Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

Lời Sli vắt ngang núi

Lời Sli vắt ngang núi

Tôi tỉnh giấc lúc bầy cáy cúm cất tiếng gáy báo hiệu sang canh. Nằm lặng hồi lâu, nghe những cơn gió heo may vật vã trượt dài trên triền đá, lách qua sàn nhà dát bằng mai, réo ù ù trước khi vòng vo quanh quẩn, phả hơi lạnh vào trong gian nhà nhỏ nhoi trống vắng. Đêm về gần sáng. Trong không gian tràn ắp gió của rừng thẳm mới thực sự thấy rõ nỗi cô quạnh.
Bên cạnh, người đàn ông trở mình, tiếng thở rất khẽ nhưng mệt mỏi. Không hiểu sao bỗng dưng tôi cảm thấy tiếng thở ấy xa lạ với mình đến thế. Rất xa lạ như thể chưa bao giờ nghe thấy, cảm thấy, chưa bao giờ nằm bên cạnh để nó phả vào thái dương buồn buồn. Ánh sáng nhàn nhạt từ bên ngoài hắt vào không đủ soi rõ mặt anh, nhưng tôi vẫn hình dung được vầng trán vuông vức, gò má cao, cằm tua tủa râu, đôi mắt buồn rười rượi. Đôi mắt buồn từ xửa xưa, hay từ lúc chúng tôi về sống với nhau mới thế, tôi không thể nhớ nổi vì lần đầu tiên gặp anh, tôi đâu có dám nhìn vào đôi mắt ấy.
Trời đang sáng dần, tôi nhẹ bước trên lối mòn lởm chởm đá, những ngọn cỏ cõng đầy sương cọ vào chân tôi mát lạnh và ướt át. Tôi đi vào rừng chè. Những cây chè to cao sừng sững, vòm lá xanh đậm ken dầy này giữ trọn bí mật của cuộc đời tôi. Tiếng lá lao xao gọi tôi, chỉ có cánh rừng này là chứng kiến tất cả những gì xảy ra với tôi. Tôi tin rừng chè có mắt, nó nhìn thấu hết cả mớ ý nghĩ mông lung trong đầu tôi. Tôi cố nghe xem rừng đang nói những gì mà xào xạc nhiều thế? Nhưng câu được, câu chăng, lúc thì thầm như lời tâm sự, lúc ào ạt như gió rít, khi lại nhẩn nha như lời pá dạy bảo. Nhiều quá, tôi không sao chắp nối lại được.
Và tôi thấy mình trở về ngôi nhà sàn năm gian có những cột nghiến tròn trịa, nâu bóng mà lũ mối mọt không sao đục nổi. Căn nhà ở bản Tòn ấy là nơi anh Hạc, tôi và em Sao cất tiếng khóc chào đời rồi lớn lên trong vòng tay yêu thương, chắt chiu, nhọc nhằn của pá tôi. Nhà tôi bếp lúc nào cũng đỏ lửa và ngùn ngụt khói. Pá tôi bảo, bếp của người Tày không lúc nào hết lửa. Lửa thắp sáng lúc trời tối, lửa đuổi cái rét đi, xua tan u ám, ưu phiền. Lửa là hồn thiêng kéo mọi người về gần bên nhau.
Trong căn nhà đầy ắp nỗi niềm, pá tôi kể.
Hồi đầu mùa xuân, năm anh Hạc còn là thằng nhóc lên ba bé xíu, lồm cồm, nhặt nhạnh, bốc bải đồ ăn trên mâm gỗ và rụt rè, lạ lẫm uống trộm ngụm rượu của pá trong cái chén vại to bằng nắm đấm, để rồi ho sặc, ho sụa vì cay rát thì mé trở dạ sinh tôi và em Sao. Mé yếu quá, sinh con xong là nằm một chỗ luôn. Việc nhà dồn vào đôi tay pá, lo đủ năm miệng ăn đã khó, lại còn phải thuốc thang, tìm thầy mo cúng đuổi ma ốm nên nhà tôi ngày càng nghèo đi. Mé tôi mới ngoài hai mươi mà người xanh rớt, mỏng như cây non vừa tróc vỏ, tóc rụng hết để lại cái đầu trọc giống quả bưởi rám nắng. Sống lay lắt như thế được hơn một năm thì mé bỏ pá con tôi mà đi.
Hôm mé mất, trúng vào vụ hái lúa nương, lúa vàng nhức mắt trải trải đầy sàn, dưới sân, ra mãi ngoài ngõ, lúa ào lên sàn nhà vắt vẻo, đu víu rồi ngó trăm mắt vàng xuống như muốn nói điều gì với pá con tôi. Mới hái lúa về, chưa kịp phơi khô để mé được ăn bữa cơm gạo mới thì mé lả dần, lả dần trong vòng tay pá. Mé ra đi vào buổi chiều, lúc tụi chim rủ nhau về tổ. Ba anh em tôi bé quá, chúng tôi không biết mé không bao giờ thức dậy nữa.
Tôi đứng bao lâu rồi không biết? Mải mê nghe tiếng rừng nói, rừng thở. Văng vẳng trong không gian muôn vàn tiếng sột soạt và tiếng rung khe khẽ, đâu đây trên những cành cây mập mạp kia là ngàn vạn búp lá đang vươn dài. Những cây chè mọc lan tràn trên dải đất này là loài cây có sức sống bền bỉ. Những thân thể nâu sậm, cứng cáp ấy luôn tiềm ẩn một khát vọng mãnh liệt. Kể cả những hạt chè già nua, khô héo mang mầu nâu đen bọc ngoài hạt mầm nhỏ nhoi, yếu đuối cũng mong được đâm chồi, hồi sinh và phát tán. Không biết có phải, vì sống ở vùng chè từ đời này qua đời khác, mà người dân quê tôi cũng có tính nhẫn nại, dẻo dai.
Bây giờ, sau hàng trăm năm sống lầm lũi trên núi cao, cây chè sẽ mang một màu sắc mới, hương vị mới, sẽ đi ra khỏi những hẻm núi để thay đổi cuộc sống của những con người bấy lâu nay lầm lụi vì nó. Xí nghiệp chè vừa to, vừa rộng đang nằm bên bờ phải con suối Nậm Rác kia, suốt ngày kêu ầm ầm như tiếng hàng trăm, hàng ngàn con ngựa đang chạy. Ôi chao! Những cỗ máy bằng sắt sáng loáng, to gấp năm, gấp mười cái hòm quạt thóc, ngày nối ngày rộn rã, nhộn nhịp giống lúc có ngày hội ấy, mấy hôm nay choán hết ý nghĩ của tôi. Cây chè sẽ có một cuộc sống mới, giá mà con người cũng có thể đổi thay được như nó thì tốt biết mấy.
Tôi với Sao là hai chị em sinh đôi. Tôi ra trước làm chị, Sao ra sau làm em. Chúng tôi giống nhau đến lạ kỳ. Giống từ khuôn mặt tròn trắng như trăng rằm, đôi mắt đen láy giấu dưới hàng mi dày tua lua, ngờm ngợp, đến cái miệng đỏ tươi như màu quả mác lừ trên núi, mỗi khi cười để lại lúm đồng xu sâu như xoáy nước cuộn lại mọi điều bí mật. Điểm khác nhau duy nhất là trên tay em Sao, chỗ ngón tay cái có một mụn thịt thừa, giống một ngón tay nhỏ xíu. Ngay cả pá và anh Hạc cũng phải dựa vào đấy để phân biệt. Người trong bản thường nhầm lẫn, lúc gọi tôi là Sao, lúc lại gọi em Sao là Sang. Có điều, cái miệng tôi chỉ biết cười, biết khóc. Em Sao  ngược lại, em như con chim đẹp, nói giỏi, hát hay. Nghe tiếng em nói, tôi thèm lắm.
Năm tháng trôi, trải qua bao mùa rẫy, anh Hạc tôi trở thành trai bản khỏe chắc như gỗ lim, gỗ sến. Anh tôi xung phong nhập ngũ vào đơn vị Công an vũ trang. Pá tôi bảo, anh đi xa lắm, cái chân lội qua ngàn con sông, con suối, băng qua ngàn cánh rừng vào mãi miền Nam đánh giặc.
Chị em tôi, không biết từ độ nào, đã đến cái tuổi được tụi con trai để mắt ngắm, chúng nó thả lời Sli sau mỗi đêm trăng. Lời hát dìu dặt, ngọt ngào, tình tứ chảy quanh ngôi nhà rồi trôi bồng bềnh trên triền núi: “Em ơi, anh đi tìm em như rễ cây tìm về nguồn nước mát, anh tìm được em, anh bắc cầu bạc mời em sang ngang…”
Tiếng hát quấn quýt giữa thinh không huyền ảo làm em Sao trong bụng thấp thỏm, lúc đứng, lúc ngồi, hết đi ra sàn nước lại đi vào buồng. Nhiều đêm nó mặc bộ quần áo đẹp, vấn khăn chàm đi xuống cầu thang, ra ngõ đứng tựa lưng vào cổng gỗ một lúc rồi đi về thở dài thườn thượt. Nó thay đổi tâm tính đến đột ngột, lạ lùng, suốt ngày quanh quẩn vào ra không để tâm làm nổi việc gì. Nó bảo với tôi, nó thích đi chợ phiên dưới bản Chẹn. Tôi biết sau mỗi buổi chợ, lời Sli theo bắp chân trắng như bột cây báng của nó, vượt qua con đường mòn cheo leo, chạy về bao bọc quanh ngôi nhà tôi. Em Sao tôi như bị người ta bắt mất hồn vía rồi.
Đêm, đêm. Pá tôi ngồi hút thuốc lào, điếu liên tục rít lên sòng sọc mà không át nổi lời hát. Tôi thấy đôi mắt pá trũng sâu, thêm nhiều nếp nhăn, khuôn mặt đỏ au màu đồng hun của ông sạm lại. Pá có chuyện buồn, rõ rồi, nhưng chuyện gì mới được chứ. Tôi cố tìm hiểu mà không ra. Thỉnh thoảng pá nhìn em Sao xúng xính trong váy áo mới, mắt long lanh, má hồng rực luống cuống chạy xuống mấy bậc cầu thang, lại đưa mắt nhìn tôi cặm cụi thái mùng cho lợn, thở dài. Tiếng thở dài của người đàn ông nghe thắt ruột, thắt gan. Sau này, khi đã có chồng, mỗi khi phải nghe tiếng thở dài của anh, tôi lại có cảm giác ấy, thắt ruột, thắt gan, tức ngực.
Đêm khuya, tôi đã chìm vào trong giấc ngủ, nhưng có cái gì đó đánh thức, không thể ngủ được nữa. Bò dậy, thấy bên gối của Sao trống trơn, nó lại trốn nhà đi chơi nữa rồi. Tôi mở hé cửa sổ, ánh trăng vàng óng tràn như nước suối. Và nữa, lời Sli theo ánh trăng bồi hồi đang vi vút cất lên. Bụng tôi bồn chồn như có đàn kiến đang bò, sau lần áo chàm lồng ngực nóng rực. Ngoài kia lời hát bồng bềnh mỗi lúc trở nên mê hoặc, bí ẩn, nhẫn nại…
Đột nhiên có tiếng kẹt cửa siết một vệt dài nơi phía cổng, tiếng con mực dưới gầm sàn rít lên khe khẽ. Sao về đấy. Tôi vội nằm xuống, kéo chăn lên. Sao rón rén vào buồng, rón rén nằm xuống, rón rén quàng tay ôm ngang cổ tôi, thổi phù phù vào gáy. Tôi u ơ cằn nhằn, nó rúc rích cười:
– Em tưởng chị ngủ say rồi chứ?
Tôi cựa quậy, nó tiếp tục thì thào:
– Chị có nghe tiếng Sli không? Có à? Ui cha, cái thằng trai ấy, nó…
Tự dưng tôi hồi hộp không thể tả, trống ngực đập thùm thụp, Sao cũng tự dưng lúng búng:
– Nó…nó… mà thôi em không nói đâu.
Tôi trở mình, quay lưng lại Sao, nó vẫn ôm chặt lấy tôi:
– Nó…nó làm thế này này…
Sao ôm chặt tôi hơn. Tôi giật mình, quay lại nhìn vào mặt nó, gương mặt đang sáng ngời vì ánh trăng. Chết thôi mày cho nó chạm vào người rồi à? Muốn hỏi em thế mà không thể hỏi nổi. Sao hiểu ý tôi:
– Nó chạm vào người em rồi, em có cho đâu, tự nó đấy chứ.
Một nỗi gì đó như là tủi thân, như là tức giận, như là ghen tuông tự dưng trỗi dậy trong tôi. Nước mắt tôi trào ra. Sao luống cuống vừa lau nước mắt, vừa vặn vẹo tôi. Thực ra, nếu có nói được thì lúc ấy tôi cũng chẳng biết nói gì với em. Ngoài kia, ánh trăng vẫn vàng óng và lời Sli vẫn êm mượt như thảm nhung nối dài tới lúc những vì sao trên trời mờ dần, ánh trăng nhòa đi trong buổi ban mai vừa ló rạng.
***
Một chiều tháng Tám, gió heo may mang hương hoa bjoóc mảy ngan ngát tỏa khắp bản Tòn, mặt trời bám mãi vào vách núi không chịu đi ngủ, nhà tôi có khách đến thăm. Khách là người đàn bà có khuôn mặt phúc hậu giống như tượng phật bà trên chùa lớn. Ngồi trong buồng tôi nghe câu được, câu mất. Mãi rồi cũng chắp nối được. Đó là bà mối đến hỏi vợ cho một thằng trai. Tiếng điếu cày của pá tôi liên tục kêu lên sòng sọc. Pá có vẻ đồng ý:
– Đời người con gái ngắn lắm, tôi ưng là nó nghe thôi.
Bà khách cười tươi tắn:
– Ông à, để gia đình bên tôi xem ngày tốt làm lễ “minh hom” rồi còn ăn hỏi, đón dâu. Nhưng chắc phải xin ông cho làm nhanh nhanh, kẻo muộn mất.
– Sao lại phải thế?
– Tại vì…tại vì…bà chị tôi đang ốm quá. Không dấu ông nữa, thầy cúng đến lấy đi một bò, một dê, hai con lợn rồi mà vẫn không đuổi được con ma ốm đi. Chắc là không được lâu nữa đâu. Bà ấy muốn có con dâu sớm, về bên kia mới yên lòng. Ông thương thì cả nhà này được nhờ, ông à…
Trời mùa thu tối nhanh, vừa ăn cơm xong đã như nửa đêm rồi. Pá cho thêm gộc củi lớn vào trong bếp mà hơi lạnh vẫn quẩn quanh, đeo bám. Sau khi chiêu ngụm nước chè ướp với hoa mắc mật, pá nhẩn nha:
– Hai đứa mày đến tuổi về nhà người khác làm dâu đấy. Ông Eng ở dưới Nà My cho bà mối đánh tiếng, dạm ngõ. Nhà người ta hai ngày nữa lên đặt trầu rồi.
Em Sao lắc đầu, mắt ngấn nước: – Pá, pá à, con chưa muốn đâu.
– Dà, cái thằng vẫn cột ngựa ở ngõ nhà này hát lời Sli đấy thôi. Nó là thằng con trai được đấy, cứ nhìn cái nắp dao kia của nó thì biết.
Gian nhà như rộng thêm ra trong cái im ắng tĩnh lặng đến vô cùng. Cái im lặng ẩn chứa bao dồn ép, hối thúc. Tôi quay sang nhìn em Sao, đúng lúc ấy Sao cũng nhìn tôi. Pá thì hết nhìn Sao lại nhìn tôi. Mắt Sao ầng ậng nước, còn tôi tự dựng như người rơi từ trên thác nước xuống. Một nỗi sợ hãi mơ hồ len vào trong lòng.
Trong giây lát, phiên chợ hôm ấy lại về, họp trong đầu tôi. Chợ cứ lan rộng ra như kiến dựng tổ, từng lũ, từng lũ con trai, co gái tuổi trăng tròn đi chợ thì ít mà cái mắt đắm đuối nhìn nhau thì nhiều. Bất giác, tôi khẽ nuốt hơi thở sâu vào trong ngực, đôi mắt nhìn như ve vuốt cái nắp dao làm bằng cây mạy mục của người ấy. Cái nắp dao thật đẹp. Ở đó, những cánh hoa đang khoe sắc vàng gọi gió heo may về. Mà thật kỳ lạ, giữa biển người trùng phùng, người con trai ấy ngẫu nhiên và đường đột lại theo gót chân tôi, cái mắt nhìn như thiêu, như đốt, cái miệng thả lời Sli giống nước suối nguồn róc rách. Tôi ngỡ ngàng, bối rối, bay bổng trong nhịp Sli. Đôi môi tôi chợt mấp máy, tôi muốn nói lời hay, muốn hát thật nhiều mà không được. Cái miệng tôi nó hại ý nghĩ của tôi rồi.
Sau buổi chợ, em Sao nhìn cái nắp dao lạ treo trên cột chính giữa nhà, nó hỏi gặng:
– Chị Sang à, của ai trao đấy?
Tôi bất giác mỉm cười, giơ tay chỉ ra ngoài ngõ rồi thu vào, ấp lên khuôn ngực tròn đầy, nở nang. Tôi muốn bảo của người con trai lạ cho đấy.
Em Sao nhíu mày, đôi mắt đẹp của nó chợt như có đám mây bay vào. Nó cắn môi rồi chạy sầm sập xuống cầu thang. Không biết nó đi đâu mãi đến khuya, lúc bọn cáy cúm gáy canh hai mới về. Nó úp mặt vào gối thổn thức, nghẹn ngào. Tiếng nấc của em Sao muốn xé ruột, xé gan người khác, Tôi không biết đã xảy ra chuyện gì.
Lâu nay, vào các phiên chợ chỉ có em Sao đi cùng pá thôi. Em Sao biết nói lời bán, biết hỏi lời mua, nhanh nhẹn, tháo vát. Hôm ấy chợ đến phiên, em Sao hết sốt nóng lại sốt rét. Em bị gió lạnh ngấm vào người. Pá bảo tôi đi chợ thay em. Đây là buổi chợ đầu tiên trong đời tôi. Tôi ngu ngơ, ú ớ, lạc lõng giữa dòng người xa lạ, đi đi, lại lại mãi mới mua được vài thứ vật dụng cho gia đình. Đang định về thì người con trai ấy đến bên tôi, anh nhìn như hút hồn tôi, miệng nở nụ cười đằm thắm rồi cất lên lời Sli ngọt ngào, da diết. Tôi nghe đâu đây có hàng trăm con thác đang reo vui, như có từng bầy chim chao cánh đua nhau hót ríu rít…
Tôi đi như chạy về bản, tới bìa rừng nghỉ lại lấy sức đã thấy người trai đuổi sát sau lưng. Anh gỡ dao ra khỏi dây lưng, tháo nắp dao ra và…đưa cho tôi. Tôi cầm lấy như một đứa trẻ nhận quà, vẫn chưa tĩnh trí lại được thì người trai ấy đã đi rồi, tiếng Sli còn ở lại thao thiết, nồng ấm: “Em ơi, bụng anh thương nhớ em như cánh chim bay đi nhiều hướng, chiều tối mải miết nhớ lối về tổ. Anh gửi lời theo gió bay gần, bay xa để nói với em lời yêu da diết rằng đôi ta như nước chảy chung dòng, như con sóc chung tổ…”
Ô! Lạ thế, không biết từ bao giờ cái đầu tôi mê đi, chìm trong lời hát, đôi mắt ngạc nhiên ngước lên khoảng trời mênh mang. Trên cao ấy, từng đàn chim sải cánh bay cao tít, chúng thản nhiên, vô tư chạm khắc vào không gian ngàn vạn dấu hỏi thăm thẳm. Có một điều gì rất mới vừa đến trong lòng. Tôi thập thõm đi qua rừng  về nhà, gùi hàng trên lưng nhẹ bẫng, chỉ có lời hát bên kia núi là nặng trĩu, níu chân lại. Người trai ấy gương mặt vuông vắn, sáng ngời cùng những lời Sli ấm áp từ đấy luôn ở bên cạnh tôi. Giá mà tôi có thể nói ra được với pá, với em Sao để hai người không phải nhìn tôi khó hiểu nữa.
Mùa trăng lại về với bản Tòn. Trăng lên, ánh trăng mềm mại như tràn trên ngọn cây, thảm cỏ, nhẹ nhàng vương vấn trong vòm lá, mảnh mai chấm đốm sáng trên cây cành. Trăng ngời ngợi vắt tràn đỉnh núi, miên man chảy giữa những lối mòn quanh co, heo hút rồi thả vầng sáng lênh loang khắp bản tôi. Ngoài kia, lời Sli say đắm như có trăm ngàn cái cánh bay vút lên thinh không, lúc cuồn cuộn, lúc ào ạt, khi lại buồn bã đến nôn nao. Giờ tôi mới nhận ra, giọng người con trai đang hát lời Sli ngoài kia quen thuộc quá, quen đến nỗi muốn xổ tung cả mớ tóc dày đang còn vấn trong khăn của tôi. Chẳng lẽ người trai ấy đã theo tôi suốt chặng đường từ chợ huyện về đây để biết nhà cửa, để làm quen với cả con chó mực. Tôi định trở dậy thì đột nhiên em Sao khẽ khàng chui khỏi chăn, rón rén đi trên sàn, xuống cầu thang rồi đi như chạy ra ngõ. Tôi tự cười mình trong bóng tối, người trai của em Sao đấy chứ. Tại lời Sli có lửa nên giọng người trai nào đang yêu cũng giống nhau đấy thôi.
Tiếng hát trong vắt của em Sao bắt đầu cất lên vi vút, đắm đuối như sáo diều gặp gió. Nghe tiếng Sao hát, tôi thấy tức ngực. Tôi không bao giờ, vĩnh viễn không bao giờ hát được những lời yêu thương đắm say như vậy, không bao giờ. Cho dù có yêu thương đến mấy, cho dù có muốn đánh đổi bằng cả dòng máu đang chảy thì cũng chịu thôi.
Khuya lắm em Sao mới về, người em ướt sũng sương đêm, lại vòng tay ôm lấy tôi, nhưng không còn thì thào nữa mà thở dài thườn thượt.
Đúng như lời bà mối, nhà trai làm mọi thủ tục rất nhanh gọn. Không còn thời gian nữa, bà mẹ bên ấy đang đuối sức lắm rồi. Cho đến tận ngày cưới tôi không kịp gặp mặt chồng lần nào. Trong lòng vừa vui, vừa buồn lo, thương pá, thương em không đành lòng đi tìm hạnh phúc một mình. Nhưng người trai ấy đã đưa nắp dao và tôi nhận rồi, không thác được nữa. Tục lệ của quê tôi, người con trai ưng người con gái, muốn người con gái làm vợ mình thì trao nắp dao. Người con gái nhận nắp dao là nhận lời làm vợ rồi. Cái nắp dao ấy là vật báu, hồn thiêng của dòng họ nhà trai. Nắp dao làm bằng gỗ mạy mục thay hồn người con trai, phải được treo ở cột chính giữa nhà người con gái.
Cả ngày lẫn đêm tôi và em Sao thêu thùa, cắt may cho kịp bộ quần áo mặc ngày cưới, còn đồ mang về nhà chồng thì bên ấy nói trước, không cần gì cả. Pá xuống huyện đánh cho tôi một bộ xà tích bạc mới, cả vòng đeo cổ, đeo tay, hoa tai.
Không biết bao nhiêu lần kim đâm vào tay Sao, mấy đầu ngón tay sưng phồng lên. Tôi ứa nước mắt nhìn em, không biết làm gì để biểu lộ tình cảm của mình. Sao nhìn tôi:
– Có gì mà chị phải khóc. Sau này em lấy chồng, chị phải về sắm sửa cho em, nhớ chưa.
Tôi gật.
Và đêm đầu tiên về nhà chồng, trong bộ quần áo còn thơm mùi chàm, đôi bàn tay khéo léo của em Sao đã đính những chiếc cúc rất khít làm tấm áo bó chặt lấy người, tôi chỉ chực ngã khuỵu xuống khi chồng vén bức màn cửa thêu hoa bước vào. Trăng hạ tuần vẫn còn, rất sáng, len qua khe liếp vào buồng. Chồng tôi ngồi xuống, không nói gì, lặng lẽ ôm tôi. Cái mùi đàn ông phả ra từ cơ thể chồng làm tôi bủn rủn chân tay.
Chồng tôi rất yêu thương tôi, tôi cảm thấy thế, mọi nỗi sợ hãi đã tan biến đi. Từ nay trở đi tôi đã có một cái cây lớn để dựa vào. Nhưng đúng vào lúc chúng tôi đã thực sự trở thành vợ chồng thì xảy ra một chuyện. Chồng tôi ôm lấy tôi, có vẻ định ngủ thì anh lại lần tay tìm bàn tay tôi, nắm lấy. Đột nhiên anh vùng dậy, kéo bàn tay tôi ra sát cửa sổ, mở tung cửa ra. Anh trợn mắt, hoảng hốt tột độ.
– Sao lại thế này?
Anh lắp bắp, mặt tái nhợt. Tôi lúc lắc đầu, không hiểu. Tôi định ôm lấy anh thì anh né ra bên cạnh.
– Bàn tay…bàn tay của Sao…
Phút chốc tôi chợt hiểu ra tất cả. Một sự nhầm lẫn tệ hại đã xảy ra. Và không ai khác chính tôi là người phải hứng chịu. Tôi chạy ra khỏi nhà, mặc cho ánh mắt của bà mẹ chồng ốm yếu đang ngồi hơ lửa đuổi theo. Đi đâu tôi cũng không biết nữa, cái chân tự nhiên chạy cuống lên. Tôi chạy mãi, vừa chạy vừa vấp dúi dụi, gục xuống rồi lại vục dậy chạy tiếp. Cho tới ngày hôm sau thì không còn sức để chạy nữa, mặt tôi tối sầm, mắt nổ hoa cà, hoa cải. Có một chất gì đó mằn mặn, nong nóng, nhầy nhậy, ướt át chảy từ mũi rồi loang xuống cằm, người tôi đổ vật xuống, chìm vào cõi miên man…
Tôi chợt thấy mình đang trôi trên đỉnh núi, giữa những đám mây lớn mịt mùng, và từ trên núi, tôi trượt mãi, trượt mãi xuống một vực sâu hun hút. Cứ thế tôi lịm dần trong khoảng không chao đảo, nghiêng ngả quay cuồng. Đột nhiên, từ cõi hư vô có hai bàn tay của ai đó như hai đầu cánh võng, nhẹ nhàng nâng tôi lên, đưa tôi về nơi mặt trời đang chín đỏ… Và tôi đã nằm giữa rừng chè, trong vô thức, đôi chân đã đưa tôi về lại rừng chè cổ thụ.
Mặt trời vươn lên sau đỉnh Tà San. Một ngày với ngàn giọt nắng ban mai lại đến. Xa xa, bên kia dòng Nậm Rác, tiếng máy từ xí nghiệp chè ì ầm vọng ra giống tiếng gầm réo của con nước mùa lũ. Tôi áp mặt vào da cây chè, vòng đôi tay gầy guộc, đen sạm ôm lấy nó, ngửa mặt ngắm nhìn, bóng cây cao lớn chìm trong không gian vời vợi. Cây chè đã trở thành cây cổ thụ từ độ nào, tán lá sum suê, ken dày, tỏa bóng mát dịu dàng ôm lấy cuộc đời tôi.
Chúng tôi vẫn sống với nhau, đúng ra là sống bên cạnh nhau. Em Sao không lấy chồng vì tự dưng có bụng, cái bụng lớn dần, em lên chòi canh nương sinh một thằng con trai. Pá thương, không nỡ đuổi hai mẹ con đi, ba bố con, ông cháu cứ thế ở mãi.
Trong khi tôi không thể nào có con được, vì chỉ có một lần duy nhất ấy thôi, về sau vợ chồng tôi không đắp chung chăn lần nào nữa. Tôi còn gánh nặng dâu cả nhà chồng, không thể đi đâu được, chồng tôi cũng không hơn gì. Ở bản tôi, nếu vợ chồng không chửi mắng nhau, không đánh đập nhau thì không bao giờ bỏ nhau được. Chửi mắng thì không rồi, đánh đập cũng không nữa, anh cũng thương tôi, làm sao đánh được. Mà anh đang làm công an xã, hàng ngày phải giải quyết việc bản, việc xã. Nhiều việc lớn bé đều có mặt anh. Thế nên, anh lúc nào cũng gương mẫu trong đối nhân, xử thế từ trong gia đình, dòng họ ra đến ngoài xã hội. Và chúng tôi cứ sống như vậy đến bây giờ.
Giờ thì cả mẹ chồng, bố chồng tôi đều đã mất. Trong ngôi nhà lớn chỉ có hai vợ chồng. Thỉnh thoảng con của em Sao đến chơi, ở lại ăn cơm, uống rượu với bác rể, tối ngủ giữa nhà, ngáy vang.
Chợt có tiếng chân lao xao, ngập ngừng của ai đó đạp lên lá khô, một tiếng ho khan khẽ vang ngay bên tôi làm tôi giật nảy mình. Tôi hốt hoảng quay người lại, ngay trước mắt tôi, thằng Tông, Giám đốc xí nghiệp chè, con của em Sao đang nhìn tôi chằm chặp, đôi mắt sáng của nó thoắt buồn, nó ngập ngừng:
– Bác à, cháu biết bác nghĩ nhiều, cái buồn đang đè nặng trong lòng bác. Nhưng xí nghiệp cháu đang cần nguồn nguyên liệu tươi tốt này để chế biến, rừng chè lớn này ở ngay bên xí nghiệp cháu là quý lắm. Bác cho tụi cháu khai thác đi.
Tôi khe khẽ thở dài, lòng bỗng nôn nao. Đã bao đêm rồi tôi thức trắng về chuyện này đây. Khoảng rừng này, mảnh đất này in hằn dấu ấn cuộc đời tôi, nhưng dấu ấn ấy buồn nhiều hơn vui, có gì mà giữ.
Tôi định bảo Tông, mày về ở với bác nhé. Bảo cả mẹ mày nữa, về đây mà sống với nhau cho vui, nhà thì rộng mà người thì vắng quá. Còn nữa, tôi muốn về ngôi nhà cũ, ở đó có hình bóng pá, người tôi yêu thương nhất trên đời. Nơi ấy đâu đó còn thoảng vương hơi thở nồng ấm của anh Hạc. Anh đã hy sinh trong thời khắc quân ta tiến vào giải phóng thành phố Đà Nẵng, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Và, căn nhà nơi tôi lớn lên ấy, còn có cái khung cửi dệt vải, để rồi một lần duy nhất ra chợ lại không bán được tấm nào. Thế nhưng, tôi không thể nói được. Nỗi đau lại quặn lên trong lòng.
8/3/2022
Bùi Thị Như Lan
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhìn lại cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa Trần Văn Thành (? -1873) (1) còn được gọi là Trần Vạn Thành (khi được thăng Chánh quản...