Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2024

Với người nghe một khắc xuân

Với người nghe một khắc xuân

Có một điều mà tất cả chúng ta rất giống nhau là không thể nhớ những cái Tết đầu tiên của cuộc đời mình. Cho đến lúc chúng ta biết nhớ về nó thì hẳn đó là chỗ, là khoảng rất được coi trọng, trân trọng và cứ thế dần dần từng ít một, từng năm một, Tết đầy ắp mùi vị, cảm xúc, kỉ niệm trong mỗi người. Có thể Tết nghèo khổ, thiếu thốn, cũng có thể không may cho ai đó có một cái Tết gặp chuyện đau buồn, dù thế thì Tết, mùa xuân, năm mới vẫn là những khấc dấu nhớ thương của đời người.
Ban đầu ta biết về Tết rất đơn giản nhưng theo thời gian, cứ mỗi năm gặp lại ta hiểu, cảm thêm từng ít một về nó. Càng thêm tuổi càng quen thuộc Tết, người ta càng thêm tinh tế và cảm nhận về Tết được nhiều hơn.
Tôi chứng kiến con người trước lễ, trong lễ và sau lễ Giao Thừa, ít nhất trong chừng hai mươi tư giờ đồng hồ người ta chờ và đón Giao Thừa rất trang trọng, cung kính. Trong quan niệm của người phương Đông, Tết âm lịch, Tết Nguyên Đán hay là Tết cổ truyền, rất quan trọng. Tết là mới, là thiêng liêng, trọng đại, nó chứa đựng những điều mà con người rất tin yêu. Tết là hội tụ những tinh hoa, tinh túy, nó dần thấm vào mỗi người, sâu dần thêm mỗi năm.
Những phong tục, lễ nghi rất phương Đông, rất gia đình thể hiện qua Tết rất rõ và con người nhập tâm rất nhiều điều từ Tết. Những dấu ấn về sự linh thiêng, những niềm tin từ đó khởi lên, tin may mắn, tin về sự đổi thay, tin về sự lớn lên, vượt lên. Tết cho con người cảm xúc cổ tích đó là tin đấng siêu nhiên sẽ phù trợ, ban phước. Tết là nhớ về, trở về với những thân thuộc rất truyền thống và cũng để từ đó tâm trí, ý nghĩ của con người sinh nở những cảm xúc đẹp, những điều mới mẻ tốt lành.
Tết có tục mừng tuổi, thêm Tết là thêm tuổi, Tết được coi là mốc dấu để tính sự lớn lên, trưởng thành của mỗi người. Tết, là khi đất trời trọn vòng quay lớn, lặp lại thêm một chu kì sinh tạo, chồi mới nảy lên, cây thêm tuổi, thêm khấc, mùa trái vừa qua hoa lại nở, hàng năm cứ thế và con người quen hương khí của đất trời, quen vòng sinh diệt, quen Tết. Quyện trong những gì ngọt ngào thơm bùi mà con người tạo ra là khí đất trời thanh xuân, nên Tết là thời khắc bừng dậy nhiều sự sống, sức sống.
Tôi nhớ những cái Tết trẻ con mong bánh kẹo, áo mới, những cái Tết mà ông bà, cả làng chạy đua cùng thời gian, lo bán rau củ quả. Trẻ con chộn rộn chờ đón tết, còn người lớn năm nào cũng vậy, phải lo bao chuyện, vất vả từ ngoài vườn, ngoài sân, ngoài đường, mua bán sắm sanh, và rất bận rộn vào tuần cuối cùng của năm âm lịch.
Tết gắn với nỗi lo Tết của người lớn, ông tôi gói bánh, lo củi lửa cho nồi bánh chưng, bà sắm lễ, lo nồi thức ăn nhiều hơn ngày thường, lo đôi mía dựng góc ban thờ, đôi câu đối mới, chút ít bánh kẹo… Lo được ngần đó, đơn sơ thôi nhưng ông bà cũng phải tiết kiệm, lo lỏm và bận rộn lắm. Có xôi thịt bánh trái để cúng kính, ăn uống hai, ba ngày Tết là sự chắt chiu, cố gắng rất nhiều của mỗi gia đình thời cả nước còn nghèo khó.
Tết, trẻ con xem nghe người lớn làm, người lớn lo lỏm, người lớn dặn dò, bày vẽ. Mâm cỗ thờ cúng ông bà tổ tiên, thiên địa không được nếm thử trước. Phải cẩn thận, không làm gì, nói gì sai sót mà xui rủi. Mồng Một đầu năm không để bị mắng mỏ, biết mang lại niềm vui. Sáng sớm Mồng Một Tết đàn bà con gái không đến nhà người, nếu đi thì đi sau đàn ông. Tết thăm hỏi chúc tụng, ăn ngon, mặc đẹp, mừng tuổi… Cứ thế, Tết như là cái khung ngay ngắn, quá quen thuộc, đến mức người ta kêu là nhàm chán, hình thức. Quả thật có nhàm chán, hình thức là cũng bởi tại con người vậy.
Với vườn nương dậy mùi rau củ tôi có Tết tuổi thơ hồn nhiên, với núi đồi rực rỡ hoa đào, tôi có Tết e ấp, rạo rực tình yêu đôi lứa. Và khi đã làm mẹ, làm vợ, phải gánh vác lo toan, Tết dần dần khiến tôi đảm đang, mạnh mẽ, mỗi năm học thêm ở Tết một ít, những gì bà và mẹ, ông và cha từng làm, đến lúc mình cũng phải học làm, Tết là chợ Tết, bếp Tết, đến ban thờ Tết, là bận bịu, là chu toàn, là tùy duyên tùy cảnh mà lo cho trọn vẹn trước sau với hi vọng có được một năm an vui, hạnh phúc.
Thêm Tết là thêm nếm trải. Hết thời thơ trẻ hồn nhiên, khi đời người bước vào nhiều nỗi lo lắng, chồng chất bao khó khăn, nếm trải của đời người nhiều dần, thậm chí cuộc sống dẫn dắt con người đến những rối ren phức tạp, đến mức có người, có nhà chỉ đón tết bằng tâm, vật chất không có gì vì nghèo khổ quá.
Tết xưa, bánh kẹo Tết được chúng tôi thưởng thức với nhiều háo hức chờ đón, trân trọng dành dè. Mặc áo mới ngày Tết thời kì thiếu thốn cũng cảm thấy hạnh phúc như rộng lớn hơn. Nhớ Tết xưa nghèo thiếu, còn Tết nay đã khác nhiều. Tết nay đầy đủ, sung túc hơn và có vẻ như cũng phải gồng gánh thêm nhiều chuyện hơn. Sự thanh nhẹ, chừng mực cho Tết lại tùy ở mỗi gia đình, còn xã hội ngày nay nhìn chung là làm lãng phí, dư thừa. Đâu đó Tết cũng đơn giản, thanh nhẹ, nhưng nhiều nơi nhiều nhà vẫn nặng nề, bề bộn, ít hứng thú.
Những nếm trải của mỗi người thường được nhắc nhớ lại nhiều vào thời khắc Tết. Hẳn con người ta càng nếm trải càng biết giữ cho Tết, cho lòng thanh nhẹ, thảnh thơi? Biết làm sao cho vừa vặn, phù hợp với hoàn cảnh? Tết Thanh nhẹ, trang trọng đó thật sự là văn hóa.
Tết nói rất nhiều điều, mỗi Tết ta nghe mỗi khác. Mỗi năm được gặp Tết một lần, càng quen thuộc, thân thuộc càng nhận ra nó có sự bí ẩn. Sau những việc, những tục lệ, lễ nghi phải làm phải theo, đã thành phong tục thành truyền thống, Tết có những bí ẩn mà con người khó nhận biết. Tết, có người chỉ nhìn vào phần xôi thịt, lễ cúng, nhưng có người còn nhìn vào hồn khí linh thiêng của đất trời vạn vật. Nên Tết, có thể chỉ cây hương, đĩa kẹo, chén nước, ít muối, gạo và chùm hoa nhỏ rồi thành tâm lễ với trời đất tổ tiên, lắng nghe, trân trọng chu kì sinh nở mới của trời đất vạn vật, lắng nghe sự hòa hợp của mình với vũ trụ, nghe giao mùa, nghe xuân sang, tiễn đi những cái cũ cần được vứt bỏ, giữ lấy những cái cũ nối hòa vào cái mới làm thành bước đi mới, bước chuyển mới… vậy, dù còn nghèo khó cũng có Tết hạnh phúc.
Tôi cũng đầy ắp kỉ niệm về Tết. Tôi có được những cái Tết ở những miền đất khác nhau với vô vàn sắc vị. Với tôi, Tết là đậm đà văn hóa dân tộc, Tết là những tự soi của con người. Tôi thích từng người, từng nhà, từng làng, phố… cùng chung giữ hồn Tết nét Tết mạnh khỏe, đầm ấm, thanh tao.
Cùng với không gian, thời gian, những cái Tết cộng thêm vào đời người những vạch mốc cho ta đong đếm tuổi tác và kỉ niệm, cho ta hiểu rõ hơn về tự nhiên, những vòng vần xoay của sự sống. Những đổi thay từ trong những lặp lại. Một Trăm mùa xuân, một trăm cái Tết đó là những gì mà một đời người có thể nếm trải, thẩm thấu để hiểu hơn về mình về tự nhiên và cõi nhân sinh.
10/2/2021
Hồ Thị Ngọc Hoài
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bếp Xưa Bao năm chắt chiu giành dụm, An sửa lại căn nhà cho ra dáng vẻ nhà được nâng cấp từ chỗ ổ chuột thành nhà cấp bốn có đôi chỗ á...