Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2024

Con người tinh khôn - Con người rồ dại

Con người tinh khôn
Con người rồ dại

Những cây dương liễu (phi lao) cổ thụ bật gốc, giơ cả bộ rễ đồ sộ lên trời, hướng về phía đất liền. Những cây khác bị gãy ngang, tét ra, như cây đũa bị bẻ bởi một con quái vật khổng lồ. Ngoài kia, im lìm không một chút gió. Nhưng lạ thay những cơn sóng biển vẫn dựng đứng, vỗ ầm ầm vào bờ. Cả một bầu trời xám xịt.
Sau bão số 9 đổ bộ vào Quảng Ngãi, cả một dãy rừng phòng hộ bị giũ như một tấm áo rách, xơ xác, hoang tàn. Nếu có mùi khét và khói lửa, thì đây có thể xem như là bối cảnh của chiến tranh.
Tôi đi giữa rừng dương tan tác, có cảm giác như mình đang khóc.
Lần đầu tiên trong đời, tôi tận mắt chứng kiến một cảnh rừng hoang tàn sau bão như vậy. Nhìn những gốc cây dương bật trơ về phía xóm làng, mới biết thế nào là cơn bão hoàn lưu, tràn  quét vào rồi quần ngược trở lại. Cơn bão vào như một màn chào hỏi thăm chừng. Cơn bão quật ra là cười cợt, phá banh hết mọi thứ. Đó là cơn bão kép, mà quê tôi gọi là lại nồm (hay nờm)
Rừng phòng hộ tan nát thì nhà cửa trong thôn xóm cũng nát tan. Nhà mái ngói thì bị bể vụn. Nhà mái tôn thì bị tốc bay. Từng mảng mái tôn cư bay quần quật trên cao rồi quăng xuống như ông trời giỡn một trận quạt.
Tôi về quê sau những ngày bão, nghe từ trung niên tới người già nói là chưa bao giờ bão lớn như vậy. Chưa bao giờ bão kéo dài gần suốt cả ngày. Nghe sợ lắm. Nhà cửa bay thì chấp nhận rồi. Nhưng mà sợ chết quá. Tiếng gió hú gió rít nghe ghê lắm. Rồi như có bàn tay khổng lồ vươn tới lột mái nhà mình ném đi. Cả căn nhà trống hoác. Mưa gió ập xuống, nước lênh láng, lạnh run.
Nhưng quê tôi còn may không có lũ bùn như những vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… Quê tôi còn may hơn Trà Leng – Nam Trà My (Quảng Nam) Chỉ sau một trận mưa núi, đất sạt lở đã cuốn phăng cả một ngôi làng, làm mấy chục người chết. Rồi thảm kịch lại tái diễn ở Trà Leng thêm một lần nữa, cũng do mưa lũ, sạt lở đất.
Cả một tháng trời, dải đất miền Trung chìm trong tang thương do thiên tai bão lụt.
Cả tháng trời, người dân vừa lo chống dịch Covid, vừa lo cầm cự với nền kinh tế đang dần chạm đáy, vừa lo cứu trợ miền Trung trong tình cảnh “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.
Rồi trong nghị trường, nóng lên chuyện đại biểu chất vấn bộ trưởng rằng: “Đồng chí tiếp tục ủng hộ làm thủy điện nhỏ, đúng không?”
Lời chất vấn nghe như tiếng kêu. Nhưng vẫn không có câu trả lời nào thỏa đáng. Bộ trưởng và nhiều quan chức vẫn cho rằng lỗi không phải do thủy điện, đừng có mà đổ hết cho thủy điện, mà mưa bão lụt lội là do biến đổi khí hậu và do những “hành vi sai trái của con người”. Cụ thể là do nạn chặt phá rừng dữ quá, từ suốt mấy chục năm nay rồi, khiến rừng nguyên sinh cạn kiệt. Chứ thủy điện, có phá rừng, cũng ít thôi, và thủy điện cũng trồng lại rừng và góp phần điều tiết nước cơ mà (!)
Tranh cãi không bao giờ là điểm dừng, là đích đến, ít ra là đối với người Việt, theo quan sát nghiêm túc của tôi.
Ai cũng có xu hướng cho mình đúng. Oái ăm, người càng sai thì càng phải chứng tỏ rằng mình đúng.
Trước khi nói tới rừng nguyên sinh, tôi muốn nói tới rừng phòng hộ quê mình. Quê tôi có biển ngang kéo dài, nổi tiếng xinh đẹp về phong cảnh và hào phóng về sản vật. Trải dài theo bờ biển là cánh rừng dương xanh thẳm, bạt ngàn. Ngày bé, mỗi lần ra biển, chúng tôi phải đi bộ qua những trảng cát trắng mênh mông hút mắt. Không có xe cộ nào qua được những trảng cát dài và dày ấy, chỉ có đôi chân mà thôi.
Nhà văn Trần Nhã Thụy và doanh nhân Trần Thanh Phong trong chuyến từ thiện ở quê hương Quảng Ngãi sau bão số 9 năm 2020
Ngày bé, nhìn rừng dương chúng tôi chỉ thấy đẹp mắt, thấy lãng mạn, chứ không nghĩ tới chuyện phòng hộ, che chắn cho thôn làng. Nhưng ý nghĩa thực sự của rừng dương, chính là rừng phòng hộ, ngăn gió cát và hơi mặn thổi vào đất liền.
Rừng phòng hộ gồm nhiều lớp. Từ biển vào khoảng 1km là lớp đầu tiên. Tiếp theo là những bàu nước, hay còn gọi là rộc nước lợ (nước chè hai) Như là nơi điều tiết nước tự nhiên. Rồi tiếp một lớp rừng dương nữa. Rồi những cồn cát hay bãi tha ma. Rồi tiếp một lớp rừng dương. Rồi bàu nước. Rồi mới đến làng.
Từ làng, ra tới biển xa lắm. Đi bộ mất cả buổi trời. Nếu đi vào giữa trưa nắng thì phải vừa đi vừa chạy vì cát nóng bỏng chân.
Ngày xưa, dân làng quý rừng lắm, họ thấu hiểu “rừng vàng biển bạc” theo đúng nghĩa của nó. Ngày đó chính quyền họ giữ rừng cũng kỹ, người dân không ai được chặt cây làm củi làm nhà. Người dân chỉ được cào rác dương về chụm bếp hoặc gánh đi bán cho những lò nấu rượu, nấu mạch nha. Tôi vẫn nhớ hình ảnh những người đàn bà đi cào rác dương trong cánh rừng xanh và sạch bong cát trắng. Tôi vẫn nhớ hình ảnh mỗi tờ mờ sớm, những người phụ nữ kĩu kịt gánh rác dương đi như chạy trên những con đường làng quanh co.
Thế rồi, người ta mở đường ra biển để mở các quán nhậu hải sản. Thế rồi người ta lấn dần ra biển, chặt rừng dương, làm chuồng bò, làm đìa nuôi tôm…; sau nữa thì cất nhà. Ở những nơi xưa kia không có một ngôi nhà nào, toàn là cát trắng, cây dại, hoặc phi lao, thì nay nhà mọc đầy.
Rừng phòng hộ, ngày xưa có đến ba, bốn lớp, giờ chỉ còn một lớp duy nhất, mỏng manh, như làm kiểng. Tôi nghĩ, chỉ cần bão nhẹ cũng đủ xô ngã rừng phòng hộ này, huống chi là bão nặng như bão số 9 vừa rồi. Rừng dương bị bão quần tơi tả, thảm thương. Nhìn mà thấy uất ức thay cho cây rừng.
Vậy thì thiên tai hay nhân tai?
Tôi đồ chừng rằng, không có ai chịu nhận chính mình đã ra tay phá rừng. Mình có làm gì quá đáng đâu? Chỉ là chặt vài chục cái cây để trống chỗ làm nhà, có gì mà kêu phá hoại? Cũng như vậy, thủy điện nhỏ thì đâu có phá hết rừng?
Nhưng, từng chút một, con người đang phá rừng. Không chỉ phá rừng mà còn ngăn sông chận suối. Nói như Jean Marie Pelt (nhà thực vật học nổi tiếng người Pháp) thì: “Nhân loại đang phá hủy từng cái một, những hệ thống phòng ngự của cơ thể trái đất”.
Vâng. Trái đất cũng chính là một cơ thể.
Nếu xem trái đất chính là quê hương của con người, thì bất kỳ mỗi quê nhà nào cũng là một phần trái đất. Chúng ta đều liên quan đến nhau cả. Đừng có nghĩ miền Trung bị thiên tai lũ lụt, miền Tây bị hạn hán mất mùa, còn những nơi khác sẽ bình yên. Đừng bao giờ nghĩ như vậy. Đừng bao giờ nghĩ “Chúng tôi không liên quan”. Chúng ta đều cùng ở trong trái đất quê hương này. Chúng ta đều cùng một mẹ thiên nhiên này.
Nhưng con người tinh khôn quá, rồi cũng rồ dại quá. Tại sao tới bây giờ chúng ta mới giật mình nghĩ tới rừng nguyên sinh, tới những thảm thực vật tự nhiên dưới những cánh rừng già? Đến rừng già còn mất thảm thực vật thì đồng bằng sao còn những hệ sinh thái tự nhiên? Bê tông cho bằng hết thì lấy đâu ra cho thực vật nương náu? Thấy chỗ nào phong cảnh hữu tình cũng mang máy ủi đến đào xới, mang xi măng sắt thép tới xây nhà ở, thống ngự trên đó, ăn chơi nhảy múa xả thải những thứ dơ dáy nhất của loài người… Mà quên rằng, nơi ấy vốn dĩ nó thuộc về thiên thiên, là xứ sở của Thần Cây, Thần Mây, Thần Gió…
Lòng tham con người dường như vô tận, không đáy.
Con người tinh khôn, nhưng con người cũng rồ dại.
Sau những trận sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng thì tôi mới cất công tìm hiểu và bàng hoàng nhận ra rằng: “Đây chính là chốn rừng thiêng nước độc” ngày xưa. Ngày xưa không có người nào đến sống ở những vùng này. Cùng trên trục với Nam Trà My là Phước Sơn (từ Trà Leng – Nam Trà My đến Phước Thành – Phước Sơn khoảng chừng 200km), nơi từng xảy ra trận Khâm Đức dữ dội năm 1968.  Cũng trên tuyến này đi lên phía Bắc đến vùng Thừa Thiên có trận Ashau A Lưới mà người Mỹ gọi là Hamburgur Hill tức Đồi Thịt Băm, theo trục này đi về phía Nam ở Kontum thì có trận đồi Charlie, sự tích của bài hát “Người ở lại Charlie”…
Trà Leng, trong chiến tranh, cũng là một vùng hiểm trở, không hề có đường xá, dân cư, mà chỉ có tiền đồn và được tiếp liệu bằng trực thăng vận.
Tua một chút về lịch sử để thấy, những nơi này, thiên nhiên vốn đã khắc nghiệt lại càng thêm nghiệt ngã sau chiến tranh, khi con người tới đó sinh kế, phải biết nương tựa vào thiên nhiên, vào rừng già, chứ đừng nghĩ mình văn minh, hiện đại và là kẻ mạnh.
Để đến những nơi này sinh sống hoặc là dựa vào thiên nhiên hoặc là kiểm soát được những hiểm nguy bất trắc, bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất. Nhưng dân nghèo chạy ăn từng bữa thì có thể làm gì?
Thật xót xa. Cứ sau những đau thương thì lại giật mình rút kinh nghiệm. Nhưng con người vốn là động vật mau quên. Những sai lầm rồi cứ tiếp tục (?)
Con người tinh khôn – con người rồ dại.
Con người dường như có thể bỏ ra hằng đống tiền để mua sắm những thứ xa xỉ như quần áo, mắt kính, dày dép… Lại dành cả đời để xây nhà, mua xe, sắm sửa các tiện nghi… Nhưng có những thứ sẵn có từ Mẹ thiên nhiên, hoàn toàn miễn phí thì lại không biết quý, như không khí trong lành, như một bầu trời xanh, như một áng mây đẹp, như một cành hoa dại, như một ánh sao khuya… Hay là con người ta, phải đợi lúc xếp hàng mua từng bịch ô xy, đợi lúc book chỗ đi ngắm một áng mây, bỏ tiền để xem một suất múa đom đóm…; thì mới thấy thiên nhiên là quý giá?!
Từng chút một, con người xâm hại trái đất, làm tổn thương thiên nhiên trầm trọng, mà cứ nghĩ mình hoàn toàn vô tội.
Cũng như cách mà con người sùng bái vật chất mà xem thường thi ca, thậm chí giễu nhại thi ca như là những gì vớ vẩn nhất của đời sống này. Mà họ không biết rằng, thi ca, ngoài “sản phẩm thủ công” là những bài thơ, thì nó còn chính là những vẻ đẹp thuần khiết nhất của đời sống này. Trái đất này, nếu như không được xem nó là Thi ca, thì đó chính là một sai lầm lớn của con người.
Cuối cùng thì mỗi chúng ta, từ khi trưởng thành, ai cũng sở hữu một cái Chứng minh nhân dân để trình diện khi cần, nhưng ai là công dân xứng đáng có được một Tấm căn cước của trái đất này, thì đó còn là một câu hỏi?.
Sài Gòn, 10/11/2020
Trần Nhã Thụy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bảng Lảng Như Hoa Mùa Xuân Như lệ thường, gần đến Tết, tôi chạy xe vòng quanh phố. Mọi thứ như đang vươn sức xuân. Mảng tường nhà ai đ...