Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Trong muôn ánh sao

Trong muôn ánh sao

Mạnh bứng một chùm hoa “đồng đội” đem về quê. Mạnh sẽ trồng quanh vườn nhà, quanh mộ bà. Trong muôn ánh sao, chùm hoa sáng lấp lánh. Ánh đèn vàng hắt 6 cái bóng lỏng khỏng nhưng chỉ có 8 cái chân đang dìu nhau lên cầu Rạch Chiếc. Lẫn trong tiếng gió có tiếng ai hát khúc quân hành.
Mạnh đến quán khi nắng hắt nóng hâm hấp lên từng con phố. Quẹo hai ba cái ngã tư, hỏi đường thêm mấy lần mới dừng xe trước cái bảng hiệu cũ kỹ bằng gỗ, quẹt thêm vài ba chữ sơn màu xanh lá. Ngay cả anh chàng tài xế xe công nghệ cũng không thể định vị nổi cái quán nhỏ vùng ven đô này. Giờ Mạnh mới tin, ở xứ này, địa chỉ đôi khi như trò đánh đố, bởi năm ba cái xẹt thì thành xa tít mù khơi. Thành phố gì nóng như đổ lửa vào tháng Tư. Hai gò má của Mạnh đỏ phừng phừng. Từ khu trung tâm thành phố chạy ra ven đô mất đứt cả tiếng đồng hồ. Chiều tan tầm, đường nào cũng kẹt. Mùi xăng, mùi người, cả mùi của đất thốc tháo vào Mạnh như thể sắp làm thằng con trai miền Bắc lần đầu đến thành phố này ngộp thở.
Quán nằm ngay cái ngã ba của xóm nhỏ. Một căn nhà gỗ cũ kỹ. Mạnh lò dò vào quán. Đẩy cái cửa gỗ, tiếng kêu cót két như bản lề bị trật, tiếng kêu vừa đủ để vài cặp mắt ngó ra và phát hiện người khách lạ. Chưa kịp định thần thì một ông chú tóc pha màu sương mai chống nạng gỗ quay sang hỏi, tay chỉ góc này, ánh mắt hướng chỗ nọ. Chú em đi ngõ Tạm Thương, hay Dốc Bưởi, Ngõ Huyện hay Hàng Trống. Ơ hay, ngơ ngác gì, thôi ra Cầu Rạch Chiếc.
Mạnh ngó theo từng cái chỉ tay của ông chú già mà hết hồn. Ủa, có đi nhầm quán không nhỉ? Ông chú già thấy khách lúng túng thì cười hềnh hệch. Người mình chúng mày ơi. Sau câu nói là mấy ông già ngẩng đầu lên ngó Mạnh. Cả thảy là 6 mái tóc bạc thếch thời gian. Gương mặt ai cũng sạm đen dạn dày sương gió. Đuôi mắt xếp ly nhăn nheo dấu cuộc đời in hằn vết. 6 người lỏng khỏng, 8 cái chân cà nhắc.
Ngày mấy ông già bàn việc mở quán thì mấy bà vợ với đám con can quá trời. Về hưu rồi chẳng thèm ở yên. Tuổi này thiếu cái gì mà bày đặt buôn bán. Tiền đó dưỡng già chứ bày ra chi lại thêm nặng gánh lo toan. Rồi cái thân cà xịch cà lụi vậy mần ăn sao. Ông nào chạy bàn, ông nào nấu bếp, ông nào rửa chén. Mấy cha già cứ tưởng mình còn trẻ à. Thôi không quán xá gì hết. Ở yên đó cho con cháu nó chăm.
Nhưng, mặc bao lời can ngăn, mấy ông già trút hết lương hưu sửa lại căn nhà của người đồng đội đơn thân để lập cái quán 8 chân. Cái quán ngày khai trương cũng xôm tụ khi bạn bè, bà con lối xóm kéo vào rồi chưng hửng hỏi. Quán tên gì ngộ vậy trời. Thì nè, đếm đi, tụi tui có 8 cái chân. Khách cắc cớ hỏi mắc gì tự dưng dựng cột giữa nhà, làm mấy cái bảng hiệu như ngoài đường, kê bàn lóc cóc thấy xưa lơ xưa lắc. Ông già còn lành lặn hai cái chân nhưng thiếu cái tay trái cười tỉnh rụi. Thì nhà cha đó ở Hàng Trống, nhà cha kia ở Dốc Bưởi, còn cái cha đang nấu bếp lành lặn hai cái tay nhưng thiếu cái chân phải là trai ngõ Tạm Thương. Tụi tui gặp nhau trên chiến trường. Lính Z23, Lữ 316. Ai cũng gật gù cười mấy ông bộ đội già. Mấy cha chịu chơi nhen.
Cái xóm có quán ăn Bắc rộn ràng theo tiếng í ới gọi món. Riết đâm ra quen, quen thì thành thích. Quán 8 chân của mấy ông bộ đội miền Bắc nấu ăn chuẩn vị, lại được cái vui. Khách đông, mấy ổng chống nạng chạy loạn xạ, kêu đồng chí ơi; khi vắng, mấy ổng ngồi hát như đang hành quân. Quán lạ hết biết nói. Quán duy nhất ở ngoại ô Sài Gòn cứ vậy mà tấp nập.
Nhưng có bận ai đó bất chợt hỏi, rồi mắc gì toàn mấy cái tên ngoài Bắc mà đâu ra cái Cầu Rạch Chiếc vậy ông bộ đội. Tiếng hỏi lớn giữa rộn rạo đám đông thực khách ghé quán. Mấy ông bộ đội chợt khựng lại. 6 ông già nhìn nhau, nhìn tay, nhìn chân, rồi nhìn xuống đất. Ông già chống nạng đứng gần khu ngoài cửa trả lời câu gì đó nghèn nghẹn. Gió lồng tiếng nói mênh mang, chữ được chữ mất bay khắp quán. Người nghe ra trận đánh, người nói hình như đồng đội. Khách thôi không còn hỏi. Mấy ông già tự dưng buồn. Lúc đó cũng là tháng Tư. Tháng Tư luôn dội vào lòng người những nỗi niềm của đất.
Tân xộc đến quán, ngó chừng như khách ruột mấy ông già bộ đội, gật đầu chào lia lịa rồi phóng lẹ vào khu Cầu Rạch Chiếc. Quán chia theo khu, muốn ngồi khu nào cứ theo cái bảng chỉ đường rẽ vào. Bàn ghế lóc cóc hệt như lúc một ngàn chín trăm hồi đó. Hồi đó của mấy ông bộ đội già là thời thanh xuân xanh màu áo lính. Mỗi ông một ngả, từ Bắc theo tiếng gọi quân hành mà vào Nam. Chiến trường đi đâu hẹn ngày về. Khi đi lành lặn, lúc về có khi chỉ là tờ giấy báo tử. Cũng có khi là dăm ba thứ quân trang kỷ vật. May mắn thì vẹn nguyên. Nhưng, đâu phải ai cũng may mắn. Như mấy ông già này nè, thiếu trước hụt sau. Có người về lại quê hương, có kẻ ở hẳn đất này vì nhiều lẽ đời. Mấy ông già chọn cái xóm ngoại ô tụ nghĩa đồng đội nương nhau dằng dặc thời gian cũng y hệt quãng thời gian non sông nối liền một cõi.
Tranh của họa sĩ Đoàn Đức Hùng
Tân nói rồi phả vào không gian chộn rộn của buổi chiều tà tiếng thở dài. Thứ mà Mạnh kiếm là đây, ngay cái khu này, Cầu Rạch Chiếc đó. Mấy ông bộ đội này chắc là giúp được mầy. Hai thằng đồng nghiệp cùng công ty khác chi nhánh, đứa Bắc người Nam. Hôm Mạnh hỏi Tân nếu muốn đi tìm lại người ông hy sinh những ngày tháng Tư đỏ lửa ở đất Sài Gòn thì đi đâu. Ngày ông đi, bà đang bầu mẹ của Mạnh. Giải phóng cả quãng thời gian mà ông biền biệt. Có tin ông nằm lại trong trận thông cầu Rạch Chiếc. Trận đánh quan trọng để tiến vào giải phóng Sài Gòn theo hướng Đông. Bà ngược xuôi miền Nam mấy lần nhưng vẫn không thể tìm được ông, dẫu chỉ là xương cốt. Trận cầu Rạch Chiếc ác liệt quá. Lữ đoàn ngày về khải hoàn ca chỉ còn mấy chục người. Ngày bà về với đất vẫn luyến tiếc chuyện ông đâu đó nằm lại với trận cầu Rạch Chiếc. Đất đó ôm vào lòng người ông của Mạnh.
Tân hẹn Mạnh cho chuyến đi vào tháng Tư khi nghe câu chuyện của cậu bạn đồng nghiệp ngoài Bắc. Mọi sự hạnh ngộ trong cuộc đời này đôi khi đều vì duyên mà đến. Mạnh cứ vào đây. Đất này bấy lâu vẫn luôn chất chứa trong lòng những câu chuyện chan chứa tình người. Tân tin nếu đủ lòng thì đất cũng sẽ nở hoa.
Đêm Sài Gòn tháng Tư năm đó rực lửa. Cầu Rạch Chiếc nằm trên xa lộ Biên Hòa. Đây là vị trí trọng yếu cửa ngõ phía Đông nên Mỹ-ngụy cho quân trấn thủ lực lượng với hơn 400 tên được trang bị súng chống tăng, cối 60mm cùng hệ thống chốt và chòi canh dày đặc. Phía sau có trực thăng và pháo binh yểm trợ. Trước trận đánh lớn, đêm nằm ngoài rừng dừa nước ven đô Sài Gòn, mấy ông bộ đội già khi ấy mới mười tám, đôi mươi đè nhau ra cắt tóc, cạo râu. Trận này không lùi. Có chết cũng phải chết đẹp.
Đêm đó, giữa mịt mùng pháo sáng, giữa đì đùng hỏa châu, mấy ông bộ đội chia nhau tờ giấy ghi vội thông tin cá nhân và vài dòng để lại cho người thân. Có đứa nhớ mẹ, có đứa nhớ cha, có đứa chỉ nhớ hương bưởi ngay con dốc nhà nơi tuổi mười tám vừa mới nắm tay cô bạn học đã phải lên đường biền biệt. Có đứa lẫn trong đêm mơ màng khói súng thèm mùi tóc của người thương… Đêm đó, trong muôn ánh sao, những nụ cười vẫn lấp lánh xanh màu đôi mươi.
Nhưng, cái màu xanh ấy nhuốm thẫm biệt ly khi phát súng B40 phát lệnh tấn công nổ vang. Hai bên giằng co từng mét đất. Pháo binh rồi trực thăng, đạn chùm chụp xuống. Cứ vậy mà xông pha. Đứa nằm xuống mắt còn cười mãn nguyện. Đứa chạy lên khi đạn vừa vù qua trên đầu. Mãi đến rạng sáng 30 tháng 4, khi đám lính Sài Gòn từ Xuân Lộc và Long Thành thất thủ kéo về, công sự vẫn gầm vang những tiếng súng. Nhưng, bỗng một khắc im lặng rồi chúng bỏ chạy tán loạn. Quân ta cắm cờ thông cầu. Ngoái đầu ngó lại thấy quân ta còn mấy mươi người. Giữa lúc cứu thương bỗng nghe tiếng kêu cứu giọng Sài Gòn của người lính ngụy. Áo khác màu nhưng chung máu đỏ. Ánh mắt thoi thóp ấy khiến mấy anh bộ đội nhìn nhau. Mình nói chung thứ tiếng Việt. Đất nước liền một dải. Đâu có vĩ tuyến nào cho lòng người! Thế là cứu chữa và đưa luôn người lính ấy về trạm.
Mấy ông bộ đội già chỉ thằng Tân. Mạnh ngồi nhìn rõ cậu bạn đồng nghiệp nãy giờ im re. Hèn chi hôm Tân nghe Mạnh kể chuyện người ông vẫn còn nằm đâu đó ở cầu Rạch Chiếc, Tân im lặng một lúc mới cất lời. Đêm tháng Tư đó, bàn ăn của khu Cầu Rạch Chiếc trong quán nhỏ liêu xiêu có thêm một cái chén, dằn thêm một đôi đũa. Khu này mấy ông bộ đội già luôn để một cái bàn trống. Hỏi ai ngồi đó. Mấy ổng cười hềnh hệch. Bàn đặc biệt dành cho hương linh đồng đội chứ có ai đâu.
Một đêm cuối tháng Tư, Mạnh theo mấy ông bộ đội già ra bia tưởng niệm trận cầu Rạch Chiếc thắp nhang. Đất cũ giờ đã thành đường lớn. Cây cầu xưa giờ đã đổ bê tông. Phía rừng dừa nước mọc lên mấy tòa cao ốc lừng lững. Xương cốt đồng đội giờ hóa đất. Đất trổ quanh bia những bông hoa dại màu xanh. Mấy ông hay gọi là hoa “đồng đội”.
Mạnh bứng một chùm hoa “đồng đội” đem về quê. Mạnh sẽ trồng quanh vườn nhà, quanh mộ bà. Trong muôn ánh sao, chùm hoa sáng lấp lánh. Ánh đèn vàng hắt 6 cái bóng lỏng khỏng nhưng chỉ có 8 cái chân đang dìu nhau lên cầu Rạch Chiếc. Lẫn trong tiếng gió có tiếng ai hát khúc quân hành.
26/5/2023
Tống Phước Bảo
Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...