Thứ Ba, 9 tháng 7, 2024

Lạnh lùng Công chúa đa tài

Lạnh lùng Công chúa đa tài

Không nhớ rõ năm tám tư hay tám lăm, một hôm đến cơ quan thì được nhân viên báo tin Hà Nội gọi điện thoại yêu cầu “gửi một bài viết, dạng phát biểu tùy hứng kèm một ảnh chân dung gửi ngay để đăng báo”.
Sau đó ít lâu tôi cùng nhà văn Hoàng Hạc, nhà thơ Pờ Sảo Mìn ở tỉnh Hoàng Liên Sơn được mời đi dự hội văn hóa các dân tộc. Đến nhà khách Kim Liên vốn là khu chuyên gia Liên Xô, thấy đông người lắm. Lật tờ báo trong tập tài liệu vừa nhận ra xem. Hóa ra bài và ảnh của mình đăng số này. Tôi, thằng nhà văn sống trên xó rừng Hoàng Liên ngồi cùng một trang với Linh Nga Niêk Đam, nhạc sĩ, nghệ sĩ người Êđê Đắk Lắk và Sôrya, nhà quản lý văn hóa, người Khmer. Xuống nhà bếp ăn cơm, từ xa đã trông thấy cô gái hào hoa, dáng đế vương quý phái đăng cùng trang báo, nhưng bị chảy máu cam, tôi phải chạy về. Xử lý xong cái mũi, trở lại nhà bếp thì gặp cô gái đi ra khi mọi người đã về gần hết.
– Anh vào ăn cơm đi. Nhà bếp để phần đấy! – Cô gái chủ động chào tôi trước.
– Chào Linh Nga! Sôrya có đến không?
– Tôi không biết!
– Linh Nga nghỉ nhà nào?
– Nhà kia. Mãi trên tầng kia!
– Phòng bao nhiêu?
– Không nhớ!
– Xem ở chìa khóa ấy!
– Ờ nhỉ! Ăn cơm xong lên chơi nhé!
Ăn cơm xong, lên tìm được phòng, ngó vào đã thấy rổn rảng tiếng nói tiếng cười có đến hơn chục người, tôi thoạt nghĩ: Mình thừa ra rồi! Nhưng toan quay gót thì Linh Nga gọi, tiếng thật trong trẻo:
– Anh Lềnh vào đây!
Tôi đành vào. Đang chưa biết ngồi chỗ nào cho đúng vị trí thì một anh chàng loắt choắt, trẻ măng cứ dướn cả người về phía Linh Nga, lại còn “anh anh em em” ngọt xớt làm tôi ngượng thay.
– Lúc khác nói chuyện. Chào mọi người nhé! – Rồi tôi đi như chạy trốn.
Chỉ có thế!
Năm 1988 trước khi đi Liên Xô, tôi có viết thư cho Linh Nga, rằng: “Làm nhạc sĩ, ca sĩ, quá giỏi, quá tốt, nhưng nếu viết văn nữa thì càng tốt, vì văn dễ đến với nhiều người và dễ để lại dư âm lâu, nghĩa là văn có thể có sự nghiệp. Linh Nga thử viết đi. Văn nhé. Người thiểu số viết văn hiếm lắm. Thơ chỉ viết chơi thôi”. Học xong bên Liên Xô, về Hà Nội, tình cờ gặp Linh Nga trên đường Đê La Thành. Thì ra Linh Nga ra theo học sáng tác ở Nhạc viện, mặc dù đã có bằng thanh nhạc từ năm 1979. Thời ấy đời sống khốn đốn mà dám đi học, lại đàn bà con gái nữa, tôi bái phục.
Chỉ có thế!
Thế rồi bất chợt nhận được từ bưu điện tập truyện ngắn “Con rắn màu xanh da trời”. Đọc nghiến ngấu. Khá lắm! Đích thực một nhà văn đây!
Thời Lò Ngân Sủn làm Chủ tịch khóa 3 hội VHNT các dân tộc thiểu số, Linh Nga hình như là Phó Chủ tịch. Thường trực Hội lo cho một số văn nghệ sĩ miền Bắc đi điền dã một số địa phương phía trong. Tôi được phiên chế vào Tây Nguyên cùng nhà văn Cao Duy Sơn, chánh văn phòng Hội, nhà thơ Vương Trung ở Sơn La, nhà văn Phùng Phương Quý ở Phú Thọ, nhà thơ Đỗ Thị Tấc ở Lai Châu và nhà nhiếp ảnh Huy Thức, Lào Cai. Linh Nga lúc bấy giờ đã thôi Thường trú đài Tiếng nói Việt Nam tại Tây Nguyên, đang là Chủ tịch hội Văn nghệ Đác Lắc, cho xe xuống tận Nha Trang đón. Trong buổi giao lưu với trường dân tộc nội trú tỉnh Đác Lắc, mặc dù nhà văn – nhạc sĩ – nhà văn hóa Linh Nga đã quá quen thuộc với thầy trò nhà trường, nhưng với tư cách là một thành viên của đoàn, bà cũng lên diễn đàn. Câu hỏi của cô giáo Niê Thanh Mai, người dẫn chương trình, đại ý: Từng là ca sĩ, đang là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên, lại đương chức Chủ tịch hội và kiêm nhiều chức vụ khác, vì sao bà lại đến với văn chương? Linh Nga trả lời, đại thể: Đến với văn chương là do sự động viên, dẫn dắt của các nhà văn Nguyên Ngọc, Trung Trung Đỉnh, Phạm Tiến Duật và nhiều người khác, có thể động viên trực tiếp, có thể động viên gián tiếp bằng cách đọc tác phẩm của họ, “và đặc biệt có sự động viên của ông xã tôi”, trong đó hai nhà văn Linh Nga rất ngưỡng mộ là Nguyên Ngọc và Võ Thị Hảo… Ông xã, tức ông Lý Son, cũng có mặt trong buổi giao lưu.  Và đợt đó chúng tôi được ông bà mời đến tư dinh cùng nhiều văn nghệ sĩ sinh sống ở địa phương, mọi người thân tình như trong một nhà, như thân thiết đã lâu mới gặp lại. Trong không khí đầm ấm ấy chúng tôi tu bay cả ché rượu cần. Quả thực, từ thập kỷ 90 thế kỷ trước sách văn của Linh Nga đã ra tơi tới: Một số nét đặc trưng của phong tục các dân tộc Tây Nguyên, khảo cứu, NXB Văn hóa dân tộc – 1996; Con rắn màu xanh da trời, tập truyện ngắn, NXB Văn hóa dân tộc – 1997; Trăng Xí Thoại, tập ký, NXB Văn hóa dân tộc – 1999; Văn hóa dân gian Tây Nguyên, khảo cứu, hội VHNT Đác Lắc xuất bản – 2002; Nghệ sĩ Tây Nguyên (dân tộc thiểu số), NXB Văn hóa dân tộc – 2002; Đi tìm hồn chiêng, tập ký, NXB Quân đội – 2003; Gió đỏ, tập truyện ngắn, NXB hội Nhà văn – 2004; Nhân danh ai, tập ký, NXB Quân đội – 2008; Pơ Thi mênh mang mùa gió, tập ký, NXB Văn hóa dân tộc – 2009…
Một lần Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, giám đốc sở Văn hóa – Thông tin – Thể thao là ủy viên Ban thường vụ hội văn nghệ Dân gian kiêm Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Lào Cai đăng cai một cuộc họp Ban chấp hành tại Sa Pa, Linh Nga là ủy viên BCH cũng ra họp. Tôi được tham gia tất cả các hoạt động kỳ họp với tư cách Phóng viên – Biên tập viên tạp chí. Xong việc ở Sa Pa, các vị về thành phố Lào Cai gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh, hồi đó ông Bùi Quang Vinh làm Chủ tịch, ông Giàng Seo Phử là Bí thư. Sau buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh chiêu đãi đoàn tại Nhà khách số 1. Tiến sĩ Trần Hữu Sơn giới thiệu đến Linh Nga Niêkđăm, nói thêm là con gái ông Y Ngông Niêkđăm. Ông Phử tiến đến bắt tay cùng với lời chào: “Công chúa Êđê cũng lặn lội đến đây với chúng tôi!”. Linh Nga chỉ khẽ nở nụ cười xã giao bên khóe môi.
Chỉ có thế!
Lời ông Phử thành gợi ý cho tôi viết về chân dung một văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số Linh Nga Niêkđăm cùng với những văn nghệ sĩ khác tôi tình cờ được gặp, và họ có mặt trong cuốn sách này. Tuy nhiên trước hết, mong bạn đọc đại xá cho cái tính gàn dở của tôi (mà hình như bất cứ ai đăm chiêu với trang bản thảo ít nhiều cũng có tật “gàn”, “dở hơi” thì phải), là bởi cái tạng tôi không thích tụng ca, tung hê ai, lại càng tránh cái sự bôi bác; tôi chỉ viết ra những điều mình thấy, mình cảm nhận được; là bởi mỗi người đều có cách tỏa sáng như những vì tinh tú; lại cũng hình như cuộc đời buộc họ phải cầm bút dù không thể đo đếm được năng khiếu thiên bẩm. Nói cuộc đời buộc họ phải cầm bút là vì họ không phải khoe khoang, lớn tiếng, mà căn nguyên là mỗi người chịu một nỗi đau cần phải tãi bày, người đau nỗi đau riêng thì viết tình ca; người đau nỗi đau chung thì viết anh hùng ca; tất nhiên mỗi người một hơi thở nghệ thuật. Linh Nga viết: “Truyện ngắn đầu tay: Gió vẫn thổi từ rừng. Tập truyện ngắn đầu tiên: Con rắn màu xanh da trời. Có thể là dị đoan nhưng hình như lĩnh vực văn học, Tây Nguyên đã chọn tôi, cố tình đẩy tôi vào con đường ấy trong khi tôi chỉ chuyên tâm vào giảng dạy âm nhạc…”. Và Linh Nga đã có những học trò xuất sắc như YMoan, H’Giang, Siu Black… Trước đó, năm 1982, cả hai vợ chồng, hai nhà văn hóa dân tộc Linh Nga – Lý Son đã bắt tay vào công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên. Nói đến văn hóa dân gian, tựa như những cánh rừng đại ngàn thâm u điệp trùng càng đi sâu vào càng lý thú, càng đi càng bị cuốn hút. Linh Nga nói rằng về với buôn làng, văn hóa Tây Nguyên trở thành nỗi ám ảnh thường trực không chỉ vì khám phá ra những nét đẹp, phóng khoáng nguyên sơ mà còn có cả nỗi quặn thắt bởi sự mất mát mỗi ngày ngay trước mắt. Hẳn là vì thế mà Linh Nga xuất hiện ở nhiều hội nghị, lễ hội, hội thảo, đại hội… của giới những người hoạt động văn hóa văn nghệ, và hễ đến là thể nào bà cũng có bài phát biểu đau đáu về nền văn hóa các dân tộc. Thi thoảng tôi có gặp bà nhưng sao cứ cảm thấy lạnh lùng xa xôi, nên chỉ chào hỏi xã giao vì hình như mọi lúc mọi nơi bà đều giành tâm trí cho công việc, ít giao du tào lao, đến đâu, gặp ai toàn công việc. Vừa rồi, những ngày đầu tháng 8, đại hội 8 toàn thể hội viên nhà văn tại Học viện chính trị quốc gia, bà ngồi trên bàn Chủ tịch đoàn thật oai vệ, điều hành dõng dạc, tôi ngồi mãi xó hội trường, không thể có cơ hội chào nhau đã đành, giờ giải lao, vô khối người xúm xít xung quanh bà. Vậy nên có lúc ý nghĩ hài hước xuất hiện trong tôi: Đó là người muốn xòe tay che cả bầu trời nắng gắt mưa tuôn chăng? Nhưng nhất quyết không phải vậy! Cộng đồng đại gia đình của bà đều học hành cao, công việc thành đạt, con cháu đề huề, cuộc sống vương giả chẳng phải lo lắng gì. Ngay cả tuổi niên thiếu, tuổi thanh xuân của bà có lẽ cũng không lận đận vương vấn gì nhiều. Bà cũng không mấy đa sầu đa cảm. Vậy thì cái sự “lạnh lùng xa xôi” đích thị là tâm thế của con nhà trâm anh thế phiệt! Một chút nghênh ngang. Một bản lĩnh. Tôi nhận ra, “công chúa”,  từ gọi của ông Phử là chính xác!
Vĩ thanh.
“- Có lẽ tôi không có mấy năng lực sáng tạo. Sáng tác là một công việc khó nhọc hơn bất cứ công việc gì. Vậy nên hứng thì làm. Còn thì tôi sẽ cố gắng với công việc nghiên cứu, sưu tầm!”. “- Âm nhạc thì sao?”. “- Nói rồi, sáng tác gồm cả văn và nhạc. Tuy nhiên tôi không buông trôi thứ gì. Vẫn dạy nhạc. Hứng lên thì viết. Những năm gần đây tôi cố gắng kiếm tìm xin dự án khôi phục và bảo tồn văn hóa dân tộc bằng việc mở các lớp truyền dạy nghề thủ công, nhạc cụ dân gian, chữ dân tộc, tổ chức các buổi tọa đàm nhóm với bà con. Công việc cứ liên miên…!”.
Đó là những dòng email chúng tôi gửi cho nhau. Và tốt hơn, tôi nên chấm kết bài viết của mình, cũng theo cách lạnh lùng, xa xôi.
16/11/2020
Mã A Lềnh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chớp trên đỉnh Kon Từng Chớp trên đỉnh Kon Từng là truyện ngắn tôi viết vào những năm chín mươi của thế kỷ trước, sau chuyến đi Tây Nguy...