Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024

Hoàng Thụy Anh và khi "Sự thật là đóa hoa lộng lẫy"

Hoàng Thụy Anh và khi
"Sự thật là đóa hoa lộng lẫy"

Đọc tập tiểu luận - phê bình Sự thật là đóa hoa lộng lẫy (NXB Hội Nhà văn, 2022) của Hoàng Thụy Anh, thấy một kiến văn sâu rộng, bút lực dồi dào, một giọng văn trẻ trung, phóng khoáng và không kém phần bạo liệt.
Hoàng Thuỵ Anh viết về tác phẩm của những nhà văn nổi tiếng và cả những nhà văn trẻ; viết về tác phẩm ở nhiều thể loại: thơ (9 bài), truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết (6 bài), tản văn (2 bài), phê bình (6 bài) và hội hoạ (1 bài); viết về tác phẩm văn học vùng “trung tâm” lẫn “ngoại biên”, không ngại những “ca khó”. Thành công của Sự thật là đoá hoa lộng lẫy là sự cảm nhận, phân tích, lí giải, đánh giá sâu sắc và đích xác của nhà phê bình về giá trị tư tưởng, phẩm chất nghệ thuật của các tác phẩm được nói đến; từ đó chỉ ra những nét cá tính sáng tạo, những “vân chữ” và đóng góp của các nhà văn đối với đời sống văn học.
Là người đã thành công trong sáng tác thơ, khi viết phê bình Hoàng Thuỵ Anh không chỉ cảm nhận sâu sắc, tinh tế tác phẩm mà còn đi sâu khám phá những nét riêng trong sáng tạo của các nhà thơ. Những bài viết về tác phẩm thơ đã phát hiện những cung bậc cảm xúc của các thi sĩ, những tầng vỉa ý nghĩa sâu xa của hình tượng thơ ẩn mình trong câu chữ, đem đến cho người đọc sự thấu hiểu, đồng cảm với nhà thơ. Về thơ Nguyễn Thánh Ngã, chị xác tín: “Thơ haiku của Nguyễn Thánh Ngã đẫm tiếng nói sinh thái. Tuy vậy, hồn cốt của mỗi tập thơ đều có sức nặng và sự quyến rũ riêng. Trong đó, cái nhìn sinh thái ở gã thi sĩ hoang xem ra nhuần nhuyễn, khéo léo hơn cả” (Gã thi sĩ hoang trọn vẹn với môi sinh). Từ sự cảm nhận tác phẩm, Hoàng Thuỵ Anh đã lí giải khá sâu sắc bản chất tiếng thơ của các tác giả.
Với Ngô Đức Hành: “Sự kết hợp giữa cảm thức lưu đày, cảm thức hoài hương và ý thức bản thể là cái lõi của khái niệm(1)” (Nỗi đau dịu dàng). Với Nguyễn Anh Tuấn: “Dung nạp các kiến thức từ đông tây kim cổ, xen kẽ tiếng Việt với tiếng Anh, tiếng Pháp, và đặc biệt, một thủ pháp đặc trưng, xuyên suốt 96 bài thơ, Nguyễn Anh Tuấn ít nhiều lạ hoá, đưa đến diện mạo mới cho thi tập Phúng dụ từ những đám mây” (Nguyễn Anh Tuấn làm biếc non tiếng hát). “Thơ là mộng trong mộng”(2), nghĩa là rất khó hình dung và nắm bắt, vậy mà Hoàng Thuỵ Anh đã chìm sâu vào thế giới “mộng” ấy, cảm nhận thế giới hình ảnh ảo mờ để rồi xác định: “Nguyễn Ngọc Hạnh tìm cách phân thân trong giấc mơ, giải mã giấc mơ để nhìn nhận những vui buồn, trắng đen của cuộc đời, rốt cuộc, ông vẫn nhập nhằng trong chiêm bao” (Bẻ ghi nỗi đau). Chị có sự phát hiện mới mẻ và cảm nhận sâu sắc về đặc điểm sáng tạo của nhà thơ và diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ giàu chất thơ: “Nhưng ấn tượng nhất của Người đàn bà cát là việc nhà thơ áp cái thân thể nữ giới nồng nã phồn thực lên thiên nhiên nhằm bất tận vẻ đẹp nguyên sơ của cuộc sống” (Vẻ đẹp phồn thực của “Người đàn bà cát”)
Hoàng Thuỵ Anh lí giải những thành công trong sáng tác, khám phá ý đồ nghệ thuật của các nhà văn. Kinh nghiệm sáng tác cùng những hiểu biết sâu sắc về tâm lí học sáng tạo đã giúp chị đi sâu vào thế giới nghệ thuật và quá trình sáng tạo. Một Đỗ Công Tiềm “rất yêu quê, một lòng một dạ sống, trải nghiệm và gắn bó với quê… mới khai thác được kiệt cùng cái chất cộng đồng và tự trị của người dân quê như thế” (Ánh sáng tình người). Một Tạ Duy Anh “giải thiêng huyền thoại” để khai thác kiệt cùng bản chất con người và xã hội, từ đó mà thức tỉnh con người; “bạch hoá” sự xấu xa, tàn nhẫn, rùng rợn trong một ngôi làng để dùng cái xấu, cái ác nhấn mạnh giá trị nguyên bản của cái tốt, cái thiện; dùng nỗi đau khôn xiết để tạo ra giá trị của hạnh phúc. Chị lẩy ra dụng ý nghệ thuật của nhà văn được giấu kín dưới những trang hiện thực bộn bề, bất toàn của đời sống…
Tác phẩm “Sự thật là đoá hoa lộng lẫy” của Hoàng Thuỵ Anh
Hoàng Thuỵ Anh đã vận dụng hệ thống tri thức văn hoá phong phú, đa dạng từ tín ngưỡng, tôn giáo, triết học (Kinh thánh, Phật học), xã hội, nghệ thuật (hội hoạ), đặc biệt là tri thức lí luận văn học nhằm đào sâu, lí giải các tầng ý nghĩa của tác phẩm, các hiện tượng văn học. Chị sử dụng lí thuyết phê bình sinh thái để khám phá ý nghĩa sinh thái trong Bức đại tự đỏ của Lê Va (Lê Va “hoá trầm” trong thơ); dùng lí thuyết liên văn bản để xác định cái nhìn liên văn bản trong phê bình của Đỗ Anh Vũ; sử dụng lí thuyết về ngoại biên để giải phẫu ý thức ngoại biên trong nghiên cứu, phê bình, mối quan hệ giữa văn học ngoại biên và văn học trung tâm trong công trình của Phan Tuấn Anh (Ý thức ngoại biên trong nghiên cứu – phê bình)… Hiểu biết về mĩ học giúp chị khám phá những thành công trong hội hoạ của Nguyễn Lương Sáng (Hoạ sĩ làm đẹp kí ức). Chị dùng phân tâm học Freud để giải mã sự nảy sinh và tồn tại của cái ác, hành động bạo lực đám đông trong hiện thực được miêu tả ở tác phẩm của Tạ Duy Anh (Sự thật là đoá hoa lộng lẫy); dùng các khái niệm “libido”, “dồn nén” và “vô thức” để cắt nghĩa hiện tượng viết về quan hệ tính giao trong thơ Hồ Thế Hà ở tập Tơ sương (Tôi là người khác); hay giải thích ý nghĩa của hiện tượng sex được miêu tả trong tiểu thuyết của Nguyễn Quang Lập…
Một nét đặc sắc trong tiểu luận, phê bình của Hoàng Thuỵ Anh là thông qua việc cảm nhận tác phẩm một cách sâu sắc để chỉ ra những nét riêng, khác biệt trong sáng tác của các nhà văn. So sánh là một thao tác tư duy và lập luận quen thuộc. Hoàng Thuỵ Anh đã đặt sáng tác của các nhà văn trong quan hệ so sánh để làm rõ đặc điểm sáng tạo của từng tác giả, từ đó chỉ ra nét khác biệt, độc đáo của đối tượng đang hướng tới. Cùng viết tản văn về Hà Nội nhưng mỗi nhà văn có những nét riêng: Nếu Nguyễn Việt Hà “giễu nhại, xót đau”, Đỗ Phấn “với từng nét bút tỉ mỉ, sắc sảo”, Nguyễn Trương Quý “chú tâm khai thác trực diện đời sống công sở Hà Nội”…, thì Uông Triều “khát bỏng nhập cuộc với Hà Nội ở mọi góc độ, khám phá Hà Nội bởi những thức quà quê kiểng để hướng đến cân bằng giữa vùng trung tâm và ngoại biên ngay trong tâm thức Hà Nội và bộc lộ một cái tôi yêu thiên nhiên, khát khao kết nối tình yêu sinh thái” (Hà Nội thương nhớ). Chị đặt tác phẩm trong sự đối sánh với các tác phẩm khác của nhà thơ để chỉ ra nét riêng, điểm mới của tập thơ, như trường hợp tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều của Nguyễn Ngọc Hạnh với các tập thơ trước đó của cùng tác giả như: Hoa ven sông, Khi xa mặt đất, Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh (Bẻ ghi nỗi đau). So sánh không phải để tìm sự hơn kém mà để làm rõ nét riêng, khác biệt, nét độc đáo, mới mẻ của đối tượng.
Phong cách nghệ thuật là hồn cốt, là cá tính sáng tạo của nhà văn thể hiện trong tác phẩm, làm nên nét độc đáo, hấp dẫn cho tác phẩm. Không có dấu ấn phong cách, tác phẩm sẽ nhạt nhoà vô hồn. Phong cách nghệ thuật thể hiện ở nhiều yếu tố, nhiều phương diện của tác phẩm, trong đó, giọng điệu lời văn nghệ thuật là yếu tố trung tâm ẩn sâu quy tụ các yếu tố khác. Hoàng Thuỵ Anh tinh nhạy nhận ra giọng điệu của nhà văn, chỉ ra từng nét “vân chữ” của họ. Tạ Duy Anh “với giọng văn sắc sảo, triết lí, nhân văn” (Sự thật là đoá hoa lộng lẫy). Văn Thành Lê với “yếu tố giễu nhại, hài hước, cách nói suồng sã, thẳng thắn, trực tiếp vào vấn đề” (Những lát cắt hoạt kê đương đại). Nguyễn Thế Tường tô đậm những nét đẹp truyền thống của quê hương bằng một “nỗi niềm rưng rức, bằng giọng điệu rặt miền Trung” và một “lối kết cấu đối lập, tương phản giữa xưa và nay, chiến tranh và hoà bình, sống và chết, còn và mất, đậm và nhạt” (Nỗi niềm chân quê trong tản văn Nguyễn Thế Tường). “Giọng điệu tản văn của Uông Triều không nghiêng về giọng châm biếm, hài hước mà đa phần thể hiện giọng điệu luyến nhớ, tự hào. Những bực bội, bức xúc được anh bao bọc một cách kín đáo, thể hiện phương châm sống thân thiện của mình” (Hà Nội thương nhớ). Cái nhìn khái quát – thế mạnh của Hoàng Thụy Anh – kết hợp với việc phân tích ý nghĩa của chi tiết nghệ thuật, tạo ra sức thuyết phục cho những lập luận của cuốn sách Sự thật là đóa hoa lộng lẫy. 
Viết phê bình văn học, người ta thường vận dụng kết hợp nhiều phương pháp tiếp cận tác phẩm như phê bình chân dung, phê bình thi pháp học, phê bình phân tâm học, phê bình ấn tượng, trực giác… để đạt hiệu quả cao nhất. Hoàng Thuỵ Anh cũng không ngoại lệ, nhưng dễ thấy ở chị phương pháp chủ đạo vẫn là phương pháp phê bình thi pháp học. Chị có vốn từ vựng khá phong phú chứa đựng hàm lượng học thuật cao được sử dụng một cách phóng khoáng và tự nhiên, có sức diễn tả nội dung, biểu đạt chiều sâu tư tưởng và cảm xúc. Chị không trực tiếp đưa ra và giải thích các khái niệm, thuật ngữ mà khai thác triệt để nội dung, nội hàm các khái niệm đó, làm cơ sở cho việc lí giải bản chất của các hiện tượng nghệ thuật, giải mã và bình giá tác phẩm. Tôi tạm gọi đó là thủ thuật “giấu khái niệm”. Chị có một giọng văn giàu cảm xúc, sôi nổi, lôi cuốn, có sức thuyết phục, nhiều lúc có cảm giác quyền uy, dẫn dụ, buộc người ta phải nghe, phải theo, cùng vào thế giới suy tư của tác giả.
Sự đồng cảm, thái độ trân trọng nâng niu đầy khích lệ đối với các nhà văn và giá trị của tác phẩm tạo nên âm hưởng ngợi ca nổi bật trong tập sách. Thiết nghĩ cũng cần lắm việc nhà phê bình chỉ ra những khó khăn, hạn chế của người sáng tác và những biểu hiện “non lép” mặt này mặt kia khó tránh khỏi của tác phẩm. Đọc Sự thật là đoá hoa lộng lẫy của Hoàng Thuỵ Anh, thấy muốn đọc lại những tác phẩm đã đọc, tìm đọc những tác phẩm mà mình chưa có, chưa đọc… được chị chọn làm đối tượng phê bình trong tập sách. Tác phẩm văn học được dịp thăng hoa khi gặp nhà phê bình có tâm, khát khao đi tìm vẻ đẹp lộng lẫy của văn chương nghệ thuật.
Chú thích:
(1) “Khái niệm”: Tên một tập thơ của Ngô Đức Hành.
(2) Xem: Đông Hồ, Xúc cảnh thành thi, Văn, số 86, ra ngày 15.7.1967 
4/9/2023
Nguyễn Phương Hà
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...