Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2024

Thiền định với Sài Gòn

Thiền định với Sài Gòn

Phan Thị Mỹ Huệ quê quán Phù Cát - Bình Định, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Cô tốt nghiệp Khoa Ngữ văn ĐHSP Quy Nhơn và Khoa Tâm lý ĐHSP TP.HCM, từng là giáo viên Trường THPT Vĩnh Thuận – Kiên Giang, THCS – THPT Nguyễn Khuyến TP.HCM; hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục Thiên An ở TP.HCM.
Trong buổi Tọa đàm “Sài Gòn trong tạp văn” vừa rồi, Phan Thị Mỹ Huệ có đến tham dự nhưng tiếc là thời lượng chương trình có hạn nên cô không có dịp góp vui các tiết mục văn nghệ bằng ngón đàn guitar và đàn tranh khá hay. Hi vọng, những lần sinh hoạt sau của nhóm VHSG sẽ có sự góp mặt của gương mặt khả ái, đa năng này.
Gửi đến VHSG một tản văn khá nhẹ nhàng, Phan Thị Mỹ Huệ tâm sự “Viết văn để thực hiện ước mơ của má!” Được biết hiện cô đang có một tiểu thuyết chuẩn bị xuất bản. Xin được chúc mừng Mỹ Huệ và cũng chúc mừng làng văn thêm một cây bút mới.
VHSG
THIỀN ĐỊNH VỚI SÀI GÒN
Kỳ nghỉ tết kéo dài vì dịch bệnh.
Mọi hoạt động dường như đảo lộn.
Học sinh không thể đến trường.
Phụ huynh hoang mang.
Sài Gòn chợt vắng đến vô thường…
Cơn mưa bất chợt đến, bóng hoàng hôn chìm khuất trong màn mưa u uẩn những nỗi niềm không thể thoát ra trong lòng một thành phố vốn nhộn nhịp bỗng dưng vắng vẻ, buồn tênh. Bình thường, Sài Gòn khoảng tầm giờ này xe cộ nối đuôi nhau với tiếng còi xe hối hả trên những nẻo đường mưu sinh, giờ yên ắng, lặng chìm đầy ưu tư. Thành phố hiu hắt trong biết bao nỗi nhớ không tên.
Dịch bệnh…
Những bước chân của Sài Gòn đã trôi về một chốn nào đó bình yên hơn. Còn lại nơi đây chông chênh những phận người quen thuộc, với những âm thanh quen thuộc, trên những con đường quen thuộc.
Tiếng sáo của một người bán hàng rong ở góc đường Phạm Văn Đồng vẫn da diết mỗi chiều. Tiếng sáo đưa tha nhân về một chốn xa nào, nơi ấy có ánh mắt nào đang khắc khoải đợi mong. Ông lão nghèo với những món hàng sơ sài, lọt thỏm nhỏ bé giữa đại lộ vắng. Cô đơn và tội nghiệp lắm! Chỉ có tiếng sáo vọng trong chiều vẫn thênh thang. Cô bé sinh viên dừng xe lắng nghe mải miết và nở một nụ cười hiền hòa: “Ông cho con cây bút!” Rồi cúi đầu cảm ơn.
Tiếng hát của đôi vợ chồng mù nơi góc ngã tư Âu Cơ và Lũy Bán Bích tan loãng trong đêm muộn. Những bản nhạc về tình yêu đưa con người trôi vào những cõi riêng giữa những niềm chung không thể tỏ bày. Thi thoảng một vài chiếc xe máy dừng lại chờ đèn đỏ, những ánh mắt ái ngại lặng nhìn đầy thương cảm. Những đồng tiền nhỏ bé được trao tay. Tiếng hát vẫn da diết như níu lấy bước chân trong một khoảng đêm vắng. Có tiếng ai đó thầm thì: “Anh chị ngày mai đến…để nhận gạo nhé!”. Một nụ cười nhẹ nhàng nhưng đầy tri ân!
Tiếng rao đêm…
Vài người bán hàng cất tiếng rao, những tiếng rao muộn màng chìm trong hoang mang. Đứa con gái nhỏ thì thầm bên tai mẹ: “Mẹ! Con muốn ăn hạt dẻ!”. Cánh cửa mở ra, bọc hạt dẻ từ người đàn ông có gương mặt khắc khổ được trao tay. Cả một khung trời cổ tích gói ghém trong nụ cười ấm áp. Người mẹ đặt vào tay cậu bé có ánh mắt trong veo những đồng tiền. Chiếc xe đi rồi, vẫn vọng lại trong đêm tiếng cười: “Ngày mai, con ăn bánh mì thịt nhen ba!”
Sài Gòn những ngày vắng đã cho con người bao khoảnh khắc để lặng nhìn vào cõi tâm, để lắng nghe bao âm thanh ngoài kia, để thấy một Sài Gòn thật khác.
Nhẹ nhàng.
Thênh thang.
Cơn mưa đã tạnh rồi! Ngày mai nắng ấm sẽ lên!.
Sài Gòn, 20/2/2020
Phan Thị Mỹ Huệ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sóng từ trường 3b00000

Sóng từ trường 3b Con nữ của Đỗ Quỳnh Dao Con nữ , giao điểm giữa nhà văn và thầy thuốc, giữa văn chương và y học. Với tác phẩm đầu tay, Đỗ ...