Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Chưa kịp tạm biệt

Chưa kịp tạm biệt

1. Lê bảo, em muốn rời khỏi thành phố. Cày cuốc, nuôi heo, nuôi gà… gì cũng được, chỉ cần đừng bị áp lực với việc đếm view mỗi ngày. Mệt.
Lê hay như vậy. Khi gặp điều gì khiến cô ấy áp lực, ngay tức khắc bộ não cô ấy mở ra cho mình một lối thoát. Chỉ số ít “lối thoát” ấy là thực tế, còn lại toàn là mơ mộng hão huyền. Thời điểm này Lê viết bài cho một trang giải trí online dành cho giới trẻ. Những con số view thể hiện lượt đọc ở mỗi bài viết luôn khiến cô căng thẳng.
Nhưng cái ý nghĩ rời khỏi thành phố không phải là mơ mộng.
Vài năm trước, đất sốt xình xịch, Hoàng và Lê gom hết mấy cuốn sổ tiết kiệm, mua được mảnh đất vùng ven của một thành phố khác. Sổ đất đứng tên hai người. “Như vậy sau này cho dễ tính” – Lê nói với Hoàng. Hoàng có bùi ngùi ở chữ “sau này” của Lê, nhưng nghĩ như vậy cũng khỏe. Cuộc sống này đủ nặng nề để người ta chẳng muốn tự ràng buộc vào một mối quan hệ.
“Ở đó vắng và buồn, nhưng cũng được. Em chỉ cần rời khỏi thành phố…”. Mỗi lần Lê nói vậy, Hoàng có cảm giác từng tế bào của nàng đang đồng loạt phản ứng dữ dội với không gian sống nơi này – một thành phố rực rỡ thu hút biết bao người đến. “Ở đây gì cũng có. Về quê thì em sẽ thiếu thốn đấy!”. “Anh đừng xem em như đứa trẻ chưa bước chân ra đời nữa. Em đủ chín chắn với quyết định của mình…”.
Chiều muộn, Hoàng liên hệ với một người quen, hỏi thăm xem nếu xây một căn nhà cấp 4 thì mất bao nhiêu thời gian, và cả tiền. Anh bạn cười vang trong điện thoại, nói rằng thời buổi này mà còn ăn chắc mặc bền quá ông… Rồi anh bạn gợi ý mua nhà gỗ lắp ghép đi, ưng mẫu, một tuần sau là có ngay nhà. Sau này nếu không thích ở nơi ấy có thể bưng đi chỗ khác. Nhanh gọn lẹ.
“Nhà gỗ ư?” – Lê nói như reo lên. Cảm giác như cô ấy cần có nhà gỗ ngay trong ngày mai. Đêm đó, hai đứa chụm đầu tính toán số tiền đang có, cộng cộng, trừ trừ. Mọi thứ xem ra ổn. Lê nhìn lên bầu trời đầy sao, nói rằng, thật may cô ấy gặp được Hoàng.
Hoàng yêu Lê, nhưng thỉnh thoảng trong đầu anh có ý nghĩ trồi lên rằng, liệu mình sẽ đi tiếp được với người này bao lâu? Lê là cô gái trong sáng, thiện lành nhưng cô ấy luôn thay đổi. Cảm giác như cô ấy chẳng chủ động được điều gì trong cuộc sống. Mọi ý định đều có thể gián đoạn vì những chuyện không đâu.
Một lần, Lê nói rằng muốn cùng Hoàng đi đổi gió ở một thành phố khác, chừng nửa tháng. Khi ấy, Hoàng phải sắp xếp mọi thứ, để có thể làm công việc từ xa. Vận dụng mọi mối quan hệ nhờ vả được, rồi cả lo phần liên hệ chỗ ở, sắp xếp những thứ cần thiết cho chuyến đi. Xong. Lê nói thôi không đi nữa. Hoàng chưng hửng. Cô ấy đưa ra lý do rằng, chú cô ấy nghiên cứu về thời tiết, những ngày sắp tới mưa bão thất thường, không phù hợp cho một chuyến đi…
Hoàng đã muốn rời xa Lê. Không phải vì bị hủy chuyến đi, mà bị cái cảm giác chênh vênh khiến Hoàng mất thăng bằng. Hoàng không phải là người có lối sống ngẫu hứng. Anh luôn có kế hoạch. Dài và cả ngắn, như hôm nay ăn gì, tối rảnh sẽ làm gì… Nếu sống mà không có kế hoạch, Hoàng cảm giác như có tấm màn đen che hẳn hai mắt, không còn thấy gì phía trước.
Nhưng dù vậy, có Lê trong cuộc đời vẫn thấy cân bằng hơn.
2. Việc tìm mua căn nhà gỗ lắp ghép có chút trục trặc bị gián đoạn. Lê nói trong lúc chờ đợi, cô ấy muốn đi học khóa học về chăm sóc cây. Mảnh đất trên ấy, nếu dựng căn nhà gỗ nhỏ chỉ vài chục mét thì đất trống chung quanh còn nhiều quá. Mình sẽ tự trồng một vườn cây thật xinh. Ý nghĩ về những chùm rễ cây không còn bị giới hạn trong chậu sành, như khi trồng ở tòa nhà nơi thành phố, khiến tâm trạng Lê cũng tự do theo.
Thầy giáo phụ trách một trong những bộ môn Lê học, tên Khoa. Khoa hướng dẫn khâu chiết cành và giâm cành. Khoa chừng tuổi Lê, có dáng dỏng cao, mắt sáng, ăn mặc hợp gu nên khá thu hút ánh nhìn. Lê cứ nghĩ người dạy trồng cây thì phải như nông dân, chân lấm tay bùn chứ! Đằng này, bàn tay Khoa thon dài, trắng như tay con gái, giọng Khoa sáng và ánh mắt tinh anh lấp lánh sau cặp mắt kính. Hôm nay, thầy dạy về bước chiết cành cơ bản. “Chiết cành là cách được ưa chuộng nhất hiện nay, vì cây cho ra hoa, quả nhanh, có dáng ưng ý. Vì vậy, việc chiết cành phù hợp cho những người chơi bon sai, hay trồng cây trong nhà, trên sân thượng. Chỉ sau 1, 2 tháng, cây đã cho ra bộ rễ hoàn chỉnh và thực hiện nhiệm vụ cho hoa, quả của mình. Quá đẹp cho một cuộc tình rồi phải không ạ?”. Cả lớp cười ồ với cách giảng bài trẻ trung pha chút hài hước của anh thầy.
Hóa ra, người làm công việc vườn tược cũng thú vị đó chứ – Lê nghĩ thầm. Hôm ấy, cô vừa về đến nhà, mở mạng xã hội thì thấy status mới của Khoa: “Trong cuộc đời bạn, thế nào cũng gặp một người: Vừa nhìn, bạn đã thương! Vừa nhìn bạn, đã thương!”. Câu văn ấy có chút chơi chữ, vì vậy, Lê phải đọc đi đọc lại khá lâu.
Buổi tối, sau bữa cơm, Lê ngồi co gối lên ghế, nhìn ra mảng trời đã bao trùm bởi một màu đen. Đầu thả rông theo những ý nghĩ mông lung.
Dạo này, Lê hay ngồi thừ người ra như vậy. Một buổi sáng, Hoàng thấy Lê nâng niu một cuốn sổ nhỏ trong tay, của Khoa tặng. Đó là cuốn sổ có bìa in ảnh của Lê. Bức ảnh đó Lê dùng làm ảnh đại diện trang mạng xã hội đã mấy năm nay rồi. Hoàng lại gần Lê, chạm tay vào cuốn sổ, bất giác Lê giật mình, rụt tay đang cầm cuốn sổ lại, như một đứa trẻ bị bạn lấy đi món đồ chơi nó yêu thích.
Lê cũng chợt nhận ra hành động vô lý của mình, nhưng cô chuyển sang đề tài khác về chuyến đi của Hoàng vào cuối tuần này. Hoàng sẽ đến nơi ở mới trước, để chuẩn bị vài thủ tục liên quan đến pháp lý trước khi dựng ngôi nhà gỗ lên mảnh đất. Lê nói, cô sẽ sắp xếp lên sau.
3. Hoàng đi được ít ngày thì Lê nhắn: “Cuối tuần này Khoa đi chọn cây giống cùng em. Cũng ở gần khu đất mình nên em có nhờ Khoa đến trồng cây giúp luôn. Dù gì Khoa cũng có kỹ thuật và cả thẩm mỹ cho khu vườn”. Hoàng không có ý kiến vì Lê đã nhận phần trang trí ngôi nhà bằng các loại cây trồng mà cô ấy chọn.
Lê với Khoa đến nơi lúc trời vừa chuyển sang chiều. Hoàng hôn tím lịm sau dãy núi trập trùng phía xa. Căn nhà lắp ghép dở dang còn ngổn ngang đồ đạc. Đêm chưa buông mà nhiệt độ nơi này đã xuống thật thấp. Hoàng tranh thủ lúc trời còn sáng, anh nhóm lửa ở khoảng đất trống trước sân nhà, cho ấm và cả đúng với không khí cao nguyên. Xong, anh tranh thủ ra thị trấn mua ít thức ăn về chuẩn bị bữa tối cho ba người. Có lẽ một con gà nướng thì hợp.
Lúc trở về nhà, thấy Lê và Khoa đang lui hui chuẩn bị than để nướng thức ăn. Hoàng nghe mẩu đối thoại của hai người họ. Khoa hỏi Lê: “Anh đó là ai vậy? Người nhà em hả?”. Lê ấp úng: “Đâu có. À mà đúng rồi…”. Hoàng nghe giọng Lê hòa cùng tiếng gió: “Anh xem, cây củi này có thể là loại cây gì khi còn sống nhỉ? Coi chạng ba nó nè, nếu chiết cành ở đoạn này thì cây sẽ có dáng cực lạ, anh nhỉ…”.
Có tiếng gió rít trên những cành cây cao. Cả Lê, Khoa cùng ngước lên nhìn, tiếng gì vậy nhỉ? Rồi họ ồ lên khi thấy bầu trời chi chít những vì sao. Lê hỏi: “Khoa có thích nơi này không?”. Khoa bảo: “Thích chứ, nơi đây là điểm đến thú vị của nhiều bạn trẻ thành phố mà…”. “Vì sao vậy?” – Lê hỏi lại. “Khoa không rõ, có lẽ phố cô đơn quá!”. Lê tròn mắt: “Cả Khoa mà cũng cô đơn sao?”. “Không, phố cô đơn chứ. Từ khi gặp Lê, Khoa càng thấy phố cô đơn. Vì vậy mà Lê cũng bỏ phố mà đi còn gì…”. Khoa nói và tư lự nhìn xa xăm…
Ở góc này, Hoàng không nhìn thấy khuôn mặt Lê, nhưng anh cảm nhận được cuộc nói chuyện ấy quen lắm, của những người trẻ với trái tim rạo rực. Mà Hoàng thì đã bước qua quãng thời gian đó lâu rồi.
Bữa ăn tối. Có chút hơi men vào, Hoàng rất muốn dựa vào chút men đó để có cớ lả lơi hỏi xem Lê có yêu Khoa không? Và cả Khoa nữa? Nhưng hỏi xong để làm gì? Nếu họ cùng chọn đáp án “Có” thì sao? Hoàng có đủ dũng khí rời đi, khỏi miền đất mới bình yên này không? Và nếu họ chọn đáp án “Không”, liệu trong đầu Hoàng đã xóa đi những hoài nghi đáng ghét?
Hình như có thứ gì đó len lỏi xâm chiếm vào khoảng không gian bình yên trong tâm hồn Hoàng, từ giây phút ấy!
4. Buổi sáng, trước khi tiễn Khoa trở về lại thành phố, Lê cùng Khoa đi thăm một lượt những gốc cây họ cùng trồng hôm qua. Có những cây được Khoa làm rào chống rất bài bản. Khoa nói với Lê, mỗi tuần chụp cây gửi cho Khoa để anh chăm sóc từ xa nhé! Lê gật đầu bảo, cây chỉ cần nghe Khoa nói vậy là cảm động đến nỗi phải dốc hết sức để phát triển rồi. Khoa cũng đẩy đưa lại, rằng cả người cũng phải tươi tắn nữa nghe chưa…
Lúc đó, Hoàng đang ngắm nghía lại căn nhà. Hôm nay, thợ đến làm chừng một ngày nữa là hoàn tất. Hoàng đã nghĩ rồi. Căn nhà gỗ này Hoàng đã chọn thật kỹ, từ kiểu mẫu, chất liệu cho đến nguồn năng lượng an lành – Hoàng tin như vậy. Nên cho dù thế nào, anh cũng vẫn ở nơi này! Công việc tự do của anh, chỉ cần chiếc laptop là đủ.
Ý nghĩ đó dấy lên mạnh mẽ, khi mắt Hoàng bắt gặp những ngón tay họ cố ý chạm vào nhau lúc lướt qua Hoàng. Anh quay trở vào cần mẫn làm công việc của mình. Những người thợ lắp ráp cũng vừa có mặt. Hoàng ngắm căn nhà gỗ từ xa, tự dưng trỗi lên một niềm thương vô bờ. Căn nhà đẹp quá, và hẳn nó phải có đầy đủ điều kiện để bất cứ ai sống trong căn nhà ấy cũng có được hạnh phúc. Như vậy mới phải chứ?
Nhịp sống nơi này chậm hơn thì phải. Con đường phía trước nhà thỉnh thoảng mới có người chạy xe ngang, vẻ ngỡ ngàng vì không tin giữa khoảng đất trống mênh mông lại mọc lên một ngôi nhà, lại đẹp như trong phim vậy. Nếu bắt gặp Lê váy dài thướt tha đi tưới cây nữa, họ sẽ thấy bối cảnh này quen lắm, như trong truyện cổ tích! Và nếu ai đó từng đọc tiểu thuyết cổ điển phương Tây, họ sẽ nhận ra nét đẹp ở bức tranh này giống trong những trang tiểu thuyết ấy. Một cô gái đẹp nhưng mang theo cả nét buồn hoang hoải.
Số podcast kỳ này của Hoàng được nhiều người đồng cảm, anh nói về chủ đề không mới, nhưng cách mà anh trình bày vấn đề của Hoàng lại rất mới, rất hợp và dễ hiểu – có lẽ vì vậy nên từng chủ đề của Hoàng luôn được đón nhận.
Lần này Hoàng nói về hạnh phúc có điều kiện. Nó giống như việc mình cầm món quà rất quý trên tay, nhưng lại lấy hết sức quăng nó ra thật xa. Rồi dùng tất cả sức lực còn lại chạy đến nhặt nó – bởi vì mình nghĩ khi có nó mình mới hạnh phúc. Đó là thứ hạnh phúc có điều kiện mà ta tự đặt ra cho bản thân mình, rằng mình phải có nhà, có xe, có chồng/vợ, con cái, có tài sản thật nhiều thì mới hạnh phúc. Có người mất cả cuộc đời để quăng đi, nhặt lại, mà vẫn thấy trống rỗng khi có được. Tại sao vậy? Vì hạnh phúc là thứ cảm nhận chứ không phải sờ, nắm được như mình vẫn nghĩ. Đó là khi ta có sức khỏe tốt, có nhà để ở, có cơm để ăn… mà điều đó thì chẳng cần mệt nhoài tìm kiếm gì cả, đúng không…
Giữa buổi nói chuyện, đột nhiên Hoàng lắng lại, anh nghĩ vẩn vơ chuyện cá nhân rằng, nếu không có sự xuất hiện của Khoa thì Lê có hạnh phúc với nơi này không? Chưa chắc. Vì Lê cũng đã vừa quăng niềm hạnh phúc ấy đi thật xa, đến một thành phố khác mất rồi.
5. Dạo này Hoàng ít nói hơn cả khi ở thành phố. Từ cái lần Lê đăng nhập mạng xã hội trong laptop Hoàng, nhắn tin cho Khoa. Rồi Lê quên mất không thoát ra, mỗi lần Lê nhắn bằng điện thoại, máy tính đồng bộ hiện lên cả tin gửi đi và tin nhận lại. Những mẩu đối thoại không đầu không cuối, nhưng sao Hoàng đọc một lần là in hẳn vào đầu, bởi nó như một bài thơ. Phố cô đơn quá! Cao nguyên thì đẹp, nhưng buồn. Hôm nay, phố còn cô đơn không? Em nhớ phố. Chắc do đêm dài thôi, phải không phố?
Một buổi sáng, Lê hỏi Hoàng: “Em có thể trở lại thành phố không?”. Hoàng tính hỏi lại: “Sao là em, mà không là chúng ta cùng về?”, nhưng cuối cùng anh chỉ hỏi: “Để làm gì?”. “Vì em chợt nhớ ra mình chưa kịp tạm biệt với ngôi nhà cũ?”. Hoàng định hỏi: “Thật vậy sao?”. Nhưng rồi anh nhận ra đó là câu hỏi mang tính hoài nghi. Nó không tốt. Hay nói đúng hơn, theo luật hấp dẫn, anh sẽ thu hút về chính những điều mình đang nghĩ, nên thôi. Hoàng cố giữ vẻ bình thản nhất, gật đầu như không biết đến mục đích Lê về đó để làm gì…
Sáng hôm sau Lê đi rồi Hoàng mới nhớ ra, lúc rời đi, Lê còn chưa kịp nói lời tạm biệt với căn nhà gỗ và cả mình. Vậy nên Lê sẽ trở lại cao nguyên, đúng là Lê của ngày nào. Và khi ấy, chúng ta mới bắt đầu sống cuộc sống hạnh phúc mà mình đã chọn, phải không?
Những ý nghĩ tích cực sẽ thu hút về những điều tích cực. Hoàng luôn tin như vậy!.
25/5/2023
La Thị Ánh Hường
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...