Thứ Ba, 16 tháng 7, 2024

Má không làm mứt nữa

Má không làm mứt nữa

Cái năm má tôi tuyên bố Tết này không làm rim mứt nữa, tôi thiệt mừng hết lớn. Vừa nhảy lên vỗ tay, vừa nhìn mặt má – chỉ lo má thay đổi “phát ngôn” vừa rồi.
Mừng ghê! Chỉ có điều, Tết đó tôi cứ thấy thiêu thiếu, dù má vẫn cố gắng làm mấy thứ mứt đơn giản, quen thuộc là mứt gừng, mứt dừa. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận tay mẹ mình cũng có lúc mỏi.
Những năm trước đó, cứ bắt đầu tháng Chạp là nhà tôi quay cuồng. Vì má tôi đơn chiếc, nên anh em tôi phải phụ má làm việc nhà. Mà việc mệt nhất là dọn dẹp nhà cửa và làm rim mứt đón Tết. Ban ngày má tôi thường phải quần quật với mấy đám ruộng hay gieo trồng, cuốc xới cây nọ cây kia ngoài vườn, lo heo gà. Ban đêm má mới tập trung cho việc làm bánh, mứt và anh em tôi, đứa nào cũng phải tham gia.
Mùng một Tết, khi nhà cửa sạch sẽ, áo quần mới xênh xang, mùi nhang khói trên bàn thờ thơm lừng, bánh mứt ngọt ngào bày biện đầy đĩa, lòng ai cũng cảm thấy rất vui sướng, tươi mới; nhưng trước đó thì mệt kinh khủng. Anh tôi là con trai nên hay kiếm cớ nọ, chuyện kia để tránh làm việc nhà. Còn tôi, vì là con gái, má bắt tôi phải làm bánh mứt ngay từ nhỏ. Tôi nhớ mỗi buổi tối, má bắt tôi ngồi xăm gừng, xăm bí.
Củ gừng sau khi ngâm nước, rửa sạch, gọt vỏ, má sẽ tỉa dáng, làm sao để củ gừng vừa có cành nhánh tự nhiên, vừa gọn, đẹp. (Ngày trước nhà ai cũng trồng gừng, má tôi cũng luôn có một đám gừng sẵn sàng cho dịp Tết). Má tôi luôn nhắc gừng có tác dụng giữ ấm bụng, giúp tiêu hóa mấy cái đồ ăn ngày Tết, tóm lại gừng củ là món bắt buộc phải có trong dịp Tết.
Tôi vừa làm vừa cằn nhằn là má chỉ cần làm món gừng xắt mỏng đơn giản thôi, làm chi gừng củ mất công vậy. Má tôi giải thích sự công phu cũng là cách bày tỏ lòng thành với ông bà, cha mẹ. Bây giờ ít ai còn làm món rim gừng nguyên củ, các bạn trẻ cũng ít thấy dụng cụ để xăm gừng, xăm bí.
Nó như cái bàn chải nhỏ, mặt hình vuông có các dãy đinh nhọn, cán dài để cầm. Khi xăm gừng, một tay phải giữ củ gừng, một tay cầm cây xăm, xăm các mũi đinh vào củ gừng hay miếng bí. Khi nào miếng gừng, miếng bí được xăm đều hai mặt, mềm nhũn nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng thì mới đến các công đoạn tiếp là luộc và sên đường. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng người nào xăm gừng cũng đã từng bị kim xăm đâm trúng tay. Những người lớn, nhất là má tôi làm rất nhanh và khéo. Miếng gừng má tôi xăm bao giờ cũng mềm đều mà các nhánh gừng không bị tét gãy.
Tôi ngồi xăm, nước gừng văng vào cay mắt, chẳng những tay mà đầu, cổ cũng mỏi nhừ. Củ gừng lại cứng mà xăm mạnh thì gừng dễ bị gãy nhánh, hoặc sợ kim đâm trúng tay. Tôi vốn ít kiên nhẫn và ghét nhất việc xăm gừng nên cứ vừa làm vừa liếc sang tay má, cứ mong má dừng tay hoặc phát lệnh cho nghỉ. Xăm miếng bí dễ hơn vì miếng bí mềm, không cành nhánh. Còn xăm gừng vừa khó, vừa khổ.
Có một lần, khi đang xăm củ gừng, vì nó hơi cứng nên tôi rút cây xăm đâm xuống hơi mạnh tay, chẳng may mũi kim đâm trúng vào ngón tay trỏ. Vết đâm khá sâu nên máu chảy. Má tôi hoảng hốt, băng bó tay cho tôi và đặc cách cho tôi nghỉ việc ngay lập tức. Tôi sung sướng tưng bừng trong bụng dù tay có hơi đau tí.
Tôi thắc mắc sao má làm giỏi vậy, làm nhanh mà không bị kim chích. Má nói tại má làm quen, với lại tay má chai rồi. Tối đó, ngủ một giấc say, khi giật mình mở mắt, tôi thấy má vẫn ngồi xăm gừng một mình. Trong ánh đèn mờ ảo, bóng má và tiếng củ gừng va đập, nhịp nhàng đều đều trên chiếc đĩa nghe mênh mông và cô đơn lạ lùng.
***
Có những thứ bánh mứt chỉ độc quyền má tôi làm, không ai được tham gia, ví dụ như món đu đủ rẻ quạt, món bánh thuẫn. Má tôi cắt miếng đu đủ ra thành từng thanh mỏng nhỏ, sên đường, nhuộm màu rồi làm thành những cái quạt rất xinh xắn. Công đoạn cắt đu đủ và công đoạn sên đường đều rất khó, nếu không cẩn thận, cái quạt đu đủ sẽ bị hư, gãy nên chỉ có má tôi làm. Khi gần khô đường, và còn đang rất nóng, má tôi đã phải cầm lên, xòe đều các nan đu đủ để thành cái quạt thật giống và đẹp.
Một cái quạt đu đủ đẹp là các cánh nan phải đều, mỏng, xòe rộng, lớp đường bọc ngoài mỏng, khô nhẹ, dáng quạt thanh mảnh, không thô, nặng, méo mó. Các chị gái đến nhà tôi chơi rất thích được má tặng cái quạt đu đủ đó, vì nó đẹp nên không ai nỡ ăn, chỉ muốn được ngắm và cầm về. Đổ bánh thuẫn thì má sợ hao tốn bột đường, sợ tôi không biết canh lửa nên không cho tôi làm. Sung sướng nhất là được ăn mấy cái bánh bị cháy hoặc không nở, được chạy chơi tung tăng không phải làm gì, được hít lấy hít để đến no mũi mùi bánh thơm lừng trong nhà.
Ngày xưa, bánh bích qui (biscuit) là món bánh Tây, chỉ nhà giàu sang mới có, nhưng vì tôi thích nên má vẫn làm. Má tôi pha bột, đánh trứng bằng tay, cán bột và làm bánh cũng bằng tay. Tôi còn nhớ má cán cục bột ra cái mâm bằng đồng, dùng hàng răng lược chải đầu, cắt làm đường viền từng chiếc bánh. Bánh bích qui má tôi làm thường không đều nhau, cái to, cái nhỏ, cái dày, cái mỏng, lại nướng bằng than trong cái xoong to đựng cát, nhưng cho tới giờ tôi chưa từng được ăn cái bánh bích qui nào ngon như vậy.
Giống như những cái cây phải chịu qua những ngày đông lạnh lẽo, xơ xác để mùa xuân ra lá xanh, lộc biếc, má tôi năm nào cũng phải quay cuồng, vất vả để cả nhà đón Tết đầy đủ. Tôi cảm giác, bàn tay má tôi như có phép màu, cứ làm liên tục, liên tục mà không mỏi. Thỉnh thoảng lên cơn làm biếng, tôi giả bộ bẻ mấy ngón tay kêu rốp rốp than nhức mỏi này nọ nhưng má tôi chỉ cười làm thinh. Má tôi phải làm từ những việc như trồng hoa vạn thọ quanh mép sân nhà, trồng cây nêu đầu ngõ, cuốc đất trồng hành, trồng rau, đóng lại cái cửa chuồng heo đến lau nhà cửa, quét mạng nhện và làm rim, làm bánh.
Má tôi mồ côi mẹ từ năm 11 tuổi nên mỗi khi làm bánh mứt, má luôn nhắc món này má học từ ngoại Bảy, món này bà ngoại Dư chỉ cho, làm thứ này má bắt chước bà Hai gần nhà… Má cũng nói học chữ mới khó, chứ ba cái trò bánh mứt, nấu nướng cứ chịu khó học, siêng năng là làm được hết. Má tôi chưa bao giờ mua cây cảnh đắt tiền về chưng Tết, chỉ trồng hoa vạn thọ, hoa mồng gà và trồng rau thật nhiều quanh sân.
Khi anh tôi lớn, anh trồng thêm hoa thược dược, hoa cúc vào dịp Tết. Nhưng có mấy thứ má tôi xem như điều kiện tiên quyết bắt buộc phải có khi chuẩn bị Tết là may đồ mới cho các con, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và làm bánh mứt, mua thịt heo. Má tôi có một niềm tin linh thiêng và thành kính vào Tết. Bà luôn cho rằng Tết là lúc ông bà (dù đã khuất) về sum họp ăn Tết với con cháu, nếu phải chứng kiến nhà cửa không sạch sẽ, đàng hoàng, con cái thiếu thốn, ông bà sẽ buồn. Chỉ có điều vì dốc sức lo Tết, nên sau ngày mùng Một cúng kính xong, má tôi gần như “sụp nguồn” không làm gì được thêm.
***
 Thời gian cứ trôi và rồi má tôi cũng mỏi tay dần. Một phần vì lớn tuổi, một phần vì những giá trị của Tết liên tục thay đổi. Ai cũng chuộng những món ăn mới, nên miếng gừng củ ngoài việc bày lên cúng, ít ai quan tâm, trân trọng. Chỉ có mấy người già ngồi uống nước trà, ôn chuyện Tết xưa và khen chê miếng gừng này khéo hay cay quá, ngọt quá. Rồi pháo Tết cũng hết và chuyện đón Tết trở nên bình thường dần trong chu kỳ một năm luôn bận rộn, hối hả.
Và đến một ngày má tôi không làm gì được vào dịp Tết, cũng không hề nhớ Tết! Má tôi “trả nhớ về không” như nhà thơ Đỗ Trung Quân viết về mẹ mình. Má tôi nằm trên giường và không còn ngồi dậy được. Ngày Tết, mấy đứa cháu quây quần trêu chọc bà nội sao không mặc áo dài đón Tết, bà ngoại biết con là ai không, bà ngoại ăn mứt gừng không…
Má tôi cười ngây thơ như một đứa trẻ, ký ức gần như bị xóa sạch kể cả những ngày tháng chuẩn bị Tết bận rộn, quên những món ăn má từng làm, quên cả con gái, con trai, người quen, người lạ. Chỉ có bàn tay má tôi là không thay đổi, những ngón tay xương xẩu, chai sần đã làm nên bao nhiêu cái Tết cho anh em tôi!
Cho đến ngày má tôi nhẹ nhàng đi vào cõi hư vô, không thèm cả từ biệt con cái, tôi mới thấm thía nỗi buồn thiếu mẹ. Năm nào rồi Tết cũng đến, dù bận rộn hay hững hờ, thì Tết cũng là dịp bắt người ta phải mong ước nhiều thứ, lo nhiều thứ, nhớ nhiều thứ. Tôi nhớ má tôi vô cùng, nhất là khi con gái tôi than thở, mẹ ơi, mẹ ngừng tay đi, nhà đâu có gì và tụi con đâu cần ăn nhiều mà mẹ cứ phải dọn dẹp, làm hoài vậy, bộ hết Tết là hết làm hả?.
28/1/2020
Nguyễn Thị Thu Trang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...