Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Tường cao hào sâu

Tường cao hào sâu

Con đường bê tông xóm Chùa đương bon bon thẳng bỗng dưng đâm đầu đánh uỵch vào bức tường chi chít mảnh sành, đành ngoặt một góc vuông hình thước thợ, quành qua thẻo đất thừa lắt lẻo chìa ra như cái đuôi con thạch sùng, rồi lại lượn một góc y như thế để trở về mạch cũ, lại bon bon thẳng đến tận lối rẽ sang Giếng Khía giữa làng Bung.
Dường như để cảnh báo cho sự ngoắt ngoéo bất thường này, ngay từ đầu đường, không biết đứa nào đã đặt sẵn một tấm biển, bằng nhựa, dán đề can đỏ hẳn hoi: “Chú ý sắp rẽ”. Phía dưới vẽ cả hình ziczac minh họa. Cạnh chỗ ngoằn ngoèo còn mở ngoặc ghi rõ “Tường bác Củng”, chữ cũng lượn hệt giun bò. Thế mà người lại kẻ qua, quen không nói, chứ hễ cứ lạ là phanh cháy chợ. Xong khi qua rồi kiểu gì cũng quay lại, mặt hằm hằm, mồm lẩm bẩm: “Đường điên! Mà nhà nào thần kinh. Thừa một tí đất chó ỉa cũng tường cao hào sâu y lô cốt. Bố cái giống dở người!”.
Nhưng chỗ đất ấy không phải của nhà lão thần kinh vô danh nào mà trên tấm biển lúc nãy kể đã ghi rõ tên lão Củng. Đất nhà lão, tường cũng của nhà lão nhưng lại không phải lão xây. Nó được hoàn thành cấp tốc trong vòng ba ngày, khi lão Củng và mụ Hai bị thằng con giai cả bốc cùng lúc lên xe ô tô, cưỡng chế ra thành phố một chuyến tham quan dối già. Đấy là chuyến tham quan đi vào lịch sử thành huyền thoại xóm Chùa vì lão và mụ từ thuở bé đến giờ chỉ kiên cường bám trụ sâu rễ bền gốc ở làng, xa lắm cũng chỉ lên đến chợ huyện mua lá dong phiên hăm tám tết chứ chưa hề biết mặt ngang mũi dọc thế nào là thành phố. Cùng thời điểm ấy, xóm Chùa làm con đường liên thôn theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng hợp tác. Lão Củng, trước đó, trong cuộc họp phiên toàn thể tại đình Đại, đã thống nhất bằng mồm là khi đổ bê tông các anh cứ thẳng tưng mà tiến, có tí đất vườn chả để làm gì, lão xin hiến cho xóm, không sao phải rộn. Thế mà chẳng hiểu thế nào lúc về lại mọc ra cái tường bao, còn đường xóm vẫn ngoằn ngoèo chữ chi như cũ. Hỏi thì chúng nó bảo anh nhà bác gọi thợ đến xây ngay trong hôm bác đi, xuyên đêm. Sáng ra chúng cháu làm đã thấy cao như vạn lí trường thành. Mà buồn cười, xây mỗi đoạn tòi ra còn chỗ khác vẫn để nguyên tường râm bụt mí điêu. Gọi điện thoại cho bác thì ò e í thuê bao, chúng cháu chả biết làm thế nào, đành lối cũ ta về lượn y cũ cho nó thoáng. Lúc ấy, lão mới hiểu hóa ra thằng Cả đầu tư chuyến thành phố là có mục đích. Thấy lão cứ ngẩn người, bọn trong xóm an ủi thôi bác, sông có lúc đường có khúc thế mới gọi là luyện phản xạ chứ đi cứ thẳng đuồn đuột nó đần cả người.
Chúng nó nói thế thì lão ừ để đấy nhưng cứ mỗi chiều, sau khi rau cỏ tưới tắm xong xuôi, trong lúc mụ Hai lần sờ bữa tối, lão thuận chân ra đường rồi theo lũ trẻ ra tận sân nhà văn hóa xem chúng nó bóng bánh diều dù thì cái đường xóm Đình thẳng tưng, hai bên hai hàng hoa tím, giương cao tấm biển: “Đoạn đường văn hóa” cứ như cái gai chọc vào mắt lão. Lúc trước, khi chưa làm, nó cũng thò ra tụt vào, cũng ngoằn ngoèo chứ đâu có nuột y vẽ như giờ. Cái chỗ cắm biển kia vốn là đất lão Trường. Nghe chúng nó kể sau hôm họp xóm Chùa, thấy lão Củng tuyên bố hiến đất làm đường, lão Trường bên này ngay lập tức cũng bảo trưởng thôn triệu tập phiên họp bất thường, cũng tuyên bố cắt ngoéo rẻo đất vườn, nắn con đường đang giẫy sần sận thành im một bề. Nghe lão Trường trả lời phỏng vấn oang oang trên đài truyền thanh xã trong chương trình Nhân vật của năm rằng có gì đâu, có tí đất chứ làm gì mà rộn, tính tôi đã nói là làm, không như ai miệng nam mô bụng bồ cứt sắt, lão Củng biết ngay là lão trên đài đang nhờ gió bẻ măng, bền bỉ trả thù món cừu tình hơn năm mươi năm trước, khi mụ Hai – khi ấy còn là cô Hai – một mực đem trả trầu cau cho anh cu Trường để về làm bạn với lão mặc cho thầy bu chửi sấp mặt vặt đuôi. Nhưng chưa hết. Từ ngày có bức tường, lão Trường bỗng đổi tính, gặp lão Củng mặt mũi không khó đăm đăm như trước mà giãn toét ra như hoa mãn khai, cái mồm oang oang khen nhà quan bác có cái tường khéo chim bay không lọt. Mà em chịu quan bác sâu mưu cao kế. Chắc nghĩ lại tiếc nên giả vờ làm chuyến ra thành phố… Kì tài!
Những lúc như thế, lão Củng chỉ biết lặng im rồi lủi vào giữa đám trẻ con, giả vờ hỏi han này nọ mấy câu rồi lảng dần ra vòng ngoài, nhân lúc chúng nó không để ý chuồn cho sớm chợ, tự nhủ từ mai không ra chỗ ba quân ấy nữa. Nhưng hôm sau, tầm già chiều, khi trẻ con bắt đầu nhí nháu, rồi mụ Hai đứng trong cổng ngấp nghển nhòm ra như mọi bận thì tự dưng chân lão lại bị cuốn theo bước ngắn bước dài đến tận tối sập mới quay về. Mụ Hai bao giờ cũng đừng chờ sẵn bên hàng rào râm bụt hỏi thế nào hử ông. Lão bao giờ cũng lắc đầu bảo không biết, lâu rồi không gặp chẳng biết thế nào. Khéo cao hơn bọn thằng Thành con nhà Công rồi cũng nên. Lớp mấy rồi cơ mà. Mụ Hai vừa kéo cánh cổng gỗ lập cập dạt vào một bên để lão đi cho đỡ vướng vừa lẩm bẩm lớp mấy, lớp mấy. Có thằng cháu học lớp mấy mà cũng không biết. Lão Củng đắc ý tợn vì mụ Hai không biết bị lừa. Nó học lớp năm, làm sao lão không nhớ. Nhưng lão cứ khơi khơi nói thế cho mụ tưởng rằng lão không quan tâm thằng Cu bằng mụ. Thế thôi.
Thằng Cu chính là thằng cháu đích tôn, con thằng giai Cả của lão. Đây với thành phố vài chục cây số nhưng lạy giời, nửa năm nay, lão với mụ chưa gặp lại nó. Lại kể chuyện chuyến ấy, tiếng là đưa lão và mụ đi chơi dối già nhưng thằng Cả khóa cửa ngoài,  tối chẫm mới về dắt theo một đứa con gái người mỏng dính, váy xống lượt sượt như hình nhân thế mạng, xách theo hai hộp xốp và cái ca nhựa đựng nước canh, bảo thầy bu ăn đi, vợ con nó chờ vứt rác cho. Lão Củng bảo ăn uống gì, anh chở chúng tôi đến nhà cái Hòa. Lúc sáng, nó cho thằng Cu đến nhưng không có chìa khóa, đứng ngoài hành lang mãi. Thằng Cả bảo con bao việc, tí đi giờ, thầy bu cứ im, nao rảnh con đưa nhưng lão và mụ nhất quyết xách đồ đứng dậy. Mụ Hai chân xỏ dép, mồm nói việc gì, đi gì. Đi nhởi thì có. Anh là cái giống thất đức. Đã vợ con như thế còn rước gái về thờ. Đội nó lên đầu có ngày nó kẹp cho gãy cổ. Chúng tôi nghe anh, lên đây một chuyến cốt là để thăm thằng Cu rồi về chứ cái ngữ anh không xứng. Rồi quay sang lão Củng – lúc ấy cũng đang cắp bị đứng sẵn ở cửa – Địa chỉ của mẹ con nó ông cầm rồi hở? Điện thoại đâu kẻo quên. Tôi với ông có chân thì đi sao phải đợi đứa nào nao rảnh. Lại quay sang hình nhân thế mạng váy xanh lá đỏ xùm xòe, tôi nói cho nhà chị biết, chị bảo chị về ở với thằng thất đức này nhà tôi mấy tháng hay mấy mươi tháng mặc xác chị nhưng tôi dặn trước, chúng tôi nhà quê quý người nhưng cái giống mèo mả gà đồng thì không bao giờ tiếp. Chị đừng bao giờ vác xác về kẻo lại phải giở ra ngay. Mà nhà tôi thả gà, váy vó dư nài quét cứt gà, giặt nhọc… Rồi lại quay sang lão Củng đi ông kẻo mẹ con nó chờ…
Thế là lão và mụ cùn cụt xách đồ, ra cầu thang, xuống sảnh chung cư. Lúc ấy đã lên đèn. Mụ Hai ngẩng đầu nhìn tứ phía bảo trần đời chưa bao giờ tôi thấy nhà cửa mọc y lô cốt như này, chỉ khác mỗi cửa có một ánh đèn chứ nếu không thành cái họng châu mai hết. Mà nhà mẹ con nó đi hướng nào hử ông. Cẩn thận lạc toi. Lão Củng bảo đường ở mồm, làm gì mà rộn. Để im hỏi anh công an này cho chắc.
Anh công an của lão Củng thực ra là bảo vệ tòa nhà, hỏi hai cụ đi đâu mà tối rồi vẫn lờ vờ như chờ xe bị nhỡ thế này? Địa chỉ này ạ? Tận đầu kia thành phố. Tầm hơn chục cây. Để con gọi xe hộ hai cụ. Bốn bánh hay hai bánh ạ? Lão Củng bảo bánh trái gì. Mụ nhà tôi thủ sẵn mấy gói kẹo từ quê rồi. Lên đây mới mua thì chết tiền. Anh công an cười ý con là hai cụ đi ô tô hay xe ôm? Ô tô hai người tính ra rẻ mà xuống cùng một lúc chứ xe ôm là rụng nhau dọc đường ngay. Mụ Hai bảo thế ô tô ông ạ. Ngồi yên tâm, ngắm đường phố cho thỏa. Trần đời chưa bao giờ tôi thấy lắm đèn như này. Sáng hơn ban ngày mới lạ.
Xe đến. Lão Củng đưa tờ giấy ghi địa chỉ bảo bác tài chậm chậm thí cho mụ nhà tôi ngắm đường. Từ thủa bé đến giờ mới ra phố một lần anh ạ. Tay lái xe cười, thầy bảo đi chậm thì dễ chứ bắt đi nhanh thì con chịu. Thầy xác định đi, đây sang Nghĩa Tân hơn chục cây, dưới quê đi mười phút nhưng ở đây cứ phải vài chục lần cái mười phút. Mà thầy bu đi thăm ai? Khu ấy là dân lao động chứ không Vip như bên này.  Mụ Hai bảo chúng tôi đi thăm con dâu và cháu nội. Chúng nó chuyển sang bên ấy dễ thường nửa năm rồi ông nhỉ. Lão Củng bảo ừ, từ cái dịp mẹ nó đưa thằng Cu về. Cữ ấy là sau tết. Mình cắt lá dong sau vườn gói bánh chưng. Mụ Hai bần thần, rân rấn nước mắt bảo đám dong ta ấy năm nay cũng dầy. Chẳng biết mẹ con nó có về để gói bánh hay không? Lão Củng gắt phỉ phui cái mồm, chả về thì sao. Nó đã bảo rồi. Lúc sáng, ở ngoài hành lang nó nói vọng vào mụ không nghe à? Lại nghe tiếng mụ Hai sụt sịt bảo có nghe nhưng từ giờ đến tết mấy tháng nữa, không biết thế nào. Tay lái xe nãy giờ thản nhiên lưng dựa ghế, mắt ơ hờ nhìn con đường đặc kịt người xe phía trước, cứ nhích một nhịp thì phanh hai, giờ mới quay lại hỏi hình như nhà mình có chuyện gì phải không thầy bu? Lão Củng bảo ừ, nói ra thì bảo vạch áo xem lưng… Thằng con giai tôi đi với gái, vợ nó nói mãi không được, thế là nó bỏ. Thằng Cu ở với mẹ nhưng con mẹ mải việc, từ tết đến giờ mới cho nó về thăm ông bà một lần. Nay ra đây chủ yếu là thăm chúng nó. Hẹn hò suốt từ sáng. Chắc giờ nó đang chờ. Tay lái xe gật gù ra thế. Phức tạp phết. Nhưng thực ra thầy bu ạ, giờ lấy nhau khó chứ bỏ thì dễ. Không hợp thì bỏ. Đầy! Thầy bu đừng buồn. Mụ Hai gật đầu ừ phải đấy nhưng lại chữa ngay bảo không đúng, vẫn buồn chú ạ nhưng tôi tiếc nhiều hơn. Con bé ấy vừa ngoan vừa giỏi giang, xinh gái lại biết ăn ở chứ không như cái giống óng suốt chuốt chải, tinh ăn mù làm kia. Lại còn thằng Cu nữa chứ, có máu có xót… Lúc sáng, biết chúng tôi lên, mẹ con nó đến ngay anh ạ. Chìa khóa không có, cứ ngoài hành lang nói chuyện vọng vào, còn hẹn tối nay đưa ông bà đi chơi.  Nói thật với anh, chúng tôi tiếc dâu tiếc cháu chứ không tiếc cái thằng thất đức kia… Cứ nghĩ đến lúc nó về làm con làm cháu nhà khác, không buồn không được…
Tay lái xe gật gù vâng thế thì tiếc thật. Hòn vàng thì mất hòn đất thì còn… Lão Củng nghe thấy đâm rơm rớm nước mắt vội quay ra nhìn phố cho nguôi. Mãi đến khi nghe gọi thầy ơi thầy ơi mới giật mình quay lại hỏi đến rồi hử anh? Sao chỗ này tối thế nhỉ? Vâng thầy. Khu này là khu thu nhập thấp chứ không như chỗ con đón thầy bu ban nãy. Mà đường nhỏ, không vào được đâu thầy. Thầy bu phải đi bộ nhá. Mà phải gọi người ra đón chứ ngoắt ngoéo như này là lạc đến sáng mai. Mà để im con hỏi cho… Kia rồi! Xe ôm kia rồi! Anh ơi em bảo, anh biết địa chỉ này đi như nào không?
Xe ôm phanh chúi. Tờ địa chỉ chìa ra, soi về phía đèn pha. Hai cái đầu cúi xuông rồi cùng lúc ngẩng lên, hớn hở. Thầy bu may chưa, anh ấy về đúng ngõ này. Thầy bu lên anh ấy cho đi nhờ. Lão Củng bảo cám ơn bác tài nhé. Bao giờ có dịp mời bác về nhà tôi chơi nhé rồi giục mụ Hai nhanh chân lên kẻo anh xe ôm anh ấy chờ. Người ta đi chở khách chứ có đi chơi đâu. Quen cái thói lề mề chân lê chân rệt…
Nghe tiếng lão, tay xe ôm quay lại nhìn chằm chằm. Hình như nhận ra người quen, hắn ơ lên một tiếng rồi reo to bác ơi cháu đây! Lão Củng bảo cháu nào, tôi làm gì biết anh là cháu nào, kín mít thế kia. Mũ xe máy và khẩu trang bỏ xuống, lão Củng lúc ấy mới ồ lên Thịnh hả, sao anh lại ở đây? Thầy anh kêu làm gì to lắm mà sao lại xe ôm như này? Bên kia cười toe bảo thế mí tài thầy ạ! Thầy bu lên thăm chị Hòa phải không? Lên luôn con chở.
Thịnh là con trai nhớn lão Trường, Lão Củng có lần bảo mụ Hai không hiểu sao cái lão lúc nào mặt cũng khó đăm đăm như dằm đâm vào đít ấy lại đẻ ra cái thằng vừa nhanh nhẹn vừa biết điều như nó, mụ có thấy lạ không, bố ấy con ấy khéo chỉ có tu hú đẻ nhờ. Mụ bảo lão đừng có mà ác mồm. Thằng Thịnh giống thầy nó y lột. Mà lão ấy gặp ai cũng xởi lởi. Chỉ gặp tụi mình mới thế thôi. Lão Củng đành gật, ừ thì không nói nữa. Nhưng bố ấy con ấy chỉ có tu hú đẻ nhờ…
***
Có tiếng loẹt xoẹt ngoài cổng. Tiếng bó rào bị mụ Hai kéo dọc cái sân gạch, quăng về phía chuồng gà. Mụ bảo gọn vào đấy kẻo thằng Cu chạy vướng. Hôm nay thể nào mẹ con nó cũng về. Hăm bẩy rồi còn gì. Mai phiên chợ huyện, tôi mí ông cho nó đi chơi Tết. Hẹn hò từ giấc ấy, lần nào mượn điện thoại chú Thịnh gọi về nó cũng nhắc. Ông để ý nhá. Lão Củng bảo ừ, lần nào về nó chả gọi ngay từ đầu ngõ, làm sao phải rộn. Thì ông cứ để ý, có mòn tí mắt nào đâu mà sợ. Tiếng mụ Hai thoắt cái đã từ ngoài vườn vọng vào. Mụ ra xem đám lá dong của mụ. Cái đận từ thành phố về mụ đã chửi vọng thằng Cả hàng tuần vì gạch vữa xây tường của nó quần đám dong ta của mụ nát như băm bầu. Cuốc xới tưới vun chăm đẵm mãi giờ mới được như này, chỉ chờ thằng Cu về là ngả ra thành giò, thành bánh…
“Ông sang xóm Đình, để ý xem anh Thịnh anh ấy về chưa?”
Vẫn tiếng mụ Hai. Lão Củng không nói gì chỉ gật gật. Thực ra không phải để mụ nhắc, mấy hôm nay, ngày nào lão chả sang bên ấy. Tiếng là vơ vẩn xem lá xem hoa, ghé nhà này nhà nọ hỏi Tết đến đâu nhưng vẫn mắt nào tai nấy để ý bên lão Trường xem có động tĩnh gì không. Thằng Thịnh về thế nào cũng cho mẹ con nó đi cùng. Chúng nó đã hứa thì cứ yên tâm chờ. Lão bảo mụ Hai như thế…
… Tối hôm ấy, khi thằng Thịnh đưa lão và mụ về đến nơi đã thấy con Hòa dắt thằng Cu đứng hóng tận đầu hẻm, bảo chúng con đợi từ chiều nhưng thầy không gọi nên chả biết lúc nào. Sốt ruột quá. Chỉ sợ lạc mất thì chết tìm. Thằng Thịnh cười lạc thế nào được, xe ôm miễn phí tận nơi, tiền công quy ra bữa tối. Xong thầy bu cứ yên tâm nghỉ, mai con đưa đi thăm phố. Nhà con ngay cạnh đây. Mới chuyển thầy ạ. Trước con cũng ở khu anh nhà mình nhưng giờ về đây cho thành hàng xóm. Lão Củng hỏi thế có phải anh làm cái gì to lắm như thầy anh bảo không? Con Hòa gật đầu bạn ấy có công ti nông sản, phân phối rau củ cho một loạt siêu thị thầy ạ. Con đang làm công nhân cho bạn ấy. Thằng Thịnh cười bảo công nhân víp chứ không phải dạng thường. Một tay quản lí trang trại của con đấy. Nhưng chúng con đương tính chuyển về quê. Vườn rộng. Có phải thuê thì cái gì cũng rẻ. Mụ Hai gật đầu ừ phải, xong chở lên bán chả hơn à? Con Hòa cứ dắt thằng cu về, thầy bu làm cái lễ nhận mày làm con gái, cắt vườn cắt đất đàng hoàng, làm sao phải thuê nhà mướn cửa như này. Rồi kiếm đứa nào hẳn hoi mà lấy. Rồi đẻ vài đứa bu bế cho. Hơn ba mươi rồi. Thằng Thịnh xen ngang vâng con vẫn bảo tầm này tuổi rồi còn kén chọn cái gì. Có ai hỏi gật nhanh còn kịp. Con Hòa thủng thẳng: Trẻ thì kén lá kén hoa. Già thì kén nghĩa sau ra kén tình. Nhìn con bé cười lão nhẹ cả lòng. Lão bảo thầy sợ nhất là lên gặp mày thấy mặt mũi rầu rầu như đi câu gặp lũ. Việc gì qua thì cho qua, vướng bận làm gì. Nhưng nhớ sắp xếp mà về quê. Nhà cửa vườn tược rộng rênh, tha hồ mà trang trại. Con bé gật bảo thầy bu yên tâm. Tết này bạn Thịnh về con cho cháu theo xe luôn thầy ạ…
… Mụ Hai vẫn đứng sau hàng rào râm bụt hóng mãi về phía ngõ không để ý lão Củng xách cái búa tạ đi về phía tường bao. Lúc có tiếng đập uỳnh uỵch mới chợt nhớ ra, vừa xớn xác chạy vừa kêu như cháy nhà ối giời ơi đám lá dong của tôi. Lão Củng thủng thẳng làm gì mà to mồm. Mụ nhìn xem có hỏng cái nào không? Này, ông cầm lấy, cẩn thận kẻo bụi vào mắt. Hay để tôi lấy cái kính râm… Ấy là lão đương nói chuyện với lão Trường đứng dưới đỡ từng viên gạch đập ra từ bức tường bao, xếp gọn vào góc vườn. Mụ Hai há hốc mồm, đờ ra như chết, mãi mới lắp bắp bảo sao hai lão lại như này… Hay để tôi giúp với… Cái tường này nhẽ phải đập lâu rồi… Lão Củng bảo thôi mụ vào làm con gà, anh em tôi xong uống rượu. Mụ lượn vượn ở đây tình cũ không rủ cũng đến, cứ tránh xa là hơn…
Mụ Hai vừa nguýt vừa quay vào. Lão Củng bảo anh em mình làm quả này mụ ấy sốc là cái chắc. Cứ tưởng mình vẫn thù nhau đấy. Gớm… thời buổi này…
Lão Trường bảo vâng thời buổi này thù nhau làm gì cho nhọc. Bác đưa em cái xà beng. Ta kheo khéo tránh đám dong của mụ. Em đã bẩu bác rồi, thằng con dở hơi ăn cám lợn nhà em thích ai không thích lại đi thích con Hòa nhà bác. Em cũng nói gẫy lưỡi, bảo nó hơn mày năm tuổi, lại có một đứa con… Nhưng nó cương quyết không nghe bảo con lấy vợ cho con chứ lấy cho thầy đâu. Thầy đồng ý con cũng lấy mà không cũng thế. Cưới xong, con làm trang trại nấm, thầy cứ lăn tăn ận sận con sang bên bác Củng. Mấy sào vườn bên ấy thừa sức làm. Nhưng giá có thêm vườn của thầy nữa vẫn hơn. Thế là em đành chịu. Giờ còn mụ nhà em, em tính bài này bác xem có được. Em bảo mụ thằng con mình từng ấy tuổi, đầu óc lại không bình thường, dở hơi thế không lấy con Hòa thì ế mõm. Đàn ông con giai giờ thừa một ổ kia kìa. Mới lại mụ không mưu sâu kế hiểm, tính xem, nhà mình với nhà bên ấy thù nhau mấy chục năm rồi, giờ bẫy được con trâu lại dắt kèm cả nghé, tha hồ mà bắt chúng nó kéo cày giả nợ. Món hời thế mụ còn ơ hờ. Mất đừng có tiếc… Mà mấy giờ rồi bác? Thằng cu nhà em gọi lúc ấy bảo đương vào cao tốc. Chỉ tiếng nữa là chúng con về đến. Thầy nhớ phần con con lợn tất niên… Xong chỗ này bác sang giúp em luôn thể.
Lão Củng vừa gật đầu vừa quai búa. Bức tường biến dần từng hàng gạch, một khoảnh rộng mênh mông xanh mướt lá dong hiện ra, gió chạy dọc con đường xóm, đến khúc ngoặt chạm vào màu xanh ấy bỗng xôn xao…
Sau cánh cổng, mụ Hai vẫn đứng sau hàng râm bụt có đôi bông buông lồng đèn đỏ ngóng về phía ngõ xa…
27/5/2023
Nguyễn Hải Yến
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...