Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2024

Làng tôi, làng Quỳnh

Làng tôi, làng Quỳnh

Ai cũng có một vùng quê để thương để nhớ. Tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có tên cổ làng Quỳnh, là xã Quỳnh Đôi nức tiếng ngày nay. Điều đặc biệt xã tôi chỉ có một làng nên gọi làng cũng được, gọi xã cũng thế. Có thể nói, làng Quỳnh quê tôi là nơi thu nhỏ và giữ gìn tinh hoa, cái nôi văn hoá, với nếp sống thuần hậu của người dân cày và làng xã ngàn đời của một vùng Bắc Trung Bộ. Tôi sinh ra từ làng, lớn lên từ làng, tình yêu quê hương, con người cũng được hình thành từ làng, dù đi đâu cũng nhớ về làng, xốn xang với bao kỷ niệm sâu lắng của một thời ấu thơ.
Cánh diều tuổi thơ
Làng tôi, là vùng đồng bằng chiêm trũng, ngập mặn. Cả thời tuổi thơ tôi gắn với những năm tháng lam lũ, mò cua bắt ốc, mót lúa mót khoai mà cực kì vui sướng, hứng thú. Ấy là sau buổi học về, cất sách xong là cả bọn, quần đùi, trần trùng trục thế, rủ nhau đi nơm cá, hôi cá, mót ló, đạp khoai thẩm, bắt chim, rồi buổi đêm câu lươn, thọc khăm, thả trúm… Không cánh đồng nông sâu nào trong vùng mà không mò đến. Hói hay ao nào có con gì, thuộc làu. Bắt cáy, bắt thòi lòi ở bãi Sông Mơ, mò cá hồ Hàn Diên, bắt tôm dưới cống âm  Cây Chả, đi nơm cá tràu ở hồ Bang Bừu, bắt ếch ở đồng Bon Bon, bắt rạm, bắt cua ở Đập Bản, Hói Nồi, đặt lừ bắt cá,vớt bèo tây cho lợn ở sông Đồng Nghệ, chọt (nhổ) rau má ở Đồng Tương. Hái rau nhót ở chân đê Hói Nồi Nhiều nơi lắm. Đứa nào cũng lấm lem, bùn đất dính từ đầu chí chân, đôi khi không nhận ra mặt nhau.
Mùa xuân là mùa chim làm tổ. Vườn nhãn nhà bà Bảo, vườn ổi nhà ông Cụ cử Dương, bắt chim sẻ ở cây cau nhà bà Chung bà Mậu, nhiều tổ chim cu cu, có cả tổ chèo bẻo, tít trên ngọn cây gạo ông Chắt Ngạn đầy gai góc um tùm, chẳng đứa nào ngán, leo thoăn thoắt. Thích nhất là gặp được tổ chích chòe, ổ sẽ sẽ con non mới ra ràng, cho vô lồng nuôi rất mau lớn, lũ chúng tôi còn bắt cá thia lia về nuôi trong chai, lọ. Bọn lít nhít chúng tôi chẳng khi nào chịu ngồi một chỗ, chân tay chả lúc nào yên, khi nào cũng như trận cuồng phong. Và cũng chẳng thằng nào giày dép, mũ miện, áo khăn, chỉ trừ những ngày rét lắm lắm. Hết chơi ù, đánh khăng, đánh trận giả thì chọi gụ, đánh đáo, vật nhau.
Hình ảnh những thằng con trai chín, mười tuổi, chân đất đầu trần, mặc quần đùi đánh “vuốt tai”, chạy đuổi khắp xó xỉnh trong làng, trèo hết kho phân của hợp tác xã, hò hét đến khản cổ, nói không ra tiếng với những trò chơi đánh khăng, đánh đáo có từ xa xưa đã gắn liền với tuổi thơ thần tiên của tôi và theo tôi đến hết cuộc đời…
Đến khi lớn lên một chút, lứa tuổi thiếu niên hiếu động và háo hức sáng tạo, thì lập thành những đội bóng chân đất, xóm này, xóm nọ quần nhau, đến mệt phờ, áo quần bê bết đất, quên ăn, quên ngủ. Đêm về lại rủ nhau đàn sáo, tập văn nghệ, mải vui đến gà te te gáy sáng mới đi nằm. Nhưng cũng nhờ hiếu động, nhờ giao lưu từ bé, chơi với nhau dài dài, mà hầu như trong làng, trong xã chúng tôi đều quen mặt thuộc tên nhau, có bạn rất hiểu nhau xem nhau như ruột thịt suốt cả gần 60 năm qua.
Làng của trầm tích văn hoá
Làng tôi, rộng hơn một cây số vuông. Người làng đều có anh em xa gần với nhau vì số dòng họ định cư không nhiều. Sau này lớp trẻ chúng tôi có điều kiện học hành được đi khắp mọi miền Tổ quốc và một số nước trên thế giới, nhưng ai ai cũng nhớ về cội nguồn. Tôi tự hào mà khẳng định với bạn bè rằng ít  nơi nào giàu đẹp về văn hoá như làng Quỳnh của tôi. Nói như thế mà chẳng ai nghĩ tôi “chém gió” hay chủ quan, lạ thế. Không phải chỉ người Bắc chưa đến xứ Nghệ mà bạn bè trang lứa ở trong huyện, ở các huyện lân cận cũng đồng ý gật đầu, tủm tỉm cười vui. Cũng không phải lớp trẻ chúng tôi thái quá mà ngay cả các cụ thời xưa, dù có làm quan to đến chức thượng thư, lục bộ ở triều đình, thì khi đến tuổi nghỉ già vẫn về quê làng Quỳnh sống những ngày còn lại. Bây giờ nhiều vị thành danh, đại gia, đại phú, có biệt thự ở phố, vẫn không ít người giao lại cho con để về nơi chôn rau cắt rốn, bến nước sân đình để tu bổ xây dựng lại căn nhà cha mẹ để lại, chăm sóc hương hoả và vui thú điền viên. Những người khác buộc phải định cư nơi quê người thì mỗi năm cũng tổ chức nhiều chuyến đi về, nhân các dịp lễ tết, việc họ đương và giỗ chạp trong gia đình, những người con xa quê, xa làng Quỳnh có thời gian để về quê thăm lại anh em họ mạc, thăm lại ao chuôm bãi cỏ trong cổ tích mà trong xanh mãi trong tâm khảm. Điều gì đã thu hút con em hướng về và trở thành nơi lưu giữ hồn quê thôn dã? Phải chăng là nét kiến trúc, hình thể làng Quỳnh cũng như của các nhà dân rất độc đáo, mang tính chất của một làng cổ Việt Nam và cách đối nhân xử thế của của người  làng thủy chung nghĩa tình trọn vẹn?
Người đi xa về  gần đến làng, đã thấy cây đa, cây gạo vượt hẳn trên màu xanh đậm của các ngọn cây trong làng, hai ngọn cây cổ thụ như hai bàn tay tha thiết vẫy chào. Tháng ba, hoa gạo nở đỏ ối một vùng trời xanh, khiến ai cũng nao nao, rạo rực, xao xuyến nhớ. Hai cây này là nơi nghỉ mát cho khách qua đường, là nơi vui chơi nô đùa của con trẻ các thế hệ người làng Quỳnh. Mẹ tôi thường bảo tôi: “Thần cây đa ma cây gạo các con ạ, đi qua nhớ ngả nón chào và đừng nói điều báng bổ”.  Sinh thời cụ Hồ Tùng Mậu thì vui vẻ bảo: “Trồng cây gạo là tiền nhân còn ẩn ý mong làng đủ gạo ăn”. Rộng ra là mong mỏi con cháu đời đời có được “lúa tốt, gạo nhiều” . Còn cây đa là ước ao mọi gia đình đều có nhà cửa, gia đình êm ấm. Hai cây ấy là biểu tượng cao quý ở miền quê nông nghiệp, là dấu tích ban đầu của làng, là di sản thiêng liêng của cha ông đời trước để lại. Ngày xưa con người sống nhờ vào tự nhiên, coi vạn vật hữu thần hay vạn vật hữu linh, rất sùng kính tự nhiên và sống thuận hoà với thiên nhiên. Thực ra, nói như ngôn ngữ ngày nay là, bảo vệ môi trường sống của con người.
Sau này, hai cây đó đã bị chặt đốn để làm bàn ghế cho học sinh. Rồi con cháu đã trồng lại hai cây khác thế chỗ vào đó, nay cũng đã to cao sừng sững.
Cạnh cây đa và cây gạo là cổng làng Quỳnh. Nó hiện hữu hoành tráng vừa hiện đại lại vừa mang dáng dấp của một cổng làng cổ Việt Nam với các nét kiến trúc uốn lượn, cổ kính. Qua cổng làng, bên trái là một cụm quần thể di tích văn hoá lịch sử mà ít làng có được. Đó là Bia mộ và Nhà thờ Hoàng giáp Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích. Tiếp đến là Nhà bia tưởng niệm nữ sỹ Hồ Xuân Hương, Bà chúa thơ Nôm. Rồi đến lăng mộ nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu Hồ Tùng Mậu – người cùng hoạt động hải ngoại với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc buổi cách mạng còn trứng nước. Và bên phải là bia tưởng niệm liệt sỹ Anh hùng quân đội Cù Chính Lan, một trong những anh hùng đầu tiên của cách mạng Việt Nam.
Đi vào sâu hơn, chếch về phía bên phải, cách một quãng ngắn là ngôi đền cổ kính thờ “ Mộc lôi linh ứng thiên thần” và tứ vị Thành hoàng làng, Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Chi Thần. Đền này rất thiêng, ngày xưa hễ nắng hạn lâu ngày, dân làng cầu mưa thì được ngay. Rõ nhất là trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, các vị thần đã đẩy bom ra khỏi làng cho nổ ngoài đồng không mông quạnh, vì vậy trong chiến tranh, làng Quỳnh ít bị bom hơn các xã khác trong huyện
Cổ kính và hiện đại
Làng Quỳnh quê tôi là một ngôi làng nổi tiếng của Việt Nam về số người đỗ đạt được thể hiện qua câu truyền khẩu:  “Bắc Hà Hành Thiện – Hoan Diễn Quỳnh Đôi”, nơi đây xuất hiện nhiều ông nghè, ông cử, thượng thư, thị lang. Giữa làng có một ngôi đình cổ, uy nghi cổ kính được xây dựng từ thế kỷ thứ XIX, đã được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hoá quốc gia. Ngôi đình này có những cột lim to, một người ôm không xuể . Trong làng còn có năm cái giếng cổ với niên đại cách đây hàng trăm năm, vẫn được bảo tồn. Trước đây, hầu như làng nào cũng có giếng làng nhưng giếng đẹp, sâu, nước trong và thơm, dù hạn hán mấy cũng không bao giờ hết nước, và gắn với bao nhiêu là huyền tích và thần tích thì không phải làng nào cũng bảo tồn được cho đến ngày nay như làng Quỳnh.
Cũng  rêu phong cổ kính như đình làng là ba nhà thờ đại tộc của họ Hồ, họ Nguyễn và họ Hoàng, đây là ba ông tổ đã tạo lập và xây dựng nên làng Quỳnh Đôi . Và cũng là điều đặc biệt ở Quỳnh Đôi, làng còn có hơn một trăm nhà thờ các họ tộc, chi họ trên địa bàn kiến trúc cổ, được đầu tư xây dựng và trùng tu nâng cấp thường xuyên.
Nhưng có lẽ đến với làng Quỳnh, không ai là không cảm nhận được sự yên bình vốn có của làng quê Việt Nam xa xưa, dẫu bây giờ Quỳnh Đôi đã giàu và đổi mới. Xây dựng và bảo tồn sinh thái, môi trường sống cũng rất tốt. Những con đường hay ngõ xóm trong làng, thay cho cỏ mọc um tùm là bê tông vào tận cổng  và là những dãy bờ rào xanh mướt và sắc hoa rực rỡ. “Tấc đất bây giờ là vàng” nhưng hầu như dân làng Quỳnh ai cũng dành vài ba thước đất phía trước sân, dọc lối đi để tạo cho nhà mình một vườn hoa nho nhỏ với mươi lăm chậu cây cảnh. Ngay tại trung tâm xã, bên cạnh những nhà cao tầng là nơi làm việc của cơ quan chính quyền, đoàn thể, còn có một hồ rộng thả đầy sen. Những ngày hè, sen đua nở, toả hương thơm nồng nàn, như níu chân người đi.
Ở đây, nhà cửa được xây dựng theo kiểu kiến trúc của làng quê Việt, vừa cổ kính nhưng cũng rất hiện đại. Lấy vẻ đẹp tự nhiên, truyền thống làm nét chính trong kiến trúc, công năng gắn với văn minh, tiện nghi và một môi trường trong lành. Hầu hết các gia đình trong làng đã các tiện nghi để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống.
Và thật lạ, khi hàng hoá tràn ngập vào tận các quán xá trong ngõ ngách, người làng Quỳnh vẫn giữ thú vui đi chợ Nồi mua sắm. Chợ Nồi đã có từ mấy trăm năm nay rất giản dị mà sầm uất, từng dãy hàng cây nhà lá vườn tươi roi rói, vẫn giữ được nếp sinh hoạt, mua bán theo phiên. Chợ Nồi họp tháng ba mươi phiên, mua bán những sản vật nhà nông và sản phẩm làng nghề truyền thống lâu đời. Từ khi hình thành đến nay, kể cả thời chiến tranh ác liệt, chợ chưa nghỉ ngày nào, trừ ngày mồng một tết, thế mới lạ.
Phúc trạch yên ấm
Thời hợp tác xã nhiều nơi, trải qua biến động thời cuộc, đã làm thất lạc mồ mả tổ tiên ông bà, dẫn đến tranh giành đánh nhau giữa các dòng họ, các gia đình khi xây dựng nghĩa trang. Nhưng ở Quỳnh Đôi thì khác, mồ mả ông bà tổ tiên vẫn được chăm nom, săn sóc chu đáo. Việc này được làm rất tốt nhờ ý thức sâu xa vốn có từ ngàn xưa. Có lẽ không có làng xã nào từ khi khai cơ lập ấp dài hơn sáu trăm năm rồi mà vẫn còn giữ nguyên được phần lớn các phần mộ của tổ tiên từ thế hệ thứ nhất đến giờ. Các dòng họ hầu như ít bị thất lạc ngôi mộ nào. Khi bỏ ruộng vào hợp tác xã thì qua bao nhiêu biến động, nhập vào tách ra, kênh mương đường sá, đến cả đình chùa miếu mạo linh thiêng cũng sáp nhập nhưng không hiểu sao làng Quỳnh Đôi vẫn yên ả. Nghĩa trang ba trăm năm vẫn nguyên vẹn, từng ngôi mộ đều còn bia, ghi công tích, danh tính… theo thế hệ từ trên xuống dưới, quy củ, ngăn nắp. Gia phả các dòng họ cũng được con cháu qua các đời gìn giữ cẩn thận.
Điều đặc biệt nữa là, trừ các ông bà tiên tổ và những người đỗ đạt, có công với đất nước thì phần mộ có to hơn, còn lại tất cả, hàng ngàn ngôi mộ đều tăm tắp một hạng thống nhất, thể hiện một quan điểm, dù nhà giàu, hoặc có con làm to đến mấy, khi đã chết, mọi người đều bình đẳng như nhau. Con cháu làm mộ cho ông bà cha mẹ không phải tính toán, băn khoăn suy nghĩ gì vì đã có vị trí và khuôn mẫu quy theo định chung của làng. Đó là sự công bằng mà cũng là sự khiêm nhu trong tính cách người làng Quỳnh.
Người làng Quỳnh xa quê thành đạt ở mọi miền đất nước, nhưng khi mất thì đưa hài cốt về nghĩa trang của dòng tộc quê hương, để con cháu sống ở nơi xa thường xuyên về hương khói cho người đã khuất, đó cũng là dịp thăm lại quê hương, xóm làng.
Làng khoa bảng
Làng Quỳnh xưa, Quỳnh Đôi trong Hoan Diễn là đất quan lại, thượng thư, thị lang, tổng đốc, triều vua nào cũng nhiều nhưng làng xưa nay đều trọng kiến thức, “trọng học hơn trọng quan”, rất tôn vinh những bậc đại khoa. Từ thời xưa, cách nay hơn ba trăm năm, năm 1638, làng Quỳnh đã lập Hương ước của làng, nhằm san định lễ nghi, quy chế, đạo lí, cách ứng xử với người trên kẻ dưới, với xóm làng, với người hàng xứ, với thiên nhiên sông nước một cách rất cụ thể, nghiêm ngặt. Quy cách ứng xử chung: “trọng đạo Thánh hiền, quý người văn học, khuyến khích nghề ruộng, hậu việc ma chay, bỏ việc xa xỉ, cấm điều gian dối”. Đối với người có chức sắc hay đỗ đạt: “hễ ai đỗ tam khôi tiến sĩ, khi rước về, cả bản hội đều phải có mặt, áo mũ chỉnh tề, đến đình làng để đón”. Trong các lễ hội diễn ra ở đình làng, quy định những người học cao, đỗ đạt làng có ưu đãi riêng. Chẳng hạn, khi ra đình làng, lúc ở văn hội thì ngôi thứ chỗ ngồi, xếp theo học vị. Người đỗ cao thì ngồi trên, quan to mà đỗ thấp hơn thì vẫn phải ngồi chiếu dưới. Ai đỗ cử nhân được làng rước từ Quỳnh Hậu về, ai đỗ tú tài thì họ tộc tự rước. Ai đỗ tiến sỹ, khi mất đến ngày giỗ hàng năm, làng có lễ và cử đoàn chức sắc đến cúng. Những người đỗ đạt, nếu không có con trai sau khi mất, được làng thờ ở Hiền từ của làng.
Ngoài ra còn có một sự tôn vinh nữa từ bao đời nay đã gắn với bao thế hệ con người ở quê tôi, hồi còn nhỏ đi đưa đám ma đã in đậm trong tâm trí của tuổi thơ tôi. Đó là quy định thành nếp – khi khiêng quan tài người quá cố đi qua nhà thờ của những bậc đỗ học vị cao – phải hạ đòn khênh quan tài – có nghĩa là đang khiêng trên vai thì hạ xuống khiêng tay, khi đi qua nhà thờ ấy mới đưa lên vai như cũ. Ngày nay, làng Quỳnh vẫn giữ được nét văn hoá đó. Khi đẩy xe tang hoặc ô tô chở quan tài đi qua nhà thờ các cụ đó, thường dừng lại một lúc, sau là đi chậm lại, cũng là cách “xin phép” rồi mới đi bình thường. Ngay cả đám trẻ con tinh nghịch chúng tôi hồi nhỏ cũng không đứa nào dám chỉ tay vào các nhà thờ người đỗ đạt, vì người lớn đã bảo chỉ tay vào đó các cụ phạt về nhà sẽ bị cụt ngón. Điều này đã trở thành một nét văn hoá đẹp của tất cả dân làng, thể hiện lòng kính trọng tôn vinh người có học vấn cao và đức độ. Chính những quan điểm đó đã nâng cánh cho những người con làng Quỳnh phấn đấu thành đạt.
Đối với môi trường sống hay tài nguyên thiên nhiên: “Ai đánh cá chỉ được dùng lưới thưa, cấm dùng lưới dày, nếu không cứ lời làng sẽ xé lưới hoặc đem về đình làng đốt” nhằm để bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên cho con cháu đời sau. Với các thầy đồ: “đã làm thầy dạy học thì phải nên giữ gìn mà tự trọng lấy mình, khi ăn nói, lúc đứng ngồi cho xứng đáng là người thầy”, “khi đi dạy xa không được ở trọ nhà các đàn bà goá”. Với người trong làng: “có người trên, hơn tuổi phải đứng dậy chào”, “đi đường gặp người già hay trẻ nhỏ có mang vác gì thì phải mang hộ, nếu dửng dưng là bị phạt”. “Bỏ bạn ốm giữa đường mà về, đi ra ngoài nói xấu người trong làng, ngồi không nói xấu nhau, xích mích nhau không để làng xử trước, mà kiện lên quan ngay…” đều bị phạt. “Phàm ai uống rượu thì phải có điều độ, không nên uống nhiều, nếu ai uống quá say, nói ầm ỹ huyên náo, nói cạnh khoé người ta, khen chê chính quyền trong làng, chửi bóng chửi gió làng xóm láng giềng, trêu ghẹo đàn bà con gái, đều là vì rượu làm nên cả, làng bắt phạt lợn 1 con giá sang tiền là 1 quan 5 tiền”. Phục vụ sản xuất nông nghiệp, Hương ước cũng ghi rất rõ: “Các rãnh cống là nơi để cho nước chảy khi có nước mưa ngập lụt, ở dưới cống Hói Nồi, cống Ông Hành đã mở rồi thì các cống ở trên đều phải mở cả cho nước chảy, không được ngăn lấp để thả lừ đơm cá làm hại lúa má, ai làm trái điều ấy phải phạt lợn 1 con giá 1 quan 5 tiền”.
Làng của những ông đồ Nghệ
Ông đồ xứ Nghệ là biểu tượng cho tinh thần cần cù, chịu thương chịu khó, ham học và đầy cương trực. Nói đến ông đồ Nghệ là nói đến những người nghèo mà thanh cao, coi trọng sự học và khoa bảng. Làng Quỳnh xưa có rất nhiều ông đồ Nghệ, đem chữ thánh hiền dạy cho lớp học trò khắp cả nước bởi nơi đây là đất học, có truyền thống khoa bảng. Năm nào đến khoa thi, Quỳnh Đôi không có đến hàng ngàn nhưng cũng phải đến hàng trăm sinh đồ lều chõng lên đường ứng thí. Và khi lễ xướng danh kết thúc, trong hàng trăm sinh đồ làng Quỳnh ấy không phải ai cũng đỗ ông nghè, ông cống, không phải ai cũng ông cử, ông tú mà nhiều người rơi vào phận hỏng thi. Ai kiên nhẫn và có điều kiện thì dùi mài kinh sử đợi ba năm nữa, còn không thì “tứ xứ hành” đi làm ông đồ gõ đầu trẻ. Đỗ đạt thì được bổ đi làm quan, không đỗ thì đi làm thầy đồ, đi đâu cũng gặp thầy đồ Nghệ làng Quỳnh
Năm 1856, làng Quỳnh 1.856 khẩu, đến năm 1945 lên 4.500 khẩu. Từ đó đến nay đã trên 70 năm, dân số ở xã cũng xấp xỉ 4.500 – 5.000 khẩu. Thời trước đi làm ông đồ, thời nay đi làm cán bộ, công nhân viên nhà nước. Ủy ban xã bao giờ cũng tạo điều kiện tốt cho mọi người đi thoát li, khuyến khích đi, đi để học tập khoa học kĩ thuật, học quản lí, mới có thể thành đạt, thành người đảm nhiệm trọng trách lớn trong xã hội, đưa công sức xây dựng đất nước và có cơ hội thành công và trở về giúp đỡ xây dựng quê hương Quỳnh Đôi. Đó không những là trách nhiệm mà là tấm long của người con xa quê. Số người làng Quỳnh đi nay đi thoát ly trên khắp cả nước và thế giới hiện nhiều hơn số dân còn ở lại làng. Trong số 4.700 người sinh sống tại làng Quỳnh thì cũng có đến 3.300 người hưởng lương hưu hoặc phụ cấp của nhà nước.
Làng của những tấm lòng hiếu nghĩa
Những đứa con ra đi từ bờ tre gốc rạ làng Quỳnh nay thành đạt, trở thành những giáo sư, tiến sĩ, bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch, bí thư tỉnh, giám đốc, viện trưởng, tướng lĩnh,…không ai lơ là hay ngoảnh mặt lại với nơi chôn rau cắt rốn của mình. Nói đó là tính cách của người làng Quỳnh hay là đạo lí, là văn hoá của một ngôi làng mà biết dựng Hương ước cho dân sống theo đạo lí cách đây những ba trăm năm, cũng được. Những người thành đạt ấy, trở lại thành tâm và hăng hái cống hiến, vun đắp cho nơi mình sinh ra.
Năm 1528, ông Hồ Nhân Hy, đỗ Giám sinh, đã về quê dựng Nhà thánh, dựng chùa Quỳnh Thiên, đổi tên trang Thổ Đôi thành làng Quỳnh Đôi. Thượng thư bộ Lễ Hồ Sỹ Dương đã cung tiến cho làng 24 mẫu ruộng làm binh điền và 40 mẫu ruộng tốt khác làm ruộng học điền. Ông Hồ Phi Tích, Thượng thư bộ Hình, tước Quỳnh Quận công, đã bỏ tiền thuê công mua ruộng đắp con đường chính từ Quỳnh Hậu xuống Quỳnh Đôi dài hai cây số, làm hai cống đá, làm đường xuống Hói Nồi. Ông Phạm Đình Toái bỏ công, bỏ tiền dựng ngôi đình làng năm gian gỗ lim to lớn. Thời nay, ông Hồ Đức Việt một người học giỏi có tiếng của làng, khi thành danh, ông đã ủng hộ xây dựng trường học, nhà truyền thống và thư viện xã. Ông Phan Tam Đồng, ông Nguyễn Như Vỹ hỗ trợ xây dựng giao thông, đường điện… Cụ Lê Xuân Kiêm định cư ở Pháp, đã xây dựng và cung cấp trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại cho Trạm Y tế xã, phục vụ nhân dân quê hương. Cụ còn đầu tư xây dựng Trường Mầm non. Hiện nay con cháu của cụ đang có kế hoạch xây dựng nhà dưỡng lão cho người cao tuổi của xã. Thiếu tướng Công an Hồ Sỹ Tiến đã vận động bạn bè, người thân xây dựng cổng làng Quỳnh. Bà Phan Thị Quỳnh Như là con gái của làng đi làm ăn xa hàng chục năm nay, xây cho làng một nhà tang lễ có quy mô như nhà Tang lễ quốc gia. Bà Phạm Thị Loan – nguyên đại biểu Quốc hội xây hồ sen ngay trung tâm làng. (đoạn bà kim thoa bỏ)Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Thiếu tướng Phạm Dũng Tiến và các tướng lĩnh con em của làng đã cùng nhau góp tiền, góp sức xây dựng Bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Cù Chính Lan. Ông Hồ Đức Nhân cải tạo và nâng cấp Bia tưởng niệm liệt sĩ. Ông Dương Minh Ngọc xây Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ 1930 – 1931 và xây dựng vườn cây khuôn viên thể dục cho làng. Con em đang công tác ở huyện luôn hướng về quê hương, cùng nhau xây dựng cổng chào điện tử, cột cờ Đồng Tương, khôi phục lại cống đá và một số di tích khác trong làng.
Dù xa hay gần, không kể địa vị cao thấp, là con em, cháu chắt làng Quỳnh đều muốn hướng về quê hương nhiều hơn, luôn muốn đóng góp cho quê hương nhiều hơn. Có khi chỉ là: trồng cây hai bên đường, làm cổng ra nghĩa trang, lắp đặt đường điện sáng trong làng, hoặc một số thiết bị văn hoá của dân làng, v.v.  đó là những tấm lòng đáng ghi nhận.
Thêm nữa, người làng Quỳnh, từ xưa, dù làm to đến mấy khi về quê đến đầu làng đều xuống kiệu, xuống cáng hoặc xuống ngựa, đi bộ về nhà. Và cũng từ xưa đến nay người làng Quỳnh có đi xa bao lâu, làm bất cứ việc gì trong nước hay ngoài nước đều giữ nguyên được âm giọng Quỳnh Đôi. Gặp nhau ở đâu đó, ở Nga, ở Pháp, ở Mỹ, dù không biết nhau nhưng nghe giọng nói, biết ngay là người làng Quỳnh Đôi.
Thương người như thể thương thân
Tôi nói với bạn tôi rằng, giọng nói, tập tục, nguồn gốc…là những yếu tố tạo nên sự cố kết, tính bền vững của cộng đồng làng Quỳnh của tôi, nhưng bạn tôi bảo, chính tình thương yêu, lòng vị tha giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng làng mới là điều cốt yếu, quan trọng. Có lẽ đúng như vậy thật.
Các cụ kể, trong nạn đói năm 1945, làng Quỳnh vượt qua được, không có ai bị chết đói. Ấy là vì nhiều nhà giàu có, trong cơn hoạn nạn, đã biết chia sẻ bát cơm, thìa cháo của mình cho người nghèo khổ hơn. Nhiều người không dư dả gì nhưng đã đưa cơm, cháo, khoai luộc… để sẵn ngoài cổng hoặc đưa ra đình làng cho người thiếu đói đến ăn. Biết “thương người như thể thương thân” nên cả làng không ai bị chết đói.
Rõ ràng lòng nhân ái, tình yêu thương con người, trong đó có tình làng nghĩa xóm, máu mủ ruột rà, là sợi dây cố kết chắc chắn nhất, vững bền nhất cho sự phát triển cộng đồng làng. Trong cuốn Quỳnh Đôi kim cổ sự tích hương biên, làng Quỳnh họp lại cùng nhau ăn thề: “Người trong làng phải thương yêu đùm bọc lấy nhau như anh em ruột thịt”. Đó là năm thứ 2 Dương Hoà – 1638, ngày 20 tháng 6. Mỗi nhà đều đứng lên đọc Lời thề : Tôi là… tuổi… ở làng Quỳnh Đôi cùng vợ con tôi ở trong làng, nếu có ăn trộm gà, lợn, lúa má vải lụa và tôm cá trong đầm hoặc làm sự gì không thuận làng xóm thì đến khi chết không được xin mọi người đưa ma. Hoặc cùng với người có tội, nói ra có ý không đồng lòng hợp sức với làng, hoặc có kẻ oán làng vì việc công để vợ con chuyện trò với nó, tỏ ý oán thán thì tôi xin uống chén máu này, cúi đầu xin thần linh soi xét”. Đây có lẽ là hội thề độc đáo nhất trong lịch sử Việt Nam, thề thương yêu đùm bọc nhau.
Ngày nay, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái trong làng, trong xã của lời thề ba trăm năm xưa vẫn còn nguyên vẹn trong ý thức mọi người. Ai già yếu đơn côi không nơi nương tựa thì đã có các gia đình có điều kiện tự nguyện phụng dưỡng suốt đời.  Giàu không cao ngạo, nghèo không tự ti. Với khách vãng lai hay khách du lịch cũng vậy, ân cần, cởi mở và sẵn sàng giúp đỡ.
Làng Quỳnh của tôi, là một địa chỉ văn hoá, chưa đầy một cây số vuông mà đã có tới 10 di tích lịch sử cấp quốc gia đã được xếp hạng, mới đây Sở Du lịch Nghệ An đã đưa làng Quỳnh vào tua du lịch nội địa với những điểm tham quan: các di tích lịch sử văn hoá – tâm linh; những xưởng sản xuất hương trầm gia truyền nổi tiếng hàng trăm năm nay, thưởng thức ẩm thực dân dã nổi tiếng “bún, giá, cá, ruốc” được truyền tụng trong dân gian. Và sâu hơn, cao hơn là làng Quỳnh với trầm tích văn hoá khoa bảng, với hội thề của lòng thương người dài mấy trăm năm, không nơi nào có được.
Đến đây, tôi muốn dẫn lại câu “Bắc Hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi” để nói Quỳnh Đôi lắm quan, nhiều khoa bảng, triều nào cũng có người đỗ đạt. Cũng là tôi muốn nói, có nhân kiệt như vậy là do địa linh, có một Quỳnh Đôi mà mỗi bờ tre gốc rạ cũng đầy huyền tích và giai thoại như vậy là do tổ tiên, những người đầu tiên đến khai trang lập ấp dựng làng, mộ dân, lập Hương ước làng, xác định một nền đạo lí làm người cho dân làng mà mảnh đất này trở thành địa linh.
Tôi không thể không ngạc nhiên khi lần đầu được đọc Hương ước của làng, ra đời cách đây hơn ba trăm năm, đã sớm san định những lễ nghi, đạo lí làm người cho làng xã mình mà có tầm bao quát cả thiên hạ, cả muôn đời, có những điều ngày nay mới hiểu ra và thấy cần thiết như không đánh bắt cá nhỏ, vi phạm thì bị chịu hình phạt rất nghiêm khắc: xé bỏ lưới, không xuê xoa, không hối lộ cân cá rồi thôi. Hương ước của làng mà sánh ngang tầm với luật lệ, hiến chương, cương lĩnh, đạo lí dẫn dắt thiên hạ vậy! Lại được mọi người dù sang hay hèn đều tuân thủ một cách nghiêm minh. Vì thế cho nên, mới có một làng Quỳnh xưa triều vua nào cũng có người đỗ đạt cao, và một làng Quỳnh hôm nay đóng góp cho nước nhà nhiều quan chức, tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà thơ, nhà văn và người làng Quỳnh ở xa hay gần đều hướng về quê hương bản quán, sống nhân hậu nghĩa tình vun đắp thêm truyền thống quê hương ngày càng đẹp giàu.
6/2/2021
Hồ Ngọc Quang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bảng Lảng Như Hoa Mùa Xuân Như lệ thường, gần đến Tết, tôi chạy xe vòng quanh phố. Mọi thứ như đang vươn sức xuân. Mảng tường nhà ai đ...