Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

Đối thoại với những ý thức khác

Đối thoại với những ý thức khác

Thế nào là tôn trọng ý thức kẻ khác trong phê bình văn học? Theo tôi, với Hoàng Thụy Anh, là không lấy kinh nghiệm (có thể trở thành) bảo thủ của bản thân để áp đặt giá trị khiên cưỡng lên ý thức người khác, đầu tiên ở đây là ý thức của người được/bị phê bình…
Nếu thật sự có một chàng Adam như trong huyền thoại, là con người đầu tiên được Chúa tạo ra trên cõi đời, thì đó cũng là lần duy nhất trong lịch sử nhân loại mà lời nói có tính đơn thanh. Còn nếu đơn giản đó chỉ là huyền thoại, thì kể từ khi con người biết tư duy và sống trong ngôn ngữ, không thể có lời khởi nguyên. Mỗi đối tượng được lời nói hướng tới, giữa mọi lĩnh vực đời sống, đều đã trải qua vô số lần được đề cập, bàn luận, đánh giá,…
Mỗi vấn đề được con người nhận thức đều đã tồn tại từ trước đó (và sẽ tiếp tục tồn tại về sau) trong trạng thái tương giao không ngừng giữa các luồng ý thức. Do đó, khi phát ngôn về một đối tượng bất kì, lời nói mặc nhiên không thể là một ý hướng trực tiếp và trong suốt, mà nó đồng thời là sự gợi nhắc và đối thoại với lập trường kẻ khác. Ý thức về kẻ khác trong định hướng đối thoại là phương thức tồn tại của mọi diễn ngôn. Chính ý thức về kẻ khác xác lập sự hiện hữu của tôi. Chân lí chỉ hiện diện trên đường biên đối thoại giữa tôi và kẻ khác. Trong tương tác ý thức với kẻ khác, tôi không chỉ tìm thấy cái khác từ ngoại giới, mà còn khám phá và thể nghiệm những cái khác nội tại, cái khác của chính tôi.
Từ sự gợi mở nói trên của lí thuyết đối thoại được Mikhail Bakhtin (1895 – 1975) và các cộng sự đề xuất vào những thập niên đầu thế kỉ XX, tôi cho rằng, cuốn tiểu luận phê bình mới nhất của tác giả Hoàng Thụy Anh Phê bình văn học và ý thức cái khác đã cho thấy một lập trường đối thoại trong diễn ngôn phê bình văn học: khởi đi từ sự tôn trọng ý thức kẻ khác để trải nghiệm cái khác của chính mình.
Thế nào là tôn trọng ý thức kẻ khác trong phê bình văn học? Theo tôi, với Hoàng Thụy Anh, là không lấy kinh nghiệm (có thể trở thành) bảo thủ của bản thân để áp đặt giá trị khiên cưỡng lên ý thức người khác, đầu tiên ở đây là ý thức của người được/bị phê bình. Muốn vậy, trước hết, đối tượng phải quyết định phương pháp. Tôi vẫn tin, mỗi nhà nghiên cứu chỉ có thể toàn tâm chuyên sâu một (ít) lí thuyết, và tương ứng với nó là, một (ít) hướng tiếp cận đối tượng. Song, nhà nghiên cứu có quyền (cũng là nghĩa vụ) tiếp thu những phương diện khả thủ từ các hướng tiếp cận khác nhằm bổ khuyết cho lí thuyết sở trường, mở rộng năng lực chiếm lĩnh giá trị thẩm mĩ. Vấn đề người nghiên cứu phải đối mặt là làm sao để việc kết hợp lí thuyết không biến công trình trở thành một thứ hỗn-độn-lí-thuyết. Hoàng Thụy Anh giải quyết được vấn đề này. Tư cách học thuật của chị chính thức định hình từ chuyên luận Thơ Hoàng Vũ Thuật – nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson (Nxb Hội Nhà văn, 2010), và cho đến nay, điểm tựa lí thuyết của Hoàng Thụy Anh vẫn là thi pháp học (không chỉ của hình thức luận). Nhưng để tương thích với đối tượng, tùy trường hợp, các thao tác nền tảng của thi pháp học có thể được liên kết với phong cách học, kí hiệu học, phân tâm học, nữ quyền luận/lí thuyết giới, phê bình sinh thái,… Chẳng hạn, với tiểu luận “Song tử” và những cơn rung-chấn-tình của người đàn bà thơ, ý thức phái tính trong cách ứng xử của thi nhân trước tình yêu và những nỗi cô đơn bản thể là cái đích triết luận mà nhà phê bình hướng đến, song ý thức đó chỉ được sáng rõ thông qua những cặp đôi tương đồng hoặc tương phản có chức năng kiến tạo cấu trúc bề sâu về ý nghĩa cho văn bản thơ. Phát hiện cấu trúc bề sâu và kết nối nó với ý nghĩa chỉnh thể là công việc của thi pháp học. Sự nhìn nhận giá trị của cấu trúc bề sâu trong việc phát lộ một ý thức phái tính lại mang âm hưởng của lí thuyết giới. Tất nhiên, trong nghiên cứu cụ thể của Hoàng Thụy Anh, hai mặt này xoắn quyện vào nhau không thể phân tách rạch ròi. “Song tử” và những cơn rung-chấn-tình của người đàn bà thơ là một trong những tiểu luận về thơ hay nhất của chị, tôi chỉ tiếc giá như chị có thể kết dính hơn nữa hai chủ đề tình yêu và cô đơn trong thơ Như Quỳnh de Prelle.
Phê bình văn học và ý thức cái khác – tập tiểu luận phê bình của Hoàng Thụy Anh, Nxb Văn học, 2018.
Phương pháp tiếp cận phong phú, kết hợp đa dạng và linh hoạt nhiều lí thuyết trên cơ sở một lí thuyết nền giúp Hoàng Thụy Anh vừa tiệm cận giá trị tự thân của đối tượng, vừa phát huy được thế mạnh riêng của nhà nghiên cứu. Vì ý thức được cái khác của đối tượng trong tương quan với những lối quen phương pháp của mình, nhà nghiên cứu có cơ hội mở ra thêm nhiều thể nghiệm thẩm mĩ được dẫn bước từ các lí thuyết mới.
Tôn trọng ý thức kẻ khác trong phê bình văn học, với Hoàng Thụy Anh, còn là đọc kĩ, chú ý vào chi tiết, viết bằng đam mê, để từ đó đồng sáng tạo/diễn giải. Lần giở những tiểu luận phê bình của chị, tôi luôn có một ý nghĩ vẩn vơ và tếu táo về những trang sách qua tay chị: có lẽ chi chít những gạch chân, đánh dấu, ghi chú, tẩy xóa,… Quả thực, Hoàng Thụy Anh đọc rất kĩ. Đọc đi đọc lại nhiều lần chưa chắc đã là đọc kĩ. Ưu thế của chị là khả năng phát hiện tài tình và diễn giải tinh tế các chi tiết trong tác phẩm. Thơ, đã đành. Tiểu thuyết, cũng thế. Sa đà vào chi tiết dễ khiến nghiên cứu trở nên vụn rời nếu người cầm bút không có tư duy hệ thống. Với kinh nghiệm cá nhân, lần đọc thứ nhất cho tôi ý tưởng tổng thể; từ lần thứ hai, các yếu tố (trong đó có chi tiết) bắt đầu được ráp nối. Không biết Hoàng Thụy Anh có như thế? Chỉ biết, những chi tiết được chị lẩy ra từ tác phẩm phần nhiều là tiêu biểu, xác đáng, và đều quy về ý tưởng lớn xuyên suốt mỗi tiểu luận.
Phê bình có điểm tựa lí thuyết thường tạo nên một độ nặng và gai góc cho bài viết, khiến nó phải chịu sự e dè, thậm chí ruồng rẫy của ngay những người sáng tác văn học (hình như chỉ trừ tác giả của đối tượng được nghiên cứu). Song ở các tiểu luận phê bình của Hoàng Thụy Anh, tôi không cảm thấy sự nặng nề. Lí thuyết chỉ mở ra một trời bay, còn người viết thoải mái và mê đắm vút đi trong những nghĩ suy, đồng sáng tạo cùng con chữ, của văn bản và của chính mình. Hành vi đọc của Hoàng Thụy Anh song hành với đam mê đồng sáng tạo. Trang viết của chị lại tràn đầy cảm xúc, kết hợp với một nội lực ngôn ngữ dồi dào. Tất cả điều đó có ý nghĩa quan trọng giúp tác phẩm không trở thành thứ cổ vật bị khảo cứu, mà hiện lên sinh động, hấp dẫn. Sau đây là một đoạn viết kết tinh được rất nhiều phẩm chất đáng quý của nhà phê bình Hoàng Thụy Anh, với trường hợp Kể xong rồi đi của Nguyễn Bình Phương: “Có thể nói, dòng tâm tư vô định của “tớ” khi được tưới tắm bằng những câu văn đầy chất thơ tự thân đã góp phần làm đa dạng hiện thực, mở ra một hiện thực mới, hiện thực linh ảo (mong manh), khác với hiện thực đang hiện hữu (xơ cứng), khác với hiện thực cõi vô thức (li tán), khác với hiện thực thời chiến (chết chóc) mà Nguyễn Bình Phương đã khéo léo cài cắm trong Kể xong rồi đi. Rõ ràng, cái bất thường đã lách sâu, ám khí lên cuộc sống một cách hiển nhiên. Vì thế, với các kiểu cấu trúc so sánh như trên, Nguyễn Bình Phương một mặt tăng giá trị biểu cảm cho câu văn, đem đến những cảm nhận thú vị về thế giới nội tâm đầy phức tạp của con người, mặt khác phản ánh sắc nét cái đa chiều của hiện thực. Âm thanh phồn tạp, trụi trần lồng trong men cảm xúc, đầy chất thơ qua ngòi bút của Nguyễn Bình Phương đã tự nhiên hóa tính lưỡng phân vốn có của cuộc sống”.
Tôn trọng ý thức kẻ khác trong phê bình văn học còn là nói lên được cái riêng khác của đối tượng, và nhờ đó, thể hiện được sự khác biệt trong cách đọc của chủ thể. Tôi khá ái ngại mỗi lần phải tiếp xúc với những văn bản phê bình hoa mĩ về câu chữ, hào phóng tụng ca, nhưng đến cuối cùng chẳng bật lên được đâu là cái mới của tác phẩm. Sáng tạo nghệ thuật chân chính, dù ít hay nhiều, luôn biến tác giả trở nên khác với chính mình (trừ tác phẩm đầu tay) và khác với những người còn lại. Phê bình văn học và ý thức cái khác của Hoàng Thụy Anh thể hiện rất rõ mối quan tâm về bản sắc làm nên cá tính sáng tạo, và cao hơn, phong cách sáng tạo của mỗi nhà văn qua từng tác phẩm. Ví như, đi tìm “nét riêng của Thái Hải trong hai trường ca Tôi tìm tôi và Bông nắng cuối ngàn”, nhà phê bình chú ý ở hai điểm: thứ nhất là ý thức của nhà thơ trong sử dụng động từ “không thiên về tạo độ nhòe cho câu chữ nhưng sự dân dã ấy lại phát ra lửa, gợi tinh thần sục sôi khi quánh vào nó âm vang lịch sử, khí chất kiên cường của người miền Trung”; thứ hai là cách sử dụng biểu tượng máu “không chỉ đẩy cái bi thương đến tột cùng; biểu trưng ý chí, quyết tâm của quân ta trong cuộc chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc; mà còn được nhà thơ nâng lên thành sự sống, gieo khắp đất trời”. Hai điểm này định vị trường ca Thái Hải giữa rất nhiều tên tuổi lớn như Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Thu Bồn, Nguyễn Trọng Tạo,…
Trong số 22 bài viết được hợp tuyển, Hoàng Thụy Anh còn dành riêng 4 bài cho việc phê bình công trình nghiên cứu của các tác giả Inrasara, Phan Tuấn Anh, Trần Huyền Sâm và Mai Thị Liên Giang. Có vẻ Hoàng Thụy Anh tình nguyện làm vai trò của người giới thiệu, đứng sang một bên để ý thức tác giả được toàn quyền lên tiếng. Nhưng thực ra, ngay trong sự lựa chọn và trình hiện ý tưởng của người khác cũng đã ngầm cho thấy một cách đọc, một định giá về đóng góp và giới hạn. Từ 4 bài viết này, ta thấy tỏa ra ở Hoàng Thụy Anh một niềm vui: được đọc, được lang thang trong ý tưởng của người khác, và được chia sẻ niềm vui ấy ra ngoài bản thân.
Đến với tập tiểu luận phê bình của Hoàng Thụy Anh, tôi như được lan truyền những rung-chấn-cảm-xúc, mượn theo cách nói của chị, để tiếp tục vun đắp những mê say, học hỏi, đồng cảm và đối thoại. Tôi mong cuốn sách có thể tạo ra tiếng vọng trên giàn hợp xướng đa thanh của những ý thức vẫn còn tìm thấy niềm vui nơi lãnh địa của nghệ thuật ngôn từ.
8/3/2022
Phan Trọng Hoàng Linh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm Quýt, quê xa

Xóm Quýt, quê xa… “Tháng chạp, quýt to bằng nắm tay trẻ nhỏ, da bóng lưỡng như ướt mỡ. Khi ấy gió dịu, trời ửng hồng sáng trong, nắng mới ...