó thế nào.
2
Gần đây Suychi luôn luôn đi làm về cùng với Singo.
Ban ngày ở Tokyo cứ nửa giờ có một chuyến tàu đi Kamakura, còn chiều tối - mười lăm phút một. Thường các chuyến tàu tối vắng người hơn lúc ban ngày.
Một người đàn bà trẻ bước lên tàu ở ga Tokyo và đặt cái túi xách màu đỏ của mình xuống ghế đối diện với cha con Singo rồi quay sang nói với Suychi:
- Ông làm ơn giữ chỗ giùm tôi được không ạ?
- Cả hai chỗ đó ư? - Suychi hỏi lại.
Người đàn bà lẩm bẩm cái gì đó rồi ra khỏi toa và xuống sân ga. Trên bộ mặt trang điểm kỹ của chị ta không hề thoáng vẻ bối rối. Chiếc áo bành tô kiểu vai hẹp của chị ta buông thoải mái xuống thân hình kiều diễm cao dong dỏng.
Singo hơi ngạc nhiên, ông không hiểu vì sao Suychi lại hiểu được người đàn bà kia muốn nhờ anh ta giữ hai chỗ. Điều gì đã mách bảo anh chàng là chị ta đang chờ một người nào đó?
Ông cũng không thể giải thích được vì sao khi người đàn bà đứng ngay trước mặt ông, chị ta không nhờ ông mà lại hướng về phía Suychi. Phải chăng vì Suychi là người dễ với tới hơn đối với phụ nữ?
Singo chăm chú nhìn con trai. Suychi đang mải cắm đầu vào tờ báo.
Người đàn bà quay trở lại toa, nhưng trước khi lên, hẳn chị ta còn ngoái nhìn khắp lượt sân ga. Hẳn là người mà chị ta đợi không đến.
Lần này chị ta ngồi đối diện Suychi và liên tục liếc nhìn về phía cửa. Chắc hẳn vì để nhìn cho rõ mà chị ta chọn chỗ đó. Singo không thể xác định được tuổi của chị ta, nhất là vì trên mặt chị ta lộ rõ vẻ mệt mỏi.
Trước cửa khoang của Singo nổi lên tiếng ồn ào làm ông và người đàn bà quay phắt lại. Năm, sáu thanh niên tay cầm những cành lá phong đỏ rực, nói cười ầm ĩ đi qua.
Hẳn là họ đi tham quan ở vùng núi phía Bắc trở về, Singo suy luận khi nhìn thấy những chiếc lá phong đỏ thắm. Ông bỗng nhớ đến cây phong kiểng lùn của người chị gái Yasuco để lại mà sau này cứ đỏ rực như thể cháy lửa trong chậu hoa cúng trên bàn thờ nhà ông.
Khi dứt khỏi dòng suy tưởng, Singo nhận thấy trước mặt Suychi một người đàn ông luống tuổi đang ngồi cạnh người phụ nữ trẻ nọ.
Thì ra là chị ta đợi cha mình. Ý nghĩ ấy làm Singo yên tâm phần nào.
Người đàn ông mới đến giống hệt con gái ông ta. Cũng cái mũi tẹt ấy và cũng đường ngôi tóc ấy. Riêng ông bố thì có đeo một cặp kính gọng đen.
Hai con người đó không nhìn nhau mà cũng chẳng hề trò chuyện, dường như họ không biết nhau vậy. Người cha đã ngủ thiếp đi trước khi tàu đến ga Siganava.
Singo những muốn hai người ngồi trước mặt mình nói lên dù chỉ một lời, nhưng mặt khác sự im lặng thờ ơ của họ đối với nhau làm ông thấy ghen tỵ. Không nghi ngờ gì là hòa thuận và bình yên ngự trị dưới mái nhà của họ.
Singo đã suy nghĩ như vậy, nên khi thấy người đàn ông xuống ga Yocohama một mình, ông giật nảy mình lên như phải bỏng. Hai người ở hàng ghế trước mặt không phải là cha con gì hết, mà chỉ là những người hoàn toàn xa lạ.
Singo cảm thấy như mình vừa bị lừa.
3
Ông huých đàn ông ấy, sau đó ông buồn cho chính bản thân mình và thì thầm khẽ với Suychi:
- Họ không phải là hai cha con đâu.
Trái với sự quan tâm của ông, Suychi chẳng quan tâm gì đến chuyện đó. Anh ta gật đầu thờ và làu bàu: "Thú vị thật đấy", song hẳn là đối với anh ta chẳng có gì thú vị.
- Họ giống nhau quá! - Singo nói.
- Vâng, hình như thế.
Tiếng tàu xập xình hẳn là làm người đàn ông kia không nghe được câu chuyện của họ. Đột nhiên Singo cảm thấy buồn. Ông vẫn không thể nào hiểu nổi vì sao người phụ nữ trẻ kia lại không phải là con của người đàn ông này. Càng nghĩ về chuyện đó ông lại càng thấy khó hiểu.
Trên đời này có những người giống nhau đến độ ai cũng phải cho rằng họ là cha con, mẹ con. Nhưng số đó hẳn là rất ít. Chắc rằng trên cả thế giới này chỉ có người đàn ông kia là giống người phụ nữ ấy, và chỉ người phụ nữ ấy giống người đàn ông kia. Ông ta là người duy nhất và chị ta cũng duy nhất. Trên khắp thế gian này chỉ có hai người đó - một thí dụ duy nhất. Người này tồn tại độc lập với người kia, mà không hề biết đến mối liên quan giữa họ với nhau.
Hoàn toàn ngẫu nhiên họ đã cùng ở trong một chuyến tàu. Họ gặp nhau lần đầu và hẳn cũng là lần cuối. Trong vài ba chục phút của cả một cuộc đời. Họ chia tay mà chẳng nói một lời, họ ngồi bên nhau mà không hề nhận ra sự giống nhau ở người kia. Họ đã chia tay nhau như đóng vai những nhân vật trong một phép lạ mà chính bản thân họ không hề biết.
Chỉ có Singo - một kẻ ngoài cuộc - lấy làm kinh ngạc về chuyện kỳ lạ đó và ông tự hỏi, liệu với tư cách là người làm chứng tình cờ, ông có phải là một vai bất đắc dĩ trong câu chuyện ấy không?
Người đàn bà trẻ đã ngồi gần người đàn ông kia đến như vậy và cũng chỉ bởi vì người mà chị ta đợi đã không tới.
"Phải chăng trong cuộc đời mọi cái vẫn xảy ra như vậy?", Singo lẩm bẩm hầu như không thành tiếng.
Đến ga Totsuca người đàn ông choàng dậy, chụp vội cái mũ và xuống tàu.
- Trên đời này cũng có lắm chuyện lạ, - Singo nói một cách thoải mái vì không phải giấu giếm - Họ là những con người hoàn toàn xa lạ đấy!
- Kể thì cũng có nét gì đó giống, nhưng về phong thái thì họ khác hẳn nhau. - Suychi đáp lại ông.
- Về phong thái ấy ư?
- Cô kia chăm sóc đến hình thức bên ngoài rất kỹ, còn ông nội này thì nhàu nhĩ đến phát khiếp.
- Thì thiếu gì trường hợp con gái ăn mặc như bà hoàng, trong khi ông bố thì như thằng ăn mày ấy!
- Quả có vậy, song con muốn nói là quần áo của hai người này nói lên hoàn cảnh xã hội khác nhau của họ.
- Ừ, phải, - Singo đồng ý. - Khi cô ta xuống tàu rồi, ông kia trông có vẻ nhàu nhĩ hẳn.
- Từ đầu ông ta đã nhàu nhĩ.
- Nhưng cảm giác về sự thay đổi hình dạng đột ngột ấy làm ta kinh ngạc. Nó cũng làm ta buồn nữa...ông ta trẻ hơn ba phải không?
- Một ông già sẽ có vẻ ngon lành hơn khi ngồi bên một cô gái đẹp - Suychi nói đùa.
Singo không làm sao có thể xua nổi ý nghĩ về đôi nam nữ kỳ lạ ấy ra khỏi đầu óc.
- Hay là họ đúng là cha con thật nhỉ? - Ông tiếp tục trình bày những suy luận của mình. - Bây giờ tôi mới nghĩ ra là biết đâu cô gái lại không phải là đứa con bất hợp pháp của ông ta chẳng hạn? Hai người chưa hề biết mặt nhau và không hề ngờ họ lại là cha con!
Suychi nhìn đi chỗ khác và Singo chột dạ vì những lời nói của mình. Ông hiểu là mình vừa phạm sai lầm, nhưng chẳng còn cách nào khác hơn là phải nói tiếp:
- Cả đối với anh cũng có thể xảy ra chuyện như vậy sau hai mươi năm nữa đấy.
- Vì thế mà ba khơi câu chuyện ấy lên đấy à? Ba cần biết rằng con không phải là một kẻ tin vào định mệnh hay sướt mướt đâu? Đạn đã từng réo bên tai con, nhưng không viên nào đụng con cả. Cũng chả có gì là lạ nếu con đã để lại một đứa con nào đó ở Trung Hoa hay ở Đông Nam Á! Đâu có gì là ghê gớm lắm nếu người ta gặp lại đứa con của mình mà không nhận ra nó, sau khi mà bên tai anh ta đạn đã từng réo sèo sèo? Vả lại cũng chưa có gì đảm bảo là Kinu sẽ sinh con, và một khi cô ta quả quyết rằng cái thai ấy không phải của con, thì con thích đồng ý với cô ta hơn.
- Thời chiến khác mà thời bình khác!
- Chắc gì một cuộc chiến tranh mới hiện không đang đe dọa chúng ta? Mà có thể cái bóng ma của cuộc chiến tranh cũ vẫn còn đeo đuổi những kẻ như con? Có lẽ nó đã cuộn mình như rắn trong một xó khuất nào đấy của linh hồn con chăng? - Suychi tuôn ra một cách thô bạo. - Cô bé ngồi kia nom hơi lạ một chút nên lọt vào mắt ba và thế là ba bắt đầu tưởng tượng ra đủ thứ mà có quỷ mới biết được là những gì! Chỉ cần một người đàn bà hơi khác những người khác một chút là đàn ông đã để ý đến rồi.
- Hừ! Nghĩa là chỉ cần có một ả nào trông hơi lạ một chút là anh làm ngay cho nó một đứa con chứ gì? Và sau đó thì anh bỏ mặc cho cô ta nuôi dạy nó?
- Con không cầu xin ai điều đó cả. Chính đàn bà đã yêu cầu con.
Singo sững người im lặng.
- Còn cái cô mới xuống ga Yocohama kia đang tự do đấy! - Suychi nói tiếp. - Chắc chắn là cô ta chưa có chồng và sẽ theo ba ngay nếu ba nháy mắt một cái... Cô ta làm ra vẻ quan trọng thế thôi, chứ đời cô ta hẳn cũng chẳng cao quý gì đâu, mà sự bất an thường xuyên cũng đã làm cô ta mòn mỏi đi rồi đấy.
Những suy diễn của anh ta làm Singo kinh ngạc.
- Sao mà lại có thể thế được? - Ông thét lên. - Anh đã sa ngã xuống quá thấp như thế tự bao giờ vậy?
- Kikuco cũng tự do, - Suychi tiếp tục một cách đầy khiêu khích. Cô ấy không phải là người lính mà cũng chẳng phải là tù nhân.
- Anh nói vậy là nghĩa làm sao... Rằng vợ anh cũng tự do ấy hả? Anh đã nói với nó như thế rồi chắc?
- Không, con ủy quyền cho ba nói đấy.
- Anh bắt tôi phải đuổi nó đi? - Singo khó khăn lắm mới làm chủ được giọng mình.
- Hoàn toàn không phải vậy! - Suychi cũng cố gắng để nói đúng mực. - Chỉ đơn giản là con bỗng thoáng nghĩ rằng người đàn bà kia đang tự do và... Nhưng ba không nghĩ là sở dĩ ba thấy họ giống như hai cha con là bởi vì cô kia cũng ngang tuổi với Kikuco sao?
- Cái gì-ì? - Cú giáng trả thật bất ngờ khiến Singo nghẹn lời. - Anh ăn nói cái gì vậy? Nếu họ không phải là hai cha con thì sự giống nhau của họ thật là cả một chuyện lạ.
- Tuy vậy chắc gì điều đó đã là nguyên nhân khiến ba bị xao động đến như thế!
- Đối với ta điều đó có thể là nguyên nhân. - Singo đớp lại bốp chát. Lời châm chọc rõ ràng của Suychi về chuyện Kikuco lúc nào cũng ở trong đầu ông làm ông bị tổn thương dữ dội.
Đám thanh niên có những chiếc lá phong đỏ xuống tàu ở Ophuma. Singo nhìn theo họ và nói:
- Sao nhà ta không đi lên vùng núi Sinsu để ngắm phong nhỉ? Đi cả nhà luôn.
- Con thì không thấy rung động vì những chuyện như vậy.
- Ta muốn được nhìn lại vùng núi quê hương quá chừng... Mà mẹ anh mơ thấy ngôi nhà cũ ở đó bị đổ đấy.
- Nó ọp ẹp cũ kỹ quá rồi còn gì.
- Ừ thì cũng phải có chỗ nào để thỉnh thoảng tôi với mẹ anh đến thăm lại chứ... Còn vợ chồng anh hẳn cũng thích đi du lịch đâu đó ra ngoài thành phố?
- Bố mẹ cứ đi đi, còn con sẽ ở lại coi nhà, Kikuco chưa đến Sinsu lần nào, có thể cô ấy sẽ thích đấy.
- Tóm lại gần đây nó thế nào?
- Con thấy cô ấy có vẻ hơi buồn chán, kể từ khi con cắt đứt với Kinu.
Singo nhếch mép cười cay đắng.
4
Lại là chủ nhật và Suychi lại đi câu cá.
Singo sắp lại mấy chiếc gối cũ phơi ở hàng hiên và nằm duỗi dài trên đó dưới ánh mặt trời mùa thu. Con Teru cũng nằm phơi nắng trên một bậc thềm dẫn ra vườn.
Bà Yasuco ngồi với một đống báo từ mười ngày nay ở trong bếp.
Thỉnh thoảng đọc được cái gì thú vị bà lại réo gọi Singo. Rốt cuộc Singo không chịu nổi và ông quát:
- Bà hãy bỏ cái thói quen đợi chủ nhật mới đọc báo của cả tuần đi, nghe chưa?
Trong phòng khách, Kikuco đang gắp xếp mấy cành hoa cảnh vào một chiếc bình. Ngắm mấy cành hoa, Singo bất giác nhìn lên Kikuco.
Đường nét của chiếc cằm và cái cổ thanh tú của cô trông thật tinh khiết và đẹp đẽ. Vẻ tươi đẹp như vậy không phải thế hệ nào cũng sinh ra được. Singo buồn rầu nghĩ.
- Để tôi đọc thêm cho ông một cái này nữa rồi chấm dứt hẳn. - Bà Yasuco gọi tới từ phía bếp. - ông nghe nhé!
- Trời, còn cái gì nữa đây?
- Ở Mỹ, có một vùng gọi là Ruphalo. Trong một tai nạn xảy ra ở đó một người bị đứt tai. Anh ta được đưa ngay đến bác sĩ. Còn bác sĩ, ông thử tưởng tượng xem, đã chạy bổ đến chỗ xảy ra tai nạn và tìm được cái tai đứt còn rỉ máu. Sau đó ông ta ấn cái tai đó vào chỗ của nó và ông nghĩ sao nào? Cái tai đã liền lại!
- Tôi còn nghe là ngón tay đứt cũng lành được cơ, nếu lắp ngay nó vào chỗ đứt.
- Vậy ư? - Yasuco nói và lại chúi đầu vào tờ báo của mình.
Nhưng một giây sau bà lại bật lên như thể vừa sực nhớ được điều gì. Mà việc này liên quan đến cả chuyện vợ chồng đấy! Nếu sau khi ly dị mà người ta quay lại với nhau ngay thì may ra chung sống tiếp được, còn nếu để lâu thì...
- Bà nói đến việc gì thế - Singo hỏi lại.
Câu hỏi của ông thực sự là thừa.
- Chẳng phải là với Fusaco thì cũng vậy hay sao? - Yasuco nói tiếp.
- Chỉ có điều là Aikhara đã biến mất tăm và chúng ta thậm chí không biết nó còn sống hay không nữa! - Singo đáp lại.
- Ta có thể biết điều đó nếu ta muốn. Song phỏng nó có ích lợi gì?
- Ôi, bà sao vẫn còn day dứt mãi? Nào, tôi xin bà hãy rũ sạch những nỗi luyến tiếc ấy đi. Ta đã gửi lời tuyên bố ly dị đi quá lâu rồi để... Hãy cam chịu, thế thôi.
- Từ nhỏ tôi đã quen chịu đựng rồi. Chỉ tại con bé với lũ trẻ ngay trước mặt tôi nên tôi cứ băn khoăn...
Singo không đáp.
- Fusaco đâu có xinh đẹp gì! - Yasuco nói thêm. - Nếu có ai chịu rước nó đi, hai đứa trẻ sẽ đeo lên cổ Kikuco.
- Nếu thế thì vợ chồng Kikuco sẽ ra ở riêng, còn bà sẽ một mình coi cháu đấy, bà lão ạ!
- Chưa ai dám bảo tôi là lười biếng, song ông có tính đến chuyện tôi bao nhiêu tuổi rồi không?
- Bà hãy làm những gì sức bà cho phép, điều còn lại thì để cho Thượng đế! Fusaco đâu rồi?
- Nó đưa con đi chơi ở chỗ tượng Phật rồi. Trẻ con cũng lạ thật đấy. Satoco thiếu chút nữa đã bị xe kẹp, vậy mà nó vẫn thích đi đến đó.
- Liệu có phải vì yêu pho tượng không?
- Có lẽ thế đấy. Mà này, ông có nghĩ là Fusaco sẽ về quê ở không? Để cho nó thừa kế ngôi nhà ở đấy, hả?
- Ở quê người ta đâu có cần người thừa kế. - Singo cắt ngang.
Yasuco im lặng và tiếp tục đọc báo.
Lát sau có tiếng Kikuco nói từ phía phòng khách:
- Chuyện cái tai của mẹ lại gợi con nhớ đến một chuyện khác. Có một lần ba bảo con là ba ước được đem đầu mình đi sửa...
- Phải, - Singo tiếp lời cô. - lúc ấy ta đang ngắm hoa hướng dương, đúng không? Giờ đây ta lại càng thấy có nhu cầu làm chuyện đó nhiều hơn, một khi ta đã bắt đầu quên cách thắt cravát. Sắp tới ta sẽ đọc báo ngược mất thôi?
- Con vẫn thường vắt óc tưởng tượng việc con người ta sẽ cảm thấy thế nào nếu đưa đầu đến bệnh viện.
Singo liếc nhìn Kikuco rồi đáp:
- Thì cũng như là người ta cảm thấy khi đi ngủ vậy thôi, ta đồ là thế. Có thể điều trị cho cái đầu bằng liệu pháp mơ. Chắc vì ta đã già nên rất hay nằm mơ. Ta nhớ có một câu thơ thế này: "Khi ta đau đớn, ta thấy những giấc mơ mà thực ra đó là sự tiếp nối của hiện thực". Có điều những giấc mơ của ta chẳng dính dáng gì đến hiện thực.
Kikuco nhìn vào lọ hoa.
Singo cũng nhìn vào đó và ông bỗng hỏi đột ngột như kiểu tiện thể:
- Kikuco này, sao vợ chồng con không ra ở riêng?
Kikuco giật mình đứng lên và đến bên Singo:
- Con sợ... - cô thì thầm để bà Yasuco khỏi nghe thấy. - Con sợ anh ấy.
- Con có ý định bỏ nó không?
- Nếu con quyết định như vậy, con sẽ có thể chăm sóc ba được nhiều hơn. Một cách đúng như con muốn. - Kikuco trang trọng đáp.
- Đó là nỗi bất hạnh của con.
- Làm điều mà trái tim mình mong muốn không phải là bất hạnh.
Singo sững sờ. Những lời của con dâu ông vang lên như một niềm say mê đang dâng trào mà trong đó cũng ẩn giấu cả một mối nguy hiểm nhất định.
- Thật cảm động là con quan tâm đến ta chân thành như thế, nhưng con không thấy là con lẫn lộn ta với Suychi sao? Điều đó có thể chỉ tổ làm nguội lạnh tình cảm của nó đối với con.
- Nhưng quả thực nhiều lúc con không hiểu nổi anh ấy. - Kikuco nói khẽ. Khuôn mặt tái nhợt của cô dường như đang kêu cứu. - Con thấy sợ hãi đến nỗi... thậm chí con không biết mình sợ cái gì nữa!
- Ta biết. Nó đã thành người khác từ khi ở mặt trận trở về. Quả là nhiều lúc nó cư xử theo cái cách khiến ta không hiểu đầu óc nó ra làm sao cả. Nhưng nếu con gắn vào nó giống như cái tai đứt đang còn rỉ máu kia, thì có thể cuộc sống của các con sẽ...
Kikuco không động đậy nhìn Singo.
- Nó có bảo con là con được tự do không? - ông hỏi.
- Không ạ? - Cô ngạc nhiên nhìn ông. - Tự do ấy ư.
- Ta đã bắt nó giải thích điều đó. Có thể nó muốn con cần ít bị ràng buộc hơn... con có hiểu không... nó muốn ta gợi ý cho con rằng con hoàn toàn tự do để ra đi nếu con muốn.
- Rằng con được tự do đối với ba ấy ạ?
- Đúng. Nó bảo "Kikuco được tự do và ba nói lại với cô ấy như thế!.
Vào lúc đó từ trên cao vọng đến một tiếng ồn. Singo đã tưởng là lần này ông nghe thấy tiếng kêu của trời.
Ông ngẩng đầu lên và thấy năm, sáu con bồ câu bay là là trên mảnh vườn.
Cả Kikuco cũng nghe thấy âm thanh ấy. Cô bước đến cuối hàng hiên, ngước nhìn lũ chim và nghẹn ngào thốt ra:
- Không lẽ ta được tự do thật sao?
Con Teru nhảy bật dậy khỏi bậc thềm đá và cắm đầu đuổi theo tiếng đập cánh phành phạch của lũ bồ câu.
5
Chiều đến, cả nhà tụ họp bên bàn ăn, với đủ mặt cả bảy người.
Tất nhiên là Fusaco và các con của chị đã trở thành thành viên chính thức trong gia đình.
- Ở hiệu bán cá chỉ còn có ba con cá hồi. - Kikuco phân trần. - Ta sẽ cho Satoco một con nhé!
Cô đặt con cá vào đĩa của Satoco, con thứ hai cho Singo và con thứ ba cho Suychi.
- Cá hồi không phải để cho trẻ con! - Fusaco tuyên bố và cầm lấy cái đĩa của Satoco. - Con đưa cho bà đi!
- Không. - Satoco kêu lên và kéo cái đĩa lại.
- Con cá to quá nhỉ! - Bà Yasuco ngạc nhiên nhận xét. - Đợt cá cuối cùng của năm nay đấy, phải không? Tôi ăn chẳng hết cả con đâu nên sẽ ăn chung với ông nó thôi, còn Kikuco chung với Suychi.
Bảy người được chia thành ba nhóm. Có lẽ đã đến lúc họ phải được tách ra ở riêng chăng?
Fusaco lườm con vì nó ăn uống để dây mỡ ra khắp cả người. Chị lấy cái trứng cá và đút vào miệng cho đứa nhỏ.
- Chà, trứng cá hồi. - Yasuco lẩm bẩm và xắn một miếng trứng trong con cá của Singo.
- Hồi trước chị của mẹ các con đây cứ bắt ta viết khokhu 1 hoài, - Singo nói. - Bà ấy có đủ các ý thơ gắn liền với cá hồi: "Cá hồi mùa thu", "Cá hồi thả mình trôi theo dòng nước để đẻ trứng", "Cá hồi đã đẻ xong trứng của mình".
Ông liếc nhìn vợ rồi nói tiếp:
- Sau khi đẻ trứng xong, con cá hồi kiệt sức thả mình trôi theo dòng nước ra biển.
- Giống như con vậy, - Fusaco nói nhanh, - mặc dù con chẳng được xinh đẹp như cá hồi.
Singo vờ không nghe thấy và tiếp tục:
- Đây ví dụ một khổ thơ thế này:
Cá hồi Trao phó cuộc đời
Cho làn nước mùa thu.
Hoặc:
Cá hồi buông mình
Trôi theo dòng nước
Chẳng biết đâu cái chết đang rình.
Dường như là viết về tôi vậy!
- Không, về con đó! - Fusaco nói. - Thế còn cá hồi khi trôi ra biển như vậy có chết hay không?
- Chết chứ, tuy rằng cũng có những con ẩn được vào những hốc sông sâu và sống qua mùa đông ở đó, người ta gọi chúng là "cá hồi lười".
- Vậy là có thể tôi thuộc loại "cá hồi lười" chăng?
- Còn con thì có lẽ không thể ở lâu được một chỗ. - Fusaco thốt ra.
Bà Yasuco nhìn con gái và bảo:
- Nhưng từ khi về đây với chúng ta, mày mập lên đấy, và sắc mặt cũng khác hẳn.
- Có điều con đâu có thích mập.
- Về ở với cha mẹ thì cũng như là ẩn mình qua mùa đông ở một hốc sông sâu vậy. - Suychi phụt ra.
- Tôi sẽ không ẩn lâu đâu. Chán lắm rồi! Tôi sẽ buông mình trôi ra biển. - Fusaco đáp lại và thét lên: - Satoco! Không thấy là chỉ còn xương thôi sao? Lật xới cái đĩa đủ rồi đấy!
- Ôi dào, nghe chuyện của ba tụi bây chỉ tổ làm hỏng cả món cá hồi thôi chứ có được gì đâu! - Bà Yasuco nói. Trên mặt bà hiện lên một vẻ rất lạ.
Fusaco cúi mặt xuống và lại tiếp tục nói. Môi chị ta run run:
- Ba ạ, ba giúp con mở một cửa tiệm có được không? Nhỏ thôi, nhỏ nhất trên thế gian này cũng được! Tiệm bán đồ mỹ phẩm hay văn phòng phẩm gì đó. Ở một chỗ hẻo lánh cũng xong. Hoặc nếu là quán bán nước giải khát, con cũng không phản đối.
- Chị nghĩ rằng mình có khả năng để kinh doanh buôn bán những thứ ấy à? - Suychi hỏi với một vẻ ngạc nhiên thành thực.
- Thế tại sao tôi lại không có khả năng? Khách người ta đến uống nước chứ đâu có uống mặt tôi? Cậu có vợ đẹp thế rồi còn thưa thốt gì lắm nữa?
- Tôi đâu có nói theo ý đó. - Suychi phân bua.
- Tất nhiên là chị Fusaco có thể xoay xở nổi với chuyện buôn bán như thế. Người đàn bà nào cũng đều có thể. - Kikuco đột ngột lên tiếng. - Và nếu chị mở được cửa hàng, em sẽ xin được phụ với chị.
- Vậy ư? Thế thì hay lắm đấy! - Suychi giả bộ thán phục.
Những người khác im lặng. Kikuco đỏ mặt lên đến tận mang tai.
- Thế cả nhà sẽ nói sao nếu tuần sau ta đi Sinsu chơi? Ta sẽ ngắm phong ở đó. - Singo đề xuất.
- Cây phong hả? Ôi, tôi rất thích đấy? - Yasuco thốt lên và mắt bà sáng long lanh.
- Cả Kikuco nữa chứ? Con nó chưa được biết quê hương của nhà ta mà. - Singo bổ sung.
- Ôi con rất vui lòng ạ! - Kikuco đáp.
Fusaco và Suychi ngồi im lặng, mặt mày ỉu xìu.
- Thế ai sẽ ở lại coi nhà? - Bà Yasuco hỏi.
- Để con ở lại. - Suychi đáp.
- Không, để tôi, - Fusaco phản đối. - Chỉ có điều là tôi muốn được biết câu trả lời của ba trước khi cả nhà ra đi.
- Từ nay đến hôm đó con sẽ được biết ta quyết định thế nào. - Singo hứa. Ông bỗng nhớ đến tình nhân của Suychi với đứa con trong bụng, hiện hẳn cũng đã có tiệm may riêng ở Numatzu.
Suychi đứng dậy đầu tiên.
Singo cũng đứng lên và xoa nắn cái gáy mỏi cứng của mình. Sau đó ông vào phòng khách, bật đèn và kêu lên:
- Kikuco, dây bầu cảnh của con thòng xuống tận đất rồi này. Chắc nó nặng quá đây!
Kikuco hẳn không nghe thấy tiếng ông, vì cô đang rửa chén đĩa.
(In theo bản của Nhà xuất bản Thanh Niên 1989)
Chú thích:
1. Khokhu: Một thể loại thơ của Nhật.
28/4/2011
Kawabata Yasunari
Dịch giả: Ngô Quý Quang
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú chuột La Hán

Chú chuột La Hán Ông Tư ngồi buồn như đang mất đi một người bạn. Từ ngày bỏ rượu niềm vui của ông chỉ quanh quẩn bên chú chuột nhỏ, bởi du...