Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Ở thủ phủ cừu

Ở thủ phủ cừu

Ba Thịnh kể rằng tỉnh Ninh Thuận được nhiều người gọi là vùng đất có một cái thiếu, và bốn cái thừa. Cái thiếu duy nhất là nước, còn bốn cái thừa là thừa nắng, thừa gió, thừa cát và thừa loài cây xương rồng. Nay thì xương rồng đã dược dùng tới, coi như giảm một cái thừa.
Sau tết Nguyên đán, mùa nắng càng thêm gay gắt. Đất ruộng nhiều nơi khô nứt, chẳng còn ngọn cỏ nào. Trời chang chang nắng, nóng như có lò lửa khổng lồ đang cháy gần bên. Thỉnh thoảng có cơn gió thì gió lại chở theo cái nóng nung người. Chỉ có đêm về là nhiệt độ giảm được đôi chút không đáng kể.
Đi hoc sáng về, buổi chiều nào thằng Thịnh cũng phụ hai anh nó “chế biến” món xương rồng cho đàn cừu về ăn thêm. Trời sẫm tối là ba nó lùa đàn cừu hơn hai trăm con về đến, phải khẩn trương, chớ không, ông la cho nghe đầy tai. Lọc bỏ gai xương rồng là việc khó, cần sự điềm tĩnh, cẩn thận nên hai anh Thịnh đảm nhận, nó chỉ phụ hốt bỏ vô cần xé. Thỉnh thoảng anh Ba nó nhắc: “Thấy miếng nào còn gai thì liệng lại để tụi anh lọc tiếp. Mày cũng để ý hổng thôi bị gai đâm là nhức tới mấy ngày”. “Em có đeo găng tay như hai anh mà”. “Găng tay thì gai lớn nó cũng đâm lủng. Làm ơn nghe lời đi, đừng có nói gì cũng cãi”. Thịnh im re, “phản biện” mà kêu là cãi, không cho nói thì thôi!. Công việc chẳng thú vị chút nào, dù sao cũng giải quyết được cái đói cho đàn cừu. Cãng phải cảm ơn ông chủ đàn cửu ở Ninh Hải đã “bầy đầu” vụ cho cừu ăn xương rồng.
Hai anh Thịnh đang bàn chuyện “ăn” cho mấy con cừu non mới sinh được dăm ngày.
– Sáng mai phải chạy xe lên thành phố mua thêm sữa về cho tụi nó bú. Nhà gần hết rồi. Ai đi đây?
– Để tui đi cho – Anh Ba mau mắn nhận lời – Luôn tiện tui mua cặp áo mới mặc đi đám cưới thằng bạn cuối tuần tới.
Có thêm mấy con cừu non mà như nhà có trẻ sơ sinh vậy. Thịnh nghĩ. Đàn cừu đông, tuần nào cũng có cừu con ra đời nên việc chăm sóc chúng cả nhà cũng đã quen. “Chủ quản” là má thằng Thịnh. Bà nói: “Nuôi ba đứa bây hồi nhỏ đứa nào cũng khó tính khó nết, tao còn làm được thì nhằm nhò gì mấy con cừu. Mà tụi nó lớn mạnh mau hơn tụi bây nhiều”. Mấy con mới sinh này, ra đời vào mùa nắng, chịu khổ hơn những con sinh mùa mưa. Cũng tội nghiệp mấy con cừu mẹ, dù được tách đàn cho ăn uống riêng vẫn không đủ sữa cho con bú.
Đàn cừu về trễ hơn mọi ngày. Ba thằng Thịnh bỏ cái nón rộng vành ra khỏi đầu, cầm tay quạt phành phạch. Thịnh mau mắn vô tủ lạnh lấy ca nước chanh má nó pha sẵn ra cho ba uống. Ba nó uống một hơi hết sạch ca nước bằng hai ly cối! Ông kể:
– Bữa nay phải đưa tụi nó đi xa hơn mới có cỏ. Dễ chừng tới hai chục cây số… Mai mốt cũng phải tới đó nữa.
– Phải chịu khó vậy thôi – Má Thịnh chia sẻ với chồng.
Ba anh em Thịnh ra chuồng cho lũ cừu ăn xương rồng. Vẫn còn đói bụng, nhũng con cừu lông trắng ngẩng lên nhìn chờ đợi, thèm thuồng. Những đôi tai của chúng cụp xuống, những con mắt bình thường cũng xụp xuống giờ ngước lên thật tội. Mấy con kêu “be be” như sốt ruột lắm!
Thịnh đổ cần xé xương rồng mình bưng vô cái máng ăn dài đặt trước một chuồng. Lũ cừu chen nhau tới máng. Bọn này vốn hiền lành nên không tranh ăn quyết liệt, lại biết nhường nhịn nhau cứ như anh em trong một nhà biết “ăn coi nồi ngồi coi hướng” vậy. Ai dạy tụi nó vậy ta?
Ba Thịnh kể rằng tỉnh Ninh Thuận được nhiều người gọi là vùng đất có một cái thiếu, và bốn cái thừa. Cái thiếu duy nhất là nước, còn bốn cái thừa là thừa nắng, thừa gió, thừa cát và thừa loài cây xương rồng. Nay thì xương rồng đã dược dùng tới, coi như giảm một cái thừa.
Hàng năm vào mùa mưa những trảng cát ngút tầm mắt đến tận chân núi phủ một màu xanh bạt ngàn của những cây cỏ tán thấp. Xương rồng cũng căng mình, bung những bông hoa đỏ và mọc tràn cả lối đi. Vậy mà nửa đầu năm vào mùa nắng, trời đất khô hạn, có năm suốt sáu tháng liền không có một giọt mưa. Hạn hán làm cho đất ruộng nứt nẻ, làm khổ con người cùng các đàn gia súc.
Anh Hai của Thịnh thì kể:
– Người Chăm nói rằng cừu Ninh Thuận được du nhập từ hàng trăm năm trước bởi các nhà truyền đạo Bà La Môn đến từ Ấn Độ, Pakistan và Châu Phi.
Anh Ba góp chuyện:
– Nhưng cũng có người nói rằng cừu do những giáo sĩ người Pháp mang tới cho giáo dân từ thời phong kiến nhà Nguyễn.
Tới lượt ba Thịnh có ý kiến:
– Thì nghe vậy biết vậy. Chuyện xưa lấy gì chứng minh đây. Có điều này là chắc chắn. Ninh Thuận mình có nhiều dân tộc, tôn giáo kiêng ăn thịt heo, thit bò mà chỉ dùng thịt dê, thịt cừu khi tiệc tùng, cúng giỗ hay trong những ngày Tết. Ban đầu cừu được nuôi để phục vụ cúng tế trong các lễ hội truyền thống của đồng bào Chăm, sau đó đã được người Chăm nuôi nhiều để lấy thịt làm thực phẩm. Có vậy ngày nay nhà mình mới có cái nghề nuôi cừu mà sống…
Rồi những ngày hạn cũng qua đi. Mưa xuống. Chỉ sau một thời gian ngắn, cây cỏ ở quanh trang trại nuôi cừu nhà thằng Thịnh tái sinh. Màu xanh trở lại. Khi hậu dễ chịu hơn nhiều. Nửa đầu mùa mưa cũng là thời gian nghỉ hè của Thịnh. Nó rảnh rang, thường đi theo đàn cừu trông nom dù con cừu nào cũng được đánh dấu bằng một vệt sơn đỏ. Ba nó nói: “Cừu đi theo đàn, ít khi bị lạc. Nhưng cứ đánh dấu cho chắc ăn”.
Gần đây, ngành nông nghiệp phát triển dịch vụ du lịch, mời du khách khắp nơi đến tham quan các trang trại nuôi cừu ở Ninh Thuận. Những địa danh như cánh đồng cừu An Hòa (huyện Ninh Hải), đồng cừu Phan Rang (TP.Phan Rang – Tháp Chàm), đồng cừu Mũi Dinh (huyện Thuận Nam)… đã trở nên nổi tiếng trong các tour khám phá vùng đất nắng gió Ninh Thuận.
Ba Thịnh theo “phong trào” cũng làm dịch vụ du lịch. Ông ở nhà dọn dẹp chuồng trại, nghỉ ngơi bù cho nửa năm hạn vất vả đi theo đàn cừu tìm thức ăn. Anh em Thịnh dẫn khách đi xem đàn cừu và sẵn sàng chuyện trò khi họ hỏi thăm này nọ về cừu.
Những con cừu vốn nhát, thường lảng ra xa khi khách tới gần chúng. Thấy thật yên tâm, chúng mới cúi xuống gặm cỏ. Trong đàn, hiếm có con cừu có bộ lông khác màu trắng. Chẳng hạn như màu nâu có điểm trắng hay màu trắng có điểm nâu. Nhưng chúng giống hêt nhau ở cái đuôi, không bao giờ dài quá khuỷu chân sau.
– Con cừu khác với con dê ở chỗ nào? – Một du khách cắc cớ hỏi.
– Thưa, khác nhiều điểm lắm ạ. Con dê đực có râu cằm, có loài đực cái gì đều có râu cả. Cừu thì không. Dê thường có cặp sừng cong vút về phía sau lưng. Cừu cũng không. Dê ăn lá cây trên cao, cừu ăn cỏ, ăn lá cây bụi thấp…
Có lần đi theo anh Hai, Thịnh nghe anh nói với khách:
– Các hộ chăn nuôi ở Ninh Thuận nuôi một trong hai giống cừu. Một là cừu bản địa, hai là cừu lai giữa cừu bản địa với cừu nhập từ Australia. Cừu lai là giống cừu được nuôi phổ biến hiện nay. Về hình dáng bên ngoài thì cừu lai không khác nhiều so với cừu Australia hay cừu bản địa, nhưng cừu lai thường lớn con hơn cừu bản địa, tốc độ sinh trưởng cũng mau hơn.
– Vậy cừu cái sinh sản thế nào?
– Cừu cái khoảng 8, 9 tháng tuổi đã có khả năng sinh sản. Chúng sinh hai lứa một năm, mỗi lứa từ một đến hai con.
– Thịt cừu có ngon không?
Anh Hai của Thịnh cười:
– Ngon hay không thì tùy khẩu vị người ăn và bàn tay người đứng bếp. Tuy vậy thịt cừu được coi là loại thực phẩm đặc sản. Người ta chế biến thành những món ăn như thịt cừu nướng, luộc, tái, xào, xông khói, nấu cà ri, nấu lẩu hay làm chả cừu…
– Nghe hấp dẫn quá. Vậy trang trại nhà mình có bán các món đó không?
– Thưa không. Nuôi tụi nó, thương tụi nó nhu con cái trong nhà, bán đi còn thấy tội nên nhà không làm thịt bán.
– Cũng phải!
Từ những dự án chăn nuôi như nuôi bò, dê siêu nạc thất bại, giờ đây tỉnh Ninh Thuận đã xác định mũi nhọn ngành chăn nuôi của tỉnh là nuôi cừu.
Tổng đàn cừu ở Ninh Thuận lên đến hàng trăm ngàn con, tập trung tại một số xã ở huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Hải… Chúng là vật nuôi của người nghèo. Nông dân chỉ cần khoảng 10 triệu đồng là đã có năm con cừu giống.
Nhiều địa phương trong cả nước cũng có nuôi cừu, tuy nhiên, cừu Ninh Thuận được xem là giống cừu đặc trưng duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Dàn cừu ở Ninh Thuận đã phát triển nhanh chóng, trở thành “thủ phủ” cừu của cả nước.
Thằng Thịnh đi theo du khách mà thỉnh thoảng vẫn lo ra.  Nó mải ngắm đàn cừu di chuyển như đám mây trắng từ trên trời sà xuống đồng cỏ. Lúc cả đàn cúi xuống ăn, những bộ lông lại tạo thành một mảng màu trắng khổng lồ nổi bật trên màu xanh cây cỏ. Nhưng Thịnh thích nhất khi nghe tiếng “be be” của mấy con cừu gọi bầy, gọi bạn hay cừu mẹ gọi con vang dậy cả một vùng…
Đêm nọ Thịnh nằm mơ thấy đàn cừu nhà mình phát triển đến hàng ngàn con, con nào cũng mập mạnh nhờ cả năm được ăn uống no đủ. Cũng là nhờ ông trời đã đổi thay thời tiết. hàng năm không còn sáu tháng mùa hạn nữa! Nhưng lũ cừu đã quen ăn món xương rồng nên Thịnh vẫn phải cùng hai anh làm việc lọc gai. Một lần Thịnh đã bị gai đâm vào tay đau thấu xương. Nó đau quá nên giật mình tỉnh dậy…
Hên quá! Mơ chớ không phải thực.
Nghĩ vậy thôi, chớ nếu là sự thật thì dẫu có bi gai đâm nhiều lần, Thịnh cũng chịu!.
1/6/2023
Nguyễn Thái Hải
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...