Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2024

Mả khách - Trang Thùy

Mả khách - Trang Thùy

Phía sau nhà tôi có một ngọn đồi, ở đó có rất nhiều khu lăng mộ của những người có gốc gác từ Trung Hoa mà chúng tôi vẫn gọi nơi đây là Mả Khách. Phải chăng tiếng Mả là mồ mả còn Khách là tiếng để nói lên rằng nơi đây là nơi chôn những người ở một xứ sở khác nên được gọi là khách. Chẳng biết cách suy luận đó có chính xác hay không nhưng chỉ biết rằng đó là một mô đất rộng lớn chừng bảy ngàn mét vuông, quanh năm cỏ dại mọc đầy.
Trước cửa Mả Khách có một ngôi miếu có lẽ được xây dựng từ rất lâu đời, tôi nghĩ vậy vì khi tôi sinh ra thì đã có Mả Khách, mạ tôi nói vậy. Hàng năm, cứ vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm Lịch, hay còn gọi là ngày Tết Thanh Minh đó là dịp rất nhiều những người thân thích, họ hàng với những người quá cố được chôn cất nơi đây lại lên chăm sóc mồ mả, bày biện nhang đèn phẩm vật để cúng bái.
Chúng tôi chỉ nghe lỏm bỏm những câu chuyện về Mả Khách từ những người lớn tuổi trong xóm. Những câu chuyện đầy bí ẩn và ma mị được truyền tai nhau chủ yếu là những chuyện gặp ma ở đó. Không biết thực hư thế nào nhưng những câu chuyện ấy luôn ám ảnh trí óc non nớt của chúng tôi khiến chúng tôi đều mang một nỗi sợ sệt mỗi lần phải đi ngang con đường này. Ấy vậy nhưng với lũ con nít quên nhớ chỉ như những cơn mưa rào mùa hạ thì Mả Khách vẫn là nơi gắn liền suốt một thời tuổi thơ của tôi.
Bây giờ nhiều lúc gặp nhau một kỉ niệm mà không ai trong lũ trẻ giếng Chùa chúng tôi ngày ấy có thể quên đó là Mả Khách vào những dịp Thanh Minh. Đó là lúc những đứa trẻ xóm Chùa chộn rộn, chúng rủ nhau tụ tập thành một bầy lao nhao. Chẳng để làm gì cả, chỉ việc giả đò chơi đùa chạy nhảy quanh quất nhất là những nơi có những ngôi mộ được cúng nhiều hoa quả. Mặt chúng tôi đứa nào đứa nấy hiền khô, có đứa mũi quẹt bên má như bện cơm cháy, tóc lưa thưa vàng hoe cháy nắng, hậu quả từ những buổi trưa trốn ba mạ rủ nhau thả diều đuổi bắt.
Chỉ có vậy thôi, nhưng chúng tôi cũng lấy được không ít những ánh mắt thương cảm. Để rồi sau khi cúng xong chúng tôi được gia chủ cho rất nhiều quà mang về, xôi chè bánh chuối trái cây chi cũng có cả, thậm chí có đứa may mắn còn được cho tiền nữa.
Ấy thế nhưng cũng có chuyện cười ra nước mắt do mấy anh lớn hơn ở xóm trên gây ra. Chuyện là một hôm đang trong lúc chờ hương tàn bỗng một bà gia chủ bất ngờ kinh hãi la lên : “Thôi rồi cái đầu heo không cánh mà bay!” Thì ra, trong một bụi cây rậm rạp, mấy anh đó nghịch ngợm và tinh quái đã thủ sẵn một cây tre vót nhọn và thừa khi không ai để ý liền thò ra rồi hô biến đầu heo và nải chuối một cách ngon ơ.
Mặc dù lũ trẻ con giếng Chùa không tham gia phi vụ này nhưng tối đó tôi cũng bị mạ cho ăn mấy đòn bánh tét tê mông “cho chừa cái thói đi chơi lung tung phá làng phá xóm!”, mạ tôi vừa đánh vừa giận dữ răn đe như vậy.
Với Mả Khách chúng tôi còn gởi ở đó biết bao trò chơi thơ dại, những trò chơi đuổi bắt trốn tìm, những hôm theo bạn thả diều đá bóng trời nắng chang chang. Có lần bị mạ đánh đau, tôi đi sang Mả Khách, không hiểu sao lần đó cái lì nó chiến thắng cái sợ của đứa con gái 12 tuổi. Tôi lặng lẽ tìm một bụi cây lớn im mát rồi chui vô đó, nằm khóc và trong lòng cứ oán thán mạ và nghĩ rằng hay mình không phải là con ruột của mạ. Vậy là nỗi sân si dâng lên, tôi nhủ trong lòng mình sẽ trốn ở đây thật lâu, lúc đó chắc mạ sẽ cuống lên mà đi tìm vì thấy buổi trưa tôi không về ăn cơm. Khóc và tự suy diễn trong tưởng tượng chán tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Lúc ánh mặt trời ban chiều soi vào mặt và cái bụng đã lép xẹp gọi réo tôi mới choàng tỉnh. Muốn có gì đó bỏ vào bụng bất chợt hình ảnh quây quần bên mâm cơm cùng ba mạ và mấy chị em lại hiện về, trái tim 12 tuổi chợt ăn năn, chợt muốn tìm về để được che chở khiến tôi trở về nhà trong niềm ân hận vô biên.
Có lẽ những câu chuyện có ma chung quanh Mả Khách được những người lớn rỉ tai nhau phần nào cũng bắt nguồn do nơi đây chôn cất mồ mả nhiều, ít người qua lại nên cây cối rậm rạp um tùm càng tăng thêm vẻ huyền bí. Mạ tôi thường dặn con gái không nên mặc áo trắng đi ngang đây giữa trưa đứng bóng hay tối trời chạng vạng hoặc khuya khoắt và không nên nói cười lớn tiếng. Mỗi lúc cần thiết phải đi ngang chúng tôi thường cắm đầu cắm cổ đi thật nhanh hoặc nắm tay nhau và bấm những ngón tay lại với nhau, những điều đó chúng tôi luôn nhớ nằm lòng. Những câu chuyện ma mị không biết có thật không hay chỉ là những câu chuyện thêu dệt chung quanh Mả Khách, nhưng dù sao con đường lên Mả Khách cũng quyến rũ tôi không ít, vì nơi ấy có rất nhiều những quả sim, quả móc hoặc những trái nhót, trái mâm xôi tôi vẫn háo hức đi tìm.
Tuổi thơ tôi lớn dần lên, giờ đây khi lập gia đình tôi dần ít trở lại Mả Khách nhưng những hồi ức về Mả Khách vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim tôi những kỉ niệm một thời hái hoa bắt bướm, những làn roi của mạ và những câu chuyện có ma.
Nhưng giờ đây, khi xóm làng đã đổi thay rất nhiều, những con đường hầu như đã bê tông hoá, tuy nhiên con đường qua Mả Khách vẫn vắng người qua lại. Thì ra do những kẻ xấu lợi dụng nơi đây vắng vẻ nên thường tụ tập hút chích, ăn nhậu nên bà con xóm làng rất sợ và ngại đi trên con đường này. Vậy nên trước đây dân làng sợ ma chết thì nay lại càng sợ ma sống hơn nữa.
Những hồi ức về xóm Giếng Chùa trong đó Mã Khách là một nơi gắn liền trong kí ức của bao đứa trẻ xóm Chùa đến tận bây giờ. Sau này, mỗi lần gặp lại, những câu chuyện của chúng tôi vẫn thường có bóng dáng của những kỉ niệm ấu thơ bên Mả Khách, dại khờ và trong trẻo như những trang giấy trắng để ai nhìn lại cũng đầy nuối tiếc và ước ao được quay trở về. Dù không đủ đầy, dù không như bây giờ với những nơi chốn vui chơi hiện đại, tuổi thơ xóm Giếng Chùa vẫn diễm phúc được giáo dục trong những chiếc nôi êm đềm, sâu lắng như những câu hò mẹ ru.
Và Mả Khách vẫn tiếp tục là một nơi thâm u trong ký ức của bao người.
1/6/2020
Trang Thùy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sóng từ trường 3b00000

Sóng từ trường 3b Con nữ của Đỗ Quỳnh Dao Con nữ , giao điểm giữa nhà văn và thầy thuốc, giữa văn chương và y học. Với tác phẩm đầu tay, Đỗ ...