Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Mùa chim - Tín hiệu vui với thơ cho thiếu nhi hôm nay

Mùa chim - Tín hiệu vui với
thơ cho thiếu nhi hôm nay

Mùa chim là khúc ca trong trẻo của một người lần đầu tiên chạm ngõ tuổi thơ mình. Không khó để nhặt ra những ý tình đẹp tinh khôi trong từng bài, cùng với đó là sự đồng điệu chân thành của tác giả với bạn đọc. Gọn nhẹ nhưng kết lắng, tập thơ sẽ còn “bay” xa hơn trong hành trình chinh phục độc giả nhỏ tuổi
Tôi luôn luôn là người trẻ nhất trong làng…
và đồng thời cũng luôn luôn là người già nhất trong làng…
(R.Tagore)
1. Mùa trở lại tuổi thơ
Gần đây, dư luận rất quan ngại về tương lai văn học cho thiếu nhi bởi so với sự bùng phát mạnh mẽ, sôi động của mảng sáng tác cho người lớn, sáng tác cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng khá bình lặng, khiêm tốn. Thơ cho các em lại càng yếu thế hơn. Vì thế, không ít người vui mừng xen lẫn e ngại khi thấy Nguyễn Ngọc Phú đang yên lành ở “sân” thơ người lớn lại cắc cớ nhảy sang “sân” thơ của thiếu nhi. Tuy nhiên, cùng với niềm vui lâu ngày mới được cầm trên tay một tập thơ trình bày bắt mắt, cảm tình và niềm tin về sức sống của văn học cho tuổi thơ ở người đọc càng tăng khi thực sự sống với thế giới đậm chất thơ trẻ mà anh đã tạo ra bằng cả tấm lòng thương hiểu, trân quý độc giả nhỏ tuổi. Chỉ với 45 bài gói trọn trong 80 trang khổ nhỏ, vậy mà thông điệp giàu tính nhân văn của Mùa chim(*), sự nghiêm túc, tận lòng trong sáng tạo của người viết đã vượt khỏi cái hữu hạn của ngôn từ.
Hạnh phúc của người viết cho trẻ thơ là cùng lúc được sống hai cuộc đời: một đứa bé hồn nhiên, ngộ nghĩnh và một người lớn thông tuệ, từng trải. Đối với người bén duyên với văn học thiếu nhi ngay từ thuở sơ đầu, cái khó chỉ là làm sao giữ cho đứa trẻ ấy sống mãi trong mình. Còn với người đã xa sân ga tuổi trẻ, để đánh thức tuổi thơ, phục sinh cái nhìn xanh non về cuộc sống, ngoài trữ lượng tình cảm dồn tụ, phải cần một cơ duyên, một cú hích đủ mạnh. Mùa chim của Nguyễn Ngọc Phú là một trường hợp như thế. Những lời động viên khích lệ của các bạn văn có “con mắt tinh đời” đã thành một “phút giây huyền diệu” giúp anh vững bước về lại tuổi thơ với sự bồi hồi, hăm hở và đắm đuối hết mình.
2. Mùa của lòng con trẻ
Xoay quanh những mảng đề tài thường gặp trong thơ thiếu nhi là Thiên nhiên, Đồ vật, Loài vật, Cây cối, Hoa quả, Bốn mùa, Đời sống của bé, Mùa chim gửi đến các em một món quà bổ ích, hấp dẫn bằng những trải nghiệm trong các môi trường học tập, sinh hoạt, giao tiếp, vui chơi… để tri nhận thế giới khách quan qua những thi liệu vừa lạ vừa quen, sống động vô cùng. Đóng góp của tác giả là ý thức tạo tính thống nhất trong sự đa dạng ở mỗi đề tài: Từ cái nhìn chân thực, thiết thân về thế giới, anh đưa chúng ta đến với những chân trời kì diệu, bay bổng của cuộc sống muôn màu qua lăng kính trẻ thơ. Biển, Mây, Sao, Rét… không còn xa lạ; nhưng Tóc suối, Mắt bão, Hoa nắng, Cơn mưa mặc áo… thì lạ lẫm, diệu vợi và độc đáo lắm rồi. Tương tự là Lá, Cỏ, Hạt, Hoa, Qủa, Cây gạo,… với Tuổi cây, Xương lá, Quả đêm, Quả trăng, Quả mùa thu,…; Cá, Mực, Chuồn chuồn, Ve sầu mùa hạ,… với Mùa chim, Cào cào may áo, Cua Càng thổi xôi, Ngọn đèn Đom Đóm, Mẹ gà con vịt,…; Hỏi, Ru, Đi xe lửa với Hạt điện, Đánh giặc giả, Chạy thi với sóng, Bữa ăn: chiếc xe đạp v.v… Còn gì thú vị hơn khi tung tẩy giữa hai miền hiện hữu và tưởng tượng, chân thực và kì ảo, say sưa chiêm ngắm những mảng hiện thực đặc sắc này, trẻ bất ngờ nhận ra gương mặt con người, cuộc sống và chân ảnh của mình. Có khi đó là chút hiếu thắng trẻ con: Em chạy thi với sóng/ Sóng luôn luôn dẫn đầu/ Đến bờ rồi em vượt/ Sóng mệt nhoài nằm sau (Chạy thi với sóng). Lúc khác, bằng nhãn giới nhi đồng, các em đã tạo được phép màu – trẻ con hóa thiên nhiên kì vĩ: Con thuyền như cánh diều cong/ Chơi trò “dung dăng dung dẻ”/ Bập bênh bên bờ em bé/Thử xem ai nhẹ hơn nào? (Biển),…
Một đòi hỏi khe khắt – cũng là đặc trưng, là nét duyên riêng có của văn học cho tuổi thơ là giữ được, thể hiện được cái nhìn trong veo về thế giới, nụ cười hồn nhiên trước bao đắp đổi cuộc đời. Xuyên suốt tập thơ, người viết đã bộc lộ nghệ thuật nắm bắt tâm lí trẻ thơ, thông hiểu cái lí và chiều sâu trong những liên tưởng đột ngột, bất ngờ của các em: Cầu vồng bắc võng/ Sau cơn mưa rào/ Con thuyền mắc võng/ Bồng bềnh sóng chao (Võng). Cùng với trí tưởng tượng rộng mở không cùng, trẻ cũng khát khao tìm hiểu, giao cảm với vạn vật xung quanh. Mỗi câu hỏi như là một cánh cửa để các em nhìn ra thế giới và nhìn vào tâm giới của mình. Trẻ thơ mở trí nhìn đời/ Cho nên luôn hỏi những lời: Tại sao? (Nguyễn Bảo Sinh).
Những cậu bé, cô bé trong thơ Nguyễn Ngọc Phú cũng thế: Không ngừng cảm tri cuộc sống để lớn lên qua những câu hỏi thơ ngây nhưng cũng đầy minh triết kiểu trẻ con. Vì thế, thật dễ hiểu khi tần xuất của những từ dùng để hỏi như “sao”, “vì sao”, “gì”, “đâu”, “nào”, “không”… khá lớn.  Chẳng những vậy, sự thắc mắc còn lộ rõ ở nhan đề và nhất quán trong toàn bộ bài thơ: Sao, Hỏi, Hỏi thuyền,… Hỏi rồi nghe, tự vấn rồi tự đáp, hướng ra khách thể và hướng vào chính mình… – một chu trình trọn vẹn để trẻ hoàn thiện nhân cách: Chọn bạn chơi thân thiết/ Sao gọi là cá Lầm (Cá); Sao gọi là sao Chổi/ Quét gì ở trên trời/ Sao gọi là sao Hoả/ Chắc là nóng quá thôi (Sao); Sao tóc đèn lại đỏ/ Đèn kêu: Tớ ấm đầu! (Tóc đèn); Em hiểu rồi: hạt điện/ Nằm trong vỏ nhựa xanh/ Chạy thi giành giải nhất/ Đóng điện là sáng nhanh (Hạt điện) v.v… Có những câu hỏi mà lời đáp còn bỏ ngỏ, nhưng ba động của nó thì mãi thao thiết trong lòng con trẻ. Sự tri ân, thương cảm cho những nhọc nhằn tháng năm hằn in dấu vết trên tấm lưng còng của bà, mái tóc pha sương của mẹ sẽ không ngừng nhắc nhở các em về bổn phận, về ân nghĩa sinh thành, dưỡng dục:
Bao nhiêu cánh võng
Đều mắc hai đầu
Lưng bà võng xuống
Biết mắc vào đâu
(Võng)
Giàu tưởng tượng, lại linh hoạt, tự do trong nhận thức, tư duy, thế giới trẻ thơ trong Mùa chim cũng khu biệt tuổi mình qua những liên tưởng hồn nhiên bất tận. Nhiều bài thơ có cách liên tưởng ngộ nghĩnh, thông minh, không ngô nghê, ngớ ngẩn hoặc tinh lõi kiểu người lớn. Thêm nữa, liên tưởng cũng không đơn điệu mà đa dạng về kiểu loại, cấp độ: xa – gần, có – không có từ dùng để liên tưởng, hình dáng bên ngoài – phẩm chất bên trong,… như thế giới diệu kì của trẻ thơ: Cơn mưa mặc áo tơi/ Bằng đám mây màu xám/ Gặp ngày nắng phải phơi/ Áo tơi thành lụa trắng (Cơn mưa mặc áo); Có một chùm chim lửa/ Sà xuống màu áo nâu (Cây gạo); Chiếc vó thùng thình vớt ruốc/ Hình như vớt cả chiều lên (Biển),… Đặc biệt, liên tưởng thường xuất hiện ở cuối bài khiến hình tượng thơ toả sáng, kết đọng trọn vẹn trong tâm hồn người đọc: Em ngồi xâu chỉ/ Bà mặc tuổi già/ Vá vào tấm áo/ Đắp bồi phù sa (Áo).
Đi xa hơn nữa là sự trùng phức, gấp bội liên tưởng –  một kiểu tâm lí, nhận thức đặc hữu của trẻ thơ mà người lớn chúng ta, vì những va xát sinh tồn, đã sạn chai hoặc hoàn toàn tắt nghỉ. Đó là loài mực viết chữ trên trang giấy – mặt biển, “chẳng phải soi bằng đèn” (Mực), là muôn loài cá dưới đại dương và mắt cá của chân em (Cá), là lửa bếp và lửa lòng của bé khi về thăm bà ngoại (Đi xe lửa), là những hạt thóc vàng – những chiếc thuyền chở niềm vui của vụ mùa bội thu (Hạt), là pháo hoa – hoa pháo rực rỡ sắc màu trong đêm trừ tịch (Hoa) v.v… Nhờ cách liên tưởng phong phú, độc đáo này, tác giả đã mở rộng chiều kích tưởng tượng của trẻ thơ (vốn đã rộng hơn nhiều so với người lớn), khơi gợi để trẻ liên hệ, đối chiếu với cái quen thuộc thường ngày, từ đó phát hiện thêm bao điều thú vị. Ảo mà vẫn thực, đầy mộng mơ nhưng vẫn thấm đậm vị đời. Cách lạ hoá cái nhìn như thế rất phù hợp với điệu hồn và suy cảm của trẻ. Bằng khả năng thiên phú ấy, trẻ có được những hiểu biết về thiên nhiên, xã hội, con người cùng với những rung cảm vi tế trước hiện thực khách quan. Đó là cơ sở để các em phát triển toàn diện cả hai mặt lí trí và tình cảm.
3. Mùa trao gửi tin yêu
Để được làm và làm được thơ cho thiếu nhi, như đã nói ở trên, người viết phải biết nói bằng lời, bằng cách nghĩ của trẻ, không chỉ nhìn khách thể bằng con mắt trẻ thơ mà bằng cả tấm lòng của các em. “Người ta chớ tưởng lầm là viết cho trẻ con thì viết thế nào cũng được. Chúng ta chớ quên trẻ con có những lí luận và quan sát riêng của nó, nhiều khi xác đáng và tinh tường hơn người lớn… Hơn những nhà văn khác, các nhà văn viết cho trẻ em phải yêu mến câu chuyện của mình và kính trọng những độc giả ít tuổi hơn mình… Viết cho trẻ đọc, trước hết là đứng thay vào chỗ trẻ, là tự làm cho mình trẻ lại, tìm lại cái trí tò mò tỉ mỉ, cái lí luận thẳng thắn và nhất là cái độc lập tự do lạ lùng của trí não trẻ con” (Thạch Lam).
Mùa chim – Tập thơ thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Phú
Đọc Mùa chim, ta thấy Nguyễn Ngọc Phú đã thực sự hiểu trẻ, yêu các em thật nhiều mới có được sự hoá thân, nhập vai “ngọt” vậy. Chỗ này, anh trực tiếp tham gia đánh trận giả cùng các bé với sự tinh thông các loại vũ khí tự tạo, am tường tâm lí của từng chiến binh cả hai phe ta – địch. Chỗ khác, anh xắn tay vào bếp để cùng làm bữa ăn : chiếc xe đạp với đầy đủ các vật dụng, các món ăn: bánh, mỡ, nồi, đĩa, đũa, xích, cá, dầu, tăm. Chỉ trẻ thơ mới có một bữa tiệc lạ lùng đến thế. Và lần đầu tiên, trong “thực đơn” Việt, có một “món độc” mà nguyên liệu và cách chế biến không gì khác là sự thương hiểu, trân quý hết mực các “thượng đế” nhỏ tuổi của “đầu bếp” tài hoa Nguyễn Ngọc Phú. Hiểu biết mà nhà thơ dành cho các em là sự hiểu biết thông minh xuất phát từ sâu thẳm của một tấm lòng quyến luyến trẻ thơ. Phải có rung cảm thực sự, hơn thế, rung cảm ấy phải cùng tần số với điệu hồn con trẻ thì trong khoảnh khắc, người thơ mới phác hoạ thần tình những bức tranh sinh động về một đề tài không dễ nói – đó là tính cách muôn thuở của trẻ con: Trưa nay bé chực rình/ Ngắt một chùm hoa nắng… (Hoa nắng); Nắng như gà mổ thóc/ Em nhặt về ươm cây (Tuổi cây). Không đơn giản chỉ là làm thơ cho các em, anh còn làm việc với chính tuổi thơ nhiều trải nghiệm của mình.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Ngọc Phú lại viết nhiều về làng quê với sự gần gụi và thanh bình đến thế, bởi đó cũng là cách anh lưu giữ truyền thống dân tộc để trẻ thơ không đứt văn hoá, cội nguồn. Làng quê ấy hiện hình trong “cây rơm không có lá/ nở một giấc mơ vàng”, qua khúc giao hưởng trong những đêm mùa hạ: Lửa thắp vào cánh/ Đom Đóm vào nhà/ Dẫn đường lũ Dế/ Hoà tấu đồng ca (Ngọn đèn Đom Đóm), qua những bức tranh thu đầy thanh sắc và dậy hương đồng nội: Mùa thu vít vào chùm quả/ Ríu ran chim đến hội hè/ Thơm cả giấc nồng của bé/ Sim đồi tím cả chiều quê (Quả mùa thu). Rồi những đàn chim trong ngày mùa no đủ, những cánh chuồn chuồn dệt nắng bờ ao, tiếng võng quyện với lời ru chan chứa yêu thương của bà, của mẹ… Như người giữ hồn cho làng Việt, làng quê, qua trang viết của anh, vừa gần gụi vừa rất đỗi nên thơ, nhắc nhớ, gọi mời tha thiết. Từ sự thích thú, ngạc nhiên và quý mến chân thành trước cảnh vật bình dị của quê hương, anh chưng cất thành những vần thơ giàu chất tươi trẻ tặng bạn đọc nhỏ tuổi, khơi gợi cho các em cách nhìn, cách cảm mới lạ để phong phú hoá cuộc sống của mình.
Nhà thơ viết cho tuổi thơ vừa là bạn vừa là người hướng đạo tin cậy của trẻ. Khác với văn học cho người lớn, thơ và truyện cho lứa tuổi này thường giàu tính giáo dục. Hạnh phúc được góp phần ươm giữ những hạt mầm nhân cách là sự đền bù không nhỏ cho người viết nhưng đó cũng là thử thách nghiệt ngã đối với họ, bởi giáo dục trẻ thơ nói chung, giáo dục bằng thơ nói riêng, muốn đạt hiệu quả, không thể dùng những lời răn dạy công thức, khô khan mà cần phải vui tươi, hồn nhiên dí dỏm, biên độ tưởng tượng phải rộng mở đến vô cùng. Nhờ những bài học nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần ý vị, thơ Nguyễn Ngọc Phú dễ tạo được cảm tình với các em. Đó là sự ghi khắc công ơn chở che đùm bọc trong lặng thầm năm tháng của cha mẹ, người thân để các em được sướng vui từng ngày qua mối quan hệ khăng khít giữa quả và hạt: Bao nhiêu thứ quả/ Lấy hạt làm nhân/ Vỏ xù xì bọc/Hạt đang rì rầm… (Hạt). Đó còn là tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, tình yêu thương loài vật, tình bạn bè thắm thiết,…
Nhờ cách thể hiện rất sát hợp với “đôi mắt”, “con tim” của trẻ thơ, những thông điệp giàu thương yêu và trách nhiệm của người viết đã mang lại tri thức mới cho trẻ, khơi gợi rung động, đánh thức những tình cảm tốt đẹp ở các em. Cua càng thổi xôi – một bài thơ chiếm được nhiều cảm tình của đa số học sinh tiểu học hiện nay – là bức tranh sống động về thế giới loài vật. Mỗi loài một đặc điểm, một thần thái: cua thì cõng mai như cõng nồi để giữ chân “bếp trưởng”, bà Còng thì chậm chạp bởi tuổi tác chất nặng tấm lưng còng, bác Dã Tràng móm mém do “rụng hai chiếc răng” v.v… Tất cả đều xác hợp với logic nhìn – nghĩ của trẻ, tạo ấn tượng khó quên cho độc giả nhỏ tuổi. Cùng với niềm vui được hiểu thêm về thế giới xung quanh, trẻ càng dễ thấu cảm hạnh phúc của sự sum vầy bè bạn, của lòng nhân hậu, trân trọng con người: Trong niềm nôn nao đi hội, chú Tôm vẫn về chậm bởi bận dắt tay bà Còng; li trà ngát thơm chỉ dành để riêng mời ông Dã Tràng cao niên nhất,…
Dẫu ít nói đến con người, nhưng họ, đặc biệt là trẻ em, vẫn là trung tâm của thơ anh từ cách nhìn, cách nghĩ và là cái đích cuối cùng mà mỗi bài thơ hướng đến. Biển sẽ muôn đời vắng rợn cô đơn nếu tiếng thuyền – bạn thân quý của biển – không phải là tiếng hồn con trẻ: Oa… oa… oa… oa… oa… oa… oa/ Là lời thuyền bay trong gió (Hỏi thuyền). Bên cạnh trẻ thơ, dẫu gần gũi, thiết thân nhưng người bạn – thiên nhiên vẫn không khỏi khiêm nhường trước vẻ đẹp tinh khôi của những thiên thần nhỏ: Từ con thác bạc lưng chừng/ Lượn thành tóc Suối ngập ngừng… trước em (Tóc Suối). Nhãn giới và thi giới ấy cũng là một xác tín cho cái nhìn thượng tôn, nâng niu con trẻ của tác giả Mùa chim.
4. Mùa chín trong quả chữ
Nếu sức ám gợi của thơ cho người lớn là sự đằm sâu trong tình cảm, sự minh triết trong những suy nghiệm về lẽ sống, nhân tình thì thành công của thơ viết cho thiếu nhi đến từ sự kết hợp hài hoà giữa chất thơ và chất trẻ thơ. Chất thơ đòi hỏi nhà văn phải nghiêm túc lao động chữ để tìm những sáng tạo hình thức hấp dẫn độc giả; chất trẻ thơ giúp người viết tự trẻ hoá, nhập vào đời sống các em một cách tự nhiên, tránh được tình trạng già hoá hoặc biến trẻ con thành những cái loa phát ngôn dị dạng cho ý tưởng của mình. Những dụng công trong thi pháp ngôn từ thêm một lần nữa khẳng định thành quả đáng trân trọng mà Nguyễn Ngọc Phú tạo được ở Mùa chim. Có cảm giác như nhà thơ đang cùng với các em say sưa trong trò chơi ú tim đầy bất ngờ, hào hứng qua những biến hoá về hình ảnh, liên tưởng, thể loại, thi liệu… Đây không phải là trò ú oà nhàm nhạt, lấy lệ mà thực sự cuốn hút độc giả vào trong niềm vui bất tận. Nó là cái duyên, cái tài, nét tinh nhạy của người làm thơ cho thiếu nhi – một hướng đi hiệu quả trong hành trình khảo nghiệm tâm hồn con trẻ.
So sánh, nhân hoá, điệp,… là những biện pháp tu từ nghệ thuật ưu trội của thơ thiếu nhi và Mùa chim cũng không là ngoại lệ. Chất ảo diệu, bay bổng mà chúng tạo ra có thể mê dụ trẻ, để các em đi từ kinh ngạc, sững sờ bối rối đến phấn khoái, thú vị vô cùng: Biển to hơn cái ao nhà/ Không thấy ai ra gánh nước (Biển); Da buồm ăn muối/ Mồ hôi bạc người/ Đất là biển mặn/ Gió là sữa tươi (Cây buồm); Hình như thuyền đang tập viết/ Cột buồm – cây bút lung lay/ Tính thuyền thường hay… xấu hổ/ Gặp ai cũng gật đầu chào (Hỏi thuyền); Quả thức khi em ngủ/ Mới gọi là: quả đêm (Quả đêm); Mái tóc Suối chảy thật mềm/ Không bao giờ rụng xanh thêm tuổi rừng (Tóc Suối) v.v… Cùng với thể thơ bốn chữ giàu nhịp điệu, nhiều động tính, những biện pháp tu từ này khiến thơ anh đậm chất đồng dao, đồng thoại – lối dụng ngôn rất gần với tâm lí ngôn ngữ, tư duy của trẻ. Đây là một lựa chọn thông minh để đưa tác phẩm đến gần với các em (Cá, Mực, Chuồn Chuồn, Cào Cào may áo, Ve Sầu mùa hạ, Ngọn đèn Đom Đóm, Cua Càng thổi xôi,…). Cái tài, sự lao – động – chữ nghiêm túc, nhiệt tâm với thiếu nhi của tác giả dễ nhận thấy qua việc làm mới, tái sinh những từ ngữ quen thuộc nhờ hệ thống nghĩa chuyển, nghĩa bóng. Bằng cách ấy, anh hướng trẻ vào hành trình khám phá vẻ đẹp của tiếng nói dân tộc.
Từ nghĩa gốc, người viết đưa người đọc vào trò đồng dao hóm hỉnh để mở rộng, tích cực hoá vốn từ; và rồi, giữa bất tận niềm vui, trẻ bất ngờ nhận ra mối quan hệ mật thiết giữa các sự vật khách quan – cũng là cái làm nên chân giá trị của sự sống thân quen mà vô cùng lạ lẫm xung quanh các em – để tự điều chỉnh hành vi, thái độ: Có cỏ thì quả đồi mới xanh sức sống, có những cọng rơm bé nhỏ thì cánh đồng sau mùa gặt mới còn chút thi vị nhờ sắc vàng và chút hương mùa vương lại; tương tự là nước với dòng sông, cột buồm với con thuyền: Quả đồi mặc cỏ/ Cánh đồng mặc rơm/ Dòng sông mặc nước/ Thuyền trôi mặc buồm (Áo). Kiểu thổi hồn cho chữ như thế cũng dễ tri nhận khi nhà thơ kì công mô phỏng tiếng kêu loài vật bằng hệ thống từ ngữ gần âm, chẳng hạn: Không biết hỏi: đâu đâu/ Vẫn gọi là cá Chó! (tiếng chó sủa gâu gâu); Hè ơi! Hè ơi! (tiếng ve: Vè ve! Vè ve!), Tớ no! Tớ no! (tiếng tàu hoả: Tí toe! Tí toe!)… Đây là cách “nghịch” chữ vẫn thường gặp trong thơ thiếu nhi (Gọi bạn – Định Hải, Xe chữa cháy – Phạm Hổ, Tắc kè hoa – Phạm Đình Ân, Gà mẹ đẻ trứng – Nguyễn Châu,…). Nhưng mô phỏng bằng hình ảnh, nhịp điệu là một sáng tạo của Nguyễn Ngọc Phú. Từ sự nhấp nháy sinh học của loài đom đóm, người thơ liên tưởng đến tiếng gọi tha thiết của những con người lặng thầm làm việc vì cuộc sống bình yên của đồng loại: Đêm về Đom Đóm:/ Chờ tôi! Chờ tôi! (Ngọn đèn Đom Đóm). Cái vui lạ, độc sáng trong kiểu sử dụng âm thanh, nhịp điệu này dễ tạo được hiệu ứng bắt mắt người đọc.
Biện pháp miêu tả là yếu tính của truyện. Nhưng đó lại là vấn đề thứ yếu của thơ bởi không khéo sẽ thành kể lể, văn xuôi hoá. Với thơ thiếu nhi, do đặc trưng tâm lí và năng lực tiếp nhận của lứa tuổi, yếu tố truyện, mà tiêu biểu là sự kể và tả, thường xuất hiện để trẻ dễ lưu giữ thế giới hình tượng mà người viết tạo ra. Cái khó ở đây là làm sao vẽ cảnh, hoạ vật thật ấn tượng mà vẫn không dềnh dàng, vẫn giữ được hồn cốt của thơ. Điều đó buộc người thơ phải có con mắt xanh để bắt lấy cái thần, cái hồn của đối tượng, khuôn chúng vào những câu chữ hữu hạn mà vẫn không quá hàm súc, bí bức vượt khỏi tầm đón của trẻ thơ. Nhiều bài thơ trong Mùa chim, Nguyễn Ngọc Phú đã giải quyết rất đạt yêu cầu này. Chỉ bằng vài nét gợi thần tình về tên gọi, ngoại hình, hành động, lời nói, tính cách,… chân ảnh của sự vật được lột hiện sống động, khó lẫn. Kết hợp khéo léo giữa tả và gợi khiến hình tượng thơ lung linh, đa nghĩa: Nhóng nhánh Chuồn Ớt/ Nhấm khói cay cay/ Chuồn Kim thì bận/ Vá may suốt ngày (Chuồn chuồn); Bão đi đủng đỉnh/ Tính được từng giờ/ Mặt trăng mất ngủ/ Thâm quầng âu lo (Mắt bão); Đầu đội chiếc nồi đất/ Xương sống – cọc – tre – vườn/ Cây rơm nuôi bếp lửa/ Qua bao mùa bão giông (Cây rơm),…
K.Tsu-cốp-ski đã nêu lên hai nguyên tắc lớn trong công việc sáng tác cho thiếu nhi: Một là học tập vốn cổ, hai là học tập các em (tức tìm hiểu đời sống tâm hồn của trẻ để nghĩ và cảm như chính đối tượng này). Nguyễn Ngọc Phú đã thực sự ý thức điều đó trong tập thơ thiếu nhi đầu tay của mình. Đắm đuối cùng trẻ thơ hôm nay nhưng tác giả vẫn không quên gắn nối các em với nguồn cội dân tộc. Không chỉ phục dựng vẻ đẹp của làng quê giữa lốc xoáy đô thị hoá, nâng niu những thể thơ truyền thống, anh còn mang vào thơ hơi thở của ca dao, tục ngữ trong ý hướng mới hoá vốn cũ qua cái nhìn trong trẻo, tinh khôi của các em: Rau Răm ở lại với đời/ Cho lá Cải Bẹ lên trời… làm Vua (Lá); Vườn em trĩu quả la đà/ Bồ Hòn thì ngậm – luống Cà thì sây… (Quả),… Bằng cách tiếp biến diệu nghệ này, cái cay đắng, ngậm ngùi thân phận của thơ xưa đã hoàn toàn nhường chỗ cho sự hồn nhiên, tinh nghịch và rất đỗi yêu đời của trẻ.
Khác với người lớn, thiếu nhi hôm nay ít chú trọng “ăn chắc mặc bền” mà nghiêng về “ăn lạ mặc đẹp”. Đối với các em, sức lôi cuốn của hình thức bao giờ cũng đến trước, đôi khi còn là chủ yếu nữa, kế đó mới đến nhu cầu hiểu biết nội dung. Hình thức đẹp của bài thơ, từ nhịp điệu, ngôn ngữ, nhạc tính, hoạ tính,… cũng là nội dung của sự giáo dục, đặc biệt là giáo dục thẩm mĩ. Năng lực tưởng tượng dồi dào, tấm lòng gắn bó, yêu thương con trẻ khiến tác giả Mùa chim luôn dụng công tìm cái mới lạ cùng với những cách thức ấn tượng sinh tạo những sáng phẩm tinh thần phù hợp với tuổi thơ, để trong vỏ chữ, ta nghe tình người, hồn quê toả hương, xáo động.
5. Và một mùa hi vọng…
Công bằng mà nói, không phải bài nào trong Mùa chim cũng hay, dòng thơ nào cũng phù hợp với cách nhìn, cách nghĩ của trẻ. Một số chỗ, cái nhìn, giọng điệu, cách liên tưởng chưa thực đúng là thi ngữ của các em (Hỏi thuyền, Từ hạ vào thu). Ở đôi bài, ta không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối bởi sự kiệm lời cho hợp với trẻ thơ, kích gợi bạn đọc tiếp tục đồng sáng tạo mà phải dứt mạch, kết thúc đột ngột, làm cho bức tranh thiếu vẻ tường minh, toàn bích (Mây, Mùa đông, Biển và mặt trời). Mặt mạnh của Nguyễn Ngọc Phú là những cảnh vật, sinh hoạt của thiên nhiên, làng quê được anh trẻ con hoá qua nhãn quan, tâm giới của một con người nhiều nặng nợ với quê hương xứ sở. Cũng chính vì thế mà đề tài về cuộc sống trẻ em hôm nay, hiện thực xã hội thời các em đang sống còn khá ít. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là những mảng hiện thực khách quan được nhà thơ tái hiện mà chính là khả năng gợi cảm xúc của bài thơ. Đáng mừng hơn nữa là người viết đã khắc phục hạn chế này bằng sự đa dạng trong cách xây dựng hình tượng, lối sử dụng ngôn ngữ,… Nhờ thế, tập thơ vẫn rất hợp với “khẩu vị” đọc của thiếu nhi đương đại, góp phần hình thành mĩ cảm, nhân cách cho thế hệ măng non – những công dân tương lai của đất nước.
Mùa chim là khúc ca trong trẻo của một người lần đầu tiên chạm ngõ tuổi thơ mình. Không khó để nhặt ra những ý tình đẹp tinh khôi trong từng bài, cùng với đó là sự đồng điệu chân thành của tác giả với bạn đọc. Gọn nhẹ nhưng kết lắng, tập thơ sẽ còn “bay” xa hơn trong hành trình chinh phục độc giả nhỏ tuổi. Nếu ở mảng sáng tác cho người lớn, Nguyễn Ngọc Phú tạo dấu ấn bằng một bút pháp hiện đại thì với thơ cho thiếu nhi, anh chinh phục chúng ta bằng lối viết giản dị, trong sáng nhưng cũng đầy trí tuệ. Điều đó không có gì mâu thuẫn bởi nó là hệ quả tất yếu của sự quy định nghiêm nhặt về đối tượng tiếp nhận, sự thống nhất trong đa dạng của phong cách nhà thơ. Lao động nghiêm túc, tấm lòng với trẻ thơ và nhất là khả năng trẻ hoá tâm hồn, hoà tắm trong thế giới muôn màu của các em,… là những cơ sở mang lại sức hút cho tập thơ, giúp anh dẫu là người đi sau nhưng lại về trước trong địa hạt văn học dành cho tuổi nhỏ. Từ sự mở đầu suông sẻ này, chúng ta chờ đợi và tin tưởng những “mùa chữ” mới mà người thơ, bằng tâm huyết và tình yêu của mình, sẽ tiếp tục mang đến cho tuổi thơ khắp mọi miền Tổ quốc. Và đó thiết nghĩ cũng là kinh nghiệm quý, nguồn động viên, khích lệ không nhỏ đối với đội ngũ viết cho thiếu nhi hôm nay.
Chú thích:
(*) Nguyễn Ngọc Phú: Mùa chim, Nxb Hội Nhà văn, 2013.
31/5/2023
Bùi Thanh Truyền
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...