Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2024

Ma trả ơn người

Ma trả ơn người

Vài hàng dẫn truyện
Khi nói đến thế giới bên kia sau khi chết, Hiện tượng ma, Có người tin nhưng cũng có người không tin. Riêng cá nhân chúng tôi dù làm việc trong lãnh vực khoa học nhưng vẫn tin là có cái gì đó ra ngoài giải thích của khoa học. Qua báo chí với biết bao nhiêu câu truyện nói về hiện tượng ma quái mà ai ai cũng đã đọc. Chẳng hạn một vị Linh mục bị chết trong một tai nạn xe ô-tô trên xa lộ của Cali, sau đó nhiều người bị hư xe trên quãng đường đó được ông hiện ra giúp đỡ ; Trên quốc lộ 14 Saigon – Cần Thơ nhiều người lái xe đã dừng lại cho một vài người xin quá giang nhưng chở họ một quãng đường khi đến khoảng nào đó gần nghĩa trang, tài xế nhìn lại thì không thấy họ nữa. Đà lạt có vài ngôi biệt thự để hoang vì có ma, nhiều người không tin nhưng (hình như ) chẳng có ai dám đến đó ngủ qua đêm một mình..v..v..
Riêng cá nhân chúng tôi, đã nhiều lần cảm nhận thấy những sự kiện rất lạ kỳ không thể giải thích được, để rồi chúng tôi chỉ có thể nói một câu: CHÚNG TÔI ĐÃ GẶP MA VÀ TIN CÓ MA! Đúng như vậy, chúng tôi tin những hiện tượng khó giải thích đó là có thật.
Rồi cũng vì cái khoái thích với văn chương, viết lách, chúng tôi đã trộn lẫn sự cảm nhận của mình với một vài câu truyện kể về ma của vài người quen rồi dùng văn chương, chữ nghĩa, trí tưởng tượng mà viết lên câu truyện này. Dĩ nhiên chúng tôi cũng phải pha tí chút mầu sắc vào câu truyện để nó đẹp hơn, nó thi vị hơn và nó cũng ướt át tình yêu hơn. Làm thế chỉ để tạo ra cái gì đó mà người ta gọi là lãng mạn, ướt át trong văn chương mục đích làm cho người đọc có được sự thích thú khi thưởng lãm câu truyện của chúng tôi mà thôi.
Switzerland, Zuerich 2020
( Lưu An & NTT )
*
Vào truyện
Trước năm 1975, bất cứ ai sống ơ Sài Gòn đều biết đến nghĩa trang Đô Thành, một nghĩa trang không lấy gì làm to lớn nhưng lại mang vẻ âm u, hoang dã, tọa lạc trên đường Lê văn Duyệt ( ngày nay là công viên Lê thị Riêng trên đường Cách mạng tháng 8). Với hàng chục cây điệp, cây gòn khá lớn được trồng lộn xộn không theo lớp lang nào trải khắp khắp nghĩa trang. Có cây mọc trơ vơ, đứng đơn độc ở một khoảng trống trong nghĩa trang, ngược lại có chỗ, với 5, 6 cây chen chúc nhau, cành lá xen nhau vuơn lên như muốn tranh nhau hứng lấy ánh mặt trời. Dưới mặt đất những nấm mồ cũ kỹ, vỡ bể chen vào những nấm mồ mới đắp đất hay xây gạch thô sơ, nghèo nàn cũng chẳng có hàng lối nào cả. Cỏ dại mọc không đến nỗi um tùm nhưng cũng lòa xòa đủ che kín những ngôi mộ thấp lè tè, không dễ cho bất cứ ai muốn tìm một lối đi xen giữa những ngôi mộ nằm ngổn ngang khắp nghĩa trang.
Vào mùa nắng, nền đất khô ráo cho nên cũng có một vài đứa trẻ sống ở khu vực lân cận rủ nhau vào nghĩa trang chơi đùa, bắt dế, đá banh… làm cho nơi đây có tí chút sinh khí, mất đi phần nào cái vẻ thê lương ma quái. Nhưng dưới những trận mưa dù to hay nhỏ nghĩa trang trở nên hoang vắng. Cỏ dại được dịp lớn mạnh, loà xòa, nằm ngả nghiêng trên mặt đất nhơ nhớp bùn lầy hay phủ trùm lấy những ngôi mộ nhem nhuốc. Phía trên cao, cành từ những gốc cây to nếu không bị gió mưa làm gẫy đổ thì cũng bị rũ xuống, không chịu được sức nặng của nước mưa đu đưa mỗi khi có gió thổi. Vào ban đêm, nhất là những buổi trời mưa, dưới ánh đèn điện lờ mờ yếu ớt phát ra từ những cây cột đèn bằng gỗ thô sơ trồng ở vài nơi trong nghĩa trang, lại càng làm cho không gian nơi đây trở nên âm u hơn. Thêm vào đó những tiếng rúc rỉa của ếch nhái, côn trùng pha với tiếng xột xoạt của những con chuột cống, ghẻ lở, trụi lông to hơn bắp chân lờ đờ chậm chạp len lách dưới lùm cây, bãi cỏ kiếm ăn… Tất cả hoà trộn với bóng tối tạo cho khu nghĩa trang về đêm được bao trùm trong khung cảnh ghê sợ. Cái ghê sợ nhuốm đầy vẻ ma quái, cho dù bất cứ ai tự nhận là gan dạ, không biết sợ ma cũng không tránh được cảm giác rờn rợn da gà khi có việc gì bất đắc dĩ phải vào nghĩa trang lúc ban đêm.
Có lẽ toàn nghĩa trang chỉ có 2 nơi được coi là cao ráo, thường được người ta xử dụng nhất. Đó là con đường đá ong rất chắc chắn, cao hơn hẳn mặt đất dẫn từ cổng bên ngoài đến căn nhà xác ở gần trung tâm của nghĩa trang. Con đường này khá rộng, dư đủ cho bất cứ chiếc ô tô lớn, nhỏ nào từ bệnh viện hay cơ quan nào của thành phố chở xác người chết đến nghĩa trang
Cổng nghĩa trang là hai trụ xây bằng gạch đã xiêu vẹo quét mầu vàng đất nhưng đã bị hoen ố với rong rêu, nắng mưa. Hai cánh cổng bằng sắt rỉ, mầu sơn loang lổ, đã hư hỏng từ lâu, không còn đóng mở được nữa, luôn luôn mở rộng vào phía trong nghĩa trang. Phiá trên của cổng, một tấm bảng bằng sắt dù vẫn còn tí ngay ngắn nhờ đính chắc vào 2 cây sắt cắm sâu vào trụ cổng, nhưng trên mặt tấm bảng cũng chỉ còn dấu tích một hàng chữ mà chẳng ai đọc được ý nghĩa vì đã bị xóa lem nhem với mầu nâu hoen rỉ.
Nhà xác của nghĩa trang là một căn nhà ngói thấp lè tè, tường gạch, quét vôi mầu vàng đất nhưng cũng như hai trụ của cổng đã bị ố mầu đen vì mưa nắng. Mái ngói chưa có đến nỗi nghiêng ngả nhưng mầu đỏ của ngói gần như biến mất bởi rêu xanh đen bao phủ. Nhìn thoáng qua người ta có cảm tưởng nó mang dáng dấp của một ngôi chùa cổ hoang phế nhiều năm, không được chăm sóc hơn là ngôi nhà chứa xác của một thành phố lớn như Sàigòn mà gần như hàng ngày đều tiếp nhận những xác người chết vô chủ. Từ cuối con đường khô ráo đá đỏ, muốn bước vào nhà xác phải đi qua một bậc tam cấp để đến trước khung cửa ra vào rất rộng của căn nhà. Hai cánh cửa to lớn thường được đóng kín, nó chỉ được mở ra mỗi khi người ta mang xác người chết vào nhà xác. Căn nhà khá rộng nhưng không được ngăn chia ra từng phòng như những căn nhà thông thường. Nó đơn giản thông thoáng như một đình làng ở làng quê miền bắc. Nhìn vào sự sắp xếp trong căn nhà người ta có thể chia ra làm 3 phần rõ rệt.
Phần giữa nhà rộng nhất để có duy nhất một chiếc bàn rất lớn nhưng thấp khoảng 60, 70cm xây bằng xi măng lát gạch men mầu trắng. Đây cũng chính là nơi người ta để xác người chết chờ đem đi chôn.
Phần bên trái với một hàng kệ thấp nhưng chắc chắn được đóng bằng những thanh gỗ mầu nâu xậm. Trên kệ gỗ xếp 4 quan tài rỗng, bằng gỗ thông khá mỏng, sơn mầu đỏ, sơ sài, không hoa văn. Nhìn thoáng qua cũng biết những chiếc quan này thuộc loại kém phẩm chất, rẻ tiền dành cho việc bố thí.
Phần bên phải hẹp hơn, ở góc nhà kê một cái bàn và hai cái ghế gỗ cũ kỹ, lem luốc đã hoá đen. Trên mặt bàn, một cuốn sổ xếp ngay ngắn bên cạnh một chồng hồ sơ liên quan đến công việc của nghĩa trang. Cạnh chiếc bàn, sát tường có một chõng tre, trên chõng trải một chiếc chiếu cói cũ kỹ, mầu đỏ bạc mầu, mép chiếu lơ thơ những sợi dây gai sờn rách. Phía trên chõng treo luộm thuộm một chiếc màn muỗi, dây màn mắc cẩu thả vào những chiếc đinh đóng trên tường căn nhà. Đây có lẽ là nơi ngủ tạm thời của người coi sóc, phục dịch của nghĩa trang.
Ở góc nghĩa trang, sát với con đường Lê văn Duyệt có một căn nhà nhỏ lợp tôn. Đó là nơi cư ngụ của gia đình ông Khoa, nhân viên chính có trách nhiệm trông coi và điều hành hoạt động của nghĩa trang. Dưới quyền ông Khoa còn có thêm 2 người nhân viên khác giúp việc, họ cùng với ông chia phiên nhau ngủ lại nhà xác để phòng ngừa kẻ gian lựa dịp đêm hôm phá phách. Thông thường, mỗi khi xác người chết được chở đến nghĩa trang, ông Khoa là người ký nhận hồ sơ của kẻ xấu số. Trong đó ghi rõ tất cả những dấu tích, nhân dạng, tình trạng xác chết kèm theo lời ghi chú, xác nhận của bác sĩ hay cơ quan có thẩm quyền liên quan đến cái chết của nạn nhân. Sau khi làm thủ tục tiếp nhận xác chết, ông Khoa mới sai hai người nhân viên lo việc tẩm niệm, đào huyệt và cuối cùng đem đi chôn.
Dù đã làm công việc quen thuộc và nhàm chán đó nhiều chục năm, nhưng ông Khoa vẫn luôn luôn nghĩ rằng những xác người chết được chở đến cho ông đều là những kẻ bất hạnh, đáng thương. Họ đã phải chết trong đau đớn hay chết bờ chết bụi, chết không thân nhân, nhiều khi không tên tuổi dưới dạng xác chết vô thừa nhận. Với suy nghĩ như vậy ông Khoa luôn luôn dành cho họ những lễ nghi dù đơn giản nhưng vẫn không kém nghiêm trang. Với bất cứ xác chết nào, mỗi khi liệm xác vào quan tài cũng như lúc đem quan tài đi chôn, ông Khoa cùng với hai người nhân viên luôn luôn đốt cho họ một cây nến, thắp vài nén hương rồi kính cẩn khấn khứa và kính chúc linh hồn họ được an bình, nhẹ nhàng sang thế giới bên kia và sớm được siêu thoát.
Hàng năm vào dịp tết âm lịch, ông Khoa thường nghỉ vìệc khoảng 2 tuần lễ để dẫn cả gia đình về quê ở ăn tết với họ hàng và cúng bái tổ tiên. Trong những lần nghỉ đó ông thường nhờ một trong hai người nhân viên thay ông lo công việc điều hành nghĩa trang. Nhưng mấy năm gần đây, Đức, con trai trưởng của ông đã khôn lớn, đang là sinh viên đại học. Cảm thông sự bận rộn của gia đình hai người nhân viên vào dịp tết, nên ông không muốn làm phiền họ thêm nữa. Ông đã nhờ người con trai cáng đáng công việc của nghĩa trang khi ông vắng mặt.
Năm nay cũng vậy, Đức thay bố tiếp nhận những xác chết vô thừa nhận của thành phố gửi đến rồi cùng với hai người nhân viên lo việc tẩm niệm và an táng xác chết. Dĩ nhiên Đức cũng không quên việc thắp hương cúng vái linh hồn kẻ bất hạnh như bố căn dặn. Một lần vào khoảng giữa trưa, một chiếc xe cứu thương từ phòng lạnh của bệnh viện thành phố chở đến nghĩa trang 2 xác chết. Một xác thanh niên có lẽ khoảng 17, 18 tuổi, không giấy tờ tuỳ thân. Không biết lý do gì mà anh ta bị đánh bể sọ não, xác được tìm thấy ở góc tối của một con hẻm nhỏ trong thành phố.
Xác thứ hai, là một thiếu nữ khoảng 19,20 tuổi, mặc một bộ quần áo bà ba bằng vải thô mầu nâu xậm bạc mầu. Qua trang phục của nạn nhân, có thể đoán được cô gái ra xuất thân từ miền quê nghèo nào đó của miền đồng bằng sông Cửu Long. Hồ sơ ghi chú cô gái bị hung thủ hiếp dâm trước khi dùng dây thắt lưng thắt cổ cô ta cho đến chết, rồ mới liệng xác cô ta xuống sông để phi tang, cố ý làm lạc hướng điều tra vì nghĩ cô gái bị chết đuối do tự tử hay bị té ngã xuống sông mà chết. Mặc dù chết đã lâu, mầu da mặt đã tái nhợt, cơ thể thâm tím. Nhưng khuôn mặt cô gái bất hạnh vẫn bầu bĩnh, vành môi mỏng tô điểm cho cái miệng với hai hàm răng đều đặn, rất hòa hợp với sóng mũi khá cao, dọc dừa. Chẳng ai phủ nhận được nạn nhân phải là một cô gái khá đẹp, duyên dáng khi còn sống
Mãi đến chiều tối ngày hôm sau, Đức và hai người nhân viên mới lo xong việc tẩm niệm và đào huyệt và chôn cất xong hai xác chết. Cảm thông với bận rộn của hai người nhân viên trong những ngày tết, Đức bằng lòng ngủ lại trong nhà xác. Vào khoảng giữa đêm, một vài tiếng động xột xoạt như tiếng chân người đi đi, lại lại từ bên ngoài căn nhà xác vọng vào đã làm Đức giật mình thức giấc. Dù có tí chút lạ lùng nhưng sự mệt mỏi của suốt một ngày vừa qua cho việc đào 2 lỗ huyệt để chôn xác người vẫn còn đầy ắp trên cơ thể, Đức cũng chẳng muốn thắc mắc gì thêm. Anh trở mình tìm sự thoải mái mong tìm lại được giấc ngủ tiếp theo. Nhưng tiếng động càng lúc càng to, thỉnh thoảng lại có vài tiếng thở dài than khóc của phụ nữ đã cho Đức có phần bực bội nhưng cũng kích thích sự tò mò của anh hơn. Đức hoàn toàn không tin chuyện ma quỷ. Với anh chết là hết, là sự biến đổi vật chất hoàn toàn có tính cách vật lý, chẳng có chuyện linh thiêng vô hình nào tác động vào nó cả. Ngay như Ba của Đức, ông Khoa đã mấy chục năm tiếp cận với bao nhiêu xác chết ở cái nghĩa trang âm u này, nhưng chưa bao giờ anh nghe thấy ông đề cập đến chuyện ma quái hiện hình phá rối người sống cả.
Với cái nhìn khoa học thiên hẳn về vật chất như vậy, Đức cho rằng, tiếng động, tiếng khóc bên ngoài căn nhà xác vọng vào, chắc chắn nó đã phát ra từ một cô gái hay một phụ nữ lang thang, hư đốn nào đó. Có thể cô ta đang gặp chuyện bất như ý về một vấn đề nào đó, như bị tình lang ruồng bỏ nên buồn chán, không muốn về nhà. Rồi lang thang, mong tìm một nơi thanh vắng để than khóc cho quên nỗi sầu đau mà thôi. Đức bực mình, đưa bàn tay gõ mạnh vào thành bức tường căn nhà, phát ra vài tiếng ho khan, cố ý tạo ra vài tiếng động mong cho kẻ phá rối biết đang có người theo dõi mà bỏ đi.
Nhưng hành động của Đức không làm cho cô gái im lặng rời xa mà cô ta còn khóc to tiếng hơn, bước chân đến gần căn nhà xác hơn. Đến lúc này thì Đức không thể chịu được nữa, ngồi bật dậy, thò chân xuống giường tìm vội, xỏ chân vào đôi dép rồi đi nhanh đến mở cánh cửa. Chẳng cần biết người khóc than là ai, Đức xẵng giọng hỏi:
-Đêm khuya rồi, muốn đến đây phá phách người ta sao? Đi về đi!
Nói xong, Đức mới ngước mắt lên nhìn. Dưới ánh trăng lập lòe, Đức giật mình, khi nhìn thấy một cô gái giống y hệt, không một tí khác biệt với cô gái bị giết chết mà anh và hai người nhân viên vừa chôn cất buổi chiều tối vừa qua. Toàn cơ thể mình nổi da gà cùng với một dòng điện rần rần lan toả ra khắp châu thân làm cho Đức không đứng vững, muốn qụy xuống ngay ngưỡng cửa của căn nhà xác. Cũng cái áo bà ba mầu nâu xậm bạc mầu, nước da trắng ngà, hơi thâm khuôn mặt bầu bĩnh, hàm răng trắng đều đặn trong vẻ đẹp duyên dáng của người thiếu phụ miền Nam. Cô ta đang đứng dưới gốc cây điệp gần sát với mái căn nhà xác, hướng cặp mắt rất buồn bã nhìn Đức. Không biết có phải vì sự rung động của tàng cây điệp làm cho ánh trăng hoà trộn với ánh đèn điện lập lòe đã khiến cho thân mình cô gái như đang bập bồng theo làn gió.
Sau vài phút ngỡ ngàng, hoảng sợ với sự việc rất khó tin nhưng lại đang hiển hiện ra trước mắt. Đức vẫn cố kéo lấy lòng tin của mình vào khoa học trong suy nghĩ của anh không có chuyện ma quái hiện hình. Có lẽ đây chỉ là một sản phẩm của tưởng tượng mà ra. Với suy nghĩ đó, Đức đã phần nào kéo mình ra khỏi nỗi sợ hãi. Cố gắng làm ra vẻ bạo dạn hơn, anh chau mày hỏi lớn:
-Cô là ai? Tại sao sao giữa đêm đến đây khóc than?
Cô gái chậm chạp như lướt trên mặt đất đến gần Đức, đôi mắt buồn rầu còn ướt lệ vẫn hướng về Đức, với giọng buồn rầu hỏi:
-Anh thực sự đã quên em sao? Không lẽ anh không nhớ xác chết mà anh vừa chôn buổi chiều tối hay sao? Em là hồn ma hiện về than khóc vì đã bị kẻ khốn khiếp sát hại, dù đã chết mà vẫn mang theo bao nhiêu điều oan ức, thù hận đây.
Nghe cô gái nói, lòng tin về khoa học đã hoàn toàn biến mất trong trí não Đức, nỗi sợ hãi lại trở về với Đức, đôi chân run nhẹ, đưa tay cầm lấy cánh cửa căn nhà làm điểm tựa cho thân mình không bị qụy xuống. Giương cặp mắt sợ hãi lên nhìn hồn ma cô gái, nghĩ rằng cô gái hiện về để hãm hại mình, với giọng run run anh nói:
-Vì chết oan ức nên cô hiện về đây than khóc, nhưng tôi hoàn toàn vô can trong cái chết của cô, tôi chỉ là người lo việc chôn cất cô mà thôi, mong cô thông hiểu mà rời xa, đừng hiện về phá rối hãm hại chúng tôi nữa.
Hồn ma cô gái hình như hiểu được ý nghĩ của Đức, lắc nhẹ đầu ra ý phủ nhận rồi với giọng nói êm nhẹ, cô ta trả lời:
- Nhờ anh xác thân em đã được chôn cất đàng hoàng, việc anh làm là một việc tích đức, không đội ơn anh thì thôi chứ làm sao mà oán trách anh được? Em đã bị kẻ tàn ác, táng tận lương tâm hãm hại chết trong oan ức, linh hồn lang thang không nơi nương tựa. Kẻ hãm hại em vẫn ngang nhiên sống ngoài vòng pháp luật. Ba mẹ em đã già nua, vẫn mỏi mắt ngóng trông em trở về, không hề biết em đã bị giết chết mà hương nhang để cho hồn em sớm được siêu thoát. Hiện hồn về đây cũng chỉ nhờ anh vui lòng giúp đỡ. Trước là báo tin cho gia đình em mang xác thân em về quê hương chôn cất để không phải làm con ma đói không nơi nương tựa chốn âm ty. Sau là tố cáo với chính quyền để kẻ tán tận lương tâm đã hãm hại em phải đền tội.
Rồi hồn ma cô gái cho biết cô tên là Yến, chị cả của một gia đình đông con, nghèo khó ở làng quê thuộc một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hàng ngày nhìn thấy ba mẹ và các em đói khổ, Yến đã dại dột nghe lời một người bạn trai thời thơ ấu rủ lên Sài Gòn kiếm tiền mong gửi về giúp đỡ gia đình. Người bạn hứa sẽ giúp đỡ, tìm việc, cưu mang Yến trong thời gian đầu tiên khó khăn. Nhưng khi lên Sài Gòn, Yến mới biết anh ta chỉ là một tên ma cô, đâm thuê chém mướn mà thôi. Ngay hôm đầu tiên lên Sài Gòn anh ta đã dùng vũ lực cưỡng hiếp Yến. Yến phản kháng và có ý định tố cáo với chính quyền, nên đã bị hắn giết chết, lấy hết giấy tờ, tiền bạc và quăng xác cô ta xuống sông để phi tang. Cha mẹ Yến ở quê, vẫn đinh ninh rằng con gái được bạn tốt giúp đỡ, vẫn chưa biết Yến đã bị giết chết nên vẫn bình thản chờ đợi.
Nghe xong câu chuyện đau lòng mang đến cái chết tức tưởi của Yến. Đức hứa sẽ tìm cách liên lạc, báo tin ngay cho gia đình cô ta để lo việc mang xác cô ta về quê nhà thờ cúng cho linh hồn không phải lang thang nơi âm giới và chóng được siêu thoát. Đức cũng hứa ngay sáng sớm ngày mai sẽ đến cơ quan công quyền tố cáo hành vi giết người, hiếp dâm của tên tội phạm để đưa ra luật pháp cho hắn đền tội. Với lời hứa giúp đỡ của Đức, hồn ma cô gái đưa anh mắt nhìn Đức như cám ơn rồi xoay người, bóng hình nhạt mờ dần rồi biến mất.
Với sự tích cực giúp đỡ của Đức, gia đình cô gái đã đến nghĩa trang nhận diện và cải táng xác thân Yến mang về quê chôn cất, thờ cúng như hồn cô ta mong muốn. Chỉ vài ngày sau nghi can bị bắt cùng với đầy đủ những di vật của Yến từ nơi trú ngụ của hắn. Cuối cùng với những chứng cớ rõ ràng, cơ quan điều tra đã bắt nghi can phải cúi đầu nhận tội. Hắn đã giết Yến và tìm cách phi tang chỉ vì lo sợ cô ta tố cáo tội ác của hắn với chính quyền. Không lâu sau đó kẻ giết người bị đem ra toà với bản án tử hình.
Sau hiện tượng hồn ma hiện hình đó, cuộc sống của Đức và gia đình cũng như công việc làm của ông Khoa và hai người nhân viên trong nghĩa trang vẫn bình thường. Tuy nhiên toàn thể gia đình Đức cũng như hai người nhân viên của nghĩa trang đã thay đổi hẳn cái nhìn về sự chết sống của con người. Mọi người tin chắc rằng sau khi chết, xác thân của con người trở về với cát bụi, nhưng vẫn còn lưu lại trong thế gian cái gì đó. Nó có vẻ mơ hồ nhưng khi gặp một tác động vô hình khó giải thích làm cho nó biến chuyển và thể hiện ra dưới một dạng thức đôi khi mang tính cách thiêng liêng mà người ta gọi là ma, là linh hồn hiện về sau khi chết.
Rồi bẵng đi khoảng 5 năm trời. Đức cũng đã tốt nghiệp đại học, kiếm được việc làm ngay trong thành phố rồi lập gia đình, sửa soạn có con đầu lòng. Ông bà Khoa, ba mẹ của Đức vì muốn được sống gần con cháu đã xin được một thửa đất nhỏ, trong nghĩa trang ngay bên cạnh căn nhà của mình để xây cho vợ chồng Đức một căn nhà riêng biệt.
Vào một đêm, cả nhà đã yên ngủ. Dưới cái nóng ẩm, khó chịu của Sài Gòn tháng 7, lại thêm vài ly trà đậm đã làm Đức trằn trọc, khó ngủ. Anh nhẹ nhàng thức dậy ra ngồi hóng mát ở chiếc ghế dài kê trên bờ hiên của căn nhà. Vài làn gió thổi hiu hiu đã làm cho Đức lơ mơ sắp sửa đi vào giấc ngủ. Thình lình vài tiếng động nhẹ rồi anh chợt thấy hình như có ai đó đập nhẹ lên vai mình. Đức mở mắt thấy một người phụ nữ, quần áo chỉnh tề với nón mũ khác lạ, khá loè loẹt. Nhìn thoáng qua bà ta có tí nào giống giống người đóng tuồng trên sân khấu.
Nhìn đôi mắt ngạc nhiên trong vẻ còn ngái ngủ của Đức, người đàn bà mỉm cười thân thiện cất tiếng hỏi:
-Anh Đức, còn nhớ tôi là ai không?
Đức đưa tay lên dụi mắt như muốn xua đuổi cơn buồn ngủ ra xa. Cau mày với vẻ ngạc nhiên nhìn lại bà ta chăm chú hơn rồi lắc đầu nhè nhẹ ra chiều không hề quen biết. Người đàn bà cũng chẳng cần đợi Đức trả lời, bà ta nói tiếp:
-Tôi là Yến, cô gái ngày xưa bị hiếp dâm và giết chết. Người đã nhờ anh giúp đỡ báo tin cho ba mẹ tôi đem xác về quê nhà chôn cất, chắc anh vẫn còn nhớ chứ?
Chỉ với lời giải thích ngắn ngủi đó đã làm Đức run sợ. Hình ảnh của hồn ma cô gái bị giết tàn bạo 5 năm về trước trở về trong trí nhớ anh. Lần này anh không còn run sợ đến nỗi muốn ngất xỉu, đứng không muốn vững như lần trước. Nhưng sợ hãi dù ít hơn cùng với sự ngạc nhiên tột cùng đã làm anh đứng lặng, tim đập dồn dập, giương cặp mắt lên nhìn người thiếu phụ. Cuối cùng anh cũng xác nhận được bóng dáng tương đồng của hồn ma hiện tại và hồn ma của cô gái bất hạnh 5 năm về trước. Cũng vậy, anh cũng xác nhận ngay một điều rất thực, đó là anh đang trực diện, nói chuyện với hồn ma, không phải con người còn đang sống.
Hình như hồn ma cũng chẳng cần chú ý đến nét mặt ngạc nhiên, chết lặng của Đức. Với giọng chậm rãi nhưng rõ ràng, hồn ma thiếu phụ nói:
-Tôi hiện đang làm việc cho âm giới. Vẫn nhớ đến lòng tốt của anh, nhờ anh giúp đỡ mà thân xác tôi đã được gia đình mang về quê chôn cất, linh hồn tôi đã không phải vất vưởng cùng với đàn ma đói, không nhà chốn âm cung. Tôi cũng cảm động với việc làm đầy nhân đức của cha anh trong mấy chục năm qua. Nhờ ông mà biết bao nhiêu người bất hạnh, chết bờ, chết bụi không người thân thích đã được chôn cất, khói hương đàng hoàng. Hôm nay tôi hiện về để báo tin cho anh biết một việc không may đang đến gần với cha của anh. Với việc làm của mình nơi âm giới, tôi hy vọng sẽ làm được điều gì giúp đỡ cha của anh thoát khỏi số phận như để trả được phần nào lòng tốt của gia đình anh.
Nghe hồn ma nói, Đức lo lắng:
-Có gì xảy ra cho ba tôi? Nếu là chuyện không may cho ba tôi, mong cô cố gắng mà mà giúp đỡ.
Hồn ma cô gái trả lời:
-Theo số phận thì 3 ngày nữa, đúng vào đầu giờ sửu ( 3 giờ sáng ) ba của anh sẽ bị chết bắt đắc kỳ tử. Tôi sẽ phá lệ giúp ba anh thoát nạn, tuy nhiên anh nên tuyệt đối kín đáo vì việc làm của tôi đã đi ngược lại thiên cơ.
Rồi hồn ma cô gái nói gia đình Đức làm một người nộm giống y hệt ba của Đức, đúng vào đêm ngày thứ 3 để nằm trên chiếc giường ngủ của ông Khoa, Còn ông Khoa phải mặc một chiếc áo choàng mầu đỏ có đính hình bát quái, giữ kín đáo, tuyệt đối im lặng đến nằm ở dưới gầm giường, đúng khớp với hình nhân trên giường. Chờ đợi cho hiện tượng xảy ra đâu đó, ba của anh mới được ra khỏi gầm giường. Công việc kế tiếp là gia đình anh phải khóc than và làm ma chay đúng như ba anh chết thật. Ba của anh phải rời nhà đến nơi khác, tuyệt đối không được bén mảng về nhà trong suốt 49 ngày. Qua khỏi 49 ngày thì mọi chuyện được coi là êm xuôi. Tuổi thọ của ba anh sẽ được kéo dài thêm một cung của thiên bàn ( 12 năm ). Hồn ma cũng cho biết, ông Khoa đã làm nhiều năm chôn cất các xác chết vô thừa nhận, một việc làm rất nhân đức đã được truyền tặng cho con cháu thụ hưởng.
Với sự việc xảy ra vừa qua, Đức không còn nghi ngờ gì nữa. Bàn luận với gia đình, bắt tay ngay vào việc làm theo lời chỉ dẫn của hồn ma cô gái căn dặn. Ngay buổi chiều tối ngày thứ ba, ông Khoa kêu nhức đầu và muốn đi ngủ. Gia đình cho ông Khoa mặc một cái áo choàng đỏ, in hình bát quái rồi để cho ông nằm ngủ ngay dưới gầm giường. Cả gia đình săn sóc hình nhân trên giường, ra vẻ như săn sóc ông Khoa. Thời gian chầm chậm qua đi, chuông đồng hồ vừa chỉ đúng 3 giờ, mọi người thoáng thấy một bóng mờ nhạt lướt nhanh qua cái giường mà hình nhân đang nằm rồi biến mất. Đúng lúc đó chiếc đầu và bầu ngực của hình nhân bị nẩy lên như bị cái gì đập mạnh vào. Sau hiện tượng rất nhanh đó, dưới gầm giường ông Khoa chợt tỉnh giấc, bệnh nhức đầu hoàn toàn biến mất. Như đã xếp đặt, ông Khoa vội vàng ra khỏi gầm giường và rời xa vợ con đến ở nhờ một gia đình khác ở một tỉnh lỵ xa Sài Gòn.
Rồi vợ con ông Khoa khóc than, niệm hình nhân vào quan tài, tổ chức đám tang rình rang như thật. Thỉnh mời vài vị sư đến cầu kinh siêu độ suốt 49 ngày. Tất cả đều yên lành, trôi suốt lúc đó ông Khoa mới trở về nhà.
Đúng như hồn ma nói, 12 năm sau ông Khoa bị bệnh mà chết. Con cháu của ông đều ngoan ngoãn, thành danh và khá giả. Dù sống giữa thời tao loạn mà không một ai vướng vào vận hạn vì bom đạn, chiến tranh.
Lưu An - Ntt
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú chuột La Hán

Chú chuột La Hán Ông Tư ngồi buồn như đang mất đi một người bạn. Từ ngày bỏ rượu niềm vui của ông chỉ quanh quẩn bên chú chuột nhỏ, bởi du...