Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Nhẹ dạ với văn chương

Nhẹ dạ với văn chương

Lời khen, lẩn trốn, và sự nhẹ dạ
Trong bài trả lời phỏng vấn, một nhà văn nữ kể, một người bạn nước ngoài hỏi cô có làm thơ không, cô bảo tôi chỉ viết văn xuôi. Người bạn bảo: Rồi một ngày nào đó cô sẽ làm thơ.
Vậy là về nhà loay hoay thế nào, nghĩ rằng người bạn kia nói đúng, cô bèn viết luôn một tập thơ.
Rồi cô thấy có một số người viết văn bằng tiếng Anh. Thế là cô cũng viết bằng tiếng Anh, vì nghĩ rằng viết tiếng Anh sẽ có nhiều người đọc.
Nhiều nhà văn Việt Nam cũng liều lĩnh đúng như cô đấy. Coi làm thơ viết văn (và cả viết bằng ngoại ngữ) giống như luộc trứng.
Người theo thuyết tinh hoa bảo: Chỉ có thể viết văn bằng tiếng mẹ đẻ, vì người ta viết văn không phải viết bằng chữ mà viết bằng văn hóa của dân tộc mình.
Một thiếu niên thời kháng chiến: “Đùng đùng đùng, đoàng đoàng đoàng, anh vẫn đi”.
Tú Xương bảo: “Văn chương nào phải là đơn thuốc”.
Chuyện vừa nói ở trên, có phần đùa nhưng nhiều phần là thật.
Nhân vật thiếu nhi trong câu hát trên được đặt trong một hoàn cảnh khác hẳn, để nói một điều khác hẳn. Nhưng nếu trích một câu như thế thôi, tách hẳn ra khỏi văn cảnh của nó, thì đùng đùng đùng mà vẫn vẫn đi thì chắc anh là người… khiếm thính.
Đang nói chuyện thật như đùa, xin kể tiếp một chuyện khác. Một bạn phóng viên, thường xuyên cộng tác với tờ báo nọ bằng cách đi làm phỏng vấn, viết tin, viết phóng sự. Việc cộng tác cứ đều đều cho đến một lần mang bài ghi chép đến tòa soạn thì chị biên tập viên, cũng là một nhà văn, bảo: Số báo này đang thiếu truyện ngắn, cậu viết nhanh đi một cái, đưa chị in luôn. Anh bạn kể lại, rồi lắc đầu cười: Chị ấy nghĩ viết truyện cứ như đan len.
Nói thì lại bảo là đùa. Bảo người ta viết ngay một truyện ngắn, mà lại bảo một phóng viên chưa sáng tác bao giờ.
Tất nhiên là vẫn có người nhờ một giây phút đột ngột thình lình như thế mà dấn thân vào một con đường mới. Nhưng nhìn chung thì đúng là coi mọi việc cứ như… đan len.
Khi biên tập văn cho bạn bè, thảng hoặc tôi gặp những ca rất lạ. Có những nhà thơ khi viết văn xuôi thì câu bất thành cú, câu cụt câu què, chữ nghĩa thừa mứa rườm rà luộm thuộm. Biên tập cho nhà thơ này thì phải sửa rất nhiều (nhà văn xuôi mà tôi kể ở đầu bài cũng vậy. Rất lạ là nhiều người viết văn nhưng không biết dùng ngôn ngữ và không hiểu nghĩa gốc của từ). Nhà thơ này viết văn xuôi chưa ra câu, nhưng thơ thì có những bài xuất thần. Rồi cũng tự ngẫm mà hiểu ra: thơ giúp vị ấy trốn được vốn kiến thức mỏng manh về ngôn ngữ và tư duy lộn xộn. Nói cách khác, văn xuôi của vị lủng củng nên vị ấy đã trốn vào thơ. Và trốn thành công. Những câu thơ có thể lan man đứt gãy, câu chữ có thể đảo trật tự thông thường, sai lạc cả ngữ pháp, để diễn tả những tình cảm bất chợt, ngẫu hứng, không thông thường. Thơ ấy mà có cảm xúc chân thành thì có thể gọi là hay. Nhưng người làm thơ ấy khi viết văn xuôi thì bao nhiêu sai sót vụng về chữ nghĩa bị phơi lộ ra hết. Không trốn được.
Nói như vậy, ta vẫn biết rất nhiều nhà thơ không chỉ giàu cảm xúc mà còn là người giỏi sử dụng ngôn ngữ.
Trong hội họa cũng có trường hợp tương tự. Một họa sĩ hình họa kém, vẽ cơ bản còn chưa được, vẽ người không ra người, thú không ra thú. Họa sĩ ấy có lúc đã trốn vào trừu tượng. Nói cách khác, tranh trừu tượng có khi là chỗ trốn của những họa sĩ chưa đỗ đạt về hình họa. Những mảng màu bê bết chồng lấn chắp vá và những đường nét nguệch ngoạc rối tinh đã che đỡ cho họa sĩ. Vụng chèo khéo chống. Vụng vẽ khéo trừu tượng. Mồm miệng đỡ chân tay –  trừu tượng đỡ chân tay. Nói như vậy không có nghĩa là vơ đũa cả nắm với những họa sĩ trừu tượng có tài đích thực và không hề lẩn trốn bất cứ ai.
Trở lại chuyện văn thơ. Như ta đã thấy, đôi khi những nhà văn xuôi kém cỏi đã trốn vào thơ và trốn thành công. Nhà văn có thể hân hoan mà rằng viết văn mãi chẳng được chú ý, giờ mới thử sức sang thơ thì được được khen. Ở giữa cánh văn nghệ sĩ, nơi người ta không tiếc lời khen đầu lưỡi, thì cũng nên cảnh giác với mọi lời khen. Giống như anh bạn nước ngoài kia nói một câu mà nhà văn tưởng là lời khen hoặc động viên: Rồi một ngày nào đó cô sẽ làm thơ. Người ta hàm ý những điều bao la xa rộng, nhưng người nghe lại hiểu theo cách thiển cận và thực dụng.
Còn nếu hiểu đấy như một lời khích lệ hoặc lời khen, thì lời khen cũng dăm bảy đường. Nếu bạn thỉnh thoảng vẫn đi công tác nước ngoài, bạn chắc có lần được chủ nhà mời những món ăn bản địa. Sữa ngựa Mông Cổ ngai ngái, gia vị Ấn Độ nồng nặc, gia vị châu Phi hăng hắc, món Bắc Âu nhạt nhẽo… Ăn xong, dù đã nuốt không trôi, nếu được hỏi cảm tưởng, chắc bạn sẽ phải khen và cảm ơn. Cũng như người Âu – Mỹ khen nem khen bún Việt Nam thôi. Đừng vội nghe mấy lời xuýt xoa khen ngợi ấy mà tin rằng họ thích thực sự và họ có thể ăn mãi. Người Việt ra nước ngoài một tuần ăn pho mát bơ sữa thì đã cuống lên nhớ cơm Việt. Người Âu – Mỹ cũng vội vàng nhớ về món ăn của họ như thế. Nói gọn, đừng đánh mất lý trí trước những lời khen ngợi động viên của người ngoại quốc. Và của người nước ta.
Đừng coi viết văn như luộc trứng như đan len. Đan len cho giỏi cũng có cái khó của nó, nhưng không biết đan len thì có thể học. Tuy nhiên có những việc không thể học mà thành. Cũng thế, ngoại ngữ có thể học. Nhưng không dễ dùng ngoại ngữ để viết văn. Rất không dễ. Đôi ba trường hợp viết bằng ngoại ngữ thành công trên thế giới không có nghĩa là có thể áp dụng đại trà cho mọi trường hợp có ngoại ngữ. Ở đây cũng phải mở ngoặc, ngay cả khi bạn có thể dùng ngoại ngữ để viết báo thì không phải vì thế mà có thể viết văn bằng ngoại ngữ. Viết văn, người ta không chỉ viết bằng chữ, mà viết bằng hồn cốt dân tộc mình.
20/11/2020
Hồ Anh Thái
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung Thường thì những bài đồng dao khó hiểu, câu chữ nhiều đoạn như đánh đố, bí hiểm. Ấy nhưng ...