Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

Tiểu thuyết lịch sử: Khó nhưng không bỏ

Tiểu thuyết lịch sử:
Khó nhưng không bỏ

Dù khó, nhưng mảng đề tài lịch sử vẫn thu hút nhiều nhà văn nhiều thế hệ. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, viết tiểu thuyết lịch sử là một việc vô cùng khó, bởi với những nhân vật, sự kiện lịch sử đã xảy ra, đã có sẵn, các tác giả phải viết sao cho hấp dẫn, lôi cuốn mà vẫn giữ đúng giá trị lịch sử. Và các nhà văn đã không dừng lại, không bỏ cuộc, thậm chí họ tha thiết với những giai đoạn, nhân vật ít có trong sử liệu, với hy vọng độc giả tiếp tục tìm hiểu, khám phá lịch sử theo cách riêng.
Hấp dẫn nhiều thế hệ cầm bút
Trong các thể loại của văn học, tiểu thuyết lịch sử luôn là một mảng đề tài đòi hỏi sự dấn thân của người viết. Bởi dẫu gì, khi viết về đề tài lịch sử, các tác giả cũng đều phải căn cứ vào những dữ liệu, tài liệu, nghiên cứu lịch sử. Do đó, sự sáng tạo thường chỉ có thể trong những giới hạn nào đó. Tuy nhiên, dù khó, nhưng thể loại này vẫn luôn thu hút được các nhà văn ở nhiều thế hệ. Và ở mỗi thế hệ, lại có những cách viết, cách thể hiện khác nhau, và tất nhiên, sự thành công cũng không giống nhau.
Ngược dòng thời gian, trở về với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, văn học Việt Nam cũng đã ghi nhận nhiều tiểu thuyết lịch sử đáng đọc. Trong đó, không thể không nhắc tới nhà văn Hữu Mai với các tiểu thuyết “Cao điểm cuối cùng”, “Không phải huyền thoại”… Nếu “Cao điểm cuối cùng” phản ánh cuộc chiến đấu oanh liệt của quân đội ta tiêu diệt Đồi A1, cứ điểm then chốt của quân đội Pháp, từ đó giành toàn thắng ở chiến trường Điện Biên Phủ vào ngày 7.5.1954 thì “Không phải huyền thoại” là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp và cao trào chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Về đề tài lịch sử, trước và sau Hữu Mai, nhiều nhà văn đã viết những tiểu thuyết gây dư ba, và khẳng định vị thế của mình trên văn đàn. Có thể kể đến nhà văn Hà Ân với “Trăng nước Chương Dương” (bao gồm 3 tiểu thuyết: “Trên sông truyền hịch”, “Bên bờ Thiên Mạc”, “Trăng nước Chương Dương”); “Người Thăng Long” và “Khúc khải hoàn dang dở”; nhà văn Ngô Văn Phú với “Ngôi vua và những chuyện tình”, “Gươm thần Vạn Kiếp”, “Ấn kiếm trời ban”…; nhà văn Nguyễn Khắc Phục với bộ “Thăng Long Ký”; nhà văn Nguyễn Quang Thân với “Hội thề”… Tiếp đó, bộ tiểu thuyết đồ sộ “Tám triều Vua Lý” của nhà văn Hoàng Quốc Hải, hay những “Hồ Quý Ly”, “Đội gạo lên chùa”… của Nguyễn Xuân Khánh cũng cho thấy dấu ấn và sự đóng góp của các nhà văn ở địa hạt tiểu thuyết lịch sử.
Gần đây, dù thị trường xuất bản khó khăn, dù độc giả ngày nay có xu hướng thích đọc nhanh, và thể loại tản văn “nở rộ”, song vẫn thấy những cuốn tiểu thuyết dày dặn ra đời, và âm thầm gây tiếng vang trong những lớp độc giả thích “đọc sâu”. Trong đó, có thể kể tới “Thông reo Ngàn Hống”, “Nguyễn Du” của nhà văn Nguyễn Thế Quang; “Hùng binh” của tác giả Đào Ngọc Hưng… Thậm chí, nhiều cây bút thế hệ 7X cũng có những đóng góp cho mảng tiểu thuyết lịch sử, như Lưu Sơn Minh với bộ “Trần Quốc Toản”, “Trần Khánh Dư”; Phùng Văn Khai với bộ tiểu thuyết “Vương triều Tiền Lý”…
Tiểu thuyết lịch sử không chỉ hấp dẫn các cây bút nam giới “sức dài vai rộng” mà còn cuốn hút cả những nhà văn nữ. Hai gương mặt được nhiều người nhắc tới trong thời gian gần đây là nhà văn Lý Lan và Trần Thùy Mai.
Với “Bửu Sơn Kỳ Hương”, cuốn tiểu thuyết của Lý Lan được Hội Nhà văn Việt Nam vinh danh ở hạng mục văn xuôi năm 2022. Tác phẩm tập trung vào các nhân vật lịch sử như Trương Vĩnh Ký hay Tôn Thọ Tường, Phan Thanh Giản, thông qua những hình tượng ấy, kể câu chuyện thuở hàn vi. Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tác phẩm “Bửu Sơn Kỳ Hương” chọn con đường tự sự với giọng trần thuật dồi dào khí lực, hào sảng, gần gũi trong một cấu trúc tự nhiên, làm bật lên cá tính, phong cách của con người và nét văn hóa đặc sắc vùng Nam bộ.
Trong khi đó, với tiểu thuyết “Từ Dụ Thái hậu” (2 tập) – tiểu thuyết đã được trao giải thưởng danh giá của Hội Nhà văn Việt Nam (Giải nhất cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 – 2016-2019) và Giải Sách hay 2020 của Viện Giáo dục IRED; và mới đây là tiểu thuyết “Công chúa Đồng Xuân” (2 tập), nhà văn Trần Thùy Mai cho thấy những nỗ lực rất đáng ghi nhận của mình khi tạm ngưng viết truyện ngắn – thể loại đưa tác giả gặt hái những thành công nhất định, để chuyển sang gắn bó với tiểu thuyết lịch sử.
Để tiểu thuyết lan tỏa tình yêu lịch sử
Khi các nhà văn lựa chọn hướng đi, đó là tìm về kho tư liệu vĩ đại của lịch sử dân tộc để tái hiện lại đời sống lịch sử dân tộc, rõ ràng đó là điều rất đáng hoan nghênh và trân trọng. Và mỗi nhà văn, đều có lý do riêng của mình. Nhà văn Phùng Văn Khai cho biết, từ 20 năm trước, anh đã đến với tiểu thuyết lịch sử một cách nghiêm túc. “Đầu tiên là vì đam mê, tôi yêu các nhân vật lịch sử và luôn có khát khao được tìm hiểu về họ. Tác phẩm lịch sử đầu tiên của tôi viết về anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo với gần 100 trang văn. Nhưng tôi cảm thấy chưa đủ, để có thể khắc họa đầy đủ hình tượng của một vị anh hùng dân tộc cần rất nhiều yếu tố về tính cách, phong tục tập quán, những câu chuyện xoay quanh vị anh hùng đó. Tôi quyết định chuyển sang viết tiểu thuyết lịch sử. Ròng rã 20 năm chuyên tâm viết sử, tôi có cơ hội đi cùng các đoàn nghiên cứu, miệt mài điền dã hàng trăm ngôi đình, đền để lấy tư liệu, tham gia rất nhiều hội thảo khoa học, tôi làm việc không thấy mệt mỏi, càng viết lại càng say mê. Một phần là nhờ người thầy của tôi – nhà văn Hoàng Quốc Hải, đã luôn luôn động viên, khích lệ tôi, giúp quá trình chuyển hướng viết tiểu thuyết lịch sử của tôi được trọn vẹn và dễ dàng hơn”, nhà văn Phùng Văn Khai chia sẻ, đồng thời cho rằng, viết về lịch sử đòi hỏi nhiều thứ, phải am hiểu về văn hóa của thời đại mà mình viết, thời đại mình đang sống.
Trong khi đó, nhà văn Trần Thùy Mai chia sẻ, khi viết tiểu thuyết lịch sử, bà dựa trên 3 nguồn chính: Chính sử triều Nguyễn, giai thoại dân gian, cùng suy luận của tác giả.
Chính sử triều Nguyễn, với nguồn chính là bộ “Đại Nam Thực Lục” và “Đại Nam Liệt truyện”, cùng những bộ sách hỗ trợ: “Đại Nam Nhất Thống Chí”, “Đại Nam Hội điển sự lệ” và “BAVH” – tức là những bài báo đăng trên tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hue. Còn tác phẩm dân gian, thì như vè sử, chuyện kể, giai thoại dân gian nhà văn Trần Thùy Mai tiếp cận trong 10 năm làm giảng viên môn Văn học dân gian ở Trường Đại học Sư phạm Huế.
“Viết tiểu thuyết về lịch sử triều Nguyễn trong giai đoạn này, theo tôi là một việc khá thuận lợi. Trong mọi công việc, tôi không có thói quen nghĩ nhiều về sự khó khăn. Hơn nữa, khi làm một việc mình đam mê, thì những khó khăn càng làm cho mình động não và hứng thú hơn”, nhà văn Trần Thùy Mai nói.
Nhà văn cũng cho rằng, có hai điều khiến bà yêu thích tiểu thuyết lịch sử. Thứ nhất, khi viết hay đọc một tiểu thuyết lịch sử, chúng ta có tâm thế hào hứng của một nhà du lịch. Ta du lịch về lại miền quá khứ. Trang sách kích thích trí tưởng tượng, và làm hiện lên những giấc mơ. Thứ hai, tiểu thuyết lịch sử có thể giúp người ta có cơ hội trở thành những quan tòa trong tòa án lương tâm: Bằng quan niệm và trí suy luận của thời ta sống, ta có thể đem tới cho người đọc những lý giải mới, đánh giá mới về những việc trong quá khứ.
Viết tiểu thuyết lịch sử để lan tỏa tình yêu với lịch sử cũng là một thông điệp được hầu hết các nhà văn lựa chọn. Trong khi các nước khác có nhiều cách để truyền bá lịch sử dân tộc một cách sinh động, thì chúng ta vẫn đang được cho là còn chậm trễ. Vì thế, thông qua những cuốn tiểu thuyết lịch sử, bạn đọc sẽ được khơi gợi, thôi thúc tìm kiếm những mảnh ghép lịch sử để làm dày dặn hơn kho tri thức của mình. Và có một điều đáng mừng, nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sửa ra mắt gần đây đã được độc giả đón nhận, được tái bản nhiều lần.
Vẫn phải khẳng định một điều, viết tiểu thuyết lịch sử là một sự lựa chọn dũng cảm. Và để tác phẩm có chỗ đứng trong lòng độc giả đương thời lại càng là điều không dễ dàng. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, viết tiểu thuyết lịch sử là một việc vô cùng khó, bởi với những nhân vật, sự kiện lịch sử đã xảy ra, đã có sẵn, các tác giả phải viết sao cho hấp dẫn, lôi cuốn mà vẫn giữ đúng giá trị lịch sử.
18/5/2023
Hà Anh
Nguồn: Đại Đoàn Kết
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...