Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Hoa gạo rụng xuống

Hoa gạo rụng xuống

Bà Ngần từ trạm xá về, để túi thuốc vào trong tủ là vội vàng nhao vào bếp. Chết thật, loáng cái đã trưa. Cắm nồi cơm xong, bà mang mớ rau muống ra thềm nhặt cho sáng. Rau muống đầu mùa cũng chưa mềm mấy đâu, nhưng tháng Ba rau già cá hết, có mà ăn đã là tốt rồi. Mồ hôi vã đầy trán, sống lưng lành lạnh, nhưng bà Ngần cứ gượng. Giờ mà ốm thì thật không phải lúc.
Anh Trận đánh công nông về đến sân thì thấy nhà ắng quá. Anh vội vàng tắt máy, nhảy xuống, đi vào bếp. Trên bếp có nồi cháo chó nguội ngắt. Nồi cơm điện thì đang sôi, hơi cơm lọt lên thơm thơm. Anh gọi mẹ thì nghe thấy tiếng ú ớ ngoài bể nước. Anh vội chạy ra, trước mắt anh là một cảnh tượng kinh hoàng. Mẹ anh nằm nghiêng, máu rỉ ra từ tóc, loang trên nền xi măng. Cái chậu nước lật úp, rau muống văng tứ tung. Anh vội bế mẹ vào nhà rồi hô hoán làng xóm. Bà Ngần được đưa ngay lên bệnh viện để khâu vết rách do bị ngã đập đầu vào cái cối đá con. Sáng nay bà mới ra trạm xá khám bệnh, lấy thuốc đau đầu do chứng thiếu máu tuần hoàn não, nhưng còn chưa kịp uống thì xảy ra cơ sự. Nhà có hai đứa con thì cô cả lấy chồng xa ít khi về được, trừ dịp giỗ, tết. Còn anh con trai thì tíu tít ruộng đồng, ngan vịt chuồng trại. Đến cả tháng nay, bà kêu đau đầu, giắng là phải đi khám, thì nó bảo: “Bầm mình đồng da sắt, ốm thế nào được mà ốm. Bầm mà ốm là chết con, ốc con sắp đến lúc được thu rồi, không rời ra được”. Vợ nó thì nhong nhong trên đường, dãi dề khắp các chợ trong vùng, mưa nắng chả quản, người gầy đét như con cá mắm. Của nhà làm ra cái gì thì bán cái đó. Nào là rau dưa, hành tỏi, nhãn vải, cá tép… mùa nào thức nấy. Ông trời khéo xe, cả đôi tham công tiếc việc, làm đến đen đúa cả người. Vợ chồng nó có hai thằng con trai thì đứa đi bộ đội, đứa đang học lớp 9. Đứa bộ đội thì tình cảm với bà nội lắm, hễ được gọi điện thoại về là khoe đủ thứ trên đời. Còn đứa đang học thì đi không bạ nhà, học ngày mấy ca.
Bà Ngần giống như chủ nhà trọ, chủ quán cơm bình dân. Nấu như nào chúng ăn thế, nhà cửa bày biện thế nào chúng ở thế. Chả bao giờ kêu ca, cũng chả bao giờ bảo mẹ mệt thì nghỉ đi. Đôi lúc bà Ngần buồn lắm, thấy con cháu hiển nhiên coi mình là ô-sin, là đầy tớ không công, chỉ muốn trách móc hay mát mẻ chúng vài câu cho thỏa. Nhưng nhìn thấy đứa con dâu ở chợ về không đợi được cơm chín mà đứng dựa cột ăn vội bát cơm nguội trộn muối vừng, đầu còn đội nguyên cái mũ bảo hiểm, bà lại chả nỡ. Nó vừa nhai vừa bảo: “Cà chua rẻ lắm, chợ có mấy nghìn một cân, mời rát cả họng, giờ có mối lấy ba chục cân một lúc, phải đem đi ngay bầm ạ”. Thằng Trận thì buông cày bừa lại hùng hục vớt bèo, thái chuối, cắt cỏ. Xem ra, giờ chúng nó nuôi ốc nhồi, nuôi cá còn khổ hơn ngày xưa bà nuôi tằm. Cái chỗ nó ngồi ăn cơm xong đứng dậy, kiểu gì cũng có vài mảnh bùn đất khô lăn ra. Thương con nên bà cứ cố thôi. Nhiều lúc nó nói như xin: “Con xin bầm đừng ốm, thanh niên xung phong ai lại ốm bao giờ nhỉ”. Bà cũng nhân lúc ấy mà trần tình: “Ô hay, chúng bay cứ nghĩ bà già bảy mươi này sức còn như thanh niên chắc”. Thì đứa con dâu lại bảo: “Bầm mới hai mươi thôi, bầm khỏe hơn con, con đêm nằm xuống, người đau như dần ý”. Thế đấy, nay bà chả gượng được nữa, lăn kềnh ra.
Bưng bát cháo mua dưới căng tin còn nóng hổi lại giường mẹ chồng, Loan nói như thanh minh: “Tại con, hôm qua bầm kêu nhức đầu, nhưng con cứ nghĩ trời đang nắng đổ mưa, bầm đau thôi. Biết thế này thì sáng nay tiện đường đi chợ, con “síp” bầm lên bệnh viện luôn rồi. Bầm ăn đi, thương bọn con thì bầm cố ăn cho khỏe!”. Bà Ngần nghe con dâu nói thế thì lại cố nuốt từng thìa cháo cho dù mồm miệng đắng ngắt và cái đầu vẫn thình thịch như ai giã chày đôi ngay sát mang tai. Nhìn quanh không thấy con trai đâu, bà hỏi: “Ơ thế bố Trận đâu rồi?”. Loan nói nhỏ, sợ người cùng phòng nghe thấy: “Chiều nay con nghỉ chợ mà, bầm lo gì. Nhà con nhận lời chú Đệ rồi, chiều nay vẫn phải đưa máy ra bừa nốt ruộng ngô cho chú. Giờ chối người ta, đến mùa người ta lại chả thuê mình cày bừa nữa”. Bà Ngần khẽ rên lên: “Thì cứ đi làm, bầm ở đây một mình được rồi, mẹ mày về xem nhà cửa, ngan vịt đi”.
– Không, ấy chết, con phải ở đây chứ!
Hai mẹ con đang nói chuyện thì một nữ điều dưỡng chạc ba chục tuổi đi vào cặp nhiệt độ cho các bệnh nhân trong phòng. Đến lượt bà Ngần, cô ấy hỏi:
– Bác ở khu mấy? Hình như từ ngày cháu chuyển về đây, cháu chưa gặp bác bao giờ?
Bà Ngần mỉm cười, chỉ vào con dâu:
– Chúng nó có cho tôi ốm đâu mà cô gặp tôi được.
Loan phì cười, thật thà phụ họa:
– Thật đấy, trộm vía, bà nhà chị không ốm vặt mấy khi đâu ạ.
Cô điều dưỡng trẻ vui miệng:
– Thế ông đâu ạ? Con nuôi cha không bằng ông bà già chăm nhau.
Thấy mẹ con bà Ngần im lặng, cô điều dưỡng biết mình lỡ lời nên không hỏi nữa. Nhưng khi cô vừa bước đi hai bước thì Loan lên tiếng: “Ông nhà chị đi du lịch rồi, chả về kịp”. Cô điều dưỡng quay lại, nụ cười má lúm rạng rỡ hẳn: “Vâng, mùa này là mùa du lịch mà chị”.
Khi cô điều dưỡng đi rồi, bà Ngần cứ thấy nỗi gì đó thổn thức trong lòng. Bà chưa bao giờ đi du lịch cả. Làng này thi thoảng chị em phụ nữ cũng mạnh dạn vứt bỏ việc nhà, con cháu đấy mà đi chơi một chuyến cho thoáng người. Nhưng bà thì khó lắm. Hễ nói chưa biết Thủ đô nằm hướng nào thì đứa con trai lại bảo bầm còn đi đến tận Quảng Trị, Tây Nguyên từ lúc có mười tám tuổi, chứ con bốn nhăm đến nơi rồi còn chưa đi qua đất Thanh Hóa. Ý nó là hồi xưa, bà đi thanh niên xung phong ấy, đã dọc ngang tung hoành.
Làng này có bà Ngần với bà Chiên là thanh niên xung phong. Bà Chiên cũng không sung sướng gì nhưng không ở chung với con cái thì vẫn còn có thể đi đâu tùy ý. Còn bà thì khác. Cây nào hoa nấy, nhà nào cảnh ấy, khó nói lắm. Bà Chiên có chồng, ông ấy cũng là thương binh nặng và mất vì ung thư mấy năm nay rồi. Còn bà, tiếng là không có chồng nhưng lại bìu díu con cháu. Đứa con gái cả nhà bà, năm nay bốn sáu, hơn thằng Trận ba tuổi. Nó vốn là con của em gái bà. Con bé mất mẹ ngay từ lúc lọt lòng. Bà thương em, thương núm ruột của em mà mang về nuôi. Em rể bà vốn là lái tàu đường sông, nay đây mai đó, nước sông cạn thì lên bờ, nước đầy thì lại lênh đênh. Nuôi sao nổi con đỏ? Vợ chết được hơn năm thì nó ăn ở với một người phụ nữ mạn ngược làm nghề buôn vải. Hai anh chị quyến nhau đi và ở luôn trên sông, ít khi đoái về làng. Rồi một ngày, em rể bế về một đứa trẻ trai ba tháng, người sốt hầm hập và bảo: “Chị thương lấy thằng Trận, mẹ nó bỏ em rồi, em không nuôi được cháu, chị nuôi chúng cho có chị có em!”.
Người đàn bà quá lứa, thân côi như bà Ngần, nuôi một đứa con đã khổ rồi nhưng nhìn thằng Trận đầu đầy mụn nhọt đang sốt và khóc ngằn ngặt, bà thấy xót xa. Mẹ bà khi ấy còn sống cứ khuyên bà nên quài lấy một đứa, gái hay trai cũng được, là máu mủ của mình, sau này mới trông đợi được. Nuôi con của em dì thì cũng đỡ, chứ con của em rể thì là dưng lã rồi. Nhưng bà không nghe, phần vì không muốn chia cách chị em nó, phần vì đảng viên, đâu có dễ để làm cái việc vụng trộm ấy được. Lấy cho riêng một tấm chồng thì đào đâu ra. Khi đứa con gái tầm bảy tuổi, bà có cơ hội để kết hôn với một người đàn ông chết vợ ở xã bên vốn là bộ đội phục viên. Thật lòng, bà cũng mến người ta lắm, nhưng bố mẹ ông ấy bóng gió rằng, giá như bà chỉ có một đứa con gái riêng thì tốt. Bà thì không thể tách chị em nó ra, nên đành ngậm ngùi nhìn người ta đi lấy vợ. Kể thì sợ chúng bảo kể công, nên bà chả bao giờ nhắc đến những đắng cay, khó nhọc chất chồng để nuôi con khôn lớn. Nghĩ đến đó, bà vội bảo đứa con dâu: “Vài hôm thôi, bầm khỏe lại, đừng có gọi chị Ngà”. Con dâu bà giật mình. “Ôi, thế con không biết, trưa nay con điện cho chị rồi. Nhưng mà chị cũng không về được đâu. Chị đang du lịch trong Đà Lạt cùng con trai và con dâu tương lai của chị rồi. Mùa du lịch mà lị”. Dứt câu, chưa kịp nghe mẹ chồng nói gì thì Loan lại tót ra hành lang để nghe điện thoại khách gọi mua hàng. Mang tiếng trông mẹ chồng nằm viện, Loan vẫn tranh thủ đi giao hàng. Nằm bệnh viện được ba ngày thì bà Ngần xin ra viện. Loan ái ngại quá, bảo: “Thôi mà, bầm cứ ở thêm để truyền đạm cho khỏe đã. Việc nhà anh Trận con lo được”. Bà khẽ cười. “Ừ, lo thì lo được rồi, bầm về nhà cho thoáng, ở đây mệt lắm!”.
Loan chở mẹ chồng bằng xe máy đi vào ngõ, con ngõ đỏ chói hoa gạo. Dễ mấy ngày chưa biết mùi chổi. Hoa gạo, hoa dâu da xoan, lá sấu, lá tre rụng bượp. Sân thì lênh láng nước, đất đồng theo vệt bánh xe công nông vào tận sát bể nước. Chó đói hóp bụng vào, thấy bà thì nhảy cẫng lên mừng. Đàn ngỗng cũng thế, chúng bu quanh xe máy, có con mổ lên tận vạt áo bà. Loan nhanh miệng: “Chúng nó nhớ bà đấy!”. Bà Ngần bước xuống sân, đầu còn váng vất nhưng đã đi ngay vào bếp. Chó, mèo, ngỗng đều chạy theo. Bà biết chúng đói. Trong bếp, nồi lớn mốc, chảo bé mốc. “Ô hay, chúng bay không nấu gì ăn à?”. Loan gãi tai. “Thì con ăn trên căng tin với bầm, hai bố con nó cứ úp mì gói ăn thôi. Được cái nhà con cũng thích ăn mì”.
Sau khi cho chó, mèo, ngỗng ăn xong, bà Ngần vớ cái chổi cọ đi ra ngõ. Phải dọn dẹp qua, chả lát nữa bà con chòm xóm đến chơi, rác ngập củ khoai, người ta đánh giá. Loan thấy thế thì giằng lấy cái chổi. “Mẹ để con quét, tay mẹ tiêm còn sưng kìa, mẹ vào cắm hộ con nồi cơm. Cái nồi áp suất ấy con không biết vặn thế nào cho vừa cả, khó dùng lắm”. Bà Ngần nhường chổi cho con dâu, lại vào bếp bầu bạn với ông Táo. Bữa trưa, thằng cháu nội ăn hai bát cơm đầy. Nó bảo cháu như cả thế kỷ rồi chưa được ăn cơm, bà ạ. Bố Trận thì làm ba bát và nhìn vợ tủm tỉm. “Đấy, cứ kêu không biết nấu cơm, nay nấu ngon đấy thây”. Loan vội phân bua: “Mẹ nấu đấy, đâu phải em. Em không biết rang thịt kiểu này đâu”. Nhìn con dâu, con trai và cháu xì xụp chan húp ăn ngon lành bữa cơm do bệnh nhân vừa ra viện nấu, bà Ngần lại thấy khỏe người. Bất đắc bất đừng mới phải nằm viện. Treo tay lên để truyền tiêm còn nhọc hơn cuốc đất, rẫy cỏ. Cuối bữa, anh Trận nói: “Con đăng ký cho bầm đi du lịch với các cụ cựu chiến binh xã mình rồi đấy. Đi biển tắm cho thích. Chục ngày nữa là đi, còn đủ thời gian cho bầm chuẩn bị. Mẹ mày xem chỗ nào bán áo tắm thì đưa bầm đi tậu một bộ”.
Cả nhà cười ngả cười nghiêng. Ấy thế mà bà Ngần thấy hồi hộp, nhưng bà chối:
– Ôi dào, biển làm gì, mẹ xem ti vi thấy suốt, lạ gì, đã say xe còn mất tiền, chả đi.
Anh Trận ra bộ ngạc nhiên:
– Chả là chả thế nào. Ai đùa với bầm, con nộp tiền rồi, giờ đi đòi lại thì mặt mo.
– Nhưng bầm có biết bơi đâu, sóng lại cuốn đi thì xong.
– Gớm, cuốn sao được, lưới đánh cá người ta giăng đầy ra đấy. Bầm cứ lo thừa.
Rồi anh trở giọng nghiêm túc:
– Con đùa thôi, chuyến này là chuyến thăm lại chiến trường xưa, con biết bầm muốn đi từ lâu rồi nhưng thương bọn con bộn việc nên không nói.
Bà Ngần thấy người run lên, nhưng vẫn cố từ chối:
– Ai nói với anh chị là bầm thích du lịch. Sau này thằng Tiến ra quân thì cả nhà đi cùng nhau.
Anh Trận nắm lấy bàn tay xanh xao nhưng đã ấm trở lại của bà Ngần, siết nhẹ, giọng dịu xuống: “Cần gì bầm phải nói ra, bầm muốn gì con cũng biết cả. Không biết thì con đã chả phải là con bầm”. Bà Ngần lưỡng lự. “Nhưng mà giời hẵng còn rét”. Con dâu bà bật cười lanh lảnh. “Con chịu bầm. Không nhưng nhị gì nữa. Hoa gạo rụng đỏ ngõ kìa, trời ấm rồi”.
30/5/2023
Tống Ngọc Hân
Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...