Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Vắng thu sân trường

Vắng thu sân trường

Mỗi độ thu về, khi nàng Thu thay áo mới, khoác lên mình những chiếc áo vàng cũng là lúc báo hiệu năm học mới bắt đầu. Thu năm nay có gì khác biệt, bất thường? Điều gì đã làm thay đổi vòng tuần hoàn của nhịp sống, khiến cho mọi thứ trở nên chậm chạp đến não nề?
Thu điểm lên không gian phố phường, làng mạc nét u buồn mà không hề quyến rũ lòng người. Bên cạnh mùa thu, người ta còn gọi tên thêm một khái niệm “mùa dịch”, “mùa covid” nghe đến nao lòng, thê lương. Thu dềnh dàng, chậm rãi, kéo dài lê thê khiến ta chỉ muốn vặn dây cót thời gian cho trôi qua thật nhanh, để tạm quên đi những điều vừa xảy ra vội vàng như một cơn bão bất ngờ dội xuống khu vườn ngập tràn hương sắc!
Mùa thu tháng Chín, là khi “lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường” đã được Thanh Tịnh trải lòng trong ngày đầu tiên đi học, đó cũng là cảm xúc chung của mọi người mà không bao giờ quên được dấu ấn ban sơ, ngọt ngào ấy!
Ngày 5.9 là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, để con em mình được bước vào một môi trường mới, tiếp nhận nền tri thức của nhân loại. Vậy mà năm nay, vào ngày trọng đại ấy, ngày mà trước đây toàn dân cả nước nô nức đón chào ấy đã không thể thực hiện được vì dịch bệnh covid hoành hành ngày càng nguy hiểm.
Thời chiến tranh, dù mưa bom bão đạn dân ta vẫn có thể đi học. Điển hình là lớp “Bình dân học vụ” cho thấy tinh thần hiếu học của dân ta…
Ngày nay, để đảm bảo an toàn cho nhân dân thì các vùng có dịch tạm dừng tất cả các hoạt động, đặc biệt là hoạt động giáo dục.
Là những người làm cha, làm mẹ chắc hẳn bạn không khỏi nghẹn lòng khi thấy đứa con bé bỏng của mình tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, háo hức đón chào năm học mới với bộ quần áo và sách vở mới tinh chờ ngày đến lớp được gặp bạn bè, thầy cô.
Sáng nay bất chợt thấy một phụ huynh chở con nhỏ đi ngang qua trường Tiểu học, chỉ tay về phía cổng trường “Trường con đấy, hết dịch con sẽ được đi học”. Đứa trẻ với theo “Ba chở con vào trong đó”. “Không được, hôm nào hết dịch mẹ chở con lên gặp cô giáo và các bạn”. Theo dõi câu chuyện của cha con họ, lòng tôi chợt se lại không phải vì cơn gió thu ngờ thoáng qua, mà thấy nhói đau tận sâu trong tâm hồn.
Chợt nhớ hình ảnh đứa con yêu của mình mấy ngày trước còn đếm từng ngày chờ đến mùng 5.9 để được đến trường. Và giờ này cũng đã thay đồng phục ngồi sẵn trước màn hình máy tính chuẩn bị dự chào cờ trực tuyến mà trong lòng dấy lên một niềm thương khó tả.
Chưa bao giờ tôi thấy con trẻ nôn nao và chờ đợi mùa khai giảng như năm học này. Phải chăng năm học vừa rồi các con em không được dự Lễ Tổng kết, rồi tiếp ba tháng ròng rã bị “cấm cung” trong nhà nên các con cũng cảm thấy vô cùng ngột ngạt. Chúng muốn được như những chú chim non sổ lồng để tung cánh trên bầu trời cao rộng mà chưa lường hết được hậu quả của dịch bệnh Covid!
Buổi khai giảng năm nay thật đặc biệt. Nhiều nơi , nhiều cơ sở giáo dục khắp cả nước đều tổ chức Khai giảng với hình thức trực tuyến. Không khí buổi tựu trường không nhộn nhịp, rộn ràng như mọi năm. Đến trường chỉ có một vài lãnh đạo và giáo viên phụ trách âm thanh, kĩ thuật, tổ chức để chuẩn bị cho Lễ Khai giảng trực tuyến diễn ra thật trang trọng, hùng hồn. Mọi người gặp nhau không phải trong niềm vui hân hoan, phấn khởi, tay bắt, mặt mừng, ôm vai bá cổ như mọi khi; mà ai nấy cũng đều dè chừng tạo một khoảng cách và nhìn nhau qua lớp khẩu trang bịt mặt như là một sự bảo vệ mình và đồng nghiệp một cách an toàn trong mùa dịch. Tất cả đều hăng say, tích cực để thực hiện nhiệm vụ truyền tin đến các em học sinh thân yêu về buổi lễ sao cho được trọn vẹn nhất.
Niềm xúc động dâng trào khi nghe lãnh đạo nhà trường đọc thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với lời chia sẻ, động viên ân cần đối với toàn nghành Giáo dục, với nỗi đau của các em học sinh là F1, F0 đang phải gánh chịu: “Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, nhiều học sinh, sinh viên đã trải qua những tháng ngày hết sức khó khăn do phong tỏa, giãn cách. Việc học trực tuyến còn những hạn chế, bất cập và không đồng bộ, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, những gia đình thiếu các điều kiện, phương tiện để học trực tuyến. Tất cả chúng ta đều rất lo lắng và đồng cảm khi chứng kiến cảnh những F0, F1 là các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học, thậm chí là bậc mẫu giáo, những thiếu niên, nhi đồng phải rời gia đình, làng xóm để đi điều trị hoặc cách ly tập trung; do vậy đã bị ngắt quãng việc học”.
Không gian lặng yên, chùng xuống. Ngoài trời vẫn lớt phớt mưa phùn không dứt như rắc thêm nỗi buồn, trải dài thêm nỗi trống trải mênh mang khi sân trường rợp lá vàng rơi. Ta chợt thèm một cơn gió thu dịu mát xua đi bao thứ vẩn vơ trong lòng. Ta khát khao một tia nắng ấm áp để sưởi ấm tâm hồn mình cho vợi bớt những lo toan, khắc khoải khi hằng ngày bản tin covid vẫn thông báo những con số biết nói đến nhói lòng.
Khó khăn, thách thức chồng chất, chưa biết ngày nào thầy trò mới lại được gặp nhau? Chưa biết kế hoạch sắp tới cho việc daỵ học sẽ như thế nào? Tất cả đều chờ đợi và hi vọng tình hình hình dịch bệnh sẽ được khống chế để nhịp sống quay trở lại bình thường như nó vốn có. Trước mắt, Nhà trường, thầy cô và các em học sinh đều chuẩn bị tinh thần và làm quen với việc dạy học trực tuyến để thích nghi và đáp ứng tình hình thực tế và kịp tiến độ chương trình năm học.
Xong buổi Lễ Khai giảng trực tuyến, tôi lại gần chiếc âm li loa đài mở bài hát “Mùa thu ngày khai trường” vặn volum thật to như để xua tan cái không khí trống trải, vắng lặng của buổi tựu trường đầu năm. Cũng như để xoa dịu lòng mình và khơi dậy lại mùa khai trường quá vãng.
9/9/2021
Trần Nguyệt Ánh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

5555555 hai mươi hai Út thấy người mình bải hoải, mệt mỏi và đầu váng vất khó chịu. Nàng trở dậy, nhưng không xuống khỏi giường. Út nhìn đồn...