Thứ Ba, 9 tháng 7, 2024

Về sự ra đời của hồi ký "Sài Gòn mùa thu xanh"

Về sự ra đời của hồi ký
"Sài Gòn mùa thu xanh"

Hồi ký Sài Gòn mùa thu xanh của Lê Thu Hằng - Dương Văn Diêu, hai tác giả là song thân của các nhà văn, đạo diễn nổi tiếng: Lê Văn Thảo, Lê Văn Duy, Dương Cẩm Thúy, do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành. Nhà văn, NSƯT, đạo diễn Lê Văn Duy là người trực tiếp in ấn và dự kiến tổ chức ra mắt sách thời gian sắp tới. VHSG xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông về sự ra đời cuốn hồi ký đặc biệt của ba má mình…
Một nhà văn phải có trí nhớ dai. Nhà văn muốn tự viết hồi ký, càng phải có trí nhớ từ thời thơ ấu. Tôi nhớ cả những chuyện lúc tôi mới 2, 3 tuổi. Nhưng sở dĩ tôi ấp ủ và bắt đầu viết những trang hồi ký khi tôi 50 tuổi, viết mạnh hơn lúc 60, rồi tôi bỗng ngưng ngang, bởi nếu không viết về cha mẹ mình, rõ ràng là sự vong ơn. Vậy nên năm nay tôi tròn 78 tuổi mà hồi ký đời tôi vẫn chỉ là những dòng khởi đầu.
Là nhà giáo, nhà văn, nhà điện ảnh cách mạng cách nay hơn nửa thế kỷ, tôi gắn bó với mẹ nhiều hơn. Cha tôi là cán bộ Việt Minh thời chống Pháp rồi tập kết ra miền Bắc. Năm 1962 cha tôi vượt Trường Sơn hồi kết về Nam, xây nền móng cho nền giáo dục cách mạng miền Nam.
Trước ngày tập kết cha tôi là Trưởng ty Giáo dục cách mạng tỉnh Tân An, bạn thân ông Võ Trần Chí nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM. Chính cha tôi gọi anh Lê Văn Thảo và tôi về R. Vậy là tôi đã có những thước phim từ rừng và bài viết, biên tập sách hồi ký của cha tôi ngay lúc cha tôi còn sinh thời.
Thế nhưng mãi đến khi má tôi mất, tôi đã khóc rất nhiều, trong đời tôi chưa bao giờ khóc, khi biết trong những ngày bệnh đau nặng, gần cuối đời, giữa những cơn đau như xé ruột, nhói tim can, má tôi đã cố gắng viết Chuyện đời bà (tên do má tôi đặt tựa) với niềm tin duy nhất là để con cháu đọc.
Má tôi đã thay chồng nuôi con, có lý tưởng yêu nước từ thuở còn thơ, là trí thức thời đó. Má tôi tốt nghiệp trung học Trường Áo Tím Sài Gòn. Má tôi thi đậu hạng Nhất. Mẹ cô Kim Xoa đậu hạng 5.
Vậy mà má tôi đã từ bỏ giàu sang, bỏ nhà cửa, tài sản, không chỉ rứt ruột đưa cả 7 người con do má tôi mang nặng đẻ đau giao cho cách mạng mà còn theo chồng, theo con vào chiến khu dạy bổ túc văn hoá cho đồng bào, cán bộ chiến sĩ, cán bộ Văn phòng Chánh phủ Cách mạng lâm thời miền Nam.
Không chỉ có thế, má tôi còn quay trở về Thành làm bình phong, nuôi giấu cán bộ nội thành Sài Gòn như chị Bảy Hà, anh Phạm Chánh Trực và rất nhiều anh em khác khá gian nan. Má tôi là Bà má Thành Đoàn.
Những chuyện đời bà khi má tôi còn sống, tôi không hề biết. Nhờ vậy mà khi liên kết lại thời thơ ấu của mình, từ bây giờ, sức còn sung, tôi có thể hoàn thành tốt quyển hồi ký của đời tôi, khá truân chuyên. Nói theo kiểu anh Nguyễn Quang Sáng là: ”Lê Văn Duy chỉ cần viết chuyện đời mình là có thể có nhiều quyển tiểu thuyết hay, thú vị!”
Ba má tôi tham gia cách mạng thời Mùa Thu Kháng Chiến. Thật ra thì tên khai sanh má tôi là Josephime Lê, tên gọi ở nhà là Alice. Nhưng khi phải đi thi làm cô giáo tại thành phố Long Xuyên má tôi phải chọn tên Việt Nam. Vậy là má tôi chọn tên Lê Thu Hằng. Lê là họ bà ngoại tôi. Má tôi thích Mùa thu cách mạng. Hằng là tên ở nhà của cha tôi.
Quyển hồi ký má tôi viết cốt để anh em tôi và con cháu chúng tôi đọc nên má chọn cái tựa Chuyện đời bà. Mùa thu này, tôi xuất bản quyển hồi ký ba má tôi. Vậy nếu học trò ba má tôi và quý bạn đọc, sẽ thấy tâm hồn, ước nguyện má tôi chính là Mùa Thu Xanh Sài Gòn.
18/9/2020
Lê Văn Duy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những bài báo đầu tiên

Những bài báo đầu tiên Tôi khởi sự đến với văn chương, báo chí thấm thoắt đã tròn 30 năm. Tháng 2.1994, tôi nhập ngũ vào Trung đoàn 421, S...