Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

Marguerite Duras với tình yêu và ký ức về miền Nam Kỳ lục tỉnh

Marguerite Duras với tình yêu
và ký ức về miền Nam Kỳ lục tỉnh

Nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras là một tên tuổi đã được biết đến và được yêu mến tại Việt Nam từ lâu, không phải chỉ do những tác phẩm nổi tiếng, mà còn do sự gắn bó mật thiết của bà với mảnh đất Nam Kỳ lục tỉnh. Bài viết đề cập đến quãng đời của Marguerite Duras ở Đông Dương cùng với ký ức về tình yêu, mảnh đất, con người được thể hiện qua hai tác phẩm tên tuổi “Người tình” và “Người tình Hoa Bắc” của bà. Miền đất này, với vẻ đẹp riêng của nó, đã chinh phục được những người đến đây dù họ đến với tư cách thực dân. Dưới ngòi bút tài năng của Marguerite Duras, ký ức về miền đất này mãi mãi là một ký ức đẹp và khó phai.
Ở thế kỷ thứ XIX và sang đến thế kỷ XX, đã xuất hiện hiện tượng nhiều nhà văn phương Tây hướng ngòi bút của mình về những mảnh đất thuộc địa xa xôi và đạt được thành công trên nhiều phương diện. Đó là nhà văn Anh Joseph Rudyard Kipling (1865 – 1936) với nhiều tác phẩm viết về Ấn Độ như “The Jungle Book” (Sách rừng xanh), “Kim”… Một người nữa viết nhiều về những xứ thuộc địa vùng Thái Bình Dương là nhà văn Anh Somerset Maugham (1874 – 1965). Và khi nói đến những trang viết về Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa, người ta hay nhắc đến tên tuổi của nữ văn sĩ Marguerite Duras (4/4/1914 – 1996), với bộ ba tác phẩm tiểu thuyết viết về Đông Dương: “Người tình”, “Người tình Hoa Bắc”, “Rào chắn Thái Bình Dương”.
Marguerite Duras là một tên tuổi đã được biết đến và được yêu mến tại Việt Nam từ lâu. Đã có một số công trình nghiên cứu nhắc đến cuộc đời và tác phẩm của bà. Nhiều bài viết đề cập đến những tiểu thuyết, đến những bộ phim mà bà là tác giả kịch bản, trong đó đa phần nhắc đến tiểu thuyết “Người tình”. “Người tình” là tác phẩm đoạt giải Goncourt năm 1984, và góp phần đưa tên tuổi của Marguerite Duras lên một tầm cao mới trên văn đàn Pháp. Đến năm 1991, Marguerite Duras viết tiếp tác phẩm “Người tình Hoa Bắc”, kể tiếp câu chuyện tình giữa cô gái Pháp nhỏ bé và anh chàng người Hoa sống ở vùng Sa Đéc.
Công trình “Duras người đàn bà lai” của Catherine Bouthors – Paillart, một nhà nghiên cứu đã lấy bằng tiến sĩ văn chương của trường Đại học Paris VII, được dịch và xuất bản ở Việt Nam năm 2008(1) là một công trình nghiên cứu quy mô, dày dặn. Trong công trình nghiên cứu này, Catherine Bouthors – Paillart đề cập đến hai chủ đề chính: cấu trúc và hình ảnh của lai chủng trong cuộc đời và tác phẩm của Marguerite Duras; lai ngôn từ trong cách viết của nhà văn.
Ở Việt Nam, Phùng Văn Tửu là một trong những nhà nghiên cứu viết khá công phu về Marguerite Duras. Trong công trình “Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ XXI”, Phùng Văn Tửu đã dành nhiều trang để nói về cuộc đời và tác phẩm của bà, ghi nhận những đóng góp to lớn của bà cho nền văn chương Pháp(2).
Một số hội thảo về Marguerite Duras đã được tổ chức tại Việt Nam. Ngày 17/11/2008, cuộc hội thảo “Marguerite Duras: Viết kịch bản phim” đã được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace nhân dịp tác phẩm “Người tình Hoa Bắc” của bà được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Đây là một tác phẩm pha trộn giữa thể loại tiểu thuyết và kịch bản điện ảnh. Hội thảo đề cập nhiều đến nghệ thuật viết kịch bản phim của nữ nhà văn, trong sự tương chiếu vào những tác phẩm tiểu thuyết của bà.
Ngày 26/1/2010, tại Hà Nội, một cuộc hội thảo khác về Marguerite Duras cũng đã được tổ chức, thu hút nhiều nhà nghiên cứu tham dự, trong đó đáng chú ý có bài viết “Nỗi đau trong tác phẩm của Marguerite Duras” của Isabelle Mizzi, đã được đưa lên tạp chí eVan (3).
Tại TPHCM, vào ngày 23/3/2010, một cuộc tọa đàm khoa học với chủ đề “Marguerite Duras với Việt Nam” đã diễn ra tại Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp (IDECAF). Tọa đàm tập trung ý kiến thảo luận xoay quanh tác phẩm “Người tình” và bàn về vấn đề “Tìm hiểu tính tự sự trong các tác phẩm văn học của Marguerite Duras”, nhằm giúp những độc giả yêu văn chương hiểu thêm về nội dung tác phẩm, những sự thật và những hư cấu tạo thành bầu không khí đặc thù riêng của tiểu thuyết của bà.
Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Duras và nhân tái bản bằng tiếng Việt tác phẩm “Người tình”, Trung tâm Văn hóa và Hợp tác Pháp, Công ty Nhã Nam, Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp (IDECAF) và khoa Pháp văn trường ĐH KHXH&NV tại TPHCM có tổ chức hội thảo về tuổi thơ của Marguerite Duras tại Việt Nam. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có một số cuộc hội thảo và những hoạt động văn hóa khác để tôn vinh nhà văn.
Nhìn chung, Marguerite Duras được biết đến nhiều và được yêu mến ở Việt Nam. Bà là một trong những tác giả hiếm hoi của Pháp viết về thời thực dân ở Đông Dương với những ký ức dịu dàng và tốt đẹp về một miền đất gần gũi, thân thuộc như là quê hương thứ hai, nơi mà một phần đời quan trọng của bà đã trôi qua ở đấy.
1. MỘT QUÃNG ĐỜI ĐÔNG DƯƠNG
Năm 1914, Marguerite Duras được sinh trên mảnh đất Gia Định. Tên thật của Marguerite Duras là Marguerite Donnadieu. Nhưng bà không thích cái họ Donnadieu của mình và sau này khi viết tiểu thuyết, bà đã đổi họ thành Duras. Duras là tên một vùng đất ở miền Lot-et-Garonne, nơi cha bà ra đời.
Cha và mẹ của Marguerite Duras đều là giáo viên. Cũng có tài liệu ghi cha của bà, ông Henri Donnadieu là một viên chức. Cuộc hôn nhân này đều là cuộc hôn nhân lần thứ hai của họ. Hai người đều từng có một lần góa bụa. Hai ông bà đã rời bỏ nước Pháp sang Đông Dương làm ăn, với hy vọng sẽ có một cuộc sống khá giả nơi xứ thuộc địa. Họ đã gặp nhau chính trên mảnh đất này. Tuy vậy, mọi điều đã không diễn ra như mong ước của họ và điều đó được phản ánh rất rõ nét trong những tác phẩm về sau của Marguerite Duras.
Ký ức về người cha của Marguerite Duras hầu như không rõ ràng bởi ông đã qua đời khi bà mới lên bốn tuổi. Catherine Bouthors – Paillart cho rằng ông mất năm Marguerite bảy tuổi rưỡi. Chính người mẹ, một giáo viên tiểu học và là nữ hiệu trưởng của trường École De Jeunes Filles tức trường Tiểu học Trưng Vương ở Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp ngày nay, mới là hình ảnh xuất hiện trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của Marguerite Duras. Gia đình không sung túc lắm, nếu như không muốn nói là khó khăn. Ở lứa tuổi nửa người lớn, nửa trẻ con, Marguerite đã gặp một người đàn ông Trung Hoa, anh Huỳnh Thủy Lê, con trai một gia đình điền chủ giàu có tại Sa Đéc trên một chuyến phà đi ngang qua một nhánh sông Mekong trên đường lên Sài Gòn học ở một trường nữ nội trú. Người đàn ông Trung Hoa đó sau này trở thành nhân vật chính trong hai cuốn tiểu thuyết Người tình và Người tình Hoa Bắc của bà.
Năm 18 tuổi, Marguerite Duras quay trở về Pháp. Bà theo học toán, luật và chính trị học. Sau đó từ năm 1935 đến năm 1941, bà làm thư ký tại Bộ Thuộc địa. Năm 1939, bà kết hôn với nhà thơ Robert Antelme. Cũng năm đó, bà gặp Dionys Mascolo, sau này trở thành người tình của bà. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, vợ chồng Marguerite tham gia kháng chiến chống Đức và đến năm 1944 thì chồng bà, Robert Antelme bị bắt vào trại tập trung, nhưng may mắn sống sót. Năm 1946, họ ly dị nhau.
Cuộc đời của Marguerite Duras trôi qua cũng tựa như một quyển tiểu thuyết. Bà viết khá nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ chính cuộc đời của mình, viết về những nỗi đau, về rượu, về sự loạn luân, về nỗi buồn, sự cô độc… Những năm cuối đời, bà có một mối tình ồn ào và kỳ lạ với chàng trai Yann Andréa, một người kém bà đến 38 tuổi. Khi bà mất, Yann Andréa trở thành người thừa kế di sản của bà về mặt tinh thần. Ông viết hồi ký về bà, tham gia vào những buổi đọc tác phẩm của bà ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Marguerite Duras qua đời ngày 3 tháng 3 năm 1996 tại Paris. Ngôi mộ của bà hiện nằm ở nghĩa trang Montparnasse.
Marguerite Duras bắt đầu nổi tiếng trong làng văn chương Pháp với cuốn sách mang tính chất tự truyện « Un barrage contre le Pacifique” (Rào chắn Thái Bình Dương). Bà đã viết khoảng 40 cuốn tiểu thuyết và 10 vở kịch. Thời gian đầu bà viết tiểu thuyết theo lối truyền thống như « Les Impudents », 1943 (Những kẻ vô sỉ), ‘La vie Tranquille », 1944 (Cuộc đời bình yên), “Un barrage contre le Pacifique”, 1944 (Rào chắn Thái Bình Dương), “Le Marin de Gibraltar”, 1952 (Người thủy thủ ở Gibraltar). Sau đó, bà bước sang một giai đoạn sáng tác mới, với nhiều tìm tòi đổi mới về mặt kỹ thuật tiểu thuyết và được vinh danh như là một trong những cây bút trong phong trào Tiểu thuyết Mới của Pháp. Một vài tác phẩm tiêu biểu của bà trong thời kỳ này như ‘Moderato Cantabile’, 1958 (Nhạc điệu du dương trầm bổng), « Dix heures et demie du soir en été”, 1960 (Mười giờ rưỡi đêm hè), “Le ravissement de Lol V. Stein”, 1964 (Nỗi đắm say của Lol V. Stein), « L’Amour”, 1971 (Tình), “L’Amant”, 1984 (Người tình)… Đỉnh cao trong sáng tác của bà có lẽ là tác phẩm « Người tình » đoạt giải Goncourt năm 1984. Tác phẩm này được dịch ra hơn 40 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt và được đạo diễn Pháp nổi tiếng Jean – Jacques Annaud dựng thành phim năm 1992, với bối cảnh quay ở Việt Nam. Đạo diễn Pháp được đánh giá là có tài trong thế hệ của ông và Jean – Jacques Annaud đã thành công trong việc đưa hương vị phương xa vào một bộ phim dễ làm mê hoặc lòng người. Jane March trong vai cô gái Pháp mười bảy tuổi, còn ngỡ ngàng với điện ảnh, thật ra lại đóng đạt hơn cả Tony Leung (Lương Gia Huy) trong vai người đàn ông Trung Hoa, nhưng có lẽ một phần cũng vì ngoại hình phù hợp với nhân vật cô gái trong truyện, nhờ ánh mắt và gương mặt khá biểu cảm. Cảnh cô gái Pháp mười lăm tuổi, dáng mong manh, nhưng ánh mắt già dặn hướng về phía dòng sông trên chuyến phà buổi sớm là một cảnh ấn tượng. Có điều gì đó trong ánh mắt ấy như nói rằng tôi không sinh ra ở đây, nhưng tôi thuộc về mảnh đất này. Ánh mắt ấy lại trống rỗng, vô hồn khi chứng kiến đám cưới qua sông của người tình Hoa kiều. Cảnh cuối phim, khi cô gái lên tàu về Pháp cũng là cảnh dễ khiến ai đa cảm phải sụt sùi đôi chút. Từ vẻ mặt có vẻ khinh khỉnh, bất cần, đến sự tức giận và cuối cùng là bật khóc, còn ở góc khuất đằng xa kia, một chiếc ô tô đang đậu và một người đàn ông trong đó… Nhà văn Sơn Nam, một người viết nhiều về đất Nam Bộ xưa được mời làm cố vấn cho phim. Cảnh tại ngôi nhà của chàng công tử Hoa kiều được quay ở một ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi tại Bình Thủy, Cần Thơ. Đây cũng là bối cảnh của nhiều phim truyền hình có cảnh Nam Bộ xưa. Đâu đó tại miền Tây vẫn còn lưu lại những ngôi nhà như thế, chứng tích của một thời thuộc địa với những điền chủ giàu có và những “công tử Bạc Liêu” đốt tiền mua vui cho người đẹp.
Trong số bộ ba tiểu thuyết viết về Đông Dương: “Rào chắn Thái Bình Dương”, “Người tình” và “Người tình Hoa Bắc” thì chỉ có hai tác phẩm “Người tình” và “Người tình Hoa Bắc” là đề cập trực tiếp đến vùng đất Nam Kỳ lục tỉnh. “Rào chắn Thái Bình Dương” lấy bối cảnh ở Campuchia, kể về những nỗ lực tuyệt vọng của một người phụ nữ da trắng cùng hàng trăm người nông dân quyết chí xây một con đập để bảo vệ khu đất chua mặn của mình trước sóng dữ Thái Bình Dương. Nhưng trong một đêm, một cơn lũ lớn của biển cả đã phá tan tành con đập, cuốn trôi mọi ước mơ và hy vọng của người phụ nữ da trắng cùng gia đình đến nơi đây tìm miền đất hứa.
2. KÝ ỨC VỀ TÌNH YÊU, MẢNH ĐẤT VÀ NHỮNG CON NGƯỜI
Người tình đầu đời, người đàn ông Trung Hoa là hình ảnh xuyên suốt hai tác phẩm « Người tình » và « Người tình Hoa Bắc » của Marguerite Duras. Người đàn ông đó là biểu tượng cho một phương Đông xa xôi, huyền ảo, cuốn hút, đủ sức hấp dẫn bất kỳ người phụ nữ nào.
Đọc “Người tình” của Marguerite Duras, nhưng ít ai cảm được “Người tình” nếu không có chút hiểu biết về mảnh đất Nam Kỳ thuộc Pháp ngày xưa.
Sẽ không hiểu được “Người tình” nếu không có dịp đi ngang qua những chuyến phà trên sông Tiền, sông Hậu. Cũng sẽ không hiểu được “Người tình” nếu chưa một lần đặt chân đến những thị xã (nay phần lớn đã là thành phố) nhỏ nhắn, xinh đẹp, yên bình của miền Tây Nam Bộ, vốn là miền đất Nam Kỳ lục tỉnh ngày xưa, chưa một lần đặt chân đến những dãy phố cổ ồn ào trong khu Chợ Lớn.
Và cũng sẽ lạ lẫm với “Người tình” nếu chưa hiểu gì về tiểu thuyết theo kiểu tiểu thuyết Mới của Pháp, pha trộn với dư vị của tiểu thuyết dòng ý thức. Tin chắc là như vậy. Hoặc giả họ có hiểu “Người tình”, thì cũng sẽ không hiểu hết cái cảm giác thân quen gần gũi mà xa xôi diệu vợi mà “Người tình” đã gợi nên. Cái bầu không khí uể oải nhục cảm, thấm đẫm mùi hương tình ái, cái ngột ngạt của mảnh đất nhiệt đới phương Nam. Thân quen gần gũi với người Việt vì chúng ta đều biết đến mảnh đất đó, nhưng xa lạ với chúng ta vì mọi điều kể lại được nhìn qua mắt của một người – đàn – bà – trẻ – con (chứ không phải là một thiếu nữ) của một dân tộc khác đang đóng vai người cai trị mảnh đất này.
Ngôi nhà cổ ở Sa Đéc, Đồng Tháp gắn liền với cuộc đời nhà văn Marguerite Duras và bộ phim “Người tình”
Còn hơn là một tiểu thuyết, “Người tình” chính là một lời tâm sự đẹp đẽ, một hồi ức của “tuổi hoa” (mượn chữ của Marcel Proust với cuốn tiểu thuyết “Dưới bóng những cô gái tuổi hoa”), một mảnh đời kỳ lạ, một tình yêu mãi không thể quên của nữ văn sĩ Pháp tài danh, như lời của chính bà trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tuần báo Le Nouvel Observateur: “Tôi không thể giải thích được rõ rệt tại sao, chỉ cảm thấy nơi chốn chào đời ấy, với tuổi nhỏ và tuổi trẻ tôi ở đó, càng về cuối đời càng trở thành một hiện tại sáng rỡ trong tôi, như đó là bản mệnh tôi, như chính phần đời xa thẳm ấy tạo ra tất cả những phần đời của tôi sau nó. Và điều lạ lùng, cuốn sách này còn như một chiếu sáng, một cắt nghĩa cho tất cả những cuốn sách tôi đã viết ra.” (4).
Giải Goncourt năm 1984 là sự tưởng thưởng xứng đáng cho thiên tiểu thuyết đậm màu sắc tự sự ấy.
Nhưng “Người tình” không hề dễ đọc nếu không biết cách, nếu không nhập thân vào từng dòng chữ của Marguerite Duras. “Trong “Người tình”, Marguerite Duras, với một giọng tự tại, đã trở lại với những hình ảnh và chủ đề vẫn ám ảnh tất cả tác phẩm của bà… Cần phải đọc những đoạn hay nhất trong “Người tình” cho cao giọng. Ta sẽ cảm nhận được tốt hơn nhịp điệu, sự nhấn nhá, cái hơi thở thầm kín của văn xuôi, những bí mật tinh tế của nhà văn. Ngay từ những dòng đầu tiên của truyện đã rạng ngời nghệ thuật và tài khéo của Duras, sự tự do của bà, sự thách thức của bà, những cuộc chinh phục suốt ba mươi năm để đạt đến việc viết được cái ngôn ngữ dịu nhẹ, trung tính, gấp gáp và cả ám ảnh này nữa, cái ngôn ngữ có khả năng nắm bắt tất cả các sắc thái, và đuổi kịp tốc độ chính xác của suy nghĩ và những hình ảnh. Một chủ nghĩa hiện thực cực điểm (ta nhìn được dòng sông; ta nghe thấy những âm thanh của Chợ Lớn sau lớp cửa chớp trong căn hộ độc thân của anh chàng người Hoa), và cùng lúc là một dạng của giấc mơ được đánh thức, của cuộc sống được mơ mộng, một ác mộng của cuộc đời: loại văn xuôi không giống bất kỳ nơi đâu này có được một hiệu quả tuyệt diệu. Sự hiện đại, sự chân thực và những độc đáo của nó đều phi thời, ở ngoài mọi phong cách, mọi kiểu mẫu.” Francois Nourissier – nhà báo kiêm nhà văn, thành viên ban giám khảo giải Goncourt đã phát biểu như vậy(5).
Marguerite Duras quả thật là một tài năng đa dạng. Bà viết những thiên tiểu thuyết đầy mê hoặc, tự tay chuyển thể chúng thành kịch bản phim. Bà cũng trực tiếp sáng tác cả kịch bản phim. Bộ phim kinh điển “Hiroshima mon amour”, 1959 (Hiroshima tình yêu của tôi) là kịch bản phim đỉnh cao của Marguerite Duras. Bà còn tham gia vào hoạt động sân khấu. Lĩnh vực nào, bà cũng gặt hái thành công. Ngôn từ của văn chương khác phim, cũng khác cả sân khấu. Nhưng ở Marguerite Duras chúng đều là một, hòa trộn vào nhau, tạo thành một giọng đặc biệt, không thể lẫn với ai khác và điều này xác lập cho bà một vị thế riêng biệt trong nền văn chương Pháp thời hiện đại có quá nhiều ngôi sao sáng. Không viết những câu dài, thường xuyên để cho giọng kể chuyện xuất hiện như những lời thì thầm bất tận, giọng văn của Marguerite Duras lúc đầu làm cho người đọc cảm thấy mơ hồ, rối rắm khó hiểu, nhưng khi đã quen thì lại thấy thích thú với sự liên miên không dứt của nó, giống như những cảnh liên tiếp trong phim diễn ra không ngừng nghỉ, đập vào thị giác của người xem.
Đọc tác phẩm “Người tình Hoa Bắc”, độc giả thấy rõ những dấu vết cố tình của một kịch bản phim, những chỉ dẫn, chú thích, kiểu như:
“Trong trường hợp làm phim ta có thể lựa chọn. Hoặc là dừng lại ở khuôn mặt người mẹ kể chuyện không nghe rõ tiếng. Hoặc là ta thấy chiếc bàn và những đứa trẻ qua lời kể của bà mẹ. Tác giả thích đề nghị thứ hai này hơn…
Trong trường hợp làm phim từ cuốn sách này, không nên chọn cô bé chỉ có vẻ đẹp thuần túy. Có thể điều này sẽ gây nguy hiểm cho bộ phim. Có một cái gì đó khác thể hiện trong cô, cô bé, “một thứ khó tránh”, một sự tò mò hoang dã, một sự thiếu giáo dục, một sự thiếu, vâng, thiếu rụt rè…”(8)
Một cô gái da trắng mười lăm tuổi rưỡi gặp một chàng trai Hoa kiều, nguyên mẫu là anh Huỳnh Thủy Lê, con trai út của điền chủ Huỳnh Cẩm Thuận ở Sa Đéc trên một chuyến phà qua sông. Họ là sự tương phản, quá đỗi tương phản. Từ màu da, từ tuổi tác, từ cung cách sống. Nàng là người Pháp thuộc về giai cấp thống trị đất nước này, nhưng nàng là một Pháp kiều nghèo, và chàng, người đàn ông da vàng lại quá ư giàu có. Và rồi họ yêu nhau. Không một lời giải thích tại sao tình yêu lại nảy sinh. Không một lời giải thích tại sao họ lại bị cuốn hút vào nhau không thể cưỡng lại được. Có thể vì dòng sông Cửu Long cứ trôi uể oải, có thể vì bầu trời thuộc địa oi bức, có thể vì làn gió xứ nhiệt đới ngột ngạt, có thể vì những đường phố Sài Gòn hoa lệ làm người ta chợt mất tự tin và người ta cần tìm một ai đó để bám víu, có thể vì những con phố Tàu ồn ào, náo nhiệt, và có thể vì cô gái có gương mặt của thiếu nữ mười lăm tuổi và tâm hồn của một thiếu phụ khát khao nhục cảm ái tình. Cũng có thể vì chàng công tử Sa Đéc với vẻ ngoài của người đàn ông từng trải, giàu có, lịch lãm với bộ Âu phục và chiếc ô tô đắt tiền thật ra lại có trái tim yếu đuối và dễ bị tổn thương.
Năm tháng qua đi, nhưng dư âm mối tình ấy còn lại mãi. Còn lại để đủ Marguerite viết thành hai thiên tiểu thuyết được ngợi khen: “Người tình” và “Người tình Hoa Bắc”. Đủ để cho sáu mươi năm sau, người tình năm xưa ấy vẫn rụt rè cất tiếng trong điện thoại với người – phụ – nữ – trẻ – con: “Và rồi anh không còn biết nói gì với cô nữa. Và rồi anh đã nói với cô. Anh nói rằng mọi sự vẫn như trước, rằng anh vẫn yêu cô, rằng anh không bao giờ có thể ngừng yêu cô được, rằng anh sẽ yêu cô cho đến chết.” (6)
Nhà văn Rudyard Kipling (cha đẻ của cậu bé Mowgli người sói) có một câu thơ rất nổi tiếng cách đây hơn một thế kỷ:
“Ôi, phương Đông là phương Đông, phương Tây là phương Tây, và hai bên sẽ chẳng thể bao giờ gặp nhau,
Cho đến khi Đất Trời có mặt tại Tòa phán xử tối cao của Thượng Đế;
Nhưng sẽ chẳng có Đông cũng chẳng có Tây, chẳng có Ranh giới, chẳng có Giống nòi, cũng chẳng có Sinh sôi,
Khi hai người đàn ông mạnh mẽ đứng đối diện nhau, dù họ đến từ những nơi tận cùng của Trái đất!”
Khác với suy nghĩ của Kipling cho rằng Đông và Tây sẽ bị xóa nhòa “khi hai người đàn ông mạnh mẽ đứng đối diện nhau”, chúng ta có thể đơn giản cho rằng ranh giới giữa Đông và Tây có thể xóa nhòa bằng một phương cách đơn giản hơn, cổ xưa hơn, huyền bí hơn và mạnh mẽ hơn. Đó là tình yêu giữa một người đàn ông và một người đàn bà. “Người tình”, đơn giản chỉ là một tình yêu như thế, tình yêu vượt lên những quy tắc và ranh giới thông thường.
Một năm sau khi ông Huỳnh Thủy Lê qua đời, năm 1991, tác phẩm “Người tình Hoa Bắc” ra đời. Một lần nữa trong tâm hồn người đàn bà da trắng lại sống dậy những ký ức có từ hơn nửa thế kỷ qua. Lối viết có nhiều khác biệt hơn, pha trộn tính chất kịch bản phim, nhân vật được xây dựng với cá tính mạnh mẽ hơn. Thế nhưng vẻ đẹp của miền đất Nam Kỳ lục tỉnh vẫn được tái hiện vẹn nguyên, tưởng như mới ngày hôm qua. Đó là những đêm mùa khô, những cơn gió mùa, những âm thanh của đêm, tiếng người nói, tiếng gọi trâu, đồng ruộng mênh mang, xóm ghe thuyền… Và trên tất cả là lời dặn dò của bà mẹ với những người con. “Bà cũng nhắc nhở chúng rằng cái xứ sở Đông Dương này là Tổ quốc của chúng, những đứa trẻ ấy, những đứa con của bà. Rằng chúng được sinh ra ở nơi ấy, rằng cũng ở nơi ấy bà đã gặp cha chúng, người đàn ông duy nhất mà bà yêu”(7). Bằng tác phẩm của mình, Marguerite Duras đã lưu lại một phần dấu ấn văn hóa của mảnh đất Nam kỳ lục tỉnh những năm đầu thế kỷ XX. Không ai biết chắc trong tác phẩm của bà có bao nhiêu phần trăm tự truyện và tình yêu với người đàn ông Trung Hoa có thật đến mức nào. Nhưng có một điều chắc chắn, đó là tình yêu của Marguerite Duras đối với miền đất này là có thật.
Tuy vậy, bao phủ hai tác phẩm “Người tình” và “Người tình Hoa Bắc” lại là một bầu không khí ngột ngạt và buồn chán. Ngay cả những Pháp kiều dường như vẫn chưa thoát ra được sự ám ảnh, nỗi cô độc, như là một sự phản ứng tâm lý đối với những điều mà chính phủ của họ đã gây ra ở xứ sở thuộc địa này, được biểu hiện rõ nét nhất thông qua nhân vật bà mẹ, một con người tuyệt vọng, có lúc mạnh mẽ nhưng lại có lúc yếu đuối vô cùng. Và chính bản thân tác giả Marguerite Duras cũng không thể tránh khỏi cảm giác này.
Trong những cuộc trả lời phỏng vấn, Marguerite Duras cho biết trong suốt thời thơ ấu ở Việt Nam, bà đã sống với những đứa trẻ gầy gò da vàng, với những người phục vụ bản xứ hiền lành nhiều hơn hẳn với cộng đồng da trắng. Những khó khăn về vật chất, hoàn cảnh thấp kém của gia đình, người mẹ chỉ đi dạy những trẻ em bản xứ, đã khiến cho gia đình Marguerite Duras sống tách biệt với những gia đình da trắng khác. Họ quá nghèo so với những chủ đồn điền giàu có, những viên chức Pháp phong lưu, nhưng họ lại chưa đến nỗi đói ăn lam lũ như những người dân bản xứ. Vì vậy, họ tồn tại chênh vênh trên ranh giới giữa hai cộng đồng. Nhưng cũng chính vì vậy, họ không xa lạ với đời sống của người bản xứ và ở một chừng mực nào đó, họ cảm thấy xứ sở này là một phần trong đời sống của họ.
Với hai tác phẩm “Người tình” và “Người tình Hoa Bắc”, tình yêu chỉ là một cái cớ, một sự khởi đầu cho những ký ức và nỗi nhớ mênh mông về những con người, về vùng đất miền Nam xa xôi diệu vợi, nhưng có một phần đời của một người phụ nữ da trắng, sau này là nhà văn nổi tiếng nước Pháp đã trôi qua ở đấy. Miền đất này, với vẻ đẹp riêng của nó, đã chinh phục được những người đến đây dù họ đến với tư cách thực dân. Dưới cái nhìn của Marguerite Duras, ký ức về miền đất này mãi mãi là một ký ức đẹp và khó phai, cho dù bà có một tuổi thơ bất hạnh và tủi buồn.
Chú thích:
(1) Xem Bouthors – Paillart, Catherine. “Duras người đàn bà lai”. Hoàng Cường dịch. NXB Văn học, Hà Nội, 2008.
(2) Xem Phùng Văn Tửu. “Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ XXI”, NXB TPHCM, 2001.
(3) Xem http://evan.vnexpress.net/.
(4) Theo Đinh Phương Linh. “Có một Việt Nam trong người tình Duras”. http://www.vietnamnet.vn/.
(5) Theo Đinh Phương Linh. “Có một Việt Nam trong người tình Duras”. http://www.vietnamnet.vn/.
(6) Duras, Marguerite. “Người tình”. Lê Ngọc Mai dịch. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010, trang 177.
(7) Duras, Marguerite. “Người tình Hoa Bắc”. Lê Hồng Sâm dịch. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2008, trang 41.
(8) Duras, Marguerite. “Người tình Hoa Bắc”. Lê Hồng Sâm dịch. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2008, trang 33, 93.
Tài liệu tham khảo:
1. Bouthors – Paillart, Catherine. “Duras người đàn bà lai”. Hoàng Cường dịch. NXB Văn học, Hà Nội, 2008.
2. Crowley, Martin. “Duras, Writing, and the Ethical”. Oxford University Press, 2000.
3. Duras, Marguerite. “Rào chắn Thái Bình Dương”. Thanh Phương dịch. NXB Văn nghệ TPHCM, 1995.
4. Duras, Marguerite. “Người tình Hoa Bắc”. Lê Hồng Sâm dịch. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2008.
5. Duras, Marguerite. “Tình”. Nguyễn Giáng Hương dịch. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009.
6. Duras, Marguerite. “Người tình”. Lê Ngọc Mai dịch. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010.
7. Marguerite. “Viết”. Trần Văn Công dịch. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010.
8. Phùng Văn Tửu. “Tiểu thuyết Pháp hiện đại – những tìm tòi đổi mới”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tái bản 1992.
9. Phùng Văn Tửu. “Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ XXI”, NXB TPHCM, 2001.
10. White, Edmund. “In love with Duras”. The New York Review of Books. http://www.nybooks.com/.
10/3/2022
Marguerite Duras
Hà Thanh Vân dịch
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm Quýt, quê xa

Xóm Quýt, quê xa… “Tháng chạp, quýt to bằng nắm tay trẻ nhỏ, da bóng lưỡng như ướt mỡ. Khi ấy gió dịu, trời ửng hồng sáng trong, nắng mới ...