Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

Lãng đãng một sớm tháng ba

Lãng đãng một sớm tháng ba

Nguyên tiêu đã qua, trăng hạ tuần mòn dần theo vòng quay của trái đất, nhưng vẫn long lanh sáng rỡ khắp vòm trời cao nguyên. Dường như trăng đang muốn đua với những dàn đèn đủ kiểu dáng, đủ màu sắc trên phố phường Tây Nguyên? Nào đèn lồng, đèn chùm, đèn dây, đèn cao áp, đèn tuýp, đèn tròn… trên cột điện, trong vòm lá, giữa những bụi hoa lúp xúp, quanh thân cây cổ thụ, trên mọi mặt tiền các cơ quan, cao ốc… Tháng ba  xưa đã từng là tháng nghỉ ngơi – khei ning nơng, mùa “Ăn năm uống tháng – huă mlam mnăm thŭn ”, Tây Nguyên xuân Nhâm Dần dồn dập những niềm vui, vùng đất chứng nhân của lịch sử vào mùa hội lớn. Tây Nguyên của tôi, không chỉ có truyền thống văn hoá đầy huyền thoại, mà còn cả bề dày lịch sử chiến tranh nhân dân vĩ đại của đất nước.
Ngắm cờ hoa, xe cộ chảy như những dòng sông đầy sức sống phập phồng thở trên mọi con đường thảm nhựa, thêm yêu miền quê hương đất đỏ dáng dấp vô cùng trẻ trung, căng đầy sức thanh xuân trên con tàu hội nhập vùn vụt đi tới tương lai. Và những dòng ký ức bỗng tràn về ào ạt.
4 giờ sáng ngày 15.5.1975, xe chở Đoàn Ca múa Tây Nguyên chúng tôi dừng lại trước ngôi nhà của Uỷ ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột. Chúng tôi, hầu hết là những đứa con Tây Nguyên trở về sau 21 mùa rẫy xa bến nước rừng cây, có đủ trong tâm hồn những nỗi vui, buồn, thương mến của ngày hồi lại cố hương, nên chẳng ai nghỉ ngơi, mà tại những địa điểm dừng chân của Đoàn trên khắp Tây Nguyên : Buôn Ma Thuột, Plei Ku, Kon Tum… ai nấy đều dành thời gian rảo những bước chân tò mò tìm hiểu về những  tên gọi đã quá thân quen, nhưng vẫn đang hoàn toàn xa lạ, bởi đa số đều ra đi từ lúc còn là những đứa trẻ chân đất đứng chỉ ngang hông những amí, ama.
Ngày ấy, 47 năm trước, Buôn Ma Thuột, Plei Ku chỉ là những thị xã nhỏ, và Kon Tum với các nhà thờ, chủng viện bình yên, lặng lẽ, đúng như tên gọi “miền đất bị lãng quên”. Nhà nhỏ, phố nhỏ, những con đường dầu ngắn quanh co, lên dốc, xuống đồi vây quanh các trung tâm nội thị đầy thông xanh…Cả ba thị xã Tây Nguyên chỉ có một Trường sư phạm cao nguyên duy nhất ở Buôn Ma Thuột đào tạo giáo viên cấp I, cấp II. Dòng thác huyền thoại của nàng Drei H’Linh xinh đẹp chỉ dồn nước cho một nhà máy thuỷ điện bé nhỏ, đủ cung cấp điện năng cho các chốn công vụ và cư dân nội thị… Thứ duy nhất làm ấm lòng du khách là hình dáng lấp vấp trong tấm váy đen của những người phụ nữ lưng mang gùi, che dù, rảo bước chân trên mọi nẻo đường phố thị khắp cao nguyên khiến bài hát của nhạc sỹ Phạm Duy “Em Plei Ku má đỏ môi hồng” càng thêm nổi tiếng.
Tây Nguyên tôi ơi, đất với người ngày ấy – hôm nay, có nhiều lắm những mất còn của rừng, của nước, mang đến sự se thắt con tim.Nhưng ai nói gì thì nói, những cái được, những đổi thay của mọi buôn, bon, kon, plei trên cao nguyên chan hoà nắng, chứa chan gió miền tây Tổ quốc này, không thể dùng số đếm của ngôn ngữ Êđê, Jrai, Bâhnar hay Sê Đăng xưa để kể cho hết nữa rồi, sau những tháng năm thật sự chuyển mình .
Đã  47 mùa rừng thay lá. Buôn Ma Thuột, Plei Ku, Kon Tum và cả Gia Nghĩa nay đều đã là những thành phố khang trang, hình thành những dấu chấm son lớn hơn của Tây Nguyên trên tấm bản đồ hình chữ S. Đường Hồ Chí Minh nối Tây Nguyên với mọi miền quê từ bắc vào nam. Đường nhựa các phố núi rộng thênh với hệ thống đèn giao thông xanh đỏ điều hành mọi hướng đi đến cả những huyện xa xôi. Các công trình thuỷ điện trên sông Sê San, sông Srê Pôk, sông Đăk Bla… mang ánh điện sáng bừng thay trăng tràn đến khắp núi rừng, từ tận đỉnh Ngok Linh cho tới đồng cỏ M’Drăk ven chân núi Mẹ bồng con Cư H’Mú, kéo theo truyền hình cáp, Interrnet đem cả bóng đá, thi hoa hậu thế giới đến mọi buôn, bon, kon plei quê tôi. Thuỷ lợi A Yun Hạ, Đăk Uy, Plei Krông, Ea Kao, Ea Suop thượng… biến đất hoang nên ngàn cánh đồng lúa vàng trĩu hạt, cho cái đói chạy xa khỏi những cầu thang nhà sàn của miền đất cao nguyên; cho Buôn Ma Thuột mơ không chỉ mang thương hiệu Cà phê Ban Mê được quốc tế công nhận, mà còn sẽ là thủ phủ của món đồ uống gắn kết toàn cầu; cho các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai kết nối cùng bóng đá thế giới; để sâm Ngok Linh, bauxit Nhân Cơ có thể làm thay đổi bộ mặt của một vùng đất nghèo; những sản phẩm OCOP từ thổ cẩm, trái cây, lúa thơm, sôcola, ca cao, hạt điều, măc ca, rượu vang cafee… tự hào thương hiệu miền cao nguyên đất đỏ.
Trường đại học Tây Nguyên, phân viện các trường đại học từ Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống các trường Cao đẳng & Trung học chuyên nghiệp, hàng ngàn trường, lớp từ Mầm non đến cấp III cho con em mọi người dân tận buôn, bon, kon, plei đều có thể tung tăng áo trắng, áo dài mỗi sớm chiều nghe ấm tiếng trống đến trường, ê a câu nói vần song ngữ. Và vượt lên tất cả là sự tôn vinh của thế giới đối với Di sản đầy sáng tạo cuả những nghệ nhân chân đất, góp phần làm sang trọng cho Văn hoá Việt Nam, không chỉ có “Không gian văn hoá cồng chiêng”, mà còn cả kho tàng sử thi dân gian lớn nhất thế giới của 6 tộc người Êđê, Jrai, Mnông, Bâhnar, Sê Đăng, Răk Glay , những bộ luật tục bằng văn vần hàng ngàn câu, chắt chiu tri thức của mỗi tộc người. Và đơn giản hơn, hãy lắng nghe tiếng lòng đắm say gửi tới các cô gái cao nguyên, rằng “Em đẹp thế Plei Ku ơi, trái tim tôi muốn vỡ tan rồi. Không dám nhìn vào đôi mắt ấy. Đôi mắt Plei Ku Biển Hồ đầy”…
Tôi nhìn thấy bóng các Tù trưởng Dam San, Dam Noi, Dam Giông, N’Trang Lơng, Săm Brăm, Ama Thuột… lừng lững như những thiên thần trên ngọn gió mang hương hoa bay khắp núi đồi; Vua săn voi Y Thu Khun Zu Nốp và nữ tù trưởng Yă Wam oai nghiêm trên bành voi ung dung vượt sông Srêpok mùa nước lũ. Các vị lão thành cách mạng Nay Der, Nay Phin, Y Wang Mlô Dun Du, Y Ngông Niê Kdam…hể hả cười nâng cần rượu mừng ngày hội lớn. Vang vang trong gió, tiếng các nàng H’Linh, H’Ly, Bia Phu hát trong ánh cầu vồng nơi đầu những dòng thác tung nước trắng xoá, bài ca “Tây Nguyên giải phóng” phới phới niềm vui của tháng ba một chín bảy lăm, mà nhạc sỹ người Jrai – Kpă Púi năm ấy đã nhanh chóng gửi ra Hà Nội, rằng “Cồng chiêng ơi cùng ta nhảy múa / đàn tr’ưng ơi ca hát vang lên / kết đoàn lại, vững một lòng / gìn giữ lấy buôn làng Tây Nguyên”. Và cả tôi nữa, say với mùa xuân của cao nguyên hôm nay, đồng cảm cùng tác giả thơ Lê Quang Được để cùng làm nên ca khúc  Nhớ tháng Ba, rằng “ Tháng ba Tây Nguyên anh hẹn gặp em mùa hoa rừng trong gió triền miên, triền miên. Nắng cao nguyên mênh mông hôn từng cánh lá như làn môi em hát. Câu Arei gọi ai xa xăm xa xăm, câu Arei gọi ai mênh mang, mênh mang….”
Tháng ba, Tây Nguyên quê tôi dẫu vào mùa lá rụng vàng mặt đất đỏ, vẫn đẹp rực rỡ trong xuân xanh bao la đất trời.
9/3/2022
H’Linh Niê
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm Quýt, quê xa

Xóm Quýt, quê xa… “Tháng chạp, quýt to bằng nắm tay trẻ nhỏ, da bóng lưỡng như ướt mỡ. Khi ấy gió dịu, trời ửng hồng sáng trong, nắng mới ...