Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2024

Giọt tình long lanh

Giọt tình long lanh

Mùa xuân đến trong vườn cây bát ngát những gió và nắng vàng tươi. Hàng cây dầu, cây me cổ thụ vươn cao hàng chục mét với tán lá xanh mướt xòe rộng mát dịu trong tầm mắt nhìn. Những thân cây to lớn, vạm vỡ hàng trăm tuổi lặng lẽ với màu đen tuyền xen lẫn những đốm trắng bạc tựa như quyền lực, huyền bí của thời gian. Vài ô cỏ xanh trồng những cây dừa nhỏ, tùng, bách xen lẫn các loại hoa nhiều màu sắc rực rỡ trong những hạt nắng nhảy múa lung linh.
Chúa Xuân về cho muôn loài thêm tươi đẹp, nảy nở, sinh sôi. Bầy chim ríu rít trong những đám lá rậm rạp, nắng gió như quyện vào nhau rì rào sà trên đám cỏ xanh rì. Những cây cổ thụ tưởng như ngàn đời im lặng nhưng cũng rung rinh xào xạc lá cành, nơi gốc cây xù xì tách nhẹ những mầm xanh điểm trên nền đen bạc như kỳ ảo của sự sống trong đời. Những bông điệp vàng nhẹ như đàn bướm đậu hững hờ lay nhè nhẹ như sắp vỗ cánh bay, hồng tím như hoa me tựa cụm khói nhạt tròn vo nương nhờ trên vòm lá… ôi cuộc sống đáng yêu và như cho ta tận hưởng từng ngày.
Nhớ lại thời sinh viên áo trắng vào những năm cuối của thập niên 70 thế kỷ trước. Vui hết mình cùng tình bạn trong trẻo thiết tha, buồn sầu vương vấn với tình yêu ngây thơ, trong trắng lạ thường. Thuở ấy, tình yêu đôi khi chỉ là cầm nhẹ bàn tay rồi nhìn vào đôi mắt lặng im, thời gian như bàng hoàng đứng lại, trái tim rộn rã giai điệu đẹp của bản tình ca, như thế… đã là yêu rồi đó. Có một cuộc tình ngày ấy mãi còn đọng trong trí nhớ, trong giấc mơ đêm đêm, trong khắc khoải mỏi mòn cuộc đời, trong đắng cay của dĩ vãng ngậm ngùi lại là cuộc tình ngây thơ ấy. Cuộc tình luôn làm mình liên tưởng đến cơn mưa, liên tưởng đến khi cầm tay nhau nhìn sâu trong đáy mắt chỉ thấy nỗi buồn sâu thăm thẳm. Và trên mi mắt đọng lại một giọt nước tròn trong veo, bâng khuâng tự hỏi là hạt mưa rơi hay nước mắt cuộc tình, nhưng nó đẹp trong sáng lạ thường, lấp lánh “Như Ngọc”.
Mỗi khi nhớ về câu chuyện tình yêu ấy trong ký ức, man mác nỗi buồn kỷ niệm tuổi học trò, nó sánh đặc trong đau thương của thời cuộc hậu chiến tạo thành “giọt tình long lanh”. Cuộc tình làm mình luôn tưởng nhớ đến những lần đi dưới cơn mưa lớn. Ôi tình yêu, như giọt lệ long lanh đọng nhẹ trên mi như ngọc, sâu thẳm đượm buồn nơi đáy mắt, mười ngón tay thon dài những hương yêu còn mãi cùng tháng năm. Nhà nàng vốn nhiều anh chị em, Cha nàng là người khéo tay chế ra bộ khóa cửa bằng inox với cái chìa là miếng thép mỏng như lá lúa mà không tên trộm nào thời đó có thể mở được. Anh trai của nàng cũng là một tay guitar tài hoa nổi tiếng sát gái trong vùng Thạnh Mỹ Tây. Rồi còn có em trai út của nàng, người đào hoa lịch thiệp luôn gắn bó yêu thương cả với mình gia đình như người thân cho đến tận hôm nay…
Vài năm sau giải phóng, cuộc sống gia đình mình cũng gặp muôn vàn khó khăn như mọi người. Thời buổi tem phiếu, tự cung tự cấp, ngăn sông cấm chợ (như một phần trải qua của lịch sử xã hội Việt Nam, là ký ức một thời mà mình luôn yêu thương, trân trọng, là nền tảng hình thành đổi mới đất nước hôm nay), lương làm không đủ sống, nhà nhà phải tăng gia sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Hàng ngày đi học xong, mình tranh thủ mua rau cũ nát, chở hèm, lấy nước phở nuôi heo. Tuy cực khổ, vất vả nhưng nhìn bầy heo được nuôi kỹ lớn nhanh như thổi và mỗi dịp mổ heo được giữ lại những phần ngon nhất cho bữa cơm gia đình, hạnh phúc nào bằng.
Nhà mình ở cư xá Đinh Bộ Lĩnh, gia đình công chức. Nhà nàng, quán phở Cầu Sơn nổi tiếng nhất trong vùng. Nhà mình, cha mẹ tập kết trở về, anh em một lòng chí thú học hành, tốt nghiệp đại học rộng mở con đường công chức. Nhà nàng lễ phong, gia giáo một lòng tôn kính Đức Chúa trời và các thánh thần. Trong thời buổi “gạo châu, củi quế” ấy, cả hai gia đình là cách biệt rất xa về cuộc sống thường nhật trong xã hội đã trở thành hàng rào vô hình không thể nào vượt qua được. Nhưng hai bà mẹ trở thành đôi bạn thân tri kỷ bởi những đạo đức, cư xử trong đời, nhân từ, phúc hậu và luôn thương yêu, giúp đỡ mọi người. Chị của nàng bán gạo ngon thường xuyên đến nhà mình đổi lại gạo ẩm mốc, đầy sạn mua từ tem phiếu và lấy phần chênh lệch tượng trưng. Chiều chiều, mình – sinh viên áo trắng chạy bàn quán phở với chiếc xe đạp Thống Nhất chờ lấy đầy hai thùng phở ăn dư bỏ để nuôi heo, nàng tươi cười vừa múc phở vừa đon đả chào khách. Mỗi lần như vậy, khi vãn khách, nàng với đôi mắt như nở nụ cười tinh nghịch múc cho mình một tô phở bò đặc biệt kèm theo những miếng chả lụa tự làm với mùi thơm ngon ghi nhớ mãi trong đời…
Rồi một hôm, khi ra quán phở như mọi chiều, mình cũng gặp một tình địch đáng nể. “Minh nổ”, một thanh niên trắng trẻo, đẹp trai, đậm người vốn là dân đi buôn đường từ Tây Ninh về thành phố (thời đó, đương nhiên là khá giả đầy sức hút với các thiếu nữ) đang dầy công theo đuổi, tán tỉnh nàng. Chạm trán, mình mỉm cười chào nhẹ rồi ngồi đối diện và lịch sự không nói. “Minh nổ” lớn tiếng thách đấu “ăn phở thi”, ai thua trả tiền. Đúng tủ “sinh viên” giữa thời đói kém đang tuổi ăn, tuổi lớn, mình vội cười lớn như đồng ý. Hắn nói “tôi ăn chay” nên gọi tô phở không thịt. Mình thì làm sao bỏ được phần ngon nhất nên không nhận ra với hai tô đầu đầy những thịt và chả lụa.
Khi thấy bất lợi do thịt, chả gây đầy bụng, mình cũng tiếp tục cuộc đua bằng những tô phở “không người lái”. Hết tô thứ tư loại đặc biệt, dù đã căng cứng bụng mình vẫn thản nhiên nhẹ cười cầm tô lên húp sạch nước còn lại, nhẹ nâng ly trà đá lên nhắp và cố gắng không để phun ra, coi thường cuộc đua đi vào kết cục sinh tử. Nói thật, lúc đó với thân phận sinh viên, mình làm gì có đủ tiền trả cho từng đó tô phở nên chỉ biết tự nhủ là phải chiến đấu bất kể chuyện gì xảy ra. Kể ra “Minh nổ” cũng khá dữ dằn nhưng trước vẻ thản nhiên của mình, hắn chấp nhận thua cuộc trả tiền. Khi chở nước phở về đến nhà, cơn no làm mình đau đớn, đứng không đứng thẳng người được; nằm cũng không xong. Cọng phở như nằm ngay cổ họng mà không nôn ra được, mình thiếp đi chốc lát, tỉnh dậy mới biết là… “còn sống”. Một kỷ niệm đáng yêu trong đời và gay cấn nhất trong những lần “thi ăn”.
Đã hơn 40 năm trôi qua, giờ đây mình vẫn còn ở Thành phố Hồ Chí Minh nghĩa tình với hai mùa mưa nắng như ngày nào, nàng thì định cư ở bên kia quả địa cầu với gia đình thành đạt, hạnh phúc và nghe nói “Minh nổ” hiện là đại gia, chủ hãng kẹo dừa lớn ở Bến Tre. Một cuộc tình mà cả hai thằng… đều thua và nhuốm những nỗi buồn vu vơ trong cuộc đời!
Vui nhất mỗi khi hè về trong rực đỏ của hoa phượng vĩ và âm thanh rộn rã của những chú ve sầu. Nàng theo mình xách vợt đi đánh bóng bàn “cá độ” ở các lò Bình Thạnh, quận 1. Đêm đêm mình lại sát cánh bên nàng cùng chung tụ “lô tô” gia đình. Và những lần cả nhóm đạp xe đi vườn cây Lái Thiêu với cả rừng trái cây sầu riêng, chôm, dâu da… Cả khung trời học trò là những đêm ca hát, tâm tình vui đùa cùng lũ bạn học tinh nghịch của nàng, rồi kể những câu chuyện ma vốn thuộc năng khiếu của mình mỗi khi đêm khuya về làm đám học trò gái nhỏ xinh sợ hãi, lo âu nhưng mắt sáng ngời sự kinh ngạc, thích thú. Lúc đó, thế giới tâm hồn của mình luôn mơ mộng, rộng mở và vô cùng tươi đẹp. Cuộc đời tưởng như gắn với những câu chuyện tình muôn thuở của loài người như: Những vì sao, Chiếc lá cuối cùng, Tristan et Isuet, Rmeo and Juliette, love Story, Carmen… bài thơ thời Tống, Đường: Trường trương tư, Phong kiều dạ bạc, Hoàng hạc lâu… cả những nhà thơ tình Việt Nam đầy quyến rũ Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Hữu Loan… và cả những bài thơ mình viết tặng nàng ngày nào với cảm xúc trong trẻo, tinh tế, ngây thơ Như cơn mưa mùa hạ, Lá bằng lăng trong mưa, Hương yêu, Cánh hoa phượng đỏ, Sao Mai – Sao Hôm…
Đầu những năm 1980, các anh chị của nàng cũng dần dần ra đi tìm cuộc sống nơi chân trời mơ ước bất chấp hiểm nguy. Vẫn biết là thế, nhưng với mình cuộc sống là ở đây, quê hương, cha mẹ, anh em, bạn bè là ở đây, cái khoảng cách ấy không gì san lấp được. Rồi ngày ấy cũng đến, đêm chia tay hai đứa chỉ nhìn nhau rưng rưng buồn không nói nên lời. Trời về khuya, cơn mưa lớn như chưa từng có dâng ngập nước trên con đường lớn làm hai đứa run lạnh trong đêm. Những chiếc lá bằng lăng xanh nhạt chao đảo trong gió mưa giận dữ. Thời gian như ngừng lại, đêm dài ra vô tận. Anh vẫn đọc được trong ánh mắt như ngày nào, bình an và hạnh phúc như lời chúc cuối cùng cho nhau và mãi đọng trong ký ức không quên, giọt mưa buồn hay nước mắt em nơi cuối mi long lanh Như Ngọc. Em thường buồn nói rằng “một mai cõi sống của em sẽ là Thiên đàng, nơi đời đời theo Chúa tận hưởng vĩnh phúc, còn anh ở cõi trung dung dành cho kẻ vô thần mãi mãi không gặp được nhau”. Nhưng em ơi, một mai khi qua đời anh sẽ là vầng mây trắng lang thang khắp cõi đời yêu thương, để đêm đêm ngắm sao trời đẹp xinh cùng muôn vàn chuyện tình nhân gian, ngắm bình minh hồng và hoàng hôn màu tím cùng sao mai – sao hôm vội vã trốn chạy loài người. Không có em nhưng anh vẫn còn mơ thấy giọt nước mắt ai long lanh như ngọc, hương bàn tay cô chủ bán phở cõi trần gian. Và nơi anh ở nhất định chỉ có tình yêu thương, không còn sự khắc nghiệt của xã hội, không có giàu nghèo; không phân biệt tôn giáo… nơi ấy nhất định hai đường thẳng song song phải gặp nhau ở một điểm hạnh phúc.
Anh còn nhớ mãi đôi mắt buồn khi mình gặp nhau tựa như đôi mắt đẹp nhất của con người trong bức tranh huyền thoại “Mona Lisa” của danh họa Leonardo Da Vinci. Sự kỳ diệu của đôi mắt ấy như đem lại nỗi buồn vô tận khi ta có cảm xúc vương buồn và cũng lạc quan yêu đời khi mình thấy cuộc sống vui tươi, đáng yêu. Thế giới của em bây giờ mặt trời mọc ở đằng Tây, còn của anh mỗi buổi sáng lại hừng sáng ở phương Đông. Khi bên em là ngày nắng vàng rực rỡ thì bên anh lại là bóng đêm đầy trời sao huyền thoại. Trời sắp sáng, trong nhè nhẹ hương cây sớm mai, tiếng chim ríu rít chào buổi sáng. Đôi mắt bây giờ lại hiện hữu là ngôi sao đẹp nhất, lấp lánh trên bầu trời, như bỡn cợt để hai đứa mình cùng nhìn thấy. Anh ước là “sao Mai” cầu chúc cho em luôn hạnh phúc viên mãn trong đời, và bên em lại là “sao Hôm” chiều tà trong nắng nhạt màu tím buồn khiến anh lạc lõng chơi vơi. Ôi tình yêu, hai đường thẳng song song không thể gặp nhau vì cuộc đời là những giới hạn, rào cản… làm gì có “vô cực” em ơi!.
30/5/2020
Nguyễn Trung
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nguyễn Phúc Lộc Thành “phục sinh” trong thơ lục bát Giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam 2023 vừa trao cho tập thơ “Đồng sen tàn” củ...