Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

"Paris +14" của Cù Thu Hương và "Tôi không phải là virus"

"Paris +14" của Cù Thu Hương
và "Tôi không phải là virus"

Cù Thu Hương đã dành những lời văn tha thiết xúc động viết về sự hy sinh thầm lặng cao cả của họ. Chị gọi đội bay đưa người Việt từ nước ngoài về nước trong cơn dịch là những “cánh sen vàng”, gọi các anh bộ đội vất vả mệt nhọc lo cho những người chịu cách ly là những “ngôi sao màu xanh”…
Truyện ký “Paris +14” của tác giả Cù Thu Hương là một cuốn sách viết về đại dịch Covid-19. Tôi nói thế chắc bạn xem tên sách sẽ đoán được ra nội dung của nó: Một người từ Paris về nước trong mùa dịch và phải đi cách ly 14 ngày. Người đó là Cù Thu Hương, học và làm tiến sĩ Tâm lý học ở Liên Xô trước đây, nhưng nay sống ở Pháp. Chị về nước ăn tết Canh Tý 2020 rồi trở lại Paris với tâm trạng háo hức chờ tháng 3 lại về để họp mặt bạn bè kỷ niệm 40 năm sang Nga học. Nhưng con virus quái ác xuất hiện từ Vũ Hán (Trung Quốc) đã đảo lộn mọi sự đối với chị cũng như tất cả mọi người khắp nơi trên thế giới. Từ đây Cù Thu Hương bước vào một hành trình bất ngờ, trải qua một “khóa học” không có trong dự tính, để nhận về cho mình những bài học thế nhân tình đời sâu sắc, thấm thía.
Đầu tiên chị biết đến cảm giác bị ghẻ lạnh, nghi kị, xa lánh ngay ở “kinh đô ánh sáng” vì chị đeo khẩu trang. Từ Hà Nội sang Paris chị đã biết có dịch, đã được dặn dò kỹ lưỡng cách phòng tránh, và theo thói quen của người Việt là lo xa. Nhưng dân Tây thì không thế. Lối sống và văn hóa của họ coi khẩu trang và mặt nạ là như nhau, trong ngôn ngữ châu Âu hai thứ này đều chỉ dùng một từ “masque”, ai mang nó khi tiếp xúc với người khác là không đàng hoàng, lịch sự. Lại thêm sự chủ quan lúc đầu của của chính quyền nước họ khi đối phó với Covid-19 càng khiến họ coi thường cái khẩu trang và kỳ thị người mang nó, cho đó là người đã bị bệnh. Cù Thu Hương đã phải chịu cảnh đó khi chị trở lại Paris và đến những nơi công cộng. Nhưng buồn hơn nữa cho chị là có cả người mình ở bên đó cũng kỳ thị, sợ hãi, không dám động đến mấy quả xoài ngon chị mang sang vì nghĩ trong nước dịch đã bùng phát và chị đã có nguy cơ bị nhiễm (tr. 39). Thấy tình hình ở Pháp như vậy và diễn biến dịch ngày càng lan rộng với tốc độ lây nhiễm và tử vong ào ạt, Cù Thu Hương quyết định về “đất mẹ” cho an toàn trong chuyến bay ngày 15.3.2020 của Vietnam Airlines.
Về Hà Nội chị phải đi cách ly 14 ngày theo quy định tại Trường Quân sự của Bộ Tư lệnh Thủ Đô ở thị xã Sơn Tây. Tại đây trong hai ngày chị đã được sống thêm những cuộc đời khác, được trải nghiệm những tâm trạng cảm xúc chưa từng có khi nằm giường tầng chung phòng trong doanh trại bộ đội với nhiều người khác hoàn cảnh, tuổi tác, công việc với mình. Đó là hai vợ chồng một chị người Huế có một tình yêu đẹp, một cuộc sống hạnh phúc. Đó là đôi vợ chồng trẻ từ Hàn Quốc về nước chịu tang bố chồng đang cảm thấy buồn vì mẹ chồng nhắn sau cách ly thì về nhà ngoại chứ đừng về nhà nội. Đó là một cháu gái biết sống với ước mơ và tình yêu của mình…
Con người ta trong hoàn cảnh bình thường nhiều khi hờ hững, bàng quan với nhau, nhưng khi lâm hoạn nạn mới biết tương thân tương ái nhau. Đại dịch Covid-19 ở một phía không ngờ tới là một dịp bắt con người phải ngẫm lại cách sống của mình với thiên nhiên và đồng loại. Cù Thu Hương đã chứng thực điều này bằng hai tuần bị cách ly. Chị quan sát, ghi nhận, cảm xúc nhiều, khóc nhiều, và nghĩ ngợi nhiều. “Đâu phải chỉ ăn ngon, mặc đẹp, đâu phải cứ nhà cao, cửa rộng, tiền tiêu không hết, công ty lớn, công ty bé, đâu cứ phải ông nọ bà kia thì mới là hạnh phúc. Đó chỉ là phù du, rồi một lúc nào sẽ thấy đơn côi, trống rỗng khi bên cạnh ta không có một tâm hồn, một trái tim đồng cảm. Có phải ta mải mê kiếm tìm những bữa cơm ngon, những bộ quần áo đẹp, những căn phòng hào nhoáng, những chiếc xe bóng lộn, chúng ta mải đuổi theo sự nghiệp, công danh địa vị để rồi mà quên hết không giữ lại cho mình những khoảng lặng trong tâm hồn, không biết giữ gìn, trân quý những cảm xúc, sự đồng cảm rất đỗi đơn sơ, bình dị trong mỗi ngày.” (tr. 137).
Đấy là sự tự vấn day dứt của một người hiện đang là giám đốc một công ty thương mại và thời trang tại Paris. Có thể chị đã từng nghĩ đến những điều đó lúc này lúc khác. Nhưng phải đến tận khi đối mặt với nguy cơ con người có thể bị hủy diệt bởi một con virus vô hình nhỏ bé thì những suy tư đó mới bật ra mãnh mẽ và gay gắt đến vậy. Cho Cù Thu Hương. Cho mỗi người. Và cho tất cả mọi người. Như ở phần sau cuốn sách chị đã tổng hợp nhiều nguồn tư liệu để khảo về tình người và tính người ở nhiều nước trong cơn đại dịch thế kỷ này.
Hành trình “Paris+14” đã tiếp thêm cho Cù Thu Hương nghị lực và lòng yêu sống qua những con người cụ thể. Từ chính người con trai của chị, một nghệ sĩ hài độc thoại, đã làm một clip tên gọi “Je ne suis un virus” (Tôi không phải là virus) kêu gọi mọi người đừng kỳ thị người châu Á đeo khẩu trang, đừng kỳ thị nhau, mà hãy chung tay chống lại con virus Corona. Từ một chàng trai châu Âu xách hộ vali cho chị ở ga tàu hỏa Monpartnassse, không e ngại. Từ cộng đồng người Việt ở Pháp và các nước châu Âu khác đã chung tay góp sức với người dân nước sở tại chống dịch. Đặc biệt là từ những người đồng bào mình trên chuyến bay về nước, ở khu cách ly, tại các bệnh viện. Cù Thu Hương đã dành những lời văn tha thiết xúc động viết về sự hy sinh thầm lặng cao cả của họ. Chị gọi đội bay đưa người Việt từ nước ngoài về nước trong cơn dịch là những “cánh sen vàng”, gọi các anh bộ đội vất vả mệt nhọc lo cho những người chịu cách ly là những “ngôi sao màu xanh”. Cuối sách tác giả để những bức ảnh bức tranh ở Paris với tháp Eifel, sông Seine, nhà thờ Đức Bà trước và trong những ngày dịch, ở khu cách ly với giường nằm, khay thức ăn, những người lính, khiến người đọc như được tận mắt sống với chị cả hành trình Paris+14.
Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nghiêm trọng ở Mỹ và một số nước châu Âu. Ở nước ta may thay nhờ sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng lòng của người dân con virus quái ác mang tên vương miện đã bị ngăn chặn kịp thời và đang tiếp tục bị kiểm soát chặt chẽ. Do dịch nên Cù Thu Hương chưa thể quay lại Pháp. Và từ những ghi chép thực tế của mình chị đã cho ra cuốn sách này. Một cuốn sách chân thực và xúc động, chia sẻ và nói được cho tình cảm suy nghĩ của nhiều người về và từ cơn đại dịch này.
Gần một năm chống chọi với Covid-19 đã và đang có những cuốn sách như vậy xuất hiện. Mới nhất cùng với “Paris+14” là cuốn “Cùng… bay về tâm dịch” (cũng in ở NXB Hội Nhà văn) kể chuyện nhà văn Trương Văn Dân từ Sài Gòn đã bay về Milan (Italia) khi “kinh đô thời trang” này đang là tâm dịch để chia sẻ cùng người vợ Ý. Những cuốn sách đó không phải nói về bệnh dịch mà nói về con người, loài người. Tôi không phải là virus. Tôi là Người.
Hà Nội, 28/11/2020
Phạm Xuân Nguyên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm Quýt, quê xa

Xóm Quýt, quê xa… “Tháng chạp, quýt to bằng nắm tay trẻ nhỏ, da bóng lưỡng như ướt mỡ. Khi ấy gió dịu, trời ửng hồng sáng trong, nắng mới ...