Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024

Đọc thơ Lê Huy Quang tìm "Cỡ Quang - Cỡ một con người"

Đọc thơ Lê Huy Quang tìm
"Cỡ Quang - Cỡ một con người"

Trong cảm nhận của tôi về nhà thơ Lê Huy Quang, thì bạn bè văn chương tựa như bầu không khí, nếu thiếu nó, nhà thơ Lê Huy Quang không thể sống nổi. Bởi cái nhất quán ấn định cuộc đời nhà thơ Lê Huy Quang, là thế giới bạn bè và hoài bão văn chương. Chỉ có thế giới bạn bè và hoài bão văn chương là lực đẩy duy nhất tạo hứng khởi sống – một sự sống chìm ngập trong niềm đam mê  thi ca.
Trong cõi vụt hiện của nhà cách tân thơ Hoàng Hưng vút lên hai cột sáng, là bài thơ cặp đôi: Quang I, Quang II. Bài thơ cặp đôi này được viết trong thời kỳ sung mãn nhất cuộc cách tân bền bỉ của nhà thơ Hoàng Hưng.
Bạn ơi
Ai biết có anh trên đời?
Anh tự biết mình
Quang.
Cỡ thế giới – cỡ một con người
Thế đủ rồi
Cỡ Quang.
(Quang I – Hoàng Hưng)
Trong một không gian thơ thật hiện đại “Xô-lếch dài/ Đêm tóc/ Môi lang thang”, hiện lên chân dung Lê Huy Quang “cỡ Quang”, “cỡ một con người”. Bài thơ cặp đôi: Quang I, Quang II của nhà thơ Hoàng Hưng, được in trong tập Ngựa biển năm 1988. Có những đoạn thơ trong hai bài thơ này đã tiêu tốn không ít giấy mực và thời gian đàm luận xung quanh nó vào lúc tập thơ Nghe biển ra đời. Câu chuyện về cuộc cách tân thơ vẫn còn vang vang đâu đó, thế mà đã hai mươi năm vắt qua hai thế kỷ.
Tập thơ Phải khác của nhà thơ Lê Huy Quang, gồm 108 bài trong một hành trình thơ 40 năm: 1968-2008. Theo nhà thơ Lê Huy Quang cho biết, đây mới chỉ là phần I, còn phần II của Phải khác sẽ tiếp tục được ra mắt bạn đọc.
Bài thơ Giêng Xuân được nhà thơ Lê Huy Quang viết và hoàn thành vào thời gian: 1966-1968. Sau 25 năm, nhà thơ Trúc Thông, một trụ cột của thơ cách tân, đã chép lại bài thơ này từ một cuốn sổ, và đã bình bài thơ trong sự trang nghiêm sâu sắc đầy xúc cảm. Lời bình của nhà thơ Trúc Thông và bài thơ Giêng Xuân đã được in trên tuần báo Văn nghệ từ năm 1994. Phải mường tượng cái không khí và diện mạo của sáng tác thơ Việt Nam những năm 60-70 của thế kỷ trước, mới thấy hết sức mới của bài thơ Giêng Xuân. Lúc này, tôi thấy bài thơ vẫn cần được chép lại nguyên văn bằng bút mực, viết nắn nót theo kiểu chữ bút thiếp:
mương nước sáng bờ cây chiều
dẫy dẫy
cột đèn
chim rũ cánh mưa
em đi làm rửa chân gầu giếng ấm
ao xóm
cầu về
gái xóm
Giêng rồi
thấp thoáng
áo em giêng
Về cấu trúc các câu thơ và cấu trúc toàn bài thơ Giêng Xuân của nhà thơ Lê Huy Quang, nhà cách tân thơ Trúc Thông đã có lời bình thật chí lý và thấu suốt: “Hình khói từ ngữ bố trí như thế nào trên không gian mặt giấy trắng là rất quan trọng. Về cả thẩm mỹ nhìn lẫn thẩm mỹ cảm. Ở bài thơ này cần rất thoáng, sáng. Để gọi thêm lên màu sáng trong bút pháp. Gọi thêm lên cảm giác trong, ẩm và tươi”.
Giờ đọc,vẫn thấy nguyên cái tươi mới của cảm xúc, tràn ngập phong vị và vẻ đẹp trong trẻo đến trong ngần của đồng nội vào tiết giêng hai, trước tình yêu trong sự nâng niu trân trọng thật cảm động của nhà thơ.
Nhà thơ Trúc Thông đã nói rất hay và hàm súc về hiệu quả của cấu trúc những câu thơ trên không gian mặt giấy. Nhà thơ Lê Huy Quang tiếp tục sự cách tân này trong các sáng tác thơ của anh.
Mưa
Mưa nối những chiều
Một
nét
buồn
thẳng
đứng
Nghe nong tằm ăn dâu
(Phong cảnh)
Những cơn mưa với “những sợi tơ mưa nối đất lên trời”, và những cơn mưa nối những buổi chiều bằng “một nét buồn thẳng đứng” trong sự trong suốt tĩnh lặng của một không gian nơi miền ven bãi, chợt vang lên tiếng tằm ăn dâu “nghe nong tằm ăn dâu”. Một cấu trúc thơ thật hoàn hảo, hiện đại và gợi cảm, những không gian cứ tiếp tục được mở ra từ những câu thơ.
Phơi trần mình
gió trưa
cát trưa
nắng trưa
muối biển nhuộm màu mây trắng
em – xuôi – một – dải – chân trời…
(Biển động)
Viết về biển trưa như vậy thì thật tinh diệu. Giữa gió, cát, nắng của buổi trưa “muối biển nhuộm màu mây trắng”, trước cái không gian khoáng rộng bao la ngút ngát cao vút và tĩnh lặng một buổi trưa của biển, thì hình ảnh người thiếu nữ nằm “phơi trần mình” ấy giống như một dải chân trời “em – xuôi – một – dải – chân trời”.
Chỗ anh đứng lâu ngày
lõm
xuống
thụ thai người gác cổng
thức
canh em!!!
(Thanh âm)
Viết về tình yêu và sự chờ đợi trong tình yêu như vậy, thật quá mãnh liệt, mạnh bạo và thật sự mới mẻ. Nó mạnh mẽ và ở cấp độ cao hơn nhiều việc trồng cây si trước cửa nhà người yêu mà ta từng nghe. Cái chỗ “lõm xuống” do “đứng lâu ngày” trong cuộc tình đó, giờ chỗ lõm ấy đã thụ thai thành người gác cổng thức muôn đời, để canh em, canh cuộc tình.
Lại vẫn là tình yêu, nhưng trong một bài thơ khác, nhà thơ Lê Huy Quang biến ảo thành những sắc thái khác, trong một sự chuyển động khác.
Em
Là vòng tròn khép kín những vòng tròn
Từ cái trung gian
em biến những bắt đầu ra sự cuối
Anh lại quẩn quanh những vòng tròn nối,
gấp
khúc
đường
em.
(Người con gái ấy)
Dưới đây là một đoạn thơ trong bài thơ “Bài hát mở mùa 1988” của nhà thơ Lê Huy Quang. Tôi tự nghĩ, nếu giả định đây là bài thơ đứng riêng biệt, thì đoạn thơ này đã là một bài thơ hoàn chỉnh và rất mới của nhà thơ Lê Huy Quang.
Riêng ta và em vẫn lầm lỳ
Ngồi trên chiếc xe chở than tổ ong chậm rãi
Con bò lặng lẽ kéo đi
Trườn lên đầu dốc nắng
Và mảnh khăn che mặt em đen thẳm
Cũng... bay… đi.
Đó chính là vẻ đẹp chân thực nhất song tồn, ẩn tồn trong cuộc sống lam lũ tất bật hàng ngày của con người. Cái đẹp trong bài thơ hiển lộ thật đột xuất trên nền của một không gian một khung cảnh của sự lam lũ, một đôi nhân tình ngồi trên chiếc xe chở than tổ ong chậm rãi, con bò lặng lẽ kéo đi, chiếc xe trườn lên đầu dốc nắng.
Và mảnh khăn che mặt em đen thẳm.
Cũng… bay… đi.
Đọc thơ Lê Huy Quang mới thấy “ngoài trời lại có trời”. Trên thi đàn rộng lớn, trong cuộc cách tân tìm tòi muôn hình muôn vẻ ta ngỡ đã gặp một cái mới, lại gặp tiếp một cái mới, rồi cái mới tiếp nữa. Như tôi đã nêu, phải mường tượng trở lại với cái không khí và sáng tác thơ của nước ta từng chiếm lĩnh thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước, mới thấy hết sự cách tân tìm tòi của nhà thơ Lê Huy Quang mới mẻ đến mức nào. Cái sức mới sự cách tân tìm tòi của nhà thơ Lê Huy Quang, nay đọc ta vẫn cảm nhận được đầy đủ cái tinh khôi trong trẻo và mới lạ thuở đó.
Tôi lọc sạch mùa đông qua đế giày cao cổ
tất những viễn cận liên quan nhau
vòng hút đất sinh sôi
ngoài lề trang vở học sinh tôi nằm dài thừa thãi
(…)
mùa đông này
tôi đi trắng những phố chợ mưa phùn
tôi đồng loã
mọi gánh hàng em mọi ngả
nhưng tự tôi lọc sạch mình qua đế giày cao cổ.
(Tự khúc đông)
Nhà thơ đã lãng du cùng mùa đông đi trắng những phố chợ đêm mưa phùn, rồi lọc sạch mùa đông và tự lọc sạch  mình qua đế giày cao cổ. Để rồi “ngoài lề trang vở học sinh tôi nằm dài thừa thãi”. Từ lề trang vở học sinh ấy, câu thơ đã vút một tấm thảm lớn bay cùng mây trắng trời xanh, mang theo những gì vô tư lự, trong trẻo và lãng mạn.
Thơ Lê Huy Quang cách tân tìm tòi là thế, có nhiều câu thơ của nhà thơ Lê Huy Quang lạ đến quá mức. Nhưng ta cũng bắt gặp rất nhiều câu thơ khác của nhà thơ Lê Huy Quang thật dung dị, sâu sắc và tinh tế viết về mẹ, về quê về mùa và về tình yêu. Những câu thơ của Lê Huy Quang khi viết về mẹ bao giờ cũng gan ruột, sâu đằm và thấu tỏ:
Khói chiều sém hoàng hôn mẹ chợ muộn về
lẫn trong màu tím của đường ngói đầu tiên
(…)
và giờ đây
con trai mẹ đi từ lúc nào không nhớ nữa
là nước mắt
là lửa
là nắng mưa sương gió
đã chín dần trong sức lớn bàn chân
(Những bài hát ru là mẹ)
Con không nói tròn lời về mẹ
Bài thơ cuộc đời
Mẹ viết bằng máu và nước mắt cho con
(…)
Mỗi bước mẹ đi hằn trên đắng cay vất vả
tóc bạc
mắt sâu
lưng còng
vội vàng
tất tả
(…)
Mẹ ơi
mãi mãi đến bao giờ?
Con vô vọng trước nỗi buồn mắt mẹ
Nếu buông vào cõi hư vô yên nghỉ
mẹ hãy cho cùng con đi…
(Mẹ)
Mẹ ơi. Bảy mươi sáu rồi. Bao giờ mẹ mới có được niềm vui? Mở Giáp Tý 1984. Con vẫn chờ và tin rằng hết Ba mươi sẽ phải là Mùng Một. Phải khác đi!
(Giáp Tý 1984)
Mẹ ơi
Sang canh về
mẹ mở cửa
Khác ba mươi.
(Giao thừa)
Người mẹ luôn hiện ra trong thơ của nhà thơ Lê Huy Quang như là một chỗ dựa duy nhất của cuộc đời. Những dòng thơ về mẹ là nỗi niềm thầm kín nhất trong cõi lòng sâu thẳm của nhà thơ. Những dòng thơ về mẹ là những dòng thơ ký thác của nhà thơ Lê Huy Quang. Đối với nhà thơ mẹ là một cõi cứu rỗi.
Thơ Lê Huy Quang đã có những câu thơ thật tinh tế và ấn tượng xao động, xao xác trước sự chuyển động của thời tiết, của mùa trong một ngày, trong một mùa, trong một năm và trong cả đời người. “Chao ơi lá mùa mùa đi qua. Mùa mùa lãng quên. Và mùa mùa mất mát”(Tháng ba Quy Nhơn); “Đã lâu rồi im mưa/ Thu khẽ dấu một mùa lá đỏ” (Mùa thu); “Ngước lên trời cao. May còn mùa thu rực cháy” (Mốt và em); “Hàng cây cơm nguội vô tư thay áo vào đông/ Ta cúi nhặt chiếc lá vàng hờ hững chờ ôtô buýt” (Bài hát mở mùa 1988); “Bốn mùa lá gội bốn mùa quen quen” (Những khúc hát em)
Thơ về mùa xuân, về nước giếng xuân và thôn nữ, thật trong trẻo và ấm sáng đến vô gần. Có thể nói, đó là tuyệt bút trong những tuyệt bút của thơ Lê Huy Quang vậy.
nước giếng mùa xuân
ấm
và bốc hơi
và đầy vơi con gái”
(Sáng đầu năm 1973)
Ở một biến thái nào đó, ta bất chợt bắt ngặp một thoáng thơ mộng lãng mạn thật hiếm trong thơ Lê Huy Quang về tình yêu và về thôn quê. Tôi cảm nhận được cái màu mực tím rất tươi nguyên của nhà thơ tràn ra những dòng thơ này.
Tháng sáu
em về lá thư tay mùa hạ
mưa rào giăng giăng đan phố cổ
tôi thầm tên em
nét chữ nghiêng viết hoa giữa dòng vô cớ
(Tháng  sáu)
Ngơ ngác người em nơi nào về?
Làm âm vang Ga Hàng cỏ
Se se
một gió
còi tàu…
(Hành hương)
Hễ trở trời
Muỗi bay vào từ bùn ao cỏ dại
Trăng trắng liềm cao
Xóm ngủ rồi
Xóm trắng sương đông
Em ngủ rồi
Em thay lần lót trắng
(Xóm ca)
Bài thơ hiện lên trước mắt ta một bức tranh thuỷ mặc thật hoàn mỹ và tinh diệu về thôn quê đêm mùa đông của nhà thơ Lê Huy Quang. Tôi như thấy mùi khói của rơm và trấu ủ, mùi bùn và vị ngai ngái của cỏ trong tiếng côn trùng âm i thoảng lên theo làn gió phất nhẹ xa tít xa tít trên những cánh đồng mênh mông sau gặt.
Trong “cái đói dồn về phía ga” (Sóng ga), “Liêu xiêu nhịn đói/ thức ròng đi bộ” (Cảm tác nỗi niềm sân khấu), “và đói/ không phải đói riêng mình” (Bài hát mở mùa 1988) mang trên vai hành trình thơ bốn mươi năm kiếm tìm trăn trở vắt qua hai thế kỷ, tôi chợt nhận ra chân dung thật của nhà thơ Lê Huy Quang hé lộ.
Bệnh già đến với anh sớm lắm em ơi
Kết quả bốn mùa rong chơi phố
Anh không đội mũ
Phơi tóc khét màu mưa dông nắng hè
(chân dung)
Tôi lúc nào cũng đầy sương đêm
(…)
Tôi tự nuôi sống mình
Đơm hoa kết trái
Rồi trở về chôn chặt
Với đất sương
(Sương)
Những quán rượu suông hoàng hôn chạng vạng
quét giọt men trầm lên tay…
(…)
Tôi riêng tôi những định kiến nổi chìm
Những đêm trắng lang thang những mắt nhìn thông cảm
Không nói về mình không in thơ mình dấu diếm
Chôn chặt mình cuối thế kỷ hai mươi
(Ấn tượng Hà Nội 1985)
Cách mạng và cách tân là những việc khó đứng đầu trong các việc khó của loài người qua các thời đại. Khó đến mức, chưa tính đến sự thành bại, chỉ cần con người đủ sức và đủ kiên nhẫn theo nó, đã là thử thách vô cùng gian nan rồi. Chưa kể tới việc cách mạng và cách tân, đâu phải ai cũng muốn làm, và đâu phải ai cũng dám làm. Cách tân là một hành trình dấn thânốtáng tạo thi ca luôn luôn nằm trong sự thường trực trăn trở dằn vặt của nhà thơ Lê Huy Quang. Những con chữ cứ xô đẩy lôi kéo với một sức hút vô hình của cuộc tìm kiếm cũng vô hình như chính lực đẩy của nó vậy. Không có cách gì cưỡng lại. Và, nhà thơ cũng không bao giờ cưỡng lại, nhà thơ tự nguyện cuốn theo luồng sáng chói gắt đam mê và nghiệt ngã ấy, với một sự dâng hiến trọn vẹn.
Đó là những cuộc đi những cuộc kiếm tìm
tổng cộng những lang thang những được thua mất mát
Không có máu bởi máu đã hoà trong nước mắt
Không còn buồn khi buồn mãn tính lên ngôi
(Bài hát mở mùa 1988)
Tôi tự xếp đặt, vừa là ông chủ vừa là đầy tớ
đầy quyền hành trong tay
cắt xén
chối bỏ
đốt cháy
(Sáng đầu năm 1973)
Trong sự dâng hiến cho cuộc kiếm tìm thi ca nhà thơ Lê Huy Quang đã “lang thang vô nghĩa tận cùng” (Mùa thu), “nghĩ mình là không tưởng/ (…)  Ta đi. Lơ đễnh giữa đời” (ở giữa bình yên). Nhà thơ Lê Huy Quang nhiều lúc chợt tỉnh và nhìn lại, “vu vơ nghĩ, con người liệu có hiểu nhau không?” (Tháng ba Quy Nhơn), và “vẫn biết sinh ra trên đời là vô lý” (Bài thơ thị xã); nhưng “Songle. Ta vẫn đi. Đi hoài cô đơn và không tưởng” (Giáp Tý 1984), chỉ bởi “Ai thèm danh lợi ta thèm hư vô” (Cầu vồng). Nhà thơ Lê Huy Quang, trong sự tự thức tỉnh đã chạm đến những câu hỏi lớn về ý nghĩa nhân sinh của con người, và đã có câu đáp thoả đáng về cái nghiệp lực mà người nghệ sĩ phải mang vác trong vòng xoáy vô tận của kiếm tìm thi ca và của kiếp người.
Nhà thơ, nghệ sĩ nhân dân Lê Huy Quang là một người thành đạt. Đó là một điều chắc chắn. Nhưng, với cảm nhận của tôi, tôi chưa bao giờ nhận thấy cái hài lòng viên mãn nơi con người nhà thơ Lê Huy Quang. Cả những lần gặp gần đây nhất, tôi vẫn thấy anh mải miết đăm đắm hướng đến một chân trời nào đó, có lẽ đó là chân trời của thi ca chăng?
Tôi gặp gỡ nhà thơ Lê Huy Quang vào những năm đầu của thập kỷ 80 thế kỷ trước. Vào thời gian đó, nhà thơ Lê Huy Quang thường viết những bài thơ của mình lên giấy cuốn thư, một hình thức văn bản gần giống với các văn nbản của các xã hội xưa, tức là viết xong cuộn lại, khi cần mở từ từ ra ử ê đọc, và đọc xong lại cuộn lại như cũ. Thơ được nhà thơ Lê Huy Quang trân trọng đến cẩn mật như vậy đấy. Tôi cứ nghĩ, nếu nhà thơ Lê Huy Quang còn giữ được những bài thơ viết trên giấy cuốn thư ngày ấy, thì thật quý. Đã gần ba mươi năm, lần nào gặp, tôi vẫn thấy anh trẻ trung, thân mật, gần gũi và đằm thắm như xưa. Trong cảm nhận của tôi về nhà thơ Lê Huy Quang, thì bạn bè văn chương tựa như bầu không khí, nếu thiếu nó, nhà thơ Lê Huy Quang không thể sống nổi. Bởi cái nhất quán ấn định cuộc đời nhà thơ Lê Huy Quang, là thế giới bạn bè và hoài bão văn chương. Chỉ có thế giới bạn bè và hoài bão văn chương là lực đẩy duy nhất tạo hứng khởi sống – một sự sống chìm ngập trong niềm đam mê  thi ca. Trong niềm đam mê này nhà thơ Lê Huy Quang đã tìm ra được chân trời của riêng mình.
Anh tự biết mình
Quang.
Cỡ thế giới – Cỡ một con ngưòi
Thế đủ rồi
Cỡ Quang.
(Hoàng Hưng)
Hà Đông, 11/11/2009
Dương Kiều Minh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...