Thứ Ba, 16 tháng 7, 2024

Đốm lửa trong rừng

Đốm lửa trong rừng

Người miền núi nhiều nơi trên thế giới đều có chung một cách “nuôi lửa” đơn giản và hiệu quả nhất, đó là trong bếp hoặc trong lò lúc nào cũng ủ sẵn than hồng ngún trong tro, cho lửa trong than, cho lửa trong củi, cho lửa trong lửa và lửa cứ thế tự “nuôi” mình, nói như lối nói hiện đại bây giờ là “tự” sống 24/24 giờ.
Mặc dù bây giờ đã có nhiều phương tiện “đựng” lửa, chứa lửa như diêm, như bật lửa với những viên đá, gọi là “đá lửa”. Sau này có quẹt gas. Gas là một thứ nước chứa lửa bên trong cũng như quẹt đá có bông thấm nước xăng nuôi “ngọn lửa” im lặng trong mình. Thứ lửa nhạy bén và bùng phát dữ dội nhất có lẽ là điện. Lửa trong điện hay điện trong lửa?
Từ thuở khai thiên lập địa, trước khi có con người thì điện và nước, nước và lửa đã có rồi. Có điện mới có lửa hay có lửa mới có điện? Lửa gặp nước sinh ra điện hay điện gặp nước sinh ra lửa? Khoa học ngày nay quay lại nghiên cứu hai lực lượng thiên nhiên là nước và lửa để sử dụng theo đúng tính chất của từng thứ trong tự nhiên. Nhất nước nhì lửa, ấy là các cụ nhà ta kết luận. Nhưng đấy chỉ là kết luận thuở ban đầu chứ càng về sau này, nước và lửa biến thiên khôn lường, khi nhất lửa nhì nước, khi nhất nước nhì lửa… Nhưng từ khi có con người thì thiên nhiên mới có cái sự “nuôi lửa”, mặc dù trước đó lửa tự “nuôi” mình theo cái cách hoang sơ của đất trời. Người ta nghĩ ra cách “nuôi lửa” để lửa phục vụ sự phát triển của mình. Theo lối người xưa sống dựa vào thiên nhiên và khiến cho thiên nhiên phải phục vụ cho cuộc sống thường ngày của con người càng giàu sinh khí, giàu bản sắc và giàu tình người hơn.
Đêm hội Tây Nguyên. Ảnh: HÒA CAROL
Cách “nuôi lửa” của người miền núi Tây Nguyên không ngoài cách nuôi lửa truyền thống của loài người kể trên. Tuy nhiên, ở đây có cái cách hơi khác, ấy là nuôi lửa bằng cả than cả củi và bằng cả tâm linh. Mỗi cộng đồng làng (buôn), có khi mỗi cộng đồng khu vực cư trú (hàng chục làng buôn) có một Pơtao Apui (cách gọi của bà con dân tộc Jrai). Có nhiều nhà dân tộc học dịch là Vua Lửa. Pơtao có thể dịch là  “Ma”, là “Thần”. Dịch là Vua Lửa có lẽ là một cách dịch tôn vinh cuộc sống Thần quyền thuở khai thiên lập địa. Thực chất, các Pơtao Apui hay Pơtao Ia (Vua Nước) đều xuất thân từ những con người hết sức bình thường. Họ cũng có vợ có con, có gia đình, cũng làm nương phát rẫy, cũng đi săn đi bắn, cũng “nuôi lửa” trong bếp nhà mình. Nhưng họ được Yàng ban cho một uy quyền siêu nhiên, ấy là “nuôi lửa” trong người… Ông ta không hoàn toàn là một phù thủy, cũng không hoàn toàn là một thầy mo, thầy cúng. Ông ta là một thủ lĩnh tinh thần nắm giữ “quyền lực” của mình dựa vào sức mạnh đã có từ thời xa xưa. Có sự kiện gì không giải thích được, người ta đều tìm đến hỏi ý kiến Pơtao hơn là các vị chức sắc.
Sức mạnh Thần quyền là sức mạnh siêu nhiên, không nhìn thấy, không nắm bắt được, nhưng nó hiện diện thường trực trong mỗi con người, mà chỉ có những con người sống cụ thể trong cộng đồng ấy mới tự mình hiểu, tự mình biết và tất cả cùng tự nguyện thực hành theo nguyện ước chung của cộng đồng, mong mưa thuận gió hòa, làm nương phát rẫy bình an…
Đó là ước nguyện thiêng liêng được xuất phát từ một đốm lửa, đốm lửa trong rừng sâu thời nguyên thủy.
28/1/2020
Trung Trung Đỉnh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...