Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Thiên Lương - Truyện ngắn của Phạm Văn Đảng

Thiên Lương - Truyện ngắn
của Phạm Văn Đảng

Phạm Văn Đảng sinh ngày 29.10.1976, quê quán Nam Định, hiện nay phụ trách Văn phòng đại diện Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà văn Phạm Văn Đảng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã xuất bản các tác phẩm: Trăng xưa, tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2014; Biển xanh, áo trắng và những trái tim hồng, tập truyện và ký, NXB Văn học, 2020. Anh được trao Giải B Cuộc thi sáng tác về tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam – Lào – Campuchia, Tổng cục Chình trị Quân đội Nhân dân Việt nam năm 2010; Giải khuyến khích Cuộc thi Truyện ngắn Đông Nam Bộ, năm 2022 với tác phẩm Thiên Lương.
Là cây bút lặng lẽ, đam mê và nghiêm cẩn sáng  tác, Phạm Văn Đảng đang từng bước khẳng định con đường văn chương của mình. Vanvn.vn trân trọng giới thiệu truyện ngắn Thiên Lương của anh đến bạn đọc.
“Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi
Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời…”
Giai điệu ngọt ngào của bài hát ngân nga trên khắp hệ thống loa tàu bay. Liền sau đó là tiếng tiếp viên hàng không thông báo sắp hạ độ cao, nhắc nhở hành khách cài dây an toàn. Gã nhoài mình ra khỏi ghế, hai tay nâng nắp tấm cửa sổ bé xíu như muốn nó rộng ra nữa để cố gắng thu vào tầm mắt những gì đang lướt qua loang loáng. Trời ơi, quê hương mình đây rồi ư? Nước Việt của những kẻ xa xứ ngàn trùng sắp đã hiển hiện trước mắt cha con gã rồi đó sao?!! Nhưng gã không thấy gì cả, ngoài những làn mây trắng bồng bềnh qua ô cửa sổ. Gã lập cập móc cặp kính lão từ túi áo, nhướn mắt thêm chút nữa. Chỉ thấy một dải xanh mờ phía dưới. Trời ơi! Biển. Đúng là biển rồi! Gã lại cúi xuống nhìn màn hình trên lưng ghế. Mũi tên chỉ thị đường bay đang hướng về dải đất hình chữ S thiêng liêng. Tự nhiên gã thấy như có ai bóp nghẹn nơi trái tim, gã đưa tay đỡ lồng ngực, cố giữ cho hai bờ vai không rung lên. Nhưng hơi thở gấp gáp, sắc mặt đang tái dại vì xúc động của gã đã khiến người con trai ngồi bên cạnh nhăn mặt.
Một tràng tiếng Anh phát ra, tuy nhỏ thôi nhưng cũng làm gã trấn tĩnh đôi chút. Người con khẽ nắm lấy tay cha, rồi nhanh chóng mở túi xách đưa cho gã vài viên thuốc màu đỏ. Gã lập cập mở nắp chai nước sóng sánh rớt xuống cả ghế ngồi. Cậu ta lại nhăn mặt lắc đầu, đoạn đưa hai tay nâng lên sát miệng gã. Sau tiếng ực là những cái vuốt dọc nơi lồng ngực. Gã ho khan, thở nhè nhẹ và tựa hẳn lưng ra ghế. Đôi mắt gã nhắm nghiền, thi thoảng lại chớp chớp như muốn ngăn những giọt đang chực trào ra. Gã không biết mấy trăm hành khách trên chuyến bay này có ai như cha con gã không..? Hỏi rồi tự trả lời, con người có tổ có tông, ai đi xa chẳng nhớ những gì của thời thơ ấu. Nhưng với gã, cái thời ấy nó khủng khiếp, nó như ngàn vạn mũi kim châm vào trái tim gã hằng đêm rỉ máu. Hầu hết hành khách đang ngủ vùi sau hàng chục tiếng đồng hồ mệt mỏi. Còn gã thì không thể ngủ được một phút nào, dù rằng cả tuần nay gã đã chập chờn, thao thức. Hễ cứ nhắm mắt lại là ký ức kinh hoàng hiện về, y như những đêm dài gã bồng con ở trại tị nạn. Ngồi bên cạnh gã, cậu trẻ vừa đọc sách vừa liếc mắt trông chừng. Gã nhìn quanh như sợ người ta đang cười cha con gã. Nhưng chắc họ cảm thông với mình mà. Ai về thăm quê chẳng hồi hộp. Nhưng làm gì có người cùng cảnh ngộ như cha con gã. Họ chỉ đơn thuần chỉ là khách du lịch, hoặc người đi công vụ ngoại giao gì đó. Thời bây giờ, sự qua lại nửa vòng trái đất mà cứ như một chuyến đi chơi. Chẳng bù cho những ngày xưa…Gã không dám nghĩ tiếp.
Có tiếng mời chào của tiếp viên bán đồ lưu niệm. Nào những nón lá, khăn rằn… Gã khẽ vươn người định mua vài món, nhưng rồi lại chần chừ, lặng lẽ ngắm nhìn những hành khách đang hớn hở lựa đồ. Sau vài năm dịch Covid, có lẽ các tín đồ xê dịch đã cuồng chân lắm rồi. Trước lúc chuyến bay Los Angeles – Tân Sơn Nhất khởi hành, gã đã thấy đa phần là người Việt. Một số đi tham dự hội thảo khoa học gì đó, là gã nghe loáng thoáng như thế. Bây giờ mới đầu tháng 8, chưa phải là thời điểm Việt kiều về thăm thân. Gã đã phải tính toán, sắp xếp rất công phu mới có chuyến đi này. Bởi vì ngoài việc chính của cha con gã, còn có một buổi lễ ký kết, chuyển giao vác xin từ WHO về Việt Nam, do Tiến sỹ James Phạm – con trai gã làm chuyên viên tư vấn. Với lại, gã luôn nghĩ không thể lùi thời gian thêm nữa. Mấy năm gần đây, sức khỏe của gã đã yếu đi trông thấy. Theo tuổi ta, gã bắt đầu bước sang thất thập cổ lai hy. Lúc gã mới chào đời, ông cụ thân sinh đã chấm lá số tử vi, theo số thì mệnh Thiên Lương cư cung Mùi, hạn đến tiểu vận năm Nhâm Dần gặp kình đà không kiếp xung chiếu sẽ khó bề yên ổn. Gã vốn chẳng tin lý số, nhưng qua muôn vàn biến cố, lời ông cụ vẫn văng vẳng bên tai khiến gã thấy luôn linh nghiệm.
Cậu trẻ đã gấp sách đưa vào ba lô, quay sang gã liến thoắng về tấm vải thổ cẩm vừa mua. Gã chỉ liếc qua rồi nói chậm rãi: Từ bây giờ, con phải nói Tiếng Việt. OK papa! Chàng trai nhoẻn miệng cười. Nhưng papa nói chậm thôi nhé. Con chưa thuộc từ điển nhiều. What is thô câm? À, đó là tấm vải dệt từ khung cửi thủ công, có nhiều màu sắc, hoa văn của người dân tộc vùng cao. What is khung cưi? Con lại thế rồi. Ba sẽ phạt con đấy. Nhưng sao hôm nay nhiều từ mới thế papa? Ừ, Ba sẽ giải nghĩa cho con này…Thôi cho con nói tiếng Anh đi papa. Khó quá à! Không được. Má con sẽ rất buồn! Gã định nói thêm điều gì đấy, nhưng chợt thấy cổ họng nghẹn lại. Cậu trẻ dường như biết lỗi, gục đầu vào vai người cha hát khẽ: “Pèo dạt mây í ì trôi… pa ơi i í ì”... Hai cha con cùng cười. Ngoài ô cửa sổ, những đám mây trắng xóa đã lùi lại phía sau, nhường chỗ cho dải màu xanh loang loáng trên nền trời đầy nắng.
Chỉ còn vài vòng lượn nữa thôi, cái tàu bay này sẽ đưa cha con gã chạm xuống nơi mà hơn bốn mươi năm trước, gia đình gã đã rời đi. Cuộc chia ly gần nửa thế kỷ. Ngày ấy thằng bé mới chưa đầy năm. Cũng giống như gã, hồi 54, cha mẹ ẵm gã còn đỏ hỏn lên tàu há mồm vào Nam. Tính ra quê quán của gã thật khó xác định. Tự nhiên gã nghĩ về lời tiên tri của ông thầy số: Dòng họ này độc đinh và chỉ có thoát tổ ly hương mới có cơ may nối dõi. Ấy là do ông cụ thân sinh truyền lại. Năm 18 tuổi, sau khi thi đậu tú tài toàn phần, ông cụ gọi gã về căn dặn: “Thiên lương là sự lương thiện trời ban, cha đặt tên chòm sao ấy cho con những mong con là phúc tinh của dòng họ. Trai thời loạn khó tránh khỏi binh đao, con đi đâu, làm gì, hãy giữ trọn Thiên Lương mà tu nhân tích đức”.
Gã ngồi bên tràng kỷ nghe cha dặn dò mà đầu óc đang vẩn vơ nghĩ đến những cuộc hẹn giữa Sài Gòn hoa lệ. Gia đình gã theo Chúa vào Nam đã gần hai mươi năm nhưng vẫn giữ nề nếp gia phong như hồi còn ở Bùi Chu. Cách ăn ở, sinh hoạt, bài trí chẳng khác gì vùng nông thôn ngoài Bắc. Có thể do các cụ vốn dĩ đã ngấm sâu cái gốc rễ ngoài ấy, nhưng với hắn thì đó chỉ là thứ hủ nho kỳ quặc. Cũng có thể do ông bà chọn ở khu vực Hố Nai vốn là nơi công giáo toàn tòng nên sinh hoạt cộng đồng như thế chăng? Còn gã – cậu ấm được gửi lên học ở Sài Gòn, gã thấy cái gì cũng cũ kỹ, lạc lõng. Gã sợ nhất mỗi kỳ nghỉ hè, phải về nghe những lời đạo mạo cao siêu của ông cụ. Bao giờ cũng bắt đầu từ hồi xưa, ngoài đó…Những lúc như thế, gã chỉ mong kỳ nghỉ trôi qua thật nhanh, để thỏa sức vùng vẫy trên chốn phong lưu của đất đô thành. Mẹ gã thường thì không nói gì cả. Cuộc đời bà chỉ quanh quẩn từ nhà ra chợ, đi lễ nhà thờ, rồi cặm cụi phơi tráng bánh đa, nghề gia truyền của dân di cư. Sau này gã mới hiểu, những người lớn thường hoài cổ, và cuộc ra đi của ông bà cũng vội vã y như cha con gã, nên nỗi nhớ quê đã thành căn bệnh cố hữu. Mỗi lần mẹ gã ti tỉ khóc vì xa quê cách quán, ông cụ lại rít thuốc lào sòng sọc, lạnh lùng phán: Bề trên đã định liệu rồi. Bà xem, nếu tôi không rước bà từ phủ Thiên Trường về, thì bà còn tom chát đến mạt kiếp…
Mỗi lúc như thế, mẹ gã sẽ im ngay. Bà chỉ biết cúi đầu làm dấu thánh và lần tràng hạt. Khi ấy gã thương mẹ nhất. Là phận vợ lẽ, nhưng may mắn sinh được quý tử, chính là Phạm Thiên Lương này đây, mà ông cụ đã bỏ tiền mua bà về từ quán cô đầu trên phố. Mẹ cả với năm người chị gái hùa nhau chống đối người vợ lẽ bé bỏng. Bố gã như người vô can. Ông cụ có nhõn việc ôm thằng con trai quý tử đi đánh tổ tôm, mặc cho bà cả và lũ quỷ con đấu tố. Khổ nỗi, ông vốn chẳng coi lũ vịt giời kia ra gì, nên bà cả càng tức khí mà trả thù bà lẽ vô số tội. Trong đó có tội đẻ được thằng cu. Mẹ gã biết phận nên cắn răng chịu đựng. Đến trào di cư theo Chúa vào Nam, bà ôm con chạy trốn, báo hại bố gã thân già lao theo tìm kiếm tận Hải Phòng, rồi ông bà xuôi tàu định cư ở Hố Nai cho đến tận bây giờ. Đấy chính là lý do ông cụ đay nghiến bà mãi không thôi. Ông phải bỏ lại bà cả và năm con vịt giời đói ăn đói mặc. Nhưng rồi ông tự an ủi, nữ nhân ngoại tộc. Biết bao bữa cỗ trong làng ông phải ngồi mâm dưới. Mỗi lần đám hủ nho cạnh khóe, ông nuốt nước mắt vào trong mà ăn, mà uống, như uống nỗi đau đời. Qua Mỹ, gã cũng chỉ có một đinh duy nhất. Nhưng nó đâu hiểu được sự quan trọng ấy với dòng tộc này. Đã thế, nó chẳng diễn đạt được một câu Tiếng Việt cho ra hồn. Trước chuyến đi, cha con gã giao kèo: Bước chân về đất mẹ chỉ được nói Tiếng Việt. Đúng hơn là gã ra lệnh như thế. Gã không cần biết vốn liếng chữ nghĩa của nó được bao nhiêu. Gã muốn mẹ nó nghe được những lời nguyện cầu của cha con gã. Dưới lòng biển sâu kia, chắc nàng sẽ mỉm cười khi thấy đứa con bé bỏng ngày nào đã nên người. Cha con gã sẽ đứng trước biển mà chuyện trò với nàng. Phải đúng vào cái đêm hôm ấy, một đêm bão tố mịt mù, một đêm bão tố trong lòng cha con gã.
– Ba, nhìn kìa, có phải Sài Gòn đó không ba?
– Đâu? À, ừ. Gã dụi mắt. Gã liếc nhìn bản đồ hành trình bay, những đường kẻ vuông góc, những địa danh ẩn hiện, lướt qua. Tây Ninh. Biên Hòa. Sài Gòn. Ôi những địa danh một thời ngang dọc.
Ngày ấy, sau mùa hẻ đỏ lửa 72, chiến cuộc sôi sùng sục, mùi binh đao đã về đến Sài Gòn. Những cuộc điều binh hối hả, các sắc lính tụ về đô thành dồn dập hơn bất cứ lúc nào. Ông cụ nhắn tin cho gã về Biên Hòa gấp. Gã thì còn đang chùng chình, nửa muốn về, nửa muốn du ngoạn cùng đám bạn. Đứa đăng lính, đứa trốn về quê, đứa nào con nhà khá giả thì qua Mỹ du học. Gã băn khoăn không biết nên thế nào cho phải. Quân dịch truy bắt liên kỳ hồi trận. Tổng thống đã ra lệnh tổng động viên trên toàn quốc. Gã ngẫm nghĩ, không nhanh chân chuồn về thì đừng hòng thoát. Nhưng gã còn đang tơ tưởng một em ở trường trung học Trưng Vương. Gã ngâm nga với em nữ sinh:
“Rớt tú tài anh đi trung sĩ.
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con.
Bao giờ xong việc nước non.
Anh về anh có Mỹ con anh bồng.”
Nàng gí ngón tay trỏ vào trán gã. Anh dám hả? Còn em thì sao? Em sẽ đưa anh đi trốn. Hay là em xin tiền ba má lo cho anh? Gã ôm nàng cười nhăn nhó. Bố anh bảo: “Làm trai cho đáng nên trai. Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng.” Vậy thì anh về với bố anh đi. Nàng nhại giọng Bắc. Không. Anh sẽ vô đại học văn khoa. Anh sẽ viết tặng em những vần thơ màu tím. Việt Cộng đánh đến nơi rồi anh còn ở đó mà mơ với mộng. Đánh nhau thì quốc gia cũng cần nhà thơ chứ? Cần để anh ngâm thơ như Lý Thường Kiệt hả? Anh không phải là tướng quân. Vậy thì anh sẽ là quân nhân. Gã cười chua chát về cái luận điệu ấy của nàng. Muốn gì thì cũng phải thi đậu đã chứ. Gã không thể vào trận binh đao. Cái thân cò ẻo lả này làm sao đăng lính được. Rồi nàng sẽ phải ngưỡng mộ về tài thơ văn của gã. Sẽ có những tác phẩm nức tiếng trời Nam. Cuộc chia tay Sài Gòn diễn ra đại loại như thế. Đón gã tại căn nhà cũ kỹ nơi xóm đạo là một bình trà đặc quánh và tiếng rên khó nhọc của ông cụ. Chuyện đông tây kim cổ một hồi rồi cũng đến chuyện liên quan đến số phận của gã.
– Nhân bất học bất tri lý.
– Thì con vẫn đang học mà.
– Tôi biết. Giờ anh định thế nào? Ông cụ xưng hô với gã theo lối cũ. Nghiêm trọng rồi đây. Gã thầm nhủ.
– Thế bố mẹ quyết sao ạ?
Mẹ gã vẫn ngồi ở góc giường lần hạt mân côi. Ông cụ bảo, người Pháp nhì nhằng mãi cũng chỉ ở nước Nam ta được 9 năm. Người Mỹ thì nay đã gấp đôi số ấy rồi. Anh biết không?
– Dạ con biết.
– Số phận cái dân tộc này không chịu để ngoại bang khuất phục đâu. Anh phải thấy là hồi xưa phong kiến phương Bắc cũng thế.
– Ý của bố là…?
– Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách. Anh liệu mà tìm đường chọn chủ. Tôi già rồi chẳng nói làm gì. Hãy nhớ hai chữ Thiên Lương.
Gã cố gặng hỏi thêm nữa, nhưng ông cụ đã ra dấu yên lặng. Thân già như chiếc lá úa vàng, nay ủ rũ trước thời cuộc. Gã cũng không ngờ đó là lần trò chuyện cuối cùng của cha con gã. Dù sao trước lúc nhắm mắt xuôi tay, ông cụ vẫn tin tưởng ở gã, đứa con độc đinh của dòng họ Phạm. Nhưng lời ông dặn chỉ có vậy, thư sinh trói gà không chặt như gã thì biết tìm ai, ở đâu, trong thời cuộc mông lung như thế này. Cây đinh trụ cột trong nhà đã ra đi, mẹ gã, người đàn bà mềm yếu và ngoan đạo, gã biết mình sẽ phải trở thành cây đinh chèo trống cho cái gia đình đang xiêu vẹo này. Gã chưa kịp quay lại Sài Gòn thì một cuộc vây ráp quân dịch ào ạt ngay tại xóm nghèo. Mỗi lần nghe tiếng thét bắt bớ, mẹ lại đẩy gã lên máng xối, rồi lo tiếp cơm nước trên ấy. Khi đã êm gã mới rón rén trở xuống, thậm thụt như trò chơi trốn tìm. Cái trò chơi quái gở cứ diễn ra mãi. Gã không dám mò mặt ra đường cái. Nghe mọi người bảo, bến xe bến tàu dày đặc quân cảnh. Hễ cứ gặp trai tráng là bắt lên xe nhà binh hết ráo, mọi việc trình bày gia cảnh tính sau. Gã thấy cuộc đời mình vô vị quá. Thôi cứ liều tút lên Sài Gòn, gặp nàng cho thỏa nỗi nhớ mong, rồi muốn ra sao thì ra. Biết đâu nàng sẽ chỉ cho con đường thoát. Nghĩ là làm, gã từ biệt mẹ trong một đêm không trăng không sao, mưa gió não nề. Kể cũng lạ, cuộc đời gã những cuộc ra đi định mệnh thường vào những đêm như thế. Ở bên Mỹ, mỗi đêm trời giông gió là gã lại thảng thốt giật mình, tựa hồ như có ai ở sau lưng vồ lấy hắn, rồi một bầy quỷ giữ lao vào cắn xé. Gã kêu la thảm thiết trong giấc mơ và giật mình tỉnh giấc, mồ hôi ướt đầm giữa trời Tây giá lạnh.
– Mình về đâu hả papa?
Gã bàng hoàng quay về với thực tại. Sài Gòn đây rồi. Ra khỏi sân bay gã vẫy đại một chiếc taxi. Ừ nhỉ. Cha con gã sẽ về đâu bây giờ? Cái ngày gã và nàng ra đi, căn nhà gã đã bị một trái bom dội trúng. Chỉ nghe mọi người kể có rất nhiều người chết mất xác. Sau rồi chôn cất tập thể và trở thành nghĩa trang của giáo xứ. Người làng bảo pháo kích của Việt Cộng. Nhưng bạn bè gã thì nói, pháo từ chi khu Lộc Ninh bắn sang. Chẳng biết ai đúng, ai sai. Nhưng mà để làm gì! Chiến tranh là thế. Bom đạn nó đâu có mắt để phân biệt được phe nào. Gã không có thời gian để nghĩ về việc đó nữa. Chưa kịp gặp người yêu thì gã đã bị hốt, rồi đưa thẳng tới quân trường Quang Trung. Thế là hết, gã ngẫm nghĩ trong trại gia binh, biết ngày này sẽ đến mà không thể làm gì khác được. Chẳng kịp nhắn tin gì cho nàng, người thân duy nhất cũa gã đến giờ này. Có thể nàng sẽ giận hờn nhiều lắm. Có thể nàng sẽ ngược xuôi đi tìm gã khắp Biên Hòa, Sài Gòn. Nhưng làm sao nàng biết được, chàng thư sinh Phạm Thiên Lương nay đã vô quân lực Việt Nam Cộng hòa. Thôi kệ. Cuộc đời có số phận cả. Nếu còn duyên thì ta sẽ gặp nàng. Âu cũng là duyên số.
– Rex Hotel.
Gã suy nghĩ một hồi và nói với người lái taxi.
Đấy là cung đường gã và nàng thường hẹn nhau tản bộ, và ra bến Bạch Đằng ngắm dòng sông đang trôi. Mỗi cuối buổi chiều, khi nắng không còn nhuộm làn da trắng muốt của nàng nữa, hai đứa dắt tay nhau đi dọc bờ sông đầy gió. Ở nơi ấy, cái hôn đầu tiên vụng dại khiến cả hai đắm chìm trong khoảnh khắc mơ mộng học trò. Gã đọc cho nàng nghe những vần thơ vừa sáng tác. Dường như Sài Gòn lúc đó đang lặng đi, không còn âm thanh nào của súng đạn, không có tiếng gầm rú của xe nhà binh, không có sự ầm ào, náo động của phố thị. Chỉ có lục bình trôi xuôi dòng, những con thuyền lặng lẽ, và gã với nàng. Gã lại nhớ lần nàng khệ nệ xách đồ ăn lên thăm nuôi gã ở trại cải tạo Long Khánh. Câu đầu tiên nàng thốt ra với hắn ở chỗ rừng xanh núi đỏ: Người đi một nửa hồn tôi chết. Gã cướp lời: Một nửa hồn kia vẫn… bình thường. Nàng ngúng nguẩy giả bộ quay đi. Cười toe toét, gã hẹn nàng gặp giữa Sài Gòn. Lính kiểng hạng bét như gã, lại ra trình diện sớm nên có mười ngày tập trung là được tha về. Nhưng hắn bị quản chế ở địa phương, và phải ra trình diện khi có lệnh. Nàng bảo, em cũng sẽ bắt anh phải trình diện. Ba mẹ em qua bển trước rồi. Em đã khước từ cơ hội để chờ rước anh. Giờ em chỉ còn có anh, và đứa con chúng mình. Nàng chỉ tay vào bụng. Ôi sao em lại có thai lúc này? Làm sao mà em biết được. Anh nghĩ là anh chưa thể làm cha … Em có thể sao? Anh phải tính thế nào đi chứ? Gã biết tính thế nào? Cuộc đời của chính gã còn không tính được mà. Nàng nép vào vai gã thổn thức. Gã thì thầm: “Gió có lạnh hãy cầm tay cho chặt/ Đêm có khuya em hãy ngủ cho ngoan/ Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn… (Tháng sáu trời mưa – Thơ Nguyên Sa).
Thế là cuối cùng gã đã về được cái nơi mà gã gửi lại cả một thời tuổi trẻ. Hai cha con dắt nhau trên con đường gã cùng nàng khi xưa từng sánh vai nhau. Sài Gòn đã thay đổi quá nhiều. Chợt gã ngước nhìn đứa con trai, tuổi nó đúng bằng số năm gã rời xa quê hương. Vậy mà nó vẫn miệt mài nghiên cứu, chưa chịu lấy vợ, sinh con. Nó bảo con tôn thờ phái FA. Gã buồn rầu nhìn lại mình, một ông già nhăn nheo, tóc bạc, da mồi. Ký ức thanh xuân vừa trở lại đây thôi, chứ gã gần bằng tuổi ông cụ thân sinh lúc quy tiên. Tâm nguyện của ông cụ khi nào hết chiến tranh, ông sẽ về làng Bùi Chu để khấn nguyện tổ tiên, rồi biên vào gia phả sự nối tiếp như là một di mệnh của dòng họ. Bây giờ, cha con gã phải thay ông cụ làm việc đó. Nhớ ngày xưa nàng từng hứa hẹn, qua bên ấy, nhất định em sẽ sinh cho anh một đàn con trai, để tha hồ mà nối dõi tông đường. Nàng hay nhại lại cái giọng Bắc kỳ chín nút của gã.
Những ngày tập trung ở trại tị nạn bên Mã Lai, mỗi lần bế con đi xin sữa của mấy bà mẹ sơ sinh, gã lại muốn òa lên khóc nức nở. Gã ngước mắt nhìn trời xanh, rồi lại nhìn mặt biển bao la mà gào khóc. Cái phản xạ sợ nước biển của gã đã mấy chục năm rồi vẫn thế. Đến mức độ, gã không bao giờ dám tắm trong bể bơi, không bao giờ bước lên tàu thủy. Gã sợ những khoảng không mênh mông như thế.
Lẽ ra gã sẽ thi vào đại học văn khoa sau khi cải tạo về. Gã luôn tin tưởng vào kiến thức của mình, bài thi bao giờ cũng mượt mà, trọn vẹn, và hắn tâm đắc như vừa cho ra đời một tác phẩm. Nhưng điểm báo về năm nào cũng trượt. Nàng động viên, cụ Tú Xương ngày xưa cũng ba lần thi hỏng. Gã không đủ kiên nhẫn để bước qua được ba lần như thế. Gã kiếm việc làm nuôi thân, bất kể sang hèn nhưng chỉ được vài hôm là bị người ta từ chối. Chưa bao giờ gã thấy mình vô dụng đến thế. Chính quyền ra thông báo sẽ phải rời thành phố đi vùng kinh tế mới. Thi sĩ nửa mùa như gã sống sao nổi nơi rừng xanh núi đỏ? Gã không thể ăn bám nàng mãi được. Ở bên kia, cha mẹ nàng gửi tiền về và luôn thúc giục nàng ra đi. Không thể quá tam ba bận, và gã nhất quyết cùng nàng ra đi.
Hai đứa dắt díu nhau lên xe đò về Rạch Giá. Nàng dồn hết vốn liếng gia tài để đổi lấy bốn cây vàng, mức giá cho một chuyến vượt biên hồi ấy. Gã run lắm, nếu việc bại lộ thì rũ tù. Giới giang hồ đồn đại, thành công thì nuôi mẹ, vô tù thì mẹ nuôi, nếu chẳng may rớt xuống biển thì nuôi cá. Mới nghe đã lạnh sống lưng. Nàng đã quyết chí rồi, nam nhi đại trượng phu như gã đâu có đường lùi nữa. Người đi trước truyền lại, nếu thuận buồm xuôi gió, khoảng 3 đến 4 ngày sẽ đến trại tị nạn, rồi chờ định cư ở nước thứ ba. Nhưng đã qua 7 ngày rồi mà chiếc ghe của bọn gã vẫn lênh đênh trên biển. Lương thực, nước uống bắt đầu cạn dần. Đêm hôm sau thì gặp bão. Ghe xoay vòng như chong chóng, lật úp. Gã ôm nàng, nàng ôm con chới với giữa muôn trùng con sóng dữ. Tiếng la hét, tiếng cầu nguyện chìm dần trong đêm tối. Gã quơ tay vợt trúng thằng bé đã ngất lịm trong khi nàng bị sóng nhấn chìm trước mắt gã. Không còn đủ sức để vật lộn với biển cả, gã ôm con lịm dần, rồi chìm nghỉm. Khi tỉnh lại gã thấy hai cha con đang nằm trên một con tàu ngoại quốc. Lúc khởi hành ghe chứa gần năm chục người, con tàu ân nhân kia chỉ cứu được chưa đầy chục mạng. Gã không khóc được nữa. Những giọt nước mắt còn sót lại vừa rớt ra đã bị hai bờ mi kẹp vỡ vụn, bốc khói.
– Papa, khi nào mình về thăm quê?
– Ngày mai. Cũng là ngày giỗ mẹ.
– Con suy nghĩ lại rồi. Chuyến này về con sẽ quyết lấy vợ. Con sẽ học thêm Tiếng Việt nữa.
Gã gượng cười. Trời Sài Gòn đang chuyển mình báo hiệu một cơn mưa mát dịu.
24/5/2023
Phạm Văn Đảng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...