Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2024

Về thăm hai ông thầy cười

Về thăm hai ông thầy cười

Gần tết, nhờ Nhà xuất bản Kim Đồng, tôi được tiếp bước tiền nhân - ủa quên theo vết chứ không phải tiếp bước nghe xui, về Nam Định và Hà Nam thăm mộ cụ Tú Xương và ngôi nhà xưa của cụ Nguyễn Khuyến.
Sinh thời, “Ai hỏi nhà ông tới/ Nhà ông đã bán rồi”, nhưng bây giờ ‘ngôi nhà’ nghìn thu xưa của cụ nằm trang trọng trong công viên Vị Xuyên rộng lớn. Ngôi mộ được xây vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, trên bề mặt mộ có một phiến đá nằm nghiêng khắc tên nhà thơ cùng quê quán, năm sinh, năm mất. Trước mộ có tấm bia đá, mặt trước khắc hai câu trong bài thơ Sông lấp của Tú Xương: “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”; mặt sau là hai câu thơ Nguyễn Khuyến khóc cụ Tú: “Kìa ai chín suối xương không nát/ Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn”. Chắc chắn trên cả nước nầy chưa có một ngôi mộ thi nhân nào được đặt trang trọng trong công viên như vậy.
Cụ Trần Tế Xương (1870-1907), đã để lại cho hậu thế nhiều bài thơ hay và về thể loại thơ châm biếm thì thuộc loại thượng đẳng sư phụ. Mỗi khi xuân về tết đến, kẻ yêu thơ, buồn vì thế thái nhân tình làm sao mà chẳng nhớ bài thơ nầy.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối,
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc,
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì mua tước, đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở non.
Bắt chước ai ta chúc mấy lời:
Chúc cho khắp hết ở trong đời.
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,
Sao được cho ra cái giống người.
Sau khi xin cụ phù hộ cho sang năm sáng tác được mùa, tôi rong ruổi về Hà Nam để ghé thăm khu di tích từ đường của cụ Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến. Khu di tích nầy nằm ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương (xưa là xã Yên Đổ), huyện Bình Lục, Hà Nam. Khu từ đường Nguyễn Khuyến được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH,TT-DL) công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia năm 1991.
Trước khu từ đường có một bia đá khắc bài thơ Thu điếu bằng chữ nôm, quốc ngữ và anh ngữ. Đọc bài thơ xong, du khách có thể đi thăm cái ‘ao thu lạnh lẽo nước trong veo’ bằng ‘ngõ trúc quanh co khách vắng teo’ trước khu từ đường. Ao thu đã vào mùa đông, nước không còn trong veo nữa chỉ có ngõ trúc là vắng teo thiệt. Và người dường như cũng teo lại khắp mọi phần trong cơ thể.
Ngôi nhà xưa của nhà thơ Nguyễn Khuyến
Nguyễn Khuyến tên thật là Nguyễn Thắng hiệu là Quế Sơn, tự Miễu Chi, sinh năm 1835, mất năm 1909 tại Yên Đổ. Rõ ràng là sống dai hơn bác Tú Xương. Khi mất đi, cụ để lại cho hậu thế. các tác phẩm gồm có Quế Sơn thi tập, Yên Đổ thi tập, Bách Liêu thi văn tập, Cẩm Ngữ, cùng nhiều bài ca, hát ả đào, văn tế, câu đối truyền miệng.
Trong bộ phận thơ nôm, Nguyễn Khuyến vừa là nhà thơ trào phúng vừa là nhà thơ trữ tình, thơ ông dùng để trải lòng; viết về con người, cảnh vật và cuộc sống ở quê hương – và cũng không ít bài chế giễu, đả kích những kẻ tham lam, ích kỷ, cơ hội lúc bấy giờ…
Ngồi trước nhà từ đường, tôi và nhà thơ Cao Xuân Sơn cùng buột miệng đọc bài Chỗ lội làng
Ngang:
Đầu làng Ngang có một chỗ lội,
Có đền ông Cuội cao vòi vọi;
Đàn bà qua đấy vén quần lên,
Chỗ thì đến háng, chỗ đến gối;
Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười,
Cái gì trăng trắng như câu cúi?
Đàn bà khép nép đứng liền thưa:
– Con chót hớ hênh ông xá tội;
– Thôi, thôi con có tội chi mà,
Lại đây ông cho giống ông Cuội;
Từ đấy làng Ngang đẻ ra người,
Đẻ ra rặt những thằng nói dối.
Ông thầy thơ trào phúng nầy, dù là nhà nho, gương mặt trên bàn thờ rất trang nghiêm nhưng lại thuộc loại nghịch ngầm. Hãy đọc những bài thơ trào phúng nho nhỏ của ông.
Bỡn cô tiểu ngủ ngày
“Ôm tiu, gối mỏ ngáy khò khò/ Gió lọt phòng thiền mát mẻ cô/ Then cửa từ bi gài lỏng cánh/ Nén hương tế độ đốt đầy lò/ Cá khe lắng kệ đầu hi hóp/ Chim núi nghe kinh, cổ gật gù /Nhắn bảo chúng sinh như muốn độ /Sẽ quì,  sẽ niệm/ sẽ nam mô “
Cò mổ trai
“Trai sao chẳng biết tính con cò/ Mày hở hang chi nó mổ cho/ Đã cậy dài mu không khép kín/ Cho nên dài mỏ chực ăn to/ Thôi về bãi bể cho êm ái/ Để mặc bên sông nó gật gù/Cò trắng dầu khôn đành gác mỏ/ Trai già chờ lúc lại phơi mu.
Gái goá than lụt
“Con tạo ghen chi gái má hồng/ Mà đem nước đến vỗ tầm vông/  gió lùa cửa cổng bèo man mát/ Trăng xỏ buồn trai bóng phập phồng/ Những sợ anh kình rình dưới rốn/ Lại lo chú chuối lẫn bên hông/ Quản chi điểm phấn trang hồng nữa/ Chỉ biết nơi sâu với chốn nông/
Gái rửa bờ sông
“Thu vén giang sơn một cắp tròn /nghìn thu sương tuyết vẫn không mòn/ Biết chăng chỉ có ông hà bá/ Mỉm mép cười thầm với nước non/”
Đĩ cầu Nôm
Thiên hạ bao giờ cho hết đi/ Trời sinh ra cũng để mà chơi/ Dễ mấy khi làm đĩ gặp thời /Chơi thủng trống, long dùi âu mới thích /Đĩ bao tử càng chơi càng lịch/ Tha hố cho khúc khích chị em cười/ Người ta đấng của ba loài/ nếu những như ai thì đĩ mốc/ Đĩ mà có tàn, có tán, có hương án, có bàn độc/khá khen thay làm đĩ có tông/ khách giang hồ chẳng chốn nào không/ suốt Nam Bắc Tây Đông đều biết tiếng/ Đĩ mười phương chơi cho đủ chín/ Còn một phương để nhịn lấy chồng/ Chém cha cái kiếp nào hồng/ Bạn với kẻ anh hùng cho đúng số/ Vợ bợm, chồng quan danh phận đó/ mai sau ngày giỗ có văn nôm/ Cha đời con đĩ cầu Nôm’” (tục truyền con đĩ cầu Nôm là cô Tư Hồng.
Dạ. bẩm cụ con không theo kịp cụ ạ! Xin cụ xá tội!.
5/2/2021
Lê Văn Nghĩa
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

​ Sa Mạc Người Năm ấy, tôi vừa tròn mười tám tuổi. Đối với nhiều đứa bạn cùng lứa, tuổi mười tám là lớp tuổi đẹp nhất đời người. Chúng n...