Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2024

Kinh nước đen 4

Kinh nước đen 4

Mười tám
Út ngồi xuống ghế. Anh hầu bàn đến bên cạnh lễ phép đưa cái thực đơn. Út không cần xem thực đơn. Nàng gọi liền:
- Một tô bún bò xào!
- Cô uống gì ạ?
- Chai bia-lây (nước ngọt Bireley's)!
Út ngồi soi mặt vào gương ở tường, sửa lại mấy sợi tóc lòa xòa trên trán. Nàng thấy đám con trai ngồi ở bàn gần đó nhìn nàng. Út giả vờ như không hay biết. Nàng cúi xuống mở bóp lấy một mảnh giấy phấn lau mặt.
Bỗng một đứa con gái khoảng mười bốn, mười lăm đến cạnh nàng:
- Xổ số mới, mời cô mua một tấm!
Út ngẩng lên, đứa con gái nhìn sững nàng, miệng hả ra:
- Chị... chị... có phải là... cô...
Út biết con nhỏ đó, nhưng hoàn ảnh này nàng không thể bừa bãi. Nàng bình thản cầm tập vé số của đứa bé, chọn:
- Mười đồng một tấm hả?
- Dạ xin cô thêm mỗi tấm một đồng.
Đứa con gái nhìn nàng đăm đăm, nhưng nó không dám hỏi tiếp vì không thấy Út có phản ứng gì khi nó gợi hỏi. Út lấy năm tấm vé số đưa ra:
- Năm tấm đây nhé, mua là mua vậy thôi chớ hy vọng gì!
- Dạ em may mắn lắm, họ mua của em trúng hoài.
Út đưa ba tờ giấy hai chục:
- Cho em luôn khỏi thối lại.
Đứa con gái nghĩ mình không thể nhầm lẫn. Đúng khuôn mặt đó, lời nói đó, chỉ khác bộ quần áo sang trọng. Đúng là chị Út, con bà Sáu Họ đã bỏ đi mất tích mấy tháng trời nay. Có lẽ bây giờ họ sang rồi họ không muốn nhận lối xóm.
Cầm tiền rồi, đứa con gái còn lựng khựng đứng lại gợi chuyện:
- Em trông cô quen quá!
Út cười:
- Vậy hả, em gặp tôi ở đâu phải không?
- Dạ! Trước cô có ở Cầu Muối?
Út làm ra vẻ ngơ ngác:
- Cầu Muối ở tỉnh nào vậy?
Đứa con gái đành mỉm cười:
- Thưa cô tôi nhầm, tôi nghĩ cô là người ở đây.
- Có, trước tôi có ở Sàigòn, nhưng mới đi Huê Kỳ ba năm về nên cũng quên mất nhiều.
- Dạ tôi nhầm cô với một người quen. Xin lỗi cô.
- Không hề gì!
Đứa con gái quay đi, nó phân vân về Út. Không lẽ lại có người giống người vậy sao? Nó nghĩ mình không thể nhầm lẫn. Đúng là con Út Cầu Muối mà gần một năm trước đây còn chạy rong bán vé số. Dáng người nó có thể nhầm được, chứ tiếng nói làm sao mà nhầm.
Đứa con gái chạy ra ngoài khều một con bạn:
- Ê mầy, tao gặp một người nầy lạ lắm.
- Gì vậy mầy?
Đứa con gái kéo bạn ra đứng nấp vào một xó cột, chỉ cho bạn thấy Út:
- Mầy có thấy cô kia hồi nào chưa?
Con bé lắc đầu, đứa con gái nói:
- Mầy cố nhớ lại coi?
Đôi lông mày nó hơi nhíu lại:
- Hình như...hình như mình đã gặp ở đâu rồi.
- Còn hình như gì nữa. Chị Út con bác Sáu Họ đó.
- Vậy hả, sao bảnh quá vậy? Để tao đến hỏi thăm, mời chỉ mua vé số.
- Vô ích mầy ơi, người ta sang rồi, người ta đâu còn muốn nhận bà con.
- Coi chừng mầy lầm.
- Sức mấy mà lầm, đúng nó đó. Có một hồi lối xóm nói là nó đi theo một thằng cha thọt chân rồi mất tiêu luôn. Đến bây giờ lại xuất hiện giàu sang.
Út loáng thoáng nghe thấy hai cô gái nói chuyện về mình, nhưng nàng lờ đi. Nàng không còn muốn nhận quen thuộc với một ai hết, hay ho gì nghề nghiệp nàng đang làm, chỉ thêm lôi thôi.
Út trả tiền ra khỏi quán giữa sự ngấm nguýt của hai cô gái. Út về đến nhà lăn ra ngủ. Chị Ba vào phòng nàng đánh thức dậy tiếp khách, Út cau có:
- Không khách khứa gì hết, buồn ngủ muốn chết nè.
Chị Ba dỗ dành:
- Chịu khó đi em, khách này cỡ bự chớ không phải hạng tầm thường đâu. Hôm nay em ngủ đêm.
Út làm eo làm sách với chị Ba đã đời, chị Ba nói cạn lời, nàng mới uốn éo ngồi dậy:
- Thiệt nể chị hết sức vậy đó!
- Thôi mà cưng, phần nào thôi chứ!
Út vào buồng tắm, nàng vẫy chị Ba vào:
- Chị vô đây!
- Chi vậy?
- Kỳ lưng cho em!
Chị Ba lắc đầu:
- Mày thiệt quá xá rồi Út ạ, tao hầu mầy còn hơn hầu bà nội tao.
Út cởi quần áo, xối nước lên người.
- Ê, coi chừng ướt hết tao.
Út cười khanh khách, xoa xà-bông lên người. Nàng ngồi lên một cái ghế thấp:
- Kỳ đi chị!
Chị Ba vừa tắm rửa cho Út vừa tán tỉnh:
- Hồi nay em đẹp quá, con gái cứ có hơi đàn ông vào là tươi tỉnh liền, chị phải lên giá em.
- Tôi có được chia không?
- Dĩ nhiên, mầy hỏi thiệt kỳ, mầy coi tao ăn ở ra sao, không có tiền thì thôi, khi có thì chia đều. Nói cho mầy biết mầy có tương lai lắm, tao mới làm một cái nhà đẹp lắm.
- Ăn nhằm gì đến tôi.
- Ngu, tao sẽ đưa mầy về đó, ở đó tao chỉ tiếp toàn khách sang, những ông lớn thôi.
Chị Ba say sưa với dự tính của mình:
- Tao sẽ làm đủ hết, có bàn đèn thuốc phiện, có sòng bài, gái thơm, tao đang đi kiếm mấy con mồi. Nghĩa là khứa đến đó chơi bời khi ra khỏi nhà phải chi ít ra là mười xấp.
- Dữ thần vậy sao?
- Tao tổ chức như bên Hồng Kông “nhất dạ đế vương” lận.
- Chị sang Hồng Kông hồi nào mà biết vậy?
- Người ta nói vậy, có thằng cha làm lớn lắm bỏ một triệu ra hùn với tao. Mầy yên trí, kiểm tục hết đường vô đó bắt ai, bắt xếp của chúng nó à!
Chị Ba cười đắc chí:
- Nhà tao mua được rồi, một biệt thự thiệt sang ở xa Sài gòn.
Chị Ba lấy chiếc khăn bông trắng tinh lau người Út:
- Dù có làm trên đó tao vẫn giữ cơ sở này!
- Để làm chi vậy?
- Bắt mối, dụ khị những thằng có tiền.
- Chị định đưa mấy người lên đó?
- Mầy và con Thúy thôi, con Thúy tao sẽ đưa đi mỹ viện ủi da bụng, còn mầy cũng phải giữ gìn, đừng tham lam quá rồi hư hết trơn. Nhất là đừng mết thằng nào nó làm một bụng là đời mầy “tàn theo khúc nhạc chơi vơi”.
Út cười khanh khách:
- Còn lâu chị ơi, sức mấy bây giờ thằng nào tán nổi tôi. Tôi đâu có ngu như hồi trước nữa.
- Ấy là tao dặn chừng mầy. Đời này chó đẻ lắm, chỉ có chị em mình biết thương xót nhau, chớ mấy thằng đàn ông tin không nổi.
Trời đã tối, chị Ba đưa Út ra phòng, chị không quên xức nước hoa đắt tiền cho nàng:
- Phải thơm tho sạch sẽ như vầy mới câu được khứa lắm địa.
Chị bật đèn lên:
- Có lẽ chả sắp tới rồi, lát chị biểu nó mang cơm lên cho em ăn. Nhớ ăn no nhé.
Chị Ba khép cửa phòng lại xuống nhà.
Bữa cơm Út ăn hôm nay thấy ngon miệng lạ, con nhỏ người làm mang lên một ly sâm Cao Ly:
- Bà chủ biểu cô uống cái này để giữ sức.
Út nhìn vào cái ly:
- Nước gì vậy?
- Sâm, quý lắm đó. Uống cái nầy vô làm việc không biết mệt, hôm nay cô phải thức đêm phải không?
Út dòm con nhỏ:
- Xuống nhà đi mầy, lẻo mép hoài!
Con nhỏ nhìn Út cười:
- Bà chủ cưng cô nhất đó!
Con nhỏ quay ra. Út nhìn ly nước sâm rồi uống cạn.
Út nằm lơ mơ, nàng nghĩ đến thân phận mình, nàng sẽ ra sao? Thỉnh thoảng Út lại hốt hoảng nghĩ đến điều đó. Nghĩ xong rồi nàng lại quên ngay, khi hàng nắm tiền ném vào sòng Tứ Sắc. Khi hết tiền, Út lại lo lắng, sau mấy tháng trời làm đĩ, nàng vẫn trắng tay, nàng chỉ hơn con Út thuở bán vé số bộ quần áo... Út vẫn chưa lo gì được cho riêng mình, chưa có dịp nào cho mẹ một đồng.
Út nghĩ đến gia đình, mẹ và các anh, nhưng nàng bất lực. Sòng Tứ Sắc thường xuyên ở nhà này luôn luôn bóc lột nàng.. Út lại tự nhủ để dịp khác.
Út bỗng nghe tiếng chân người đi ngoài hành lang. Âm thanh đó đối với nàng quá quen thuộc, quen đến độ nàng phân biệt nổi người đàn ông đến với mình béo hay gầy. Nàng bình tĩnh, nàng không còn hốt hoảng như những ngày đầu tiên khi nàng nghe tiếng chân đàn ông đi về phía phòng mình.
Tiếng chân dừng lai ở trước cửa, tiếng chị Ba:
- Mời thầy vô, em ở trỏng.
Con chốt cửa xoay nửa vòng, người đàn ông da ngâm đen hiện ra ở của, hắn cao lớn dềnh dàng, lầm lì tiến vào. Chị Ba đi sau, săn đón:
- Thưa thầy em Lan đó, cô Lan là hoa khôi ở nhà nây. Được tin thầy đến em nó đã phải dọn mình suốt một tuần nay để đón tiếp thầy...
Người đàn ông ngắm nghía Út, quay lại hỏi chị Ba:
- Thiệt vậy hả?
- Dạ, em đâu dám nói láo với thầy!
Chị Ba ngồi xuống bên Út:
- Em “đại diện” cho chị đó. Em phải khéo léo, thầy mà bất mãn điều gì là chết cả đám.
Út cười:
- Rồi, chị yên trí đi.
Gã khoát tay cho chị Ba:
- Chị ra ngoài đi, xong rồi!
Trước khi lui ra, chị Ba còn nói:
- Thầy dùng Whistky để em mang lên.
Gã đàn ông cởi nút áo:
- Thôi khỏi. Nhấp nháy năm mười phút thôi mà.
Chị Ba khựng lại:
- Thầy không ngủ đêm ở đây?
Gã đàn ông ngần ngại:
- Để tính sau!
Chị Ba chèo kéo:
- Thầy ở lại đêm đi, ở cho khỏe!
Gã đàn ông mỉm cười:
- Ở đêm mà khỏe cái nỗi gì?
Chị Ba đành xuống nhà, gã đàn ông cởi áo mắc lên chiếc đinh trên tường. Gã hất hàm ra hiệu cho Út:
- Còn chờ gì nữa?
Tự nhiên Út thấy ngán gã đàn ông này, nàng cởi dần từng nút khuy. Bộ quần áo lụa hồng của nàng gom thành một đống ném dưới chân giường.
Gã đàn ông nằm xuống cạnh nàng, gã nói thật tự nhiên, sau khi nhìn ngắm thân thể nàng:
- Em coi được lắm, nếu em biết xử dụng kèn nữa thì tuyệt hảo!
Út rùng mình, nàng klông ngờ gã đàn ông nầy lại đưa ra trường hợp quái ác. Nàng từng nghe đến lối chơi bời quái gở của bọn đàn ông, mà bọn chị em đồng nghiệp của nàng phải cắn răng chịu đựng. Những trường hợp đó chỉ có bọn điếm già đói mới làm. Còn nàng dẫu sao cũng là một thứ có hạng, nàng không thể hành động bẩn thỉu như vậy. Với những khứa khác có lẽ nàng đã nổi nóng, co chân đạp xuống giường.
Bàn tay thô bạo của gã đàn ông không để yên, Út khó chịu, gã ngóc đầu dậy hỏi:
- Sao?
Út đành xuống nước năn nỉ:
- Em xin thầy, em không quen làm việc đó.
- Không quen rồi cũng quen!
- Xin thầy, em không làm được.
Út xô gã đàn ông ra. Gã chưng hửng ngồi ngó Út, cười nhạt:
- Chị của cô có dạy bảo cô đối đãi với tôi ra sao không?
Út run lên, nàng biết mình lỡ tay:
- Xin lỗi thầy. Thầy làm gì em cũng được, nhưng việc đó xin thầy tha cho.
Gã đàn ông cương quyết:
- Tôi chỉ khoái vậy thôi, không làm được thì thôi.
Gã đàn ông đi ra, Út lo lắng gọi giật lại:
- Anh!
Nhưng gã đã kéo sập cửa lại. Gã xuống nhà mặt hầm hầm. Chị Ba lo lắng, nhưng vẫn phải tươi cười hỏi:
- Sao anh?
Gã đàn ông lẳng lặng đến ghế Salon ngồi, rút thuốc ra hút:
- Tôi đi về!
Chị Ba vội hỏi:
- Sao anh lại về?
- Không chịu được đàn em của chị, nó hỗn quá!
- Vậy hả?
Gã đàn ông sửa lại quần áo:
- Tôi khó tính lắm, tôi không thể chịu được những con điếm mất dạy.
Chị Ba vội níu lại:
- Anh, nếu em nó có điều gì sơ xuất mong anh bỏ qua cho, nó trẻ người non dạ chưa hiểu chuyện đâu. Tôi xin thay mặt nó, xin lỗi anh, mình còn làm ăn lâu dài với nhau.
Gã đàn ông cười khẩy:
- Tôi không làm ăn gì hết.
Chị Ba toát mồ hôi, chị cố gắng năn nỉ:

- Tôi thật không còn biết nói sao, nhưng sự đã rồi, để tôi kêu nó xuống. Tôi đánh nó trước mặt cho anh coi. Tôi không hề binh em út. Khách tới là quý rồi, đằng này anh đã dời bước tới đây.
Chị Ba kêu lớn:
- Lan, mầy xuống đây biểu.
Gã đàn ông chặn lại:
- Thôi khỏi, tôi về!
Gã quay lưng ra cửa, chị Ba níu kéo thế nào gã cũng không chịu ở lại. Chị Ba dẫm chân bành bạch than trời than đất:
- Vậy là con Lan giết tôi rồi!
Chị xồng xộc chạy lên lầu, đạp tung cửa phòng Út:
- Út!
Út ngẩng lên, nước mắt chan hòa. Chị Ba vào nhào như một cơn lốc. Chị ta túm lấy Út vả tới tấp vào mặt:
- Trời ơi là trời, mầy giết tao rồi!
Út không còn kịp cãi, nàng chỉ đỡ gạt. Nàng bị chị Ba xé tan nát. Đánh Út đã tay chị đứng đựa lưng vào tường thở hổn hển. Chị chỉ mặt Út:
- Mày giết tao, thiệt mầy đã giết tao, tùy từng thằng mầy làm eo làm sách, chớ bộ thằng nào mầy cũng leo lên đầu nó được sao.
Út đã lấy lại bình tĩnh, nàng bị một trận đòn phủ đầu, nhưng nàng không còn ngán nữa. Nàng cũng đáo để như ai:
- Tôi nhường chị, tôi chưa đập lại chị đó. Chị cần nó chứ tôi thì cần đ... gì.
Chị Ba chưng hửng, chị không ngờ em út của mình lại dám trở mặt với mình. Chị la lên:
- Mày nói sao, mầy chửi lại tao.
Út xốc lại quần áo:
- Xí, chị có phải bà nội tôi đâu.
Chị Ba nhào lại:
- A con này giỏi!
Út gạt bắn chị ta vào góc tường, nàng giơ tay lên hăm:
- Chị mà kiếm chuyện nữa tôi không để chị yên đâu.
Chị Ba lồm cồm bò dậy, chị ta léo nhéo nói, nhưng đã xuống nước nhiều:
- Mày xử với tao vậy hả Út?
- Chị tử tế thì tôi tử tế, mà chị xử ức với tôi tôi đ...cần. Vợ chồng chị giết được tôi thi giết đi.
Út biết không bao giờ chị Ba dám làm to chuyện, nghề chị ta là nghề lậu. Chị càng đỡ tới cò bót bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, Út được thể làm già:
- Tôi không công nợ chị gì bết, tôi thôi đó, tôi không làm. Chị coi hù được những đứa mới chớ sức mấy chị hù nổi tôi bây giờ.
Chị Ba ức ói máu, chị run lên vì giận:
- Tao không dè tao nuôi ong tay áo!
- Hứ! Sức mấy. Vợ chồng con cái nhà chị ăn trên xương máu người ta.
- Thiệt con này không còn xài được nữa.
- Khỏi nói. Tôi đi liền bây giờ.
Chị Ba hầm hầm:
- Thứ ăn ở bạc tình bạc nghĩa đó không thọ đâu. Tao ăn ở có Trời có Phật.
- Thôi đẹp đi!
Út thu dọn đồ đạc, chị Ba hầm hầm đi ra khỏi cửa:
- Rồi mầy biết tay tao!
Út ngừng tay, chợt nàng nghĩ đến sự trả thù của chị ta. Rất có thể chị ta nhờ đến ma cô làm thịt nàng khi nàng bước ra khỏi cửa.
Nàng điểm mặt những thằng ma cô trong xóm này. Thằng chúa trùm từng say mê nàng, nhưng hắn chưa làm gì được. Út chợt mỉm crrời... Nàng thu dọn đồ đạc thật nhanh.
Út sửa soạn lại cho đàng hoàng. Nàng bình tĩnh bước xuống cầu thang. Chị Ba ngồi hầm hầm ở ghế. Út lờ đi như không thấy.
Chị Ba càng tức, chị chỉ mặt Út:
- Mày không ra khỏi xóm này được đâu.
Út vén màn cửa đi ra ngoài không thèm nói một câu.
Nàng tự tin.
Quả như dự đoán của Út, nàng thấy nhiều bóng người chạy vội vào đường hẻm. Tiếng giày cao gót của Út gõ cồm cộp trền nền xi măng. Nàng biết mình không thể đi trót lọt ra ngoài lộ được,
Nàng đứng lại dựa lưng vào tường, nàng chờ đợi bọn quái đến gần. Nhận ra một tên vẫn thường đưa mối nàng lên tiếng gọi:
- Năm Xịa, Út đây. Tôi muốn gặp anh Bảy?
Gã tiến lại gần:
- Chi vậy?
Út vẫn giữ bình tĩnh:
- Anh nói dùm Út muốn gặp ảnh, Út đang lâm nguy nuốn nhờ ảnh giúp.
Năm Xịa cười nhạt, hắn biết đàn anh mình chủ mưu vụ này, tại sao nàng lại kêu cứu đến Bảy:
- Không có ảnh ở đây. Ảnh đi rồi!
Nói xong hắn từ tiến lại. Út run lên, chắc chắn hắn không giết nàng, hắn có thể rạch nát mặt nàng. Nàng nhìn trước nhìn sau đều có bóng người thấp thoáng. Phen này mình không thể thoát được. Út muốn la lên nhưng không thể la được.
- Ê, Năm Xịa!
Hắn đứng dừng lại khi nghe tiếng gọi đằng sau lưng. Một bóng người cao lớn dềnh dàng hiện ra. Hắn là anh Bảy. Anh Bảy bước tới, đẩy Năm Xịa ra sau lưng, tiến đến trước mặt Út... Nàng thất thần, đôi mắt nàng mở trừng trừng nhìn gã đàn ông tên Bảy như một con thỏ bị rắn thôi miên.
Anh Bảy đứng trước mặt Út, đưa tay nâng cằm nàng lên nhìn vào mặt nàng. Anh thò tay vào túi quần Út rú lên kinh hãi... Ánh lửa xòa lên bập bùng. Anh Bảy soi cái bật lửa trước mặt nàng:
- Khuôn mặt xinh đẹp như vầy chỉ đáng giá một xấp thôi sao?
Út liều lĩnh, nàng ôm chầm lấy anh Bảy:
- Anh ơi anh cứu em với, người ta tính giết em.
Mùi nước hoa thơm dịu từ người nàng tỏa ra làm anh Bảy ngây ngất. Anh ta nhẹ xiết vòng tay trên vai Út:
- Ai muốn giết em?
Út biết anh Bảy không đang tâm rạch nát mặt nàng. Nàng phải dùng đến lợi khí nước mắt, nàng khóc tấm tức trên ngực anh Bảy nói bằng giọng đau đớn:
- Con mẹ Ba thuê anh giết em phải không? Anh giết đi, em đứng nguyên cho anh làm thịt đó.
Anh Bảy ngần ngại một lát rồi nói thẳng:
- Không giết, nhưng rạch nát mặt em thôi.
Út sợ run lên, rồi nói cứng:
- Anh cầm tiền của người ta rồi sao anh không làm đi?
Út nghe tiếng cười nhạt:
- Đừng trách anh!
Hắn gỡ tay Út ra, nàng bàng hoàng khi thấy gã rút con dao bấm. Hắn nhìn thẳng vào mặt nàng, con dao cầm ngang. Út nhìn con dao trừng trừng.
Bỗng hắn bẻ đôi con dao, ném xuống đất. Tiếng động khô khan. Hắn quay lại nói với đàn em:
- Xong rồi!
Hắn móc tiền trong túi đưa cho thằng đàn em đứng gần nhất:
- Tụi bay cầm tiền đi nhậu!
Năm phút sau con hẻm vắng hoe, chỉ còn anh Bảy và Út. Gió từ phía ngoài lộ ùa vào trong se se lạnh. Anh Bảy choàng một tay qua vai Út:
- Anh không quen đâm chém đàn bà. Thường thường anh chỉ nhận tiền để làm thịt đàn ông.
Út như một kẻ mất hồn đi theo anh Bảy. Nàng không tự chủ được mình, cất tiếng hỏi:
- Mình đi đâu?
- Về nhà anh, sáng mai em đàng hoàng ra đi...
Út theo anh Bảy vào sâu trong một con hẻm. Căn nhà của anh ta ở tuốt trong cùng. Anh ta đẩy cửa vào nhà, bật ngọn điện độc nhất. Anh ta chỉ cái ghế:
- Ngồi xuống đi kể cho anh nghe đầu đuôi câu chuyện tại sao em lại bỏ đi.
Út đã lấy lại bình tĩnh, nàng thong thả kể, nàng không quên thêm bớt cho câu chuyện thêm bi thảm. Sau cùng nàng ngước lên, nhìn thẳng vào mặt anh Bảy:
- Thà em ngủ với anh còn hơn ngủ với thằng đó.
Sắc mặt anh Bảy lầm lì không biến đổi:
- Em ở lại đây một đêm, sáng mai cứ việc đàng hoàng ra đi, anh bảo đảm cho em.
Út đứng dậy ra khép cửa, nàng cởi phăng ảo:
- Em đền ơn anh đó!
Bảy cũng đứng dậy, anh nhìn sững thân thể nàng.
Út nhấn ngón tay vào công tắc điện, căn phòng tối mò. Vòng tay anh Bảy choàng ngang thân thể Út nâng bổng nàng lên, lưng Út chạm xuống mặt nệm, giọng anh Bảy xúc động:
- Nếu em không có chuyện rắc rối thì đâu có đêm nay.
Út mỉm cười trong bóng tối. Nàng ứ hự, nũng nịu...
Mười chín
Út phải cầm bán nốt những món đồ cuối cùng của mình để trả tiền khách sạn. Nàng không thể chơi dông dài được nữa. Nàng phải kiếm tiền để sống. Út không thể về nhà, nàng không muốn trở về với hai bàn tay trắng. Sau mấy tháng làm điếm tiền bạc vào như nước nhưng đồng tiền không đậu. Út thường nghe người ta nói đồng tiền kiếm được bằng nghề mạt hạng đó, cũng như tiền được bạc, của phù du.
Út ngồi trước gương, xoa nhẹ bàn tay lên má mình. Không còn cách gì khác, mình phải kiếm tiền. Út lấy phấn sáp trang điểm thật rực rỡ, xức nước hoa mùi trầm thơm hắc. Nàng mặc chiếc áo dài kim tuyến ra đứng trước gương soi bóng mình. Út tự thấy mình đẹp, chẳng lẽ nàng không kiếm nổi một khứa lắm địa tối nay.
Út đóng cửa phòng, xuống nhà. Gã bồi khách sạn nhìn nàng ngạc nhiên vì sự rực rỡ của nàng đêm nay. Gã cười đểu:
- Thưa cô đi chơi?
Út gật đầu. Gã nói xa gần để dò ý:
- Ở khách sạn này nhiều người sang trọng lắm.
Út không nói gì, đi thẳng xuống nhà. Nàng đi dọc theo đường Nguyễn An Ninh rồi lên Saigon. Ban đêm, Saigon tấp nập người đi dạo, không khí se se lạnh. Út thấy nhiều người mặc áo len.
Út thường nghe chị em đồng nghiệp nói muốn bắt khứa riêng thì phải đứng phất phơ ngoài đường, hoặc vào một quán giải khác nào đó ngồi bắt tình.
Nghĩ vậy Út liền đẩy cửa vào một quán ăn có máy điều hòa không khí mát rượi. Quán đông khách, chỉ còn mỗi một bàn trống bên cạnh máy quay đĩa. Út kéo ghế ngồi kêu một ly cà phê sữa.
Những thanh niên ngồi trong quán quay lại nhìn nàng kể cả mấy người ngoại quốc, Út liếc nhanh xuống quần áo mình. Nàng nghĩ, rất có thể họ không cho nàng là gái kiếm tiền, vì bộ quần áo sang trọng.
Út soi mặt vào tấm gương dát ở cột hàng, mở xắc tay ra lấy hộp phấn xoa lại lên mặt mình, tô lại môi son. Út để ý đến mấy người Mỹ, những tên này có lẽ lắm tiền, nhưng nàng lại không biết một câu tiếng Mỹ nào để bắt tình.
Út lấy một điếu thuốc Salem, gắn lên môi bật quẹt hút phì phèo. Út yên trí mình đã làm đầy đủ lệ bộ của một con điếm chuyên nghiệp. Nàng yên trí rằng sẽ có người để ý đến nàng.
Út ngồi khá lâu, nàng không thấy một ai sang bàn mình như nàng dự tính. Ly cà phê sữa đã nguội tanh nguội ngắt. Một số khách vào quán thấy không có bàn trống liền trở ra.
Út bắt đầu thất vọng. Có lẽ nàng lại phải đi lang thang ngoài đường kiếm khứa, đứng tựa lưng ở một cột đèn nào đó nháy nhó với người qua đường. Út không ngờ đời mình lại có lúc kẹt như bây giờ. Ngày mai nàng không còn một xu dính túi, rồi tiền ăn, tiền phòng. Bất giác Út thở dài...
Nhiều khách hàng đã sửa soạn ra về. Bỗng tấm cửa kính ra vào mở.
Một người thanh niên đi vào. Không thấy bàn trống, hắn nhìn về phía bàn Út. Hắn đi thẳng đến lịch sự nói:
- Xin lỗi cô, ở đây có ai ngồi không?
Út ngẩng lên lắc đầu. Gã thanh niên kéo ghế ngồi trước mặt nàng tự nhiên. Hắn rút thuốc lá ra hút, búng tay kêu cái tách gọi người hầu bàn:
- Cho mấy cái “giớt tông” nghe nhạc, một ly cà phê đen.
Hắn bấm nút ở cái máy, bỏ miếng sắt tròn vào khe hở, tiếng nhạc bốc lên. Út lặng lẽ quan sát từng động tác của hắn. Hắn còn trẻ, người to lớn, hắn mặc chiếc áo polo mầu huyết dụ dài tay. Mặt hắn lạnh như tiền khi ngồi nghe nhạc.
Hắn coi như không có Út ngồi trước mặt. Hắn xúc đuờng vào ly khuấy đều. Chợt hẳn ngẩng lên, bắt gặp Út đang quan sát hắn. Út mỉm cười. Mặt hắn vẫn lạnh lùng, ngồi uống cà-phê và hút thuốc lá.
Út rút điếu thuốc cuối cùng của mình gắn lên môi. Nàng lại nhớ đến cái kinh nghiệm bắt khứa của mấy con điếm thập thành mà nàng đã được nghe nói qua. Nàng lấy vẻ mặt tươi tỉnh, chỉ vào điếu thuốc lá của mình:
- Xin ông vui lòng cho mồi lửa?
Gã thanh niên nhìn nàng một giây, gã lặng lẽ rút bật lửa ra mồi thuốc cho nàng. Gã vẫn không nói một câu, Út không hiểu trong đầu hắn đang nghĩ gì?
Đôi mắt hắn nhìn nàng lặng lẽ, mặt hắn khó đăm đăm.
Trong đầu Út bỗng có ý nghĩ thằng cha này là con nhà giàu và có tính khinh người. Nàng từng thấy những thằng đàn ông đến xóm chơi bời, chúng nham nhở, ham hố đểu giả. Có lẽ gã này không phải là hạng người chơi bời, hắn có tâm sự gì buồn nên vào đây ngồi. Chẳng hạn hắn thất tình.
Ý nghĩ đó làm Út chú ý đến gã thanh niên hơn, gã khá đẹp trai, lịch sự. Một người như vầy mà thất tình sao? Út nhất định chài bằng được gã nầy, nàng chưa hề chịu thua ai. Không lẽ nàng bỏ cuộc vì sự lầm lì của hắn. Nhưng nàng phải làm cách nào thật kín đáo, nàng không thể níu kéo ở nơi lịch sự này. Nàng muốn buông lời tán tỉnh, nhưng nàng lại sợ những lời nói của mình vụng về, rất có thể hắn cười mình. Mặc cảm đó làm Út e ngại.
Út hồi hộp khi nàng để chạm chân mình vào chân gã ở dưới gầm bàn. Gã thanh niên lờ đi như không biết, gã lặng lẽ hút thuốc lá.
Út bạo dạn hơn, hắn vẫn mặc kệ. Út chưa hề thấy gã đàn ông nào lại “gan góc ” như gã này.
Gã thanh niên hút hết điếu thuốc lá, hắn lặng lẽ dập tắt điếu thuốc vào cái gạt tàn bằng sành. Một sợi khói mỏng bay lên, gã múc một muỗng cà-phê đổ lên. Sợi khói tắt ngấm.
Gã thanh niên ngồi chống tay vào cằm, lặng lẽ nhìn nàng:
- Cô muốn gì?
Út không ngờ gã lại hỏi một câu đột ngột như vậy.
Út bối rối, nàng không biết phải trả lời làm sao. Út đành rút chân lại, nàng lí nhí nói:
- Xin lỗi ông!
Mặt gã đàn ông vẫn lạnh lùng:
- Không có gì!
Út nghĩ mình không nên ngồi đây nữa, nàng đành chịu thua gã thanh niên lì lợm nay. Cái mặc cảm hèn kém sống dậy trong đầu óc Út, có lẽ mình rẻ tiền quá chăng? Tâm trạng Út thật bối rối, nàng thù ghét gã đàn ông này. Nàng muốn ra ngay khỏi quán để khỏi nhìn cái vẻ mặt khinh ngưoi của hắn,
Út cầm mảnh giấy tính tiền lên, nàng nhìn vào đó chẳng hiểu gì cả, vì giá tiền in bằng máy, cả một dãy số cả chữ nữa.
Bỗng gã thanh niên giật lấy mảnh giấy trên tay nàng sang phía của mình:
- Tôi trả cho!
Út ngạc nhiên, nàng mở to mắt nhìn gã, thật tình nàng không hiểu nổi tâm trạng gã. Trên đôi môi khô héo của gã thoáng nở nụ cười:
- Hình như cô muốn nói chuyện gì với tôi, ở đây không tiện, lát ra ngoài kia.
Tiếng nói của gã cũng lạnh lùng như gương mặt hắn. Út ngồi yên một lát, nàng nói:
- Bây giờ chẳng còn chuyện gì nói hết.

Bỗng Út thấy hai cẳng chân của gã thanh niên kẹp lấy chân nàng ở dưới bàn:
- Tôi biết cô muốn gì rồi, nhưng cứ hỏi lại vậy thôi. Tối hôm nay tôi rảnh tôi không muốn về nhà.
Lời nói của hắn dịu dàng hơn, và ánh mắt của hắn nhin nàng với vẻ thiện cảm hơn:
- Tôi biết cô không phải vũ nữ, không phải một người chán đời, cô tới đây có mục đích.
Gã nói xong quay nhìn sang mấy cô gái ngồi đón khứa ở bàn bên kia. Hắn mỉm cười bí mật. Gã búng tay gọi bồi trả tiền. Hắn không lấy lại tiền thối. Hắn cầm tay Út:
- Mình ra ngoài!
Út thầm phục gã thanh niên này sành chuyện đời. Nàng líu ríu đi theo gã ra ngoài, nàng biết gã này cao tay ấn. Gã không phải như hạng đàn ông thường đến xóm nàng chơi bời.
Ra khỏi cửa gã thanh niên ngửa mặt nhìn trời đêm:
- Đêm nay trời hơi lạnh.
Út không còn giận gã nữa. Gã thân mật choàng tay qua vai Út đi bộ dọc theo đường Tự Do. Út nhìn thấy một vài cô gái ăn mặc diêm dúa đứng ở góc cây. Những gã xích lô ngồi ngay trên xe mắt láo liên nhìn những người đàn ông đi một mình.
Bỗng gã thanh niên nói:
- Em còn trẻ đẹp như vậy mà việc gì phải đi bắt khứa ở những nơi này. Chỗ nầy chỉ dành cho những gái hết thời.
Út im lặng nàng mặc nhiên coi gã thanh niên đã biết mình làm nghề gì. Gã nói chuyện vu vơ:
- Đi coi hát bóng phim dở quá nên anh ra, anh cũng muốn tìm một người bạn gái nào đó để đi chơi suốt đêm cho đỡ buồn.
Gã nhìn xuống mặt Út, gã hỏi:
- Em có nhà riêng?
Út đã quen với ngôn ngữ của gã này, nàng bạo dạn hơn:
- Không có nhà rièng, chỉ có phòng ở khách sạn.
- Vậy càng tiện.
Út nghe rõ tiếng gót giầy mình và giầy gã gõ trên vỉa hè, gã nói:
- Mình đi ăn gì rồi về.
- Tùy anh!
- Đi ăn bánh cuốn ở Phan Đình Phùng. Anh có xe, anh ra lấy xe đi một vòng.
Út theo gã thanh niên đi trở lại phía nhà gửi xe.. Gã lái xe đưa thẳng nàng đến chỗ bán bánh cuốn ở Phan Đình Phùng.
Khi trả tiền, Út nhìn thấy gã có một xấp giấy năm trăm, nàng yên trí.
Gã thanh niên đạp máy xe:
- Khách sạn của em ở đâu?
Út chỉ, gã lái xe về thẳng đó. Tên bồi phòng thấy Út mang thêm một người đàn ông vào thì làm khó:
- Ê, không được mang thêm người vào phòng đâu nghen, bộ không coi điều lệ sao?
Gã thanh niên vừa bước chân lên thang lầu liền quay xuống:
- Khách sạn này cũng có điều lệ sao?
- Khách sạn nào mà không có?
- Đưa coi!
Gã bồi phòng mở ngăn kéo lấy ra một tấm giấy bọc ni-lông đưa cho gã thanh niên. Gã cầm tờ điều lệ xé đôi ném xuống đất trước sự ngạc nhiện của Út.
Gã bồi phòng ngạc nhiên:
- Tại sao anh lại xé?
Gã thanh nièn thản nhiên móc túi lấy tờ giấy năm trăm căng ra trước mặt gã bồi phòng:
- Tôi mua điều lệ của các anh giá này được không?
Gã bồi phòng cười một cách trơ trẻn, cầm lấy tờ giấy bạc nhét vào túi:
- Mời thầy lên lầu, nếu cần gì cứ gọi em.
Gã thanh niên mỉm cười dìu Út lên cầu thang. Gã nói với nàng:
- Đồng tiền đi trước đồng tiền khôn.
Út đưa gã thanh niên lên phòng. Nàng thấy gã này ăn xài bảnh quá nên có mặc cảm, mặc cảm với mình và với căn phòng xuềnh xoàng.
Nàng cất tiếng nói để phá tan bầu không khí nặng nề giữa hai người:
- Anh cho nó nhiều tiền quá, một trăm bạc cũng đủ.
- Ăn nhằm gì!
Gã thanh niên vừa nói vừa đi ra mở tung cửa sổ, gã ngước nhìn màn đêm ngoài khung cửa:
- Đêm thiệt đẹp, mở ra cho thoáng em nhé!
- Tùy anh đó!
Gã thanh niên đứng tựa khung cửa nhìn trời nhìn đất một lát rồi quay vào. Út đã thay xong quần áo. Nàng tắt ngọn đèn giữa phòng, bật đèn ngủ lên.
Gã thanh niên để nguyền quần áo, nằm dài trên giường. Út nằm cạnh. Vẻ mặt gã thanh niên trở nền thâm trầm, gã gắn thuốc lá lên môi, móc túi tìm bật lửa. Út bỗng chợp lấy cái bật lửa:
- Để em bật cho!
Út cầm chiếc bật lửa trên tay, nàng ngắm nghía. Nàng không thể không nhớ đến cái bật lửa của Hội Thọt, nó y hệt cái này. Cuộc đời nàng bắt đầu từ cái bật lửa, khi nàng biết cái bật lửa không cần dùng đến tim mà vẫn cháy được thì đã muộn.
Bất giác Út thở dđài.
Gã thanh niên ngó nàng, lấy lại cái bật lửa trên tay nàng đặt lên bàn đêm:
- Em nghĩ gì vậy?
- Cái bật lửa.
- Sao?
- Đời em bắt đầu bằng cái bật lửa “ga” y hệt cái nầy.
Gã thanh niên ngồi dậy cởi quần áo vắt lên thành ghế. Gã tắt nốt ngọn đèn đêm:
- Ý kiến em hay đó, anh có thể nằm nghe chuyện đời của em suốt đêm.
- Em chỉ là một cô gái giang hồ!
- Biết, anh biết mà!
Gã thanh niên ôm nàng trong vòng tay, vuốt ve vỗ về nàng:
- Kể cho anh nghe nhé!
- Để làm gì vậy?
- Để biết!
Út cười nhẹ, nàng dấu mặt vào ngực gã. Gã thanh niên đưa đẩy câu chuyện, và Út không thể không trả lời hắn. Gã lại với lấy cái bật lửa, mồi thêm một điếu thuốc nữa:
- Nguy hiểm thật, chỉ vì một cái bật lửa nguyên tử.
Gã cười, tung tung cái bật lửa trong tay, gã nói tiếp:
- Có lẽ anh phải bắt chước cha này, vậy mới đáng mặt bịp chứ!
Út cấu nhẹ vào ngực gã:
- Anh ngạo em phải không?
Gã vuốt ve trên tấm vai trần nuột nà của nàng:
- Đâu có. Anh phải bịp để có một người yêu.
- Bộ anh không có người yêu sao?
Gã lắc đầu:
- Anh rất cô đơn.
- Chắc tại anh khó tính quá đó!
Gã thanh niên cười nhẹ. Út tiếp:
- Nếu anh có bịp người ta thì lấy người ta nghen, đừng có đem bán người ta tội nghiệp lắm.
- Em nhân đức quá nhỉ!
- Không, em thương cái thân em.
Út cảm thấy vòng tay gã thanh niên khép chặt hơn.
Gã thì thào bên tai nàng những lời của tình yêu, có lẽ không phải cho nàng, cho một hình bóng con gái nào đó qua sự hưởng thụ xác thịt với nàng.
Sự cuồng nhiệt tận hưởng làm Út xót xa, nàng vẫn chỉ là một con điếm để bất cứ người đàn ông nào đó đến để tìm quên. Hơn lúc nào hết, Út thấy chán nản đến tột độ. Nàng nằm giấu mặt xuống gối.
Út nghe ngoài hành lang có tiếng chân di chuyển của cặp nào đó. Tiếng mở khóa phòng, tiếng nói và tiếng cười. Phía dưới đường có tiếng động cơ xe hơi chạy vội vàng.
Gã thanh niên xoay mặt nàng lại, nhìn vào khuôn mặt phủ đầy bóng tối của nàng. Hắn nói khi hôn nàng:
- Em như một khúc gỗ!
Út im lặng. Nàng xô nhẹ vào vai gã, nhỏm dậy, ra ghế. Gã thanh niên nằm lại một mình hút thuốc lá. Út không lạ gì cảnh đó, sau mỗi cuộc giao hoan những người đàn ông vẫn thường hút thuốc lá.
Nàng cho rằng họ muốn hưởng thụ đến tận cùng khoái cảm, muốn kéo dài thêm cái giây phút còn rơi rớt lại.
Đốm lửa đỏ lập loè trong bóng tối.
Một lát sau, gã thanh niên dụi tắt thuốc trở đậy ra cửa sổ đứng nhìn xuống đường. Thốt nhiên Út nghĩ mình chỉ là hạng gái chơi bời, hơi sức đâu mình nghĩ đến vấn đề tình cảm lặt vặt đó.

Nghĩ vậy tâm hồn Út thấy yên. Nàng hình dung đến sáng ngày mai khi trở dậy, gã thanh niên sẽ để dưới gối nàng một nắm tiền, hôn lên trán nàng và hắn sẽ ra đi, như tất cả những người đàn ông khác đã đến với nàng.
Hình ảnh gã thanh niên in đậm nét trên khung cửa.
Gã quay trở vào, đến bên Út:
- Thôi lên ngủ em, ngồi đây chi vậy?
Út đứng dậy mặc cho gã thanh niên dìu nàng vào giường. Nàng nói nhỏ:
- Sao anh không ngủ đi?
- Anh không ngủ được!
- Em cũng vậy.
Cả hai nằm im lặng. Út không hiểu đêm nay tại sao mình lại buồn, nàng chán nản đến tột độ. Nàng quay đầu nhìn ra khung cửa sổ, ánh đèn đường sáng làm khung trời ngoài cửa sổ cũng ánh lên.
Út nhìn khung cửa sổ, nhìn căn phòng, nhìn người đàn ông nằm cạnh mình. Lâu lắm Út mới có dịp nghĩ về thân phận mình, đến khúc quanh kỳ lạ của đời mình. Trong đầu Út lờ mờ hiện ra hình ảnh xóm Cầu Muối, con kinh nước đen ngòm chảy qua.
Út đã sinh ra ở đó, sống ở đó... Và rồi cuộc đời nàng sẽ ra sao? Nàng ở ngay Saigon mà cả năm nay nàng không về qua đó.
- Em nghĩ gì vậy?
Gã thanh niên lên tiếng hỏi. Út trở lại thực tế, nàng mỉm cười:
- Không hiểu sao đêm nay em buồn quá.
- Anh cũng vậy!
Nói xong gã thở dài, gã vòng lay ôm Út:
- Em định sống thế này hoài sao?
Út buồn bã:
- Anh bảo em làm gì, em không có nghề nghiệp nào hết. Em không thể trở lại bán vé số như ngày xưa.
- Em sẽ theo đuổi nghề nầy hoài sao?
- Cũng đành, xả láng cuộc đời một phen rồi muốn đi đến đâu thì đi.
Gã thanh niên im lặng một hồi lâu, rồi nói huỵch toẹt:
- Đã không làm điếm thì thôi. Đã bán trôn nuôi miệng thì làm cho bảnh một phen.
Út hỏi một cách ngây thơ:
- Làm thế nào bảnh được?
- Thiếu gi cách, em bổ lẻ như vầy thì chẳng ăn cái giải gì hết. Huê Kỳ bắt đầu sang nhiều đó, tụi đó thiếu gì đô-la, một nguời con gái như em đáng tiền lắm.
- Em không biết tiếng Mỹ!
- Đi học!
- Anh dạy em nghen!
- Nếu em trả lương anh.
Út cười, nàng rúc đầu vào ngực gã:
- Tiếng Huê Kỳ nói: “Em yêu anh” sao hả anh?
- “Ai lô du ”!
Út nhắc lại:
- “Ai lô du”!
Gã thanh niên ghé tai nàng nói:
- Anh sẽ dạy em dăm câu làm ăn, ráng mà thuộc; đó là chìa khoá mở tủ đô-la.
Út vui vẻ. Đêm im lặng trôi ngoài cửa sổ. Trời sáng, gã thanh niên trở dậy. Út hỏi:
- Anh về hả?
Gã thanh niên gật đầu:
- Anh phải về đi làm!
- Tối nay anh có đến nữa không?
- Sức mấy anh đến hoài...
Út nhìn gã tủm tỉm cười:
- Em không lấy tiền đâu!
Nàng xòe hai ngàn bạc gã thanh niên vừa đưa cho nàng:
- Em đủ tiền trả tiền phòng và tiền ăn trong một tuần. Anh sẽ dạy em tiếng Huê Kỳ.
Gã thanh niên mỉm cười quay ra:
- Để coi, nhưng tối cứ chờ anh đến chín giờ.
Chiếc cửa ra vào khép lại. Út nghe tiếng bước chân của hắn đi ngoài hành lang, xuống cầu thang. Nàng nằm vật mình xuống giường tự nhủ: “Mình ngủ một giấc cho lại sức”.
Hai mươi
Đứa bé khóc ngằn ngặt, nó uốn cong người trên tay bà nội. Bà Sáu Họ dỗ suốt từ tối đến giờ mà nó cũng không nín. Nhưng bà kiên nhẫn, không nỡ phát vào mông đứa bé. Bà xốc nó lên, ép đầu nó ngả vào chiếc vai còm của bà, vuốt ve, vỗ nhè nhẹ vào lưng nó:
- Đừng khóc nữa con, má sắp về kia.
Hình như đứa bé gào thét mãi cũng mệt, nó nằm trên vai bà nhưng vẫn ti tỉ khóc. Bà Sáu Họ đu đưa thân mình hy vọng đứa bé sẽ ngủ một giấc, bà nói nhỏ:
- Tội nghiệp cháu tôi, mầy đói đây mà!
Bà Sáu Họ nhìn con kinh bắt đầu sẫm màu. Bà nghe đâu đó có tiếng muỗi reo, tiếng nói chuyện bên hàng xóm, tiếng đũa bát va chạm nhau.
Trời đã tối, người ta đang ăn cơm chiều. Bà Sáu Họ quay nhìn vào nhà mình, căn nhà tối om om; bà muốn thắp ngọn đèn nhưng không thể rời được đứa cháu. Nó sẽ khóc ré lên khi bà đặt nó xuống giường để làm một việc gì. Cơm nước bà cũng chưa nấu được.
Bà Sáu Họ nóng ruột, không hiểu tại sao tới giờ nầy mà con vợ thằng Tư Tuyển chưa về. Chắc nó kẹt đường kẹt sá đâu đó vì vụ biểu tình.
Bất giác bà Sáu Họ thở dài, biểu tình hoài làm ăn gì nổi. Hồi trưa con vợ thằng Tuyển có nói thức ăn thức uống bắt đầu lên giá, và nó thở dài thườn thượt. Nó than phiền vì tiền lương của chồng gởi về không đủ xài. Nó nói:
- Má à, nếu ảnh làm xong giá thú và khai sinh cho con, ảnh sẽ lãnh thêm phụ cấp gia đình thì có thể dư dả được đó má.
Bà Sáu Họ gắt lên:
- Sao mầy không biên thơ hối nó làm lè lẹ lên!
Vợ Tư Tuyển cãi lại:
- Má tưởng làm dễ lắm sao, ít gì mình cũng phải bỏ ra dăm ba ngàn gọi là tiền chè nước chớ bộ người ta làm khơi khơi cho mình sao.
Vợ Tư Tuyển chép miệng:
- Tội nghiệp ảnh đi lính cực nhọc mà lãnh được đồng tiền luơng nào cũng giữ bo bo để gửi về. Nhiều khi ảnh đưa tiền cho con, con lại đưa cho ảnh mấy trăm cà-phê cà-pháo.
Vợ Tư Tuyển nói bằng giọng xót xa khiến bà Sáụ Họ cũng cảm động. Bà mừng cho con trai đã lấy được một con vợ đàng hoàng, biết lo cho gia đình nhà chồng đến nơi đến chốn.
Bây giờ thì bà Sáu Họ chỉ còn biết hy vọng vào vợ chồng thằng Tuyển.
Những đứa con của bà mất tích dần vì nhiều lý do khác nhau. Con Út bỏ nhà đi biệt tích, mới đây bà nghe nói nó khá lắm, bà không dám hy vọng nó sẽ về giúp đỡ bà. Bà cho rằng nó giận mẹ, quyết chí đi lấy chồng giàu. Bà Sáu Họ khóc lóc chán rồi nghĩ rằng thôi cũng mừng cho nó. Lâu dần bà cũng quên đi, thỉnh thoảng nhớ tới bà nói với con dâu:
- Chắc con Út bây giờ khá lắm!
Người con dâu lặng yên. Nàng quá hiểu chuyện đời.
Nàng cho rằng khi người ta giàu có người ta dễ quên kẻ ruột thịt. Nàng không biết mặt cô em chồng nhưng nàng từng nghe lối xóm tán tụng con Út đẹp lắm. Với sắc đẹp sẵn có, người con gái dễ nhảy lên bà nọ bà kia lắm. Út là đứa con nhà nghèo, nếu lấy chồng giàu chắc chắn nó sẽ giấu chồng về hoàn cảnh gia đình mình. Và đó là lý do nó không buồn bước chân về thăm mẹ. Bà Sáu Họ cũng chung ý nghĩ như con dâu, nên bà không nuôi hy vọng nữa.
Còn thằng Ba Choát, bà không hiểu tại sao vợ chồng bà lại đặt tên nó là Ba Choát.. Cái tên thật xứng với người. Gần ba mươi tuổi đầu mà cứ lông bông lang bang, chỉ chuyên đi lường gạt, ăn trộm ăn cắp, vào tù ra khám.
Thỉnh thoảng nó tạt qua về nhà rồi lại đi biền biệt. Trong những ngày gần đây nó nói nó ở chùa mấy ông sư thương nó lắm. Bà Sáu Họ chỉ biết có thế. Đám con bà Sáu Họ lớn lên như một đám cỏ hoang, bà mệt mỏi quá không còn hơi sức đâu để ý đến đời sống của các con, trời sinh trời dưỡng.
Chợt bà Sáu Họ nghe tiếng chân lội bì bõm ở vũng lội dẫn vào nhà bà. Bà đoán là con dâu đã về nhưng bà không lên tiếng hỏi. Cô con dâu lên tiếng trước:
- Má à!
Đứa bé chợt nghe tiếng mẹ khóc ré lên, bà Sáu Họ quay vào:
- Này Tư mầy cho con bú đi!
Chị Tư Tuyển đặt cái thúng xuống sàn nhà chạy lại đỡ lấy con, nàng nói:
- Má đốt dùm cái đèn!
Ngọn đèn dầu được thắp sáng, xua đuổi bóng tối trong căn nhà nghèo nàn. Chị Tư Tuyển ngồi xuống chiếc võng vạch vú ra cho con bú. Đưa bé chớp lấy vú mẹ bú lấy bú để, chị Tư Tuyển đu đưa chiếc võng, gió từ dưới con kinh thoảng lên mang theo mùi bùn tanh nồng.

Chị Tư Tuyển quá mệt nhọc, chị muốn ngủ thiếp đi nhưng những con muỗi đói vo ve trong căn nhà hẹp không để cho chị yên, chị vừa đuổi muỗi cho mình vừa đuổi muỗi cho con. Chị vuốt ve đứa bé:
- Tội nghiệp con trai má. Con đói lắm phải không?
Chị Tư Tuyển chợt nhớ đến chồng, từ khi nàng về đây ở với mẹ chồng nàng yên phận. Hàng ngày nàng chạy hàng vặt lấy tiền thêm thắt vào số tiền lương chồng gởi về quá eo hẹp.
Bà Sáu Họ lúi húi nhóm bếp, ngọn lửa bùng lên, ánh lửa hắt lên mặt bà ánh sáng yếu ớt, làm những vết nhăn trên mặt bà sâu hơn. Bà nhìn đăm đăm vào ngọn lửa. Bà đã quá quen thuộc với khung cảnh nầy. Từ khi có thêm con dâu và đứa cháu nội bà đỡ cô đơn. Bà tưởng tượng đến đứa con trai của mình, không biết bây giờ nó ở chân trời góc biển nào. Bỗng bà lên tiếng hỏi con dâu:
- Tư, mầy có nhận được thư của chồng mầy không?
- Một tháng nay không nhận được thư ảnh má à! À hình như tiểu đoàn ảnh về Sàigòn rồi má.
Bà Sáu Họ hỏi dồn:
- Vậy hả, sao mầy biết?
- Con đoán chừng vậy thôi, con thấy lính biệt động quân về đông lắm, về đàn áp biểu tình mà.
Chị Tư Tuyển ngừng lời một lát, nói tiếp:
- Hồi chiều con có thấy mà tới gần không được, lính gác quá trời, lúc đó lựu đạn cay ném vung vãi cũng chẳng ai muốn tới làm chi.
Bà Sáu Họ chợt hỏi:
- Ở ngoài Sài gòn loạn vậy sao?
Chị Tư Tuyển thở đài:
- Hết buôn hết bán má à. Không chừng mai mốt còn đình công bãi thị.
- Vậy là làm sao mầy?
- Chợ không họp nữa... Mấy hôm nay vật giá lên vùn vụt, buôn bán khó quá. Con phải mua ít khô cá để trữ ngộ lỡ... Ngày mai phải mua thêm ít gạo nữa.
Bà Sáu Họ hài lòng vì con dâu biết lo xa:
- Mầy lo vậy cũng phải.
Chợt nhớ đến câu chuyện còn bỏ dở, bà Sáu Họ hỏi con dâu:
- Thằng chồng mầy về nó ở đâu?
- Ai biết được, chắc tiểu đoàn ảnh về hậu cứ.
Bà Sáu Họ chép miệng:
- Tội nghiệp nó cực nhọc. Nó về Sài gòn thì trước sau gì cũng sẽ về thăm nhà...
Bà Sáu Họ hy vọng hơn:
- Ùa, có thể nó mang tiền về. Tao sẽ bồng thằng cu ra chợ mua cho nó một bộ quần áo mới, một đôi dép da.
Bà Sáu Họ say sưa với dự tính của mình. Như chợt nhớ ra bà nói:
- Mua cho nó cái chai bú sữa bò nữa. Cứ phải pha sữa vào ly đổ cho nó ra ngoài hết trơn...
Bà giơ bàn tay xương xẩu của mình lên:
- Hồi nầy tay tao run quá trời. Tao đổ sữa cho nó không được. Mua một ly sữa lạt nhách ngoài quán về, thì tao đổ mất ra ngoài hơn phân nửa, nó đói nó khóc hoài.
Ngỡ con dâu chưa đồng ý với mình, bà hỏi:
- Tao nói vậy phải không mầy? Mầy mua ít hộp sữa để ở nhà tao pha cho nó...
Đứa bé bú no nê, rời vú mẹ nghẹo đầu sang một bên ngủ say sưa. Chị Tư Tuyển xốc con lên, đi nhẹ ra giường đặt con xuống, buông mùng, quạt muỗi. Chị nói:
- Sữa đâu có dễ mua hả má. Họ bán chợ đen đến ba chục đồng một hộp, khó khăn lắm má ơi!
Bà Sáu Họ lắc đầu:
- Thiệt không thời đại nào lại như hồi nầy, cái gì cũng chợ đen chợ đỏ.
Chị Tư Tuyển đến bên mẹ chồng coi nồi cơm rồi lại đứng dậy:
- Má coi cơm, con ra dọn chén đũa.
Nàng lấy trên giỏ xuống một miếng khô cá:
- Má nướng miếng khô nầy ăn thử coi có được không.
Mùi cá nướng thơm làm bà Sáu Họ nuốt nước miếng. Bà hối hả gắp miếng cá ra khỏi bếp lửa, để vào lòng bàn tay thổi phù phù. Cô con dâu lấy lại mang ra ngoài đầu nhà kê miếng khô lên cục đá lấy búa đập chan chát. Nàng xé nhỏ miếng cá bày lên đĩa. Bà mẹ chồng không thể nhịn được nữa, bà lên tiếng:
- Mầy đưa tao một miếng ăn thử coi!
Cô con dâu bưng luôn dĩa cá đến bên mẹ, bà lấy một miếng cho vào miệng nhai nhóp nhép, bà hít nước ngọt:
- Ngon lắm, cá nầy là cá chi vậy Tư?
- Cá song má à!
- Ừa, tao cũng đoán chừng vậy!
Chị Tư Tuyển chợt nghe thấy tiếng chân của ai đi ngoài hẻm đang hướng về phía nhà mình. Chị nói với mẹ chồng:
- Có ai vô nhà má à?
Bà Sáu Họ ngừng nhai, bà nói nhỏ:
- Hay là... chồng mầy về?
Chị Tư Tuyển im lặng nghe ngóng, tiếng bước chân đã ngừng lại trước nhà, một người đàn ông bước vào. Ba Choát. Hai người đàn bà không nói gì. Ba Choát lên tiếng:
- Có cơm cho tôi ăn không?
Chị Tư Tuyển lẳng lặng dọn cơm ra chiếc divan, bê cái đèn dầu đặt lên bàn gần đó, Ba Choát sà vào liền, bốc khô nướng nhai ngon lành:
- Lâu nay ở chùa ăn chay hoài ngán quá!
Hắn tự ý đơm cơm đầy một chén, húp canh bằng cái muỗng xùm xụp. Đến lúc nầy bà Sáu Họ mới lên tiếng:
- Mầy đi đâu cả tháng bây giờ mới vác mặt về ăn uống. Nhà tao đâu có chứa cái hạng người như mầy, không chịu làm ăn gì hết trơn...
Ba Choát hứ một tiếng:.
- Tôi ăn tôi trả tiền chớ bộ. Tôi có ăn không của má đâu?
- Mầy trả tiền hồi nào?
- Hôm trước tôi đưa cho má ba trăm bạc tôi ăn có hai chén cơm, bây giờ tôi mới về má đã kiếm chuyện rồi.
Bà Sáu Họ đơm cơm đưa cho con dâu:
- Mầy ăn đi để lấy sữa cho con bú!
Bà cũng đơm một chén cho mình. Hai người chưa ăn hết một chén cơm, Ba Choát đã vét nồi quèn quẹt:
- Sao nấu ít cơm vây?
Chị Tư Tuyển nhỏ nhẹ nói:
- Tôi đâu có biết chú về.
- Từ lần sau chị cứ nấu thêm ra một chút.
Bà Sáu Họ nói ngang:
- Không thừa cơm cho mầy!
Ba Choát hứ một tiếng, buông chén đứng dậy:
- Má tưởng tôi cần ăn cơm ở cái nhà nầy lắm hả. Chẳng qua tôi nghĩ đến tình gia đình nên về đó thôi.
- Tao không cần cái mặt mầy!
Ba Choát móc trong túi ra một nắm tiền:
- Tôi thiếu gì tiền, về tính cho má một vài trăm chơi, vậy mà má tiếc mấy chén cơm, má chửi bới tôi. Vậy thì thôi tôi không thèm cho má xu nào nữa...
Bà Sáu Họ nhìn nắm tiền, bà đoán chừng cũng đến năm bảy ngàn bạc chớ cũng không ít. Bà không biết nó lấy tiền ở đâu, nhưng chắc chắn không phải đồng tiền lương thiện. Dầu biết vậy, nhìn số tiền quá nhiều, bà Sáu Họ không thể dằn lòng ham muốn. Bà lên tiếng hỏi:
- Tiền ở đâu mà nhiều quá vậy?
Ba Choát đút tiền vào túi, vênh mặt lên:
- Má hỏi chi vậy?
- Tao đoán chừng mầy lại ăn cắp ăn trộm ở đâu!
Ba Choát lườm mẹ, nói dỗi:
- Má muốn nghĩ sao thì nghĩ, nhưng đồng tiền nào cũng thơm hết trơn hà. Má khi rẻ tôi thì từ nay má đừng coi tôi là ai.
Hắn nhìn thẳng vào mặt mẹ:
- Nói cho má biết, tôi trúng áp phe, người ta tín nhiệm tôi, giao tôi một công tác quan trọng. Rồi má coi, lật đổ được độc tài quân phiệt tôi bảnh như trời...
Ba Choát nói mà mặt cứ vênh váo lên. Hắn vỗ ngực:
- Ở nhà má khi rẻ tôi, coi tôi không có ki-lô nào, chớ các thầy coi tôi là đạo hữu. Không tin tôi sao tôi có thể chỉ huy được bao nhiêu người, tôi hô lên một tiếng là..
Hắn nhún vai:
- Thôi, nói với má làm gi, má đâu hiểu nổi. Tôi đi đây.
Dứt lời hắn quay ra cửa. Bà Sáu Họ kêu, hắn không trở lại. Mâm cơm sạch bách, bà Sáu Họ và con dâu đặt chén xuống..
- Mầy biết nó làm cái quỷ cái quái gì không Tư?
- Ai mà biết được, à có lẽ ảnh đi theo mấy người biểu tình.
- Biểu tình mà có tiền sao?
- Má không thấy hồi năm ngoái ảnh có tiền à, cũng biểu tình đó, Công giáo Phật giáo đâm chém nhau đổ máu ra má quên rồi sao?
Bà Sáu Họ gật gù:
- Ừa mầy nói có lý!
Ba Choát đi ra khỏi nhà với sự bực bội, hắn cằn nhằn:
- Đm. khi rẻ thằng nầy, thằng nầy đ... cần, rồi sẽ biết tay thằng nầy.
Bọn đàn em Ba Choát đã chờ hắn ở quán cà phê, thằng nào cũng có vẻ nôn nóng. Thấy Ba Choát ra, mặt buồn rười rượi, chúng nó hỏi:
- Có chuyện gì đó anh Ba?
Ba Choát ngồi xuống ghế với bao thuốc lá Pall MaIl để trên bàn, hắn gắn một điếu thuốc lên môi, một thằng đàn em tự động bật quẹt. Ba Choát hơ đầu điếu thuốc vào ngọn lửa, nhả một nạm khói:
- Chuyện gia đình tao, chúng bây hỏi làm chi?
Ba Choát nhìn khắp lượt đàn em:
- Không thiếu thằng nào phải không?
- Dạ, tới lĩnh tiền mà thiếu sao được đại ca.
Ba Choát nhìn thẳng vào mặt tên vừa nói:
- Chưa đâu!
Bọn đàn em sững người:
- Sao lại chưa? Anh là đầu nậu của tụi nầy, anh lãnh hết rồi mà!
Ba Choát chỉ vào ngực mình:
- Đúng, người ta tín nhiệm tao, người ta giao tiền cho tao. Nhưng nếu chúng mầy không làm đủ bổn phận, chúng mầy lãnh tiền rồi chạy làng tao sẽ nói sao với người ta?
Một thằng mặt mũi bướng bỉnh:
- Như vậy anh không tin tụi tôi!
Ba Choát đập mạnh tay một cái cụp xuống bàn:
- Sức mấy tao tin tụi bây!
- Không tin thì làm ăn sao được.
Ba Choát gật gù:
- Có tiền thiếu gì thằng chịu làm. Điều kiện của tao cũng biết điều lắm, tao giang hồ lâu quá rồi mà...
Không chờ cho bọn đàn em vặn hỏi, Ba Choát nói ngay vào đề:
- Tao đặt cọc tui bây một phần ba tiền trước, sống mà về được thì lãnh nốt. Rất đẹp phải không tụi bây?
Bọn đàn em yên lặng. Một lát mới có thằng lên tiếng:
- Một nửa tiền trước!
- Một phần ba!
Bọn quái nhìn nhau dò hỏi, chúng nó gật đầu:
- Đồng ý!
Ba Choát nhếch mép cười, hắn nhẩm đếm lại từng đầu người:
- Chẵn chòi sáu mạng!
Ba Choát móc tiền trong túi ra, hắn thè lưỡi nhấp nước bọt vào ngón tay, hắn đếm những tờ giấy trăm nghe sột soạt. Những đôi mắt của bọn quái đàn em sáng lên, hau háu nhìn vào xấp tiền trong tay Ba Choát. Đếm tiền xong, hắn lại nhếch mép cười. Hắn nhìn vào mặt từng thằng, xỉa ra từng hai trăm một:
- Mỗi đứa cầm tạm hai bò!
Bọn đàn em giật lấy tiền trên tay Ba Choát:
- Hai bò mà làm quái gì được!
- Xong công tác 10 giờ sáng mai tới chỗ hẹn lấy nốt.
- Biết có sống mà về lấy tiền không?
Ba Choát đứng dậy:
- Nếu không về được là bởi tại số mạng. Nhưng tao tin rằng trời đánh không chết tụi bay.
Bọn quái nhóc tì cười khoái trá. Ba Choát chỉ vào ngực mình:
- Chính tao sẽ chỉ huy tụi hay, tao làm luôn tụi bây coi. Không có gì nguy hiểm hết. Nếu tụi bây ngán thì đưa lại tiền đây!
Một thằng vỗ ngực:
- Thằng nầy chưa hề biết ngán cái gì hết, nói là làm.
Ba Choát tin tưởng:
- Xong rồi, mình đã từng làm ăn với nhau nhiều lần. Lần nầy nữa..
Ba Choát bỏ lửng câu nói. Hắn đưa tay ra một cách hết sức đàn anh cho bọn quái bắt tay mình:
- Sáng mai đúng sáu giờ gặp nhau. Ăn sáng xong thì mình đi. Chúng bây cứ yên trí, đã sắp đặt đâu vào đó rồi.
Nhìn bọn đàn em tản mác đi, tự nhiên Ba Choát thấy buồn. Hắn nhớ lại dĩ vãng mình hồi mấy năm về trước, hắn cũng như bọn quái nầy, cũng cầm những đồng tiền chia của một tên đàn anh nào đó để làm bất cứ chuyện gì. Bao nhiêu lần vào sinh ra tử, bây giờ hắn đã già kinh nghiệm.
Ba Choát biết bọn đàn em kia đêm nay sẽ không ngủ được. Chúng sẽ đi tìm gái, tìm những điếu thuốc cần sa để cười, để quên niềm lo lắng, để thấy đời không còn nghĩa lý gì... Như Ba Choát đã làm cách đây mấy năm.
Tự nhiên Ba Choát thấy lo lắng vu vơ. Cái tâm trạng hồi mấy năm về trước trở lại với hắn. Hắn bực mình đá một chiếc lon không ở vệ đường lăn long lóc, lắng nghe âm thanh đó rồi mỉm cười:
- Tại sao mình không tìm một con mái đêm nay. Một con mái cho đời đỡ sầu!
Ba Choát thọc tay vào túi, xấp giấy trăm dày cộm còn nguyên ở đó.
Ba Choát ngồi dậy, hắn nhận ra ả làng chơi nằm tênh hênh bên cạnh. Hắn nhìn ả mà thấy chán mứa. Hắn không còn thiết gì nữa. Vậy mà một xấp một đêm.
Bây giờ trời đã sáng rõ, lớp son phấn trên mặt ả đêm qua đã trôi hết, da ả tái ngắt như một cái xác không còn sinh khí. Ba Choát thấy người mệt mỏi một cách lạ thường, mệt mỏi đến độ không còn muốn cử động chân tay, đầu hắn rỗng tuếch. Ba Choát che tay lên miệng ngáp. Cô ả giang hồ ngủ mê mệt. Ba Choát bực mình giơ tay phát đến đét vào mông ả một phát, làm ả giật bắn người. Ả mở bừng mắt, đôi mắt ngái ngủ đỏ ngầu. Ả bỗng nhoẻn miệng cười:
- Để người ta ngủ nào, phá hoài...
- Dậy trả tiền nầy.
Ả giang hồ nằm xuống, dấu mặt vào gối:
- Ra đưa tiền cho chị Bảy được rồi.
Ba Choát ngao ngán bò xuống khỏi giường, hắn không muốn nhìn vào cái mặt phèn phẹt của ả nữa. Người hắn mệt mỏi lạ kỳ. Hắn vặn xương sống kêu răng rắc, làm vài cử động thể thao để người đỡ mỏi.
Gã trở ra nhà ngoài trả tiền rồi chuồn thẳng. Lòng gã tiếc một ngàn bạc hùi hụi. Gã đi đến nơi hẹn, bọn quái nhóc tì đã đến đủ mặt. Nhìn thấy Ba Choát bọn chúng hỏi:
- Đêm qua đại ca du hí ở đâu?
Ba Choát kéo ghế ngồi:
- Đm. ngủ với điếm. Tao hết mẹ nó xíu quách rồi.
Ba Choát kêu một ly sô đa hai bột gà, kêu thêm ly cà-phê nữa. Hắn cằn nhằn hoài về vụ ngủ với điếm.
Bọn quái nhóc hỏi:
- Mấy giờ bắt đầu hả đại ca?
- Chờ chút xíu để chợ đông mình mới dễ hành động, vả lại để cho tao thở đã...
Bọn quái lỏi tì ăn uống ào ào, chúng bàn tán đến kế hoạch sắp thực hiện. Một lát sau có kẻ lạ mặt xách đến một cải giỏ trao cho Ba Choát. Hắn trao xong rồi đi ngay. Ba Choát mở ra xem. Hắn đưa luồn đưới gầm bàn cho mỗi tên một cây pháo đại, thằng thì chai dầu hôi:
- Như những lần trước nhé tụi bây!
- Xong rồi, em thông thạo mà đại ca!
- Mười giờ đúng tao gặp tụi bây tại đây.
- Đại ca không đi sao?
- Có chứ, tao phải làm gưrơng cho tụi bây.
- Hay lắm, nhưng cố chạy cho thoát về trả tiền tụi nầy.
- Tụi bây yên trí, chưa chắc chợ hôm nay đã dám họp. Ngày hôm qua truyền đơn thả tùm lum kêu gọi đình công bãi thị rồi, nếu họ còn ngoan cố mình mới phải hành động. Chợ Vườn Chuối teo rồi, còn chợ Thái Bình thôi...
Bọn nhóc tì lại nói chuyện về lựu đạn cay, đến vụ bàn thờ Phật xuống đường. Một thằng khoe thành tích:
- Chiều hôm qua có một thằng đi xe gắn máy qua bàn thờ Phật mà không chịu xuống xe, bọn nầy túm lại đánh cho một trận mê tơi.
- Nó có sao không?
- Ngất ngư thôi!
- Mầy có ăn giải gì không?
Thằng quái lỏi rút túi ra một cái đồng hồ đeo tay.
Bọn kia chúi đầu vào xem:
- Vầy mà cũng lấy. Tưởng thứ Rô Lếch, Long Din, cái nầy mại chỉ được cao lắm là năm choạc!
Thằng quái có chiếc đồng hồ ngẩn ngơ:
- Bộ thứ nầy thường lắm sao?
- Hạng bét vứt mẹ nó đi!
Thằng quái đeo vào tay mình:
- Vất sao được, tao đeo để coi giờ.
- Mầy biết chữ không?
Thằng quái lỏi nổi hung:
- Đ... cần biết chữ, tao mang để lấy le với gái.
Bọn quái cười phá lên:
- Đm. “thằng nhỏ” chưa mở mắt mà đòi le gái.
Bọn quái đang đấu láo thì chợt ba chiếc xích lô máy dừng lại trước quán. Ba Choát trả tiền ăn uống cho cả bọn:
- Thôi đi tụi bây, xe đến rồi kia!
Chúng nó ào đứng dậy giành nhau lên xe. Ba Choát lên sau cùng. Chiếc xe hắn dẫn đầu, hắn ngoái cổ lại nói với người tài xế xích lô máy:
- Lát đến đón tụi nầy nghe. Các anh đứng ở đầu đường Bùi Viện.
Chiếc xe dẫn đầu thận trọng tránh những con đường có nhiều cảnh sát gác. Một chiếc xe hơi của Mỹ bị đốt chiều hôm qua còn nằm chỏng trơ ở giữa đường. Phía chùa Kỳ Viên vẫn còn hai chiếc bàn thờ Phật ngoài đường, khói nhang nghi ngút. Một thân cây bị đốn nằm ngang đường ngăn cách vùng của nhà chùa và cảnh sát. Trước cửa chùa, một tốp thanh niên đứng gác bàn thờ, trên đầu họ đội chiếc bao ni-lông sẵn sàng kéo chụp xuống để chống khói lựu đạn cay. Ở góc đường Cao Thắng - Phan Đình Phùng một chiếc xe Jeep của cảnh sát vẫn đứng trông chừng từ đêm hôm qua.
Ba chiếc xích-lô máy đã vượt qua được khúc đường hiểm nghèo. Ba Choát thở phào, hắn không ngờ lại qua mặt cảnh sát một cách dễ dàng như vậy. Tới trước rạp Khải Hoàn cả bọn xuống xe. Đã bầy kỹ kế hoạch nên bọn Ba Choát tự động tản ra, ai làm phận sự nấy. Chúng nó lần vào phía trong chợ Thái Bình một cách dễ dàng Trong túi quần Ba Choát thủ sẵn chai dầu hôi. Hắn đi thẳng vào khu hàng thịt. Sau lưng Ba Choát, hai thằng quái lỏi miệng ngậm thuốc lá phì phèo, trong túi đứa nào cũng có một cây pháo cối.
Ba Choát tới trước một cửa hàng thịt, hắn nhìn thẳng vào mặt người đàn bà:
- Chị nhận được truyền đơn kêu gọi đình công bãi thị chưa?
Người đàn bà biến sắc:
- Truyền đơn nào?
- Chị ngoan cố, chị theo phe độc tài quân phiệt!
Người đàn bà nhìn trước nhìn sau, bà ta ở trong thế kẹt nên đối đáp yếu ớt:
- Tôi không ở phe nào hết, tôi buôn bán...
- Đã có lệnh không buôn bán nữa.
Bà hàng thịt càng thêm hốt hoảng:
- Tất cả mọi người ở đây đều dọn bàng, đâu có phải mình tôi.
Bỗng một người đàn bà đến truớc quày hàng. Bà hàng thịt như vớ được cứu tinh:
- Mời bà mua hàng dùm em!
Ba Choát mặt hầm hầm quay lại:
- Hôm nay đình công bãi thị, không mua bán gì hết!
Người đàn bà toan mua hàng nhìn sững Ba Choát, chị ta còn thấy hai thằng nữa tiến lại, nên hốt boảng rảo bước đi. Ba Choát cười gằn, nói với chị hàng thịt:
- Chị thấy chưa, tôi báo trước cho chị biết, tôi bắt chị phải dẹp hàng ngay.
Bà chủ hàng thịt nhìn thớt thịt còn ê hề:
- Tội nghiệp tôi, còn bao nhiêu thịt...
Giọng Ba Choát đanh lại:
- Không cần biết, đổ đi!
Bị va chạm quyền lợi, chị đàn bà không còn biết ngán:
- Các người lấy quyền gì mà bắt người ta dẹp hàng?
Ba Choát trợn mắt:
- Quyền gì hả? Tôi sẽ đổ thịt đi giùm chị!
Dứt lời Ba Choát dốc luôn chai dầu hôi lên phản thịt.
- Bớ người ta!
Nhanh như cắt hai thằng quái lỏi châm hai quả pháo đùng vào đầu điếu thuốc lá. Ba Choát hô:
- Chạy tụi bây ơi!
Hai tiếng pháo nổ vang làm khắp chợ nhốn nháo, liên tiếp hàng chục quả pháo nữa nổ ở trong chợ. Tiếng la ó vang dội:
- Lựu đạn, lựu đạn!
Bọn Ba Choát chạy thục mạng, đạp đổ lung tung hàng hóa. Bỗng có tiếng la:
- Bớ người ta, bắt lấy nó!
Ba Choát xô dạt người để chạy, hắn thở hồng hộc.
Bỗng một cây đòn gánh từ con đường ngang phang ra trúng ngay vai hắn, Ba Choát la lên:
- Ối chết tôi rồi!
Người đuổi theo mỗi lúc một đông, Ba Choát nhịn đau. Hắn cùng đường rồi, hắn chạy bừa bãi, thêm một cái ghế nữa vào lưng, nhưng hắn đã chạy ra được cửa chợ, miệng khô ran. Phía đàng sau tiếng la vang:
- Đánh chết nó đi, thằng đó!...
Ba Choát thở hồng hộc, chệnh choạng. Một cái ngáng chân, hắn ngã sấp mặt xuống vỉa hè. Đòn gánh, guốc, ghế phang như mưa bấc lên người hắn, hắn co rúm người lại và mê đi.
Hai mươi mốt
Út ngồi ngửa người trên chiếc ghế bành, bàn chân đặt trên đùi một chị đàn bà ngồi dưới đất. Chị ta cắm cúi mài dũa những móng chân đều như san hô của nàng. Chị ngừng tay thận trọng ngắm nghía rồi tẩm Acetone vào một miếng bông gòn lau chùi cẩn thận:
- Thưa bà Giám đốc, bà tính sơn móng chân màu gì?
- Tùy chị, chị thấy màu gì đẹp?
- Dạ thưa bà, người sang trọng như bà nên dùng màu nhã nhặn quý phái, phơn phớt hồng thôi!
Đ ể bênh vực cho lập luận của mình, chị sửa móng chân nói thêm:
- Bà Đại tá Thuận cũng xài màu đó.
Út nói bâng quơ:
- Hôm vừa rồi tôi thấy bà Thiếu tướng sơn màu đẹp lắm!
- Màu hồng bạc phải không thưa bà?
- Hình như vậy.
Chị sửa móng chân dè bỉu:
- Nói xin lỗi bà, bà cứ cho phép em nói thiệt...
- Ù, chị cứ nói!
- Bà Thiếu tướng là người không biết ăn mặc, bả có trát vàng mặc vào người cũng vậy thôi. Người sang trọng như bà Giám đốc đây chỉ cần ăn mặc thật đơn sơ nhã nhặn là đủ nổi bật trong đám đông. Em xin hứa danh dự em sẽ làm cố vấn sắc đẹp cho bà Giám đốc, dù bà không trả lương cho em. Được hầu hạ một người sắc nước hương trời như bà Giám đốc em lấy làm thỏa mãn lắm rồi...
Chợt có tiếng mèo kêu meo neo ở cửa. Út mở choàng mắt:
- Lucky, Lucky “cam hia”!
Con mèo vàng lông xù kêu lên mấy tiếng nho nhỏ nhảy tót lên lòng Út. Chị sửa móng chân nịnh thêm một câu:
- Bà Giám đốc có con mèo quý quá, nó biết nghe cả tiếng Huê Kỳ!
Út nựng nịu con mèo, nàng đặt nó lên lòng:
- Sít đao pờ li!
Con mèo ngồi trên lòng nàng, rúc đầu vào ngực nàng, nó gù gù. Út chợt nhăn mặt:
- Con lạnh hả, má tắt máy lạnh nhé!
Nàng dùng chân kia khều nhẹ vào người chị sửa móng chân:
- Chị ra mở cửa tắt máy lạnh dùm.
Chị sửa móng chân trước khi đứng dậy, cẩn thận lót chiếc khăn bông trắng tinh dưới sàn để Út đặt chân lên. Chị ta ra tắt máy lạnh, mở tung mấy cánh cửa kính. Gió ngoài vườn thoang thoảng mát dịu.
Út vuốt ve, nựng nịu con mèo, nàng cù nhẹ vào bụng nó làm con vật cong người lại gậm vào ngón tay nàng. Chợt nàng trợn mắt lên:
- Trời đất ơi, mầy có bọ chét sao?
Nàng cằn nhằn:
- Thế này thì tệ thật!
Chị sửa móng chân vội vàng đỡ lấy con mèo:
- Bà Giám đốc để em bắt bọ chét cho nó.
Út tức giận, nàng giữ con mèo lại:
- Chị đi kêu con nhỏ người làm lên đây cho tôi.
Chị sửa móng chân vội vàng chạy ra ngoài, một lát sau con bé người làm đi theo chị sửa móng chân vào phòng. Vừa thấy mặt con bé Út nổi giận liền:
- Lại đây tao biểu, lại đây.
Con bé người làm đi tới, nàng vung tay tát bốp vào mặt nó:
- Khốn nạn, có mỗi việc săn sóc con mèo của tao mầy làm cũng không xong.
Con bé lãnh đủ một tát tay bỏng rát, nó lùi lại. Chị sửa móng chân vội chạy lại giữ lấy tay Út:
- Xin bà Giám đốc đừng giận...
Chị ta nhìn xuống móng tay Út:
- Bà giận đánh nó hư móng tay rồi. Để em sửa lại.
Út đáo để, xa xả mắng con bé người làm:
- Mầy chỉ có mỗi việc săn sóc con mèo cũng không xong. Tao đã biểu mầy phải bắt hết bọ chét cho nó, khi nó ăn sữa xong mầy phải lấy bông gòn lau mồm nó hiểu chưa?
- Dạ...
- Từ giờ đến tối tao còn thấy con bọ chét nào ở người nó thì mầy khó sống với tao.
- Dạ...
Chị sửa móng tay góp lời:
- Mầy bế con mèo đi, còn đứng đây làm chi, bà chủ đang giận.
Con bé vội vàng ôm lấy con mèo biến ra cửa. Út vẫn chưa đã giận. Nàng lầm bầm nói một thôi một hồi:
- Thiệt người làm không đứa nào sướng như ở nhà này. Chúng nó có phải làm gì đâu, chơi suốt ngày mà vẫn làm biếng...
Út lại nói về con mèo:
- Hôm nay là ngày sinh nhật con Lucky, tôi có mời một số người đến, rồi tới người ta bồng bế nó, bọ chét dính vào người ta thì thiệt đẹp mặt tôi. Chị biết những người đến mừng cho Lucky là hạng người nào không? Toàn ông to bà lớn... Tôi phải thay mặt chồng tội tiếp đãi vì ổng đi công tác xa...
Chị sửa móng tay dạ ngắt câu Út đều đều... Út xem lại móng chân móng tay mình, nàng hài lòng:
- Thôi được rồi đó chị!
Út chỉ cái xắc tay để trên bàn:
- Chị mang cái xắc đến đây tôi trả tiền cho.
Chị sửa móng tay vội vàng mang xắc lại. Út mở xắc lấy tờ giấy hai trăm đưa cho chị ta. Chị ta từ chối:
- Thưa bà Giám đốc, được sửa sắc đẹp cho bà là hân hạnh cho em rồi, em còn phải nhờ vả bà Giám đốc nhiều.
Út ngó chị sửa móng tay:
- Chị chê ít hả? Thôi đây cầm lấy năm trăm.
Chị sửa móng tay đẩy tiền lại:
- Dạ không phải, thiệt tình em kính trọng bà Giám đốc.
Chị ta cười e ấp:
- Chả nói giấu gì bà Giám đốc, em muốn nhờ vả bà Giám đốc từ lâu mà chưa dám mở miệng đấy ạ!
- Chuyện gì vậy?
- Nếu bà Giám đốc cho phép em xin thưa!
- Chị cứ nói!
- Dạ cám ơn bà Giám đốc có lòng tốt. Số là em có một người bà con nghèo khổ quá muốn nhờ bà Giám đốc giúp đỡ.
- Tôi làm gì được?
- Xin bà Giám đốc bảo đảm cho để xin ông Giám đốc cho một sở làm.
Út nói duỗi ra:
- Tôi biết sao mà bảo đảm, ngộ lỡ họ là VC thì sao. Mà chức vụ của chồng tôi đâu có cho phép dùng nhân viên người Việt. Vệ sĩ của ảnh toàn là người Huê Kỳ...
Chị sửa móng tay năn nỉ:
- Em xin bà Giám đốc mở lượng hải hà, em xin lấy tánh mạug bảo đảm cho tư cách của cha nầy.
Út chợt hỏi:
- Đàn ông à?
- Dạ, con người thiệt khôn ngoan hiền lành, chỉ phải mỗi cái trời bắt có tật.
- Anh ta làm được cái gì?
- Bà Giám đốc sai bất cứ cái gì ảnh cũng làm, ảnh có biết nói tiếng Huê Kỳ, biết lái xe hơi...
- Tôi có tài xế rồi.
Chị sửa móng tay năn nỉ:
- Xin bà Giám đốc thương xót dùm ảnh một vợ hai, ba đứa con, làm không đủ sống... Người Việt với nhau....
Chị sửa móng tay năm nỉ ỉ ôi, Út giơ tay che miệng ngáp:
- Tôi buồn ngủ quá, bây giờ tôi chưa thể nhận lời được, tôi còn phải hỏi lại ý kiến chồng tôi. Mướn thêm một người đối với tôi không ăn nhằm gì, nhưng chồng tôi kỹ lắm, ảnh phải gởi đi An ninh điều tra.
Chị sửa móng tay vội thưa:
- Em đã nói em xin lấy tính mạng bảo đảm tư cách cha này mà, người đàng hoàng lắm.
Chị ta cười hì hì:
- Được bà Giám đốc cho một hy vọng như vậy là em tin tưởng lẳm rồi, em xin về để bà Giám đốc đi nghỉ.
Chị ta quay ra, Út vo viên tờ giấy năm trăm ném theo:
- Chị cầm lấy!
Chị sửa móng tay cúi xuống nhặt tiền, rạp người xuống chào:
- Cám ơn bà Giám đốc.
Còn lại mình Út trong phòng, nàng đứng dậy đi vào phòng riêng. Buổi sáng thật tĩnh mịch, khi nằm xuống giường, nàng lại không thấy buồn ngủ nữa. Chiếc hình của Nelson và nàng chụp chung để ở chiếc bàn đêm ngay đầu giường. Nelson hơn nàng đến gần ba chục tuổi. Hắn say mê nàng đến điên cuồng. Út không biết chức vụ thật của chồng, nhưng có lẽ hắn làm lớn lắm. Một mình hắn được chính phủ cấp cho nguyên chiếc biệt thự rộng thênh thang này, kẻ hầu, người hạ nườm nượp. Từ ngày Út về sống với hắn ở đây nàng thật sung sướng. Tiền bạc tiêu như nước, ngày nào cũng có ông này bà kia đến xin xỏ điều này điều nọ. Từ khi có Út họ xin xỏ trực tiếp với Út. Út nói lại với chồng, và nàng được đền ơn xứng đáng.
Út không thể ngờ đời mình lại có giây phút này, sự may mắn đến với nàng như chuyện thần thoại, chuyện cổ tích. Nelson nhiều lần ôm lấy chân nàng:
- Anh yêu em, thiếu em anh không thể sống được. Em đừng bỏ đi nữa. Anh đang làm thủ tục ly dị vợ anh bên Huê Kỳ.
Út đã bỏ đi một lần, khi biết Nelson có vợ. Chẳng phải nàng yêu thương gì hắn ta, nàng sợ rắc rối rồi bị ở tù.
Út thấy Nelson quá say mê nàng, nàng làm tình làm tội hắn, nàng khóc lóc bỏ ăn bỏ uống:
- Em không thể sống thế này đưọc, anh lường gạt em, anh có vợ rồi, em chỉ là gái qua đêm của anh...
- Không, em sẽ là vợ chính thức của anh!
- Anh bỏ vợ sao?
- Đúng, tháng sau anh sẽ về Huề Kỳ ly dị, anh chỉ đi một tuần thôi.
Và Nelson đã đi, hắn đi được ba ngày rồi. Út nằm gối đầu trên cánh tay mình mỉm cười. Cửa kính đóng kín, máy điều hòa không khí chạy vừa đủ mát. Vẫn có những buổi sáng, như buổi sáng nay, nàng chợt nhớ đến dĩ vãng của mình, con Út nghèo khó suốt ngày chạy rong bán từng tấm vé số xin thêm một đồng lẻ.
Út nhớ đến chàng, chàng bây giờ ở đâu, người đàn ông đẹp trai đã sống với nàng bảy dêm, dạy nàng những câu tiếng Anh vỡ lòng... Buổi sáng ngày thứ bảy chàng đã âm thầm ra đi. Khi Út tỉnh dậy nàng thấy bên cạnh mình chàng để lại mấy ngàn bạc, một mảnh giấy nhỏ: “Giúp em ít tiền, chúc em sung sướng”. Mảnh giấy không ký tên, suốt bảy ngày sống cạnh chàng, Út không biết tên thật của chàng. Hỏi chàng, chàng gạt đi:
- Quan trọng gì mà tên với tuổi.
- Biết đâu sau này em không có dịp trả ơn anh.
Chàng mỉm cười, nhìn thẳng vào mặt nàng:
- Ghê nhỉ, nhưng anh không nhận đâu, em sẽ lấy Mỹ chớ gì, biết đâu chả vớ được chú Mỹ bảnh, nhiều kẻ sẽ quì dưới chân em xin ân huệ, nhưng trong số người đó không có anh.
Chàng dí tay vào mũi nàng nói nửa đùa nửa thật:
- Anh vẫn coi em là một con đượi, một gái kiếm tiền.
Út không giận chàng, chàng vẫn có lối nói đốp chát đó. Nàng tự cho mình là kẻ hiểu chàng. Nàng cười và ngả mình vào trong vòng tay chàng.
Sau đó Út lại đi lang thang mỗi đêm với hy vọng gặp lại chàng ở một quán nào đó. Nhưng chàng bặt vô âm tín. Út không bao giờ còn nghĩ mình sẽ trở lại một ổ điếm nào khác, mặc dầu có vài người dụ dỗ nàng. Gã xích lô quen thuộc đưa nàng hằng đêm, một lần đề nghị:
- Cô bắt khứa lẻ như vày không ăn cái giải gì. Cô phải bắt một khứa nào cho đông bạc.
Út chán nản:
- Đông bạc thượng số là năm xấp một đêm chứ mấy, qua đêm nó quăng tiền cho mình rồi lại bỏ đi như những thằng khác, tụi Mẽo có tiếng là kẹo.
- Phải làm gái bao mới khá!
Gã xích lô máy chở nàng đi đến gần giờ giới nghiêm. Tới đầu đường Tự Do, hắn thấy một người Mỹ cao lớn, từ trên Queen Bee đi xuống. Gã xích lô vội ghé xe vào lề đường:
- Cô ngồi đây, tôi ra bắt thằng này cho.
Trong khi gã xích lô chặn gã Huê Kỳ già lại thì Út xuống xe. Nàng lượn qua mặt hắn cười tình, nàng đứng dựa gốc cây hút thuốc lá Salem phì phèo. Gã Mỹ già đứng mặc cả với gã xích lô một hồi. Gã xích lô chợt gọi rối rít:
- Cô, cô lại đây!
Út thủng thẳng đi tới, mỉm cười đưa ra bắt tay gã Mỹ:
- Gút nai!
Gã chào lại bằng tiếng Việt, giọng còn hơi cứng:
- Chào người đẹp Saigon.
Út bỗng cười dòn:
- Ông biết nói tiếng Việt?
- Biết, nhưng ít thôi.
Hắn chỉ chiếc xe hơi Huê Kỳ bóng loáng ở đầu đường:
- Xe của tôi, mời người đẹp lên...
Gã Mỹ già không quên dúi vào tay gã xích lô mấy trăm bạc. Út giơ tay vẫy khi lên xe:
- Mai gặp lại nghe bồ!
Gã già Mỹ đưa Út về một biệt thự thật sang trọng.
Gần sáng gã hỏi nàng:
- Em ở lại đây với tôi không?
- Bao lâu?
- Tùy em!
Út hôn vào trán hắn:
- Một tuần lễ!
Nelson gật đầu. Nhưng qua một tuần lễ, Út không ra khỏi biệt thự đó. Nelson đã yêu nàng... Hắn không ngần ngại giới thiệu nàng là vợ với mọi người. Cuộc đời nàng bắt đầu sung sướng từ đó.
Út thấy đói, có lẽ trưa rồi. Nàng nhìn đồng hồ, đã hơn mười hai giờ. Út bấm chuông gọi bồi. Chị người làm chạy lên. Út hất hàm hỏi:
- Có cơm chưa.
- Dạ thưa cô xong rồi, em nghĩ là cô ngủ nên...
- Dọn cơm cho tôi ăn!
Út uể oải đứng dậy, chị người làm nói tiếp:
- Có cô giáo ngồi chờ cô ngoài nhà...
- Lâu chưa?
- Từ lúc mười giờ:
Út vội vàng ra khỏi phòng, nàng lịch sự chào cô giáo:
-Xin lỗi cô nhé. Hôm nay người tôi hơi mệt nên vào phòng nằm nghỉ, quên bẵng mất cô đến dạy học.
Cô giáo khoảng hai mươi tuổi, nàng hàng ngày đến dạy Út học Anh Văn. Tính nết cô ta đằm thắm nên Út rất mến. Cô giáo còn là sinh viên. Cô ta nói với nàng:
- Tôi còn đi học, nhà nghèo nên phải kiếm tiền thêm.
Út quý mến cô ta nên trả tiền lương hậu lại quà cáp luôn luôn. Nhưng cô ta rất ít khi nhận. Cô ta không như những kẻ đến nhà này.
Út đề nghị với cô giáo:
- Hôm nay muộn rồi, cô giáo cho tôi nghỉ một buổi và mời cô giáo ở lại đây ăn cơm với tôi, tối này dự sinh nhựt của Lucky.
Cô giáo ngó Út thắc mắc:
- Lucky là ai đấy ạ?
Út mỉm cười:
- Con mèo lông xù của tôi.
Cô giáo bật cười:
- Ăn sinh nhật cả con mèo nữa sao?
Con mèo Lucky kêu meo meo từ dưới nhà chạy lên, nhảy tót lên lòng Út. Nàng vuốt ve nó:
- Nó khôn như người ấy cô ạ. Tôi thương nó như con, nó được một năm rồi.
Cô giáo nhìn con mèo, nàng thầm nghĩ sao họ có thể rởm đến như vậy được. Nàng từ chối:
- Tối hôm nay tôi bận nhiều chuyện, rất tiếc không thể đến được. Vả lại lại tôi không hợp với không khí đông đảo...
Út cố mời mọc:
- Có gì là đông đảo đâu, tôi chỉ mời mấy người thân, mấy ông đổng lý, Giám đốc bên phía người mình thôi mà.
Cô giáo tò mò hỏi:
- Người ta nhận lời chưa ạ?
- Họ nhận lời hết rồi, ăn uống ở nhà ấy mà.
Cô giáo muốn cười lớn, nhưng không thể cười được.
Nàng đứng dậy:
- Để hôm khác tôi sẽ đến dạy bà, bây giờ xin phép bà tôi phải ra thư viện.
Út tiễn cô giáo ra cửa, nàng chợt giữ tay cô giáo lại:
- Cô cần mượn tiền trước không?
- Cám ơn bà, cứ để cuối tháng tôi lấy một thể.
Cô giáo ra khỏi nhà, nàng tủm tỉm cười nghĩ đến thái độ vừa rởm vừa “phú quí sinh lễ nghĩa” của bà chủ mình. Nàng nghĩ đến người yêu của mình, kể cho anh ấy nghe chuyện này chắc là cười bằng thích. Nghĩ đến chàng, nàng thấy mát cả lòng. Chàng thật là người hoàn toàn, kiêu kỳ nhưng không phách lối.
Bữa tiệc sinh nhật con Lucky được tổ chức vào buổi tối, thân mật, nhưng không kém phần long trọng.
Út vui vẻ ôm con mèo ra tận cửa đón khách, nàng vui vẻ nhận những món quà tặng. Nàng vào nhà, đặt con mèo trên một chiếc gối nhung ngay bên cạnh chỗ ngồi của mình. Bữa tiệc diễn ra trong không khí vui vẻ. Câu chuyện xoay chiều ra công việc buôn bán, đổi chác đô-la. Út hỏi một bà bạn:
- Chị cần đổi bao nhiêu?
Ba ta hợm hĩnh:
- Chị có bao nhiêu tôi đổi hết...
Một bà khác nói xen vào:
- Ê, đâu có được. Còn để tụi nầy chứ!
Út cười thật tươi:
- Yên trí mà, tôi hết thì còn nhà tôi...
Út lại nói về những vụ mua bán đồ Mỹ trong PX:
- Cứ tới nhà tôi rồi chở đi, bao nhiêu tủ lạnh, máy điều hòa không khí cũng có.
Bà Thiếu tá nói:
- Dễ mà, chỉ mua là khó chứ chở đi dễ ợt, nhưng bà chị phải hạ giá hơn người ta thì mới có thể bao thầu được.
- Chị chở bằng xe T.N. hay xe gì?
- Xe nhà binh thiếu gì, nói cho chị biết tôi bảo đảm còn có xe hộ tống nữa. Bố phú-lít cũng không đám đụng đến.
Út cười, nàng ngó bà bạn:
- Chị đừng tưởng tôi không lo được vụ đó đâu, nhưng tôi nhiều việc quá nên không có thì giờ rảnh... Thôi được tôi giao cho chị.
Bà Thiếu tá mặt mũi hớn hở:
- Thiệt nhé chị...Chị đã nhận lời...
Út gật đầu, bà Thiếu tá mở liền cái xắc tay:
- Em ký ngay cho bà chị cái “xếch” một triệu để xài chơi.
Út ngăn lại:
- Khoan, hôm nay ngày vui mà. Chuyện buôn bán mình xếp lại đã.
Bà Thiếu tá cố nài nỉ:
- Em biết bà chị không thiếu gì tiền, nhưng cứ cầm cho em tin tưởng...
Út cười dòn:
- Nếu chị không tin được lời hứa của tôi thì mình buôn bán với nhau sao được.
Bà Thiếu tá vội vàng nói:
- Ấy chết, em chân thành đề nghị với bà chị, bà chị lại nói dỗi...
Út ra bàn đặt ly rượu:
- Thôi bây giờ chúng ta ra đánh bài. Bà Thiếu tá cứ yên chí, chuyện đó cũng xong rồi.
Nàng ngó ra phía đàn ông, các ông đang tranh luận ráo riết về một vấn đề nào đó. Út đi tới:
- Các ông nói chuyện gì mà hăng say quá vậy,?
Một ông trán hói cười tươi:
- Chúng tôi đang nói về chuyện tranh cử, anh Hoàng kỳ nầy ra nữa.
Út vui vẻ:
- Thế ạ, bây giờ tôi mới biết đấy!
Người đàn ông tên Hoàng lịch sự:
- Tôi ra kỳ này mong bà chị giúp cho một phiếu.
- Một phiếu của tôi thì ăn thua gi?
- Cứ được nửa phiếu của bà chị cũng là quí lắm rồi.
Gã nhìn nàng:
- Tôi còn phải nhờ bà chị nhiều, phải nói trắng ra rằng nếu không được sự giúp đỡ của người Mỹ thì...
Gã bỏ lửng câu nói, cười lớn:
- Đất nước chúng ta đau thương quá rồi, tôi cũng muốn trong dịp này ra tranh cử để họa may có giúp nước được gì không? Mình là người trí thức không thể khoanh tay ngồi nhìn được.
Chỉ một lát sau ông ta trở nên hùng biện:
- Chúng ta phải có tự do dân chủ, chiến tranh phải chấm dứt ở đất nước đau thương này. Cũng vì vậy mà tôi đã từng vào tù ra khám. Nếu tôi đắc cử, tôi nguyện đem hết tâm lực giúp dân giúp nước.
Một lát sau ông ta nói đến sự thối nát của xã hội hiện tại, sự bất công v.v...
Một ông khác hỏi:
- Khi ra tranh cử, anh đã có hậu thuẫn nào chưa?
Ông nghị tương lai đưa một ngón tay lên môi suỵt khẽ:
- Bí mật, nhưng ở đây anh em thân tình cả, tôi có thể tiết lộ được.
Ông ta yên lặng nhìn mọi người:
- Thời buổi này không có hậu thuẫn thì ông nội tôi cũng không dám ứng cử. Xong hết rồi, Phật giáo, Công giáo, Lao động. Vậy là đủ quá rồi.
Ông ta lần lượt kể đến sự tiếp xúc của mình với các vị lãnh đạo tôn giáo. Câu chuyện càng lúc càng sôi nổi. Cuối cùng tất cả câu chuyện được kết thúc bằng một canh bạc thâu đêm. Một bà giơ tay che miệng ngáp, đứng dậy:
- Thôi tôi về đây, cháy túi. Mất mẹ nó mấy cái đầu quân dịch.
Út vào ngủ sau khi tiễn chiếc xe hơi cuối cùng ra cửa.
Nàng thiếp đi tới chiều mới tỉnh dậy. Nàng bấm chuông gọi người làm, con bé ở chạy vào:
- Có gì cho tao ăn không?
- Dạ vẫn để phần cơm bà chủ, à thưa bà có chị sửa móng tay ngồi chờ bà ở ngoài, chị ta có đưa một người đàn ông tới.
Út ngồi dậy, nhíu mắt:
- Chị ta có nói là đến việc gì không?
- Dạ không thấy nói!
Út vào phòng tắm riêng rửa mặt trang điểm qua loa. Khi Út vừa ra đến cửa phòng, nàng sững người khi thấy gã đàn ông không phải ai xa lạ, mà chính là Hội Thọt. Sau mấy năm không gặp lại hắn, Út thấy hắn vẫn vậy, diêm dúa một cách quê mùa. Bộ quần áo giặt ủi trắng lôm lốp, tóc chải bi-dăng-tin bóng lưỡng. Hội Thọt cũng sững người luống cuống, mồ hôi hắn toát ra xâm xấp trên trán.
Út lấy lại bình tĩnh, ra ghế xa-lông ngồi:
- Hai người ngồi xuống đi!
Chị sửa móng tay đon đả:
- Thưa bà Giám đốc, được bà Giám đốc nhận lời, em đưa người của em lại.
Út hất hàm về phía Hội Thọt hỏi:
- Chú này đấy phải không?
- Dạ! Bà Giám đốc cố giúp em cháu, nó nghèo quá, vợ con đùm đề. Dạ thưa bà Giám đốc em xin bảo đảm, chú em đây là người lương thiện đàng hoàng, thực thà lắm, một là một hai là hai, em mà nói sai em xin chịu tội với bà Giám đốc.
- Chị bảo đảm phải không? Chị có chắc chắn anh này là người lương thiện không?
Hội Thọt toát mồ hôi hột. Hắn thấy da thịt mình như bỏng rát vì cái nhìn của người thiếu phụ. Hắn không quên được tội lỗi hắn đã gây ra cho nàng. Nàng sẽ xử trí với mình ra sao?
Chị sửa móng tay vẫn xoen xoét tâng bốc Hội Thọt. Út vừa nghe vừa gật gù. Nàng hỏi:
- Hắn làm được nghề gì?
- Dạ chú nó có bằng lái xe hơi!
- Ở nhà tôi có ba tài xế rồi, người nào cũng lành lặn chứ không què quặt như chú này,
Chị sửa móng tay ăn nỉ:
- Xin bà Giám đốc thương cho hoàn cảnh hắn, cùng người Việt mình cả.
Út cười lớn:
- Để xem đã, tôi chỉ ngán chú này lại giở thói đưa gái cho chồng tôi hoặc quyến rũ con sen nhà tôi đem bán thì hỏng to.
Hội Thọt giật mình, mặt đỏ lên. Út kiếm chuyện trả thù mình chăng. Chị sửa móng tay vội vàng chống chế:
- Thưa bà Giám đốc làm gì có chuyện đó, chú em tôi thật thà như đếm. Bà Giám đốc đừng quan tâm đến vấn đề lương lậu. Bà trả chú nó bao nhiêu cũng được miễn là chú nó được hân hạnh hầu hạ bà Giám đốc.
Út gật gù:
- Anh ta hầu hạ tôi thì hầu hạ gì được?
- Thưa bà Giám đốc bà sai làm bất cứ cái gì cũng được.
Út mở hộp lấy một điếu thuốc lá gắn lên môi, ngoắc Hội Thọt lại:
- Anh có bật lửa không?
Hội Thọt vội đứng dậy chạy lại bật lửa. Út giằng lấy cái bật lửa, nàng xem đi xem lại, mỉm cười hỏi Hội Thọt:
- Cái quẹt máy này có phải quẹt máy nguyên tử không?
Mặt Hội Thọt đỏ Iên, Út hỏi gặng:
- Phải không? Kìa, tôi hỏi sao không trả lời?
Chị sửa móng tay thúc giục:
- Chú câm à, bà Giám đốc hỏi kìa.
Hôi Thọt lắp bắp trả lời:
- Dạ không... hộp quẹt ga.
Út cười, nhả một nạm khói:
- Vậy mà tôi cứ ngỡ là hộp quẹt nguyên tử chớ.
Hội Thọt tập tễnh về ghế mình. Út nói:
- Nếu tôi mượn chú, tôi phải gởi chú sang Huê Kỳ lắp cái chân khác, cái chân thọt của chú tôi thấy xốn con mắt quá!
Hội Thọt nín khe, chịu đựng. Hắn lo lắng không biết nàng sẽ làm gì mình. Chị sửa móng tay cứ luôn miệng tán tụng Hội Thọt. Út bực mình:
- Thôi, chị nói ít chứ, vậy là đủ rồi. Chị biểu ảnh đưa giấy tờ cho tôi coi.
Hội Thọt đành phải đưa ra. Út xem thẻ căn cước rồi giữ lấy:
- Tôi nhận lời, chiều đến làm!
Chị sửa móng tay cám ơn rối rít, Hội Thọt bần thần. Hắn xin lại cái thẻ căn cước. Út lắc đầu:
- Không được, tôi phải gởi số thẻ căn cước của anh đi điều tra đã. Lỡ anh là VC vô đây ám sát vợ chồng tôi thì sao!
Chị sửa móng tay một lần nữa lại ra lời bảo đảm.
Út gạt đi:
- Tôi không cần chị bảo đảm, tờ lý lịch của cảnh sát giá trị hơn lời chị nhiều.
Út ra bàn ăn. Nàng đang định đuổi hai người ra khỏi nhà, bỗng gọi giật lại:
- Này, anh kia trở lại tôi biểu.
Chị sửa móng tay toan quay lại, Út xua tay:
- Chị xong rồi, về đi, để anh này lại cho tôi hỏi.
Chị sửa móng tay dạ một tiếng, chị không quên nhắn nhủ Hội Thọt:
- Chú phải trả lời bà Giám đốc đàng hoàng nhé.
Chờ cho trong phòng không còn ai, ngoài Út và Hội Thọt, nàng ngẩng lên:
- Anh còn nhớ tôi chứ?
Hội Thọt chắp hai tay lại vái:
- Mong bà Giám đốc tha thứ cho.
Út đứng dậy, khoanh tay trước ngực đi đi lại lại.
Nàng bỗng ngửa mặt cười dòn:
- Quả đất tròn, tôi không ngờ lại gặp anh ở đây. Nếu anh không nhớ tôi, tôi nhắc lại con Út bán vé số đây. Đứa con gái dại khờ bị anh quyến rũ vào nghề điếm đàng đây.
Nàng ngồi phịch xuống ghế xa-lông, đưa cái thẻ căn cước của Hội Thọt ra:
- Bây giờ anh ở trong tay tôi, tôi có thể bỏ tù anh rục xương.
Út chỉ cái điện thoại:
- Chỉ một cú điện thoại, sẽ có người đến còng tay anh liền, đồ lưu manh!
Hội Thọt nhìn trước nhìn sau không thấy ai, sụp xuống lạy:
- Xin lạy bà trăm lạy, bà tha thứ tội lỗi cho em, em biết tội rồi.
Út cười ho sặc sụa, nàng nhổ một bãi nước bọt xuống đất, mặt đanh lại:
- Anh chỉ là một thằng hèn.
- Dạ, em thân hèn hạ!
Út bỗng nhìn bãi nước bọt của mình:
- Anh muốn tôi tha tội cho anh không?
- Xin bà mở lượng khoan hồng!
Út chỉ bãi nước bọt:
- Liếm đi!
Hội Thọt ngẩng lên:
- Bà nỡ lòng nào!
Út vẫn kênh kiệu, nàng ra chiếc bàn nhỏ nhắc cái điện thoại màu đỏ lên:
- Tùy anh, có liếm hay không, tôi không bắt buộc.
Hội Thọt cuống lên:
- Lạy bà, em xin chuộc lại tội lỗi bằng cách liếm nước miếng của bà.
Út đặt ống điện thoại xuống. Nàng trở lại ghế ngồi chống tay vào cằm nhìn Hội Thọt một cách độc ác:
- Liếm đi!
Hội Thọt cúi xuống, hắn thè lưỡi ra, liếm bãi nước bọt trên gạch bông. Út rót một ly nước lạnh, đưa cho Hội Thọt:
- Nuốt đi rồi uống ly nước này,
Hội Thọt không làm sao được đành nuốt xuống bụng, chiêu một ngụm nước. Út giằng lấy cái ly không liệng ra ngoài cửa sổ:
- Đáng lẽ tao bắt mầy ăn cứt tao mới phải.
Út bấm chuông kêu con bé người làm lên:
- Đưa anh này ra ngoài.
Nàng nói, đưa trả lại Hội Thọt chiếc thẻ căn cước:
- Muốn làm thì chiều đến!
Hội Thọt tập tễnh ra khỏi nhà. Út cười ngất, chưa bao giờ nàng cười to như vậy.
Út bắt đầu thấy đời sống của mình buồn bã, nàng không còn việc gì để làm, ngoài công việc trang điểm phấn son. Nàng có những món nữ trang quý giá nhất, những bộ quần áo đẹp đẽ nhất. Bây giờ thì nàng đã là vợ chính thức của Nelson, một Nelson quyền thế. Nàng giao thiệp với những bà lớn, những nhân vật tiếng tăm, giàu có. Nói tóm lại, nàng không thiếu thốn một thứ gì.

Nelson rất ít khi có mặt ở nhà, căn biệt thự này trở nên một trung tâm giải trí cho những kẻ dư ăn dư mặc. Riết rồi Út cũng chán, nàng không còn muốn nghe những lời tâng bốc mình để cầu lợi. Nhiều khi Út đóng cửa không muốn tiếp một ai. Nàng nằm lỳ suốt ngày trong phòng có gắn máy điều hòa không khí.
Nelson thấy nàng không còn vui chơi nữa thì lại càng chiều chuộng nàng. Hắn hứa hẹn:
- Mùa xuân năm nay công việc của anh rảnh rang anh sẽ đưa em đi du lịch vòng quanh thế giới.
Rồi Nelson lại nói đến cái nông trại của hắn ở Mỹ. Út nghe đến những điều hứa hẹn ấy một cách lơ là. Bây giờ nàng không còn thiết gì, nàng thấy tâm hồn mình hoàn toàn trống rỗng. Nàng chỉ cảm động ở lòng tốt của Nelson đối với nàng, còn nàng tuyệt nhiên không hề yêu hắn. Hàng đêm nàng nằm đó để mặc Nelson hưởng thụ mình.
Những lúc đó nàng thường nhớ lại những kỷ niệm xa xưa. Khu Cầu Muối, con kinh nước đen chảy xuôi, căn nhà lá lụp xụp, người mẹ. Ừ lâu lắm nàng không gặp lại mẹ. Bây giờ không biết người ra sao?
Thỉnh thoảng Út nghĩ đến mẹ, nàng hẹn lần hẹn lữa thế nào nàng cũng giúp đỡ mẹ. Không biết gia đình nàng còn ở nơi đó không?
Út thấy tâm hồn không yên khi chưa giúp đỡ được gì cho gia đình. Út chợt nghĩ đến Hội Thọt, chỉ có hắn là biết gia đình nàng.. Út mỉm cười, hắn có thể làm được việc này cho nàng.
Út trở đậy. Nàng ra ngoài phòng ăn dùng bữa điểm tâm thường lệ. Nàng sai con bé người làm kêu Hội Thọt lên. Hội Thọt vẫn diêm dúa như hồi nào. Hắn đã vào làm ở nhà này được một tháng trời nay. Việc làm độc nhất của hắn là mở cửa xe hơi và ôm áo mưa, che dù cho Út mỗi khi nàng đi đâu. Hắn tỏ ra là một kẻ làm công mẫn cán, trung thành. Hắn luôn luôn được ở cạnh bà chủ nên hắn bắt đầu nói nửa úp nửa mở với anh tài xế:
- Tôi với bà chủ vốn có sự liên lạc mật thiết từ thưở hàn vi.
Nhưng anh tài xế không tin, anh ta đốp chát:
- Chẳng qua bà chủ thấy anh què quặt nên thương hại cho anh hầu hạ bả, chớ anh sức mấy mà liên lạc mật thiết.
Hội Thọt cũng biết rằng mình không nên khai tất cả sự thực của Út ra, vì trước sau gì cũng đến tai nàng, bất lợi cho hắn, hắn nói tránh đi:
- Liên lạc mật thiết đây là nói về tình bà con xa gần vậy thôi.
Gã tài xế vừa cười vừa gật gù:
- Vậy chớ, nhà anh không nói rõ ra, úp úp mở mở cứ làm như là...
Vì Hội Thọt thường được bà chủ sai bảo, nên người làm bắt đầu nhờ vả hắn chuyện nọ chuyện kia.
Đôi khi cũng có kết quả. Hội Thọt càng huyênh hoang.
Đang ngồi đấu láo với con bé người làm mới, nghe thấy bà chủ gọi mình, Hội Thọt vội vàng đứng dậy:
- Chết cha, ngồi chơi nhé em, lát anh xuống. Hình như sáng nay bả đi đâu.
Hội Thọt tập tễnh chạy lên nhà. Út đã ăn sáng xong, đang uống ly sữa tươi. Nàng gắn điếu thuốc Jasmine lên môi. Hội Thọt tự động móc hộp quẹt ra, đánh diêm. Từ khi thấy Út nhắc đến hộp quẹt máy, Hội Thọt biết ý, hắn không muốn nàng nhớ đến câu chuyện cũ ấy nữa. Nàng còn nhớ đến, rất có thể có hại cho “tương lai” hắn.
Út nhả một nạm khói thơm ngát:
- Anh ngồi chơi đi. Tôi muốn nhờ anh một việc này.
- Dạ bà chủ cứ dạy!
Út vào đề ngay:
- Anh còn nhớ nhà tôi ở chỗ bến Vân Đồn không?
- Dạ thưa bà chủ, em không nhớ rõ, nhưng nơi đó em có nhiều người quen, em có thể hỏi thăm.
- Anh có thể giúp tôi chuyện này. Anh tìm bằng được má tôi. Nếu tìm thấy anh cho tôi biết ngay, tôi cần giúp đỡ bà.
Hội Thọt toét miệng cười:
- Dạ thưa bà chủ, em đã tính thưa với bà chủ chuyện đó từ lâu, nhưng thấy bà chủ bận nhiều công chuyện quá nên em chưa dám nói. Dù sao cụ nhà cũng là mẹ ruột của bà chủ. Mình phận làm con phải có bổn phận.
Út quắc mắt lên:
- Tôi không khiến anh dạy tôi hiếu thảo, anh tìm được mẹ tôi, tôi thưởng công cho anh vậy thôi.
Hội Thọt biết Út chưa nguôi cơn giận với mình. Hắn cười hèn:
- Dạ thưa bà chủ, em chỉ bày vẽ lời hơn thiệt.
Út mở bóp, ném ra một ngàn bạc:
- Đây tiền xe của anh, khi nào tôi nhận được tin của má tôi, tôi sẽ nhờ anh một việc khác.
Hội Thọt lễ phép cầm tiền:
- Dạ bà chủ cứ tin em, em sẽ hết lòng hết dạ.
Út xua tay:
- Thôi anh đi đi!
Hội Thọt cúi thấp đầu chào Út, đi giật lùi ra cửa. Vừa ra đến cửa, Hội Thọt xốc lại quần áo, làm ra vẻ quan trọng. Mặt hắn lầm lì, không ngó ngàng gì đến cô người làm mà hắn nói chuyện hồi nãy. Hắn ngồi xuống một cái ghế đẩu hút thuốc lá liên miên. Chị bồi hỏi:
- Có chuyện gì đó anh Hội?
Hội Thọt chặc lưỡi, lắc đầu:
- Khó quá, bà Giám đốc giao cho tôi việc này thiệt là đưa tôi vào kẹt...
Hắn thở dài thườn thượt:
- Chết còn sướng hơn...
Anh tài xế nóng ruột hỏi đồn
- Mà chuyện chi vậy?
Hội Thọt ngán ngẩm lắc đầu:
- Bây giờ tôi chưa thể nói được...
Hội Thọt than vắn thở dài một hồi. Út bất chợt xuống nhà, nàng thấy Hội Thọt còn ngồi đó thì la lên:
- Cái anh này sao chưa đi?
Hội Thọt giật bắn người:
- Dạ! dạ...
Hắn làm bộ lăng xăng. Út chỉ xuống qua một chút rồi lên ngay. Hội Thọt vội nói:
- Dạ em đi ngay bây giờ!
Hắn chạy theo Út gãi đầu gãi tai:
- Giờ này xe cộ đông quá, kêu xe chắc khó...
- Chú muốn gì?
Hội Thọt lại gãi tai bên phải:
- Nếu có thể, nhân tiện anh tài xế về nhà, bà cho em đi nhờ xe, chắc sáng nay bà chủ cũng không đi đâu.
Út nhíu mắt gật đầu. Hội Thọt năn nỉ thêm:
- Bà chủ nói cho một tiếng với tài xế!
Út quay lại gọi vào trong nhà bếp:
- Anh tài, tôi cho anh về nghỉ bữa trưa nay mang xe đi rửa. Nhân tiện anh đưa chú này đi công chuyện cho tôi.
Anh tài xế dạ một tiếng thật to.
Út dặn anh tài xế xong lên nhà. Hội Thọt tập tễnh ra xe, mở cửa sau leo lên. Gã tài xế la lên:
- Lên phía trên ngồi mầy!
Hội Thọt vắt chân chữ ngũ, ngồi rung đùi:
- Nếu mầy muốn ăn đạn với tao thì tao sẽ lên với mầy!
Gã tài xế trợn mắt lên:
- Mầy nói cái gì ghê quá vậy?
- Tao đã nói công tác của tao mật, nguy hiểm, đừng hỏi nhiều.
Hội Thọt chồm lên lưng ghế trên ghé tai gã tài xế:
- Mầy chịu khó hầu hạ tao đi, có tiền!
- Thế hả?
Hội Thọt hù tiếp:
- Mật đó, tao sẽ cho mầy hay sau, nhớ kín miệng không thì chết cả chùm.
Gã tài xế vừa lái xe ra cổng vừa cằn nhằn:
- Tiền tao cũng không ham, tao chết rồi bỏ vợ bỏ con cho ai nuôi.
Hội Thọt ngồi vắt vẻo hút thuốc lá. Hắn quay cửa kính xe lên cho máy lạnh chạy:
- Bộ tao không có vợ có con sao? Mầy chỉ đi đưa rước tao, còn tao hành động, tao chết còn lẹ hơn mầy nữa kia.
Gã tài xế tò mò:
- Bây giờ không có ai, mầy có thể bật mí cho tao nghe chút đỉnh không?
Hội Thọt ra chiều đăm chiêu, một lát hắn mới thủng thẳng nói:
- Thật ra vụ này không phải của bà chủ. Ông chủ giao cho bả để bả nhờ tao. Tao phải điều tra một tổ chức của Việt Cộng ở Đô Thành, vì bà chủ biết tao đông tay chân ở Sài gòn lắm. Thành công cú này tao bợ hơi nhiều bạc.
Gã tài xế dựng tóc gáy:

- Ý da, thôi mầy ơi vậy không có tao. Nó đặt lát-tích vào đít tao thì thấy mẹ. Mầy kéo tao vào vụ này chi vậy?
- Tao thương mầy, tao muốn mầy có ít tiền xài chơi.
- Thôi mầy ơi, tao không ham.
Hội Thọt thở một hơi thuốc lá:
- Muộn rồi!
- Muộn sao được, tao không ăn tiền thì thôi chớ gì?
- Tao đã trót bật mí cho mầy rồi, bây giờ mầy thôi ngang xương ai tha cho mầy. CIA nó sẽ kê súng vào đầu bắn mầy cái đùng.
Gã tài xế càng sợ, mồ hôi hắn toát ra:
- Chết tao rồi, câu chuyện đó chỉ có tao với mầy biết, mầy tha cho tao.
- Tao nói muộn rồi. Xong công tác là tao phải về trình ở Trung ương, nó sẽ gắn máy nói thật vào quai hàm tao, nói gì với ai là tao tự động khai ra ráo trọi. Tao khai tên mầy, nó biết mầy ly khai, nó sợ mầy phản, nó cho người ám sát mầy.
Gã tài xế run lên:
- Thiệt mầy giết tao.
Hội Thọt cười mũi:
- Tốt nhất là giờ nào rảnh xe mầy cứ đưa tao đi. Lâu lâu tao đưa mầy ít tiền xài chơi.
Gã tài xế tuyệt vọng:
- Đành vậy chớ biết sao. Nhưng này, mầy nói thiệt hay giỡn tao đó?
Hội Thọt mặt tỉnh bơ:
- Chuyện chết người chớ bộ, tao đâu có giỡn mặt tử thần hả mầy.
Gã tài xế lo lắng:
- Bây giờ mầy đi đâu?
- Chợ Cũ!
Xe vòng ra Chợ Cũ, Hội Thọt ra hiệu cho xe dừng lại:
- Mầy xuống mở cửa xe cho tao!
Gã tài xế bất mãn:
- Mầy cha tao rồi!
- Không cha mẹ gì hết, bây giờ tao là xếp mầy rồi. Mầy cứ làm như tài xế riêng của tao sẽ ít nguy hiểm hơn. Mầy lên mặt ngang hàng với tao thì rất có thể VC không tha mầy. Tao thương mầy mà mầy không biết gì hết.
Gã tài xế vốn nhát gan, nghe Hội Thọt nói có lý, đành xuống mở cửa xe. Hội Thọt bước xuống:
- Vậy mới được!
Người ở nhà trước cửa thấy chiếc xe đậu trước cửa thì ngó ra, khi thấy Hội Thọt bước xuống, một người đàn bà hỏi:
- Ai như chú Hội!
Hội Thọt xuống xe nói lớn:
- Anh cứ về nhé. Tôi sẽ về bằng Taxi.
Hội Thọt sửa lại quần áo, đi vào nhà. Người trong nhà vội chạy ra đón:
- Chú Hội, sao lâu quá không thấy chú đến chơi!
- Tôi mắc nhiều công chuyện quá chị ạ, anh có nhà không?
- Để tôi đi kêu.
Hội Thọt tự động ngồi xuống một cái ghế, hắn nhìn quanh:
- Hồi này chị buôn bán khá không?
- Thường thôi chú a, chồng tôi thất nghiệp hoài...
Người đàn bà nhìn Hội Thọt dò xét:
- Chú chắc hẳn khá lắm?
Hội Thọt cười:
- Khá cũng không hơn ai, vì công việc tôi nặng nhọc lắm chị à!
- Thôi đi chú, tôi thấy chú đi xe Huê Kỳ đến đây mà!
Hội Thọt nhũn nhặn:
- Xe của sở cấp cho tôi...
Người đàn bà tự nhiên kiêng nể Hội Thọt:
- Chắc hẳn chú làm lớn lắm nên được sở cấp xe?
Hội Thọt lại cười bí mật. Người đàn bà hạ thấp giọng:
- Nếu chú thấy có việc gì giúp cho anh làm.
Hội Thọt đăm chiêu:
- Để xem đã, người ta tôi còn giúp nữa là ảnh. Tôi còn phải gặp ảnh để coi xem ảnh làm được việc gì rồi mới sắp đặt chớ!
Chị đàn bà mặt hí hửng, gọi con um sùm, bắt đi kêu bố. Chị ta lại hỏi Hội Thọt:
- Chú uống gì để tôi lấy?
- Uýt-ky!
Chị đàn bà giật thót người nhưng vẫn phải làm tỉnh. Cả cửa hàng của chị ta có ba chai Uýt-ky. Chị nghĩ mình cứ đãi đằng chú ấy đàng hoàng, may ra chú ấy có giúp đỡ gia đình này được gì chăng?
Hội Thọt ngồi uống Whisky tỉnh. Một lát người chồng trở về, anh ta là một người đàn ông mập, da mặt sần sùi đỏ au. Anh ta vui vẻ bắt tay Hội Thọt:
- Trời ơi chú Hội, một năm trời nay tôi không gặp chú. Hồi nãy tôi ngồi ngoài quán thấy chủ ngồi xe Huê Kỳ đi qua ngỡ là không phải nên không kêu.
Hội Thọt cười tươi:
- Anh đâu có dè thằng Hội Thọt lại có ngày ngồi xe Huê Kỳ, có tài xế riêng phải không?
Người đàn ông cười ha hả:
- Tôi biết chú là người xoay trở giỏi lắm. Ê chú đến đây có chuyện gì không?
Hội Thọt ra điều bí mật:
- Câu chuyện dài lắm. Dĩ nhiên có việc phải nhờ anh.
Người đàn ông hỏi luôn:
- Có ra bạc không?
- Tại sao không?
Hội Thọt nhìn trước nhìn sau:
- Có lẽ mình nên ra quán nói chuyện. Câu chuyện này không thể hở ra ngoài được.
Người đàn ông đứng dậy:
- Xong rồi, mình đi liền.
Hội Thọt cũng đứng dậy:
- Chị có thể đổi giùm tôi cái “xéc” không?
- Chi vậy chú?
- Tôi không mang tiền mặt, đi ăn với anh...
Gã đàn ông xua tay:
- Khỏi khỏi tôi có tiền đây!
Hội Thọt đậy nút chai Uýt-ky lại, cắp vào nách:
- Mang theo chai này mình sẽ đỡ tiền rượu.
Hội Thọt quay lại người đàn bà:
- Tôi sẽ trả tiền chai rượu chị sau.
- Được mà chú!
Hai người đi ra khỏi cửa. Hội Thọt tập tễnh:
- Tiếc quá, tôi lại cho xe về nhà...
- Không sao, quán gần mà.
Hai người vào nhà hàng Đô Thành. Hội Thọt nhìn liếc qua thực đơn:
- Mình kêu đồ nhậu thôi nghe anh.
- Ừa!
Người đàn ông nhìn Hội Thọt:
- Chú có thể cho tôi biết suốt một năm trời nay chú đi đâu không?
Hội Thọt bí mật:
- Anh phải kín miệng, chỗ anh là người thân thiết tôi mới nói. Suốt một năm trời qua tôi đi huấn luyện.
Người đàn ông nhổm lên:
- Hả, huấn luyện cái gì?
Hội Thọt nói khẽ:
- Tôi thú thật với anh tôi là CIA.
- Hả, chú là CIA?
Hột Thọt xuỵt:
- Xin anh, anh kín miệng cho, tai vách mạch rừng – hắn càng làm ra vẻ quan trọng – Anh nói hở ra là VC ám sát tôi liền. Anh nhớ hồi VC đặt lát-tích ở tòa đại sứ Mỹ không? Chính tôi điều tra đó, bao nhiêu bộ phận đầu não của đặc công VC tôi túm hết trơn rồi...
- Vậy hả?
Người đàn ông bàng hoàng, nhìn vào mắt Hội Thọt. Rất có thể thằng này làm CIA thật. Hội Thọt nói:
- Công việc điều tra vẫn còn tiếp tục.
- Xong rồi mà!
- Xong trên hình thức thôi, chúng nó còn nhiều dây mơ rễ má...
Hội Thọt nhìn thẳng vào mặt gã đàn ông:
- Tôi phải nhờ anh giúp một tay.
- Tôi đâu có được huấn luyện mà giúp cái chi được.
- Ậy, anh đâu biết bí mật của nghề điệp viên quốc tế, ai cũng có thể trở thành điệp viên trong từng giai đoạn được hết.
Người đàn ông nghe Hội Thọt nói trôi chảy nên bắt đầu cảm phục:
- Vậy sao?
Hội Thọt gật đầu:
- Tôi đang tổ chức một đoàn phản gián của CIA ở Cầu Muối. Tôi tính giao cho anh làm xếp sòng. Ở đó anh có nhiều tay em.
Người đàn ông gật gù:
- Thằng này chịu chơi mà, chú đừng ngại. Mà công việc gì đó.
Hội Thọt ghé tai người đàn ông nói nhỏ một hồi. Anh ta có vẻ hiểu chuyện, khi mắt nhíu lại, khi gật gù, khi mím chặt môi. Khi Hội Thọt dứt lời, người đàn ông nói:
- Chiều mai tôi có thể trả lời chú. Gia đình đó tôi biết, tôi đâu có dè.
Hội Thọt xoa hai tay vào nhau tỏ vẻ hài lòng:
- Chiều ngày mai, chắc chắn nhé, để tôi về báo cáo với cấp trên.
Gã đàn ông chặc chặc lưỡi:
- Tao đâu có dè, thằng Ba Choát trước là đàn em tao, nó chết rồi.
- Sao, Ba Choát chết rồi?
Gã đàn ông gật đầu:
- Tao nghe đâu nó phá chợ nên người ta đập ngất ngư, lết được về nhà nằm mấy hôm ho ra máu rồi đi đoong luôn.
Hội Thọt không mấy quan tâm đến cái chết của Ba Choát. Hắn chỉ hỏi qua loa, ăn uống lấy lệ rồi từ giã.
Hội Thọt về nhà Út, nàng ngủ chưa dậy, hắn lại được dịp ba hoa với kẻ ăn người làm. Hắn nói riêng với gã tài xế:
- Công việc tiến triển lắm, trưa mai mầy lại phải đưa tao đi. Mầy phải đóng kịch thật khéo người ta mới không nghi ngờ mầy, mầy đỡ nguy hiểm phần nào. Tao biểu sao mầy phải làm vậy. Ráng sống mà lãnh tiền.
Gã tài xế lo lắng. Vừa lúc ấy Út trở dậy, nàng cho kêu Hội Thọt. Hội Thọt được thể lấy le:
- Rồi, bà kêu tao, cha sao khó quá vậy...
Hội Thọt tập tễnh lên nhà. Út ngồi ở ghế Salon:
- Anh Hội giúp tôi việc đó chưa?
Hội Thọt gãi đầu gãi tai:
- Dạ, dạ em mất cả buổi trưa hôm nay đi tìm nhà.
- Thấy không?
- Dạ khu nhà đó giải tỏa rồi nhưng bà chủ yên trí em đã cho người đi tìm, chắc chắn trưa mai có thể trả lời dứt khoát cho bà chủ.
Út lo lắng:
- Không biết má tôi còn ở nơi đó không?
- Nếu không ở đó chắc cũng quanh quẩn thôi.
Út nói nhỏ:
- Cám ơn anh, anh cố giúp tôi.
- Em xin hết lòng hết dạ.
Hội Thọt gãi đầu gãi tai:
- Trưa nay em đi kiếm hết hơi không thấy nên bắt buộc phải nhờ bọn lâu la đi, thú thiệt với bà chủ một ngàn đồng tiền xe bà chủ đưa, em đã cho chúng nó nhậu nhẹt hết trơn rồi.
Út ngẩng lên nhìn Hội Thọt, nàng suy nghĩ một lát rồi nói:
- Anh cố gắng, tôi không để anh thiệt thòi đâu.
Hội Thọt toét miệng cười:
- Dạ, đối với giới giang hồ muốn mua chuộc chúng nó mình chỉ còn cách tung tiền ra...
- Tôi hiểu!
- Em đã mạn phép bà chủ hứa ẩu vơi chúng nó...
Út trợn mắt:
- Anh hứa gì?
- Dạ, hứa nếu tìm được cụ nhà em sẽ bao chúng nó một cuộc ăn nhậu lớn.
- Được, miễn là anh đưa được má tôi đến đây.
- Dạ dạ, chiều mai chắc chắn chúng nó tìm thấy rồi.
- Anh muốn lấy tiền phải không?
Hội Thọt gãi đầu:
- Dạ em trót hứa rồi, nếu tìm thấy em phải trà nước cho chúng nó liền.
Út đứng dậy vào, buồng lấy tiền. Nàng trao cho Hội Thọt mười ngàn:
- Được việc, tôi không tiếc tiền.
Trước khi xuống nhà, Hội Thọt không quên kể công:
- Em sẽ có gắng hết mình. Nếu không được việc, em đâu dám nhận công lao của bà chủ.
Út dặn với:
- Tối nay tôi đi coi hát, anh dặn tài xế lau chùi xe cẩn thận nhé!
- Dạ!
Hội Thọt đi xuống nhà mặt mũi hí hởn. Hắn kêu gã tài xế ra một chỗ, nhét một ngàn đồng vào tay:
- Cầm lấy, tiền trà nước tao cho mầy.
Gã tài xế sững sờ:
- Mầy cho tao?
- Sức mấy, đây là tiền quỹ “noa” của tổ chức, tao lấy tạm.
Sau khi đưa tiền cho gã tài xế. Hội Thọt kéo tuột hắn ra đường:
- Mình đi uống cà phê để bàn đại sự. Bà chủ sáu giờ chiều mới đi kia mà.
Út ra hiệu cho xe đậu lại ở góc đường Nguyễn Huệ. Hội Thọt vội vàng nhảy xuống xe vòng ra lối sau mở cửa, hắn giương cái dù lên, Út gạt đi:
- Đêm mát khỏi cần che dù.
- Thưa bà chủ đi đâu ạ?

- Tôi coi hát, các anh ở ngoài này chờ, mười một giờ rưỡi đón tôi.
Hội Thọt nhanh nhẩu:
- Thưa bà chủ để em vô lấy vé!
Út lưỡng lự:
- Thôi khỏi cần.
Nàng quay lưng lững thững đi vào rạp Rex. Nhìn đám người đông đảo chen lấn nhau ở chỗ bán vé, nàng lại hối hận đã không nhờ Hội Thọt mua vé. Nàng toan quay ra thì một bàn tay giữ vai nàng lại. Út sững sờ ngẩng lên, một thanh niên cao lớn hiện ra trước mặt nàng:
- Không mua được vé à?
Út bỗng nhoẻn miệng cười, người thanh niên đó đối với nàng không có gì xa lạ. Chính là người đã dạy vỡ lòng nàng những câu tiếng Anh:
- Anh, lâu quá mới gặp anh!
Gã thanh niên có nụ cười thật tươi. Sau hai năm xa cách, hắn không đổi khác mấy. Vẫn bộ quần áo giản dị nhưng sang trọng.
- Tôi cũng đi coi hát, nhưng đông quá nên ngại.
Út đề nghị ngay:
- Hay mình đi chơi, lâu quá mới gặp nhau. Em muốn có thì giờ nói chuyện nhiều.
- Xong rồi!
Hắn kéo tay Út ra khỏi rạp hát bóng, Út đi nép người vào hắn:
- Hồi này anh khá chứ!
- Không hơn gì hồi hai năm trước.
- Anh có bà xà chưa?
Gã đàn ông lắc đầu:
- Đã nói không có gì thay đổi mà, chắc em thay đổi nhiều...
Út gật đầu:
- Dạ, em đã có chồng.
- Mừng cho em!
- Một người chồng Huê Kỳ!
- Đúng như anh đã nghĩ. Chắc em sung sướng và hài lòng...
- Sung sướng thì có, nhưng hài lòng thì chưa chắc.
- Sao vậy?
- Vì hoàn cảnh nên phải lấy chồng ngoại quốc.
Gã thanh niên tủm tỉm cười:
- Của khốn người khó, yên phận đi. Sao hôm nay lại đi một mình?
- Chồng đi công tác.
- À ra vậy?
Hắn kéo Út vào Givral, Út lưỡng lự, hắn nói tiếp:
- Em sợ chỗ nầy à?
Út lắc đầu, nàng bước vào theo gã thanh niên. Hắn chọn đúng cái bàn mà hồi hai năm trước nàng và hắn đã ngồi. Hắn rất tự nhiên nắm lấy bàn tay nuột nà của nàng:
- Em nhớ gì?
Út nhìn sâu vào mắt hắn:
- Em nhớ hồi hai năm trước mình gặp nhau ở đây.
Sau câu nói, Út thấy lòng mình bỗng nhiên xao xuyến.
Nàng nhẹ lắc đầu nói tiếp:
- Em cố ý tìm anh nhưng không gặp.
- Tìm chi vậy?
Út không ngần ngại thú thật:
- Em không thể quên được anh.
Gã mỉm cười:
- Sao lãng mạn quá vậy?
Út thấy tức giận vì những lời nói nhấm nhẳn của gã này:
- Nghe anh nói bực bỏ xừ...
Gã thanh niên cười thành tiếng, bóp tay nàng.
- Quả thật em thay đổi nhiều.
Út nhìn quanh quán, vẫn khung cảnh đó không có gì thay đổi. Người thanh niên ngồi hút thuốc lá luôn miệng. Hắn nhìn nàng, thở khói thuốc vào mặt nàng, mỉm cười:
- Chắc lâu lắm em không đến đây?
Út gật đầu:
- Vâng, dạ lâu rồi. Từ khi lấy chồng có hai lần em tới!
- Đi ăn với chồng?
- Không, đi tìm anh!
Gã cười lớn:
- Tìm anh chi vậy?
- Nhiều khi em chợt nhớ đến anh, nhớ đến những ngày chúng ta sống với nhau.
- Em lãng mạn, nhưng thôi chuyện đó gác lại. Bây giờ em gặp anh rồi đó, em muốn gì?
- Đi chơi với anh! Đi chơi suốt đêm.
- Suốt đêm,– gã lầm bầm, rồi ngước lên hỏi nàng – Em không phải về nhà sao?
- Không, chồng em không có ở nhà!
- Em muốn ngoại tình?
Út mỉm cười, gật đầu. Gã thanh niên lại nắm lấy bàn tay Út:
- Được anh chìu em!
Gã bỏ tờ giấy hai trăm lên mặt bàn:
- Mình đi!
Hắn đưa nàng ra khỏi quán, Út nói:
- Em có xe hơi.
- Cho xe về đi. Đi với anh thì không có xe hơi, mình đi xe gắn máy.
- Dạ!
Út ra chỗ để xe, nàng không thấy xe hơi của mình đâu.
- Thôi kệ nó mình cứ đi.
Gã ra chỗ gởi xe lấy chiếc Lambretta, đạp nổ máy. Út tự động ngồi phía sau ôm eo gã thanh niên, xe chạy về mạn Chợ lớn. Út ghé miệng vào tai gã thanh niên hỏi:
- Nhà anh ở đâu?
- Sắp tới rồi! À quên em ăn gì chưa?
- Ăn rồi anh ạ. Còn anh?
- Anh về nhà ăn.
Chiếc xe quẹo vào một ngõ hẻm, đứng lại ở một căn nhà nhỏ nhắn khá lịch sự. Gã tắt máy xe, mở cửa và lái xe thẳng vào trong nhả. Hắn bật đèn, Út thấy sự trang trí trong căn phòng tuy đơn sơ nhưng lịch sự. Tiếng gã thanh niên vang lên trong căn phòng vắng vẻ:
- Em ngồi chơi đi.
Hắn ra đặt một đĩa nhạc vào máy, tiếng nhạc nhẹ êm ấm áp tràn lan trong căn phòng. Út ngồi dựa đầu vào ghế Salon:
- Anh ở có một mình?
Gã đang mở tủ lạnh lấy thịt nguội và bánh mì xếp lên một cái khay nhỏ:
- Thì anh vẫn ở một mình từ trước tới nay.
- Em cứ ngỡ anh nói dối.
Gã bưng cái khay đặt lên bàn, ngồi đối điện Út:
- Anh cần gì phải nói dối em!
Lời nói đó như có vẻ khinh thường nàng. Út hơi bất mãn, nhưng nàng không thể nói ra điều đó. Nàng biết tính chàng vốn ngang ngang bướng. Bướng nhưng rất dễ thương.
Gã mời nàng:
- Em ăn với anh không?
Út uể oải với một miếng bánh mì đưa lên miệng cắn:
- Anh ở một mình, không buồn sao?
- Đôi khi cũng thấy buồn, thấy cô đơn, nhưng quen đi... ·
- Anh nhất định không lấy vợ?
- Chưa tìm thấy người lý tưởng!
Út để miếng bánh mì xuống mặt bàn, đứng đậy đi quanh căn phòng:
- Căn phòng của anh đẹp thật!
Út trở lại ghế ngồi, người thanh niên đã ăn uống xong. Gã thu dọn cái khay:
- Anh thường ăn uống kiểu nầy!
- Tại anh không chịu lấy vợ.
Gã cười nhạt không trả lời, đi ra thay một đĩa nhạc
- Chắc hẳn nhà em sang lắm?
Út gật đầu:
- Vâng, nhưng em đâu có sung sướng gì!
- Chồng em ghét bỏ em?
- Không, trái lại, ảnh rất yêu thương em. Em sung sướng, đầy đủ, nhưng chỉ là vật chất.
- Em muốn nói đến tinh thần?
- Dạ, dù sao em vẫn muốn có một người yêu Việt Nam, mặc dầu ở đất nước này không đãi ngộ những hạng người như em, một trong những con mẹ Mẽo...
Hình như gã đã chịu nghe chuyện của nàng. Nhìn hắn, Út thấy một sự kiêu kỳ như lúc nào cũng toát ra ở con người, ở đôi mắt nhìn, ở thái độ nói chuyện.
Út nhìn đồng hồ:
- Khuya rồi!
- Em cần về?
Út lắc đầu:
- Không, em sẽ ở lại với anh đêm nay.
- Được. Nhưng nói trước, ở đây không có tiện nghi cho một người đàn bà đâu.
- Cần gì điều đó!
Gã đứng dậy, đưa tay ra đón Út. Nàng ngã vào vòng tay gã. Gã hôn lên trán nàng:
- Anh thương xót em, anh không thể làm gì hơn được.
Út run rẩy trong vòng tay gã, nàng rung động thật sự như thuở đầu tiên nàng ngả đầu trên vai người tình. Mùi nước hoa ở người gã tỏa ra, nồng nàn hơi đàn ông. Nàng vòng tay ôm lấy tấm lưng rộng của gã, nói nhỏ:
- Gặp anh, đến với anh, em thấy sung sướng. Căn nhà anh nhỏ bé nhưng ấm cúng. Em muốn ở mãi nơi đây, với một người chồng như anh.
Gã vuốt ve nàng:
- Đừng lãng mạn chứ.
Hắn dìu nàng đi qua phòng khách, lên cầu thang. Hắn bật đèn, một căn phòng xinh xẻo hiện ra trước mắt nàng:
- Phòng của anh?
- Không là phòng của anh thì của ai, hỏi vớ vẩn.
Út cười ngu ngơ, lúc này nàng như một kẻ sống ở trên mây. Nàng bàng hoàng đón nhận nụ hôn của gã. Út thấy mình thật nhỏ bé.
Gã đưa Út đến giường, đặt nàng nằm xuống. Tiếng nói của gã thật trầm ấm:
-Em sẽ ở đây một đêm. Sáng mai anh phải đi làm thật sớm, em cứ việc ngủ, muốn lúc nào về thì về...
Út gật đầu:
- Anh làm gì, ở đâu?
- Cần gì biết điều đó?
- Sao không cần, em cần anh!
- Vậy hả, nhưng anh không thể đoan chắc với em điều gì được.
- Không cần, chỉ một lời hứa là đủ.
Gã thanh niên nhìn thẳng vào mắt nàng:
- Em suy nghĩ kỹ chưa?.
- Em không cần phải suy nghĩ, em sinh ra không phải đã là vợ Mỹ ngay. Anh biết em sinh ra ở đâu không? Ở một nơi bần cùng nhất trong thành phố nầy.
Những giọt nước mắt của nàng chảy ra. Đã lâu lắm rồi, bây giở nàng mới khóc. Nàng run rẩy trong tay một người đàn ông mà cho đến bây giờ nàng vẫn chưa biết tên. Người đàn ông đối với nàng thật tha thiết nhưng thật xa lạ. Út cảm thấy mình cô đơn ngay chính trong sự vuốt ve thân thiết đó.
Gã lau nước mắt cho nàng, những giọt nước mắt xót xa thành thật:
- Thôi đừng khóc nữa. Không phải mình em lâm vào hoàn cảnh đó, nhiều người con gái Việt Nam còn khổ hơn em nữa kìa. Bây giờ với em thì đã đầy đủ quá rồi.
- Em không ham không thích, em chán quá rồi, em có thể bỏ hết, bỏ để về sống với một ngươi chồng Việt Nam như anh...
Gã hôn nàng rồi ngồi dậy. Gã lại hút một điếu thuốc lá, rồi ra cửa sổ nhìn xống lòng con hẻm nhỏ. Gã phân vân về lời nói của nàng. Từ bao nhiêu năm nay tình yêu của gã như đã chết hẳn trong lòng. Tất cả thiện chí cho một tình yêu đã mất đi, mất đi một cách tàn nhẫn. Gã thở dài nghĩ đến người yêu thuở xa xưa. Nàng đã có chồng, chắc hẳn đã có những đứa con.
Gã thanh niên búng mẩu thuốc xuống lòng hẻm. Điếu thuốc quay lộn trong không khí, tắt xèo ở một vũng nước. Đêm mát rượt vây quanh gã.
Gã trở lại giường, bật ngọn đèn ngủ lên. Ánh sáng xanh mát dịu. Gã nằm khoanh tay nhìn lên trần nhà, Út nằm bên cạnh. Hình như gã đang bận suy nghĩ điều gì nên không ngó ngàng tới nàng. Gã lại hút một điếu thuốc lá nữa. Ánh lửa hừng đỏ soi rõ từng góc cạnh của khuôn mặt.
Út nằm áp đầu vào ngực gã, nàng cũng không nói gì, nàng lắng nghe hơi thở của gã. Gã để nàng gối đầu lên tay. Út gỡ điếu thuốc lá trên môi gã, dụi tắt vào cái gạt tàn:
- Anh hút nhiều quá rồi!
Nàng âu yếm như một người vợ săn sóc chồng. Gã mỉm cuời hôn nàng:
- Em ao ước gì?
- Sống với anh, em sẽ bỏ tiền ra sửa sang nhà cửa.
Gã lắc đầu:
- Anh không cần, căn nhà này đối với người Việt mình là đã tiện nghi lắm rồi..
- Em gửi trong nhà băng đuợc nhiều tiền lắm. Nữ trang của em cũng đáng giá bạc triệu.
- Anh cũng không cần, tuy không giàu có hơn ai nhưng cuộc sống của anh cũng khá phong lưu. Anh có nghề nghiệp, có công ăn việc làm trong tay, anh sẽ không đói.
Út hôn lên ngực gã:
- Anh khó tính quá, anh không cần gì hết. Anh không biết chứ, có bao nhiêu là kẻ đến nhờ vả em, thiếu gì những ông to bà lớn...
Gã thanh niên cười thành tiếng:
- Anh không là những ông to bà lớn, anh không cần đến những thứ họ nhờ vả, anh là một người dân, chỉ có thế thôi.
Út bực mình:
- Anh bướng bỏ xừ, vậy anh muốn gì?
- Không muốn gì hết!
- Kể cả em?
Gã thản nhiên gật đầu:
- Dĩ nhiên!
Út ngồi nhỏm dậy, bực mình:
- Vậy anh đưa em về nhà này làm gì?
- Như anh đã đưa những người đàn bà con gái khác.
Út la lên, túm lấy ngực áo hắn:
- Anh là đồ sở khanh!
Gã gỡ tay nàng ra, ấn nàng nằm xuống cạnh mình:
- Đừng làm dữ chớ. Tử tế thì được ngủ ở đây, mà không tử tế anh tống cổ ra khỏi nhà liền. Em có thể bắt nạt được thằng chồng Huê Kỳ cửa em chứ còn anh thì sức mấy.
Út bật khóc, nàng có cảm tưởng mình bị bạc đãi, bị khinh rẻ, nàng vẫn không hơn gì thân phận một con điếm dưới mắt chàng, Út nức nở:
- Anh ác quá, anh không còn chút lương tâm gì nữa.
Gã ôm lấy Út, vuốt ve nàng:
- Thiếu gì đàn ông, mê anh làm quái gì. Đối với đàn bà con gái, anh không được nhã nhặn lắm đâu. Nếu chịu đựng được thì ở đây mà không thì em đừng bao giờ đến nữa.
Út vẫn nức nở:
- Thà anh đánh, anh chửi em, chứ đừng khinh rẻ em. Em biết anh coi em không hơn gì một con điếm bẩn thỉu. Em không làm gì nên tội hết.
Gã thanh niên vuốt ve trên lưng nàng, thịt da nàng mát mẻ:
- Anh bất công với em, nhưng sao em lại yêu anh vậy?
- Anh không giống những thằng đến quì dưới chân em, anh không hèn.
Gã mỉm cười trong bóng tói. Ngọn đèn đêm đã tắt. Út sung suớng, sự sung suớng thật hiếm hoi từ khi về sống với anh Mỹ già... Út nghe rõ tiếng đồng hồ kêu tí tách ở chiếc bàn đêm. Nàng dấu mặt vào vai gã thanh niên, hỏi nhỏ:
- Anh tên gì hả anh?
- Hử?
Gã không trả lời, Út cũng không hỏi nữa, nàng khép mắt lại, đôi môi chờ đón, mùi nước hoa từ người nàng tỏa ra thơm dịu, trộn lẫn mùi da thịt đàn ông nồng nàn.
Gã ngồi dậy, vỗ đến đét vào mông nàng:
- Thôi ngủ đi, mai anh phải đi làm sớm.
Gã nằm xuống trở lại, quay lưng lại phía nàng, Út mở mắt nhìn trân trân lên khoảng trần nhà tối đen. Sau phút ái ân nàng thấy tâm hồn mình thật trống rỗng.
Nàng nhìn sang bên cạnh, khoảng lưng của gã thanh niên thật to lớn, rắn rỏi. Gã bắt đầu ngáy. Út bực bội vì thái độ của gã, thái độ bất cần, kiêu ngạo sau khi đã hưởng thụ. Không một cái vuốt ve, không một lời... Út dí ngón tay vào lưng gã:
- Đồ bạc bẽo.
Gã thanh niên không hay biết, gã ậm ừ, nằm co rút người lại như con tôm. Út thấy tủi thân, trong sự giận hờn đó nàng lại càng yêu hắn hơn. Nàng thổn thức khóc áp mặt vào lưng gã gọi:
- Anh ơi, sao anh không thèm ngó ngàng gì đến em.
Gã thanh niên cằn nhằn, gã ngoái tay lại đẩy nàng ra.
Một lát sau Út lại ôm lấy vai gã. Lần này gã thẳng chân đạp nàng xuống khỏi giường:
- Phá hoài!
Út sờ soạng trên sàn, nàng nằm áp mặt xuống nền gạch đá hoa. Nước mắt nàng thấm ướt ở đó. Chưa bao giờ Út thấy mình đau khổ như lúc này. Đêm yên lặng chỉ còn mình nàng thức và tiếng đồng hồ tích tắc càng làm nàng cô đơn hơn. Út mệt mỏi quá, nàng thiếp đi.
Nàng bỗng nghe hồi chuông reo. Gã thanh niên ngồi dậy trên giuờng, vươn vai ngáp. Gã xuống khỏi giuờng tới chỗ nàng nằm, đứng nhìn nàng chặc chặc luỡi. Gã cúi xuống bế xốc nàng đặt lên giuờng, miệng lẩm bẩm:
- Tội nghiệp!
Gã phủ tấm mền lên người nàng, hôn lên trán nàng rồi đi vào buồng tắm. Út nghe thấy tiếng súc miệng, tiếng bàn chải đánh răng xoẹt xoẹt, tiếng máy dao cạo râu điện.
Căn phờng mờ mờ bóng tối, Út he hé mắt nhìn gã đang mặc quần áo. Gã lại đến bên giường, ngồi xuống cạnh và nhìn vào mặt nàng. Những ngón tay vuốt ve trên má trên môi nàng.
Gã châm một điếu thuóc lá, nhìn nàng lần cuối cùng trước khi đi xuống nhà. Út không thể ngủ được nữa, nàng mở bừng mắt ngồi bó gối trên giường. Nàng nghe tiếng máy xe Lambretta của hắn nổ dưới đường. Út không còn thấy tủi thân nữa, nàng lại căm hờn vì thái độ dửng dưng của gã thanh niên. Tung mền xuống khỏi giường ; nàng lẩm bẩm:
- Cứ tưởng bảnh lắm, đây không thèm đâu.
Út vào buồng tắm sửa soạn sơ sài, nàng mặc quần áo ra khỏi nhà. Lúc đó trời chưa rõ mặt người, Út thất thểu đi trên lề đường...
Nguyễn Thụy Long
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kép già

Người kép già Chương 1 Chưa có việc làm, tôi thấy chán nản vô cùng. Những ngày nhàn rỗi đằng đẵng nối tiếp. Để khuây khỏa nỗi buồn thất ng...