Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Cây bẹo trên chợ Nổi

Cây bẹo trên chợ Nổi

Vốn là dân sông nước, thằng Khéo biết bơi lặn dưới sông, biết chèo xuồng đi lại từ nhà tới chợ nổi. Nhưng nó vẫn đi học đàng hoàng, lại học khá. Khá thôi chớ không giỏi. Ba nó nói: “Tao cho mày đi học là để lấy cái hiểu biết. Chớ không phải để đua tranh hơn thua với mấy đứa nhỏ khác nhà khá giả, có điều kiện học hành hơn”. Riêng cái ý sau cùng thì Khéo không chịu ba nó. Trong lớp, không ít đứa nhà giàu mà học hành có bằng nó đâu!
Khéo tới bên bác Hai tài công mà ba nó quen biết. Bác làm cho nhà tàu Năm Anh. ba nó cũng quen
– Cho tui quá giang một chuyến nghen bác Hai?
– Úy trời! Bữa naymày muốn đi du lịch hả? Cái chợ nổi này, mày nhẵn mặt mọi bạn hàng rồi còn gì!
– Hổng phải! Bị bữa nay xuồng nhà tui phải đem đi sửa chữa. Mà ông già tui thì nhứt định bắt tui phải đi gặp cho dược dì Bảy bán hàng ở tận cuối chợ.
– Coi bộ mày sắp phải gọi bà Bảy bằng “má” rồi đó!
– Bác Hai đừng nói vậy! Dì Bảy là em kết nghĩa của má tui mà. Còn bữa nay là ngày giỗ của má tui. Tui đi gặp dỉ Bảy đặng mời dì qua ăn giỗ trưa nay…
– Vậy tao có được mời không?
– Thì bác Hai cứ tới đòi công chở tui đi. Thế nào ba tui không mời ở lại nhậu…
– Thôi được! Cái miệng mày dẻo quá! Nhưng phải đợi coi có chỗ trống thì tao mới cho đi. Chở quá người bị phạt tao chịu chớ chủ tàu đâu có chịu…
– Dạ, tui cảm ơn bác Hai trước…
Vốn là dân sông nước, thằng Khéo biết bơi lặn dưới sông, biết chèo xuồng đi lại từ nhà tới chợ nổi. Nhưng nó vẫn đi học đàng hoàng, lại học khá. Khá thôi chớ không giỏi. Ba nó nói: “Tao cho mày đi học là để lấy cái hiểu biết. Chớ không phải để đua tranh hơn thua với mấy đứa nhỏ khác nhà khá giả, có điều kiện học hành hơn”. Riêng cái ý sau cùng thì Khéo không chịu ba nó. Trong lớp, không ít đứa nhà giàu mà học hành có bằng nó đâu!
Dù sao thì Khéo cũng rất phục ba nó. Từ sau khi má nó chẳng may qua đời, một tay ba nó nuôi bốn anh em nó học hành tử tế. Ăn uống tuy có hẻo một chút nhưng không đến nỗi có đứa nào phải ốm o gầy gò, cũng hiếm khi có đứa sổ mũi, nhức đầu. Ba nó có tay nghề làm mắm các loại thủy hải sản với bí quyết gia truyền từ hồi cha má ông truyền cho, ở đây không ai qua nổi. Mỗi tuần ông kêu nó cùng mình lấy xuồng chở mắm ra bán cho các tàu lớn ở chợ nổi. Trên tàu lớn, ngoài hàng hóa trao đổi, cả gia đình chủ tàu sống trên đó. Khéo có quen mấy đứa nhỏ ở đây.  Dù sao buôn bán vẫn có mùa, có tháng, có ngày nên việc chi tiêu phải biết kéo bữa này qua bữa khác mới đủ. Nhiều lúc Khéo nghĩ, ba nó giống như một bà nội trợ đảm đang.
Chưa biết bao nhiêu khách xuống tàu, có còn chỗ trống hay không, nhưng Khéo vẫn phụ bác Hai tài công vịn tay khách đưa xuống tàu. Nó cẩn thận nắm tay khách tới khi họ đứng vững trên boong nơi mũi tàu mới buông ra. Dưới sông, nước đập bập bõm vào thân tàu như lời chào khách. Trên bờ, đèn ở bến tàu vẫn sáng. Ngoài sông, mấy con tàu từ phía bến Ninh Kiều đang tiến tới…
Bác Hai nhẩm đếm khách. Chị hướng dẫn viên cũng đã xuống tàu. Khéo cũng nhìn xuống tàu, thấy khách ngồi đầy nhóc. Quay qua quay lại, bác Hai ngồi vào sau tay lái của mình ở phía phải trước mũi tàu, giơ tay nói lớn với Khéo:
– Xui cho mày rồi Khéo ơi! Tàu hết chỗ trống rồi!
Thằng Khéo tiu nghỉu nhưng vẫn làm tỉnh:
– Vậy để tui kiếm tàu khác mà quá giang thôi.
Bác Hai cho tàu nổ máy, còn nói thêm:
– Nhưng mày về nói trước với “ông già” là trưa nay tao vẫn ghé nhà ăn giỗ nghe chưa!
– Tui biết rồi!
Khéo rảo mắt nhìn về hai chiếc tàu chở khách còn lại trên bến. Chưa thấy đoàn khách nào được xe chở tới. Thì đợi thôi! Khéo đã tự bảo mình.
– Nè Khéo! Đứng xớ rớ đó làm gì vậy?
– Bộ đứng đợi người iu hả?
Khéo nhận ra người goi hỏi nó là má con dì Ba và anh Hương. Họ đang ở trên chiếc thuyền nhỏ chất đầy trái cây là dừa và trái thơm.
– Dạ dì Ba. Con đợi tàu quá giang đi chợ nổi kiếm dì Bảy có chút chuyện.
Anh Hương dừng tay kéo máy nổ gắn sau thuyền:
– Tao biết xuồng nhà mày bị hư phải đem sửa rồi. Đợi tàu nào nữa. Lên thuyền mà quá giang má con tao đi…
Khéo mừng rỡ nói “Dạ”, “Cảm ơn” luôn miệng. Chỉ một thoáng, nó đã có mặt trên chiếc thuyền bán hàng của má con anh Hương. Anh cho máy nổ, lái thuyền ra giữa sông. Dì Ba bảo Khéo:
– Bây phụ tao dựng cây bẹo   lên coi!
Khéo nhanh nhẹn phụ dì Ba. Trên đầu cây bẹo, dì Ba đã cột sẵn một trái dừa và hai trái thơm bự xộn.
Doạn sông từ chợ An Bình tới chợ nổi không xa. Ra gần giữa dòng, Khéo đã thấy những chiếc tàu lớn, tàu nhỏ chở du khách từ bến Ninh Kiều đang chạy tới lúc một nhiều hơn. Cầu Cái Răng đã hiện ra phía trước. Chỉ chừng hơn chục phút nữa thôi, tất cả sẽ vào đầu chợ nổi.
– Anh Hương! Bữa qua có thằng bạn hỏi tui vậy chớ tại sao xứ mình lại tên là quận Cái Răng, sông là sông Cái Răng, cầu là cầu Cái Răng, chợ nổi cũng gọi là Cái Răng? Có đứa nói tại hồi xưa có ông bá hộ đi thuyền trên sông bị ho bất ngờ làm văng cả cái hàm răng giả rớt xuống sông nên mọi người gọi là sông Cái Răng!
– Mày! Nói bậy bạ đi! Nè, nghe tao hỏi: vậy chớ mày có biết cái cà ràng không? Cái bếp bà con mình vẫn dùng nấu nướng trên thuyền bè đó!
– Biết! Bếp cà ràng lớn hơn bếp người Việt mình. Nó là bếp của người Khơ Me tạo ra…
– Thì đó! Cà ràng là tiếng Khơ Me. Người mình đọc trại nó thành Cái Răng! Hiểu chưa ông con nít?
– Biết rồi! Mai mốt tui sẽ dạy lại cho mấy thằng bạn.
Dì Ba sắp xếp lại mấy quầy dừa, vui miệng hỏi Khéo:
– Vậy chuyện này bây có biết không? Ở chợ nổi người ta bán sỉ hay bán lẻ?
– Bán sỉ là chính chớ! – Khéo đáp – Phẩn nửa tàu bè là loại lớn, họ buôn sỉ là cái chắc.
– Bây nói đúng. Chợ nổi khắp miền Tây mình chủ yếu là buôn sỉ hàng hóa trên bờ với các nơi khác. Bởi vậy nó toàn ở những nơi các con sông giao nhau… Còn thuyền nhỏ như của má con tao mới bán hàng lẻ, khách hàng nhắm tới là du khách…
– Lát nữa gặp được dì Bảy rồi, tui sẽ theo thuyền dì Bảy trở về luôn nha! Chừng mười giờ là dì Ba bán xong chớ gì?
– Nè! Mày dừng có trù ẻo má con tao đó. Tám rưỡi, chín giờ thôi! Còn nếu như mày cần về sớm hay trễ hơn thì kiếm chiếc thuyền nào đang quay về mà xin quá giang họ…
– Dạ dì Ba!
Chiếc thuyền của má con dì Ba cùng mấy chiếc khác chạy tới bên một chiếc tàu khách du lịch đã vào khu vực chợ nổi. Khéo lấy sợi dây có gắn móc của thuyền mình móc vào thành tàu để neo thuyền lại. Có đến bốn chiếc thuyền cùng neo như vậy. Một chiếc bán bún nước lèo. Một chiếc bán quà bánh đủ loại và một chiếc bán nước giải khát.
Khách trên tàu du lịch dạt về hai bên tàu mua hàng. Khéo nghe người hướng dẫn dặn khách nên hỏi giá rồi cầm sẵn tiền lẻ vì việc mua bán phải chóng vánh, không thể kéo dài. Và cũng không nên trả gá vì người bán trên chợ không nói thách.
Trái thơm trên thuyền má con dì Ba được bán nhiều hơn. Dừa thì khách hay gọi mua thuyến bán nước giải khát. Bên ấy có cả cà phê, sữa đậu nành nóng, lạnh, nước bò húc, nước cô ca… đủ loại. Khéo cũng nghe một bà khách nọ than vãn ăn bún nước lèo mà như đi chạy giặc, mất cả ngon… Nó nghĩ: “Như vậy mới là ăn trên chợ nổi chớ!”.
Chiếc tàu khach tăng tốc. Những chiếc “neo cạn” được gỡ ra.
Khéo nhìn quanh chợ. Tàu của bác Hai tài công cũng đang dừng lại cho khách mua bán. Bác giơ cao tay. Khá cũng nói lớn:
– Chào bác Hai!
Tàu thuyền ken nhau ở một đoạn chợ nổi. Trên những cây bẹo là đủ loại hàng hóa đươc giới thiệu. Phần lớn là nông sản. Nhưng thuyền bán thức ăn nước uống thì không dựng cây bẹo. Nhờ đó nhìn là biết. Tàu lớn bán nhiều mặt hàng thì gác cây bẹo theo chiều ngang. Những cây sào gác ngang treo quần áo thì không phải là cây bẹo rồi. Tàu có cây sào như vậy là tàu của gia đình.
Thuyền của má con dì Ba lại ghé và “neo cạn” với một chiếc tàu du lịch loại lớn ở cuối chợ nổi. Khéo vừa phụ dì Ba vừa rảo mắt nhìn quanh. May quá, nó đã nhìn thấy dì Bảy trên chiếc thuyền nhỏ bán chôm chôm. Xưa nay dì Bảy đi bán một mình, không đi hai người như các thuyền khác nên dễ nhận ra.
– Dì Bảy ơi! Con, thằng Khéo nè!
Dì Bảychỉ đáp trả bằng cái gật đầu rồi chèo thuyền qua phía thuyền má con dì Ba. Hai chiếc đụng nhẹ vào nhau, chòng chành, nhưng không có tiếng cự cãi mà chỉ có lời thăm hỏi của hai người phụ nữ.
– Bây đi đâu vậy Khéo? – Dì Bảy hỏi thằng Khéo.
– Ba tui kêu đi kiếm dì Bảy, mời dì Bảy trưa nay xuống nhà ăn giỗ má tui!
– Tưởng gì chớ chuyện đó dì Bảy biết rồi. Vậy nên dì Bảy mới bán có một mặt hàng chôm chôm cho mau hết rồi tới.
– Vậy… tui qua bên thuyền dì Bảy nha?
– Thì vậy chớ còn gì nữa!
Thằng Khéo cảm ơn rồi chào má con dì Ba. Nó bước qua chiếc thuyền chôm chôm của dì Bảy.
– Bây phụ dì Bảy bán chôm chôm nghen… Kìa, có chiếc tàu nhỏ kia, dì Bày nhắm rồi. Tàu nhỏ thường là khách đoàn, họ sẽ mua hàng về làm quà. Một người mua là mấy người khác mua theo…
Dù Bảy quả là người có kinh nghiệm. Khi thuyền của dì móc vào chiếc tàu khách nhỏ, dì mau mắn bán được cho một bác khách nữ lớn tuổi. Thế là mấy người khác trên tàu mua theo. Khéo có việc.
Tự nhiên nó nghĩ: “Phải chi dì Bảy là má mình?”.
Trước khi ra khỏi chợ nổi, dì Bảy sang hết số chôm chôm còn lại cho một bạn hàng, chỉ chừa lại chục ký tươi nhất mà dì đã lựa sẵn bỏ trong túi ni lông để cúng má Khéo. Dì bảo thằng nhỏ:
– Hạ cây bẹo xuống cho dì Bảy đi con.
Khéo cười nhăn răng:
– Con quên! Giờ này mình dâu còn bán chôm chôm nữa! “Bẹo hình bẹo dáng” mà làm chi nữa!.
29/5/2023
Nguyễn Thái Hải
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...