Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Tản văn Chử Lê Hoàng Điệp: Huế yêu ơi

Tản văn Chử Lê
Hoàng Điệp: Huế yêu ơi!

Tôi biết về Huế khoảng 30 năm trước, qua tấm ảnh của mẹ tôi chụp cạnh tháp Phước Duyên tại chùa Thiên Mụ sau khi đi tham quan về.
Đó là ngọn tháp cao 7 tầng thờ tượng Phật và phía trước là một dòng sông. Và biết thêm về Huế hơn qua tình khúc “Huế tình yêu của tôi”, nhạc Trương Tuyết Mai, thơ Đỗ Thị Thanh Bình. Mỗi lần giọng ca khàn khàn của Bảo Yến cất lên là tôi lại mơ mơ màng màng nghĩ đến chiếc nón bài thơ. Nét dịu dàng của những nàng thiếu nữ, giọng nói ấm trầm.
Và tôi chính thức thăm Huế lần đầu vào một mùa hè, khi đang là sinh viên năm thứ ba đại học. Khoa lịch sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức cho sinh viên đi giao lưu học hỏi và tham quan ở Huế khoảng một tuần. Chúng tôi phải tự túc toàn bộ mọi chi phí của chuyến đi từ việc thuê xe ô tô, nơi ăn ngủ, vé tham quan, chụp ảnh…
Xe ô tô từ Hà Nội vào đến nơi, ai nấy đều mệt lử. Những ngày cuối tháng Năm ấy, Huế nóng như chảo lửa. Những hàng cây trong phố héo lá, tiếng ve kêu rát trên nững vòm phượng đỏ. Chúng tôi được ở nhờ trong nhiều khu nhà khác nhau; đến giờ thì tập hợp lại và lên xe đến các điểm tham quan theo lịch trình.
Chuyến này chúng tôi đi cùng thầy trưởng khoa và nhiều thầy cô khác. Đã gặp gỡ giao lưu với sinh viên Khoa lịch sử trường Đại học Sư phạm Huế một buổi thân tình và ấm áp. Sau đó chúng tôi đã tham quan một số lăng tẩm, thành nội, chùa Thiên Mụ, chợ Đông Ba…
Buổi chiều cuối cùng ở Huế, tôi và vài bạn xin phép cô giáo chủ nhiệm, rủ nhau đi xích lô lên cầu Tràng Tiền. Hôm ấy trời hơi lất phất mưa. Dòng sông Hương mải miết trôi, dáng vẻ hiền hoà và e lệ. Tôi đứng trên cầu nhìn xa xa, mặt nước phẳng lặng mênh mang, tự dưng lòng trùng xuống khi nhớ mấy câu ca dao:
“Cầu Trường Tiền sáu vài, mười hai nhịp
Em qua không kịp tội lắm anh ơi…”
Có phải thế chăng, mà dẫu bao nhiêu vài hay bấy nhiêu nhịp thì “Có xa nhau chăng nữa, cũng tại ông trời mà xa”. Cuối cùng vẫn là xa ư?
Những người mẹ Huế vẫn ru con như thế. Lời ru như vừa thanh minh, lại vừa ngậm ngùi, tiếc nuối một mối tình dang dở từ bao đời. Tôi đã gặp người mẹ trẻ bón cho con ăn trên đường một chiều, lúc đi tìm mấy quán chè trong con hẻm nhỏ. Bé trai dễ chừng hai tuổi, quặp chặt hai chân xíu xiu vào hông mẹ, ánh mắt sợ sệt. Người mẹ mặc bộ đồ tím hoa cà, một tay giữ con một tay bê bát cơm đầy trong có mấy con tôm lẫn với ớt khô đỏ màu. Cô vừa nựng nịu thàng bé vừa đút cơm cho con, họ đi rong dọc phố. Hình như người nơi đây đều được luyện ăn cay từ nhỏ, luôn nhẫn nại chịu đựng khắc nghiệt của thiên nhiên mà vươn lên xây dựng một thành phố rất đỗi tự hào từ cố đô với những nét riêng đậm Huế? Không có bóng chiếc thuyền nào chiều mưa ấy để xuống thuyền mà thả hồn say cùng sông. Ấn tượng về Huế qua lăng tẩm, thành trì, những món chè, bánh lọc, cơm hến… thật khiến ai đã một lần đến Huế chẳng thể nào quên được.
Tôi mang theo những trải nghiệm cùng dư vị lắng đọng lần đầu thăm Huế cất sâu vào lòng mình thành kỉ niệm đẹp và man mác khôn nguôi. Để thương để nhớ và mong lần trở lại, Huế yêu ơi!.
30/6/2020
Chử Lê Hoàng Điệp
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung Thường thì những bài đồng dao khó hiểu, câu chữ nhiều đoạn như đánh đố, bí hiểm. Ấy nhưng ...