Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

Một số hiện tượng KOLs Việt Nam trên Internet: Góc khuất sau vẻ ngoài và những câu chuyện "Vạn người mê"

Một số hiện tượng KOLs Việt Nam
trên Internet: Góc khuất sau vẻ ngoài
và những câu chuyện "Vạn người mê"

“KOLs (Key Opinion Leaders) theo Từ điển Merriam – Wester có thể hiểu là  “người dẫn dắt quan điểm, tư tưởng”. Họ là là những người nổi tiếng, họ tạo ra những xu thế trong đời sống và dẫn dắt cộng đồng theo mức độ ảnh hưởng của họ”. Và theo tác giả Hà Thanh Vân: “Những chuyện lừa đảo, tai tiếng, trục lợi… của một số KOLs trên mạng xã hội dĩ nhiên đã dẫn đến sự phản ứng mãnh liệt của cộng đồng mạng. Từ những bài viết lên án, những bình luận gay gắt cho đến việc hình thành những nhóm antifan thu hút đông đảo các thành viên”…
TỪ QUYỀN LỰC THỨ NĂM ĐẾN HIỆN TƯỢNG KOLs VIỆT NAM TRÊN INTERNET
Chúng ta thường nghe nói khái niệm “The Fourth Estate” tức là quyền lực thứ tư để chỉ báo chí. Vậy tại sao người ta lại nói báo chí là quyền lực thứ tư bên cạnh các quyền hành pháp, tư pháp và lập pháp?
Báo chí với hình thức ban đầu là những bản tin ra đời từ rất sớm, ở phương Tây người ta cho rằng báo chí dưới dạng những bản tin ra đời vào thời Hy Lạp – La Mã cổ đại tức là cách đây ít nhất hơn 2000 năm. Còn ở phương Đông thì người ta cho rằng báo chí ra đời sớm nhất ở Trung Quốc, thời nhà Hán, vào khoảng thế kỷ thứ 2. Như vậy chúng ta đủ thấy vai trò quan trọng của báo chí trong đời sống con người, vai trò đó là đưa thông tin cần thiết đến với con người một cách nhanh nhất.
Ngược dòng lịch sử thì vào thế kỷ 18, Edmund Burke, một chính trị gia và là nhà văn, nhà triết học người Ireland từng phát biểu rằng: “Có ba đẳng cấp tại Quốc hội, nhưng trong phòng của những người đưa tin (tức là nhà báo), có một đẳng cấp thứ tư quan trọng hơn nhiều so với ba đẳng cấp kia”. 3 đẳng cấp kia là 3 đẳng cấp truyền thống của Quốc hội vương quốc Anh: Lords Spiritual (quý tộc tâm linh, tức là các chức sắc tôn giáo), Lords Temporal (quý tộc thế tục) và Commons (tầng lớp bình dân). Sau đó sang thế kỷ 19, một học giả Pháp là ông Alexis de Tocqueville, cho rằng có bốn quyền lực như sau: 1. Quyền lực trung ương gồm các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp; 2. Quyền lực của chính quyền địa phương; 3. Quyền lực vận động hành lang (chẳng hạn lobbies, vận động bỏ phiếu); 4. Quyền lực của báo chí, truyền thông
Sau đó nhiều chính trị gia phương Tây đều tán đồng quan điểm báo chí là quyền lực thứ tư. Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa, người Pháp đã ngay lập tức cho phát hành tờ Gia Định Báo bằng chữ quốc ngữ vào năm 1865 trong điều kiện khó khăn, các chữ cái đúc bằng chì phải chở từ Pháp sang, vì họ thấy sự cần thiết phải lan tỏa thông tin đến với dân chúng.
Như vậy chúng ta thấy ngay từ thuở ban đầu của khoa học chính trị, báo chí đã được xác lập là quyền lực thứ tư, dù rằng 3 quyền kia có thể thay đổi tùy theo quan điểm của từng người. Tuy nhiên thuật ngữ “quyền lực thứ tư” để chỉ báo chí bên cạnh các quyền hành pháp, tư pháp và lập pháp chỉ đặc biệt phổ biến từ sau vụ Watergate diễn ra từ năm 1972 đến năm 1974, dẫn đến việc Tổng thống Mỹ Richard Nixon phải từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Sở dĩ nói quyền lực thứ tư vì lúc đó tờ Washington Post là tờ báo đã đưa ra vụ việc chấn động này và người ta cho rằng báo chí có thể làm lật đổ cả chính phủ.
Đương nhiên để xứng đáng với danh xưng “quyền lực thứ tư”, những nhà báo chân chính đều muốn rằng bài viết của mình phải là những bài viết có chất lượng và ý nghĩa, đánh động đến mọi người về những vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị… hay thậm chí viết giải trí thì cũng phải là nghiêm túc và nêu được những vấn đề mà mọi người cần quan tâm. Tất nhiên ranh giới giữa giải trí và lá cải là rất mong manh và nhà báo phải có bản lĩnh và năng lực chuyên môn để đừng vượt qua cái ranh giới mong manh đó. Nhưng việc có quá nhiều tờ báo mạng, trang thông tin mạng ra đời ở Việt Nam, dẫn đến tình trạng là những phóng viên có nghiệp vụ chuyên môn kém, lười, không chịu đi thực tế thu nhặt tư liệu, cho nên ngồi một chỗ và lấy bài, hình ảnh từ Facebook, Instagram, Twitter của những người nổi tiếng để đưa lại. Một khả năng nữa là chính những người nổi tiếng hay muốn nổi tiếng thuê nhà báo viết bài để PR cho bản thân mình, nhằm mục đích mang lại danh tiếng, để quảng cáo chẳng hạn và sau đó có một bộ phận người sẽ lợi dụng để trục lợi, nhất là trục lợi trên mạng xã hội. Nhiều công ty truyền thông đã có hẳn một chiến lược kinh doanh ăn theo với những tin nhắn gửi đến cho những cá nhân trên mạng xã hội, mời gọi mua bài, mua Facebook có tick xanh…
Như vậy quyền lực thứ tư của báo chí là rất đáng kể bởi vì nó ảnh hưởng đến con người rất nhiều, đặc biệt là ở tính định hướng và cung cấp thông tin cho con người. Hiện nay theo quan điểm của truyền thông đại chúng hiện đại, chúng ta có quyền lực thứ năm. Quyền lực thứ năm là gì? Đó là những phương tiện truyền thông mới qua Internet như blog cá nhân, mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter và Youtube, Tik Tok… Ưu điểm của quyền lực thứ năm là gì? Thứ nhất, là không bị giới hạn về không gian (có thể đọc được ở mọi nơi, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau) và thời gian (đọc lúc nào cũng được, dễ dàng tìm lại các tư liệu cũ chưa đọc). Thứ hai, là tính tiện nghi và linh hoạt, chúng ta có thể sử dụng các thiết bị từ đắt tiền đến rẻ tiền để đọc và viết, ở bất kỳ trạng thái nào. Thứ ba, đó là tính cá nhân song hành với tính cộng đồng. Một cá nhân nào đó có thể lập ra một trang mạng hoặc blog, hoặc trang Facebook, tài khoản Instagram, Twitter, Tik Tok… và thu hút cộng đồng tham dự. Từ đó mới nảy sinh ra các KOLs trên mạng xã hội, cũng như các nhóm cộng đồng.
KOLs (Key Opinion Leaders) theo Từ điển Merriam – Wester có thể hiểu là  “người dẫn dắt quan điểm, tư tưởng”. Họ là là những người nổi tiếng, họ tạo ra những xu thế trong đời sống và dẫn dắt cộng đồng theo mức độ ảnh hưởng của họ. Họ có thể là những ngôi sao điện ảnh, ca nhạc, những stylist, chuyên gia làm đẹp, ẩm thực… hoặc cũng có thể là những con người có thế mạnh nào đó trong lĩnh vực chuyên môn của họ, chẳng hạn như nhà văn, nhà thơ, doanh nhân, kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, nhiếp ảnh gia… hoặc có những hoạt động thu hút cộng đồng chẳng hạn như người làm từ thiện, người truyền đạo…
Tất nhiên quyền lực thứ năm cũng là con dao hai lưỡi, trên đó chúng ta thấy thông tin giả song hành cùng thông tin thật, người xấu chen với người tốt, và những người tỉnh táo, hiểu biết thì luôn có sự nhìn nhận, đánh giá rõ ràng của riêng mình. Bù lại, quyền lực thứ năm được tự do và độc lập về mặt tư duy và nhận thức, và nó chính là sự bù đắp tốt nhất cho những nhược điểm của quyền lực thứ tư. Thực tế trong xã hội Việt Nam bây giờ, quyền lực thứ tư và quyền lực thứ năm đang có sự cạnh tranh gay gắt trong rất nhiều vụ việc, cung cấp thông tin và rất nhiều lần, cán cân và lòng tin của công chúng nghiêng hẳn về quyền lực thứ năm. Từ đó chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra nhiều hiện tượng KOLs Việt Nam “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội, tác động đến một lượng lớn các công dân mạng (netizens). Ở đây người viết không đề cập đến vai trò tích cực, chuyển tải những thông tin tốt, bổ ích… đối với cộng đồng của nhiều KOLs, mà chỉ nhấn mạnh đến những góc khuất đằng sau vẻ ngoài và những câu chuyện “vạn người mê” của một số người mang danh KOLs Việt.
ĐẰNG SAU VẺ NGOÀI VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN “VẠN NGƯỜI MÊ” CỦA MỘT SỐ KOLs VIỆT NAM
Thông thường một cá nhân xây dựng hình tượng KOLs trên Internet thì có hai hướng đi chính: Một là bản thân họ đã là người nổi tiếng, chẳng hạn như những “ngôi sao” trong showbiz Việt khi họ tham gia mạng xã hội thì lập tức họ thành KOLs trên cơ sở có sẵn số lượng người hâm mộ đông đảo. Hai là bản thân họ tự gây dựng và thu hút số lượng người hâm mộ thông qua những bài viết, hình ảnh… của chính mình. Tất nhiên ở đây cũng không loại trừ một số trường hợp KOLs Việt tự bỏ tiền ra mua bài báo, gây dựng cho mình một danh tiếng để lấy chứng nhận có Facebook tick xanh, từ đó đi lừa đảo. Công thức chung để nổi tiếng của họ thường là: photoshop hình ảnh cho đẹp đẽ, tạo cho mình một vẻ ngoài phông bạt, từ đó bắt đầu con đường làm giàu bất chính.
Mục đích lớn nhất là quảng cáo, bán hàng kiếm tiền bất chấp sản phẩm có chất lượng kém
Nếu quan sát một số hiện tượng KOLs Việt trên mạng xã hội, chúng ta dễ dàng nhận ra mục đích chính của họ sau khi trở thành KOLs là nhận quảng cáo cho các sản phẩm, đại diện cho các thương hiệu hoặc trực tiếp bán hàng. Nhưng không phải sản phẩm nào đảm bảo chất lượng. Thời gian vừa qua việc các cơ quan quản lý xử phạt một loạt nghệ sĩ chẳng hạn như Sở Thông tin và truyền thông TPHCM đã xử phạt diễn viên Angela Phương Trinh số tiền 7,5 triệu đồng vì hành vi cung cấp thông tin sai sự thật việc chữa trị căn bệnh do nhiễm virus SARS-CoV-2 bằng giun đất hay các nghệ sĩ kịch Hồng Vân, nghệ sĩ hài Nam Thư, nghệ sĩ Hương Giang… công khai xin lỗi vì quảng cáo dược phẩm thổi phồng công dụng là những minh chứng cụ thể. Tuy nhiên, việc các KOLs không có lương tâm tự kinh doanh sản phẩm cũng nguy hại không kém. Lương Hoàng Anh là một hiện tượng nổi bật với vô vàn những khiếu nại, phàn nàn về những sản phẩm mà chị ta bán, từ nước mắm, trang sức đến mỹ phẩm Glacyo tự chế… Nhà văn Gào (tên thật là Vũ Phương Thanh) bị Sở Y tế TPHCM xử phạt 25 triệu đồng vì bán mỹ phẩm La Boré không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Quyên Trần với siêu thị Mami nhận được nhiều lời kêu ca về chất lượng sản phẩm. Một KOL khác là Đặng Tố Nga, kiến trúc sư Việt đang sống tại Ý thì nổi tiếng trên mạng vì kinh doanh hàng đa cấp LightFlow trốn thuế với những lời quảng cáo chữa bách bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo như ung thư và nhận được rất nhiều phản ánh của người mua về chất lượng kém của sản phẩm. Những hiện tượng KOLs Việt lợi dụng danh tiếng để bán hàng bất chấp chất lượng như vậy xảy ra rất nhiều, khiến cho không ít người tin vào các KOLs cuối cùng trở thành “tiền mất tật mang”.
Tuyên truyền những quan điểm sống lệch lạc, những tư tưởng băng hoại, tiêu cực, những thông tin, kiến thức sai lầm đến với cộng đồng mạng
Nhiều KOLs Việt đã dựa vào danh tiếng của mình để rồi hăng hái tuyên truyền cho những quan điểm sống, những tư tưởng tiêu cực, đặc biệt là đối với những hiện tượng chính trị, xã hội đang xảy ra. Trong khi TPHCM đang chao đảo vì dịch bệnh SARS-CoV-2, đang rất cần sự tiếp sức từ các lực lượng y tế đến từ các tỉnh thành khác trong cả nước, MC Trác Thúy Miêu đã lên tiếng miệt thị các em sinh viên Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương vào chi viện, gây ra một làn sóng dữ dội phản đối chính MC này và cuối cùng MC Trác Thúy Miêu cũng đã bị cơ quan quản lý xử phạt. Liên quan đến vụ việc lừa đảo đình đám trên mạng “Bác sĩ Khoa rút ống thở của cha mẹ để nhường cho bệnh nhân Covid”, hai KOLs Nguyễn Đức Hiển và Hoàng Nguyên Vũ cũng đã bị Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM xử phạt vì đưa thông tin sai sự thật.
Ly Phan (tên thật là Phan Ý Ly) thì thông qua việc rao bán các khóa học với những mỹ từ như kêu gọi phụ nữ tỉnh thức, tự yêu bản thân mình, buông bỏ mọi điều, khỏa thân để thuận tự nhiên… để thu học phí đắt đỏ kiếm lợi cho bản thân. Nhưng thực chất những khóa học đó dựa trên những quan điểm lệch lạc, sai lầm về tâm lý, tư duy, nhân cách con người, biến tướng đi từ những quan điểm của Osho, một nhà tư tưởng Ấn Độ hiện nay còn gây nhiều tranh cãi và từng bị Hoa Kỳ trục xuất vì vi phạm luật pháp. Đặng Tố Nga thì mở hẳn một Group lấy tên là “Tại sao tình dục lại thú vị” để tuyên truyền cho quan điểm sex tay ba, tay tư tập thể và cổ vũ ngoại tình với sự chấp thuận của chồng. Thậm chí Đặng Tố Nga còn đi xa hơn khi bàn về những sự kiện chính trị, lịch sử theo thuyết âm mưu, chẳng hạn như cho rằng thực chất không có vụ khủng bố ngày 11.9.2001 mà đó là âm mưu của chính phủ Hoa Kỳ cùng với việc tuyên truyền những thông tin ngụy khoa học khác như anti vaccine, chống lại việc đeo khẩu trang để phòng ngừa virus SARS-CoV-2.
Với một số lượng lớn người theo dõi, từ vài chục đến vài trăm ngàn người, một số KOLs Việt tuyên truyền thông tin sai sự thật, những quan điểm sống với nhận thức lệch lạc sẽ có tác động rất lớn đến tâm thức của công chúng, đặc biệt là những công chúng có tâm lý, tư duy còn kém, kiến thức sống còn nông cạn thì sẽ càng dễ dàng tin và sùng bái những gì KOLs viết ra.
Lợi dụng mạng xã hội để trục lợi thông qua hình thức làm từ thiện
Thời gian gần đây hiện tượng nhiều nghệ sĩ Việt đứng ra kêu gọi huy động tiền từ công chúng để làm từ thiện như Thủy Tiên, Hoài Linh, Trấn Thành… đã khiến cho cộng đồng mạng bùng nổ với những lời chê trách và cùng với đó là sự mất niềm tin vào những người nổi tiếng. Dù rằng công an đã xác minh làm rõ và khẳng định các nghệ sĩ ấy không sai phạm, nhưng nhiều công chúng vẫn cho rằng sự chậm trễ trong việc giải ngân từ thiện và chưa kịp thời minh bạch trong thu chi đã làm cho nhiều nghệ sĩ mất uy tín. Nhưng không chỉ có một số nghệ sĩ, mà nhiều KOLs làm từ thiện đình đám trên mạng cũng vướng phải những lời tố cáo. Chẳng hạn như nhóm từ thiện Giang Kim Cúc và những người bạn, nổi tiếng với việc từ thiện “quan tài 0 đồng” cho bệnh nhân SARS-CoV-2 cũng đã bị nhiều đơn từ gửi kiện và chuyện lời qua tiếng lại tố cáo lẫn nhau của Giang Kim Cúc với nhóm từ thiện Nhất Tâm cũng gây xôn xao dư luận suốt mùa dịch bệnh cao điểm ở TPHCM. Trần Văn Lâm lập ra 8 trang Fanpage trên Facebook là: “Quỹ bảo trợ trẻ em”, “Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam”, “Phật tại tâm”, “Chia sẻ yêu thương kết nối yêu thương”, “Quan thế âm bồ tát”, “Chia sẻ yêu thương”, “Kết nối yêu thương”, “Hỗ trợ trẻ em” chiếm đoạt 6,6 tỷ tiền từ thiện và đã bị công an khởi tố.
Việc lợi dụng mạng xã hội để trục lợi từ tiền từ thiện của những người dân là một hành vi đáng lên án. Tuy nhiên cho đến nay việc xử lý vấn đề này còn nhiều vướng mắc và tồn đọng. Vì vậy rất cần một bộ luật có tính chế tài để vấn đề làm từ thiện có cơ sở tuân theo, chứ với chỉ ở mức độ Nghị định như Nghị định 93/2021/NĐ-CP của chính phủ mới ban hành là chưa đủ.
PHẢN ỨNG CỦA CỘNG ĐỒNG MẠNG VÀ VIỆC XỬ PHẠT CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ
Những chuyện lừa đảo, tai tiếng, trục lợi… của một số KOLs trên mạng xã hội dĩ nhiên đã dẫn đến sự phản ứng mãnh liệt của cộng đồng mạng. Từ những bài viết lên án, những bình luận gay gắt cho đến việc hình thành những nhóm antifan thu hút đông đảo các thành viên. Chẳng hạn như nhóm anti ca sĩ Thủy Tiên lên đến khoảng hơn 223.000 người. Hai nhóm anti nghệ sĩ Hương Giang đều lên đến hơn 10.000 người. Hai nhóm anti nhà văn Gào có khoảng 159.000 thành viên và 48.000 thành viên. Nhóm anti Lương Hoàng Anh có khoảng hơn 22.000 thành viên. Hai nhóm anti Đặng Tố Nga mỗi nhóm đều gần 7.000 thành viên… Những nhóm anti này đưa ra những lý lẽ, bằng chứng, hình ảnh xác thực để bóc trần những góc khuất đằng sau vẻ ngoài đẹp đẽ, hào nhoáng, phô trương của một số KOLs Việt. Cho dù còn có thể có những sự bóc trần chưa đúng hay quá đà, hoặc lợi dụng để kinh doanh, nhưng rõ ràng sự tồn tại của các nhóm antifan đã góp phần cảnh tỉnh cộng đồng mạng cảnh giác với những KOLs Việt lừa đảo, trục lợi, đưa thông tin sai sự thật… Các nhóm antifan xuất hiện cũng là một sự cảnh báo, răn đe cho những ai muốn lợi dụng cộng đồng mạng để mưu lợi bất chính và đồng thời cũng góp phần tạo dựng một không gian mạng sạch, văn minh.
Bên cạnh đó các cơ quan quản lý các cấp đã có những hình thức xử phạt kịp thời đối với những tai tiếng của nhiều KOLs Việt, cũng làm thỏa lòng cộng đồng mạng. Tuy nhiên, mức xử phạt còn nhẹ, phần nhiều mang tính răn đe, giáo dục và vẫn còn bỏ sót rất nhiều trường hợp. Vì vậy trong thời gian tới, rất cần thêm những quy định cụ thể của luật pháp để có thể có cơ sở xử lý nghiêm khắc hơn với những trường hợp KOLs Việt lợi dụng mạng xã hội cho những việc làm bất chính của mình.
Không gian Internet là một không gian mở, với sự phức tạp đến từ nhiều phương diện, tính chất, trong đó các công dân mạng là những người được lợi nhất, nhưng đồng thời cũng là những người dễ bị thiệt hại nhất nếu như sa đà vào những thông tin sai lệch, trở thành nạn nhân của việc lừa đảo trên mạng… Vì vậy, trở thành một công dân mạng, điều đó đồng nghĩa với việc tận dụng nguồn tài nguyên trên mạng, không ngừng học hỏi, quan sát để nâng cao bản lĩnh, trình độ, kiến thức của bản thân. Từ đó các công dân mạng có được sự ứng xử văn minh, đồng thời có tư duy nhạy bén, sáng suốt để tránh rơi vào những cái bẫy tiêu cực trên mạng.
17/3/2022
Hà Thanh Vân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm Quýt, quê xa

Xóm Quýt, quê xa… “Tháng chạp, quýt to bằng nắm tay trẻ nhỏ, da bóng lưỡng như ướt mỡ. Khi ấy gió dịu, trời ửng hồng sáng trong, nắng mới ...