Thứ Tư, 10 tháng 7, 2024

Ngày xưa thị xã

Ngày xưa thị xã

Lâu lắm không có dịp xuống thành phố Bắc Ninh. Thảng hoặc có việc gì lại có người đưa đón. Được hôm một mình rong ruổi, suốt dọc đường đi và về chỉ sợ… lạc. Nơi đã gắn bó bao năm học hành và ăn ở, tưởng đã thuộc từng con đường góc phố, sao giờ lạ lẫm và mông lung.
Năm mình học lớp 9, tỉnh vừa tái lập. Bắt đầu sửa sang các con đường liên huyện. Mình lọt vào đội tuyển Văn của tỉnh chuẩn bị thi quốc gia, khăn gói xuống ôn ba tháng ở Trường chuyên Nguyễn Đăng Đạo. Nhà trường sắp xếp cho ở nhà một bạn trong đội – Khổng Hương, ở Vệ An, đối diện cổng sau trường sĩ quan chính trị. Sáng sáng, mình và Hương đèo nhau đến trường, qua một đoạn phố dài đến gần sân Cầu Gỗ thì rẽ trái vào cầu Cạn, thêm một đoạn nữa là đến trường.
Nhớ những tối mùa đông rét mướt hay qua khu nhà tập thể của Kim Nhung để ăn ốc luộc. Món ốc vào mùa đông đã hấp dẫn nhưng món ốc Vệ An ngày đó còn ấn tượng mã không thôi vì ngon từ con ốc đến nước chấm. Kết thúc màn ăn bao giờ cũng đến giây phút chờ đợi là chìa  bát nước chấm ra để cô bán hàng chắt vào đó thứ nước luộc nóng hổi rồi xuýt xoa, xì xụp. Ra về lần nào cũng còn thèm thuồng, luyến tiếc. Sau này được ăn ốc ở rất nhiều nơi nhưng không đâu ngon bằng ở đó.
Rồi những hôm nhàn rỗi, mấy chị em lại vào trường chính trị, chơi hoặc lấy gì đó cho chú. Ra về lần nào em Hiền cũng dừng lại trêu mấy anh lính gác cổng, lần thì giả vờ hỏi thăm, lần thì kêu đói quá không có gì ăn làm các anh tưởng thật, nháo nhác lên. “Nhưng chắc các anh cũng vui vì có người nói chuyện”- Hiền lí lắc kết luận. Nhà gần chợ Yên nhưng việc chợ búa toàn do cô đảm nhiệm nên dù ở mấy tháng trời, khu chợ đó với mình vẫn xa lạ. Phải đợi đến sau này mới quen thuộc.
Lớp 12, lại lọt vào đội tuyển của tỉnh lần nữa. Học sinh huyện ngoài chỉ có mình ở Yên Phong và bạn Lộc ở Tiên Du- nhà Lộc gần nên đi buổi. Mình với bạn Qúy đội Địa- người Gia Bình ở trọ ngay chợ Đọ (Trường Năng khiếu Hàn Thuyên khi đó chưa có kí túc xá).  Hai đứa đi mòn gót chợ vì ngày mấy bận ra ăn. Tối là khách quen của một hàng cơm ngay cổng phía bên kia- đối diện cổng Tiền trường chính trị. Có điều, trong khi khách phổ biến của hàng là những anh chiến sĩ ăn uống rất đề huề thì hai con bé học sinh lại luôn đắn đo, cân nhắc ăn những thứ đơn giản, ít tiền nhất. Vì thời gian đó tập trung toàn lực cho việc học chính và ôn để thi Quốc Gia nên hầu như không đi đâu chơi, chỉ biết con đường từ nhà cô đến trường- con đường ngày đó còn là đường đất, bụi mù và gồ ghề. Nhưng vẫn có một kỉ niệm đáng nhớ. Đó là buổi tối đêm Noen. Trong không khí náo nức, hừng hực xung quanh, cả lũ quyết định nghỉ học một buổi ra nhà thờ. Mấy bạn cũ đang là học sinh của trường chuyên: Đạt , Gang, Chung…tha thiết rủ mình và Đắc Trung (cả trường có mỗi mình và Trung vào đội tuyển xuống ôn tập trung) đi xem để biết, mình rủ cả Qúy. Đường đi ngắn thôi, tắt qua chợ Đọ, đến chỗ cột cờ là tới, nhà thờ ngay trung tâm- ngày thường đã nổi bật, dịp này càng lộng lẫy, hoành tráng. Ai cũng háo hức và hồi hộp nhưng không ai hình dung được số lượng ngờ đổ về đêm đó lại đông như vậy. Gần 11 giờ định về thì chúng mình lạc nhau, tưởng bị bẹp rúm giữa  biển người như nước chảy. Sáng hôm sau gặp mới kể lại màn thoát thân khổ ải và trải nghiệm nhớ đời.
Một năm sau đó, nhận ra quả thật có duyên với thị xã. Khi gặp sự cố trong kì thi Đại Học và trở thành sinh viên của trường CĐSP tỉnh. Trường nằm ở xóm 10 Đại Phúc, xung quanh đồng ruộng mênh mông đang được quy hoạch. Kí túc xá mới đầy đủ nhưng còn biệt lập. Hàng ngày đi học, từ kí túc sang trường vẫn là con đường đất, từ trường ra ngã 6 cũng đường đất. Và phải đi hết một vòng quanh cái vòng tròn nghe đồn to nhất nước ấy mới thấy không khí phố phường.
Những buổi chiều muộn, mấy đứa rủ nhau ra hồ Nguyên Phi Ỷ Lan, tận hưởng không khí trong lành và cái “thú công viên”. Hoặc hôm nào được nghỉ lại lang thang chợ Lớn- dù không khỏi ái ngại với các bà, các cô bán hàng quái tính. Nhưng không thể không ra vì nỡ kết món bún đậu mắm tôm cổng chợ buổi trưa, món bún riêu cua buổi chiều. Và cả mặt hàng đặc biệt mà phòng nổi hứng kinh doanh chung với nhau. Ba năm học, thời gian đủ dài để đi hết những con đường nhỏ bé, thanh bình của thị xã; có con đường gắn với những hò hẹn tinh khôi, có con đường quen của những ngày gia sư, có con đường vô tình bắt gặp.. . Và rất nhiều những con đường gắn với những khu ẩm thực, ăn uống. Bún chả, bít tết, bánh bao- sữa tươi vừa ngon, vừa rẻ ở con đường phía sau bưu điện tỉnh, chè hoa cỏ phía nhà thờ lớn, chè bưởi bến xe, chè Huế rìa đường 1, hàng bánh mì pa tê đầu đường một chiều khu Ninh Xá, đối diện là quán  bánh bao chiên, phở gan cháy khu Đáp Cầu.  Rồi cháo lòng Tống Giang xóm 10; cháo cá Chín Mười -Vệ An,  cháo cáTích Nghi gần cầu Yna; cánh gà, ốc luộc cổng trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ. Xa hơn chút là thịt chó dốc Đặng .Thị xã nhỏ bé và thân thuộc như lòng bàn tay, có lúc ngỡ gắn bó hơn cả quê nhà. Từ những cửa hàng cửa hiệu chất lượng, vừa túi tiền lại thân thiện.  Giaỳ dép cô Lợi ngay ngã 6, mĩ phẩm Thanh Nga, sách mới Vương Bột, sách báo cũ Chợ Đọ, sửa quần áo cô Vượng chợ Lớn, may áo dài Mai Uẩn…Đến nơi “ xa hoa” nhất-  cà phê Thanh Tùng- 7 tầng; ngồi trên đó có thể nhìn bao quát xung quanh, cũng có dịp được đến.
Yêu thương và thân thuộc đến thế mà rồi chớp mắt,  hơn 10 năm trở lại-hôm nay đứng giữa một con đường lớn, không nhận ra nét gì quen thuộc; hoang mang đến muốn khóc. Nơi này đã không còn thuộc về mình. Thành phố lạ, xa và rộng. Bỗng cảm thấy cô đơn và lành lạnh giữa một ngày tháng 7.
Mình vốn thuộc về thị xã của ngày xưa!.
15/9/2020
Nhất Mạt Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bàn chân tìm nhau

Bàn chân tìm nhau Sau giải phóng, từ chiến tranh sang đột ngột hòa bình, mừng vui là một lẽ, nhưng mọi thứ đều đảo lộn. Từ cá nhân đến cả ...