Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

Ăn may - Truyện ngắn của Ngọc Thuận

Ăn may - Truyện ngắn của Ngọc Thuận

Quán đã bớt dần những tiếng la hét nhưng hình như âm thanh lại có vẻ lè nhè, rên rỉ hơn. Bè đầu hôm lúc nhỏ nhặt, khoan thai theo nhịp thì giờ như lạc phách, chỉ có tiếng gào thì như to hơn.
Mấy em quán này đã quen mặt nhóm nhậu. Khi nào cũng phải là ngồi riêng một phòng, ăn uống hàng vài giờ, các em phục vụ không cần mới, nhưng phải trẻ là đặc biệt là chịu chơi.
Vào bàn tiệc, sắp xếp chỗ ngồi xong anh Hai mới tới. Cũng có hôm anh Hai không tới, cả bọn không hát hò gì nữa. Nhậu xong, kêu tính tiền rồi về!
Hôm nay anh Hai đích thân đến trước. Mà sao không đến trước được, đây là bữa đầu tiên anh Hai tiếp đàn em với tư cách là sếp. Đã tiếp thì cho ra tiếp, không thể lèm nhèm, lèm nhèm đàn em nó khinh, nó nhờn.
Hai nhớ thời còn núp bóng sếp cũ. Giờ thì sếp cũ đã nghỉ. Hai có luôn chiếc ghế của sếp. Công bằng mà nói, bao nhiêu năm phụng sự sếp, khi về, sếp cũng cân não chán nhưng rồi sếp chọn Hai. Nói Hai không tài thì không đúng lắm! Hai là người có tài, không tài sao anh Hai có được cái giáo sư khi mới ngoài năm mươi. Nhưng còn một lí do nữa mà người nào quen anh Hai đều biết, Hai đã cung phụng mọi yêu cầu của sếp lớn mà không phải kẻ nào cũng làm được.
Kí ức như dội về!
Hai nhớ những lần đi nhậu với sếp. Sếp buồn cũng sắp chỗ nhậu được, sếp vui cũng sắp chỗ nhậu được. Bất kể lúc nào, chỉ cần đàn em gầy độ là sếp đến.
“Mù là mù…” cả đám bắt đầu đồng ca khi sếp đến. Đó không phải là nhạc hiệu gì cả. Nó như một câu hát. Câu hát nghêu ngao của những thằng hư đốn hoặc giả đò hư đốn theo sếp. Không biết chúng hư đốn từ trước hay từ khi theo sếp chúng mới hư đốn, mới biết hát điệu này. Hai cũng vậy.
“Mù là mù ăn may…”
Giờ thì câu hát đã có hình hài. Mù ăn thì chả có gì phải tranh cãi. Nó bình thường quá! Ăn ngủ là cái thú của con người. Người mù thì cũng phải ăn, nhưng giờ là ăn may. “Mù là mù ăn may…” cả nhóm hát theo. Có đứa đã nhậu ở đâu đó rồi mới chạy về nhập tiệc, giọng đã lè nhè, lạc điệu, nhưng vẫn hát đủ câu đủ chữ, thành ra đám hát cứ như hát bè, đứa trước vừa xong “mù” thì đứa sau mới bắt vào bài, cứ thế, cứ thế, mù mù đuổi nhau.
Không biết đứa nào phát hiện ra sếp thích bài này đầu tiên. Hoặc giả sếp không thích nhưng chúng nó cứ gán cho sếp, lâu thành quen, cứ như là của sếp. Chuyện này cũng bình thường, nhiều anh chàng khi tán gái còn đem thơ của những nhà thơ nổi tiếng ra tặng gái mà không ngờ là bạn gái biết bài đó, đến khi các em đọc nốt cái bài mà chàng trai nhận nhầm thì mới cười khì mà bảo rằng anh sinh muộn, chứ không những vần thơ ấy phải là của anh tặng em! Thế mà cũng khối em bị lừa! Cũng tưởng là thơ của những kẻ mạo danh tán gái.
Hai nhớ như in những lần sếp đến nhậu. Bao giờ câu chuyện cũng xoay quanh cái ăn may của những anh mù!
Hai đã trở thành sếp!
Đây là bữa nhậu Hai gầy! Đàn em đã đến. Giờ Hai là người nói – việc này lúc trước thường là của sếp, nhưng giờ là của Hai. Hai nhắc lại những lời sếp nói như một cái cassette: “Cuộc đời là ván cờ – Hai giảng giải. Anh với các chú là những quân cờ, chả khác gì nhau” – Y lời sếp thường nói với cả bọn khi tiệc rượu sắp tàn. “Nhưng giờ anh là con tướng – con tướng chiến thắng. Trên bàn có hai con tướng, nhưng mỗi bên chỉ một tướng thôi. Anh không được tự chọn cho mình, nhưng cuộc đời đã chọn anh làm sếp. Các chú không được quyền chọn, anh cũng không được chọn anh là tướng hay quân, người chơi đã xếp các chú bên anh. Có chú chỉ là con tốt. Là tốt thì may mắn lắm cũng không bao giờ được đứng gần anh, cho dù anh thương tốt lắm. Mà ai cho tốt gần tướng cơ chứ, chỉ trừ tướng đối phương! À mà có, khi ván cờ đã xong, người chơi vơ cả tướng lẫn tốt, xếp vào cái hộp đựng quân cờ, vô tình tốt cạnh tướng. Đứng gần khi không xung trận, đứng gần khi anh chưa sắp xếp bàn cờ. Các chú có thấy tốt mừng đến mức nào khi anh ban ơn. Nhiều thì thi thoảng được cái ơn mưa nóc che dù cho anh khỏi mưa, khỏi nắng! Có chú là con xe, chạy long nhong khắp cả, nhờ các chú mà anh cứ leo lên là đi! Có chú là pháo, anh cần nổ là các chú nổ – mà chỉ được nổ vào kẻ thù của anh nha. Nhiều khi thương, các chú bị nổ tung vì phía bên chống đối anh cũng có pháo” – sếp nói như khóc. “Đời người khôn là chọn được chủ biết sử dụng xe pháo, đến tàn cuộc cờ. Đã đánh thì phải hy sinh, mấy con tốt thì phải hi sinh trước. Mà nào chỉ có tốt, có khi cả xe, cả pháo, cả sĩ tượng cũng hi sinh – hi sinh cho chiến thắng sau cùng! Hi sinh cho vinh quang! Tất nhiên thì chiến thắng sẽ vinh quang hơn nhiều nếu anh còn tất cả các chú! Nhưng nhiều khi, cờ tàn, anh thắng, chỉ còn một chú tốt – một con tốt mà ngay cả khi nằm mơ anh cũng không thấy!. Đánh như thế mới là đánh!”. Hai nói xong, cả lũ cùng gào nên “Mù là mù…”.
Đánh như sếp mới là đánh – một đứa nịnh sếp, cả lũ hùa theo và lại cái điệp khúc “chúng em sẵn sàng hi sinh vì sếp ạ”.
Hai nhớ sêp cũ.
Thi thoảng sếp vui, sếp gọi cả bọn lại, bảo hôm nay anh thưởng cho chú K, chú T… Cả bọn vờ khóc, thế hoá ra sếp không thương đều, sếp chỉ thương mỗi mình nó thôi, thế chúng em là đồ bỏ đi à? Rồi một thằng nhại “mình là mình không may, mình không may nên sếp cho, sếp cho thằng kia rồi”! Sếp thưởng, mà sếp thưởng cái gì nhỉ? “Các em đâu? Cho thằng này cái hôn!”. Những cái hôn chùn chụt vào má kèm theo tiếng hét cùng một cú nhảy dựng đứng của một em vừa thực hiện lệnh của sếp! Em nhảy lên vì đồ đệ của sếp, các quân xe, quân pháo vừa táy máy! “Làm đau người ta nè!” – giọng các quân sĩ õng ẹo giả tiếng các em phục vụ đồng nheo nhéo kêu!
Sếp yêu cầu lính đền! Đền ra đền nghe mày! Đền ở đây là cái việc nhét tiền vào ngực mấy em. Tiếp viên bảo các anh sướng nha, các anh có sếp đáng yêu quá!
Đứa nào nhét nhiều tiền, nhét bạo là sếp khen thằng đó biết làm, thằng đó làm được! Mà làm được thì sếp nhớ, có việc gì thì sếp kêu. Mà đã kêu làm việc thì phải có xéng, cho nên được sếp phạt là niềm vui của lũ lâu la trong những buổi tiệc như thế này.
Cả bọn say. Sếp cho uống là uống. Đã uống là say, không say sếp không cho về. Những buổi nhậu như thế rất tốn tiền, ít thì nửa chục, nhiều thì cả chục, những khi uống rượu hai thằng cưa đôi một chai thì phải vài chục. Sếp không phải trả tiền, tiệc nhỏ cũng như tiệc to.
Đành rằng sếp không rút tiền túi ra trả, lính lác chia nhau mà trả nhưng chúng biết trả nhiều thì có nhiều việc, sếp không bao giờ quên điều này cả. Nghe nói, cũng có lúc sếp quên, đàn em lại vờ mang cái mặt khổ đau lên mà kêu với sếp. Thấy cái mặt đau khổ giả vờ của đàn em sếp cũng giả vờ “Có chuyện đó à! Chuyện đó mà anh quên được thì thật tệ!” Nghe đàn em rên rỉ là sếp lại mềm lòng, lại cho đàn em cơ hội kiếm chác, cứ như là sếp quên hẳn cái chuyện sếp phạt thằng này thằng nọ. Như mà nhờ phạt mà đàn em sợ, không dám ho he. Đứa nào cũng chờ đến bữa nhậu. May thay sếp tổ chức nhậu thường xuyên, đôi ba ngày một hai cữ.
Mấy bữa rồi chưa nhậu rồi Hai? Sếp hỏi như ngủ gật, như trong mơ. Nhưng mà Hai nghe rõ, Hai nhớ mới nhậu ngày hôm qua, Hai vẫn còn cảm giác rượu chảy trong thanh quản, trong từng mạch máu. Mà sao hôm nay sếp lại nhắc Hai đi nhậu.
Tôi với chú thôi nha – sếp nhắc. Ôi giời, Hai mong cái việc đi nhậu riêng với sếp từ lâu rồi – từ khi nghe tin sếp rục rịch về hưu. Lẽ ra sếp không nên nhứ nhá như thế. Hai đã hết lòng vì sếp. Cái xe hơi sếp đang đi, căn nhà ở khu biệt thự cao cấp mà sếp ở là tiền Hai cung phụng sếp. Từ khi còn là con xe, con pháo, đến khi được là con sĩ ở bên cạnh sếp, càng ngày Hai càng được phụng sự sếp nhiều hơn nhưng cái việc nhậu chỉ có sếp và Hai như hôm nay thì ít lắm. Những lần trước, sếp gọi Hai đi uống rượu cùng sếp là có việc, phải bàn kĩ chuyện gì, chẳng hạn, khi thì sắp đại hội, khi thì lấy phiếu tín nhiệm, khi thì hội nghị viên chức. Sếp nói Hai chuẩn bị kĩ mọi chuyện, thằng nào dùng vào việc gì, phát biểu lúc nào đều có kịch bản cả! Hai nghe xong, chỉ biết vâng vâng dạ dạ. Nói chính xác cũng có lúc Hai góp ý với sếp, nhưng sếp bảo mày còn tơ lắm, rồi sếp phân tích “Đợt này tập trung đánh thằng K, nó đang muốn lật đổ anh. Ba đời nhà nó cũng không làm được việc đó. Nó là cái thằng thất thế thì nó làm được cái gì! Chú chỉ cần nói lấp lửng rằng nó không được anh cất nhắc, thất sủng rồi đâm ra thù ghét lung tung, thù cả sếp. Những đứa ủng hộ nó sẽ lảng ra thôi. Cả cái xã hội này sống như vậy rồi, đời phù thịnh chứ ai phù suy. Anh nói phải không chú?”. Hai gật gật lia lịa, luôn mồm bái phục “sư phụ, sư phụ” như Bật Mã Ôn khấu đầu gọi Đường tăng! Nhưng có thể lần sếp gọi Hai đi nhậu này lại khác. Biết đâu sếp sắp đặt cho Hai, truyền ngôi cho Hai.
Dù đã gọi cho mấy em nhà hàng đặt bàn từ hôm sếp gợi ý nhưng Hai vẫn tới sớm. Cái quán này thấy Hai là sẵn sàng phục vụ. Khách tới đây đặt phòng thường được nói trước là tiền ăn nhậu tối thiểu một bàn là nửa chục triệu, không gọi đủ ngần ấy thì nhà hàng vẫn tính cho đủ. Hai quen mọi em trong nhà hàng nên việc dành phòng cho Hai là không cần hỏi.
Hai mang theo chai Maccalan 21. Nhà hàng này bán đủ mọi loại rượu nhưng Hai vẫn mang rượu theo vì Hai biết sếp thích uống rượu không tem. Rượu không tem là cách sếp nói những chai rượu xách tay. Lần đầu tiên Hai đã thấy sếp chăm chú nhìn cái bill đặt trong lớp giấy kiếng đựng rượu của một đàn em tặng sếp. Chú xem hình như là ở Franfourkt. Hai tìm cách đọc, đúng là hoá đơn tính tiền ở sân bay Franfoukt, trên bill còn ghi tên cùng số passport của hành khách biếu rượu. “Thằng này chịu khó. Nó vừa đi nước ngoài về, chuyến bay của nó quá cảnh Frankfourt” – sếp lúi húi cất chai rượu vào một ngăn tủ, ngăn chỉ đựng những chai không tem. Hai biết sếp quí rượu trong cái tủ này. Chỉ những khi đặc biệt sếp mới đưa Hai cái chìa khoá tủ rượu đó mỗi lần sếp tiếp khách quí! Hôm nay Hai mang theo chai rượu không tem này. Hai mua nó từ vài năm trước, mua hai chai, một chai đã tặng sếp, còn chai này  định dùng trong một dịp đặc biệt nào đó và hôm nay, Hai quyết định mang tới buổi tiệc.
“Chú cũng biết đấy, anh sắp nghỉ. Anh nghỉ thì cũng là chuyện bình thường. Anh làm sếp gần 2 nhiệm kì rồi. Giờ đảng cho nghỉ. Phải tìm người thay thế – đó là trách nhiệm của người đứng đầu”. Hai nghe sếp nhắc đi nhắc lại từ trách nhiệm. “Thế chú có biết anh sẽ chọn ai không?” Hai hồi hộp. “Chắc là… chắc là…” Hai cà lăm, cà lăm đưa ra vài cái tên thăm dò.
“Chú nói cũng có lí. Thằng ấy đã giúp anh nhiều việc. Nó là cái thằng biết điều. Sai việc gì cũng làm. Có việc làm tốt, có việc chưa. Được cái là trung thành. Bảo gì làm nấy. Nhưng làm lãnh đạo đâu chỉ có trung thành, phải mưu mẹo. Không mưu mẹo, không biết cách dùng quân thì vứt. Để nó ở vị trí giờ được rồi” – sếp nói!
Lại chén chú, chén anh. Chai maccalan vơi dần, vơi dần. Sếp vẫn chưa nói chủ ý của mình. Hai theo sếp đã lâu. Thôi thì nói toẹt ra cái mình muốn. Hai không phải người tài quá, nhưng tiền thì Hai có. Người đời chả bảo cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền, thật nhiều tiền. Sếp sắp hạ cánh. Tiền bạc của sếp nhiều, nhưng ở cái đơn vị này, Hai có nhiều tiền hơn những thằng khác.
“Cái nhà sếp đang ở cũng đến mươi năm rồi phải không ạ?”. Hai hỏi làm sếp chợt nhớ đến cái nhà sếp đang ở. Nó cũng chỉ trên chục tỉ, với nhiều người là ước mơ, nhưng với sếp thì thường thôi! Sếp có nhiều đất. Sếp có thể xây thêm vài ba căn nhà. Nhưng xây làm gì. Hai đứa con sếp đã định cư ở nước ngoài. Mỗi đứa sếp đều mua cho một căn nhà. Đứa con đầu ở Mĩ, sếp mua nhà cho nó vào thời điểm nhà cửa đắt đỏ. Căn nhà nghìn mét vuông đất. Hơn cả triệu đô. Với sếp tiền đó là đồ bỏ. Mua nhà xong sếp còn giúp thằng con mở công ti. Chủ yếu là để chuyển tiền cho nó tiêu chứ nó thì làm gì ra tiền. Thằng con thứ sếp sắp xếp cho học ở Sydney, tư chất hơn thằng anh một chút, 5 năm học xong đại học, sếp cũng cho căn nhà gần triệu đô. Ổn cả. Giờ thì chẳng lo cho đứa nào cả…
Đang nghĩ về con cái, sếp đưa mắt như đồng ý với đề nghị của Hai! Sếp lơ đãng: “Chú vừa khuyên anh gì nhỉ? Xây nhà à? Anh già rồi, anh sợ xây xây cất cất lắm. Thôi thì chờ con xây cho cái nhà mà ở khi về với tổ tiên!”. Hai biết sếp đang dò xem Hai định đưa ý tưởng gì nên Hai nói luôn “Em còn căn hộ bên Phú Mỹ Hưng, không lớn lắm, hơn một trăm mét vuông, chích xác là một trăm ba tám mét vuông. Em vừa nhận, giờ chỉ còn làm nội thất. Em cũng chả biết làm gì với nó. Em thì còn đi làm, ở gần cơ quan vẫn hơn. Hay sếp qua bên đó nghỉ khi về hưu!”.
Nghe Hai nói, sếp rền rĩ “Vẫn biết là ở bên đó thì tốt cho tuổi già nhưng anh làm gì có tiền”.
“Chuyện tiền nong nói chi, sếp đồng ý cho em là em vui rồi!”. Hai đưa đẩy.
Chuyện chỉ mới dừng ở đó. Sếp lấp lửng “Anh sẽ sắp xếp cho chú! Chú cũng phải cố gắng, nhiều thằng khác nó cũng cố gắng. Muốn giúp chú, ít ra anh cũng thấy chú cố gắng hơn mấy đứa kia!”
Sếp làm thật. Trước hết là chuyện thăm dò cấp dưới. Cuối cùng thì mọi người cũng biết sếp sẽ chọn Hai. Hai đưa sếp qua coi căn Căn hộ bên Phú Mỹ Hưng. Sếp coi bản thiết kế nội thất, góp ý vài chỗ, nên thế này, thế kia. Hai đón gió “Để em sửa theo hướng anh Hai chỉ đạo”. Công việc làm nội thất căn hộ diễn ra khá nhanh. Căn hộ đã đứng tên vợ chồng sếp ngay sau đó
Các cuộc họp nhân sự diễn ra suôn sẻ. Hai đã có quyết định làm trưởng đơn vị
“Mù là mù ăn may, mày ăn chưa…” Hai cất giọng. Đệ tử hùa theo… “chứ tao ăn rồi”. Hai chấn chỉnh “Tao là tao chưa ăn nha! Sao chúng bay ăn rồi!”. Đệ tử chữa “Mày là mày ăn chưa, mày ăn chưa chứ Hai đây ăn rồi!”.
Hai cười ngặt nghẽo: khá! Chúng mày khá, biết để anh xơi rồi mới xơi!
Nào “Mù là mù…”… cả nhóm ca theo Hai.
Điệp khúc mù ăn may tiếp tục!.
6/3/2022
Ngọc Thuận
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm Quýt, quê xa

Xóm Quýt, quê xa… “Tháng chạp, quýt to bằng nắm tay trẻ nhỏ, da bóng lưỡng như ướt mỡ. Khi ấy gió dịu, trời ửng hồng sáng trong, nắng mới ...