Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024

Tính phúng dụ trong "Chuyện làng trên mạng" của Phạm Ngọc Hiền

Tính phúng dụ trong "Chuyện làng
trên mạng" của Phạm Ngọc Hiền

Với Chuyện làng trên mạng, cảm tưởng như tác giả viết mới một phong thái rất ung dung, đủng đỉnh, đậm chất dí dỏm nhưng nếu ta nghiền ngẫm mỗi câu chuyện thì lại bắt gặp những câu chuyện rất đáng trăn trở vẫn đang diễn ra hàng ngày trên báo đài, từ chuyện biên chế hay bỏ biên chế, cứu trợ theo phong trào, xin tiền bão lụt, chuyện covid xóm phây…
Có thể nói, truyện ngắn mini (hay truyện cực ngắn, truyện rất ngắn, truyện siêu ngắn…) đã và đang thu hút được một lực lượng sáng tác lớn và hấp dẫn người đọc bởi cách thể hiện và phản ánh cuộc sống độc đáo, mới mẻ. Sự xuất hiện của thể loại này cũng phù hợp với sự vận động về tư tưởng, tâm lí và nhịp sống của con người hiện đại. Chuyện làng trên mạng là tập truyện mini vừa mới ra mắt bạn đọc của nhà giáo, nhà phê bình, nhà văn Phạm Ngọc Hiền. Nhìn nhận một cách khách quan, tập truyện mang đậm tính phúng dụ, gợi được những liên tưởng đa thanh và vô số những khoảng trống có ý nghĩa.
1. Ngay từ cách đặt nhan đề, tác giả đã khơi gợi được những liên tưởng thú vị. “Làng” là một hình thức tổ chức xã hội của nông thôn Việt Nam. Đó là nơi tập trung về phong tục, nếp sống và sinh hoạt của một nhóm người và tính đặc trưng của làng cũng tạo nên sự gần gũi, thân thiết giữa con người với nhau, đúng như câu tục ngữ quen thuộc của người Việt: “tối lửa tắt đèn”, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Tuy nhiên, “chuyện làng” của Phạm Ngọc hiền lại mang đậm tính hiện đại bởi không gian xuất hiện đặc biệt là “trên mạng” với nhiều câu chuyện vui buồn, những vấn đề xã hội đáng suy ngẫm.
2. “Bởi truyện ngắn là chưng cất, truyện rất ngắn lại càng chưng cất tinh túy hơn” (Theo Nguyên Ngọc). Với dung lượng khoảng 200 trang, hơn 100 truyện mini của tác giả thể hiện cái nhìn đa chiều đa sắc về bức tranh rộng lớn của con người và cuộc sống hiện đại. Thủ pháp giễu nhại được tác giả vận dụng khéo léo để “nhại” lại những tác phẩm kinh điển như: “Ai cho tao làm phó lý?”, “Chí Phèo quảng cáo văn Nam Cao” (nhại lại truyện ngắn Chí Phèo), Anh Ngốc đi tìm vợ (nhại lại truyện cổ tích Chàng Ngốc) để phúng dụ chuyện chạy chức, chạy quyền hay vấn đề nam nữ bình quyền. Bên cạnh đó, tác giả còn “nhại” về những nhân vật lịch sử nổi tiếng qua các truyện: “An Lộc Sơn và Dương Quý Phi”, “Cách sống của Lão Tử”, “Cho phép hoài Lê”, “Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ”…
Mượn những câu chuyện lịch sử là một cách tác giả phúng dụ về cuộc đời. Chẳng hạn, qua truyện “Cách sống của Lão Tử” kể về việc Lão Tử thời Xuân Thu chiến quốc cưỡi trâu đi chu du khắp nơi, vốn là một nhà Nho chân chính, tuy nhiên khi được một gia đình nhờ dạy đạo đức cho những đứa con của họ thì Lão Tử từ chối với lý do: “Như tôi đây ngày nào cũng lo tự rèn luyện đạo đức mà vẫn chưa hoàn thiện mình thì còn sức đâu để dạy đạo đức cho người khác được” hay “Miếng đất bình yên nhất là miếng đất không có ai tranh giành”. Có thể thấy, việc tu dưỡng đạo đức cốt yếu là ở bản thân mỗi người chứ không ai có thể “dạy” cho mình được. Trong truyện “Cho phép hoài Lê”, chi tiết vua Minh Mạng cho phép lưu hành các tác phẩm có tư tưởng hoài Lê của Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du cũng là một cách nhìn nhận lại lịch sử của con người thời hiện đại. Trong tác phẩm, yếu tố phúng dụ còn được thể hiện đặc sắc qua việc “nhại” những câu tục ngữ, lời ăn tiếng nói sinh hoạt hàng ngày như: “Ăn no chóng lớn để ra trận”, “Âu cũng là kiếp người”, “Bao giờ tới Tết Congo”, “Con trâu ăn sợ con trâu buộc”…
Những câu chuyện trên thể hiện thái độ của tác giả đối với những câu chuyện tưởng chừng như vặt vãnh trong cuộc sống đời thường. Trong câu chuyện “Ăn no chóng lớn để ra trận”, mượn câu chuyện về một vị tướng thường sử dụng chiến thuật “biển người” trong Thế chiến II, tác giả đã gửi đến thông điệp về nỗi đau của những người mẹ mất con trong chiến tranh, chưa kể là những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Truyện “Âu cũng là kiếp người” mang đến cho chúng ta sự suy tư về những kiếp người trong biển nhân sinh xô bồ, vội vã. Giữa người bán hàng rong và anh nhà báo, dưới góc nhìn của mỗi đối tượng, đối phương đều sống khổ sở. Qua đó, chúng ta có thể rút ra bài học, không nên vội vã phán xét cuộc sống của người khác và khi nhìn nhận mỗi sự vật, con người cần đặt bản thân vào góc nhìn của đối phương. Truyện “Trâu buộc ghét trâu ăn” lại ẩn ý về thói xấu của một kiểu người sẵn sàng gièm pha, hãm hại người khác vì lợi ích cá nhân mà môi trường, cơ quan nào cũng có: “Còn con trâu bị buộc kia thì lúc nào cũng gièm pha hãm hại tôi. Nhưng tôi không húc nó được vì cùng loài, cùng xóm”.
3. Một trong những phương thức quan trọng trong nghệ thuật thể hiện truyện rất ngắn là việc xây dựng nhân vật. Trong Chuyện làng trên mạng, có thể thấy phần lớn nhân vật là loài vật. Đặc biệt, nhân vật là loài vật nhưng lại phảng phất bóng dáng của con người thời đại thông tin rất rõ nét, tiêu biểu là các truyện “Ba con cá”, “Con khỉ hiện đại”, “Con kiến vĩ cuồng”, “Cọp thọt chân ăn gì?”, “Cọp không giết đồng loại”, “Con vẹt ba hoa”… Truyện “Ba con cá” là câu chuyện kể về ba con cá cảnh được nuôi trong chậu kính khao khát được tự do nhằm phúng dụ về việc con người muốn được sống như ý mình thì “sự tự do nào cũng có cái giá phải trả”.
Truyện “Con khỉ hiện đại” là một phúng dụ đầy châm biếm về sự vô ý thức của con người khi tham gia giao thông. Con người vốn hay mắc chứng vĩ cuồng cho rằng mình là nhất trên đời nên luôn cần phải có những kẻ mạnh hơn xuất hiện song hành để con người nhận biết bản thân mình lớn hay nhỏ, bởi kẻ nào không biết mình là ai thì rất nguy hiểm. Điều này được tác giả phúng dụ đầy thú vị ở câu chuyện “Con kiến vĩ cuồng”. Hai câu chuyện “Cọp thọt chân ăn gì?”, “Cọp không giết đồng loại” gợi liên tưởng sâu xa về việc những người cùng máu mủ thì không hãm hại nhau, dù có là họ hàng xa. Truyện “Con vẹt ba hoa” nhằm hàm ý mỉa mai những người không có lập trường vững vàng trong cuộc sống và cũng giống như loài vẹt ba hoa, những kẻ như vậy thì thường bị mọi người khinh thường.
4. Có thể nói, để có một truyện rất ngắn hay, tác giả phải có sự chắt lọc, dồn nén, tính đột phá được đẩy lên tới mức bùng nổ. Với Chuyện làng trên mạng, cảm tưởng như tác giả viết mới một phong thái rất ung dung, đủng đỉnh, đậm chất dí dỏm nhưng nếu ta nghiền ngẫm mỗi câu chuyện thì lại bắt gặp những câu chuyện rất đáng trăn trở vẫn đang diễn ra hàng ngày trên báo đài, từ chuyện biên chế hay bỏ biên chế, cứu trợ theo phong trào, xin tiền bão lụt, chuyện covid xóm phây… Điều đó cho thấy, tác giả có sự quan sát tỉ mỉ từng động thái, sự kiện của sự vật, hiện tượng để rồi “cô đọng” thành từng mẩu chuyện nhỏ nhưng “không nhỏ” về thông điệp, về triết lí đa chiều trong cuộc sống.
5/9/2023
Lê Nguyễn I Pha
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...