Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024

Đọc truyện ngắn "Cuộc đời không bán được" của Trúc Phương

Đọc truyện ngắn "Cuộc đời
không bán được" của Trúc Phương

Truyện ngắn “Cuộc đời không bán được” của nhà văn Trúc Phương đến từ Vĩnh Long đưa người đọc đến một thế giới mà nếu không được đọc truyện, chúng ta sẽ không bao giờ biết được sự tồn tại của nó dù có giàu tưởng tượng đến mấy. Thế giới những người bán máu để có tiền mà sống, mà làm những việc thiện tâm.
Với ngọn bút tài tình và sắc sảo, tác giả đã ‘dựng’ lên một cái xóm với những nhân vật vô cùng ‘tương thích’ với công việc bán đi máu huyết của chính mình, bán đi cái tinh túy trời cho mình để kiếm sống, để tồn tại, tức bán đi cái sự sống của mình để tiếp tục sống một cuộc sống kém chất lượng hơn. Một cái xóm, không biết ở đâu trên thế gian này, tuy chỉ với vài con người, với vài hoạt cảnh, có một chút ‘tôn ti trật tự’ mang một chút xã hội đen và một chút giang hồ. Cái xóm không một chút bình thường và gần như tách biệt với xã hội nói chung.
Và trong cái xóm rất đặc biệt này, Tám Ô, nhân vật trung tâm của truyện có cái tên khá lạ lẫm là nhờ ở ông có máu nhóm Ô ghi trên tấm thẻ bài do bệnh viện tỉnh cấp và cũng do ‘thành tích’ và ‘tiểu sử’ 33 năm bán máu.
Ngọn bút của nhà văn Trúc Phương như khắc họa chân dung của nhân vật Tám Ô với những đường nét và vệt mảng sắc sảo, truyền thần: “Thoạt nhìn, ông như người cõi âm đang can trường nhận chịu sự đọa đày của âm binh dưới hỏa ngục vì món nợ tiền kiếp. Nơi gương mặt khô choắt hằn sâu những vết cắt của thời gian và sự nhọc nhằn, cả sự tàn nhẫn của số phận, ông hiển hiện như người đi lạc từ thế giới nào đến đây”.
Tuy nhiên, đối lập với cái ngoại hình không dễ gây mỹ cảm cho độc giả ấy, là một tấm lòng hết sức nhân hậu của một người đàn ông khiến ta nghĩ khó có người thứ hai đối với đứa cháu khốn khổ của mình. Và trong cái xóm bán máu ấy, Tám Ô như hiện thân của một nhân vật mang tính người nhất, đạo đức nhất. Cuộc sống lây lất với máu trong người như ‘máu cá’, hinh như Tám Ô sống là để duy trì cuộc sống của đứa cháu cố bị bệnh bại não nghiệm trọng, kết quả và cũng là ‘tiểu sử’ của một cuộc đời nhơ nhớp, khốn kiếp trong một mảng xã hội dưới đáy của một ông già khốn khổ.
Lòng thương cảm của Tám Ô dành cho cuộc sống còn lại của đứa cháu cố phản ánh nghị lực phi thường của một con người vốn đã tàn tạ dành cho một phận người nhỏ bé, phiêu linh.
Truyện ngắn Cuộc đời không bán được tuy thực sự không ngắn, nhưng gói gọn trong nó mặt trái của một xã hội cần có sự quan tâm của người đọc và cả những người-nên-đọc và người-phải-đọc. Và có lẽ, đó là điều tác giả muốn nhắm đến một cách dũng cảm.
Cuối cùng thì lòng thương của ông lão Tám Ô cũng không cứu được thân mạng của đứa cháu cố khi “Tre tàn, măng cũng đã tàn.” Thế nhưng, cuối cùng, hay nói đúng hơn, lần bán máu cuối cùng là để ông lão trả những khoản tiền mà ông đã vay mượn của người đời để lo việc hậu sự của đứa cháu cố.
Và lạ lùng thay, ngày cuối cùng của cuộc đời ông, khi ông lìa trần, “Nắng như xé ra từng sợi để thành mưa trên sân bệnh viện. Mưa nắng. Ông già Tám cố mở mắt ra để nhìn cơn mưa ngộ nghĩnh của ngày đầu năm, nhưng thật là tệ hại, mắt ông cứ tối sầm… “, linh hồn ông Tám Ô như được lên thiên đường, lên một thế giới ngập tràn ánh sáng như lòng thương cảm của tác giả và của nhân gian rộng mở…
28/8/2023
Trần Danh Thùy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Con Chó Chết Du học sinh từ Việt Nam sang Pháp thực cũng chẳng khác gì hoàn cảnh sinh viên từ các tỉnh miền quê lên thành phố lớn trọ ...