Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Chiếc bàn và đèn bàn

Chiếc bàn và đèn bàn

Đêm khuya lắm rồi, thanh âm chung quanh chỉ còn lại tiếng lách cách duy nhất của bàn phím dưới mấy ngón tay tài hoa của chủ nhân. Công việc của một người đánh máy thuê khi hàng gấp không cho ông ấy ngủ sớm, vì vậy nên Chiếc Bàn làm việc và cái Đèn Bàn cũng phải thức theo.
Nhưng có lẽ mệt mỏi quá nên bỗng Chiếc Bàn lên tiếng:
– Chói mắt quá! Chói mắt quá! Cái thằng Đèn Bàn kia, sao cứ soi vào mắt ta thế này?
– Ôi oan ức lắm nha Bao Đại nhân ơi! Thảo dân chỉ soi cái laptop cho ông chủ thôi ạ!
– Soi thì soi nhưng mi quay đi chỗ khác không được hả? Sao cứ nhè mắt ta mà soi?
– Anh Chiếc Bàn đừng có ý lớn mà ăn hiếp nhỏ nha! Bộ em muốn soi vào mặt anh lắm à? Chỉ tại ông chủ bật đèn hướng nào thì em phải chịu hướng đó thôi!
– A… cái đồ không tay không chân mà dám cãi tay đôi với người có bốn chân à?
– Vâng, anh có bốn chân nhưng chưa chắc anh làm được việc như em đang làm!
– Làm gì mà ta làm không được? Ta lớn tuổi hơn mi, tuớng tá ta to hơn mi, chân ta có bốn cái. Mi có cái nhân nào không?
– Nhưng anh không biết soi sáng cho ông chủ làm việc!
– Nếu không có ta thì ông chủ lấy gì đặt laptop lên?
– Nếu không có anh thì cũng có cái bàn khác. Em mới là quan trọng! Vì không có em, cái nhà này cũng sẽ không có cái đèn khác soi sáng!
– Mi quan trọng sao mi không giỏi đứng một mình mà cứ ngồi lên mặt ta?
– Là vì nhà sản xuất không cho em cái chân, chứ có á hả, thì cũng chả nương tựa anh làm gì!
Hai món vật dụng cãi nhau ỏm tỏi làm chiếc máy laptop của ông chủ cũng bị rung lắc theo. Ông dụi mắt mấy lần, cho rằng chắc tại khuya quá nên mắt mình mờ. Mà chắc cũng tại làm việc cả ngày nên cái lap mệt, đường đây wifi thì bị cá mập cắn nó “lắc mạng” dữ quá.
Đóng máy, ông tắt đèn rồi chìm vào giấc ngủ bởi chiếc ghế bố nơi ông nằm cạnh bàn làm việc không xa.
Tiếng thở nhẹ của chủ nhân đã đều đều nhưng hai món vật dụng vẫn chưa chịu ngủ. Bọn chúng tiếp tục trận cãi vã vì cho rằng mình là quan trọng nhất.
Anh Chiếc Bàn bắt đầu âm giọng ồm ồm của người có tuổi:
– Cái thằng Đèn bàn kia, mi còn nhớ không, cái ngày mi ngơ ngáo về nhà này thì ta đã chễm chệ ở góc nhà đẹp nhất để làm bàn học cho cậu chủ rồi đó!
– Em nhớ rồi, và cậu ấy chuyên môn mua hình siêu nhân về dán khắp người anh, khiến da dẻ anh lúc nào cũng đầy hình xăm trông rất ngầu!
– Còn mày chỉ là thằng nhóc rón rén xin ngồi cạnh tao để chiếu sáng cho cậu chủ!
– Dạ, rồi mấy khi gặp bài khó, làm không được thì cậu ấy dùng thước kẻ miết xuống mặt bàn khiến mặt anh hằn lên nhiều vết sẹo, anh kêu đau oai oái. Anh bảo ước gì em không phải là đèn bàn bình thuờng mà là đèn laze để chiếu tia sáng ấy cho mặt anh hết sẹo!
– Tuổi tao có lẽ gấp tám lần tuổi mày, tao làm việc trong nhà này từ thời cậu chủ là cậu học trò lớp hai, bây giờ lớp tám rồi, mày biết mà!
– Dạ em biết. Nhưng anh đừng có mắng em này nọ vì chúng ta chỉ là những món đồ vật, phải chịu bao sự sai khiến của chủ nhà. Vả lại, ông chủ đang trong cơn buồn bã, anh đừng la mắng em, kẻo nhà mình buồn hơn ạ!
Lời lễ phép của Đèn Bàn làm Chiếc Bàn không còn quát tháo ra vẻ người lớn nữa. Nó vẫn nhớ khung cảnh đầm ấm của gia đình này, khi nó chỉ là chiếc bàn học của cậu chủ nhỏ.
Lúc ấy gia đình ríu rít tiếng nói cười vì tuy nhà nghèo nhưng vợ chồng ông chủ thương nhau lắm. Vậy rồi một tai nạn giao thông trong chiều cuối tuần đã làm ông bị mất mãi mãi một bên chân phải và không còn đi làm được nữa.
Ông chủ không còn làm công việc chuyên môn được nên ông nhận làm công việc của một người đánh máy thuê. Dù ông chưa lớn tuổi nhưng phải nghỉ việc sớm bởi tai nạn giao thông nên ở nhà buồn, nên ông kiếm việc làm thêm vừa với sức khỏe và khả năng của mình là vậy.
Nhưng vợ ông không đồng ý điều đó. Bà chê ông “bất tài vô dụng”, đàn ông gì mà mới năm mươi tuổi, sau một tai nạn giao thông đã trở thành thất nghiệp. Công bằng mà nói, công việc của một thư ký công trình xây dựng mang lại cho gia đình ông nhiều của cải và danh lợi quá.
Một công trình nào đó muốn nhanh hoàn thành đều nhờ tay thư ký hết lòng “giúp đỡ”. Mà sự giúp đỡ đó, bằng tiền mặt thì ông không nhận. Ừ thì còn vợ ông chi. Đời thái độ hơn trình độ là vậy. Người ta sẽ tìm tới vợ của tay thư ký công trình, nhờ bà “nói vô” một tiếng cho công việc suôn sẻ.
Vậy là bao nhiêu quà cáp từ rượu tây, bánh ngoại, nhân sâm, hải mã, tắc kè, đá quý phong thủy, trang sức …đều tới tay bà chủ.
Ông có biết cũng đã muộn rồi, hoặc lời ngon  ngọt của vợ đã khiến ông mềm lòng nên bao công trình đều trót lọt.
Bây giờ ông bị tai nạn, bao công danh đã hết, bao quà cáp cũng không còn nên vợ ông thành ra hụt hẫng và bực dọc.
Bà quen sống trong giàu sang có người cúc cung vâng dạ khép nép để dúi phong bì rồi. Bây giờ tất cả chẳng còn gì nên bà như người từ cung trăng rơi xuống.
Rồi bà nói rằng, bà sẽ ly hôn ông chồng “bất tài vô dụng” này. Khởi đầu cho việc ly hôn là bà dắt đứa con duy nhất của họ về ngoại ở. Thằng bé chẳng dám ý kiến gì, bởi bao lâu nay chuyện ăn học đều do một tay mẹ lo cả. Nên bây giờ mẹ quyết định, cậu phải nghe.
Tranh của họa sĩ Đỗ Quang Em
Căn nhà bỗng dưng trống vắng lạ lùng.
Nhớ con trai quá, biết làm gì cho đỡ nhớ? Vậy là ông chủ nhà bèn dọn từ bàn làm việc của mình sang bàn làm học cũ của con. Như là níu chút hơi ấm của gia đình vậy. Để ngày ngày nhìn những mẫu hình trẻ thơ dán chi chít lên đó, nhìn những lằn ngang lằn dọc của thước kẻ vạch lên đó mà ông nhớ đến bàn tay bé nhỏ của con trai ngày nào.
Thế nên Chiếc Bàn và Đèn Bàn mới có dịp cãi nhau như thế.
Hôm nay nhà ông chủ bỗng đông người quá. Họ đến với nhiều tiếng nói câu cười và dọn dẹp nhà cửa, mang theo nào bộ ghế sa-lon mới, nào tủ tivi to sầm, chiếc tivi cũng to, cả cái tủ lạnh cũng được thay mới.
Thì ra vụ tai nạn giao thông của ông chủ nhà đã được xử lại, người gây tai nạn cho ông phạm nhiều lỗi: không có giấy phép lái xe, nồng độ cồn trong máu cao gấp nhiều lần cho phép, lái xe lấn làn đường…
Những người anh em ruột thịt của ông đã theo sát vụ án, thuê luật sư giỏi và bằng nhiều chứng cứ nên ông chủ nhà đã được đền bù thiệt hại.
Anh em của ông đã mang sinh khí mới cho ngôi nhà bằng nhiều vật dụng gia đình mới mua để cho ông vui vẻ lên.
Còn vợ ông? Bà không phải bỏ ông mà đi về bên ngoại vì chê chồng, mà vì bản thân bà bị bệnh phải điều trị dài ngày. Bà không muốn chồng lo lắng vì không giúp được vợ nên đành về bên ngoại nhờ người thân của mình giúp đỡ.
Chiếc Bàn và Đèn Bàn đã thành vật lạc lõng giữa mớ vật dụng mới. Vậy nên ông chủ quyết định sẽ gửi chúng tặng mái ấm từ thiện nào đó, để chúng tiếp tục nhiệm vụ thiêng liêng là làm góc học tập cho bọn trẻ.
Ngày cuối ở căn nhà quen thuộc, Chiếc Bàn thở dài:
– Biết rằng anh em mình sẽ được mang đi cho tặng ở mái ấm nào đó, cũng là giúp ích cho trẻ em, nhưng anh buồn vì xa căn nhà thân yêu này quá Đèn Bàn ạ!
– Em cũng vậy, em nhớ cậu chủ quá, nhất là mấy lúc gặp bài tập khó, cậu liên tục ấn nút on-off trên mình em làm em muốn điên đầu. Nhưng bàn tay bé nhỏ ấy, lúc thơm bánh, lúc thơm kẹo, lúc dính keo dán ôi thật là dễ thương.
– Anh thì nhớ cái thước kẻ bằng gỗ dài dài to to mà mỗi khi tập hát thì cậu ấy gõ vào thân anh đau ơi là đau. Nhịp trật lên trật xuống nhưng nhìn cái miệng nhỏ lúc tròn lúc dẹp để hát cũng vui lắm!
– Nhưng mà bây giờ ông bà chủ đã vui trở lại. bà chủ hết bệnh, ông chủ cũng chấp nhận thực tại của bản thân. Nên chúng ta phải vui cùng họ mới phải anh ạ! Đèn Bàn vẫn giữ lễ với bậc đàn anh.
Chiếc Bàn gật gù khi nghe Đèn Bàn nói. Rồi hai anh em nghe rằng ngày mai mình sẽ được về mái ấm từ thiện ở chùa Thiên Phước, cho các em cơ nhỡ ở đó làm bàn học. Cậu chủ lớp 8 thì vừa thi xong học kỳ, cũng đang soạn mớ sách cũ, quần áo cũ, cặp cũ cho “tròn chuyến xe” để ngày mai mạnh thường quân đến chở các vật dụng này về mái ấm Thiên Phước.
Tiếng thở ông chủ đều đều từ phòng ngủ vọng ra, báo hiệu rằng ông ngủ rất ngon chứ không phải cứ trăn trở như thời gian nằm ghế bố cạnh Chiếc Bàn và Đèn Bàn nữa.
Hai món vật dụng cũng bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Chúng mơ về những bàn tay thơm bánh, thơm kẹo, thơm, keo dán giấy của bọn trẻ nơi mái ấm sẽ ngày ngày miết lên mặt bàn và tắc- mở chiếc đèn bàn.
23/5/2023
Đào Phạm Thùy Trang
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...