Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2024

Vùng quê của những huyền thoại

Vùng quê của những huyền thoại

Tháng mười, sự giao mùa quất vào không khí oi nồng. Không chút gió, nắng vẫn trải dài trên những cánh đồng chỉ còn trơ lại gốc rạ. Ngồi trên xe ô tô, hướng tầm mắt ra khoảng xanh rờ rỡ từ cây cối, từ những dãy núi nối hàng của huyện Nga Sơn, lòng tôi có chút chếnh choáng, say với một miền non nước như tranh đang hiển hiện trước mặt. 
Dẫu biết từ lâu, vùng đất này đã nổi tiếng với rất nhiều “sản vật” du lịch, với những địa danh thăm thú, khơi gợi hứng khởi của người đến chiêm ngưỡng, khám phá, đậm đặc sự yêu mến, luyến lưu của người đi. Ấy nhưng tôi vẫn thấy có chút gì lâng lâng, thảnh thơi trong những cung bậc cảm xúc khi về thăm Nga Sơn.
Không mất nhiều thời gian để đến với trung tâm huyện Nga Sơn. Phải thú nhận rằng, dù đã được đi đến nhiều nơi, được chứng kiến sự thay da, đổi thịt không ít của những miền quê trong tỉnh, nhưng quả thật, khi thị trấn Nga Sơn hiện ra, tôi đã nhầm tưởng mình vẫn đang lòng vòng trong thành phố, trung tâm phát triển của tỉnh chứ không phải là một huyện lỵ. Nhà tầng chen nhau, hàng quán san sát, xe cộ tấp nập. Dường như ở nơi này, cái ranh giới phố thị và vùng quê đã không còn tồn tại nữa. Phải nói rằng Nga Sơn trong cảm nhận của tôi bây giờ giống một nàng công chúa tròn sắc, căng đầy sức sống với những nét tươi mới rất đáng tự hào.
Tiếp chúng tôi tại trụ sở huyện ủy khá khang trang và bề thế, anh Mai Đức Bình, Phó trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy hồ hởi cho chúng tôi biết những kế hoạch đang được Đảng bộ huyện và nhân dân Nga Sơn mong chờ, chuẩn bị. Đó là kỷ niệm 130 năm khởi nghĩa Ba Đình, 70 năm thành lập Đảng bộ huyện. Những công tác cuối cùng được gấp rúttiến hành. Dù công việc bận bịu, có phần ngổn ngang và mệt nhọc, nhưng đôi mắt anh ánh lên niềm phấn khởi, giọng nói hồ hởi. Tôi nhận ra tình yêu của anh đối với quê hương, với vùng cói nổi danh này đã ngấm vào máu thịt sâu đậm đến thế nào. Khi biết ý định của tôi sẽ khám phá những điểm du lịch ở quê hương mình, anh Mai Đức Bình, vừa rót nước, vừa cười nói:
– Nga Sơn là vùng đất cổ, các địa danh ở đây đều gắn với các truyền thuyết như Mai An Tiêm, Từ Thức – Giáng Hương, chùa Tiên xứ Phật cõi trần… Chính vì thế, mảnh đất này có thể gọi là mảnh đất của những huyền thoại. Còn để hiểu sâu, hiểu kỹ hơn về những danh lam thắng cảnh của Nga Sơn có lẽ để mình gọi anh Mai Văn Dũng – Trưởng phòng văn hóa – thông tin của ủy ban nhân dân huyện sang tiếp chuyện các bạn. Dũng là cán bộ say nghề, rất am hiểu các danh thắng, sẽ tha hồ mà khai thác.
Sự hóm hỉnh, cái nheo mắt lém lỉnh của Mai Đức Bình, nhất là khi anh giới thiệu cho tôi đúng người mà tôi đang cần trong ý định của mình, càng khiến tôi thấy chộn rộn trong lòng. Không như tôi nghĩ, người làm văn hóa thường là người đã có một bề dày về nghề, luôn trầm ngâm và suy tư. Nhưng với Mai Văn Dũng, anh là một cán bộ còn khá trẻ, chính vì vậy, anh hoạt bát, năng nổ và anh đã cho tôi khá nhiều điều thú vị về mảnh đất này.
Trên địa bàn Nga Sơn, di tích đan xen nhau, ước tính cứ hai ki lô mét có một di tích. Đặc biệt, xã Nga An và xã Nga Thiện, mỗi xã có tới ba di tích cấp quốc gia. Đến với Nga Sơn là đến với động Từ Thức kỳ thú, huyền ảo, đậm chất nhân văn. Đến với cảnh đẹp chùa Tiên để chiêm nghiệm những giáo lý của nhà Phật với chúng sinh. Thưởng ngoạn hồ Đồng Vua như chiếc gương trong, bốn mùa nước xanh ngăn ngắt, soi bóng rừng cây. Đến Nga Sơn thăm đền thờ Mai An Tiêm dưới chân núi Quả Dưa để nghe “Sự tích quả dưa đỏ”, thấm sâu bài học làm người vẫn truyền dạy đến mai sau. Nga Sơn được xếp là một trong mười khu vực trọng điểm khai thác du lịch của tỉnh Thanh Hóa, với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Nga Sơn còn là miền đất gọi về nguồn cội. Dải đất dầm mình bên chân sóng này từng in dấu nhiều chiến công và kỳ tích phi thường trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc, có thể kể tên những di tích lịch sử ở huyện Nga Sơn như: Chiến khu Ba Đình, đền thờ Trần Hưng Đạo, đền thờ Triệu Quang Phục, đền thờ nữ tướng Lê Thị Hoa, Đại tướng Trịnh Minh… Tất cả tạo nên một vùng quê huyền thoại, một tiềm năng du lịch quan trọng và rất riêng. Đến bất cứ nơi đâu trên miền đất cổ được phù sa bồi đắp này, đều có thể bắt gặp những danh thắng, mang đậm hồn người. Mặt khác, khoảng cách giữa các khu di tích rất thuận lợi cho việc thiết kế tour, tuyến thu hút khách du lịch. Theo thống kê, hàng năm, số khách đến tham quan đạt khoảng 23.000 lượt người, doanh thu đạt khoảng gần 100 triệu đồng.
Theo chân anh Mai Văn Dũng, tôi đến thăm khu di tích lịch sử Ba Đình nằm trong khuôn viên Trường THCS Ba Đình trong cái nắng dát vàng trên những lối đi. Tiếng giảng bài vọng lại từ các lớp, vài ba nhóm học sinh trong giờ học thể dục, đủ để khơi gợi những kỷ niệm trên ghế nhà trường, cho tôi chút mênh mang khó tả.
Căn cứ Ba Đình cách trung tâm huyện Nga Sơn bốn ki lô mét, phía Tây Bắc giáp huyện Hà Trung, được xây dựng trên địa bàn ba làng là Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê. Trước đây vào mùa mưa, căn cứ này trông giống như một hòn đảo nổi giữa cánh đồng nước mênh mông, tách biệt với các làng khác. Bằng chất giọng nhẹ nhàng, ấm áp, Mai Văn Dũng kể cho tôi nghe câu chuyện về những trận đánh oai hùng diễn ra ở căn cứ Ba Đình. Câu chuyện như huyền thoại, sự bi tráng oai hùng như vẫn còn phảng phất trong nếp đất và tính cách con người nơi đây.
Bước trên con đường nhỏ lát gạch đã bạc mầu, khu di tích lịch sử Ba Đình có phần đơn lẻ trong không gian chung của trường học. Nếu không được giới thiệu từ trước, không nhìn thấy dòng chữ “Di tích lịch sử văn hóa – Căn cứ khởi nghĩa Ba Đình” trên tấm bia, có lẽ rất khó nhận ra đây là chiến khu Ba Đình đã đi vào lịch sử. Chiến khu giờ chỉ còn là một núi đá nhỏ mọc đầy cây cối và cỏ dại, đồng ruộng và nhà dân bao quanh. Ngay lối dẫn vào bên trong căn cứ, tôi có thấy một nhà bia, nhưng lại không hề có tấm bia nào được đặt bên trong. Anh Dũng cho biết: năm 2008, nhà bia này đã được đầu tư xây dựng gần 100 triệu đồng. Giờ nhà bia vẫn còn, nhưng theo thời gian, tường gạch đá bong tróc nhiều chỗ, rêu mốc phủ kín. Ngước mắt lên những tán bàng, ánh nắng hắt xéo qua kẽ lá, in những vệt sáng xuống mặt đất đủ mọi hình thù. Tôi nghe đâu đó bên tai mình âm thanh của một thời trận mạc thoảng trong tiếng gió rít qua những hàng tre của thành lũy xưa kia. Có một chút buồn man mác trong cái nắng đầu đông cứ len nhẹ trong tâm hồn tôi, xót xa khi tận mắt chứng kiến sự bào mòn của thời gian đang xóa dần đi những di tích ghi dấu một thời hào hùng của dân tộc mình. Phải chăng cần lắm, gấp lắm những phương án, những cuộc hội thảo, những bàn tay nắm lấy nhau cùng gìn giữ, cùng khôi phục lại những giá trị tốt đẹp của ông cha mình gửi lại cho con cháu mai sau. Bài toán ấy vẫn tưởng lời giải có sẵn đó, nhưng đắng đót thay, chúng ta vẫn loay hoay đi tìm mà không biết sẽ bắt đầu từ đâu và đến được đích như thế nào?
Chia tay với anh Mai Văn Dũng, những ý nghĩ trên vẫn cứ nhưng nhức khó tả, cứ cầy cựa trong long. Chợt nghĩ đến anh bạn viết Thịnh Kiên đang công tác tại Ban chỉ huy biên phòng cửa khẩu cảng Nghi Sơn, người ở xã Nga Hải,  từng nhiều lần mời tôi về chơi, tôi liền lấy điện thoại gọi cho anh và hẹn gặp nhau tại huyện Nga Sơn quê hương anh lần nữa.
Lần này đi, tôi rủ thêm mấy người bạn. Họ không cùng nghề viết, nhưng lại rất ham mê khám phá những vùng đất quê Thanh. Đón chúng tôi, anh Thịnh Kiên, chàng lính biên phòng có dáng người cao to, nước da đen giòn nhỏ nhẹ nói:
– Mình dù sinh ra và lớn lên tại Nga Sơn, nhưng thú thực chưa hiểu hết những địa danh trên quê hương mình. Có những điểm du lịch như động Từ Thức mình đến đó cũng đã cách đây gần chục năm mất rồi. Công việc và cuộc sống bận rộn chiếm hết cả thời gian, chứ không phải vì “lơ đễnh” với quê hương đâu nhé!
Đoàn chúng tôi lên đường đến động Từ Thức. Tôi háo hức đến lạ, bởi trước đó tôi cũng chỉ nghe, chỉ tưởng tượng qua những lời của bạn bè đi thăm động về kể lại mà thôi. Động Từ Thức được ví giống chốn bồng lai tiên cảnh nơi trần thế. Động còn có tên là động Bích Đào. Động Từ Thức nằm không quá cao so với mặt đất. Bất kỳ người dân nào ở đây đều có thể kể cho chúng tôi nghe vanh vách câu chuyện chàng Từ Thức gặp nàng Giáng Hương còn lưu truyền ở hang động này. Trong không khí mát mẻ, một chút gió len nhẹ, một chút nắng vàng ươm và phủ đầy mầu xanh của núi, của rừng. Động như ru lòng người chiêm ngưỡng. Những cảm giác nhẹ nhàng, thư thái ấy len sâu vào từng cảm nhận của tôi, để rồi tôi chợt giật mình, cái giật mình như bị mất thứ gì đó quan trọng tuột khỏi tầm tay. Ngay chính cửa hang một mùi nồng nặc, vừa hăng hắc vừa ngai ngái rất khó chịu. Tôi nhìn lại trong đoàn mình, ai cũng đang đưa tay xua liên tục. Những cái nhăn trán, nheo mắt khiến cho tôi có phần dè chừng. Tôi vội vàng đi sâu vào trong hang. Hang khá tối, vài ba ánh điện mầu le lói không thể giúp cho chúng tôi đi vào bên trong dễ dàng. Chúng tôi cầm đèn pin soi lên vách đá. Những nhũ đá sống động như một minh chứng cho câu chuyện tình yêu của Từ Thức và Giáng Hương xưa kia.
Để mặc mọi người say theo từng lời thuyết minh của cô hướng dẫn viên, tôi một mình cầm đèn pin lùng sục, say sưa ngắm nghía mọi ngóc ngách trong động. Có chỗ hang khá hẹp, bên dưới là đất ướt nhẹp, tôi vẫn cố khòm lưng để chui tận vào sâu. Quả thật tôi say, cái say của một hang động đẹp đến tròn trịa tầm mắt của người chiêm ngưỡng.. Điều làm tôi thích thú hơn đó là ngay dưới chân đi, những hình dạng đá tròn nhẵn, to nhỏ khác nhau như bầy ra theo trí tưởng tượng của con người. Xa xa tiếng lóc chóc của nước rơi, những giọt nước trong veo, man mát nơi bàn tay người. Thi thoảng có vài ba chú dơi sà xuống thấy ánh đèn lại vội vàng vút lên rồi chìm vào sự tịch lặng của hang động.
Khi ra đến cửa động, cái cảm giác khó chịu lại ập về, tôi hỏi cô gái hướng dẫn viên, gương mặt đã nhễ nhại mồ hôi.
– Sao động có mùi khó chịu vậy em?
– Mùi phân dơi đó chị!
– Phân dơi? Chị để ý thấy trong động cũng có dơi, nhưng không nhiều lắm. Vậy sao mùi lại bốc lên ghê đến thế. Mình không có biện pháp nào khắc phục hay sao?
Lời nói của tôi hình vô tình khiến gương mặt cô hướng dẫn viên thẫm lại. Giọng cô trầm buồn.
– Cũng can thiệp đủ cách rồi, lấy lửa hun khói để dơi bay đi, xông mùi thơm của hương liệu cây cỏ cũng chẳng thể nào át được. Có lẽ phải chờ cấp trên xử lý thôi, chị ạ.
Tôi hiểu nỗi lòng của cô, vẫn chỉ là câu nói quen thuộc khi địa phương gặp những vấn đề không giải quyết được, nhưng sao trong đôi mắt cô gái ấy cứ đau đáu một ánh nhìn như thúc giục, như hối lỗi. Trên đường đi ra xe để đến với đền thờ Mai An Tiêm, tôi quay lại thủ thỉ cùng anh chàng bộ đội biên phòng:
– Người Nga Sơn nổi tiếng là khéo ăn, khéo nói, khéo chiều lòng người. Chắc có lẽ nghề hướng dẫn viên du lịch đắt khách lắm, phải không anh?
– Ở đây ít người trụ được với cái nghề hướng dẫn viên lắm. Chủ yếu là “cha truyền con nối”, hay người nào thực sự yêu Nga Sơn đến không dời đi được mới trụ lại với nghề.
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, biến Nga Sơn thành một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh, UBND huyện đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đã được đề ra trong “Chương trình phát triển du lịch Nga Sơn giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn đến 2030”. Định hướng là thế, nhưng chẳng hiểu sao khi nghe Thịnh Kiên nói, tôi có cảm giác nghề du lịch ở Nga Sơn cứ như thuyền đi ngược dòng ấy. Sức đẩy càng mạnh thì độ ì lại càng cao, có lẽ vì thế mà du lịch ở đây vẫn cứ được nhắc đến bằng cụm từ “tiềm năng”.
Đường đến đền thờ Mai An Tiêm, sông nước, núi non vẫy gọi. Những ngã đường mùi lúa mới ngầy ngộn nơi đầu mũi, những ngôi nhà yên bình. Trước mặt đền thờ là cánh đồng lúa trải dài, lưng đền tựa vào núi như chiếc ngai vững chắc. Hai bên đền là hai dãy núi cao, một bên như một con rồng đang uốn lượn nên được gọi là núi Rồng Chầu, đầu rồng là một ngọn núi nhỏ. Tương truyền, đây là nơi Mai An Tiêm thường tới mỗi khi mong nhớ vua cha, cũng là nơi Mai An Tiêm đến thả dưa hấu, nhờ sóng biển đưa về đất liền, nên núi có tên gọi là núi Mong. Bên núi còn lại giống hình một con voi đang quỳ nên được gọi là núi Voi Phục. Theo chỉ dẫn của ông Đặng Văn Thiết, người có thâm niên 15 năm gắn bó với đền thờ, chúng tôi đi về phía cây đa già cội. Dưới gốc đa là một am nhỏ, mà ông Thiết cho biết đây là nơi thờ cúng Mai An Tiêm đầu tiên, trước khi đền thờ được xây dựng bề thế như bây giờ. Bên trong am thờ còn có một hang động mang tên Huyền Châu động. Hang cũng có nhiều tuyệt tác do đá tạo thành. Tôi nhìn vào cửa hang chỉ đủ để một người chui qua được, một mầu đen hoẵng, bên trong tuyệt nhiên thâm u, thi thoảng lại nghe như có tiếng gió rít vào khe đá. Tôi hỏi ông Thiết:
– Đã có ai vào trong Huyền Châu động chưa bác? Ở khu vực này có nhiều hang động như thế nữa không?
Ông chậm rãi trả lời tôi:
– Mỗi năm vào dịp lễ hội, có rất nhiều du khách soi đèn vào thăm thú động, ai cũng trầm trồ, tấm tắc mãi đấy. Cả dãy núi Voi Phục này bên trong đều có động, với những nhũ đá, muôn vàn hình thù vô cùng đẹp mắt. Ngay như bên trong động Huyền Châu này, có rễ cái của cây đa ăn sâu vào, ước chừng bằng bắp chân người lớn ấy chứ.
Bất giác tôi nghĩ đến những hang động của tỉnh Ninh Bình mà tôi đã từng được đi. Phải nói rằng Ninh Bình là nơi khai thác nghề du lịch từ những hang động kết hợp với sông nước rất giỏi. Họ cải tạo, đầu tư thỏa đáng cho những Tràng An, Tam Cốc, Bích Động, những Thung Nham… du khách vừa có thể đi thuyền, vừa được đi bộ vào trong hang động chiêm ngưỡng nhũ đá mà hít hà, mà xuýt xoa cho những khung cảnh kỳ vĩ mà thiên nhiên ban tặng. Mỗi ngày tại các điểm du lịch núi sông như vậy, tiền cũng theo nước mà chảy về. Vậy mà Nga Sơn của Thanh Hóa kém gì, nếu không muốn nói những hang động đang nằm ngủ im lìm kia biết đâu còn tuyệt sắc hơn nữa. Tôi nhìn dãy núi Voi Phục, dưới mỗi chân núi, đàn vịt đang nhẩn nha bôi lội, xa xa giống như những cục bông trắng, trông thật thích mắt. Tôi mường tượng thấy cái cảnh những con thuyền tấp nập xuôi ngược, trên thuyền đầy tiếng nói cười, tiếng trò chuyện của khách thập phương đang nô nức tiến vào chiêm ngưỡng cảnh sắc ấy, nhưng sực tỉnh, tôi lại thấy quanh mình chỉ là những ngọn núi ẩn chứa “vàng ròng” đang im lìm, vẫn đang say giấc trong cái “tiềm năng” du lịch vốn có của nó. Lòng bồn chồn, xót xa, luyến tiếc, tôi đưa mắt bao quát toàn bộ nơi am thờ cũ Mai An Tiêm. Cây đa có đến hàng trăm năm tuổi như một chiếc ô khổng lồ bao trọn lấy cả khoảng không gian thanh tịnh, im ắng. Hỏi ra mới biết, những người như ông Đặng Văn Thiết đã bao nhiêu năm gắn bó với nơi đây, nhưng mỗi tháng ông chỉ được hỗ trợ vẻn vẹn hơn một triệu đồng. Chỉ vì thấy cần có trách nhiệm với quê hương, với ông cha mình, cũng là muốn giữ gìn đất đai, cảnh đẹp cho con cháu mà những người như ông mới còn bám trụ lại.
Không đủ thời gian trong chuyến đi này để chúng tôi có thể đến hết các điểm du lịch của huyện Nga Sơn. Vẫn còn đó dòng Hoạt Giang, nơi có cửa Thần Phù, hòa mình vào Hàn Sơn linh tự – ngôi chùa cổ kính linh thiêng, đến với chùa Trúc Lâm trầm mặc, tượng Lã Vọng… Vẫn còn đó chùa Tiên với hồ Đồng Vụa… những món ẩm thực độc đáo như dê ủ trấu, rượu Chính Đại, gỏi nhệch luôn là lời mời gọi khách dù đã đến vẫn muốn quay lại với đất Nga Sơn.
Tôi đến xóm Trung Tiến, xã Nga Hải, trong cái dáng chiều đã bắt đầu lấp ló. Dù vậy. ngay từ con đường nhỏ dẫn đến nhà văn hóa thôn, những tiếng nói cười, tiếng chuyện trò rôm rả, còn cả tiếng đọc thơ cứ rộn ràng vang khắp. Anh Thịnh Kiên nhìn tôi, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt rắn rỏi:
– Nghe tin có người bên Tạp chí Văn nghệ của tỉnh về thăm, các bác xóm mình phấn khởi lắm. Gì chứ thơ ca văn nghệ xóm mình cứ gọi là như pháo nổ. Các cụ không chỉ lấy thơ làm vui mà còn lấy thơ để răn dạy con cháu nữa. Có bác còn được Đài Tiếng nói Việt Nam mời cộng tác bình thơ thường xuyên. Mình sẽ cho các bạn gặp nhé.
Tôi gặp bác Thịnh Văn Lời, Bí thư chi bộ đồng thời là chủ nhiệm câu lạc bộ thơ xóm Trung Tiến, xã Nga Hải, người mà anh Kiên vừa nhắc tới. Bác Lời đã gần bước vào cái tuổi bẩy mươi, dáng người cao, khắc khổ, nước da đem sạm. Nhìn bác ít ai nghĩ là người có “máu” văn nghệ. Nhưng nghe bác nói, rồi đọc thơ, thổ lộ về những tâm tư của người “nghiệp dư” thơ ca, mới hiểu hết ở con người ấy, sự đam mê về thơ văn, sự đắm chìm trong thú vui câu chữ đã trở nên không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày của bác. Tôi còn được rất nhiều các bác trong câu lạc bộ ríu rít “khoe” những bài thơ, những vở kịch gắn với vùng đất quê hương Nga Sơn của mình. Ở những đôi mắt đã đầy vết chân chim, những người đã lên chức ông, chức bà, thậm chí chức cụ, ấy vẫn rừng rực một niềm đam mê sống, bền bỉ, dẻo dai, khiến tôi khâm phục, ngưỡng mộ. Hàng tháng, câu lạc bộ lại tổ chức sinh hoạt, đôi lần trong những dịp kỷ niệm, họ lại tự biên, tự diễn những vở kịch cho xóm làng xem. Tiếng hát, tiếng cười cứ rộn lên không ngớt. Rất dễ hiểu mọi việc lớn bé ở thôn đều “xuôi chèo mát mái” là nhờ có sự đồng thuận, chung sức, chung tay của mọi tầng lớp, lứa tuổi. Ông Thịnh Văn Lời thổ lộ:
– Chi bộ xóm Trung Tiến chúng tôi hiện tại có 37 Đảng viên, bình quân tuổi Đảng của mọi người đều trên dưới 50 cả rồi. Chính vì vậy mà mọi phong trào ở xóm chúng tôi đều họp bàn công khai, vấn đề nào chưa thông, phải họp đến kỳ cùng. Còn một ý kiến chưa thuận nhất định chưa triển khai xuống nhân dân.
Có bà ngồi bên, nghe Bí thư xóm nói, liền vọng đến:
– Chi bộ xóm chúng tôi tháng nào cũng sinh hoạt đều đặn cả. Mỗi tháng là một chuyên đề. Hoặc khi có việc bất thường diễn ra tại xóm, chúng tôi cũng cho họp để cùng nhau tìm ra phương hướng giải quyết ngay.
– Vậy các bác có sinh hoạt chuyên đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không? Tôi hỏi.
Bà cười tươi rồi trả lời:
– Có chứ. Chúng tôi không những kể nhau nghe những câu chuyện về Bác Hồ, mà còn phát hiện, nêu gương những gia đình, cá nhân tiêu biểu của xóm biết học và làm theo Bác. Ví như ông Cảnh ngồi đây. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình ông đã tự nguyện hiến hơn 50 mét tường rào để làm đường. Hay như khi cần quyên góp quỹ cho xóm, để xây dựng nông thôn mới, chính những người cao tuổi như chúng tôi thành lập Ban, đi vận động kêu gọi chỉ trong ba ngày đã thu được 62 triệu đồng kia đấy.
Những cái gật đầu của tất cả mọi người có mặt ở nhà văn hóa xóm Trung Tiến như khẳng định lại điều mà tôi vừa được biết. Đến đây thì tôi hiểu tại sao huyện Nga Sơn lại có nhiều phong trào nổi bật như vậy, tại sao Nga Sơn lại có sự phát triển toàn diện đến thế. Ở một chi bộ xóm nhỏ bé như Trung Tiến, khi biết huy động mọi nguồn lực, biết lấy sự đoàn kết và dân chủ lên làm hàng đầu, thì sợ gì gian khó, sợ gì không thành công.
Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ:
Dễ trăm lần, không dân cũng chịu
Khó vạn lần, dân liệu cũng xong.
6/10/2016
Ngân Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bảng Lảng Như Hoa Mùa Xuân Như lệ thường, gần đến Tết, tôi chạy xe vòng quanh phố. Mọi thứ như đang vươn sức xuân. Mảng tường nhà ai đ...