Thứ Ba, 9 tháng 7, 2024

Yêu biển phải hiểu về biển

Yêu biển phải hiểu về biển

Điện thoại đổ chuông, cắt ngang dòng suy nghĩ, tôi ngó vào màn hình, số lạ hoắc. Tôi đoán, chắc là mấy nhân viên bán sách, bất động sản, bảo hiểm gì đó họ chào hàng. Đang chuẩn bị cho công việc buổi chiều, tôi định không nghe máy! Nhưng lỡ may bà con hay đồng chí nào đó có việc cần thì sao?
Thế là nhấc điện thoại lên, phía đầu bên kia một giọng nữ đặc sệt chất Nam Bộ. Dạ em là Hoa, chuyên viên Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Kiên Giang đây! Đoàn các anh đi tuyên truyền biển đảo khi nào có mặt ở Rạch Giá để tụi em đón và sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho các anh! Chuyến này em được cấp trên phân công tháp tùng cùng các anh đi xuống cơ sở đó nghe… Chưa một lần gặp mặt, nghe giọng nói sao cảm thấy gần gũi thân thiện và ấm áp vô cùng, tôi chưa vội trả lời đã tự cười một mình.
Đúng 7g20 ngày 18-10-2020, đoàn chúng tôi xuất phát từ cảng Bãi Vòng Phú Quốc, hơn hai tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển đoàn đã có mặt tại bến cảng Rạch Giá. Mỗi lần hành trình trên biển, cái cảm giác chòng chành cùng con sóng không còn  xa lạ gì với tôi, bởi hơn  30 năm công tác cũng là chừng ấy năm tôi gắn với biển đảo. Biển trong tôi bây giờ được ví như một người con gái, lúc tôi mới làm quen nàng đỏng đảnh làm bao phen vật vã nôn ọe khi tham gia hành trình tuần tra, tuần tiễu… có lúc thì nàng giận dỗi, hết giận dỗi lại dịu dàng nũng nịu, đáng yêu vô cùng. Tôi ngồi gần cửa sổ, tàu gần bờ những đàn hải âu lượn lờ chấp chới, lấp lánh dưới ánh nắng yếu ớt sau những ngày mưa gió của cơn bão số 7 Bất chợt còi tàu báo hiệu tàu cập bến Rạch Giá, đã bao lần đến rồi đi, giữa biển và đất liền tôi luôn có cảm giác háo hức về biển thì lại nhớ đất liền, về đất liền thì mau mau hoàn thành công việc để về với biển, đó không phải là thói quen mà là tình cảm, là những gì gắn bó với một người lính hải quân như tôi từ rất lâu rồi.
Bản tin hồi 16g30 ngày 18-10-2020 của VOV.VN – Đài Tiếng nói Việt Nam, do ảnh hưởng của cơn bão số 6, số 7 và áp thấp nhiệt đới, mấy ngày liên tục trời mưa tầm tã, giao thông đi lại rất khó khăn, có khoảng 6.300 ngôi nhà dân và 115 điểm trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang bị ngập lụt. Cả hệ thống chính trị tỉnh Kiên Giang đang chung tay thực hiện các biện pháp di dời, kê nới nhà cửa cho dân, cứu trợ những ngôi nhà bị tốc mái, dậm vá đường giao thông hư hỏng và kè đê bao chống sạt lở… vậy mà Ban Tuyên giáo tỉnh ủy vẫn giành thời gian để đón đoàn trước ngày đi xuống các huyện tuyên truyền về biển đảo.
Tiếp chúng tôi là anh Nguyễn Thiện Cẩn, Phó Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, một soạn giả có tiếng trong giới nghệ thuật đàn ca tài tử. Bởi những bài ca cổ của anh đã được nhiều nghệ sỹ cải lương nổi tiếng hát như Nghệ sỹ Nhân dân Cẩm Tiên, Thanh Ngân, Minh Vương, Lệ Thủy… Tôi biết anh đã mười mấy năm rồi, khi ấy tôi là Trưởng Ban Tuyên huấn Vùng 5 Hải quân, còn anh là Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sau đó anh được điều động sang làm Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, bây giờ anh lại quay về làm Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và kiêm luôn chức Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang. Đâu ngờ “Bình mới, rượu cũ”! Vẫn nét mặt thân thiện, nụ cười sảng khoái, anh bắt tay tôi chắc nịch, vỗ mấy phát nữa vào vai tôi. Anh em lâu ngày gặp lại, mới chào thôi đã thấy vẫn như ngày nào. Anh vừa cười vừa nói: “Tôi tưởng ông đã nghỉ hưu rồi chứ, không ngờ công tác đến bây giờ, vẫn còn phong độ, còn ngon lắm nhe!”. Nghe anh nói làm tôi giật nảy mình, bởi vì tôi thua anh cả chục tuổi đời, có lẽ câu nói của anh hàm chứa nửa đùa, nửa thật.
Vừa ăn cơm vừa hàn huyên chuyện xa chuyện gần, chuyện chung chuyện riêng… Anh cho biết mấy ngày qua, Ban Tuyên giáo công việc bận rộn, tập trung cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp theo là công tác tuyên truyền kết quả đại hội. Mấy ngày nay các e, các cháu, làm ngày làm đêm quần quật, vắt chân lên cổ chạy mà chẳng hết việc! Ngày mai tôi không đi với mấy anh được, cơ quan phân công cháu Hoa đi cùng. Các anh vào tuyên truyền cho bà con là tụi tui rất mừng vì thời gian qua trên vùng biển Tây Nam tình trạng ngư dân ta xâm phạm vùng biển các nước trong khu vực để đánh bắt thủy hải sản vẫn còn xảy ra. Lực lượng chức năng quản lý biển của các nước Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia đã tiến hành kiểm tra phạt tiền, bắt giữ hàng trăm tàu cá của ngư dân ta xâm phạm vùng biển của họ. Làm cho tình tình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vùng biển Tây Nam ngày càng phức tạp.
Ngày 19-10-2020, điểm tuyên truyền đầu tiên chúng tôi đến là huyện U Minh Thượng. Ai cũng  biết trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đây là khu căn cứ cách mạng của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang nói riêng và của Đảng ta nói chung. Từ vùng đất này đã lập nên bao chiến công lẫy lừng, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975. Giờ đây, U Minh Thượng là một vùng quê thanh bình, yên tĩnh, nghề chính của người dân nơi đây là nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, lâm nghiệp và dịch vụ du lịch. Ai đã ghé đến một lần sẽ không thể nào quên vùng đất hữu tình với nét văn hóa đậm chất miền quê sông nước. Đặc biệt hơn, vẻ đẹp bạt ngàn của rừng Tràm vườn Quốc gia U Minh Thượng là Khu dự trữ sinh quyển thứ 5 ở Việt Nam được UNESCO công nhận, là Khu dự trữ lớn thứ 2 trong tổng số 8 Khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam. Còn nói về ẩm thực thì vô cùng đặc sắc, ở nơi đây có đủ các món ngon miền Tây như: Lươn, ếch, cá lóc, tép trấu, hẹ nước, rau mác… Ngồi trên xe, chạy dọc dòng sông tôi đi qua Thứ hai, Thứ ba, Thứ bảy… qua vùng miệt thứ trên con sông nước vẫn còn đậm màu phèn và vẫn còn loáng thoáng những ngôi nhà hai mái lợp lá dừa nước…Ôi cái hình ảnh thôn quê miền Tây Nam Bộ đã lâu rồi nay tôi mới gặp lại.
Gần 2 tiếng, đoàn cũng đã đến được Trung tâm chính trị huyện U Minh Thượng, nghe đoàn chúng tôi đến thông tin về tình hình biển đảo, bà con mừng lắm, đón khách như đón người thân đi xa trở về. Bước vào hội trường tôi càng ngạc nhiên hơn, trên 150 bà con đã có mặt ở đó, nhìn ai cũng tươi vui. Sau hơn hai tuần mưa gió tầm tã, hôm nay thật kỳ lạ, nắng cũng đã trở lại, nắng xuyên qua cửa xổ, làm cho ai nấy đều tươi, tươi vì mừng đoàn đến, tươi vì hết mưa lũ đã rút rồi.
Sau buổi tuyên truyền, bà Đặng Kim Oanh, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng vui mừng tâm sự với chúng tôi: “Đây là nội dung bổ ích, thiết thực, chúng tôi sẽ tuyên truyền sâu rộng, lan tỏa trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, đặc biệt là tuyên truyền về tình hình Biển Đông, tình hình vùng biển Tây Nam hiện nay để người dân nắm rõ hơn, có nhận thức và hành động đúng đắn trong thời gian tới. Tôi rất cảm ơn mấy anh, mấy chú không ngại đường xa về làm công tác tuyên truyền. Bà con rất cần những thông tin đúng và đủ như thế này!”.
Chia tay người dân U Minh Thượng, sao thấy bâng khuâng da diết, bất chợt, cái máu văn thơ lại thổn thức, tôi miên mang trong đầu:
“U Minh Thượng, nghĩa tình quê
Ghé thăm chốn ấy chẳng về được đâu
Tiên cảnh rực rỡ sắc màu
Các món ẩm thực đứng đầu miền Tây
Mấy cô miệt thứ rạng ngời
Nụ cười lúng liếng tận nơi chân trời
Trao nhau ánh mắt nụ cười
Chia tay lưu luyến rối bời tương tư”.
Chiều cuối ngày, hoàng hôn thả dần, xe lại bon bon trên đường qua vùng miệt thứ, từng cánh rừng tràm bạt ngàn, nước sông có lúc đỏ ngầu, nhưng nước không độc bao giờ, dòng sông ấy vẫn đầy cá, đầy rau, đầy chở che cho quân dân qua từng năm tháng bom đạn và ngày nay lại chở che cho quân dân trong nhọc nhằn xây dựng quê hương đổi mới.
Tạm biệt U Minh Thượng, tạm biệt vùng quê hiếu khách, những ngày tiếp theo chúng tôi đến tuyên truyền ở huyện Châu Thành và thành phố Rạch Giá. Chúng tôi lại tiếp tục vui mừng và phấn khởi khi có gần 1.000 lượt người tham gia. Thành phần tham gia rất phong phú và đa dạng như các đồng chí là báo cáo viên cấp huyện, cán bộ, đảng viên, quần chúng, bộ đội, công an, cựu chiến binh, ngư dân và đặc biệt là các em học sinh ngồi nghe chăm chú, có đồng chí đi buổi sáng không được thì xin đi buổi chiều để đến nghe tuyên truyền.
Chúng tôi luôn xác định mục đích và ý nghĩa của chuyến công tác là phải thông tin đầy đủ cho các tầng lớp nhân dân nhận thức và hiểu biết về “vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tình hình trên các vùng biển nước ta hiện nay. Động thái mới của một số nước trên Biển Đông. Dự báo tình hình và một số chủ trương, đối sách trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Đã gần mười lăm năm triển khai chương trình phối hợp tuyên truyền biển đảo giữa Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Kiên Giang đến nay, hai bên đã phối hợp tổ chức tuyên truyền cho hàng chục ngàn cán bộ, đảng viên, nhân dân, sinh viên và học sinh trên địa bàn. Bởi vì Nhân dân hiểu đúng, hiểu đủ thì họ mới chấp hành, mới gắn trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Do vậy, chúng ta phải tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Cùng với công tác tuyên truyền biển đảo, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân còn phối hợp với Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang phát động Chương trình “Hải quân nhân dân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”. Ngoài việc tuyên tuyền cho ngư dân về tình hình biển đảo, các hiệp định phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, các văn bản qui phạm pháp luật của Việt Nam về biển và khai thác, đánh bắt thủy hải sản an toàn, bền vững đúng pháp luật, gắn với bảo vệ môi trường, chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Đồng thời còn tổ chức tốt các lực lượng làm nhiệm vụ chốt trực, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát quản lý, bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc với hoạt động hợp pháp của ngư dân, tạo điều kiện cho ngư dân bán biểm, bám ngư trường, khai thác thủy sản, phát triển kinh tế.
Trước đây, xuất phát từ mong muốn giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ và nhân dân, Bác Hồ đã nhiều lần phát biểu về đất nước Việt Nam “rừng vàng biển bạc”. Những lời Bác Hồ căn dặn vào ngày 15.03.1961 khi Người về thăm Quân chủng Hải quân, tôi nhớ mãi không quên: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Khi nói về biển đảo Việt Nam chắc hẳn nhiều người đã biết. Biển nước ta nằm ở phía Tây Biển Đông, theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Luật Biển Việt Nam năm 2012 thì biển nước ta được xác định theo 5 vùng: Nội thuỷ, Lãnh hải, Vùng tiếp giáp lãnh hải, Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa. Với tổng diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông. Vùng biển nước ta tiếp giáp với vùng biển các nước: phía Bắc, Đông Bắc giáp với vùng biển Trung Quốc; phía Đông, Nam, Tây Nam giáp với vùng biển của các nước Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei, Thái Lan và Campuchia. Đồng thời nước ta hiện nay có 28/63 tỉnh, thành ven biển, 12 huyện đảo và 125 huyện ven biển, có trên 100 cửa sông đổ ra biển; bờ biển nước ta dài 3.260 km, đứng thứ 27/157 quốc gia ven biển. Ngoài ra, vùng biển nước ta có khoảng 3.000 hòn đảo (trong đó 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa), có 82 đảo diện tích lớn 1 km2, có 23 đảo diện tích hơn 10 km2. Có thể khẳng định rằng, biển đảo Việt Nam có vị trí chiến lược hết sức to lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có liên quan trực tiếp đến sự phồn vinh của đất nước, đến văn minh và hạnh phúc của nhân dân.
Ai đã từng gắn bó với biển đảo mới quan tâm về biển đảo, thủy chung và sẻ chia với biển đảo, những tình cảm đó sẽ ăn sâu vào trong tiềm thức, mỗi khi nhắc đến nó. Người ta thường ví “biển đảo là một phần lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc; là xương máu, là khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam”. Vì vậy, trong tình hình hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi ngày càng cao hơn, quyết liệt và phức tạp hơn, đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của mỗi người con Đất Việt. Thiết nghĩ rằng, thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động thiết thực, nghĩa tình “Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc”. Chúng ta, không những chỉ làm tốt công tác tuyên truyền về biển đảo cho các tầng lớp nhân dân, đồng thời còn phải làm tốt công tác động viên, sẻ chia trước những khó khăn thiếu thốn với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang sinh sống làm việc trên các đảo của Tổ quốc, để học an tâm gắm bó với biển đảo quê hương, đoàn kết đồng lòng chủ động khắc phục khó khăn, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày 22-10-2020, sau 5 ngày tuyên truyền ở ba địa phương, đoàn chúng tôi lại trở về với biển trên chuyến tàu cao tốc. Tựa lưng vào ghế lắng nghe từng câu của ca khúc “Quân ca Trường Sa” của nhạc sĩ Đoàn Bổng từ điện thoại một hành khách ngồi bên cạnh “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta! Đảo này là của ta! Trường Sa! Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua…” tôi nhìn qua cửa sổ, những đàn hải âu lại chao lượn bay theo con tàu lướt trên từng con sóng, tàu ra khơi xa dần, xa dần đất liền mang theo nhiều hứa hẹn biển mãi mãi bình yên, biễn mãi mãi là của quê hương đất nước Việt Nam ta!.
Phú Quốc, 12/11/2020
Phạm Hồng Soi
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Công viên cứu hộ loài người

Công viên cứu hộ loài người Y BAN Tôi gặp Y Ban vào một ngày không mưa, không nắng. Trái hẳn với sự đồn thổi và cái vẻ táo tợn bên ngoài l...