Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Huế và đời thơ tôi

Huế và đời thơ tôi

Huế không chỉ là thành phố xinh đẹp, thơ mộng, quyến rũ với núi sông, cảnh sắc say đắm lòng người, mà tôi có cái may mắn được sống trong lòng Huế từ lúc mới 16 tuổi 4 tháng, và sẽ còn yêu mãi, thương mãi, nhớ mãi cho tới lúc rời bỏ cõi đời này.
Tôi yêu Huế không chỉ vì Huế xinh đep, dịu dàng, mà tôi còn yêu Huế vì Huế là mảnh đất ân tình, là nơi đã cưu mang và dạy tôi nên người, nơi đã truyền cho tôi trái tim nghĩa hiệp, nơi đã không ngừng thôi thúc tôi sống với tình cảm đẹp nhất, cao quý nhất của con người, là tình yêu nước.
Tôi đến và sống với Huế từ lúc mới vừa qua khỏi tuổi 16, khi tôi được Thầy Văn Đình Hy nhận cho vào học Lớp Đệ Tam C (Lớp 10 Ban Văn chương- Sinh ngữ), sau khi Thầy xem xét rất kỹ học bạ 4 năm Đệ nhất cấp (cấp 2) của tôi ở trường Trung học Trần Quý Cáp, Hội An. Tôi đã vào Quốc Học trễ hai tuần, sau ngày trường khai giảng. Tôi đã sống với Huế 7 năm. Và tôi chỉ rời Huế có 18 tháng,sau khi tốt nghiệp Ban Việt Hán, ĐHSP Huế, vào dạy học tại Trường Trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ (nk 1969-1970 và  nk 1970-1971). Sau 18 tháng xa Huế, tôi lại trở về Huế, sống với Huế thêm 7 năm nữa, mới phải ngậm ngùi rời Huế ra đi, vào ngày 21 tháng 8 năm 1978; tình cờ đúng vào ngày lần đầu tiên tôi đến Huế,  21.8.1963.
Huế là tâm hồn tôi, tình yêu của tôi. Huế còn là ân tình, ơn nghĩa cao dày của đời tôi. Tôi đã viết, khi từ giã Huế, năm 1978:…”Một nửa đời tôi còn lại nơi đây/ Cả tuổi thanh xuân tôi đã hiến cho người/ Và cũng chính người đã dạy tôi khôn lớn/ Trái tim tôi cứ cùng người ngân vang từng âm điệu mới/ trong những bình minh không hẹn bao giờ/ trong những niềm vui tưởng đến tình cờ/ đã sửa soạn cho một mùa xuân chín/ đã đầy ắp cả hồn tôi hy vọng/ Người đã dạy tôi yêu những lẽ bình thường/ và biết quý cuộc sống con người hơn những trang sách quý/ Vì biết bao lần khi phải đi xa/ Tôi ghen cả với những người sung sướng hơn tôi được sống gần người/ Và tôi đã trở về như một kẻ tình nhân/ lòng nhớ thương cứ lớn lên theo từng cây số về gần”…” (Từ biệt Huế, Tạp chí Đối Diện, số 112, tháng 9.1978).
Với Huế, tôi còn luôn lưu giũ hình ảnh ngôi trường Đại học Sư phạm thân yêu.
Trường ĐHSP Huế đã dạy tôi nên người, đã nuôi dưỡng hồn thơ tôi, đã giúp tôi sống được một phần nhờ tiền nhuận bút từ thơ, cộng với những đồng  lương tội nghiệp của nghề kèm trẻ tại các tư gia. Chính tại ngôi trường Đại học Sư phạm Huế, tôi đã được các anh trong Ban Cán sự Đảng như Tràn Văn Hòa (sau này đổi là Hoàng Hòa),  Ngô Yên Thi, và một người bạn chí thân, cho tới bây giờ, là Trần Minh Thảo (Trần Hồng Quang), một người khi tốt nghiệp, đi dạy học tại Buôn Mê Thuột chỉ được mấy tháng, thì bị bắt và bị đưa về giam giữ ở lao Thừa Phủ , Huế, nhưng chính tại đây, anh được kết nạp Đảng). Chính trong những ngày đó, nhờ có danh nghĩa Chủ tịch Sinh viên ĐHSP Huế mà tôi được vào lao Thừa Phủ thăm bạn, mang cho bạn một tút  Pall Mall, thứ thuốc lá mà Trần Hồng Quang thích  hút… Những người bạn thân quý ấy đã hướng dẫn tôi, “chỉ đạo” tôi tổ chức những đêm thơ, những đêm ca nhạc cho Tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng, những đêm không ngủ, những đêm đốt đuốt soi mặt quân thù….
Huế và Trường Đại học Sư phạm trong tôi. Huế và Thơ tôi: “Tâm hồn tôi lấp lánh dòng sông Hoài, Trái tim tôi xanh biếc dòng sông Hương, Thao thức mãi trong tôi Hội An và Huế.  Hai dòng sông, Hai thành phố, Đã làm nên tâm hồn tôi, Đời thơ tôi…Trái tim tôi lấp lánh hai dòng sông, Tâm hồn tôi chảy mãi hai dòng sông”.
Tôi đã yêu Huế bằng cả tâm hồn tôi. Huế đã cùng với Hội An làm nên tâm hồn tôi, đời thơ tôi. Tôi đã phải đi xa Huế, đã phải nhớ thương Huế. Không chỉ một ngày. Không chỉ một tháng. Không chỉ một năm. Nỗi nhớ thương Huế trong tôi là nỗi nhớ thương của một đời người, của một số kiếp lưu lạc vẫn mang theo hương vị của ngọn gió đời trong tuổi thanh xuân: “Một nửa đời tôi gửi lại nơi đây/ Còn nhớ không những bước chân mười sáu/ Cậu học trò nghèo không cả xó nhà thuê/ Còn nhớ không dãy hành lang thênh thang những ngày Quốc Học/ Còn nhớ không những hàng cây lá xanh/ Tà áo gió trắng bay chiều Đồng Khánh/ Ôi ngây thơ buổi yêu vụng tình hờ/ Giữ cho ta tuổi thanh niên những ngày sống đẹp/ Ngàn vạn cánh tay/ giơ lên/ níu rách bầu trời/…
Cho nên, tôi vô cùng biết ơn TS Nguyễn Thị Tịnh Thy, PGS.TS Bửu Nam và Nhóm biên soạn tác phẩm Nặng hơn cầm phấn, với những tên tuổi như;  PGS.TS Trần Hoài Anh, TS. Phạm Thùy Trang, Th.S. Nguyễn Hữu Minh,  đã ghi lại, đã nhận định một cách chân thật, chính xác, nhưng đầy nghệ thuật, giàu chất văn học, thấm đẫm tình người, tình đời, về những trang viết của chúng tôi, những người có cái cơ may được học tập và trưởng thành dưới mái trường thân yêu này.
Xin chân thành cảm ơn nhưng trang sách mang cả tâm huyết và tình yêu văn chương, nghệ thuật của những người biên soạn cuốn sách giá trị Nặng hơn cầm phấn. Và xin cảm ơn cả tình yêu, lòng quý trọng  mà các tác giả đã dành cho chúng tôi, những nhà văn ra đi từ mái trường ĐHSP Huế này. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh Trần Kiêm Đoàn, người bạn khóa Phan Châu Trinh, ra trường sau tôi một năm; một nhà văn đã có những trang viết rất hay về Huế, khi anh bày tỏ: “Nặng hơn cầm phấn nhưng bụi đời nặng gấp mười bụi phấn. Phương tiện chỉ là nhất thời, thuận thế nhưng tác dụng của nó mới thật là điểm đến sau cùng.
Giá trị của Nặng hơn cầm phấn sẽ không dừng lại ở ngã ba hội ngộ mà vẫn mãi quay về dù trong thế chia ly. Bụi phấn lấn bụi đời để làm chiếc cầu nối giữa thế hệ Chiến tranh Việt Nam đang sớm thành quá khứ và thế hệ kế thừa đã về và đang đến ở bước chân hiện tại và chân trời tương lai”. (Natomas 19.4. 2023. Trần Kiêm Đoàn).
Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ tại buổi ra mắt sách “Nặng hơn cầm phấn”
Nói lời cảm ơn Ban biên soạn sách Nặng hơn cầm phấn là chưa đủ. Phải nói là với tất cả lòng biết ơn. Và theo tôi, cách biết ơn hay nhất là sẽ tiếp tục, phải tiếp tục cầm bút, phải tiếp tục viết nên những bài thơ, những trang văn thấm đẫm tình người, giàu sức sống, giàu nghệ thuật và không bao giờ được phép quên nỗi đau của đồng bào, đồng loại.
Một lần nữa, xin cho phép tôi được thay mặt những nhà văn xuất thân từ Ban Việt Văn, Ban Việt Hán của Trường ĐHSP Huế, kẻ còn người mất, được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy, PGS.TS Bửu Nam, PGS.TS Trần Hoài Anh, TS. Nguyễn Thùy Trang, ThS Nguyễn Hoành Minh và cả các cộng sự không minh danh (mà cụ thể như người “tỉnh táo viên” – nói theo ngôn ngữ của dân báo chí trước đây – Nguyễn Thị Diệu Hiền, người đã  chuyên cần sửa lỗi chính tả (sửa morratte) cho 600 trang sách)…
Và cuối cùng, hãy cho tôi được một lần nữa được bày tỏ tình yêu với Huế:… Và nhớ giữ lại cho ta/ Những buổi sáng mù sương trắng áo/ Vai cầu nghiêng một nét xuống trang thơ/ Dòng sông xa sương trải lụa đôi bờ/ Giọng hò đỡ tôi lên từ những ngày niên thiếu/ Chiếc nón nghiêng che một nửa môi cười/ Chiều không tàn trên những lối phượng rơi/ Có ngọn gió nào thổi lòng tôi vào Nội/ Năm tháng không thể rơi ra ngoài một tiếng hát trong”…
Huế, 6/5/2023
Tần Hoài Dạ Vũ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...