Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

Hoa Chi Pâu trên đỉnh Tà Chì Nhù

Hoa Chi Pâu trên
đỉnh Tà Chì Nhù

Tà Chì Nhù là đỉnh núi cao ở Tây Bắc, cao 2.979 mét (ghi theo cột mốc chôn trên đỉnh núi). Mùa xuân lên đó cưỡi ngựa chạy giữa rừng thông, rừng sa mu ngắm hoa đỗ quyên, hoa mua, hoa mật rồng, hoa Chi Pâu thỏa thích. Vậy nên đã có thơ rằng: “Tà Chì Nhù/ Tà Chì Nhù/ Núi cao miền Tây Bắc/ Như con trâu to/ Nằm giơ bốn vó/ Có giếng mắt rồng/ Nuôi người khốn khổ/ Hàng trăm ngọn núi/ Tím hoa Chi Pâu/ Có ngọn chim chưa qua/ Có ngọn người chưa tới…”.
Đỉnh núi lúc nào cũng mờ sương, tỏa ra mùi hương hoa Chi Pâu. Hoa mật rồng màu tím năm cánh, có năm đài, như gọi ong về. Đứng trên đỉnh núi đá, nhìn thấy Mường La – Bắc Yên – Ngọc Chấn – Mù Cang Chải, cảm thấy hương xuân ngập tràn giữa núi non trùng điệp. Lên Tà Chì Nhù gặp nhiều ánh lửa. Ngọn lửa là sức sống của người Mông, gần gũi, ấm áp, chia sẻ nỗi yêu thương. Người Mông coi mùa xuân là mùa ấm áp sinh nở, mùa hè náo nức, mùa thu lá đổ, mùa đông rét mướt, con người con vật dễ gần nhau…
Thiên nhiên đã tạo cho đất nước vùng kì sơn hiếm có, đến nỗi trăng tuyết không hề xa nhau. Tà Chì Nhù đã dọn cho ta một bãi bằng như mặt ruộng trên đỉnh núi đầy hoa Chi Pâu. Lạ thay! Bãi đó giống hình con trâu nằm ngửa giơ bốn vó.
Tà Chì Nhù (tiếng Mèo gọi là cái “đùi trâu”). Đùi con trâu giơ cao như nói với Giàng (Trời) gọi con người lên ở. Trước năm 1930 có mươi gia đình người Hán ở Tảng Là đến săn bắn, làm nương. Có người vào núi sâu săn thú bị tuyết lấp chết ở khe đá. Sương tuyết, gió buốt như giựt tóc mình, có ngọn gió mài mòn vách núi. Thiếu nước, thiếu lương thực. Sơn dương cầy cáo không đủ nuôi người. Người Hán, đâu phải “Hảo Hán”, rời núi xuống vùng Tà Sùa – Sơn La trồng chè. Tà Sùa là nơi ông Tô Hoài ngồi viết Vợ chồng A Phủ.
Người Pháp đổ bộ xuống Tà Chì Nhù xây cột mốc, dựng cột cờ. Dấu tích ở lại với nắng gió và tuyết phủ. Giữa vùng hoa cỏ, lau lách, mỏ nước hiếm không đặt nổi hạt ngô, hạt bí. Nghề chính sau này của người Mông từ hai bản dưới lưng chừng núi lên, chỉ để săn bắn sơn dương, hổ báo, cầy cáo, gấu chó và ngắm hoa Chi Pâu.
Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu, tên Giàng A Thào, hôm rồi vời tôi theo anh lên Tà Chì Nhù. Vừa nói xong, anh xốc súng kíp đi ngay. Giàng A Thào thích đi theo kiểu người săn bắn của đồng bào anh. Cây súng dài ngoẵng, ngọn súng cũng không cao hơn đầu người. A Thào mới 57 tuổi, làm Bí thư ở Trạm Tấu lâu rồi. Tìm người thay anh khó quá! Con người nhân hậu, tài giỏi, bảo tôi: Chú đi lên Tà Chì Nhù phải cẩn thận đấy. Đường lên núi khó khăn hiểm trở, chỉ nghe thấy tiếng gió thổi, quạ kêu, nước chảy. Rồi Thào kể: Lần trước cháu đi theo đường thôn Sáng Pao. Đang đi bỗng có tiếng nổ ầm ầm. Khe núi tưởng như nứt ra, gió thổi như bão. Những tảng đá từ trên cao đổ xuống va vào nhau. Con ngựa dắt theo tung vó, hí vang trời, dựt cương chạy mất tăm tích vào rừng. Có con nai sợ gió nép vào vách núi bị gió hất xuống vực đá đen lởm chởm… Một cuộc động đất không ai ngờ tới… Gió tạnh mây tan. Đưa mắt nhìn thấy toàn hang đá sâu thẳm, tối tăm… Lần sau A Thào đi từ thôn Cang Chi Khúa. Đang đi bị gió thổi ngã người. Con đường cố thổ của người Mông đi săn đặt vừa lọt bàn chân. Chỗ ấy có cái vực sâu tối mặt. A Thào sức vóc thế này phải bò mới qua được khe nước.
Đỉnh Tà Chì Nhù có gì hấp dẫn cất tiếng gọi được người lên? Bởi đỉnh núi có rừng cây sa mu. Có cây cổ thụ hàng trăm tuổi, lại có cây cao chọc trời. Dưới chân thảm cỏ Chi Pâu như nhung. A Thào đã bước đi từ sáng đến tối mới hết mặt bằng ngọn núi. A Thào cũng đã bắt gặp cây cỏ “Chung cha”, đẹp như cây măng trúc trước nhà. Trên lớp tuyết có cây cỏ mật rồng màu tím chỉ chịu sống ở độ cao trên 2.000m. Thân thảo, hoa thơm gần như hoa tam giác mạch. Hoa đủ 5 cánh, khi sắp tàn đổi màu cỏ úa. Cách đỉnh Tà Chì Nhù độ vài trăm bước chân giữa núi đá tạo ra một chỗ lõm đẹp như quả dừa nước bổ đôi. Nước từ trong mỏ chảy ra cả ngày đêm. Đúng là đất của thần thánh.
Năm ngón chân A Thào bấm đá lên đỉnh Tà Chì Nhù hàng chục lần bởi trên đó có 5 hộ người Mông mới lên định cư, đứng đầu là ông Thào A Tủa. Chẳng biết bằng cách nào nó đã lùa được trâu bò lên đỉnh núi. Nhà ông Tủa ở thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu. Cái chí của người Mông cao chín tầng mây mà! Một hôm ngồi bên bếp lửa, Thào A Tủa bảo vợ con: “Người Mông chí khí cao ngất, đi hết trời, nơi nào sống được thì ở”. Bí thư Giàng A Thào nghe câu đó trúng cái bụng người Mông lắm. Cô gái Khờ Thị Nhu, vợ Tủa, sinh năm 1971, vai cõng con, tay cầm dao rừng, một vai khoác giỏ cơm, cuốc bộ theo chồng. Người đàn bà “đáo để”, không sợ hổ gầm báo vồ, không sợ dốc cao rừng sâu, vách đá lởm chởm răng ngựa. Lên được đỉnh dốc rồi, dựng lán đốt lửa tìm nước, đêm ngủ với chồng nghe tiếng trăn quần gẫy cây, gió rít trong khe đá cũng không sợ. Thằng chồng sáng dậy tay dụi mắt, hỏi con vợ:
– Đêm qua có sợ không?
– Có chồng nằm cạnh sợ gì chứ…
Ngày vợ chồng Thào A Tủa đi tìm đường khai sơn phá thạch, lận rừng hai ngày mới tới. Dựng được chiếc lán bên mỏ nước bị gió hất tung mất, nhìn dòng nước phun từ tảng đá xanh đen, nước từ các kẽ phun ra xiết và mạnh, ào ào chảy xuống rơi bắn bốn bề. Dưới nắng xuân, những hạt nước đó sáng như ngọc, ánh lên đủ màu sắc. Vợ chồng sau khi ăn sáng, dạo đi một vòng, bắt gặp nhiều hang đá, ánh nắng từ trên cao rọi vào cửa hang từng vệt sáng thẳng đứng, vô số hạt bụi trong không khí như bay như lượn. Vì nỗi rộn ràng nào đó, A Tủa chưa đoán được, chỉ thấy hai má vợ đỏ chín, nó đưa lưỡi liếm má vợ. Vợ nói nhiều, cười nhiều. Vợ chồng A Tủa nhóm lửa nơi cửa hang. Lâu lắm rồi đỉnh Tà Chì Nhù mới có ánh lửa và khói bốc lên. Vợ chồng nấu bát mì tôm, A Tủa uống một bát rượu men lá, xì xụp húp bát mì vợ đưa cho bỏng cả môi… rồi xì xầm nói chuyện:
– Về thôi anh! (vợ A Tủa vỗ bụng chồng nói)
– A Tủa cười. Từ nay vợ chồng mình có quê hương mới, tao không về đâu.
Vợ hát:
“… Trời xanh đẹp hở anh
Tao bảo mày lấy vợ, mày không lấy
Mày đi ba bốn ngày trở về nhà
Trời xanh đẹp hở anh?”
Câu hát quyện vào làn khói mỏng lùa cửa hang. Trời đổ mưa xuân, cơn mưa nhanh. Nắng ấm! Hôm sau vợ chồng xuống núi đến mỏ chì ở thôn Cang Chi Khúa, mấy thằng trai Mông tay vịn cành đào núi đón đợi cho tin: Hôm qua dưới này -3 độ. Trâu bò, lợn gà chết rét nhiều quá. Mất cả miếng ăn của dân bản. Con vợ tao nó bảo chỉ có ăn rêu đá mà sống. Cái bếp hun khói nhà tao còn túm ngô to hạt, mấy miếng thịt nhím khô. Qua nay xẻ thịt trâu treo lên ránh bếp. Lấy gì mà sống! Tao bảo lên đỉnh Tà Chì Nhù, con vợ nó không chịu. Nó bảo liệu mày có giỏi bằng anh em A Tủa không? Khó là thế! Hay lên ăn tuyết, uống nước suối được thì lên…
A Tủa bảo: Lạ thật! Chân núi trâu bò chết, đỉnh núi nắng chan cỏ mọc. Hai vợ chồng A Tủa đứng dưới dốc im lặng rất lâu. Những gì đang trào lên trong người anh khiến đôi mắt anh hơi “nhím” lại… Người Mông sinh ra trên những dãy núi đá khắc nghiệt, hơn nửa đời người trằn trọc với quê hương. Mùa xuân năm 2000 mới tìm ra quê hương mới. Mấy hôm đi trong mưa xuân nhịn bữa, hàng ngày đu vách đá hai vợ chồng tìm đường trong mây. Mắt con vợ ti hí, lúc nào cũng ánh lên ngọn lửa tình yêu khuyến khích chồng… Nó bảo: … Rồi vài năm nữa vợ chồng mình cùng dân bản đón người từ dưới xuôi lên. Thịt trâu, thịt bò, thịt nai sẽ được đưa về thành phố. Ngày mai em về chợ Trạm Tấu, may cờ Tổ Quốc, chồng chém cây sa mu, vợ chồng dựng cột cờ kỉ niệm ngày hai đứa lên ngắm hoa Chi Pâu.
A Tủa cười hiền nhìn mái tóc vợ trắng hạt mưa và cánh hoa đào đỏ. Cái nhìn yêu thương đắm đuối nói với cánh trai Mông:
– Ta đi theo con đường cố thổ của ông bà, nhưng phải bắc cầu, phá đá nhiều chỗ trâu bò, dê cừu mới qua được.
Người Mèo gọi “lò cha” là ăn tết, xưa ăn đủ tháng giêng, nay uống rượu thổi khèn, vỗ mông nhau chơi vài ngày trên núi là đủ. Phải sớm mở đường. Mọi người chung tay vào đốn cây ghép thành cầu. Cầu rộng một mét hoặc hơn, con trâu con bò mới dám bước. Tao biết chỗ có mấy hòn đá nằm cạnh lối đi, gió thổi mặt phiến đá nhẵn thín, đưa tay tìm hạt bụi không có. Khi ngồi xuống cảm giác như có ai mới dùng chổi quét.
Trai Mông, gái Mông đi làm đường lên Tà Chì Nhù đầu chúng sáng lạ. Tay nó luôn chỉ vào cây, cây nào hạ chặt, cây nào phải để. Dù đường xe chạy hay đường mòn cũng phải có cây che, chỗ nào có thác bắc cầu, chỗ nào không cần cầu thì rượt nước mà đi. Đừng phá vỡ những gì Tà Chì Nhù đã có.
Một bóng cây, một dây leo, một máng nước chảy cũng có lợi cho mình. Không phải cái gì cũng phá. Tiếng nói của ai đó như dội lại từ cái bản xa xôi nào vậy. Tiếng ông già vừa đục đá mệt nhoài, ngồi trên tảng đá nhẵn như chiếc bàn nói:
– Cũng như xuân này, năm ngoái cũng cái bàn đá này, mấy đứa trai gái Mông ngồi cả lại. Trời cũng lấm tấm mưa bay. Cái đứa con gái trẻ nhất ngồi đây, chỗ ngồi của vợ A Tủa bây giờ. Cũng bàn chuyện lên núi không thành bởi không có người đứng đầu tài giỏi.
Năm nay vợ chồng A Tủa đứng ra mới có cuộc làm đường lên núi. Thằng A Sáng em A Tủa, A Giao, A Gủ, A Sử. A Sử có 3 đứa con trai rồi. Chúng nó lên núi mang theo nhiều ánh lửa. Đến dốc 3 cây tất cả dừng lại lấy sức, bóp chân cho nhau mất gần một tiếng mới đi tiếp. Lối đi từ đây như thang lên trời. Độ nửa ngày mới lên tới đỉnh dốc. Ở đây hoa cỏ bạt ngàn thơm gió núi. Hơi núi đá phả ra gặp hoa cỏ màu tím lại càng tím thêm. Mọi người hỏi nhau là hoa gì, tất cả đều lắc đầu: Không biết. Vợ chồng A Tủa đặt cho nó cái tên hoa “Chi Pâu”, hoa “không biết”. Đến nay cũng chưa ai tìm ra tên loài hoa lạ.
Ông già bảo. Trước chúng ta vài chục năm có ông Giàng A Tăng, ông đi theo lối mòn riêng lên Tà Chì Nhù săn thú. Ông ăn ở núi suốt mấy chục năm. Đến con thỏ, con nhím gặp ông cũng quen, muốn làm bạn với ông mà ông không đặt cho cái hoa tim tím nhỏ bé rung rinh như đốm nắng chiều một cái tên cho đỡ tủi. Cho nên đời hoa Chi Pâu thiệt phận hơi buồn bởi con người không biết, không cho nó cái tên. Giờ ông đã chết rồi. Buồn quá! Hoa Chi Pâu cũng buồn theo sương tuyết.
A Tủa sinh năm 1969. Tuổi trẻ, chí lớn, cùng em trai A Giao đi khảo sát đường. Năm 2003 đưa trâu bò lên. Ngày đầu trâu bò gặm tuyết trên núi ê răng, mỏi hàm mà vẫn đói. Tối đến chúng được lùa vào những cái lán thấp tránh gió. Bảy con bò, bốn con trâu, bốn con ngựa, tài sản của cả dòng họ. Để chết một con cũng là có tội với ông bà. Vợ A Tủa thường xuyên đốt lửa chải lông cho nó. Nhiều đêm vợ chồng nhịn đói, lấy cỏ khô, ngô khô, muối ăn chăm cho đàn gia súc. Sáng ra, mặt trời mọc đỉnh núi, gió thổi, tuyết tan, nắng vỡ òa trên thảm hoa Chi Pâu. Trâu bò đã quen miệng ăn cây trúc rồi gặm cỏ, đít trâu, mông ngựa cứ nung núc.
Chính phủ đã cho làm đường từ Pù Dùa Dăng lên đỉnh Tà Chì Nhù khoảng cách dài 4km, con đường đi trong mây mù tạo cảm giác mạnh cho lớp trẻ. Thanh niên mọi miền tổ quốc lên Yên Bái đều đi Trạm Tấu. Đến đó được tắm suối nước nóng, ăn khoai sọ và đu cây lên đỉnh núi cắm cờ. Cắm được lá cờ trên đó là họ đã chinh phục được ngọn núi 2.979 mét. Năm anh em họ Thào đã trụ lại với gió tuyết. Những cuộc cưỡi ngựa phi dưới rừng cây của đôi trai gái Mông có sức hấp dẫn cho du khách. Những cuộc vui đùa với hoa Chi Pâu đã giữ chân khách ở lại để thụ hưởng thanh khí của vùng rừng. Các dịch vụ ăn theo, họ làm nhà du lịch cộng đồng cho thuê. Khách không phải ở một hai ngày, có khi ở hàng tuần để thoát khỏi cái không khí “phố phường cát bụi”. Tay khách nhổ cỏ “chung cha” mọc trên đá. Cỏ “chung cha” được dê, bò, ngựa, trâu thích gặm nhấm.
Xem ra cái chí của A Tủa cũng ghê lắm. Mộ mẹ nằm ở Suối Giao nhưng vợ chồng con cháu A Tủa quyết đưa lên đỉnh núi “định cư” cùng vợ chồng họ tộc họ Thào. Thào hay quên cái chữ. Ngày chuyển mộ ghi vào cây cột nhà. Cứ thế mà làm! Tất cả được đưa vào “quẩy tấu” đeo lưng ngựa đi lên núi tuyết. Cái ngày chuyển mộ cũng mưa bay bụi nước, thác nhảy. Mấy người thương nhớ mẹ đều khóc. Tay Thào A Tủa ép vào bụng dưới nói với cái giọng chất chứa đầy yêu thương: “Thôi đừng khóc nữa! Mộ mẹ ở gần con cháu, hàng ngày được con cháu tìm đến không hơn à?”
Miệng vợ A Tủa ngậm cọng lá dong. Khóm dong lá xanh mượt, cả mấy mậm chuối mang theo. Tất cả trồng quanh mộ. Thị bảo: “Đất quê mình nghèo nhưng con người gắn bó. Những gì sâu sắc máu thịt nhất đều ở cả đây. Nay họ Thào khai phá đỉnh mù sương, sau đến đời con đời cháu, chúng tiếp tục khai phá gieo trồng. Mọi người phải biết tường tận “ở đây lúc nào có sương, mùa nào tuyết xuống, lúc nào nắng lên để trồng trọt”. Đến đứa trẻ con người Mông cũng phải biết tường tận, tỉ mỉ như thế mới sống được…”.
Chú Thào A Sử bảo: “Phải dạy chúng nó biết chữa rắn cắn, ong đốt, dạy cách đi hái nấm, cách bắn cung, thổi khèn Mèo, đi lấy nước nữa”.
Năm hộ họ Thào làm thay đổi cả dãy núi. Những chiếc lán thấp, những đàn dê đàn bò đàn trâu thả dong trên đồng cỏ. Tiếng dê gọi nhau, tiếng con ngựa hí, tiếng trâu khua sừng, tiếng con bò rống… Chỗ nào cũng có ánh lửa cháy, khói bay. Ngọn núi như có sức sống mới bởi những trang trại nuôi gia súc. Du khách muốn thử sức mình đi thang trời lên khám phá vùng đất lạ kéo lên ngày một đông. Họ kéo cờ, tự đốt lửa, tự nướng thịt ăn.
Thào A Tủa có đứa con lớn Thào A Hành. Nó đòi bố mẹ cho đi học hết phổ thông rồi học nghề lái xe. Giờ nó lái chiếc xe đẹp nhất Trạm Tấu cho Bí thư Huyện ủy Giàng A Thào. Trong cuộc đời rong ruổi của A Hành, nó học được nhiều thứ trên quãng đường công tác ở người Bí thư Trạm Tấu. Hôm tôi theo nó đi chơi, nó chỉ vào bông hoa chuông rủ xuống. Nó bảo: “Chú cháu ta đang ở độ cao 800m. Khi hoa chuông quay lên là ta ở độ cao trên 800m tới 1.000m…”. Lúc vui chuyện nó tâm sự. Dòng họ Thào A Tủa quyết tâm cùng Nhà nước làm đường ô tô lên núi. Nếu được vậy thì tốt biết bao. Rồi sau này cho con chú A Sử đi học nghề thú y. Phải biết chăm con trâu nó đẻ, con bò lúc sinh. Nhất là lúc tuyết rụng nhiều ngày trâu bò long móng.
Hoa Chi Pâu nở trên núi tuyết còn được. Con người nhất định sẽ sản sinh ở đây ngày một nhiều hơn, đông hơn, cũng đẹp như hoa vậy. Nơi đỉnh núi mù sương là của người Mông. “Tà Sùa” chính là cây chè trên núi đá. Sơn La cũng có đỉnh “Tà Sùa”. Yên Bái cũng có chè “Tà Sùa” đâu kém Sơn La.
Trời cao của chim thiêng, nước của cá bơi. Đỉnh núi bốn mùa sương phủ là của người Mông. Đàn ông, đàn bà người Mông sẽ tạo sấm sét của tình yêu. Họ là người lữ hành không “bất trị”. Lữ hành của sự khám phá chinh phục thiên nhiên. Họ sẽ tạo ra mái nhà, tìm ra ảnh lửa, vững chãi và toàn quyền trên núi cao, ngọn núi đó vừa bao dung, vừa khắc nghiệt, vừa giản dị và phức tạp…
Người Gia Rai (Tây Nguyên) có câu hát: “Anh làm sấm… em làm sét”. Người Mông cũng vậy, cũng sấm gầm, sét đổ trong tình yêu trai gái. Chỉ có người Mông mới hòa quyện với hoa Chi Pâu. Loài hoa “không biết” ấy lại rất biết mối tình người Mông Tà Chì Nhù với nó.
4/3/2022
Võ Bá Cường
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm Quýt, quê xa

Xóm Quýt, quê xa… “Tháng chạp, quýt to bằng nắm tay trẻ nhỏ, da bóng lưỡng như ướt mỡ. Khi ấy gió dịu, trời ửng hồng sáng trong, nắng mới ...